Sân cỏ cuộc đời Kitô hữu
WGPSG -- Tháng Sáu, hầu như nhiều người thức trắng đêm để thưởng thức giải bóng đá Euro. Bầu khí Euro nóng lên từng ngày, theo từng trận đấu. Đi đến đâu cũng nghe bàn luận rôm rả về Euro. Euro đã đem lại cho chúng ta những phút giây thăng hoa của cảm xúc buồn vui hạnh phúc, cũng như hậu quả tai hại khôn lường. Quả thật, bóng đá là bộ môn giải trí có sức thu hút nhiều người, đặc biệt với người trẻ. Có người đã gọi bóng đá là môn “thể thao vua” hay môn “thể thao của hành tinh”. Các câu lạc bộ thể thao và các đội bóng đã và đang có mặt ở khắp năm Châu, cũng như trong các tỉnh thành. Sự kiện này khiến tôi liên tưởng tới các Kitô hữu của chúng ta đang có mặt khắp mọi nơi trên thế giới, và tại mỗi cộng đoàn. Giáo hội địa phương chúng ta làm nên một đội bóng, trong đó, mỗi người tương tự như những cầu thủ. Mỗi ngày, chúng ta đều phải thi đấu rất cao, nhất là trong trận đấu cuộc đời, trong trận đấu thiêng liêng, vì sự lớn mạnh và vẻ vang màu cờ sắc áo của Kitô giáo.
Thế giới này được ví như một sân cỏ, mỗi cộng đoàn giáo xứ là một đội bóng, và mỗi người là cầu thủ trong đội: tất cả chúng ta đều bị lôi kéo vào cuộc giao tranh không ngừng. Lịch sử cứu độ là một cuộc chiến đấu gay gắt giữa ánh sáng và bóng tối, cái thiện và cái ác, Nước Chúa và thế gian, con cái của sự sáng và con cái của bóng tối; trong đó, Kitô hữu là con cái của Thiên Chúa Ánh Sáng. Cuộc chiến đã có từ khởi nguyên lịch sử loài người, bắt đầu từ mối thù giữa tổ tông với con rắn, dai dẳng theo dòng lịch sử đến các tiên tri, đến Con Một Thiên Chúa, rồi các thánh nhân. Thánh Phaolô đã chia sẻ xung đột nội tâm trong Ngài: “Điều thiện tôi muốn làm tôi lại không làm, còn điều ác không muốn làm tôi lại làm” (Rm 7,19). Và cả tập thể nhân loại phải giao chiến liên lỉ cho đến ngày tận thế, tới mùa gặt, khi tiếng loa thiên thần thúc gọi, hoặc hiệu còi chung cuộc của trọng tài nổi lên.
Thật là một cuộc chiến quyết liệt! Vì thế, chúng ta phải chấp nhận gian lao vất vả, phải mạnh mẽ can đảm, phải dám dấn thân hy sinh “Mang lấy khí giới của sự sáng để chiến đấu” (Ep 6,10), không nên hoảng hốt và chủ bại. Chuyện thất bại là bình thường, điều quan trọng là học rút tỉa kinh nghiệm, cùng sát cánh bên nhau để chuyển bại thành thắng. Lời Chúa Giêsu khích lệ chúng ta: “Ta là Đấng chiến thắng thế gian” (Ga 16,33) và “Ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu độ” (Mt 24,13).
Quả thật, những chiến thắng trong cuộc đời, trong các cuộc giao đấu có thể dựa vào thời vận may mắn, tài năng và sức mạnh con người, của cá nhân và tập thể, của đường lối chiến thuật và của một bộ phận huấn luyện khôn khéo. Tuy nhiên, trong trận đấu thiêng liêng, để trung thành với ơn gọi Kitô hữu, và làm nên chiến thắng, chúng ta, mỗi cầu thủ trong đội phải có ơn sủng từ Thiên Chúa. Vì đối thủ của chúng ta chính là ma quỷ, rất quỷ quyệt, nó có thể hiện hình trăm phương ngàn kế lôi kéo: giàu sang, danh vọng, quyền lực hấp dẫn, đam mê cuốn hút khiến ta mờ mắt đi theo thói tục thế gian, quy phục ma quỷ. Vì thế, Thánh Phêrô đã khuyên nhủ chúng ta: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự” (1Pr 5,8-9a).
Mỗi người phải cố gắng thao thức đi tìm Thiên Chúa, bằng cách thiết tha với việc cầu nguyện, bằng việc đọc và suy gẫm Lời Chúa, để gặp gỡ Chúa. Ngài luôn hiện diện đồng hành, nâng đỡ, hộ phù chúng ta trên đường dương thế gập ghềnh, lao đao.
Và mỗi cộng đoàn giáo xứ như một đội bóng, chúng ta có đấu pháp hợp lý chính là đường lối của Thiên Chúa là sống lý tưởng Phúc Âm, sống theo tinh thần Tám Mối Phúc, theo giáo huấn của Giáo hội, đặc sủng của cộng đoàn. Chúng ta có Chúa Thánh Thần là “Người huấn luyện”, để mỗi ngày càng trở nên giống Chúa Giêsu là Thần Tượng, sức mạnh toàn năng của chúng ta.
Mỗi người hãy vui vẻ và sẵn sàng gặp gỡ, trao đổi với những người có trách nhiệm trong cộng đoàn, với các bạn hữu để dìu dẫn, nâng đỡ nhau tiến lên; không tự mình sống tùy hứng, tự xoay sở, coi nhẹ kỷ luật bản thân, khinh thường địch thủ. Chủ nghĩa cá nhân có thể ví như cầu thủ chỉ ham rê dắt bóng một mình, không muốn chuyền bóng cho ai, thường bỏ lỡ nhiều cơ hội ghi bàn. Trái lại, sự gắn bó với cộng đoàn giáo xứ, tinh thần hiệp thông huynh đệ làm cho chúng ta khỏi cảm thấy lẻ loi, và luôn mang tới sức mạnh cho bản thân, cũng như cho tập thể.
Ngoài ra, mỗi người trong cộng đoàn giáo xứ ví như một cầu thủ trong đội bóng, mỗi chúng ta có vị trí của riêng mình. Thủ môn không thể bỏ cầu môn, và các cầu thủ khác không thể bỏ vai trò của mình, để dùng tay mà bắt bóng như thủ môn. Mỗi người phải sống có trách nhiệm. Mỗi cá nhân trong tập thể sống nương nhờ nhau để tiến bộ, để làm nên một chiến thắng, chứ người ta không cậy dựa, không ỷ lại nhau để thụt lùi, để đưa tới thất bại.
Bên cạnh đó, trong ngày, cần dành chút thời gian lắng đọng để lượng giá phẩm chất bản thân, hiểu biết giới hạn của mình, nỗ lực khắc phục, hoàn thiện mình như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện, để Chúa Kitô được lớn lên trong bản thân chúng ta từng ngày, từng giờ.
Nào mỗi người hãy cố gắng và giúp nhau. Chúng ta cùng chuẩn bị cho cuộc thi đấu tiếp theo!
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm