Ơn Vô nhiễm nguyên tội và hành trình giải thoát
Từ rất lâu trước khi được Đức Piô IX chính thức công bố thành tín điều năm 1854, người tín hữu công giáo đã tin rằng Đức Maria được ơn vô nhiễm nguyên tội. Khi đọc Kinh Thánh, các giáo phụ đã nhìn thấy thấp thoáng đâu đó những hình ảnh vén mở ân huệ trọng đại này nơi Đức Mẹ.
Một trong những hình ảnh ấy xuất hiện trong trình thuật sống động của sách Xuất Hành:
“Ông Môsê dẫn đàn chiên qua bên kia sa mạc, đến núi của Thiên Chúa là núi Khôrép. Thiên sứ của Đức Chúa hiện ra với ông trong đám lửa từ giữa bụi cây. Ông Môsê nhìn thì thấy bụi cây cháy bừng, nhưng bụi cây không bị thiêu rụi. Ông tự bảo: ‘Mình phải lại xem cảnh tượng kỳ lạ này mới được: vì sao bụi cây lại không cháy rụi?’ Chúa thấy ông đến xem thì từ giữa bụi cây, Thiên Chúa gọi ông: ‘Môsê, Môsê!’ Ông thưa ‘Dạ, tôi đây!’ Người phán: ‘Chớ lại gần, cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh” (Xh 3,1-5).
Bụi cây cháy bừng bừng nhưng không bị thiêu rụi! Về mặt tự nhiên mà nói, lửa cháy bừng bừng như thế thì dứt khoát bụi cây phải bị thiêu rụi. Nhưng nếu bụi cây này không bị thiêu, ấy là vì bụi cây ấy đã được Thiên Chúa chọn làm nơi Ngài hiện diện và tỏ mình cho Môsê. Tương tự như thế, đã là con người sinh ra trên đời, đều chịu ảnh hưởng của nguyên tội. Nếu có một ai được miễn trừ ảnh hưởng này, ấy là vì Thiên Chúa đã chọn cung lòng con người ấy làm nơi hiện diện và tỏ mình ra cho nhân loại. Con người được ơn miễn trừ đặc biệt ấy là Đức Maria: “Này đây, bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả và được gọi là Con Đấng Tối Cao” (Lc 1,31-32). Cung lòng Đức Trinh Nữ Maria là “đất thánh”. Các giáo phụ thuộc truyền thống Đông phương gọi Mẹ Thiên Chúa là Đấng Toàn Thánh (panaghia) và tôn vinh Mẹ là “Đấng không hề vương nhiễm một vết nhơ tội lỗi nào, như thể một tạo vật mới được Chúa Thánh Thần nắn đúc và tạo dựng”.
Đấng Thiên Chúa tỏ mình ra cho Môsê là Đấng Thiên Chúa giải thoát: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên đất Ai Cập. Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Nay Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai Cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật” (Xh 3,7-8).
Cũng thế, Đấng Thiên Chúa ngự trị trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria là Đấng Thiên Chúa giải thoát: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria về làm vợ, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,20-21).
Nếu có sự khác biệt nào thì hẳn là khác biệt giữa “giải thoát khỏi tay người Ai Cập” và “giải thoát khỏi tội lỗi”. Và cũng chính ở đây, người tín hữu Kitô khám phá ơn giải thoát đích thực, sâu xa và trọn vẹn nhất mà Thiên Chúa ban tặng trong Đức Kitô Giêsu.
Dân Chúa đã được giải thoát khỏi tình trạng nô lệ chính trị và bóc lột kinh tế khi Chúa sai Môsê đưa dân ra khỏi đất Ai Cập. Phải chăng thế là đủ? Đọc lại lịch sử Dân Chúa thời Cựu Ước, câu trả lời đã rõ. Họ được giải thoát khỏi tình trạng nô lệ chính trị và áp bức kinh tế, được hưởng nền độc lập dân tộc và phát triển kinh tế, nhưng rồi lại sa đà vào lối sống đối nghịch với giao ước đã ký kết với Thiên Chúa, hủy hoại những tương quan căn bản trong cuộc đời, từ tương quan với Thiên Chúa đến tương quan với nhau. Hậu quả là lại lưu đầy, lại đánh mất chủ quyền chính trị, lại làm thân nô lệ. Rồi ý thức lại và sám hối ăn năn. Thiên Chúa lại ra tay giải thoát. Rồi lại đâu vào đấy. Quả là vòng lẩn quẩn nếu chỉ dừng lại ở sự giải thoát về chính trị và kinh tế.
Vòng lẩn quẩn ấy chỉ bị phá vỡ nhờ Đức Giêsu Kitô, Đấng đã đến để “cứu Dân Người khỏi tội lỗi” vốn là cội nguồn của mọi thứ bất công, áp bức, bóc lột. Và Đức Giêsu đã không thực hiện ơn giải thoát ấy bằng con đường của Môsê trong tư cách nhà lãnh đạo chính trị và quân sự, nhưng qua con đường hiến thân phục vụ, yêu thương đến cùng, đến chết trên thập giá.
Hiểu như thế, lời “xin vâng” của Đức Maria vô nhiễm nguyên tội vẫn cần được lặp lại trong đời sống Kitô hữu mỗi ngày. “Xin vâng” với ơn giải thoát khỏi tội lỗi – chứ không chỉ là sự giải thoát chính trị và kinh tế. “Xin vâng” với con đường giải thoát ngang qua thập giá tình yêu của Đức Giêsu – chứ không phải bằng bạo lực trong hành động cũng như ngôn từ.
Lời “Xin Vâng” ấy hàm chứa trong nó một hành trình hoán cải. Như thánh Phêrô, đó là hành trình từ chỗ can gián Thầy Giêsu lên Giêrusalem để chịu đau khổ và chịu chết: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy” (Mt 16,22) đến chỗ tuyên xưng: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự. Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21,17).
Mừng lễ Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội 2011
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm