“Nhập viện” tích cực
TGPSG-- Mới ngày nào chúng tôi được “nhập viện” (ngày 8/9/2021), thế mà đã gần được một tháng! Thời gian qua nhanh, nhưng cuộc sống con người dường như đang chậm lại. Con người cần sống chậm lại để có thể suy nghĩ, để có thể lắng nghe, bình tâm và để có thể nhận ra những bài học quý giá cho chính mình, qua biến cố đại dịch này.
Về khía cạnh tích cực, tôi nhận thấy mọi người đang quan tâm và liên đới với nhau nhiều hơn, nhận ra được những chân giá trị: giá trị nào là tạm thời, giá trị nào có tính vững bền. Từ “nhập viện” mà tôi dùng ở đây không mang tính tiêu cực theo nghĩa đen của nó, hay bi quan vì mình có bệnh. Nhưng “nhập viện” (trong ngoặc kép) mang lại một ý nghĩa tích cực và lành mạnh, vì chúng tôi, những thiện nguyện viên tôn giáo nói chung và Công giáo nói riêng đang hòa mình và lời mời gọi của đất nước, của Giáo hội để cùng cộng tác, góp phần nhỏ bé của mình trong việc giúp đỡ các bệnh nhân Covid-19.
Thời gian đầu, vì có vài bệnh lý nhỏ, lại chưa được tiêm mũi 2 vaccine, nên tôi được phân công ở Khoa Dinh dưỡng tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (Cơ sở 2, Bệnh viện Ung Bướu, Thành phố Thủ Đức). Công việc hằng ngày của chúng tôi là phân phát và vận chuyển thức ăn, sữa, nước, trái cây, đến các phân khoa, căn tin tại bệnh viện, rồi chuyển ra xe để được đưa đến các khách sạn, nơi có các nhân viên y tế và tình nguyện viên đang trú ngụ.
Thiết nghĩ, ở môi trường này, công việc nào cũng quan trọng, như bác sĩ Vinh, trưởng Khoa Cấp cứu ICU 1A tâm sự với tôi: “Ở đâu cũng phục vụ mà, cha nhỉ!” Dẫu làm ở Khoa Dinh dưỡng, nhưng mức độ lây nhiễm vẫn cao, bởi hằng ngày, chúng tôi tiếp xúc rất nhiều người. Tuy vậy, đây cũng là cơ hội giúp tôi quan sát và nhận ra được một điều quý báu, đó là: niềm vui, nụ cười rạng rỡ luôn hiện diện trên khuôn mặt của nhiều thiện nguyện viên và nhân viên y tế. Tôi được lắng nghe những kinh nghiệm, những câu chuyện và sự sẻ chia, tâm sự của họ. Dù làm việc trong môi trường khó khăn, nhưng ai cũng vui vẻ, lạc quan.
Sau hai tuần đầu làm ở Khoa Dinh dưỡng, tôi cũng đã được tiêm vaccine mũi 2; và với nguyện vọng bấy lâu nay, tôi được người hữu trách cho vào Khoa trong để phục vụ và tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân. Ở môi trường này, những bệnh nhân nói chung, cách riêng những người theo đạo Công Giáo, chắc chắn họ rất mong được gặp linh mục, tu sĩ nam nữ để được nâng đỡ, động viên, như bác sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19 chia sẻ:
“Khi bệnh nhân theo đạo Công Giáo có nguyện vọng muốn được an ủi, muốn được gặp các linh mục, tu sĩ, nhất là khi nguy tử, thì bệnh viện luôn sẵn sàng đáp ứng và tạo điều kiện cho các vị làm việc, động viên tinh thần và hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân.”
Gần hai tuần làm việc trong Khoa 9B, tôi trải nghiệm và cảm nhận được phần nào sự khó khăn của nhân viên y tế khi họ phải mặc đồ phòng hộ cá nhân trắng toát, hai lớp khẩu trang, ba đến bốn đôi găng tay, tấm chắn giọt bắn, vài lớp vớ chân… (không ăn, uống, vệ sinh, cởi đồ phòng hộ trong khi làm việc; thường một ca làm việc chừng 4-7 tiếng).
Tạ ơn Chúa đã cho tôi cơ hội tiếp cận, cảm nhận thực tế và sâu sát về sự khó nhọc của các nhân viên y tế tuyến đầu đã hy sinh nhiều ngày tháng, và sự trợ giúp của các thiện nguyện viên vì bệnh nhân. Tạ ơn Chúa đã cho tôi gặt hái được nhiều niềm vui, cơ hội được phục vụ, bài học giá trị từ các nhân viên y tế và các bạn thiện nguyện viên cũng như từ các bệnh nhân Covid-19, như lời Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng, trong bài giảng của ngài vào Chúa nhật XXIV Thường niên B/2021, và trong thư gửi các linh mục và tu sĩ thiện nguyện:
“Trong Đức Kitô là Adam mới, toàn thể nhân loại liên đới nên một, nên các bệnh nhân Covid đang chịu đau khổ là để góp phần chữa lành cho một nhân loại đang mang lắm thứ bệnh tâm hồn. Bệnh nhân Covid đang chịu khổ thay cho chúng ta, và chúng ta mắc nợ các bệnh nhân. Vì thế người khỏe mạnh có nghĩa vụ cầu nguyện và giúp đỡ họ”.
Cảm ơn Đức Tổng Giuse đã nhắc nhớ chúng con về sự liên đới trách nhiệm đó, trong đại dịch này.
Công việc của chúng tôi ở khoa này, chủ yếu là làm vệ sinh: quét, lau chùi, phân chia thức ăn, dọn rác, (có thầy còn cắt tóc cho bệnh nhân). Một số bệnh nhân nặng hơn thì được chúng tôi gội đầu, đút ăn, vệ sinh, phụ giúp điều dưỡng viên thay tã … Sau phận vụ chính, chúng tôi trò chuyện, thăm hỏi bệnh nhân, xem họ có cần gì giúp đỡ gì nữa không? Có người muốn được gọi điện gặp người thân, có người muốn xin thêm thực phẩm và các vật dụng cần thiết cho cá nhân.
Bản thân tôi nhận thấy có nhiều bệnh nhân rất vui, hạnh phúc và xúc động. Có người ngoài Công Giáo, nhưng muốn nhờ tôi mua đèn, hoa nến để tạ ơn Mẹ Maria. Ôi! niềm vui trào dâng khi một người không cùng niềm tin vào Đức Kitô đã tạ ơn Mẹ!
Có anh được tôi gội đầu, pha trò: “Được cha gội đầu sướng quá, như được truyền thêm công lực”. Có người gọi chức danh tôi khá rõ và thân thương “cha H ơi!”. Tôi quay lại hỏi, cô là người Công giáo à? Cô bảo không, cô không theo đạo Công giáo, nhưng cô gọi vậy được không? Muốn gọi như thế vì thấy cha chu đáo! Dạ, được ạ! Chúa là Chúa của mọi người mà cô, cảm ơn cô!
Còn bác sĩ trẻ Minh ở khoa tôi phục vụ thì bộc bạch: “Cảm ơn cha và mọi người đã đến bệnh viện giúp đỡ nhân viên y tế để chăm sóc bệnh nhân. Thực sự vào đây nhìn thấy cha và các sơ như thế thì đây thật là một trong những trải nghiệm đáng nhớ...”
Hạnh phúc và tạ ơn Chúa, vì làm việc nhỏ với tình yêu thì sẽ có hương thơm của nó.
Việc mục vụ thiêng liêng của linh mục thì có các sơ, các thầy thiện nguyện viên sẽ báo vào một số ‘group chung’ để mọi người tiện liên hệ khi có trường hợp cần, bởi có nhiều khoa và tầng lầu khác nhau.
Những bệnh nhân Công giáo nhìn thấy các linh mục, tu sĩ; họ thật sự mừng vui vì có người để tin tưởng tâm sự, giải tỏa những khúc mắc, băn khoăn về quá khứ, hiện tại… Có những người muốn được lo liệu các bí tích sau hết, xin được xưng tội, xức dầu. Có người hôn mê, quá yếu mệt thì người thân của họ liên hệ với các thiện nguyện viên để được các cha lo các bí tích sau cùng,… Họ thật sự cảm kích.
Có lần tôi khá ngạc nhiên vì tiến sĩ Phong - Tổ điều dưỡng Bệnh viện - đề nghị tôi trình bày về bí tích Xức dầu trong một buổi tập huấn tâm lý hỗ trợ bệnh nhân Covid-19 cho một số nhân viên y tế của bệnh viện và các tình nguyện viên. Thực ra, trước đó tôi cũng hay gặp anh Phong, anh hỏi xức dầu là gì vậy cha? Và tôi đã có cơ hội chia sẻ cho anh về mục đích, ý nghĩa của bí tích Xức dầu. Anh bảo ‘Hay quá cha, nếu cha không chia sẻ, người ta tưởng xức dầu cù là!’
Do đó, anh mới đề nghị tôi giải thích về bí tích Xức dầu khoảng 5-10 phút trong buổi tập huấn đó. Tôi thầm tạ ơn Chúa và người hữu trách đã cho tôi cơ hội nói về Giáo lý của Chúa cho người khác.
Tạ ơn Chúa vì tất cả! Xin Người tiếp tục chúc lành, ban sức khỏe và giữ gìn chúng con trong bình an. Xin cho danh Chúa được vinh sáng hơn, nhờ việc “nhập viện” tích cực này, nhờ những hy sinh nho nhỏ và sự tận tình của các thiện nguyện viên, các nhân viên y tế.
Xin cho tất cả chúng con và các bệnh nhân luôn biết hướng nhìn về một tương lai tương sáng hơn, dưới sự quan phòng của Thiên Chúa toàn năng và giàu lòng thương xót.
Lm. Giuse Trần Thanh Hải, SVD
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm