Sống ảo
Trong cuộc sống hiện tại, nhiều người có khuynh hướng bất mãn, không hài lòng với những gì mình có. Họ luôn theo đuổi những tham vọng hão huyền, ngoài khả năng của mình. Một hiện tượng xã hội đang phổ biến như một căn bệnh trầm kha có sức lây lan ảnh hưởng với tốc độ nhanh chóng, đó là bệnh sống ảo. Căn bệnh này không loại trừ ai, từ người bình dân đến người trí thức, từ người nông thôn đến người thành thị, từ trẻ vị thành niên đến người trưởng thành, từ người nghèo khó đến người giàu sang.
Tìm trong Google tiêu đề “sống ảo”, trong thời gian 0,60 giây, chúng ta có kết quả là 358.000 bài viết có liên quan. Điều này cho thấy vấn đề sống ảo được nhiều người nhắc tới như một hiện tượng xã hội đáng báo động và, đồng thời mời gọi mọi người hãy suy nghĩ một cách nghiêm túc.
Do cuộc sống ở nông thôn nghèo khó, nhiều thiếu nữ Việt muốn đổi đời. Họ mơ mộng hão huyền nghĩ rằng cứ sang đến Hàn Quốc, Đài Loan là có những người tình trong mộng, đẹp trai như diễn viên điện ảnh, cơ bắp như những vận động viên thể thao. Những đường dây cò mồi “kết duyên” được hình thành. Biết bao cô gái chân quê nhắm mắt đưa chân, bỏ lại đàng sau gia đình và quê hương, tới một chân trời xa lạ và một tình yêu hoang tưởng. Trong số những cô dâu này, phải nhận rằng một phần nhỏ gặp được người tốt, an phận làm dâu xứ người, mặc dù rất nhiều khó khăn do khác biệt về văn hoá, phong tục tập quán. Nhưng phần lớn trong số những cô dâu Việt không được may mắn như thế. Họ phải đối mặt với những xung đột, bạo lực hành hạ tinh thần thể xác. Có những người tìm giải thoát bằng nhảy lầu tự tử. Nhiều người tìm cách bỏ trốn mong thoát khỏi đời sống vợ chồng đã biến thành địa ngục trần gian. Bất chấp những thông tin về những vụ việc đau lòng này, nhiều bạn trẻ vẫn muốn lên đường, mang theo giấc mộng làm dâu xứ người, mặc dù phải vay mượn, nợ nần để có tiền đóng cho những đường dây dịch vụ. Theo bài viết trên báo điện tử VNExpress ngày 12-11-2015, nhân ngày độc thân (11-11-2015), cô dâu Việt được rao bán công khai trên mạng với giá 1.500 USD trên một trang mạng điện tử Trung Quốc. Ai là con Rồng cháu Lạc mà không đau lòng trước những thông tin này?
Khá nhiều bạn trẻ thời nay thích hưởng thụ hơn là lao động. Họ vùi đầu vào các cuộc ăn chơi đen đỏ, cá độ bóng đá, lô đề, nghiện ngập. Biết bao án mạng đã xảy ra vì nguyên nhân cờ bạc. “Cờ bạc là bác thằng bần”, “Chơi đề ra đê mà ở”, những thành ngữ đó đã thành quen thuộc, mà vẫn không ngăn được thú ham chơi, dẫn nhiều người đến tan cửa nát nhà, vợ chồng chia ly, huynh đệ tương tàn. Cờ bạc đen đỏ thường đi liền với rượu chè bê tha và những lạc thú khác. Ông bà ta thời xưa có nói đến “tứ đổ tường” tức là bốn tệ nạn thường hay gắn liền với nam giới: Cờ bạc - rượu chè - trai gái - hút sách. Tưởng đâu chỉ là những tệ nạn của thời phong kiến xa xưa, nhưng những nết xấu này không những tồn tại mà còn gia tăng trong thời hiện đại này, làm tan cửa nát nhà và đau khổ những người thân. Vẫn còn đó số đông thanh niên muốn tìm cảm giác lạ trong ma tuý, thuốc lắc và đập đá. Con số những đệ tử của “nàng tiên nâu” vẫn không ngừng gia tăng, huỷ hoại tinh thần, thể xác và tương lai của giới trẻ. Ảo tưởng của người con thứ hoang đàng trong Tin Mừng (x. Luc 15,11-31) vẫn là lối suy nghĩ của nhiều bạn trẻ ngày nay.
Thời gian gần đây, do thiếu hiểu biết, một số lớn nông dân nghèo đã bị lừa bằng những chiêu bài quảng cáo buôn bán đa cấp, chương trình “làm giàu không cần vốn”, thậm chí còn có những chương trình “đến nghe được tiền”. Đây là những vụ lừa đảo nhẫn tâm, kéo theo nhiều hệ luỵ đau đớn cho người nghèo. Người nông dân suốt đời chân lấm tay bùn, hy vọng đổi đời, nhưng những chiếc phao hy vọng đó lại làm cho họ trở thành con nợ không biết đến bao giờ mới trả hết được. Cũng vì chạy theo ảo ảnh mà nhiều người lao vào những vụ “tín dụng đen” như con thiêu thân, kéo theo cả họ hàng làng xóm đến chỗ khánh kiệt. Có những thôn làng, sau khi cơn bão tín dụng đen đi qua, trở thành xơ xác, tiêu điều, cộng với sự thù hằn giữa những chủ nợ và con nợ. Đó là bài học đắt giá cho những ảo tưởng, tham vọng làm giàu mà thiếu hiểu biết.
Nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin, ở nông thôn, những bà già nhai trầu bỏm bẻm, những ông lão chăn trâu ngoài đồng cũng sử dụng điện thoại. Không ai phủ nhận lợi ích và hiệu quả của phương tiện thông tin này. Tuy vậy, sự tiếp nhận không kiểm soát và thiếu quân bình là một mối nguy hiểm cho xã hội, như con dao hai lưỡi. Một tỷ lệ không nhỏ các bạn trẻ đã trở thành tín đồ của Facebook và say mê trong thế giới ảo này. Họ đưa mọi thứ lên “phây”, từ những chuyện tình cảm cá nhân, những vui buồn, những giận dữ… tất cả đều trở thành công khai. Những người bình luận cũng vội vã, phiếm diện và ác ý tuỳ theo cảm tính cá nhân, khiến không ít người trở thành nạn nhân. Nhiều người đã phải tự tử vì không chịu nổi áp lực của những lời đàm tiếu. Đơn cử một trường hợp cụ thể: ngày 27-6-2013, N.T.C.L. là nữ sinh lớp 12 của một trường THPT ở huyện Thạch Thất (Hà Nội), đã bị bạn cùng lớp ghép ảnh chân dung vào ảnh một cô gái mặc áo cổ rộng rồi đăng lên Facebook. Các thành viên trên mạng xã hội này đã vào giễu cợt, thậm chí miệt thị L., khiến nữ sinh này uất ức tự tìm đến cái chết (http://thanhnien.vn/thoi-su/tu-tu-vi-mang-xa-hoi-628434.html). Internet cũng đã trở thành một cái bẫy để lừa tình, lừa tiền những con mồi ngây thơ. Nhiều người tìm hiểu nhau qua “chat” trên mạng, nghĩ rằng sẽ tìm được ý trung nhân mình mong muốn. Do cả tin, nhiều cô gái, trong đó có những nữ sinh và trẻ vị thành niên, đã rơi vào những đường dây buôn người và những ổ điếm. Báo chí cũng nêu đã có những “mệnh phụ phu nhân”, những “quý bà” vì ham trai lạ người nước ngoài đã mắc lừa và chuốc lấy những hậu quả thảm hại.
Lối sống ảo cũng len lỏi vào đời sống tín ngưỡng của người dân. Cứ mỗi độ xuân về, lại xuất hiện những lễ hội đủ kiểu mà linh thiêng thì ít, trần tục thì nhiều. Có nhiều người quanh năm buôn bán gian lận, nghĩ rằng đầu xuân đi lễ các đình, các phủ là được may mắn. Đây là một hình thức “hối lộ thần linh” như nhiều người đã bình phẩm và phê phán. Họ cố tình tin rằng một miếng vải cướp được ở Đền Trần, một chút lộc thánh giành giật ở những nơi được gọi là linh thiêng, sẽ giúp họ làm ăn thịnh đạt phát tài, trong khi đó, sự thanh thản trong cuộc sống chỉ đến từ một lương tâm ngay thẳng, và sự thành đạt thịnh vượng cần có nỗ lực cố gắng của bản thân. Không ít người tín hữu Công giáo cũng bị ảnh hưởng bởi lối suy nghĩ thực dụng trên đây khi họ thực hành những bổn phận đạo đức. Họ quên rằng giáo huấn của Tin Mừng nhằm hoàn thiện con người toàn diện, giúp họ sống mối tương quan tốt đẹp với Chúa và thân thiện với tha nhân, nhận ra Chúa luôn đồng hành với mình trong mọi nẻo đường của cuộc sống.
Vào buổi bình minh của lịch sử loài người, hai ông bà Ađam và Evà cũng đã ảo tưởng trước lời dụ dỗ ngon ngọt của con rắn. Khi mơ mộng mình có thể đạt tới bậc thần linh, ngang hàng với Thiên Chúa, ông bà đã phủ nhận thân phận thụ tạo của mình. Sau khi ông bà ăn trái cấm, Chúa đã đến gặp ông bà để đưa ông bà ra khỏi ảo tưởng hão huyền đó. “Ađam, ngươi đang ở đâu?” (St 3,9), câu hỏi của Chúa giúp ông bà thức tỉnh, nhận ra vị thế của mình và nhận ra những điều mình đã làm là sai lỗi. Câu hỏi này cũng đưa ông bà về với thực tại, nhận ra những điều tốt đẹp Chúa đã làm cho ông bà. Vậy mà ông bà đã sớm quên lãng và chạy theo những ảo ảnh hư vô.
Giêrêmia, vị ngôn sứ sống ở thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên đã diễn tả những người sống ảo và những người sống thật như sau: “Đây Chúa phán: Khốn thay cho kẻ tin tưởng người đời, họ nương tựa vào sức mạnh con người, còn tâm hồn họ thì sống xa Chúa. Họ như cây cỏ trong hoang địa, không cảm thấy khi được hạnh phúc… Phúc thay cho người tin tưởng vào Thiên Chúa, và Chúa sẽ là niềm cậy trông của họ. Họ sẽ như cây trồng nơi bờ suối, cây đó đâm rễ vào nơi ẩm ướt, không sợ gì khi mùa hè đến, lá vẫn xanh tươi, không lo ngại gì khi nắng hạn mà vẫn sinh hoa kết quả luôn” (x. Gr 17,5-9). Theo vị ngôn sứ, người sống thật là người đặt niềm tin cậy nơi Chúa, phó thác trọn vẹn vào tình thương quan phòng của Ngài.
Phụng vụ tuần này giúp chúng ta chiêm ngưỡng hình ảnh vị Mục Tử Nhân Lành là Chúa Giêsu. Mỗi tín hữu chúng ta hãy biết lắng nghe tiếng Chủ Chiên của mình. Chúa Giêsu đã đến trần gian để đưa con người ra khỏi những khái niệm mơ hồ về Thượng Đế. Người là Đường, là Sự thật và là Sự sống, dẫn đưa chúng ta tới hạnh phúc vĩnh cửu.
Sống ảo là căn bệnh trầm kha của nhiều người trong xã hội chúng ta, nhất là nơi giới trẻ. Để chữa trị căn bệnh này, cần phải có tác động từ nhiều phía, nhất là giúp các bạn trẻ nhận ra trách nhiệm của mình với hiện tại và với tương lai, biết tiếp thu có chọn lọc những tiện ích trong cuộc sống. Đối với các Kitô hữu, cố gắng sống con người thực của mình trước mặt Chúa và đối với tha nhân, gắn bó với Lời Chúa, nhận ra những điều kỳ diệu Chúa làm xung quanh chúng ta. Làm được như thế, chúng ta sẽ góp phần làm cho cuộc sống này tốt đẹp và an bình hơn.
(Nguồn: WHĐ)
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm