Nhớ lời Mẹ trăn trối
Thời cách mạng Pháp, người ta hay nhắc đến một khuôn mặt dữ tợn, chuyên săn lùng các linh mục, đó là đại úy Laly. Ông đã gia nhập vào đảng Jacobins và đi khắp nơi để reo rắc kinh hoàng cho dân chúng. Nhiều vị linh mục đã kín đáo đến và khuyên nhủ ông để lôi kéo ông ra khỏi tội ác, nhưng tất cả mọi cố gắng của các vị đều vô ích. Con người độc ác đó chỉ đáp lại bằng lãnh đạm và những lời lẽ thô tục. Thế rồi một hôm, khi mọi người tưởng như không còn chút hy vọng gì cho kẻ tội đồ, thì Laly đã lần mò đến với một linh mục để xin xưng tội và hòa giải với Giáo Hội. Sau đó, ông đã thú nhận: “Cả đời, ngày nào tôi cũng đọc một kinh Kính Mừng, theo lời trăn trối của mẹ tôi trước khi chết” (Trích từ sách Lẽ Sống).
Chỉ với một kinh Kính Mừng mỗi ngày, chúng ta đã thấy: Thiên Chúa có cách để cứu vớt và hoán cải "một cuộc đời" tưởng chừng vô phương cứu chữa. Quả thật, lời cầu nguyện đẹp ý Thiên Chúa nhất không phải là những lời bay bổng, cao siêu, dài dòng, những thứ hoa ngôn hoạt ngữ hay những lời làm cho ai đó dâng tràn cảm xúc, nhưng lời cầu nguyện đẹp là những lời cầu nguyện phát xuất từ con tim chân thành, với sự khiêm tốn nhẫn nại sâu thẳm. Và kinh Kính Mừng chính là một phương thế tuyệt hảo mà Giáo Hội luôn khuyến khích con cái mình thực hành thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày.
ĐTC Phanxicô khuyên các tín hữu rằng: “Với Kinh Mân Côi, chúng ta hãy tự mình cảm nghiệm vẻ đẹp và chiều sâu của lời cầu nguyện này, là lời cầu nguyện đơn giản và dễ tiếp cận đối với tất cả mọi người. Trên hết, chúng ta cần được bàn tay của Đức Trinh Nữ Maria dẫn dắt để chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô: một khuôn mặt vui tươi, sáng láng, sầu muộn và vinh quang. Người nào, giống như Mẹ Maria và cùng với Mẹ Maria, cố gắng gìn giữ và suy gẫm về các mầu nhiệm của Chúa Giêsu, thì sẽ ngày càng đồng hóa các cảm xúc của mình và trở nên hoà hợp với Người”.
Như thế, theo lời khuyến khích của Đức Thánh Cha, cầu nguyện và suy gẫm mỗi ngày bằng kinh Mân Côi là cách để chúng ta yêu mến và nên giống Mẹ Maria của chúng ta hơn. Nhờ đó, chúng ta càng được đến gần và gắn bó hơn với Chúa Giêsu, Con của Mẹ.
Bệnh viện dã chiến số 12, ngày 15 tháng 10 năm 2021
Tu sĩ Jos. Lương Tùng, C.Ss.R.
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm