Sống linh đạo môi trường, công cuộc Tân Phúc Âm hóa

Sống linh đạo môi trường, công cuộc Tân Phúc Âm hóa

Trong bối cảnh khủng hoảng môi trường ngày nay, trong tương quan với thiên nhiên vạn vật/môi trường sống, các gia đình Ki-tô được mời gọi sống các giá trị Phúc Âm theo tinh thần của Đức Ki-tô như một lời chứng sống động giữa những con người/thế giới đang rơi vào khủng hoảng niềm tin và chạy theo chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa hưởng thụ, chủ nghĩa duy vật và sự loại trừ lẫn nhau.

Là Ki-tô hữu, mỗi người chúng ta đã được sinh ra, lớn lên và phát triển trong một “mái ấm gia đình Ki-tô”. Thế nhưng, trong nếp sống gia đình Ki-tô, chúng ta đã và đang tương quan, đối xử thế nào với mái ấm gia đình lớn hơn của chúng ta là vũ trụ / trái đất / môi trường sống, trong đó con người và vạn vật đang hiện hữu và hoạt động, xét như là công trình sáng tạo của Thiên Chúa? Chúng ta đã hiểu gì về ý nghĩa từ “eco /môi trường” chúng ta đang sống chưa?

Từ ecomà chúng ta vẫn hay chuyển dịch sang tiếng Việt là “môi trường” hay “hệ sinh thái” có nguồn gốc từ tiếng Hy-Lạp οἶκος, nghĩa làngôi nhà (the house). [1] Nghiên cứu về môi trường/hệ sinh thái (ecology: eco = ngôi nhà/môi trường; logy = việc nghiên cứu) cũng có nghĩa là nghiên cứu về ngôi nhà vũ trụ/trái đất mà trong đó tất cả nhân loại và vạn vật đang hiện hữu, đang sống, tương quan với nhau và với chính ngôi nhà vũ trụ/trái đất mà Thiên Chúa đã tạo dựng.

I. Những thói quen thiếu lành mạnh cần thay đổi

Trong nếp sống gia đình, hằng ngày chúng ta tương quan, tiếp xúc nhiều với những yếu tố của môi trường: không khí, ánh sáng mặt trời, nước, đất, động vật, thực vật, năng lượng, tài nguyên thiên nhiên (môi trường tự nhiên); các thành viên trong gia đình (môi trường gia đình/xã hội); những tiện nghi trong đời sống gia đình như xe máy, xe hơi, tủ lạnh, quạt máy, đèn điện, ti-vi, máy vi tính, lương thực.v.v.(môi trường nhân tạo). Những yếu tố của môi trường được phát triển đúng hướng hay suy thoái phần lớn tùy thuộc vào sự hiểu biết, tinh thần, thái độ, cách thức tương quan và sử dụng của chúng ta đối với những yếu tố đó.

Trong tương quan với những yếu tố của môi trường, chúng ta cần xét lại những thói quen thiếu lành mạnh của mình trong đời sống gia đình đã và đang dẫn đến những hậu quả tai hại cho con người và môi trường sống. Những thói quen với những hậu quả sau đây có thể xảy ra trong nếp sống gia đình: [2]

  1. Bảo thủ với những xác tín sai lầm của mình về vũ trụ/trái đất, về môi trường và đời sống. Phát xuất từ những xác tín sai lầm đó, chúng ta có những thái độ tiêu cực đối với những yếu tố của môi trường. Có thể rất nhiều lần chúng ta đã thiếu tôn trọng giá trị nội tại và thánh thiêng của thiên nhiên, vạn vật,…mà Đấng Tạo Hóa đã ban cho chúng; hậu quả của sự thiếu tôn trọng đó là coi chúng như những đối tượng để khai thác, tận diệt, nhằm thỏa mãn lòng tham vô đáy và khát vọng thống trị của chúng ta.

  2. Thói quen thải khói, bụi, khí độc, chất cặn bã (phân và nước tiểu của người và động vật), mùi hôi thối gây hại vào không khí làm ô nhiễm không khí và gây hại cho sức khỏe con người (như gây bệnh giun sán, v.v).

  3. Thói quen hút thuốc lá trong phòng ở:“người hút thuốc lá thải ra một lượng lớn khói thuốc làm ô nhiễm không khí trong nhà ở. Những nơi ồn ào hoặc giá rét, người ta lại thường đóng kín cửa sổ (để chống ồn và chống rét) khiến các loại khí độc hại không thoát ra ngoài được.”

  4. Thói quen nuôi chó, mèo trong nhà sẽ làm tăng thêm lượng khí cacbonic và mùi hôi trong phòng ở. Bụi và các tạp chất khí kể trên luôn bay lơ lửng trong không khí thèm theo các loại vi trùng, sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe con người.”

  5. “Thói quen sử dụng những đồ dùng mới trong các gia đình như thảm nilon, giấy dán tường, đồ nhựa, v.v… cũng đem theo vào phòng ở các chất ô nhiễm như toluen, metylbenzen, formadehyt,… Những hóa chất này đều rất có hại đối với sức khỏe con người.”

  6. Thói quen mua sắm, sử dụng quá nhiều xe máy/xe hơi cá nhân trong gia đình, gây lãng phí năng lượng (xăng, dầu) và xả ra nhiều khí thải…gây ô nhiễm không khí.

  7. Thói quen mua sắm rất nhiều đồ đạc mới không cần thiết. Việc này gây thiệt hại cho môi trường, bởi vì hàng hóa mà chúng ta sản xuất cần đến năng lượng, gây ra một lượng ô nhiễm, và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá.

  8. Thói quen lãng phí nước sạch. Khi tắm, giặt, đánh răng, vệ sinh….có những người quen mở vòi nước chảy tự do…và sử dụng một lượng nước quá mức cần thiết, trong khi nhiều người ở nhiều nơi trên thế giới đang thiếu nước sạch sử dụng hằng ngày.

  9. Thói quen đổ rác và thải dầu mỡ, hóa hất độc hại, xác động vật, thực vật, vi khuẩn, siêu vi khuẩn độc hại và gây dịch bệnh vào những nguồn nước (cống rãnh, ao hồ, kênh rạch, suối..) khiến gây ô nhiễm nước.

  10. Thói quen chôn vùi rác, thải vào đất các chất độc hại (bịch ni-lông, thuốc trừ sâu…) gây ô nhiễm đất.

  11. Thói quen lãng phí điệnKhi đi ra khỏi phòng ở, nhiều người vẫn mở điện, quạt, máy lạnh, vi tính,…và sử dụng quá nhiều thiết bị điện, máy móc vượt quá mức cần thiết. Điều này góp phần gây ô nhiễm môi trường, vì điện được sản xuất bằng cách đốt than, dầu và khí và hoạt động này thải khí cac-bô-nic ra môi trường.

  12. Thói quen sử dụng nhiều tủ lạnh và máy lạnh trong gia đình: theo các nhà khoa học, nguyên nhân gây thủng tầng ozon có liên quan tới việc sản xuất và sử dụng tủ lạnh/máy lạnh trên thế giới. Theo nghiên cứu khoa học, “Sở dĩ tủ lạnh [và máy lạnh] có thể làm lạnh và bảo quản thực phẩm được lâu là vì trong hệ thống ống dẫn khép kín phía sau tủ lạnh có chứa loại dung dịch freon thể lỏng (thường gọi là “gas”). Nhờ có dung dịch hóa học này, tủ lạnh [máy lạnh] mới làm lạnh được. Dung dịch freon có thể bay hơi thành thể khí [chất khí thuộc dạng freon không có trong tự nhiên mà do con người tạo ra]. Khi chuyển sang thể khí, freon bốc thẳng lên tầng ozon trong khí quyển trái đất và phá vỡ kết cấu tầng này, làm giảm nồng độ khí ozon.” Hậu quả tai hại là “khi tầng ozon bị thủng, một lượng lớn tia tử ngoại sẽ chiếu xuống trái đất. Con người sống trên trái đất sẽ mắc bệnh ung thư da, thực vật không chịu nổi nhiều tia tử ngoại chiếu vào sẽ bị mất dần khả năng miễn dịch, các sinh vật dưới biển bị tổn thương và chết dần.”

  13. Thói quen mở máy radio, casset, karaoke… quá lớn, gây ồn ào và phiền hà cho các thành viên gia đình và cho cư dân địa phương.

  14. Thói quen đối xử tệ với tha nhân (nhất là đối với phái nữ) và tàn bạo với thú vật. Vì không nhận ra tha nhân là hình ảnh của Thiên Chúa, và thảo một, muông thú cũng là công trình sáng tạo của Thiên Chúa, nên có những người hay đối xử tệ với những người thân trong gia đình và tàn ác với thú vật nuôi trong nhà. Họ tự cho mình quyền quyết định trên sự sống của tha nhân và của mọi thú vật.

II. Sự cần thiết của một lối sống mới phù hợp với niềm tin và tinh thần Phúc Âm

Năm “tân Phúc Âm hóa gia đình” - năm 2014 - là cơ hội thuận tiện và phù hợp để các gia đình Ki-tô nhìn lại niềm tin và lối sống của mình trong tương quan với vũ trụ/trái đất/ môi trường sống xét như là công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Để có một tương quan hài hòa và tốt đẹp với môi trường sống, thiết tưởng họ cần có một niềm tin sâu xa và hiểu biết những chân lý về Thiên Chúa Đấng Sáng Tạo, về con người, về thế giới, và được thấm nhuần tinh thần Phúc Âm mà Chúa Giê-su đã sống và truyền dạy trong tương quan với môi trường.

1. Nền tảng Thánh Kinh của Linh đạo môi trường [3]

Linh đạo môi trường hay lối sống Ki-tô giáo trong tương quan với môi trường là sự diễn tả niềm tin của tín hữu vào Thiên Chúa Đấng tạo thành vũ trụ vạn vật, một niềm tin đặt nền tảng trên ánh sáng của Tin Mừng, của mạc khải.

Sách Sáng Thế mạc khải cho chúng ta biết Thiên Chúa là Tác giả của vũ trụ và Ngài đã tạo dựng một thế giới rất tốt đẹp. Đối với dân Israel thời Cựu Ước, Thiên Chúa là Thiên Chúa của vũ trụ. Những Thánh vịnh cũng cho chúng ta hiểu Thiên Chúa là “Vị Vua cao cả trên mọi quốc gia” (Tv. 47, 8a); Đức Chúa là “Đấng Tối Cao vượt trên toàn cõi địa cầu” (Tv 83, 18b).

Với biến cố Đức Giê-su đi vào thế giới, thế giới tốt đẹp đã trở thành thế giới tốt nhất. Tìm hiểu Tân Ước chúng ta khám phá ra nơi đời sống và lời giảng dạy của Chúa Giê-su một tầm nhìn về xã hội mới: một xã hội được cắm rễ sâu trong ý thức của dân Chúa về tính duy nhất và hiệp thông với thiên nhiên vạn vật, và sự cộng tác của họ với Thiên Chúa để chăm sóc cho chúng. Với mầu nhiệm nhập thể Thiên Chúa đã làm cho ngôi nhà trái đất này trờ thành một nơi chốn thánh thiêng.

Khi Đức Giê-su trở thành con người toàn thể nhân loại đã được thánh hóa và được tôn vinh. Người đã làm mọi sự để nâng cao mức sống của dân nghèo mà Người gặp gỡ. Người thánh hóa các gia đình mà Người thăm viếng. Người đã hóa nước thành rượu ngon (Xc. Ga 2, 1-11) để cứu lấy danh dự của chủ tiệc cưới; Người chúc lành và làm phép lạ hóa năm ổ bánh mì và hai con cá ra nhiều để nuôi hơn 5000 người (Xc. Ga 6, 1-13); Người dùng nước miếng trộn lẫn với bùn đất xoa lên mắt người mù để chữa anh ta sáng mắt (Xc. Ga 9, 6).

Hơn nữa, việc sống gẫn gũi với thiên nhiên, vạn vật, được biểu lộ qua những lời giảng dạy của Người, đặc biệt khi Người dùng những dụ ngôn. Người thường dùng những thực tại của trái đất, như hạt giống, hạt lúa miến, tảng đá, gió, nước hằng sống, ánh sáng, cây nho và cành nho…để giải thích cho dân chúng hiểu về những mạc khải của Người và về Nước Thiên Chúa.

Ngài thường xuyên vào nơi hoang vắng để cầu nguyện. Thiên nhiên, môi trường trở thành nơi mà Chúa Giê-su gặp gỡ Thiên Chúa (Mc 1, 35; Lc 6, 12).

Trong các bí tích Chúa Giê-su thiết lập, đặc biệt là bí tích Thánh Thể, Người dùng đến những yếu tố vật chất của môi trường trái đất và thánh hóa chúng, làm cho chúng trở nên thánh thiêng và trở thành những dấu chỉ để ban ân sủng cho con người và vạn vật. Toàn thể vũ trụ vạn vật/môi trường sống đã trở thành mối quan tâm đặc biệt của Người.

Sự chết và Phục Sinh của Chúa Giê-su đã phục hồi sự sống cho con người và toàn thể vạn vật. Sự phong phú của mầu nhiệm Phục sinh là nguồn mạch của “một trời mới đất mới” (Xc. Kh 21, 1).

Trước khi rời thế gian trở về cùng Chúa Cha, Người đã quan tâm đến toàn thể thế giới và truyền lệnh cho các môn đệ “hãy đi loan báo Tin Mừng cho mọi thụ tạo” (Mc 16, 15).

Theo Thánh Phao-lô, toàn thể tạo thành đã được thánh hóa và mang đặc tính thánh thiêng, và có Đức Ki-tô là trung tâm. Toàn thể vạn vật được tạo dựng “trong Người,…nhờ Người và cho Người” (Col. 1, 16). Cũng như trong vận mệnh của vạn vật, “kế hoạch của Thiên Chúa khi thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô”, và “Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài” (Eph 1, 10; 1Cor 15, 28).

 2. Nền tảng thần học của linh đạo môi trường [4]

Chúng ta đã được học biết những suy tư thần học và giáo lý của Giáo Hội Công Giáo về mầu nhiệm Thiên Chúa Tạo thành, dựa trên nền tảng Thánh Kinh, với những xác tín căn bản:

+ Thiên Chúa là Cha yêu thương và là Đấng Tạo Hóa đã tạo dựng nên vũ trụ, vạn vật, trong đó con người được Thiên Chúa yêu thương tạo dựng nên từ hư vô theo hình ảnh của Thiên Chúa, và con người có một sự liên kết chặt chẽ, hỗ tương trong cộng đoàn sự sống.

+ Con người được sáng tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa nên mang lấy hình ảnh Thiên Chúa. Con người mang lấy hình ảnh của Thiên Chúa, không phải theo nghĩa con người đối chọi với các thụ tạo khác và có quyền lợi tuyệt đối trên mọi chủng loại, nhưng được hiểu là “con người được sáng tạo sao cho có thể đón nhận tha nhân và tha thể trong tình yêu liên vị (vì Thiên Chúa là Tình yêu/ hiệp thông liên vị).

+ Vì Thiên Chúa luôn tôn trọng sự vẹn toàn, độc đáo và tính tự lập của muôn vật trong khi liên hệ với chúng, nên, với tư cách “là hình ảnh của Thiên Chúa”, con người thể hiện tính cách độc đáo của mình là có khả năng đi ra khỏi bản thân để thiết lập tình yêu liên vị với tha thể. Như thế, con người cũng được mời gọi chăm sóc cả thảo mộc, chim trời, cá biển, muông thú....và yêu thương, kính trọng tính cách duy nhất, khác biệt của chúng.

+ Ý thức rằng: trong khi con người mang lấy hình ảnh của Thiên Chúa thì mỗi thụ tạo khác cũng đều có cách thức riêng để phản ảnh hình ảnh của Đấng Quyền Năng: toàn thể tạo thành sống động, phong phú là sự tự mặc khải của Thiên Chúa. Chính rừng xanh, núi thẳm, chim trời, cá biển, muông thú… mặc khải Thiên Chúa và trở thành bí tích cho sự hiện diện thiêng thánh giữa lòng thế giới.

+ Con người và mọi thụ tạo khác được Thiên Chúa yêu thương tạo dựng nên đều có tương quan với Đấng Sáng Tạo (x. St 1-2). Con người là thành phần của chương trình tạo dựng và được liên kết với tất cả mọi loài. Trong cộng đoàn sự sống, con người có mối liên kết với thiên nhiên.

+ Trong khi vũ trụ/ môi trường trái đất có đặc tính bí tích giúp chúng ta nhận ra sự hiện diện thánh thiêng đầy quyền năng và yêu thương của Thiên Chúa giữa lòng thế giới, thì ngược lại, chính những bí tích Đức Giê-su thiết lập lại mang chiều kích vũ trụ, nơi đó những yếu tố vật chất của môi trường (nước, bánh, rượu, dầu, tay, con người,…) có sự liên hệ chặt chẽ với các bí tích.

+ Cử hành bí tích, do đó, là cử hành phẩm giá/giá trị của vật chất. Các bí tích mặc khải cho chúng ta hiểu rằng tất cả vạn vật có nguồn gốc từ Thiên Chúa và do đó có thể giúp chúng ta tiếp cận được với quyền năng Thiên Chúa. Các bí tích vẫn mang những yếu tố vật chất của trái đất và tỏ lộ ra cho chúng ta thấy được sự quý giá của những nguồn tài nguyên và lương thực của chúng ta. Như Rahner đã lưu ý chúng ta, chúng ta nên mang thế giới của chúng ta đến với các bí tích và khám phá ra những gì là “thực,” những gì là thánh thiêng, cũng như trách nhiệm của chúng ta chăm sóc và chia sẻ vật chất. Rõ ràng, các bí tích có thể giúp chúng ta hiểu và trân trọng vật chất như quà tặng cũng như giá trị của nó.

3. Một sự thay đổi tận căn trong lối sống gia đình theo tinh thần Phúc Âm

Dưới ánh sáng của Thánh Kinh/Mạc khải, và với những xác tín thần học về mầu nhiệm Thiên Chúa (Đấng Sáng Tạo), về con người, về thế giới, cũng như được thấm nhuần tinh thần Phúc Âm mà Chúa Giê-su đã sống và truyền dạy, các tín hữu được mời gọi sám hối và thay đổi tận căn nếp sống gia đình trong mối tương quan với ngôi nhà vũ trụ/trái đất/môi trường sống của mình. Làm sao có thể thay đổi môi trường/thế giới tốt đẹp hơn nếu không thay đổi những thói quen thiếu lành mạnh trong nếp sống cá nhân và gia đình? Làm sao có thể loại bỏ những tệ nạn xã hội đang tác động xấu đến những môi trường sống nếu không loại bỏ khỏi cõi lòng của mỗi thành viên trong gia đình tinh thần chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa hưởng thụ, chủ nghĩa duy vật và sự loại trừ lẫn nhau? Làm sao có thể chữa lành căn bệnh của trái đất/môi trường sống của chúng ta nếu không chữa trị, giải quyết tận căn những nguyên nhân gây ra khủng hoảng môi trường? Ngày hôm nay, trong tương quan với môi trường trái đất, với vạn vật, chúng ta cần đến một sự sám hối cõi lòng tận căn và một lối sống mới phù hợp với niềm tin ki-tô giáo và tinh thần Phúc Âm của Đức Ki-tô.

Lời Kết

Theo tinh thần Thư Chung của HĐGMVN năm 2013 (TC. s.5), trong năm 2014, chúng ta hãy cùng nhau Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình, và thúc đẩy gia đình tham gia tích cực vào sứ vụ loan báo Tin Mừng.Hội Thánh được gọi là gia đình của Thiên Chúa, và mỗi gia đình Kitô hữu được gọi là Hội Thánh tại gia. Việc canh tân Hội Thánh phải được bắt đầu từ mỗi gia đình, do đó, Hội Thánh đặc biệt quan tâm đến các gia đình.

Trong đời sống gia đình, lối sống Ki-tô giáo theo tinh thần Phúc Âm không chỉ dừng lại ở mối tương quan của Ki-tô hữu với Thiên Chúa (hàng dọc), với tha nhân (hàng ngang) và với chính mình, nhưng còn là mối tương quan tốt đẹp và hài hòa với thiên nhiên vạn vật/ môi trường trên nền tảng niềm tin sâu xa vào Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo vũ trụ vạn vật.

Đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng môi trường ngày nay, trong tương quan với thiên nhiên vạn vật/môi trường sống, các gia đình Ki-tô được mời gọi sống các giá trị Phúc Âm theo tinh thần của Đức Ki-tô như một lời chứng sống động giữa những con người/thế giới đang rơi vào khủng hoảng niềm tin và chạy theo chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa hưởng thụ, chủ nghĩa duy vật và sự loại trừ lẫn nhau.

Được biến đổi và trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô, Đấng đã nhập thể làm người, đã chết và đã Phục sinh để phục hồi, thánh hóa và trao ban sự sống dồi dào cho toàn thể vạn vật, các Ki-tô hữu càng làm cho đời sống gia đình trở nên phong phú trong mối tương quan hài hòa với thiên nhiên vạn vật, và góp phần làm cho thế giới, ngôi nhà vũ trụ/trái đất của chúng ta ngày càng được phát triển theo tinh thần của Đức Ki-tô, trong niềm hy vọng cánh chung hướng về “trời mới đất mới”, nơi Thiên Chúa là tất cả cho mọi sự.

 


[1] Xc. http://www.xn--t-in-1ua7276b5ha.com/eco ; http://en.wikipedia.org/wiki/Ecology

[2] http://mabvietnam.net/Pic/Tailieu%20khoahocGDMT/200

[3] Xc. Antonisamy, An Introduction to Christian Spirituality (Dẫn Nhập Vào Linh Đạo Ki-tô Giáo) (Coimbatoire: St. Pauls, 2008), 318-319.

[4] Xc. Fx. Phó Đức Giang, Cảnh Vực Môi Sinh Giữa Lòng Thiên Chúa Ba Ngôi (Lưu hành nội bộ); và Xc. Brennan R. Hill, Christian Faith and the Environment: Making Vital Connections (Đức Tin Ki-tô Giáo Và Môi Trường: Tạo Nên Những Nối Kết Sinh Động) (New York: Orbis Books, 1998), 123-154.

 

 
 

Top