Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật XXIX Thường Niên năm A - Ngày Thế giới Truyền giáo
CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN A
NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO
Is 45,1.4-6; 1Tx 1,1-5b; Mt 22,15-21
BỔN PHẬN ĐỐI VỚI ĐẤT NƯỚC
VÀ ĐỐI VỚI THIÊN CHÚA
“Cái gì của Cêsarê hãy trả cho Cêsarê,
cái gì của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa”
Mt 22,21b
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I – Is 45,1.4-6
Giữa cơn khốn khổ và tuyệt vọng của nhóm dân Israel đang bị lưu đày bên Babylon, sắc lệnh của vua Cyrô được ban ra, như xuất hiện một tin vui giữa giờ tuyệt vọng, nhằm cho phép các nhóm dân bị lưu đày được hồi hương trở về. Nhìn biến cố quan trọng này dưới lăng kính đức tin, ngôn sứ Isaia đệ nhị đã nhận ra sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa khi dùng Cyrô, vị vua của dân ngoại, để đưa dân của Người trở về miền đất của lời đã hứa.
Mặc dầu trên thực tế vua Cyrô đã không hề được xức dầu; nhưng qua ngôn ngữ của đức tin, ngôn sứ Isaia cho thấy:
a. Người được tuyển chọn: vua Cyrô, người đã được Đức Chúa xức dầu: ‘Dù ngươi không biết Ta’ nhưng ‘Ta đã gọi ngươi đích danh, đã ban cho ngươi một tước hiệu.’
b. Cách thức thực hiện: ‘Ta đã cầm lấy tay phải nó để bắt các dân tộc suy phục nó’
c. Mục đích: ‘Vì lợi ích của tôi tớ Ta là Giacób và của người Ta đã chọn là Itrael… và …để thiên hạ biết rằng chẳng có thần nào khác ngoại trừ Ta. Ta là Đức Chúa, không còn Chúa nào khác.’
Như thế, trong cái nhìn của ngôn sứ Isaia, dầu là những nhân vật không hề biết Chúa hay dầu là những biến cố thuần tính chính trị, nhưng Thiên Chúa vẫn có thể sử dụng để mặc khải cho con người biết Ngài là ai và cũng để thực hiện ý định cứu độ của Ngài cho nhân loại.
2. Bài đọc II – 1Tx 1,1-5b
Trong lời chào đầu thư, thánh Phaolo có đề cập tới hai nhân vật là Silvanô (Sila) và Timôthêô. Vì cả hai đã cùng cộng tác với thánh Phaolô trong việc thành lập giáo đoàn tại Thessalônica.
Đoạn thư này cho thấy tâm tình chi phối toàn bộ cuộc sống của cộng đoàn này là thái độ mong mỏi đợi chờ Chúa sắp đến. Và vì luôn tin rằng đây là những anh em đã được Thiên Chúa tuyển chọn qua lời loan báo, quyền năng, Thánh Thần và một niềm xác tín sâu xa, Thánh Phaolô đặc biệt trân trọng ‘những việc anh em làm vì lòng tin, những nỗi khó nhọc anh em vác vì lòng mến và những gì anh em kiên nhẫn chịu đựng vì lòng cậy trông.’ Tất cả những nỗ lực này đã làm nổi bật thái độ tích cực của việc chờ mong Chúa đến nơi cộng đoàn Thessalônica.
3. Bài Phúc âm – Mt 22,15-21
Sau ba dụ ngôn liên tiếp mà Chúa Giêsu muốn tỏ rõ thái độ không khoan nhượng của Ngài trước sự giả hình của các thượng tế và hàng kỳ mục: dụ ngôn người cha sai hai con đi làm vườn nho (21,28-32), dụ ngôn những tá điền sát nhân (21,33-46), dụ ngôn những người được mời nhưng không thèm dự tiệc (22,1-14).
Bài phúc âm hôm nay cho thấy sự phản ứng mạnh mẽ của những người Pharisêu khi họ cấu kết với nhóm Hêrôđê để nhất tâm đưa Chúa Giêsu vào bẫy của họ.
Khởi đi từ một tiền đề kép rất tích cực và tốt đẹp: a/ Đức Giêsu là con người của sự thật: ‘Chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa.’ và b/ Đức Giêsu còn là người của sự công bằng ‘Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy cứ bề ngoài mà đánh giá người ta.’ Những người này đã đặt vấn đề với Chúa Giêsu: ‘Có được phép nộp thuế cho Cêsarê không?’ Câu hỏi này sẽ trở nên thật nan giải khi trả lời ‘có’ cũng như khi trả lời ‘không’. Nếu Chúa Giêsu trả lời ‘có được phép’ chắc chắn điều này sẽ làm phật lòng đám đông dân chúng, vì trong lòng không ai chấp nhận việc nộp thuế cho hoàng đế. Va nếu Chúa Giêsu trả lời ‘không được phép’ thì nhóm Hêrôđê, phe ‘cánh hữu’ của đế quốc Rôma, chắc chắn cũng sẽ có cớ để làm hại Chúa Giêsu vì tội chống lại đế quốc!
“Cái gì của Cêsarê hãy trả cho Cêsarê, cái gì của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa.” Câu nói của Chúa Giêsu không trực tiếp trả lời cho vấn đề được đặt ra, nhưng muốn đưa ra một định hướng kép: a/ khởi đi từ nền tảng của công bằng, nếu những bổn phận dân sự thực sự chính đáng, mọi người đều có bổn phận thi hành; b/ và nhân dịp này, Đức Giêsu còn muốn đẩy vấn đề đi tới mức độ cao hơn: đó là bổn phận của con người trong tương quan với Thiên Chúa. Điều mà mọi người lúc đó đã không thực sự coi là một ‘điểm nóng’.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. ‘Ta đã cầm lấy tay phải nó để bắt các dân tộc suy phục nó’ Thiên Chúa của Israel là Thiên Chúa quyền năng, Ngài điều khiển vận mệnh của toàn thế giới, đặc biệt vận mệnh của dân Ngài tuyển chọn. Tất cả mọi thế lực, cho dù là sự dữ, sự ác hay sự xấu… cũng chỉ là những phương thế trong tay Thiên Chúa nhằm thể hiện cho con người biết thánh ý của Ngài. Xác tín này sẽ giúp cho người Kitô hữu có một cái nhìn quân bình hơn trước mọi nghịch cảnh xảy ra trong cuộc sống hằng ngày.
2. ‘Chúng tôi biết rằng Thiên Chúa đã chọn anh em.’ Sống thân phận của những người được tuyển chọn là nỗ lực diễn tả đức tin, đức cậy và đức mến qua cuộc sống hằng ngày. Đón nhận những nỗi khó nhọc vì lòng tin, chấp nhận những thử thách vì lòng mến, kiên nhẫn chịu đựng vì lòng cậy trông luôn là những phương thế tuyệt hảo giúp người tín hữu sống trọn vẹn ơn gọi của những người được tuyển chọn.
3. ‘Cái gì của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa.’ Bổn phận của mỗi Kitô hữu đối với Thiên Chúa, trong lăng kính của ngày thế giới truyền giáo, chính là nỗ lực ‘đi ra khỏi chính mình’ mỗi ngày để loan Tin mừng cho mọi người ở mọi nơi. Khi ý thức sâu sắc và biến lệnh truyền này thành nỗi thao thức mỗi ngày, người môn đệ từng bước hoàn tất ‘bổn phận’ mình trong tương quan với Thiên Chúa.
4. ‘Chúng ta đừng để mình bị tước mất niềm vui của việc loan báo Tin Mừng! Tôi mời gọi anh chị em đắm mình vào niềm vui của Tin Mừng và nuôi dưỡng một tình yêu có thể thắp sáng ơn gọi và sứ mạng của anh chị em.’ Sứ điệp của Đức Phanxicô nhân ngày thế giới truyền giáo 2014 đặc biệt muốn đề cao vai trò của niềm vui do việc loan báo tin mừng. Như thế, truyền giáo không chỉ là món nợ phải trả cho Thiên Chúa, mà còn là một nhu cầu để kiến tạo niềm vui cho đời tông đồ.
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Khi rao giảng về Nước trời, Chúa Giêsu đã đưa ra nguyên tắc: “Cái gì của Cêsarê hãy trả cho Cêsarê, cái gì của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa.” Trong ngày cầu nguyện cho việc truyền giáo hôm nay, chúng ta cùng cầu xin cho mọi người biết quyết tâm sống theo giáo huấn của Chúa.
1. Thánh Phaolô nói: “Chúng tôi không ngừng nhớ đến anh em trong khi cầu nguyện.” Chúng ta cùng cầu xin cho các vị chủ chăn và mọi thành phần trong Hội Thánh luôn hiệp thông với nhau trong lời cầu nguyện cũng như trong các hoạt động loan báo Tin Mừng.
2. Chúa đã dùng vua dân ngoại là Cyrô để thực hiện ý định cứu độ của Người. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo trên thế giới, nhất là ở những quốc gia chưa được đón nhận Tin Mừng cứu độ, luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà truyền giáo hoạt động.
3. “Cái gì của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi kitô hữu luôn ý thức việc truyền giáo là bổn phận của mình trong tương quan với Thiên Chúa, để tích cực góp phần vào công cuộc loan báo Tin Mừng trong mọi lúc và ở mọi nơi.
4. “Cái gì của Cêsarê hãy trả cho Cêsarê.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết khôn ngoan phân định các giá trị cuộc sống dựa trên những tiêu chuẩn Tin Mừng, để dứt khoát chọn lựa lối sống đẹp lòng Chúa và hữu ích cho mọi người.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin thương nhậm lời chúng con cầu nguyện và ban xuống muôn phúc lành, giúp chúng con biết biến cả cuộc đời thành bài ca cảm tạ và tôn vinh danh Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
bài liên quan mới nhất
- Thứ Bảy tuần 18 Thường niên năm II (Mt 17,14-21)
-
Thứ Tư tuần 18 Thường niên năm II (Mt 15,21-28) -
Chúa nhật 5 mùa Chay năm C (Ga 8,1-11) -
Chúa nhật 4 mùa Chay năm C - Trở về (Lc 15,1-3.11-32) -
Chúa nhật 3 mùa Chay năm C - Hãy sám hối (Lc 13,1-9) -
Chúa nhật 2 mùa Chay năm C - Biến đổi (Lc 9,28b-36) -
Chúa nhật 1 mùa Chay năm C (Lc 4,1-13) -
Chúa nhật 8 Thường niên năm C (Lc 6,43-49) -
Chúa nhật 7 Thường niên năm C -
Chúa nhật 6 Thường niên năm C (Lc 6,17.20-26)
bài liên quan đọc nhiều
- Thứ Sáu tuần thánh - Thương khó (Ga 18,1-19,42)
-
Thứ Bảy tuần thánh - Ngôi mộ trống (Mc 16,1-8) -
Thứ Năm tuần thánh (Ga 13,1-15) -
Thứ Tư Lễ Tro - Giữ chay và kiêng thịt (Mt 6,1-6.16-18) -
Chúa nhật 5 Thường niên năm A -
Ngày 25 tháng 12: Chúa Giáng sinh (Lễ Đêm, Rạng Đông, Ban Ngày) -
Chúa nhật lễ Mình Máu Thánh Chúa năm A -
Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa - Năm A -
Bài giảng lễ Mồng Hai Tết -
Ngày 22/07: thánh nữ Maria Mađalêna, lễ kính (Ga 20,1-2.11-18)