Ôi Chúa Giêsu, tình thương tha thứ!
Qua những buổi tham dự tĩnh tâm Mùa Chay Thánh 2011, bài chia sẻ của cha Giuse Nguyễn Trọng Viễn (OP) về đề tài: “Tình thương tha thứ” đã khiến tôi miên man suy nghĩ về tình người và tình Chúa nhiều nhất.
Tình người
Trong quan hệ giữa người với người, chỉ khi nào chúng ta vượt qua tất cả những rào cản về sự suy nghĩ ích kỷ hẹp hòi, về những hành động chỉ mưu cầu hạnh phúc cá nhân, chỉ khi chấp nhận bỏ cái tôi và hòa mình vào cuộc sống của người khác… lúc đó chúng ta mới nâng mối quan hệ giữa người với người lên một đẳng cấp mới, đó là mối quan hệ trong tình thương, một “tình thương tha thứ” không điều kiện. Chỉ khi nào ta sống và thực hiện được tình thương này, cuộc sống chúng ta mới có ý nghĩa trọn vẹn:
Trong tình thương này, cha mẹ thật vui khi thấy con cái học giỏi, nhưng rất buồn khi con cái hư hỏng! Và cha mẹ chấp nhận tất cả, vì đó là con của mình.
Người con thứ hoang đàng khi trở về nhà, chấp nhận điều kiện “không xứng đáng là con của cha”. Nhưng vì tình thương tha thứ, người cha đã mở tiệc ăn mừng và nói với người con cả: “Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết, mà nay sống lại, đã mất, mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,32).
Thực tế hằng ngày, mỗi sáng khi đi dạy học, đến ngã tư Nơ Trang Long và Phan Văn Trị, tôi thường gặp một người cha đang dìu người con trai bị tai biến, từng bước tỳ người trên chiếc nạng để tập đi, mồ hôi tuôn đổ trên trán, người cha lấy khăn lau mặt cho con!
Có lần đi với đoàn y bác sĩ khám bệnh từ thiện cho đồng bào dân tộc Châu Ro thuộc ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc, tôi chạnh lòng khi thấy một người cha cõng đứa con tật nguyền đến sân Ủy ban nhân dân xã, áo ướt mồ hôi. Thế nhưng khi vừa đặt con xuống thềm chờ đến phiên khám bệnh, ông lau mồ hôi cho con trước, và cho con uống nước trước khi ông lo cho bản thân mình.
Dịp khác, khi ghé thăm Cộng thể Don Bosco ở K’Long, tôi có dịp tiếp xúc với đồng bào dân tộc K’Long, là một ngôi làng nhỏ nằm dưới chân núi Voi ở xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng. Chuyến đó, tôi cảm nghiệm được rằng, tình mẫu tử sao quá tuyệt vời, để rồi tôi luôn nhớ mãi hình ảnh một bà mẹ ôm đứa con gái kém trí nhớ trong lòng, bàn tay chị lúc nào cũng bao bọc bàn tay con, lúc xoa nhẹ lúc nắn khẽ, lúc day day ngón cái vẽ lên lòng bàn tay để nhìn thấy con cười. Cử chỉ của người mẹ thật nhẹ nhưng chất chứa bao tình thương.
Xét cho cùng, cha mẹ yêu thương con mình bằng những hành động tinh tế đến vậy, huống chi tình Chúa yêu thương và tha thứ cho ta biết dường nào!
Tình Chúa
Sáng nay, khi tham dự Thánh lễ và nghe bài Thương Khó Chúa Giêsu, tôi suy nghĩ nhiều về tình thương của Thiên Chúa:
- Chúa Cứu thế - Khi Adam và Eva phạm tội, loài người tưởng đã phải khốn đời đời và không bao giờ nhìn thấy được mặt Đức Chúa Trời. Thế nhưng, vì tình yêu tha thứ, Thiên Chúa đã tha thứ và phán với con rắn: "Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú. Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó" (St 3,14-15).
Và cho tới nay, cuộc đối đầu ấy vẫn còn tiếp diễn: xung đột, chiến tranh, tội ác... vẫn diễn ra hằng ngày, bởi lòng tham lam, thù hận, kiêu ngạo, ganh tị... mà cái gốc của chúng là phân biệt giữa Ta và Người. Và "tội tổ tông" vẫn chưa gỡ được khỏi vai ông bà Adam và Eva, cho tới khi nào “tình yêu tha thứ” thắng thế mới có hạnh phúc đời đời.
Trong gần 3 năm rao giảng, Chúa Giêsu luôn thể hiện tình yêu tha thứ với con người:
- Chuyện người phụ nữ ngoại tình - Các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Người: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình. Trong sách luật ông Môisê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà này. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” (Ga 8,4-5).
Một cái bẫy đưa ra cho Chúa Giêsu. Họ mời Ngài làm quan tòa xét xử, nhưng không ngờ, ngược lại, Chúa Giêsu chính là quan tòa xét xử họ, khi Ngài nói: “Ai trong các ông sạch tội, cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8,7). Và không còn ai đứng đó, vì lương tâm họ sống lại, bừng tỉnh khỏi u mê, họ bỏ đá xuống và từ từ rút lui. Chúa ngẩng đầu lên và nói: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không còn ai lên án chị sao?” và với lòng nhân hậu Chúa nói: “Tôi không kết án chị đâu, chị về đi và đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11).
- Kinh Lạy Cha - Lời cầu xin thứ 5 trong kinh Lạy Cha Chúa Giêsu đã dạy chúng ta: “… Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con… ”. Lời xin của chúng ta chỉ được nhận, nếu ta biết tha thứ cho những người xúc phạm đến chúng ta... Khi từ chối tha thứ cho anh chị em mình, lòng chúng ta khép lại, sự cứng cỏi của lòng ta làm cho tình yêu đầy thương xót của Cha không thể nhập vào được. Chúng ta phải tha thứ cho nhau như Cha đã tha thứ cho chúng ta trong Chúa Kitô. Không có giới hạn và mức độ nào cho sự tha thứ thần linh này.
Tột đỉnh của “Tình yêu tha thứ”
Vì tình thương tha thứ, Đức Giêsu con Thiên Chúa đã xuống thế làm người, đã thực hiện con đường thiên sai cứu độ trong khiêm hạ, nghèo hèn. Người đã sống trọn vẹn thân phận làm người như chúng ta ngoại trừ tội lỗi. Ngài đã trải qua những niềm vui của thời thơ ấu, niềm vinh sáng của đời rao giảng và mầu nhiệm thương khó đã thể hiện tình yêu tột đỉnh của con Thiên Chúa làm người. Thánh Phaolô nói: “Chúa Giêsu Kitô đã tự hạ, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây Thập giá”. Và trước khi trút hơi thở cuối cùng, Đức Giêsu còn tha thứ cho tên trộm lành, và xin Chúa Cha tha tội cho những người đã kết án Ngài.
Thế nên, Chúa muốn chúng ta hãy thực hiện những nghĩa cử tha thứ cho anh em, vì Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta vô điều kiện, dù chúng ta đáng bị trừng phạt. Lệnh truyền khó thực hiện nhất trong các lệnh truyền của Chúa Giêsu đó là: “Anh em phải thương yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ oán ghét anh em”. Tha thứ là điều khó khăn nhất, cũng là điều cao cả nhất. Trao ban tiền của, trao ban thì giờ, và ngay cả trao ban chính mạng sống mình là điều xem ra còn dễ làm hơn là trao ban sự tha thứ. Tha thứ là tuyệt đỉnh của yêu thương, bởi vì tha thứ là yêu thương chính kẻ thù của mình.
Chỉ như vậy, chúng ta mới có được tình yêu đích thực với tha nhân, một tình yêu trao ban không tính toán thiệt hơn. Từ đó, mọi suy nghĩ, hành động chúng ta làm sẽ là vì lòng yêu mến Chúa, yêu mến tha nhân, và con người chúng ta sẽ trở nên thanh thoát hơn. Bởi lẽ, tha thứ tức là làm việc thiện cho người gây khốn khổ cho ta. Họ sẽ được an tâm không sợ ta báo thù, không phải đối phó với ta. Đời họ nhờ sự tha thứ của ta mà bớt gánh nặng, và bầu khí chung quanh cũng được nhẹ nhàng, dễ thở hơn.
Hơn nữa, tha thứ còn tạo cho ta một niềm vui trong lòng: Vui vì được Chúa tha thứ tội lỗi cho ta. Vui vì mình đã làm được một nghĩa cử cao đẹp mà ít người làm được. Vui vì mình không phải bận tâm với những tư tưởng trả thù, không bị gò bó trói buộc vào những chuyện đen tối, nhưng sẽ tự do trong cõi lòng thư thái, thong dong.
Hiến tế Thập giá của Chúa Giêsu trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh đã trở nên trọn hảo khi Ngài thưa với Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha thứ cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34).
Lạy Chúa, trong cuộc đời bon chen xô bồ này, làm sao tránh được những gây gỗ, bất hòa. Con chẳng tìm đâu ra những người vừa ý, hợp tánh với mình; ngay chính con có là người hoàn toàn bao giờ đâu!
Xin cho con đừng nuôi hờn giữ oán, nhưng luôn biết tha thứ và quên đi lỗi lầm của người khác. Xin cho con luôn nhớ rằng: tha thứ là của lễ đẹp lòng Chúa nhất, và qua đó, con được nên giống Chúa nhiều hơn. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm