Nhật ký từ khu điều trị F0: Niềm vui hồi sinh
TGPSG – Rinascerò: Tôi sẽ hồi sinh, bạn sẽ hồi sinh, khi mọi thứ qua đi rồi thì chúng ta cùng nhau sẽ lại ngắm sao trời...
Nắng ấm
Hôm nay tôi có dịp ra đường ngắm phố xá, nhìn nắng rọi lên từng tán cây phiến lá, phản chiếu trên các toà nhà cao tầng mà trong lòng bỗng thấy Sài Gòn sao mà đẹp và xinh tươi thế.
Một số hàng quán được mở cửa, xe cộ bắt đầu được lưu thông nhiều hơn làm không khí thành phố cũng “ấm” lên hẳn. Niềm hi vọng và niềm tin Sài Gòn sắp “hồi sinh” trong tôi lại được sưởi lên bằng một luồng sinh khí mới!
Có lẽ tâm trạng thoải mái nên nhìn mọi thứ đều tràn đầy sức sống.
Bên trong Bệnh viện khu điều trị Covid, nơi tôi và đồng nghiệp đang ngày đêm chiến đấu giành giật sự sống cho bệnh nhân, mỗi ngày chúng tôi lại có thêm nhiều niềm vui.
Đó là số lượng bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 nhập viện giảm đi, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nhẹ hơn nhiều so với cách đây 1 tháng, và đặc biệt hơn là những bệnh nhân nguy kịch với nhiều bệnh nền được mạnh khỏe và xuất viện mỗi ngày một nhiều hơn.
Sài Gòn vui và lòng tôi cũng vui.
Kể cũng không hết những gì mà tôi và đồng nghiệp đã trải qua tại khoa trong gần 2 tháng chiến đấu với Covid-19. Ở đó, mỗi bệnh nhân là một câu chuyện, để rồi, mỗi khi vất vả, chúng tôi lại kể nhau nghe để động viên nhau cùng mỉm cười vượt qua bao vất vả. Dưới đây là một số chuyện vui...
Người ảo
Cô bệnh nhân U50, béo phì nặng, vừa có tăng huyết áp, tai biến mạch máu não cũ, mà còn kèm theo suy tuyến giáp. Cô nhập viện cấp cứu trong tình trạng giảm oxy máu nặng đến nỗi không còn biết gì, được các bác sĩ cấp cứu hồi sức hô hấp, rồi thở máy xâm lấn, thêm các thuốc an thần để Cô thở hiệu quả. Chức năng tuyến giáp cô bị suy giảm nặng đến nỗi Cô có 2 lần mạch chậm quá mức phải hồi sức tim. Vậy mà sau 1 tuần chiến đấu không mệt mỏi, Cô đã hồi sinh.
Khi mở mắt ra, tỉnh hẳn, và tự thở, Cô đã hỏi chúng tôi:
“Các người là người thật hay người ảo? Tại sao bắt tui ở đây, mấy người ai cũng trắng toát từ trên xuống, ai cũng mang mặt nạ, mấy người cứ bắt tui uống sữa hết chai này đến chai khác, cho tui ăn no vậy có ý đồ gì à?”.
Nghe xong, đồng nghiệp và tôi chỉ nhìn nhau cười. Cười vì không biết làm sao giải thích cho bệnh nhân, mà cũng cười vì không thể mở PPE và mặt nạ ra để Cô biết mình cũng là “người” như Cô. Ấy vậy mà sau 1 tuần được phục hồi chức năng, được chăm sóc bởi nhóm “người ảo” ấy, Cô đã được xuất viện.
Lúc xuất viện, Cô còn vui vẻ mời chúng tôi đến nhà Cô chơi. Chúng tôi lúc này mới ngỡ ngàng, thì ra Cô đã nhận biết chúng tôi là “người thật” từ mấy ngày trước đó rồi! Có lẽ Cô đã cảm nhận được hơi ấm tình thân từ các y bác sĩ, cái hơi ấm mà tôi nghĩ có sức thuyết phục hơn hàng chục lời giải thích.
Bệnh nhân lực lưỡng
Một chàng trai khỏe mạnh, 33 tuổi, đi làm công nhân vô tình nhiễm Covid, nhập khoa tôi, phải thở máy ‘xâm lấn’. Chàng ta nặng đến 110 kg, mỗi lần thực hiện y lệnh nằm sấp của các bác sĩ hay thay tả lót là phải cần ít nhất 5 người để giúp cho anh ấy.
Có những lúc tưởng chàng trai này không vượt qua được số phận, thế mà, trong vòng 1 tuần lọc máu liên tục hấp phụ các chất viêm trong máu và chăm sóc tích cực, chàng trai đã hồi tỉnh.
Khi chuyển ra khỏi phòng hồi sức, chàng trai còn yếu đến nỗi cứ xoay trở người là oxy trong máu giảm nhiều. Các bác sĩ và kỹ thuật viên vật lý trị liệu phải nỗ lực hết mình, động viên và tìm các bài tập phù hợp phục hồi chức năng phổi.
Sau 2 tuần miệt mài phục hồi chức năng, chàng ấy đã không còn cần tới oxy, tự vệ sinh cá nhân và ra viện. Ngày trước khi ra viện, chàng trai 33 tuổi cứ bịn rịn: “Em nhớ nhà, muốn về nhà lắm rồi, nhưng tối hôm qua em suy nghĩ về thì không còn gặp các anh chị ở đây, em cũng buồn. Em không giỏi ăn nói, em muốn gửi lời cảm ơn đến tất cả mọi người đã giúp em hồi sinh”.
Tình mẫu tử
Có lẽ cảm động nhất trên đời là câu chuyện về tình mẫu tử. Mẹ mắc tăng huyết áp thai kỳ (tiền sản giật), tiểu đường thai kỳ, nhập viện sanh con khi biết mình bị nhiễm Covid. Sau sanh, mẹ-con phải cách ly. Mẹ phải nằm theo dõi hậu sản tại khu điều trị Covid. Sau 1 tuần theo dõi ổn định, mẹ được xuất viện với tải lượng virus an toàn, nhưng vẫn không gặp được con vì phải tiếp tục cách ly y tế. Những tưởng sau thời gian ấy, mẹ-con được gặp nhau, vậy mà về nhà được 4 ngày, mẹ vào giai đoạn tăng viêm của Covid, khó thở nhiều, nhập lại bệnh viện.
Mẹ suy hô hấp nặng đến nỗi da tái nhợt, phải thở oxy lưu lượng cao, hình X quang phổi thì viêm phổi cả hai bên. May mắn thay, các bác sĩ hội chẩn kịp thời sử dụng thuốc kháng thể đơn dòng và thuốc kháng siêu vi đặc trị Covid, phối hợp với kiểm soát bệnh nội khoa. Chỉ sau 3 ngày, mẹ đã không còn cần hỗ trợ oxy. Niềm khát khao gặp được con càng mạnh mẽ hơn khi kết quả phết họng không còn phát hiện virus.
Ngày ra viện, nhìn theo dáng đi kiên cường của người mẹ ấy, tôi và đồng nghiệp nhìn nhau mỉm cười hạnh phúc, vì biết rằng mình đã giúp một bé thơ thoát cảnh mồ côi mẹ.
Rinascerò: Hồi sinh
Còn, và còn rất nhiều câu chuyện mà các y bác sĩ chúng tôi đã trải nghiệm và chứng kiến mỗi ngày. “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” (Trịnh Công Sơn), và có lẽ đối với các y bác sĩ chúng tôi, không có niềm vui nào lớn hơn là nhìn thấy bệnh nhân của mình được “hồi sinh” và trở lại cuộc sống bình thường.
Tôi tin rằng, những lời động viên chân thành, những thìa cháo, muỗng sữa, ngụm nước mà tôi và các đồng nghiệp kiên trì chăm sóc bệnh nhân sẽ phần nào giúp bệnh nhân không còn mặc cảm bệnh tật. Họ cảm nhận được sự an toàn và hơi ấm tình thân ở nơi mà 24/24 phải nghe nhịp báo động của máy thở, máy truyền dịch và máy theo dõi sinh hiệu reo lên liên tục.
Niềm vui của tôi cứ thế mà lớn lên theo từng ngày. Niềm vui đó là động lực để tôi và các y bác sĩ đồng nghiệp tiếp tục thực hiện nhiệm vụ nhiều vất vả nhưng cũng đong đầy hạnh phúc. Và cũng chính niềm vui đó làm tôi tin rằng Sài Gòn nhất định sẽ ‘hồi sinh’ như lời của bài hát ‘Rinascero’: Bạn sẽ hồi sinh…
Thực sự, ‘một bệnh nhân xuất viện’ là công sức của cả tập thể lớn, từ đường hướng của ban lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo khoa, sự tận tình- tận tâm- tận tụy của các bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý và anh chị em tình nguyện viên trong khoa.
Tôi rất biết ơn và tự hào về tập thể khoa ICU 2A Bệnh viện nhân dân Gia Định, vì tất cả anh chị em đều luôn hy sinh cố gắng chăm sóc cứu chữa bệnh nhân hết mình.
Và phần quan trọng nữa là sự hợp tác của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân cố gắng ăn uống, cố gắng tập thở, cố gắng vận động... theo sự hướng dẫn của bác sĩ thì nhất định sẽ mau khỏe, mau xuất viện, mau đoàn tụ bên gia đình.
Sài Gòn 29/09/2021
Nt Mai Thương - Dòng Chúa Quan Phòng (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm