Phòng khám Thiên Thảo Đường
WGPSG -- Ngồi giữa các bệnh nhân, tôi lắng nghe họ trao đổi với nhau nhiều chuyện lắm, có người nói về tình trạng bệnh tật, có người kể chuyện gia đình, người khác bàn chuyện làm ăn… Nhưng tuyệt nhiên, không có tiếng thở dài về nỗi lo tiền thuốc phải trả. Nơi tôi nhắc đến chính là “Thiên Thảo Đường”, phòng khám chữa bệnh đông y phục vụ miễn phí của Tu Đoàn Bác Ái Xã Hội tại Tân An, Hàm Tân, một địa chỉ quen thuộc của khá đông bệnh nhân nghèo từ khắp nơi tìm đến.
Từ chữa lành bệnh tật thể lý
Trên chuyến xe buýt Phan Thiết - Ngã Ba 46, chúng tôi gặp vài người cũng đang trên đường đến tái khám, bốc thuốc tại Thiên Thảo Đường. Chị Viền, 47 tuổi, ngụ tại phường Đức Long – TP Phan Thiết kể: Tôi bị viêm xoang nặng, đã mổ nhưng vẫn không giảm bớt bao nhiêu, không có tiền chữa thuốc tây, được người quen chỉ tìm đến phòng khám Thiên Thảo Đường để khám và uống thuốc Nam. Mới chỉ uống thuốc được 2 tuần mà đã thấy đỡ nhiều. Đây là lần thứ 3 tôi đi lấy thuốc.
Xe dừng tại Ngã Ba 46, một người quen đón tôi chở bằng xe máy còn những người khác đi xe buýt Lagi vào Thiên Thảo Đường. Từ ngã rẽ, khá đông bệnh nhân lớp đi bộ, lớp đi xe máy cũng đang đến nhà thuốc. Thấy tôi ngạc nhiên vì có nhiều người đến khám bệnh, bạn tôi cho biết vì hôm nay là thứ Ba, ngày khám – bốc thuốc trong tuần nên bệnh nhân xa gần đều đến.
Phòng khám Thiên Thảo Đường do Đức cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, nguyên Giám mục GP Phan Thiết thành lập năm 2006. Có 10 tu sĩ thuộc Tu Đoàn Bác Ái Xã Hội đã qua đào tạo chuyên khoa Đông y phục vụ tại phòng khám. Nữ tu Maria Nguyễn Thị Nga, trưởng nhà thuốc cho biết: “Đức cha Phaolô quyết định lập phòng khám chữa bệnh bằng thuốc Nam vì thuốc Nam ít tốn kém, ít gây phản ứng phụ, không hại bao tử như dùng thuốc Tây và có thể trị dứt một số bệnh. Nếu lập phòng khám Tây y sẽ tốn rất nhiều kinh phí vì thuốc điều trị phải mua hoàn toàn. Mỗi tuần phòng khám phát miễn phí 2.000 thang thuốc, tổng giá trị khoảng 50 triệu đồng cho bệnh nhân”.
Để có nguồn thuốc cho phòng khám, Tu Đoàn Bác Ái Xã Hội đã sử dụng 20 mẫu đất để trồng 60 loại cây dược liệu. Những loại thuốc không sản xuất được thì mua thêm. Chúng tôi được một nữ tu đưa đi xem khu vực bào chế thuốc gần đó. “Để đảm bảo an toàn về chất lượng, từ cây dược liệu tươi, các khâu sơ chế và bào chế thuốc các loại do chính các tu sĩ thực hiện”, chị nói.
Tại đây, Phòng Châm Cứu cũng hoạt động sôi nổi. Trung bình một ngày có khoảng 30-40 bệnh nhân tới châm cứu, riêng ngày thứ Ba hằng tuần - ngày cao điểm, số bệnh nhân khoảng 70-80 người. Được đào tạo bài bản, các nữ tu đã ứng dụng nhiều liệu pháp như châm cứu, bấm huyệt, massage, vật lý trị liệu... chữa trị cho bệnh nhân bị chứng bệnh về thần kinh, cơ xương khớp, tuần hoàn v.v.
Qua thống kê, việc chữa trị đã đem lại nhiều hiệu quả khả quan. Trong hồ sơ lưu bệnh án có rất nhiều bệnh nhân đã hồi phục bình thường sau một thời gian điều trị. Tỷ như trường hợp Anh Trần Văn Thanh ở Hàm Tân, bị gai cột sống làm liệt một chân đi lại khó khăn, sau thời gian điều trị đã đi lại bình thường. Hoặc như ông Đinh Văn Liêm ở Xuân Hòa, Đồng Nai, lúc đầu đến Phòng khám, ông phải nhờ người bồng, bế vào, thân thể gầy guộc, “da bọc xương”, không thể đo được huyết áp, mạch khó bắt. Sau năm lần điều trị và lấy thuốc về nhà uống, ông đã đi đứng bình thường.
Đến chữa lành tâm hồn
Vợ Anh Nguyễn Văn Ẩn (Vũng Tàu) kể, chồng chị đang đi làm thuê thì bị tai biến liệt hai chân. Đến bệnh viện chữa trị lại phát hiện thêm chị viêm gan B nặng trong lúc gia đình túng quẫn vì bị mất mùa lại thêm công nợ chồng chất. Hai người đã có lúc nghĩ đến cái chết. Nhưng những lần hai vợ chồng đến châm cứu bốc thuốc tại đây đã được các nữ tu ân cần săn sóc, lắng nghe tâm sự và khuyên bảo nên anh chị đã tìm được bình an, chấp nhận hoàn cảnh và phấn đấu để vượt qua giai đọan khó khăn. Bà Lê Thị Bé ở Long Khánh thì không ngớt lời khen ngợi về phong cách phục vụ của các nữ tu nhà thuốc: “Tôi cảm thấy mình được trân trọng và được các dì yêu thương quan tâm thực sự dù tôi nghèo không có tiền”.
Nữ tu Nga cho biết, bệnh nhân nghèo truyền tai nhau tìm đến Phòng khám ngày thêm đông. Hạnh phúc nhất đối với các thầy thuốc tại Thiên Thảo Đường là có nhiều bệnh nhân không những được chữa lành bệnh về thân xác mà tinh thần của họ cũng lạc quan hơn. Vì phương pháp chữa trị Đông y đòi hỏi phải có thời gian dài, do đó trong khi chữa trị, các nữ tu có dịp để trò chuyện, thăm hỏi, lắng nghe và an ủi động viên cũng như hướng cho bệnh nhân cái nhìn tích cực hơn trong cuộc sống.
Dù những người đến đây được điều trị miễn phí nhưng Phòng khám cũng có đặt một thùng “Quà liên đới”. Đức cha Phaolô giải thích chữ “Liên đới”: “Không bắt buộc, nhưng đây là chỗ để các bệnh nhân, nhất là những người đã được chữa lành, nghĩ đến nhau.Vì được phục vụ hoàn toàn miễn phí nên họ cũng sẽ nghĩ đến những người bệnh khác đang cần được phục vụ, bằng cách đóng góp phần tùy khả năng vào công việc ý nghĩa này”. Chúng tôi ngạc nhiên khi biết số tiền mà bệnh nhân tự nguyện đóng góp có thể bù đắp đến 70% tổng chi phí của nhà thuốc.
Nếu tính cả các chi nhánh thuộc Thiên Thảo Đường tại Ngã Ba 46, các giáo xứ Fatima, Đagury và Gia Huynh thì số người khám, châm cứu và bốc thuốc có thể đạt con số 400 vào cao điểm – ngày thứ Ba hằng tuần. Đây là hình ảnh đẹp của của việc sống Tin Mừng thiết thực giữa dòng đời. Ngoài ra, bên cạnh việc chữa bệnh, Tu Đoàn còn trao đến tay bệnh nhân những phần quà vào những dịp lễ, tặng xe đạp và học bổng cho học sinh nghèo đầu năm học. Phòng khám nào cũng kèm theo phục vụ nước uống tinh khiết từ hệ thống máy lọc công nghệ đạt tiêu chuẩn.
Đức cha Phaolô, vị giám mục nổi tiếng với những công việc an sinh xã hội, nay đã 80 tuổi nhưng vẫn miệt mài với những dự án phát triển cộng đồng, kể kinh nghiệm thực tế: “Năm 2008, một nhóm chị em Tu đoàn Bác Ái Xã Hội đến một cụm dân cư người dân tộc Tày ở Đami, xin ở lại đó chữa bệnh miễn phí và cung cấp nước sạch cho họ. Ban đầu địa phương còn e dè, nhưng với hoạt động từ thiện xã hội, người ta hiểu ra và tạo những điều kiện. Tôi thấy đến nơi nào cũng vậy, nếu đến với dân bằng tình thương và tinh thần phục vụ, sẽ được chính quyền và bà con xem là thân quen của họ…”. “Tin Mừng cho người nghèo”, châm ngôn sống của Đức cha Phaolô đang được các tu sĩ Tu Đoàn Bác Ái Xã Hội nỗ lực thực thi qua những đóng góp âm thầm xoa dịu nỗi đau của bệnh nhân. Họ đang làm theo hướng dẫn của Thư chung Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: “Đức Tin của người Công giáo cần được thể hiện qua việc thực thi bác ái. Đức Tin và Đức Mến cần đến nhau và hỗ trợ cho nhau” (Báo CG&DT số 1891).
Phòng khám Thiên Thảo Đường
Tu đoàn Bác ái Xã hội, Đông Thuận, Tân Hà, Hàm Tân, Bình Thuận, Việt Nam
Điện thoại: 0623.876996; Mobi: 0913110213
Email: bacaixahoi@yahoo.com
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm