Niềm vui gặp thấy “lúa tốt”
Sau Thánh lễ sáng Chúa nhật, tôi theo chân Mẹ Maria đến thăm viếng vài gia đình quen biết khá lâu rồi mà chưa được dịp tái ngộ.
1. Nóc gia thứ nhất: một gia đình 4 con
“Vợ con giỏi lắm cha ơi!”, người chồng hãnh diện nói với chúng tôi.
Đúng thế! Chúng tôi thấy Chị T. lui tới tất bật chăm sóc cho con rồi phục vụ bữa ăn cho chồng với gương mặt vui tươi, niềm nở.
Rồi hai cháu lớn chạy đi tìm Giấy Chứng nhận học sinh giỏi lớp 3 và Lớp 5, để được cha thưởng. Tuy không nhìn, nhưng tôi thấy được niềm vui trong đôi mắt cha mẹ của hai cháu. Được biết cháu Kh. Còn tham gia đi cầu lễ với các lễ sinh trong giáo xứ. Bố các cháu còn kể về cháu út biết hát thuộc lòng một bài ca về Đức Mẹ, mà chính anh, vốn là ca viên, cũng chưa thuộc hết.
Do công ăn việc làm, trong hiện tại anh chị không còn tham gia đoàn thể đạo nào, nhưng xem quả - 4 đứa con trai, chúng tôi cảm nhận được lòng đạo và lối giáo dục con cái của anh chị – bình dị mà hữu hiệu, trong một không gian chật hẹp (4 gia đình sống chung) và thời gian hạn chế.
Bức tranh sống động của một thánh gia giữa đời thường trong thời hiện đại chợt hiện ra mỗi lúc mỗi rõ nét trong cái nhìn Đức Tin của chúng tôi. Tôi vui vì như được gặp gỡ và nói chuyện với Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Cả Giuse.
2. Gia trang thứ hai: một gia đình 3 con
Vừa di dời từ nội thành ra ngoại thành chưa đầy một năm, gia đình này đang ổn định và hội nhập vào sinh hoạt giáo xứ địa phương qua việc đọc kinh liên gia mỗi tối tại khu xóm. Các con đã trưởng thành: một đi làm, người con cả theo đuổi ơn gọi tu trì và cô út đang học Đại học. Cả hai vợ chồng tuổi trung niên này đều ít nhiều tham gia vào việc xã hội hay tông đồ Lời Chúa.
Nghe anh kể về hoạt động nghề nghiệp và xã hội, được biết sự nhiệt tình tông đồ của ông trùm giáo khu, tôi cảm thấy vui vì nhận ra Chúa Thánh Thần đang tác động ở một vùng dân cư đông đúc với nhiều người nhập cư từ miền Trung vào.
3. Gia đình thứ ba với 5 người con
Cả 5 cô cậu (2 trai và 3 gái) đã lập gia đình và ở xa quê, chỉ còn hai ông bà với nhau tại quận Tân Bình. Bà đau tim nặng vừa xuất viện, nên thay vì về thăm dịp Tết Giáp Ngọ rồi sang Hoa Kỳ như dự tính, ông đã ở lại để chăm sóc bà.
Lần này tuy bà phải nằm một chỗ - vì cú ngã trong nhà -, nhưng tôi lại thấy gương mặt bà tươi tỉnh hơn cách đây vài năm, chắc là nhờ sự hiện diện của người bạn đời bên cạnh.
“Con giữ đúng lời hứa với bà ấy!”, ông nhắc lại với chúng tôi điều đã hứa với vợ mình: đi lo cho con cái ổn định đời sống rồi về ở với bà. Quả thật, việc thực hiện cam kết mang tính giai đoạn này gắn với lời thể hôn ước “giữ lòng chung thủy… khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe”. Tôi ngợi khen Chúa khi gặp gỡ hai chứng nhân của lòng thủy chung, vì không phải mọi đôi vợ chồng Công giáo đi định cư ở nước ngoài đều giữ được sự chung thủy trong ơn gọi hôn nhân - gia đình.
Niềm vui của Tin Mừng bừng dậy nơi lòng tôi khi thấy “lúa tốt” trên những mảnh ruộng gia đình. Ước gì mọi phần tử trong các gia đình không ngừng nhiệt tâm vun trồng và chăm sóc cho lúa tốt ngày càng sinh nhiều bông hạt.
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm