Phục sinh: Thiên Chúa lên tiếng (Vọng Phục sinh 2020)
- Thinh lặng
Chiều thứ Sáu và ngày thứ Bảy: những giờ phút lặng lẽ, nặng nề, sâu thẳm.
Từ đêm thứ Năm đến chiều thứ Sáu: những tiếng la hét, hung hăng, ồn ào. Dân chúng đòi kết án và đóng đinh Đức Giêsu. Rồi những tiếng chát chúa của mũi đinh đóng chân tay Đức Giêsu vào cây thập tự.
Trong khi đó, Đức Giêsu người công chính bị kết án không hé môi, chỉ thinh lặng.
Lính tráng, dân chúng thách thức: nếu mi là con Thiên Chúa, xuống khỏi thập giá… Nó đòi phá Đền thờ. Nó ỷ lại mình là Con Thiên Chúa. Xuống khỏi thập giá đi, chúng ta sẽ tin. Đức Giêsu thinh lặng. Quyền năng làm cho người chết sống lại đâu rồi ? Lừa đảo chăng ? Đức Giêsu không trả lời, không xuống khỏi thập giá. Thinh lặng.
Đức Giêsu chết và được mai táng trong mồ. Tảng đá to đã lấp lối vào, với dấu niêm phong của quan tổng trấn. Tảng đá chôn chặt cuộc đời một con người. Một cuộc đời đi vào dĩ vãng. Mọi người rồi sẽ quên. Thinh lặng quanh nấm mồ.
Các tông đồ chạy trốn, tản mát, thất vọng ê chề. Niềm hy vọng vào Đấng Cứu thế tan vỡ. Ba năm theo Thầy chẳng còn gì, giờ đây vỡ mộng, miên man suy nghĩ, lặng lẽ tìm lối về quê.
Philatô, Anna và Caipha đắc chí vì đã thủ tiêu được một con người bị coi là nguy hiểm cho ổn định xã hội. Đắc chí nhưng chưa mừng vội. Biết đâu Đức Giêsu sẽ sống lại như lời đã báo trước. Sợ hãi và thinh lặng.
Đức Mẹ vốn giữ đặc trưng “thinh lặng và suy gẫm trong lòng”. Không ai nhớ lời Thầy, chỉ một mình Mẹ ghi nhớ lời tiên báo phục sinh. Nhưng thực tế quá phũ phàng đau thương, không hiểu nổi. Thinh lặng suy gẫm và chờ đợi.
Sự thinh lặng còn bí ẩn hơn khi Thiên Chúa không trả lời Người Con yêu dấu. “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén này”. Mồ hôi máu chảy xuống, Cha không trả lời. Con chỉ biết vâng phục và thinh lặng thi hành ý Cha.
Trên thập giá: “Lạy Cha, sao Cha bỏ con ?” Tiếng kêu thống thiết. Thiên Chúa thinh lặng. Không một lời đáp. Thinh lặng. Bí ẩn, khó hiểu.
Đức Giêsu có phải là Đấng Cứu độ, là Con Thiên Chúa chăng ? Đức Giêsu có mị dân đánh lừa niềm hy vọng ? Lời rao giảng, phép lạ: ảo tưởng! Thiên Chúa có thật không ?
Những giờ phút thinh lặng nặng nề. Thiên Chúa thinh lặng mãi sao ?
- Thiên Chúa lên tiếng
Không, Thiên Chúa không mãi mãi thinh lặng. Ngài lên tiếng rồi! Giữa đêm khuya thanh vắng, lính canh gác mồ còn đang ngủ, đất đã rung chuyển dữ dội. Ngay sau khi Đức Giêsu tắt thở, đất đã rung chuyển, đá vỡ tan tác, mồ mả bật tung. Nhưng đêm nay, đất rung chuyển dữ dội hơn.
Thiên thần Chúa từ trời xuống, diện mạo như ánh chớp, tảng đá lấp cửa mồ lăn sang một bên. Thiên Chúa lên tiếng rồi. Đức Giêsu đã chỗi dậy, không còn trong mồ nữa.
Alleluia! Chúa sống lại rồi. Người sống lại như lời đã báo trước. Đức Giêsu sống lại vinh quang, không còn đau thương, nhục nhã.
Lính canh gác mồ, dấu ấn niêm phong của Philatô, tảng đá to chôn chặt nấm mồ: tất cả trở thành vô ích. Sức mạnh của quân đội Roma hay âm mưu của người Do Thái, súng ống hay gươm giáo gậy gộc: cũng vô ích.
Mọi người chưng hửng nhìn nấm mồ trống. Tên Giêsu đâu rồi ?
Đức Giêsu đã phục sinh. Alleluia! “Sự chết không còn làm chủ được Ngài nữa”.
Thiên Chúa đã lên tiếng, đã phá vỡ im lặng để trả lời cho Con của Ngài. “Sao Cha bỏ con ?” Không, con mãi mãi là con yêu dấu của Cha. Hôm nay con đã bước vào vinh quang. Con đã hiến tế cuộc đời làm của lễ đền tội cho nhân loại, Cha chấp nhận hiến tế tình yêu của con.
Thiên Chúa cũng đã lên tiếng trả lời cho nhân loại: Đức Giêsu đúng là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu độ nhân loại. Lời Ngài là sự thật. Ngài là con đường dẫn nhân loại đi tới hạnh phúc đích thực, hạnh phúc viên mãn. “Hãy nghe lời Ngài”.
Sự phục sinh của Đức Giêsu là tiếng nói của Thiên Chúa trả lời cho những vấn nạn bí ẩn của đời người. Đau khổ, tội lỗi, sự chết, không phải là tiếng nói cuối cùng. Chỉ Thiên Chúa mới có tiếng nói cuối cùng.
Đau khổ không phải là số phận nghiệt ngã, mà là đường dẫn đến vinh quang.
Tội lỗi nhân loại quá nặng nề, nhưng lòng thương xót của Thiên Chúa còn lớn hơn.
Chết không phải là hết, nhưng là cửa ngõ đi vào cuộc sống vĩnh cửu.
Qua sự phục sinh của Đức Giêsu, Thiên Chúa muốn nói với chúng ta rằng: chiến thắng cuối cùng thuộc về tình yêu và chân lý.
Ích kỷ hận thù ghen ghét đẩy nhân loại đến chỗ diệt vong. Chỉ có tình yêu tồn tại mãi. Chỉ có lòng quảng đại, quên mình, hiến thân phục vụ, nhẫn nhục và tha thứ, mới kiến tạo một thế giới mới văn minh, văn minh của tình yêu.
Sức mạnh của bom đạn vũ khí, áp bức, bạo lực, gian dối, chỉ là sức mạnh tiêu diệt, đẩy nhân loại xuống vực sâu. Chỉ có chân lý mới là sức mạnh, là sức mạnh giải phóng đem lại tự do đích thực. Đó là câu trả lời của Thiên Chúa.
- Thiên Chúa vẫn đang lên tiếng
Thế giới đang trong những ngày thinh lặng. Như thứ Sáu, thứ Bảy Tuần Thánh.
1,7 triệu người bị nhiễm virus corona. Bệnh nhân cách ly trong bệnh viện, không một người thân nào được đến gần, lặng lẽ vật lộn với bệnh tật. Hơn 100.000 người chết, lặng lẽ nằm xuống, cô đơn, không người thân tiễn đưa.
Cuộc sống hằng ngày không còn xô bồ náo nhiệt. Ngoài đường vắng lặng. Những thành phố không bao giờ ngủ nay cũng nằm yên bất động. Mọi người cách giãn xa nhau. Không còn tụ điểm ồn ào. Các gia đình đóng kín cửa. Công ty, văn phòng lặng lẽ. Biết bao nhiêu người âm thầm chịu đựng đau khổ.
Nhà thờ vắng bóng giáo dân. Từ Roma đến Giáo hội địa phương, Tuần Thánh được cử hành âm thầm lặng lẽ, không có lời kinh tiếng hát của cộng đoàn.
Nhưng khó hiểu hơn cả là chính Thiên Chúa cũng thinh lặng. Bao nhiêu lời nguyện cầu, tha thiết van xin, không thấy Thiên Chúa lên tiếng. Sự thinh lặng khó hiểu. Có Thiên Chúa không ? Thiên Chúa ở đâu, có quan tâm đến nỗi đau khổ của nhân loại không ? Có người mỉa mai: đợi các nhà khoa học tìm ra thuốc, lúc đó Chúa sẽ trả lời.
Có lẽ Thiên Chúa vẫn tiếp tục thinh lặng, như đã thinh lặng trong mầu nhiệm Khổ nạn của Đức Giêsu. Hôm nay Ngài thinh lặng vì Ngài đã lên tiếng rồi. Thiên Chúa trả lời trong biến cố phục sinh rồi.
Giữa cơn đại dịch covid-19, hoặc mỗi lần gặp nghịch cảnh khổ đau trong đời, có lẽ chúng ta mong Thiên Chúa lên tiếng bằng một phép lạ ban ơn theo ý chúng ta. Nhưng trong cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, Thiên Chúa đâu có làm theo ý Đức Giêsu, trái lại, vẫn cứ để con mình chết, không phải vì bất lực hay vô cảm, nhưng vì muốn thực hiện một điều lớn lao hơn, đó là cho Đức Giêsu sống lại để sống muôn đời trong vinh quang. Thiên Chúa lên tiếng bằng một cách khác với suy nghĩ của ta.
Không phải cứ cầu nguyện là có phép lạ được như ý mình xin. Thiên Chúa làm phép lạ hay không là tùy thánh ý của Ngài. Thiên Chúa giàu lòng thương xót và quyền năng vô cùng, nhưng nếu lúc nào cũng chờ đợi phép lạ là ảo tưởng. Kitô giáo đâu có quảng cáo phép lạ, nhưng rao giảng Đức Giêsu chịu chết và đã sống lại.
Khi chúng ta cầu nguyện, chắc chắn sẽ được Chúa nhận lời, hoặc Chúa ban như ý ta xin, hoặc Chúa thực hiện điều còn cao cả hơn điều ta có thể nghĩ tới.
Điều cao cả Thiên Chúa đang làm hôm nay là đổi mới thế giới. Chắc chắn sau nạn dịch covid-19 này, nhân loại một cách nào đó sẽ được phục sinh, tâm hồn mỗi người sẽ được đổi mới, lối sống con người sẽ đổi thay. Với niềm tin Đức Giêsu đã sống lại, chúng ta biết rằng Thiên Chúa đang thực hiện một kế hoạch tốt đẹp cho nhân loại. Chúng ta mong ước được chữa lành nơi thân xác, nhưng Thiên Chúa còn muốn cho chúng ta điều vĩ đại hơn, đó là chữa lành con người toàn diện: xác – hồn, ơn tha tội, vinh quang đời sau, cá nhân, gia đình và xã hội.
Đối với các Kitô hữu, ơn chữa lành toàn diện đã bắt đầu rồi, khi chúng ta lãnh nhận bí tích Rửa tội. “Anh em đã nên một với Đức Kitô. Nhờ Rửa tội, anh em đã cùng chết và được sống lại với Đức Kitô”. Đêm Vọng Phục sinh là thời điểm đặc biệt để ta nhớ lại bí tích Rửa tội, để nhớ rằng mình đã được tái sinh trong đời sống mới, và được sống bằng sự sống thần linh của Đức Kitô. Đó không phải là điều vĩ đại sao ?
Ơn chữa lành thật vĩ đại khi Chúa ban cho chúng ta sức mạnh siêu nhiên, để dù sống giữa thế gian, chúng ta không sống theo thế gian, không nô lệ tội lỗi, không buông theo đam mê dục vọng xác thịt, không tham lam ích kỷ ghen ghét hận thù, trái lại, chúng ta hân hoan và trung thành bước theo Chúa Giêsu, sống theo Lời Ngài, sống công chính thánh thiện, có lòng thương xót, nhịn nhục tha thứ, vác thập giá hằng ngày thông phần vào cuộc khổ nạn của Chúa.
Đó là ơn chữa lành toàn diện, là biểu lộ quyền năng của Thiên Chúa. Sức mạnh và sự thật của mầu nhiệm phục sinh sẽ lên tiếng qua cuộc sống của từng Kitô hữu. Tiếng nói âm thầm nhưng là tiếng nói hùng hồn.
Chúa đã sống lại. Alleluia. Cầu chúc mọi người bình an, đầy tràn niềm vui và sức sống mới của Đức Kitô phục sinh.
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm