Rao giảng vị Thiên Chúa “nhỏ bé và gần gũi”
Theo dõi chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Bênêđictô XVI tại Mexico và Cuba, tôi quan tâm đặc biệt đến phát biểu của ngài trong buổi trò chuyện với các phóng viên trên chuyến bay từ Rôma sang Mexico. Thông thường, những phát biểu ngay khởi đầu chuyến đi sẽ cho biết đâu là những mối quan tâm chính của Đức Thánh Cha. Trong cuộc phỏng vấn ấy, ngài nói đến việc phải chú tâm vào những gì cốt yếu nhất của Kitô giáo, cụ thể là “tái khám phá Thiên Chúa như sự hướng dẫn nền tảng cho đời sống, như niềm hi vọng nền tảng của cuộc đời, và là nền móng cho những giá trị thực sự xây dựng xã hội”. Ở trung tâm những điều cốt lõi ấy là dung nhan vị Thiên Chúa “bé nhỏ và gần gũi” với từng con người, chứ không chỉ là vị Thiên Chúa “vĩ đại và uy quyền” vẫn thường được rao giảng.
Đúng là khi trình bày về Thiên Chúa, người Kitô hữu thường nhấn mạnh dung nhan của Đấng Thiên Chúa vĩ đại và uy quyền. Cụ thể là chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa qua những kỳ công Ngài thực hiện trong vũ trụ và trong lịch sử. Dĩ nhiên điều đó rất tốt và cần thiết, nhưng liệu con người ngày nay có cảm nhận được vị Thiên Chúa ấy như một ngôi vị gần gũi, chạm đến cuộc đời họ, hay chỉ như một ý tưởng trừu tượng, xa vời và khô cứng? Cho nên Đức Bênêđictô nói: “Đối với tôi, điều hết sức quan trọng là: chúng ta rao giảng một vị Thiên Chúa đáp ứng lý tính của chúng ta, để chúng ta có thể thấy được lý lẽ của vũ trụ, thấy rằng có một cái gì đó đằng sau vũ trụ này, nhưng chúng ta lại không thấy được rằng vị Thiên Chúa ấy gần gũi với mình, quan tâm đến mình biết chừng nào”. Không thể không nhớ đến suy tư của Pascal: “Thiên Chúa của chúng ta không phải là Thiên Chúa của các triết gia nhưng là Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacóp”.
Vì thế, một đàng phải tiếp tục đào sâu suy tư và trình bày dung mạo của Đấng Thiên Chúa vĩ đại và uy quyền; đàng khác phải chú tâm đến việc giới thiệu “vị Thiên Chúa nhỏ bé và gần gũi”. Nói cách khác, phải làm một “tổng hợp giữa vị Thiên Chúa vĩ đại uy quyền với vị Thiên Chúa bé nhỏ gần gũi, Đấng đang hướng dẫn tôi, đang chỉ cho tôi thấy những giá trị của đời sống”. Đức Bênêđictô XVI xem đó chính là cốt lõi của công cuộc Phúc âm hóa ngày nay, trong một thế giới tục hóa, vắng bóng Thiên Chúa, và con người cảm thấy thật khó gặp gỡ Chúa như một thực tại thiết thân với cuộc đời mình.
Chính Thiên Chúa đã mở đường cho lối suy tư và trình bày ấy. Trong Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa vĩ đại và uy quyền đã trở nên bé nhỏ và gần gũi với con người. Bé nhỏ như trẻ thơ trên cánh đồng Bêlem. Bé nhỏ như một người nghèo không có chỗ dựa đầu. Bé nhỏ như một phạm nhân chịu đóng đinh trên thập giá. Bé nhỏ như tấm bánh trong nhà tạm. Nhờ sự bé nhỏ ấy, Thiên Chúa trở nên gần gũi với con người. Gần gũi với các bệnh nhân. Gần gũi với những tâm hồn tan nát. Gần gũi với những ai bị loại ra bên lề xã hội. Gần gũi với cả những người bị coi là tội lỗi. Qua sự gần gũi ấy, con người cảm nhận được Thiên Chúa yêu thương và quan tâm đến họ.
Cách đặc biệt, Thiên Chúa đã trở nên nhỏ bé và gần gũi nhất nơi Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá. Trong đế quốc Rôma thời Chúa Giêsu, đóng đinh thập giá là hình phạt chỉ dành cho những kẻ nô lệ và trộm cướp, với mục đích hạ nhục phạm nhân đến cùng. Công dân Rôma không phải chịu thứ hình phạt thảm khốc này ngoại trừ khi bị xét xử là phản quốc. Còn đối với người Do Thái, người bị treo trên giá gỗ là kẻ bị Thiên Chúa nguyền rủa: “Khi một người có tội đáng phải án chết đã bị xử tử và anh em đã treo nó lên cây, thì xác nó không được để qua đêm trên cây, nhưng anh em phải chôn ngay hôm ấy, vì người bị treo là đồ bị Thiên Chúa nguyền rủa” (Đnl 21,22). Như thế mới hiểu được tại sao thánh Phaolô nhấn mạnh rằng Đấng Kitô chịu đóng đinh là “điều mà người Do Thái coi là ô nhục, không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1 Cr 1,23). Tất cả cho thấy khi Thiên Chúa làm người chấp nhận chịu đóng đinh trên thập giá, Người đã biểu lộ dung mạo Đấng Thiên Chúa “nhỏ bé” đến dường nào! Đến tận cùng sự nhỏ bé như thánh thi Philipphê diễn tả:
“Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa,
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
nhưng đã hủy mình ra không,
mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế.
Người lại còn hạ mình, vâng phục cho đến chết,
chết trên cây thập tự” (2,6-7).
Chính khi Thiên Chúa trở nên “nhỏ bé” như thế, con người lại cảm nhận Ngài gần gũi cuộc đời họ biết bao. Thánh Marcô mở đầu sách Tin Mừng của ngài bằng câu: “Khởi nguyên Tin Mừng Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa” (1,1), rồi trong suốt sách Tin Mừng Marcô, chỉ có một lần nữa Chúa Giêsu được tuyên xưng là Con Thiên Chúa. Lúc nào? Thưa là lúc viên sĩ quan chứng kiến Người chết trên thập giá, ông kêu lên: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa” (15,39). Trên lý thuyết, ai cũng biết Phục Sinh mới là đại lễ, lễ trọng hơn hết các ngày lễ công giáo. Nhưng trong thực tế, đa số Kitô hữu lại cảm nhận Thứ Sáu Tuần Thánh gần gũi với mình hơn Chúa nhật Phục Sinh. Có lẽ là vì cuộc đời vốn nhiều đau khổ hơn hạnh phúc, nên trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, khi cử hành cuộc thương khó của Chúa Giêsu, người ta cảm nhận Thiên Chúa gần gũi với nỗi đau trong đời mình hơn, đồng thời cảm nhận bàn tay chữa lành của Thiên Chúa chạm đến cõi lòng mình cách cụ thể hơn. Chính nơi Đấng chịu đóng đinh, con người cảm nhận vị Thiên Chúa vĩ đại và uy quyền cũng là vị Thiên Chúa “bé nhỏ và gần gũi”.
Trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam ngày nay, làm thế nào để vừa rao giảng Đấng Thiên Chúa vĩ đại và uy quyền, đồng thời giới thiệu Ngài cũng là vị Thiên Chúa “bé nhỏ và gần gũi”? Cho những người nghèo vốn chiếm đa số trong xã hội, cho những anh chị em nhiễm HIV, cho các bạn trẻ di dân đang gặp nhiều khó khăn trong đời sống… Quả là thách đố lớn cho cộng đoàn cũng như mỗi cá nhân Kitô hữu. Và câu trả lời không của riêng ai.
Thứ Sáu Tuần Thánh 2012
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm