Những đề nghị cụ thể cho công cuộc Tân Phúc âm hóa
Là một trong các vị hồng y tân cử, Đức hồng y Timothy Dolan, tổng giám mục New York, cũng là một trong những thuyết trình viên chính trong mật nghị hồng y vừa qua. Ngài được đề nghị trình bày đề tài “Loan báo Tin Mừng ngày nay: giữa Missio Ad Gentes (sứ vụ Đến với muôn dân) và Tân Phúc Âm hóa”, với gợi ý của ban tổ chức: trình bày đề tài trong bối cảnh thế tục hóa. Có lẽ vì New York được xem như biểu tượng của tiến trình thế tục hóa, và vị tổng giám mục New York là người nắm bắt tình hình cụ thể.
Theo phong cách thực tế của người Mỹ, cùng với những suy tư lý thuyết, Đức hồng y Timothy Dolan đã đưa ra những đề nghị và minh họa cụ thể cho đề tài trừu tượng và khô khan này. Ngài đề nghị 7 điểm.
1. Trước hết, ngài đưa ra nhận định rằng ngay cả trong những nhóm tự cho mình là theo chủ thuyết duy vật - những người làm việc trong các ngành truyền thông, giải trí, thương mại, nghệ sĩ, nhà văn – thì ở thâm sâu tâm hồn, vẫn mở ra với cái siêu việt và thần linh, và nhìn nhận rằng nhân loại cũng như lịch sử này sẽ thật vô nghĩa nếu không có khái niệm về một đấng tạo hóa nào đó. Cuốn phim The Way (Con Đường) do Martin Sheen đóng vai chính là phim đang thu hút người xem ở New York. Cuốn phim kể về một người cha có đứa con trai bất ngờ qua đời ngay lúc nó lên đường hành hương đến một đền thánh ở Tây Ban Nha. Dù đau buồn, người cha quyết định hoàn tất cuộc hành hương của con mình. Ông vốn là biểu tượng của con người thế tục: tự mãn, gạt bỏ Thiên Chúa và tôn giáo sang một bên, giễu cợt những ai có đức tin tôn giáo… thế nhưng khi đi hành hương, ông đã không thể chối bỏ được ở thẳm sâu tâm hồn ông vẫn có sự quan tâm đến Đấng siêu việt, vẫn có đó nỗi khát khao hướng đến một Đấng nào đó, và nỗi khát khao ấy cứ ngày càng lớn lên trên đường hành hương.
2. Thực tế đó thúc đẩy người Kitô hữu phải tự tin và can đảm thi hành sứ vụ phúc âm hóa. Đã qua rồi thái độ hãnh tiến (triumphalism) của Giáo Hội Công giáo, nhưng điều đáng buồn là xem ra người công giáo cũng không còn đủ tự tin và can đảm khi thi hành sứ vụ phúc âm hóa. Một đàng, phải dứt khoát từ bỏ thái độ hãnh tiến và thay vào đó là sự khiêm tốn, ý thức rằng chính Giáo Hội cũng cần được phúc âm hóa. Đàng khác, phải tự tin và can đảm bắt tay vào việc thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng.
3. Đề nghị thứ ba vị tổng giám mục New York đưa ra là Tân Phúc Âm hóa không nhằm loan báo một giáo thuyết nhưng là để nhận biết, yêu mến và phụng sự một ĐẤNG. Thiên Chúa không lấp đầy nỗi khát khao trong lòng người bằng một mệnh đề lý thuyết nhưng ban tặng cho chúng ta một Đấng có tên là Giêsu. Vì thế, điều kiện quan trọng của sứ giả Tin Mừng là phải sống thân tình với Chúa Giêsu để có thể giới thiệu Ngài cho người khác.
4. Chúa Giêsu chính là Đường, Sự Thật và Sự Sống. Vì thế, loan báo Chúa Giêsu cũng là loan báo giáo huấn của Người. Cách cụ thể, Đức hồng y Timothy Dolan nói đến việc xóa mù giáo lý (catechism illiteracy). Thật vậy, nếu chủ thuyết thế tục đang làm cho nhiều người công giáo mất đức tin, thì một trong những lý do là vì nhiều tín hữu không có hiểu biết giáo lý tương xứng, nên dễ dàng bị mất đức tin. Đây cũng là lý do nhà thần học-hồng y Avery Dulles kêu gọi – và bây giờ Giáo Hội bắt đầu nhấn mạnh – phải quan tâm đến môn hộ giáo (neo-apologetics).
5. Điểm thứ năm khá đặc biệt là nhà truyền giáo, sứ giả Tin Mừng phải là người của niềm vui. Một bệnh nhân AIDS đang hấp hối trong nhà thương của các nữ tu Thừa Sai Bác Ái ở Washington, D.C. Ông xin rửa tội. Hỏi lý do tại sao xin rửa tội, ông thều thào: “Điều tôi biết rất rõ là tôi không hạnh phúc, còn các nữ tu này hạnh phúc quá, kể cả khi tôi chửi bới và nhổ nước miếng vào mặt họ. Hôm qua, tôi hỏi họ tại sao họ lại vui tươi hạnh phúc như thế, thì họ bảo: Giêsu. Tôi muốn có ông Giêsu này để tôi cũng được hạnh phúc”.
6. Gắn với nụ cười hạnh phúc đó, Tân Phúc Âm hóa phải là loan báo về Tình Yêu. Giáo phận Itanagar ở vùng Tây Bắc Ấn Độ mỗi năm có đến mười ngàn người xin gia nhập đạo Công giáo. Hỏi thăm Đức cha John Thomas Kattrukudijil thì ngài cho biết lý do: “Vì chúng tôi giới thiệu Thiên Chúa như Người Cha yêu thương, và vì người ta thấy Giáo Hội thực sự yêu thương họ”.
7. Đề nghị cuối cùng của vị tân hồng y là MÁU, máu của các chứng nhân, máu của hi sinh, từ bỏ, kể cả chấp nhận cái chết. Màu đỏ của máu cũng là màu đỏ của mũ hồng y, nhắc nhở các vị hồng y phải can đảm làm chứng cho đức tin đến độ chấp nhận đổ máu. Ngày nay, Giáo Hội không thiếu những vị tử đạo như thế và Đức hồng y Koch đã kêu gọi mỗi năm có một “ngày liên đới” với những anh chị em đang chịu bắt bớ và bách hại vì đức tin. Chính chứng tá bằng máu ấy có giá trị mời gọi và thuyết phục mạnh mẽ về đức tin. Một bạn trẻ ở New York kể cho vị tổng giám mục của mình rằng anh đã bỏ đạo từ lâu, nhưng khi đọc cuốn The Monks of Tibhirine, cuốn sách kể về các tu sĩ bị giết ở Algeria cách đây 15 năm, rồi xem cuốn phim về các tu sĩ đó, Of Gods and Men, anh đã suy nghĩ lại và trở lại với Giáo Hội.
Những đề nghị của vị tổng giám mục New York lại không đáng cho người Công giáo Việt Nam quan tâm khi đặt ra cho mình hướng đi trong những năm tới: “Cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống” hay sao?
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm