Sự phục sinh của Chúa Kitô: chiến thắng của Tình yêu
Báo News Sina có đưa tin: Vào ngày 18-1, tại Khu tự trị Miêu tộc, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, một bà lão ngoài lục tuần đã đột nhiên bước ra từ quan tài "trở về từ cõi chết" sau 16 giờ liệm. Hiện nay bà đi lại, sinh hoạt bình thường.
Theo lời kể lại của người nhà bà Hầu. Vào ngày 8 tháng 1 bà Hầu đã đột ngột lâm bệnh, người nhà đã đưa bà đến bệnh viện điều trị và 4 ngày sau thì xuất viện. Đêm ngày 13 tháng 1, nhiều bà con thân thích đến thăm hỏi và bà vẫn bình thường. Vào 4 giờ sáng ngày 14 tháng 1, bà Hầu đột nhiên bất tỉnh nhân sự, khi đuợc người nhà phát hiện thì cơ thể bà đã lạnh cứng và tim ngừng đập nên họ đã mặc áo quan cho bà. Khoảng 6 giờ chiều cùng ngày thì liệm, nhiều bà con họ hàng cũng đến giúp người nhà bà tiến hành tang lễ.
Điều kỳ lạ đã xảy ra, vào 8 giờ tối ngày 14 tháng 1, bà con, hàng xóm đã đến nhà họ Hầu chia buồn. Khi con trai, con dâu, bà con hàng xóm đứng gần quan tài bà, thì đột nhiên nghe từ trong quan tài bà phát ra âm thanh: bịch bịch bịch. Mọi người trong buổi tang lúc bấy giờ đều sợ hãi chạy ra khỏi nhà, người con trai lớn của bà lập tức mở nắp quan tài xem nguyên nhân, thì thấy 2 mắt của bà Hầu mở to, 2 tay đưa lên phía trước. Con trai con gái bà đồng thanh gọi: "mẹ", bà Hầu lập tức trả lời lại. Lúc bấy giờ, mọi nguời mới tin bà vẫn còn sống, vội vàng đưa bà lên giường nằm và người nhà bà lập tức đi mời bác sĩ .
Ngày 18-1, các bác sĩ của Trung tâm cấp cứu tỉnh Hồ Bắc sau khi tiến hành kiểm tra kỹ đã xác định tình trạng sức khỏe của bà là bình thường. Theo các bác sĩ thì hiện tượng bà Hầu không phải là đã chết thật, chỉ là hiện tượng "Chết giả", nên mới có thể chết đi sống lại. Hiện tuợng chết giả là sự tuần hoàn trong hơi thở và sự ức chế ở mức độ cao của đại não, điều này biểu hiện tình trạng suy nhược cơ thể của con người. (Nguồn: http://news.ndthuan.com/khoa-hoc/40871-chuyen-kho-tin-nguoi-chet-song-la...).
Việc kẻ được coi là chết và sau đó sống lại không phải là hiếm xảy ra, thế nhưng, việc sống lại đó cũng chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian, rồi sau đó thân xác bụi tro nầy cũng sẽ trở về bụi tro thôi. Ngay như Lazarô, người bạn của Chúa Giêsu, được Chúa cho sống lại sau khi thân xác ông đã được chôn cất trong mồ bốn ngay và đã nặng mùi (x. Ga 11, 39), ông cũng không tồn tại lâu trên thế gian. Vâng, chẳng có một ai trên thế gian nầy sống hoài khi khoắc trên mình một thân xác hư hoại, chẳng có thân xác của ai là bất tử. Bởi xét theo yếu tố vật lý, thân xác con người phàm trần được cấu tạo bởi những yếu tố vật chất bao gồm chất hữu cơ và vô cơ. Các chất hữu cơ chính là protein, glucide và lipide, chất vô cơ là muối khoáng. Vì là yếu tô vật chất nên chẳng có chi là tường tồn.
Thế nhưng, con người không đơn thuần là một sinh vật được cấu thành bởi các yếu tô vật chất, bởi theo Thánh Kinh, con người là là thụ tạo được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, và như vậy, con người là một hữu thể vừa có yếu tố vật chất vùa có yếu tố tinh thần. Thân xác con người được dự phần vào phẩm giá là hình ảnh của Thiên Chúa: nó là thân xác nhân linh, có nghĩa là nơi mỗi sự sống của một con người luôn bao gồm thân xác và linh hồn, linh hồn là “mô thể” của thân xác, tức là nhờ có linh hồn mà thân xác, vốn được cấu tạo bằng những yếu tố vật chất, được gọi là thân xác nhân linh và sống động.
Vì là một thụ tạo mang lấy trong mình yếu tố thần linh, nên ngay từ giây phút đầu tiên của sự hiện hữu, con người không phải chịu sự hủy hoại do yếu tố vật chất, nhưng được dự phần vào sự sống vĩnh hằng với Thiên Chúa. Tuy nhiên, hồng phúc nầy không được con người bảo toàn. Con người đơn phương khước từ sự dự phần vào đời sống này qua hành vi chống lại Thiên Chúa, và muốn dành cho được phẩm vị ngang hàng Thiên Chúa. Do bởi hành vi này, con người vô tình đã chuốc lấy cho mình án phạt phải chết, không chỉ là chết trên bình diện vật chất, tức thân xác, nhưng cái chết chi phối đến “mô thể” của thân xác, tức linh hồn. Đó là điều mà Thiên Chúa không thể chấp nhận được, bởi Ngài là Thiên Chúa yêu thương. Con người không là một thụ tạo ngẫu nhiên, nhưng được hình thành do bởi tình yêu. Và tình yêu luôn là động lực để Thiên Chúa không bao giờ chấp nhận để cho sự chết thống trị con người, bởi, nếu cứ để mặc cho con người bị sự chết hủy diệt thì cũng có nghĩa là, con người chỉ là một tác phẩm được tạo dựng trong phút ngẫu hứng của Thiên Chúa, và Ngài không cần quan tâm đến sự tồn vong của nó.
Không, con người không là một tác phẩm ngẫu hứng, nhưng là một thụ tạo được tạo dựng với trọn tình yêu thương của Thiên Chúa: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò trên mặt đất” (St 1, 26). Thiên Chúa quyết phục hồi sự sống cho con người.
Vì thế sự Phục sinh của Chúa Kitô, không là một câu chuyện của một con người đã chết bất ngờ sống lại, nhưng đây là đoạn cuối của việc Thiên Chúa đeo đuổi để thực hiện cho được chương trình cứu chuộc của Ngài, và có thế nói, sự phục sinh của Chúa Kitô là sự chiến thắng của tình yêu trong việc loại trừ sự chết, có nghĩa là, qua sự phục sinh của Chúa Kitô, sự chết không còn thống trị trên con người, được hiểu là con người nhân linh. Do đó, việc phục sinh của Chúa Kitô không đơn thuần là phục hồi sự sống trên những yếu tố vật chất bao gồm các chất hữu cơ và vô cơ nơi thân thể Chúa Kitô, vì nếu chỉ như thế, thì qủa thật đức tin chẳng mang lại cho chúng ta một ích lợi gì, bởi, cái vật chất nào có gía trị gì. Vì thế, sự phục sinh của Chúa Kitô bao gồm cả sự phục hồi “mô thể” của thân xác, tức là linh hồn, có nghĩa là một sự sống con người toàn diện. Chỉ có như thế, sự phục sinh của Chúa Kitô mới thực sự trở thành niềm hy vọng cho chúng ta, và đó chính là cứu cánh của đức tin.
Tuy nhiên, để đạt tới sự sống nầy con người không cậy dựa vào những phát minh khoa học, nhưng là làm một cuộc hành trình hoán cải nội tâm, có nghĩa là khước từ những nguyên nhân hủy hoại sự sống, tức là Satan và những việc làm của nó. Việc hoán cải nội tâm chính là bước ra khỏi mồ, bước ra khỏi ốc đảo ích kỷ của tham, sân , si, để sống yêu thương. Thật vậy, sự sống chỉ có thể đâm chồi nẩy lộc từ nguồn suối yêu thương. Sự phục sinh là một chiến thắng oai hùng của tình yêu, một chiến thắng trước tính kiêu ngạo, lòng hận thù, sự đố kỵ, tính tham lam…
Mừng Mầu nhiệm Phục sinh, chúng ta không chỉ nhắc lại một biến cố, nhưng chúng ta cử hành, có nghĩa là chúng ta làm cho sự sống lại hiện thực ngay chính trong cuộc đời của chúng ta qua việc thực thi lời Chúa Kitô đã dạy: “các con hãy yêu như Thầy yêu”, vâng, chỉ yêu thương như Chúa chúng ta sẽ làm cho ánh sáng phục sinh được mọi người đón nhận, và nhờ đó họ nhân được sự sống.
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm