Như Chúa đã tha thứ
TGPSG-- “Đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn ngươi như chính Ta đã thương xót ngươi sao?” (Mt 18,33). Câu hỏi mà người chủ tốt lành đặt ra cho kẻ mắc nợ không có lòng thương xót đã làm cho chúng ta phải suy nghĩ.
Món nợ của kẻ mắc nợ với tôn chủ là mười ngàn nén vàng, còn người đồng bạn chỉ mắc nợ hắn một trăm quan tiền. Chúng ta biết rằng, mỗi nén vàng thời xưa trị giá sáu ngàn quan (tương đương với sáu ngàn ngày công). Có thể nói, đây là một món tiền kếch xù. Như thế, mười ngàn nén vàng là quá nhiều so với một trăm quan (tương đương với một trăm ngày công). Rõ ràng, ở đây Chúa Giêsu có ý làm nổi bật sự khác biệt giữa hai món nợ và hai thái độ để cho chúng ta thấy lòng nhân từ quảng đại của Thiên Chúa cùng sự vô lý và lòng dạ hẹp hòi của con người khi không sẵn sàng tha thứ và tha nợ cho kẻ khác.
Mặt khác, nếu kẻ mắc nợ tôn chủ tha hết số nợ mà đồng bạn đang nợ y thì cũng không thấm vào đâu so với món nợ mà chính tôn chủ đã tha nợ cho y. Tức là chúng ta không thể dùng phép "so sánh bằng" giữa lòng quảng đại của hắn với lòng quảng đại của vị tôn chủ nhân từ, bởi vì nó chênh lệch quá lớn. Vậy đâu là điều Đức Giêsu muốn nhắn nhủ?
Sứ điệp mà Đức Giêsu muốn nhắn nhủ chúng ta là: Hãy hết lòng tha thứ cho nhau (c.35). “Hết lòng” với nhau giống như Thiên Chúa và vì Thiên Chúa đã hết lòng yêu thương, đại lượng với chúng ta (Cl 3,13). Chính điều đó giúp chúng ta nên hoàn thiện và đầy lòng xót thương như Thiên Chúa (x. Mt 5,48 ; Lc 6,36). Quả thật, tha thứ không chỉ là một nỗ lực nhưng còn là một ân sủng Chúa ban.
Thực tế cuộc sống giúp chúng ta nhận ra rằng tha thứ chưa bao giờ là điều dễ thực hiện. Có những hành động lầm lỗi, những kỷ niệm cay đắng mà người khác đã hành xử với chúng ta trong quá khứ mà chỉ cần chúng ta nhớ lại hay đi ngang qua khung cảnh xưa cũ cũng đủ làm lòng chúng ta cảm thấy chua xót và giận hờn. Có nhiều lúc, khi nhìn thấy đại dịch hoành hành và cướp đi rất nhiều sinh mạng, làm đảo lộn cuộc sống của rất nhiều người, làm rất nhiều gia đình trở nên nghèo đói…tôi thấy trong lòng sôi lên và cảm thấy tức giận những kẻ đã tạo ra, đã làm lây lan thứ virus quái ác này, mong cho những kẻ ấy phải trả giá. Nhưng khi nhìn lên Thánh giá, tôi lại thấy mình thật tệ và hẹp hòi biết bao!
Hôm nay, Chúa Giêsu đang tha thiết mời gọi chúng ta "Hãy thương xót" và sẵn sàng tha thứ thêm lần nữa, rồi lại lần nữa vì chính chúng ta đã được Thiên Chúa thương xót và hết lòng tha thứ. Trong Thông điệp Fratelli Tutti, ĐTC Phanxicô đã gợi ý cho chúng ta về cách thức tha thứ như sau:“Tha thứ cách tự do và chân thành là một hành vi cao quý, phản ánh lòng tha thứ vô biên của Thiên Chúa. Nếu tha thứ có tính nhưng không, thì chúng ta có thể tha thứ cả cho những ai không hề hối lỗi và không có khả năng xin tha thứ” (ĐTC Phanxicô, Thông điệp Fratelli Tutti, số 250).
Jos. Lương Tùng, CSsR.
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm