Những bông hoa vươn lên trong sa mạc
WGPSG -- Caritas Tổng giáo phận (TGP) Sài Gòn những năm qua luôn ý thức vai trò và bổn phận của mình trong trách nhiệm đồng hành với những anh chị em có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện vươn lên. Trong đó, đối tượng được ưu ái nhất chính là những trẻ em thất học, trẻ em lang thang, trẻ em neo đơn trong những gia đình mà cha, mẹ là công nhân với đồng lương căn bản không đủ chi phí cho các em học tập. Với sự đồng hành và nâng đỡ từ tấm lòng của quý vị ân nhân., 05 năm qua, chương trình “Nâng bước các em đến trường” do Caritas TGP chịu trách nhiệm nối kết đã hỗ trợ cho hàng ngàn em được hưởng học phí để việc học tập của các em không bị gián đoạn. Chương trình chính là nhịp cầu nuôi dưỡng nâng cánh cho những ước mơ tuổi thơ mạnh mẽ bước vào đời.
***
Có những con người không may mắn khi chào đời, họ thật bất hạnh vì bao nhiêu cơ cực, khốn khó chồng chất từ tuổi ấu thơ đến khi trưởng thành. Đã có không ít người chấp nhận số phận thở ngắn, than dài ngậm ngùi theo năm tháng. Nhưng vẫn còn rất nhiều người không chấp nhận số phận, họ đã dũng cảm và bền bĩ vượt lên trước những khó khăn trong cuộc sống.
Hai trăm em học sinh là 200 hoàn cảnh khó khăn khác nhau trong các gia đình đang sống tại cộng đồng. Hai trăm bông hoa cố gắng chuyển mình, vươn lên đón lấy ánh mặt trời tri thức. Trong một chuyến đi thực tế thăm các em, chúng tôi ghi lại một vài hình ảnh từ những mảnh đời quá khó khăn đó, các em là đại diện cho 200 gương vượt khó trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Vượt lên nghịch cảnh
Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là Giáo xứ Bình Thuận. Dưới trời mưa lất phất của những ngày hè tháng bảy, chạy theo con đường khá dài ngang qua ngõ chợ tự phát, người mua tấp nập, chúng tôi rẽ vào khu phố lao động nhỏ mà con đường của nó những ngày mưa sẽ là con đường “đau khổ”. Chúng tôi dừng lại bên căn nhà nhỏ xập xệ, gác mái xiêu vẹo và ẩm thấp. Đó là nơi cư trú của Em Lê Thị Khánh Hà, học sinh lớp 10 trường Nguyễn Hữu Cảnh. Em là con của Chị Lê Thị Tuyết Vân, ngụ tại số nhà 2A/36 đường liên khu 2-10 tổ 33, KP 18, Quận Bình Tân.
Qua trao đổi với Chị Khánh Hà chúng tôi mới hiểu hết và cảm thông nhiều hơn một cô bé gầy nhom, cao lêu khêu, nước da trắng xanh mới 16 tuổi đầu đã phải đón nhận rất nhiều khó khăn đến với mình.
Khánh Hà được sinh ra cách đây 16 năm đã thiếu vắng tình thương cha. Vào buổi sáng của một ngày đau thương, cha Khánh Hà đã rời bỏ mẹ em ra đi, để lại người vợ và ba đứa con gái bơ vơ. Khánh Hà lớn lên trong tình thương yêu của người mẹ và bà ngoại nghèo khó. Thiết nghĩ, bấy nhiêu ấy thời gian cũng là bất hạnh lắm rồi so với bạn bè cùng trang lứa. Nhiều năm liền, Khánh Hà cùng ngoại, mẹ và hai em thơ phải đi qua con đường “đau khổ” mà nắng không ưa, mưa không chịu. Sống chung trong ngôi nhà thuê ọp ẹp này hơn 10 năm nay: xiêu vẹo, ẩm thấp và tối tăm đó là tất cả những gì chúng tôi chứng kiến khi đến thăm ngôi nhà gia đình đang thuê. Những lúc trời mưa to, nước từ ngoài đường tràn vào, lũ côn trùng cũng theo đó mà ẩn nấp dưới tấm nệm mốc meo.
Lắng nghe chia sẻ của gia đình về những khó khăn hàng ngày, cũng như mức tình trạng bệnh tật của những con người đang sống nơi căn nhà trọ đó, chúng tôi cảm thấy trái tim quặn đau. Vì giữa một thành phố được tự hào là trung tâm văn hóa, kinh tế của cả nước vẫn còn có rất nhiều người đang sống dưới mức thấp nhất về quyền được hưởng thụ những nhu cầu cơ bản của con người. Họ là một trong ba loại người khốn khổ mà Đức Thánh cha Phanxicô giới thiệu: “Khốn khổ về vật chất, về luân lý và về tâm linh. Khốn khổ vật chất thường được gọi chung là cái nghèo và tác động đến những người sống trong những điều kiện nghịch lại với phẩm giá con người: đó là những người thiếu các quyền lợi và nhu cầu cơ bản như lương thực, nước, vệ sinh, việc làm, cơ hội phát triển và tăng trưởng về văn hóa” (Sứ điệp Mùa Chay 2015).
Mẹ em vì bệnh tật, sức khỏe kém không thể làm những công việc như người bình thường, lúc khỏe mạnh, lúc đau yếu vì bệnh viêm mũi hành hạ. Lúc này cả gia đình chỉ còn biết trông chờ vào những tấm vé số mà bà ngoại ngoài 60 tuổi đi bán về nuôi cả năm bà cháu, đồng thời cũng để tiếp thêm nghị lực cho Khánh Hà trên con đường học tập. Những điều bất hạnh, kém may mắn đến trong đời sống của một cô học sinh đang bước vào môi trường trung học đã làm cho em trở nên già dặn hơn so với cái tuổi của mình. Em phải tự chăm sóc bản thân, phụ giúp bà chăm lo cho hai đứa em thơ yếu ớt, bệnh tật. Chủ động giúp các em học bài, nấu ăn, rửa chén... mà ở tuổi của em hằng ngày cần phải rèn luyện thêm trong học tập nếu muốn tiến bộ nhiều trên đường học vấn.
Tuy khó khăn, nhưng em vẫn biết cách sắp xếp cho thời gian học tập của mình: học bài và làm bài đầy đủ để chuẩn bị cho những giờ học sắp đến. Vì em biết, chỉ có nỗ lực học tập mới là con đường giúp em và gia đình thoát cảnh nghèo, túng thiếu mà vươn lên trong xã hội hôm nay.
Chia tay em, chúng tôi tìm đến ngôi nhà số 33/45/57 đường Trần Thái Tông, Quận Tân Bình thì trời đã xế trưa.
Mơ ước là một phiên dịch viên Tiếng Nhật
Chúng tôi được Anh Phêrô Vũ Văn Hoàng, cộng tác viên chương trình Khuyến học của Caritas TGP cho biết: Em Lê Trần Bảo Nguyên, suốt ba năm liền là học sinh giỏi của trường Ngô Quyền. Gia đình em gồm có bốn người: Ba, mẹ và một em gái tên Lê Trần Bảo Thư, sinh năm 2004. Em gái của Nguyên từ lúc sinh ra đã không may mắc căn bệnh bại não bẩm sinh, mọi ăn uống, sinh hoạt cá nhân đều phải có người làm giúp.
Ba của Nguyên làm nghề thợ hồ. Do có thời gian thường xuyên lao động nặng, Anh Nhật Trường đã bị thoái hóa cột sống và đau thần kinh tọa. Tuy nhiên, dù đau bệnh nhưng anh vẫn cố gắng vượt qua để hằng ngày đến các công trình xây dựng làm việc để kiếm thêm ít thu nhập. Mọi thu nhập trong gia đình đều do anh cáng đáng.
Mẹ em, Chị Thu năm nay chỉ vừa 43 tuổi, nhưng nhìn chị trông già dặn hơn nhiều so với tuổi. Đó là hậu quả của những đêm thức trắng trông con, thay tả, bón sữa và chăm sóc cho con gái thứ hai.
Ngôi nhà với tổng diện chưa đến 24m. Ngôi nhà nhỏ tăm tối, lụp xụp này đang cưu mang thêm hai, ba hộ cùng sống chung, tổng cộng khoảng 12,13 người. Tình trạng nhà hẹp, người đông dẫn đến không gian sống trong căn nhà trở nên vô cùng chật chội. Khi chúng tôi đến, mọi người đều đi làm, kể cả ông bà ngoại, đến chiều tối mọi người tụ tập về đây. Sinh hoạt của gia đình Bảo Nguyện chỉ vỏn vẹn trong không gian chưa đầy 3m.
Trước mặt tôi là một cô bé vừa tròn 13 tuổi, vóc người mảnh khảnh, làn da trắng xanh. Với gương mặt hiền hậu nhưng mang đầy tâm trạng lo lắng, căng thẳng vì có người lạ bất chợt đến, em tiếp và trả lời chúng tôi một bằng thái độ rụt rè, thiếu tự tin. Nhưng đó chỉ là những biểu hiện bên ngoài từ cô bé có bốn năm liền là học sinh giỏi, bởi vì thoáng chốc sau, em trở nên dạn dĩ, tự tin hơn khi giao tiếp.
Sau những giờ học ở trường, trở về nhà em tỏ ra là một cô bé rất tháo vát. Em phụ dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm, rửa chén và chăm sóc em giúp mẹ. Ngoài việc dành giờ giúp mẹ chăm lo công việc gia đình, còn lại tất cả các giờ trong ngày, Bảo Nguyên đều dồn sức cho việc học. Vì em biết, chỉ có việc học, trao dồi kiến thức mới là nhịp cầu đưa em và gia đình thoát bóng tối của sự nghèo khó.
Có những lúc quá khó khăn, cha mẹ tưởng chừng không lo nổi cho em đến trường, em đã từng nghĩ đến tình huống bỏ học nửa chừng. Nhưng nhờ có sự quan tâm, giúp đỡ của thầy cô, bạn bè và thiết thực nhất là suất học bổng 150.000 đồng mỗi tháng, do chương trình Khuyến học của Caritas TGP trao tặng từ tấm lòng vàng của quý vị ân nhân, đã giúp em vượt qua sự bế tắc, tiếp tục gắn bó trên con đường học tập bằng tất cả những đam mê vốn có của mình.
Ngoài thành tích học tập giỏi ở trường, Bảo Nguyên còn có một sở thích rất hay và cũng là định hướng cho mọi nỗ lực học tập của em, đó chính là sở thích học tiếng Nhật và mong muốn sau này trở thành một phiên dịch viên tiếng Nhật. Nỗi đam mê về tiếng Nhật lớn đến mức dù không ai kềm cặp, chỉ dạy, em vẫn mày mò tự học, tự tập viết. Kết quả đến nay, em đã đọc được, viết được những câu giao tiếp căn bản qua phương pháp tự học của mình.
Bên cạnh nỗ lực vươn lên trong việc học tập, ở nơi Em Lê Trần Bảo Nguyên còn có tính cách mạnh mẽ, lạc quan và biết bằng lòng với những gì hiện có bằng một niềm tin mạnh mẽ. Em tin vào chính mình, tin vào ngày mai, tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Đó chính là nguồn sức mạnh lớn lao có khả năng giúp con người vượt qua thử thách.
Tạm biệt hai tấm gương nỗ lực học tốt đại diện cho các em ở Giáo hạt Tân Sơn Nhì, chúng tôi tiếp tục một hành trình dài 50km đến một huyện ven biển nằm ở phía Đông Nam thành phố Hồ Chí Minh: huyện Cần Giờ.
Vừa học, vừa làm
Đứng trên bến phà Bình Khánh nhìn qua kia sông là xã Lý Nhơn, một xã có diện tích 154,59 km², mật độ dân số đạt 28 người/km².
Men theo con đường nhỏ dẫn vào nhà của Em Đinh Trọng Thái, bốn bề được lợp bằng lá đước đã cho thấy sự trống trải tuềnh toàng của một cuộc sống thiếu thốn dài đăng đẳng. Góc học tập của Em Thái là cái bàn nhỏ được kê vội vàng ngay lối đi thiếu ánh sáng.
Trong suốt hành trình mà chương trình “Nâng bước các em đến trường” đi tới, mỗi hoàn cảnh là một câu chuyện đời đầy xúc động, nhưng trong đó là những bài học về nghị lực sống, về nỗ lực vươn lên vượt khó, học giỏi để tỏa sáng giữa đời thường.
Ấp Lý Thái Bửu, xã Lý Nhơn trong một ngày hè nắng gắt, cái nắng khiến cho người ta không thể nào ở yên trong nhà mà phải ra ngoài tìm các bóng cây trú mất. Cái nắng ở vùng biển càng làm tăng thêm cảm giác mủi lòng về gia cảnh nghèo khó của Em Đinh Trọng Thái.
Khi tiếp xúc với em, chúng tôi nhận thấy em không hề than nghèo, kể khổ như những người khác. Tuy nhiên, dù muốn, dù không chúng tôi cũng phải thừa nhận: cái nghèo đã ăn sâu vào đời người nhiều thế hệ ở đây, thì với ước mơ được tiến bộ trong cuộc sống vẫn là niềm mơ ước quá lớn. Ngôi nhà là biểu hiện của cảnh đời nghèo khó: Ba của Thái, Anh Đinh Trọng Xuân bị bệnh, không thể làm việc nặng. Hằng ngày, anh kiếm sống bằng các công việc tự do phù hợp với sức khỏe của mình. Đó cũng là một trong những lý do khiến cho thu nhập hằng ngày của gia đình anh không được là bao. Em Thái còn một người em nhỏ và bà nội già yếu, do đó, gánh nặng càng chồng chất lên vai người phụ nữ là mẹ của em, Chị Trịnh Thanh Trơn.
Vì gia cảnh túng thiếu, chị buộc phải rời xa gia đình để lên Sài Gòn làm công nhân cho một công ty dệt may, mỗi tuần về thăm nhà một lần. Khi chúng tôi đến, chị vẫn đi làm chưa về. Bà con bên nội của Thái cũng nghèo nên không thể nương nhờ ai được. Căn nhà nhỏ này tá túc gia đình bên nội của Trọng Thái.
Chuyện về Trọng Thái, ham học, ham làm, bất chấp những khó khăn trong đời sống vẫn không làm cậu học trò nghèo nản chí.
Ở xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ nơi có nhiều bạn trẻ vì gia đình nghèo nên đã từ bỏ ước mơ đến trường. Riêng Trọng Thái vẫn ngày ngày bền bĩ trao dồi tri thức với nghị lực của một người anh cả. Ngoài những giờ học ở trường, em còn nhận làm gia công thêm công việc “tém lưỡi câu”. Mỗi bộ lưỡi câu được em tém bỏ vào vĩ, em được chủ trả vài chục đồng. Hằng ngày em có thể giúp ích cho gia đình một ít tiền nho nhỏ vào khoảng 5.000 đến 6.000đồng từ những giờ lao động của mình.
Khi chúng tôi hỏi em về những tờ giấy khen khi được xếp học sinh giỏi, em khiêm tốn trả lời: vì trân trọng những nỗ lực học tập của em đạt được mỗi năm, nên khi được giấy khen của nhà trường mẹ em đều cất giữ cẩn thận. Những tờ giấy khen tuy không được trưng bày nơi những chỗ trang trọng nhưng cũng là động lực là ước mơ cho hành trang tương lai của em.
Hơn một giờ được tiếp xúc với em, công việc em đang vất vả phụ giúp gia đình trong những ngày hè đã cho chúng tôi - những người làm chương trình “Nâng bước các em đến trường” có thêm niềm lạc quan về những điều các em chắt chiu có được trong nghèo khó.
Hoa trái của yêu thương
Dự án khuyến học do Caritas TGP điều phối là tiếng nói với xã hội về tình liên đới và trách nhiệm của cộng đồng với những con người khó khăn quanh ta. Khi được nhận hỗ trợ, rất nhiều những gia đình nghèo khó được an tâm hơn vì con của họ sẽ không phải bỏ học. Đồng thời, từ những tấm lòng hảo tâm của quý ân nhân hỗ trợ hằng tháng cho các em, đã giúp các em cảm thấy không còn đơn độc trên hành trình tìm kiếm tri thức. Điều mà qua đây, chúng tôi tha thiết trao gửi đến quý vị đó là tình yêu thương bác ái trong cộng đồng. Hãy chia sẻ, dành tất cả tình yêu thương của mình đến với các em, tiếp thêm cho các em nguồn sống, niềm tin và nghị lực.
Phòng Truyền thông Caritas Sài Gòn
bài liên quan mới nhất
- Thư ngỏ về việc tổ chức Ngày Thế giới Người nghèo 2020
-
Phóng sự: Caritas Việt Nam đồng hành cùng người khuyết tật -
Caritas Việt Nam: Tập huấn “di cư an toàn và phòng tránh buôn người” -
Tin mừng cho người khuyết tật -
Thư ngỏ của Hội Saint Lucas và Caritas Việt Nam -
Caritas Việt Nam: Ngày thứ III – Bế Mạc Hội Nghị 2019 -
Caritas Việt Nam: Khai mạc Hội nghị Thường niên 2019 -
Caritas Việt Nam: Bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta -
Caritas Việt Nam: Gieo niềm hy vọng -
Caritas Việt Nam: Phóng sự Caritas Việt Nam đồng hành cùng sự nghiệp trồng người
bài liên quan đọc nhiều
- Caritas Việt Nam: Khai mạc Hội nghị Thường niên 2019
-
Đêm nhạc gây quỹ 'Nhịp cầu Caritas 6' -
Caritas Việt Nam: Thư ngỏ chương trình Nhịp Tim Yêu Thương -
Caritas Tổng Giáo phận Sài Gòn tĩnh tâm Mùa Chay -
Caritas TGP. Sài Gòn trao tặng xe lăn, xe lắc cho người già, người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn -
Tin mừng cho người khuyết tật -
Thư ngỏ của Hội Saint Lucas và Caritas Việt Nam -
Thư ngỏ về việc tổ chức Ngày Thế giới Người nghèo 2020 -
Caritas Việt Nam: Gieo niềm hy vọng -
Caritas Việt Nam: Tập huấn “di cư an toàn và phòng tránh buôn người”