Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật XXIII Thường Niên - năm A

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật XXIII Thường Niên - năm A

CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN A
Ed 33,7-9; Rm 13,8-10; Mt 18,15-20

SỬA LỖI CHO NHAU
LÀ MỘT CHIỀU KÍCH
CỦA GIỚI RĂN YÊU MẾN

Anh em đừng mắc nợ gì ai,
ngoài món nợ tương thân tương ái;

vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật.”

(Rm 13,8)

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc I (Ed 33,7-9)

Bài đọc I cho thấy ông Êdêkien đã được Thiên Chúa chọn làm ngôn sứ của Chúa cho Dân Người. Ngôn sứ phải sửa dạy dân. Đó là một trách nhiệm rất nặng nề, vì thế có những người khi được gọi làm ngôn sứ, đã tìm cách từ chối ơn gọi của mình. Trong trường hợp của ngôn sứ Êdêkien, ông được đặt làm “người canh gác cho nhà Israel” nên có bổn phận công bố sứ điệp của Chúa để báo cho dân sự nguy hiểm nếu họ không chịu từ bỏ con đường xấu xa mà quay về với Chúa. Nếu vị ngôn sứ đã báo cho kẻ gian ác phải từ bỏ con đường tà của họ mà trở lại với Chúa, nhưng họ không chịu quay về, vì thế mà phải chết, thì kẻ ấy phải tự chịu trách nhiệm về cái chết của mình. Còn ngược lại, nếu vị ngôn sứ không chịu cảnh cáo dân, thì phải chịu trách nhiệm về cái chết của họ. Như vậy, vị ngôn sứ, cũng như người lãnh đạo các cộng đoàn Dân Chúa, có bổn phận rất nặng nề: họ phải chịu trách nhiệm trước mặt Chúa về phần rỗi của anh chị em mình, vì họ như người lính gác phải luôn thức tỉnh mà sửa lỗi anh chị em thuộc quyền, để những người này khỏi phải hư mất.

2. Bài đọc II (Rm 13,8-10)

Bài đọc II nhắc lại nền tảng căn bản của giáo lý kitô giáo, cũng là điều răn quan trọng nhất của Lề Luật Cựu Ước: “mến Chúa, yêu người”. Đó là hai mặt song song của đời sống Kitô hữu, và có thể nói điều răn “yêu người” bao hàm được cả điều răn “mến Chúa”. Quả thật, người ta chỉ có thể kiểm chứng được lòng “mến Chúa” bằng việc “yêu người”, vì ai không yêu thương người anh chị em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy (x. 1Ga 4,20b). Bên cạnh, như thánh Phaolô cho thấy các điều răn liên quan đến “yêu người” đều là cách thức thể hiện lệnh truyền “ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”. Chính vì thế, chỉ trong 3 câu trong bài đọc hôm nay, thánh Phaolô đã 2 lần nhấn mạnh: “Yêu thương là chu toàn Lề Luật”.

Sống yêu thương anh chị em đồng loại là một đòi buộc rất quan trọng trong đời sống kitô giáo, như Thánh Phaolô nói “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái”. Yêu thương thì giúp nhau phát huy những điều tốt và khắc phục những điều chưa tốt. Đã yêu thương thì “chín bỏ làm mười”, sẵn sàng sửa dạy lẫn nhau để giúp nhau sống tốt ơn gọi của mình.

3. Bài Tin Mừng (Mt 18,15-20)

Vì yêu thương nhau mà sửa lỗi cho nhau. Đó không phải là trách nhiệm hay bổn phận chỉ dành cho những người có thẩm quyền, nhưng là của mỗi thành viên trong một nhóm, một tổ chức, một cộng đoàn đối với nhau. Tuy nhiên, phải sửa lỗi cho nhau như thế nào? 

Bài Tin Mừng hôm nay thuộc phần diễn từ về đời sống huynh đệ trong cộng đoàn Giáo Hội. Trong Bài Tin Mừng này, Đức Giêsu đã đưa lên nguyên tắc khi sửa lỗi cho nhau: từ kín đáo đến công khai, từ cá nhân với nhau đến trong tập thể. Trước hết, chỉ tôi với người ấy. Nếu người có lỗi không chịu nghe, thì cần đến hai hay ba người làm chứng để thuyết phục người đó hơn. Nếu người ấy cũng không chịu nghe, thì hãy đi thưa với Giáo Hội, để với lời thuyết phục của cộng đoàn và người có trách nhiệm, người đó dám nhận lỗi của mình mà sửa đổi. Tuy nhiên, đến mức độ như thế mà người ấy cũng chẳng nghe, thì đó là dấu hiệu cho thấy người đó không còn thuộc về cộng đoàn nữa. Vì vậy, Đức Giêsu nói: “hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế” chứ không thuộc về dân Chúa.

Cộng đoàn là một tổ chức, trong đó các thành viên sống liên đới và hỗ tương với nhau. Do đó, lỗi của một thành viên cũng làm ảnh hưởng đến đời sống cộng đoàn. Quả thật, ơn huệ của Thiên Chúa đến với cộng đoàn qua từng người, nên lỗi của một người cũng làm tắc nghẽn dòng chảy ơn huệ Thiên Chúa, và cắt đứt cả mối dây hiệp thông huynh đệ với nhau. Do đó, để bảo toàn tương quan hiệp thông trong cộng đoàn, cần phải sửa lỗi cho nhau.

Việc sửa lỗi là cách thể hiện một chiều kích của điều răn “yêu thương người thân cận”. Vì thế, phải lấy tình thương mà sửa dạy lẫn nhau trong tinh thần bác ái huynh đệ. Khi đã áp dụng các cấp độ sửa dạy, ngay cả đã được những người có thẩm quyền nhân danh Giáo Hội sửa dạy, mà người có lỗi cũng không chịu nghe, thì việc xem họ như người ngoài đôi khi là cần thiết. Đó là áp dụng kỷ luật của Giáo Hội. Giáo Hội có thể đưa ra những phán quyết vì dựa trên quyền “ràng buộc” hay “tháo cởi” mà Đức Giêsu đã ban cho. Hơn nữa, Giáo Hội, với tư cách là một cộng đoàn dân Chúa, khi nhân Danh Đức Giêsu để làm một điều gì đó, thì có Người ở giữa Giáo Hội và cùng hành động với Giáo Hội.

Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng việc sửa lỗi hay thậm chí xem người có lỗi như người ngoài không có mục đích nào khác hơn là để họ có dịp sám hối ăn năn, giúp họ sửa đổi thành người tốt, để kéo họ về sống hiệp thông với cộng đoàn, chứ không phải để loại trừ.

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1. Ta đặt ngươi làm người canh gác cho nhà Israel! Những người có trách nhiệm trong Giáo Hội, những người được đặt để đứng đầu các nhóm, cộng đoàn, giáo xứ, dòng tu,… không chỉ có trách nhiệm điều hành hay quản trị, nhưng còn có bổn phận chăm lo đời sống thiêng liêng của anh chị em dưới quyền mình. Chúng ta có ý thức rằng nếu chúng ta không giúp người anh chị em thuộc quyền của chúng ta sửa lỗi và vì thế để họ hư mất, thì chúng ta phải trả lẽ trước mặt Chúa và chịu trách nhiệm về phần rỗi của người đó hay không?

2. Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật.” Chúng ta có ý thức rằng mọi giáo lý căn bản nhất trong đời sống Kitô giáo được quy về hai điều răn “Mến Chúa” và “Yêu người”. “Mến Chúa” thì rất trừu tượng, nên chỉ kiểm chứng được cách cụ thể bằng “yêu người”. Đã “yêu người” thì tìm mọi cách giúp người ta nên tốt, kể cả sửa dạy lẫn nhau hay không?

3. Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó. Sửa lỗi cho nhau không phải chỉ là trách nhiệm của những người có thẩm quyền mà thôi, nhưng là của mỗi thành viên trong một cộng đoàn đối với nhau. Chúng ta có ý thức rằng mỗi người chúng ta đều có bổn phận góp ý cho anh chị em của mình khắc phục những lỗi lầm yếu đuối; khi làm như thế, mình không chỉ giúp người anh chị em đó giữ được mối hiệp thông với Giáo Hội, mà còn góp phần xây dựng mầu nhiệm thân thể Giáo Hội, vì một thành viên hư mất thì cũng ảnh hưởng tới bản thân tôi và toàn thể Giáo Hội hay không?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thánh Phaolô nhắn nhủ: “Anh em đừng mắc nợ ai điều gì ngoài việc phải yêu mến nhau.” Giới răn yêu thương không chỉ đòi chúng ta cảm thông chia sẻ, mà còn phải chân thành sửa lỗi cho nhau. Tin tưởng vào tình thương và ơn trợ giúp của Thiên Chúa, chúng ta cùng dâng lời nguyện xin.

1. Chúa Giêsu ấn định: “Những gì các con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh, luôn trung thành với tác vụ ban phát các mầu nhiệm thánh và khôn ngoan khi thực thi quyền bính để phục vụ dân Chúa.

2. Thánh Phaolô nói: “Yêu thương là chu toàn lề luật.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người có quyền lập pháp và hành pháp trên thế giới, biết tôn trọng sự thật và tiếng nói của lương tâm ngay chính, để mưu tìm cuộc sống hạnh phúc và thịnh vượng cho người dân.

3. Chúa Giêsu dạy: “Nếu anh em của con phạm tội, hãy đi sửa dạy nó.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các kitô hữu luôn biết cảm thông trước những lầm lỗi của người khác, chân thành giúp nhau trở nên hoàn thiện mỗi ngày qua đời sống gương mẫu và các việc lành.

4. “Ở đâu có hai hoặc ba người họp nhau nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa họ.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, luôn siêng năng họp nhau nhân danh Chúa trong các buổi cử hành phụng vụ cũng như các giờ kinh chung trong gia đình.

Chủ tế: Lạy Chúa là Cha toàn năng và hay thương xót, xin nhậm lời chúng con cầu nguyện và ban Thánh Thần giúp chúng con biết sống trọn vẹn giới răn yêu thương mọi người như Con Chúa truyền dạy. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Top