Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật II Mùa Chay - Năm C
CHÚA NHẬT II MÙA CHAY NĂM C
St 15,5-12.17-18; Pl 3,17-4,1; Lc 9,28b-36
CHỦ ĐỀ:
LẮNG NGHE VÀ TÍN THÁC
VÀO THIÊN CHÚA
“Đây là Con Ta, người được Ta tuyển chọn,
hãy vâng nghe lời Người.”
(Lc 9,35)
I. CÁC BÀI ĐỌC
Hằng năm, Giáo Hội dành thời gian 40 ngày trong Mùa Chay Thánh để mời gọi các tín hữu gia tăng việc chay tịnh, đào sâu đời sống cầu nguyện, thúc đẩy việc hãm mình-thống hối-ăn năn, tập bỏ mình nhiều hơn và gia tăng những việc bác ái đối với tha nhân. Đây là khoảng thời gian tuyệt vời để người tín hữu sống tinh thần siêu thoát, thoát tục, hướng thiện và hướng thiên, để chuẩn bị lòng mình xứng đáng đón nhận Mầu Nhiệm Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô.
Với tinh thần này, Phụng Vụ Thánh Lễ Chúa Nhật II Mùa Chay Năm C, tiếp tục mời gọi chúng ta đọc và suy niệm về ý nghĩa lời Chúa muốn nói với chúng ta.
1. Bài đọc 1: St 15,5-12.17-18 - Lời Hứa và Giao Ước với Abraham
Bài đọc 1 chứa đựng nội dung hai cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và Abraham. Cuộc gặp gỡ lần thứ nhất xảy ra vào ban đêm (15,5), trong một thị kiến (15,1), với nội dung liên hệ đến việc Thiên Chúa hứa ban cho Abraham một dòng dõi đông đảo như sao trên trời. Còn cuộc gặp gỡ lần thứ hai xảy ra vào lúc chập tối, lúc mặt trời gần lặn (15,12), khi giấc ngủ mê ập xuống trên Abraham (15,12), với nội dung liên hệ đến việc Thiên Chúa hứa ban đất cho con cháu Abraham làm sở hữu. Câu 6 “Ông tin Đức Chúa, và vì thế, Đức Chúa kể ông là người công chính” chính là câu nối kết hai sự kiện này.
Đến thời điểm này trong câu chuyện về tổ phụ Abraham, chúng ta biết được ông và vợ ông là bà Sarah đã già, n
hưng họ vẫn chưa có con (x. St 15,2-3). Lời hứa về dòng dõi của Abraham đã xảy ra trước đó, ở St 12,2, khi Thiên Chúa truyền gọi Abraham đi đến vùng đất Người sẽ chỉ cho ông, Người đã hứa với ông: “Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi”. Sau khi Abraham chia tay với Lót, cháu mình, Thiên Chúa hứa thêm: “Ta sẽ làm cho dòng dõi ngươi nhiều như bụi trên mặt đất; nếu người ta đếm được bụi trên mặt đất, thì mới đếm được dòng dõi ngươi” (St 13,16). Và lúc này, Thiên Chúa đưa Abraham ra ngoài và phán: “Hãy ngước mắt lên trời, và đếm thử các vì sao, xem có đếm nổi không”. Rồi Thiên Chúa lại phán: “Dòng dõi ngươi sẽ như thế đó” (St 15,5).
Abraham hiển nhiên không thể đếm nổi các vì sao trên trời, cũng như người ta không thể đếm được bụi trên mặt đất. Một cách loại suy, dòng dõi phát xuất từ Abraham, theo lời hứa của Thiên Chúa, sẽ trở nên đông đảo, không sao đếm nổi. Tuy nhiên, đây đã là lời hứa lần thứ ba rồi. Abraham có đủ lý do để không tin, hay ít là, khó tin trước lời Thiên Chúa hứa. Nhưng một lần nữa, chúng ta lại thấy Abraham xứng danh là tổ phụ của các kẻ tin. Ông đã tin Đức Chúa, và được Đức Chúa kể là người công chính, vì niềm tin của ông vào lời hứa này của Người.
Mùa Chay là thời gian để người tín hữu đào sâu tương quan với Thiên Chúa. Đây là thời gian người tín hữu được mời gọi hướng thiên nhiều hơn. Abraham nhìn lên trời cao, với hằng hà sa số các vì sao, đến độ ông không sao đếm nổi. Abraham chắc hẳn đã nhận thấy quyền năng sáng tạo cách lạ lùng của Đấng đang nói với mình. Nếu trời cao đầy huyền nhiệm kia, mà Thiên Chúa còn tạo ra được, thì không có lý gì, Người không thể tạo cho ông một dòng dõi đông đảo, dù rằng ông và Sarah đã già. Tin vào lời Thiên Chúa hứa, là tin vào một Thiên Chúa toàn năng, siêu việt, nhưng cũng rất gần gũi, luôn dành sự ưu ái với mình. Mùa Chay đối với chúng ta cũng vậy, đó là thời gian để chúng ta đào sâu ba nhân đức đối thần – Tin, Cậy, Mến – trong tương quan với Thiên Chúa. Chúng ta thử tự vấn lòng mình: trước những điều tưởng chừng như vô vọng, tôi có đặt đủ niềm tin vào Thiên Chúa, như Abraham đã làm không?
Một khi Abraham được Thiên Chúa kể là công chính, Abraham xứng đáng bước vào tương quan giao ước với Thiên Chúa. Trước lời hứa của Thiên Chúa về vùng đất mà Người sẽ ban cho Abraham và con cháu ông làm sản nghiệp riêng (x. St 15,9; đ/c St 13,12.14-15), Abraham đã thắc mắc: “Lạy Chúa, làm sao mà biết là con sẽ được đất này làm sở hữu?” (St 15,8). Đây không phải là thái độ kém lòng tin, vì ông không bị Thiên Chúa khiển trách trước câu hỏi này. Sau này, Đức Trinh Nữ Maria cũng từng thưa với sứ thần trong biến cố truyền tin: “Việc ấy xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến người nam” (Lc 1,34). Đức Maria cũng không hề bị thiên sứ khiển trách. Sở dĩ như vậy, vì Thiên Chúa là Đấng thấu suốt cõi lòng con người. Người biết câu hỏi của Abraham hay thắc mắc của Đức Maria không phản ánh thái độ kém lòng tin. Tuy nhiên, trường hợp của ông Zacaria, cha của Gioan tẩy giả thì lại khác. Trước việc sứ thần loan báo là bà Elizabeth sẽ sinh cho ông một người con trai, ông Zacaria đã thưa lại: “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy? Vì tôi đã già và nhà tôi đã lớn tuổi” (Lc 1,18). Vấn đề mà ông Zacaria nêu ra, có lẽ không khác gì so với chuyện ông Abraham hay Đức Trinh Nữ Maria nêu lên, nhưng ông Zacaria bị sứ thần khiển trách, vì sứ thần đã “đọc được” qua những lời này thái độ kém lòng tin của Zacaria, “bởi vì ông đã không tin lời tôi, là những lời sẽ được ứng nghiệm đúng thời đúng buổi” (Lc 1,20).
Lời nói của Abraham - “Lạy Chúa, làm sao mà biết là con sẽ được đất này làm sở hữu?” - tương tự như lời nguyện xin một dấu chỉ để chứng thực lời hứa của Thiên Chúa. Thiên Chúa đáp lại điều này bằng việc ký kết với Abraham một giao ước. Trong đó, Người đoan chắc với Abraham: “Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đất này, từ sông Ai-cập đến sông Cả, tức sông Euphrates” (St 15,18). Nhưng trước đó, Người tiên báo về tình trạng của dân Israel trước khi tiến về và sở hữu Đất Hứa: “Dòng dõi ngươi sẽ trú ngụ trong một đất không phải của chúng. Chúng sẽ làm tôi người ta, và người ta sẽ hành hạ chúng bốn trăm năm. Nhưng Ta sẽ xét xử dân tộc chúng phải làm tôi, và sau đó chúng sẽ ra đi với nhiều tài sản” (St 15,13-14).
Lịch sử dân Israel chứng thực điều này. Lịch sử ấy chứng thực rằng việc dân Israel ra khỏi Ai-cập, việc họ tiến bước trong sa mạc, để tiến về Đất Hứa, việc họ chiếm được Đất Hứa, đều năm trong chương trình cứu độ nhiệm mầu của Thiên Chúa dành cho họ. Điều mà Thiên Chúa muốn nơi họ là tin tưởng vào quyền năng cứu độ của Thiên Chúa: Người biết thời điểm nào cần phải giải thoát họ, và hoàn tất lời Người đã hứa với các tổ phụ của họ. Thái độ tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa chẳng phải là lời mời gọi dành cho cả chúng ta hôm nay nữa hay sao?
2. Bài đọc 2: Pl 3,17-4,1 - Quê Hương đích thực
Trong thư gửi tín hữu Philiphê, thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta một điểm rất quan trọng trong Mùa Chay Thánh này, một điểm mà chúng ta có thể hay quên, đó là, quê hương đích thực của chúng ta không phải ở dưới thế này, nhưng ở trên trời. Như thế, người tín hữu chúng ta, tuy sống giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian; tuy sống và làm việc ở đời này, nhưng không vì thế mà cố bám víu vào cuộc sống chóng qua cho bằng được, càng không thể vì thế mà chỉ lo mải mê tìm kiếm cuộc sống trần thế mau qua này, mà ngó lơ hay đánh mất sự sống đích thực của chúng ta ở trên thiên quốc với Thiên Chúa.
Thiên Chúa chúng ta thờ, vì thế, không thể là “cái bụng”; điều chúng ta tìm kiếm, vì thế, không thể là “những sự thế gian” (Pl 3,19). Trái lại, điều mà chúng ta cần phải lo tìm kiếm trước tiên, là “Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn những điều khác, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33). Điều mà chúng ta cần ngóng lòng mong chờ là được Chúa Kitô đến cứu độ chúng ta, Đấng đến giải thoát chúng ta khỏi mọi xiềng xích của tội lỗi và của tử thần, để đưa chúng ta về quê hương đích thực.
Mùa Chay là thời gian để làm sâu sắc thêm cảm thức thuộc về Thiên Chúa nơi chúng ta; thời gian sống kết hợp với Thiên Chúa một cách mật thiết hơn; thời gian hướng lòng mình về với Thiên Chúa và lo tìm kiếm những giá trị thiêng liêng; thời gian chân nhận ơn gọi đích thực của từng người chúng ta là sống cho Thiên Chúa và cho mọi người. Đây cũng là thời gian chúng ta cần ý thức hơn về những giới hạn của chúng ta, nhưng không vì thế mà nản lòng; trái lại, chúng ta trông chờ vào ơn cứu độ của Chúa Giêsu Kitô, là Đấng có quyền năng biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên thân xác vinh hiển của Người, khi Người đến trong vinh quang của Người.
3. Bài Tin Mừng: Lc 9,28b-36 - Đức Kitô hiển dung
Trong bài đọc 1, Thiên Chúa hứa với Abraham, là Người sẽ ban cho dòng dõi ông có đất làm sản nghiệp riêng, một vùng đất trải dài từ sông Ai-cập đến sông Cả. Nhưng để tiến vào vùng Đất Hứa này, dân Israel, con cháu của tổ phụ Abraham, sẽ phải trải qua một cuộc Xuất Hành từ Ai-cập. Trong cuộc Xuất Hành đó, vị thủ lãnh đích thực của họ, không ai khác hơn là Thiên Chúa Yahweh, Đấng đã dùng cánh tay mạnh mẽ của Người để giải thoát họ khỏi cảnh nô lệ bên Ai-cập, và dẫn dắt họ vượt qua bao thăng trầm thử thách trong hành trình sa mạc, để tiến về vùng đất mà Người đã hứa ban cho họ qua tổ phụ Abraham.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, với biến cố Đức Kitô biến hình, chúng ta cũng được nói đến một cuộc Xuất Hành khác, cao trọng hơn và có ý nghĩa hơn đối với toàn thể nhân loại, đó là cuộc hành trình đi xuyên qua Cuộc Khổ Nạn và Sự Chết để đạt tới Vinh Quang Phục Sinh của Đức Giêsu. Nhưng trước khi Đức Giêsu bước vào cuộc Xuất Hành này, như để củng cố đức tin của các môn đệ trước những thử thách lớn lao mà họ sẽ phải đối diện trong Cuộc Thương Khó của Người, Đức Giêsu đã tỏ lộ vinh quang của Người cho ba vị đại diện các môn đệ, là Phêrô, Gioan, và Giacôbê.
Biến cố này đã tạo ra sự ngất ngây hạnh phúc nơi các môn đệ, đến độ Phêrô xin dựng ba lều, một cho Đức Giêsu, một cho Môsê và một cho Êlia, để ba môn đệ này có thể lưu lại thêm chút thời gian trong cảnh giới vinh quang này của Đức Giêsu. Nhưng tiếng Chúa Cha phán từ trong đám mây - “Đây là Con Ta, người được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người” - nhắc nhở các môn đệ một điều hệ trọng: Đây không phải là lúc để các môn đệ làm theo ý muốn của mình, cho dù ý muốn đó có tốt đẹp thế nào đi nữa; nhưng là thời gian họ cần biết lắng nghe và thi hành điều Chúa Giêsu dạy bảo, trong mọi hoàn cảnh sống thường ngày, ngay cả khi vinh quang rạng ngời của Chúa Giêsu như còn đang che khuất trước mắt họ.
Áp dụng vào Mùa Chay Thánh này, đoạn Tin Mừng như thể nói với chúng ta: Mùa Chay là thời gian để chúng ta gia tăng việc lắng nghe và thi hành thánh ý của Thiên Chúa cho cuộc đời chúng ta. Việc này cần được thực hiện một cách rõ nét nhất trong đời sống cầu nguyện. Nhưng không phải chỉ khi nào chúng ta được hạnh phúc, khi mọi sự diễn ra êm xuôi cho chúng ta hay cho gia đình chúng ta, thì chúng ta mới biết lắng nghe và thi hành thánh ý của Người. Việc lắng nghe tiếng Chúa cần được thực hiện trong mọi hoàn cảnh sống thường ngày. Chỉ như vậy, chúng ta mới có khả năng cùng bước vào cuộc Xuất Hành của Chúa Giêsu, nghĩa là cùng chịu đau khổ, vác thập giá với Người hằng ngày, để cùng được sống lại với Người. Liệu chúng ta có dám thực hiện điều này không, nhất là trong Mùa Chay Thánh này? Làm thế nào để chúng ta có thể gia tăng việc lắng nghe và thực hành lời Chúa dạy?
II. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Khi tỏ vinh quang cho các môn đệ, Chúa Giêsu muốn củng cố niềm tin của các ông trước mầu nhiệm thập giá. Trong niềm tin tưởng và cậy trông vào lòng thương xót của Chúa, cộng đoàn chúng ta cùng hiệp ý cầu xin:
1. Xin Chúa cho mọi thành phần trong Hội Thánh luôn vững tin vào vinh quang của Đức Kitô, biết sẵn sàng chết đi cho tội lỗi và tích cực trở nên chứng nhân cho quyền năng và tình thương của Thiên Chúa ở giữa thế gian.
2. Xin Chúa cho những tổ chức và cá nhân đang dấn thân đấu tranh cho công lý và mưu cầu hạnh phúc cho con người ở khắp nơi trên thế giới, tìm được sự đồng tình cộng tác và đạt được nhiều thành quả qua những nỗ lực của mình.
3. Xin Chúa cho những người tội lỗi lầm lạc tìm được niềm tin yêu hy vọng nơi tình thương quan phòng của Chúa, biết thành tâm sám hối và nhiệt tâm biến đổi đời sống để xứng đáng với phẩm giá làm người và làm con cái Chúa.
4. “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” Xin Chúa cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn biết lắng nghe và thực thi Lời Chúa trong đời sống hằng ngày, để ngày càng gắn bó mật thiết với Đức Kitô và nên giống Người hơn.
Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, Chúa bày tỏ vinh quang để củng cố đức tin cho các môn đệ và tất cả chúng con. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và ban cho chúng con một đức tin kiên cường cùng đức cậy vững chắc, để trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, chúng con luôn tiến bước trên con đường thập giá theo chân Chúa. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Thứ Bảy tuần 18 Thường niên năm II (Mt 17,14-21)
-
Thứ Tư tuần 18 Thường niên năm II (Mt 15,21-28) -
Chúa nhật 5 mùa Chay năm C (Ga 8,1-11) -
Chúa nhật 4 mùa Chay năm C - Trở về (Lc 15,1-3.11-32) -
Chúa nhật 3 mùa Chay năm C - Hãy sám hối (Lc 13,1-9) -
Chúa nhật 2 mùa Chay năm C - Biến đổi (Lc 9,28b-36) -
Chúa nhật 1 mùa Chay năm C (Lc 4,1-13) -
Chúa nhật 8 Thường niên năm C (Lc 6,43-49) -
Chúa nhật 7 Thường niên năm C -
Chúa nhật 6 Thường niên năm C (Lc 6,17.20-26)
bài liên quan đọc nhiều
- Thứ Sáu tuần thánh - Thương khó (Ga 18,1-19,42)
-
Thứ Bảy tuần thánh - Ngôi mộ trống (Mc 16,1-8) -
Thứ Năm tuần thánh (Ga 13,1-15) -
Thứ Tư Lễ Tro - Giữ chay và kiêng thịt (Mt 6,1-6.16-18) -
Chúa nhật 5 Thường niên năm A -
Ngày 25 tháng 12: Chúa Giáng sinh (Lễ Đêm, Rạng Đông, Ban Ngày) -
Chúa nhật lễ Mình Máu Thánh Chúa năm A -
Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa - Năm A -
Bài giảng lễ Mồng Hai Tết -
Ngày 22/07: thánh nữ Maria Mađalêna, lễ kính (Ga 20,1-2.11-18)