Nhớ mãi ân tình
WGPSG -- Hằng năm, Giáo hội dành riêng tháng Mười Một để cầu nguyện cho các linh hồn. Đây cũng là thời điểm để báo hiếu: con cháu tưởng nhớ và cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ với niềm tin tưởng người thân quá cố của mình sớm được chia sẻ hạnh phúc với Thiên Chúa tình yêu. Tấm lòng thảo hiếu tốt đẹp này, không chỉ là truyền thống ngàn đời của người Việt Nam mà còn là điều răn thứ Tư trong Thập điều của người Công giáo.
Giáo hội 3 thành phần
Khi tham dự Thánh lễ “Cầu cho các tín hữu đã qua đời” tại Gx. Hà Nội ngày 02/11/2012, tôi vẫn miên man suy nghĩ về bài chia sẻ Tin Mừng của Cha chánh xứ Đaminh Đinh Ngọc Lễ về Giáo hội 3 thành phần: Giáo hội chiến thắng - Giáo hội khổ đau - Giáo hội lữ hành. Ngài diễn giảng:
Giáo hội chiến thắng: Đó là Giáo hội các thánh cùng thông công, nơi các linh hồn đã trung thành với Thiên Chúa, chiến đấu với mọi gian nan, thử thách để đi hết chặng đường nơi dương thế, và nay đã chiến thắng để được hưởng Nhan Thánh Chúa nơi Thiên Quốc.
Giáo hội khổ đau: Là những linh hồn đã bị thương tích trên chặng đường chiến đấu với tội lỗi và sự ác, nay đang được thanh luyện nơi “Luyện Ngục”. Những linh hồn trong tình trạng này đã hưởng vinh quang và hạnh phúc của Thiên Chúa rồi, nhưng một cách nào đó vẫn chưa trọn vẹn. Họ sống trong vui mừng vì biết chắc chắn rằng họ sẽ kết hợp với Chúa trọn vẹn một lúc nào đó.
Giáo hội lữ hành: Là chính chúng ta, những Kitô đang chiến đấu nơi dương thế với niềm tin sẽ được hưởng Nhan Thánh Chúa và được sống lại ngày sau hết.
Từ phân tích trên, ngài mời gọi mọi người hãy tích cực sống tinh thần hiệp thông: Các thánh trên trời sẽ cầu bầu cùng Thiên Chúa, xin các Ngài trợ giúp chúng ta đủ can đảm, nghị lực chạy hết chặng đường nơi dương thế để trở thành thành viên của Giáo hội chiến thắng. Ngược lại, như Thánh Vincent Ferrier nói: “Những nỗi thống khổ của các linh hồn nơi luyện ngục rất lớn, cho nên một ngày ở đó cũng như ngàn ngày đối với họ”. Vì thế, chúng ta hãy năng cầu nguyện làm việc lành phúc đức… để nhờ lòng Chúa xót thương, họ sớm được kết hợp mật thiết với Thiên Chúa.
Ngài nhấn mạnh: Khi hiểu như trên, chúng ta sẽ không cảm thấy bị cô độc, nhưng Giáo hội 3 thành phần chính là Giáo hội hiệp thông, mọi thành phần đều quy tụ, liên kết và cầu nguyện cho nhau, để ngày sau hết, mọi người đều được sống lại và hưởng phúc vinh trên Nước Trời.
Người chết quy tụ người sống
Sau Thánh lễ, cộng đoàn xuống “Nhà An Nghỉ” để cầu nguyện cho các linh hồn. Đứng trước hài cốt ông bà, cha mẹ, tôi chợt nhớ lời chia sẻ của Đức cha Giuse Nguyễn Năng - Giám mục GP Phát Diệm trong Thánh lễ cầu cho quý Giám mục, linh mục, tu sĩ tại nhà hưu Phát Diệm năm 2011:
Suy cho cùng, giữa người sống và kẻ chết luôn có sự hiệp thông với nhau trong niềm tin Kitô giáo, bởi lẽ, tháng Mười Một hằng năm, không chỉ dành cho người đã chết, nhưng còn cho cả chúng ta là những người đang sống.
Người chết quy tụ người sống: Chính người chết đã quy tụ chúng ta lại, để cầu nguyện cho họ, nhưng ngược lại chúng ta cũng đang xin họ cầu nguyện cho chúng ta.
Người sống quy tụ người sống: Linh mục quy tụ cộng đoàn hiệp dâng Thánh lễ cầu nguyện cho tín hữu đã qua đời, nhưng chính nghĩa cử chúng ta làm hôm nay, con cháu sẽ làm lại cho chúng ta mai sau.
Nhớ mãi ân tình
Mang theo nỗi suy tư ấy, lúc 15g00 chiều Chúa nhật 11/11/2012, cùng với anh em Cựu học viên Don Bosco Sài Gòn (CHV), tôi đã đến tham dự Thánh lễ cầu nguyện cho quý Bề trên, quý cha, quý thầy và anh em CHV đã qua đời tại Cộng thể Don Bosco Ba Thôn. Trước Thánh lễ, khi nghe Cha Antôn Trần Đức Dậu - Giám đốc Cộng thể Ba Thôn đã ôn lại những kỷ niệm các vị Bề trên thuộc tỉnh dòng Don Bosco Việt Nam (SDB) đã qua đời gồm: 17 vị người nước ngoài đã sống và làm việc tại Việt Nam và 10 vị người Việt Nam, bao ký ức, hình ảnh các Bề trên của mình như tái hiện trong tâm trí mỗi người, và mãi mãi ân tình xưa sẽ không thể phai nhòa nơi những mái đầu đã bắt đầu điểm bạc, bởi lẽ:
Linh mục, sư huynh SDB là người nước ngoài hay người Việt Nam đã sống đời tận hiến, thầm lặng, hy sinh, dấn thân phục vụ cho tha nhân và giới trẻ; thường không mấy ai nghĩ rằng các ngài cũng cần lời cầu nguyện, vì người ta cho rằng các ngài phải thánh thiện hơn giáo dân. Rồi khi các ngài nằm xuống vĩnh viễn, có mấy ai nhắc nhở và cầu nguyện cho các ngài, họa chăng chỉ là những năm tháng đầu mà thôi.
Nhớ về các ngài, chúng ta cảm tạ Chúa, vì Ngài đã gìn giữ, nâng đỡ để các ngài trung thành và đi đến cuối chặng đường, đó chính là niềm hạnh phúc và là lẽ sống của các ngài. Vâng, đời người tu sĩ càng dài thì người linh mục càng hạnh phúc, vì đã dâng hiến tất cả cho Thiên Chúa.
Trong tâm tư trên, anh em CHV xin cám ơn các Bề trên đã ra đi trước chúng ta, vì khi còn sống, các ngài đã góp phần xây dựng Gia đình Don Bosco Việt Nam ngày hôm nay. Nhờ lời cầu bầu của các ngài và anh em, xin Chúa cho dòng Don Bosco có thêm nhiều linh mục, sư huynh dấn thân chăm sóc Hội Thánh nói chung, và giới trẻ nói riêng như lòng Chúa ước mong.
Khi nhắc về những kỷ niệm, cá tính của anh em CHV đã ra đi, mọi người cảm thấy quá khứ sao trôi đi quá nhanh, trong khi hiện tại hầu như chưa làm được gì, và quãng đường còn lại quá ngắn ngủi, để nhắc nhở nhau nhớ đến ngày sau cùng của đời mình và cùng nhau tâm niệm:
Những gì tôi tích trữ nay không còn nữa.
Những gì tôi mua sắm nay người khác sài.
Những gì tôi cho đi nay mới là của tôi.
Nhờ những lời cầu nguyện cho nhau, chúng ta tin rằng trong ngày sau hết, chúng ta sẽ cùng chung hưởng vinh phúc Nước Trời. Bởi lẽ, ai trong chúng ta cũng đã hơn một lần xác tín cùng Chúa rằng: “Chúa chính là gia nghiệp và là phần phúc của con” (Tv 15).
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm