Suy niệm Chúa nhật Chúa Giêsu chịu phép rửa - Năm A
Các bài suy niệm Chúa nhật Chúa Giêsu chịu phép rửa - Năm A
Lời Chúa: Is 42,1-4.6-7; Cv 10,34-38; Mt 3,13-17
Gospel
Matthew 3:13-17
13 Then Jesus came from Galilee to the Jordan to John, to be baptized by him.
14 John would have prevented him, saying, "I need to be baptized by you, and do you come to me?"
15 But Jesus answered him, "Let it be so now; for thus it is fitting for us to fulfil all righteousness." Then he consented.
16 And when Jesus was baptized, he went up immediately from the water, and behold, the heavens were opened and he saw the Spirit of God descending like a dove, and alighting on him;
17 and lo, a voice from heaven, saying, "This is my beloved Son, with whom I am well pleased."
Phúc Âm
Mt 3, 13-17
13Bấy giờ, Đức Giêsu từ miền Galilê đến sông Giođan, gặp ông Gioan để xin ông làm phép rửa cho mình. 14Nhưng ông một mực can Người và nói: "Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!" 15Nhưng Đức Giêsu trả lời: "Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính." Bấy giờ ông Gioan mới chiều theo ý Người. 16Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. 17Và có tiếng từ trời phán: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người."
MỤC LỤC
1. Chọn lựa
2. Con yêu dấu
3. Điểm hẹn bất ngờ – ĐGM Vũ Duy Thống
4. Chúa Giêsu chịu phép rửa
5. Giúp đỡ Đức Kitô
6. Sống trọn ơn gọi làm người
7. Làm chứng
8. Con Thiên Chúa
---------------------------------------------
Chúa Giêsu chịu thanh tẩy hẳn không phải là để thú nhận tội lỗi. Tin Mừng cho thấy: Là người Do Thái, Chúa Giêsu đã giữ trọn tất cả những gì lề luật đòi hỏi nơi một người Do Thái. Sinh ra được 8 ngày, Ngài đã chịu phép cắt bì. Rồi khi đã đủ ngày, Ngài được dâng tiến cho Thiên Chúa tại đền thờ. Và năm 12 tuổi, Ngài đã theo cha mẹ đi Giêrusalem vào những dịp lễ lớn. Vì thế, chúng ta cũng không ngạc nhiên khi Chúa Giêsu xuất hiện bên bờ sông Giođan để chịu phép rửa.
Tuy nhiên, đọc lại Tin Mừng chúng ta có thể nhận ra điều này là tuy tham dự tất cả những nghi lễ theo luật dạy, nơi Chúa Giêsu vẫn có một cái gì khác, vượt ra ngoài điều các nghi lễ muốn ám chỉ, khiến cho những nghi lễ ấy có một cái gì mới mẻ hơn, hoàn thiện hơn.
Chẳng hạn khi Ngài chịu cắt bì và được đặt tên. Nhưng tên được đặt cho Ngài lại là tên do thiên thần gọi trước khi Ngài đầu thai trong lòng mẹ. Khi tiến dâng nơi đền thờ, Ngài đã được đón chào như ánh sáng chiếu soi muôn dân.
Hiện tượng vượt khung này lại càng tỏ rõ hơn qua việc Chúa chịu phép rửa ngày hôm nay. Thực vậy Tin Mừng cho chúng ta thấy có sự tương phản giữa Gioan và Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là người đến sau nhưng lại là người quyền thế hơn, mạnh sức hơn. Còn Gioan người đi trước thì chỉ là kẻ tôi tớ, không xứng đáng cởi dây giày cho Ngài. Việc thanh tẩy của Gioan chỉ là một thứ thanh tẩy bằng nước, trong khi đó việc thanh tẩy của Chúa Giêsu lại chính là thanh tẩy bằng Chúa Thánh Thần.
Tuy nhiên, chóp đỉnh của sự kiện này đó là việc giới thiệu Chúa Giêsu, Đấng vừa chịu phép rửa, là Con Thiên Chúa, Đấng sẽ đến để cứu chuộc nhân loại. Đúng thế, công cuộc cứu chuộc không thể được hiểu như một cái gì có thể đạt được qua công nghiệp, nhưng qua cuộc sống. Chúa Giêsu đã sống ơn cứu chuộc nơi mình Ngài. Bởi đó, Ngài đã xuống sông Giocđan như mọi kẻ tội lỗi khác, nhưng lại với tính cách là Con Thiên Chúa. Cả cuộc hành trình cứu chuộc được thu gọn lại nơi việc Chúa Giêsu chịu thanh tẩy.
Sở dĩ như vậy là vì các chi tiết trong việc thanh tẩy đã gợi lại những gì diễn ra trong những giây phút cuối cùng của Chúa Giêsu: Ngài xuống dưới nước như xác Ngài bị chôn trong mồ. Trời mở ra như bức màn của đền thờ bị xé. Thánh Thần đáp xuống với tiếng từ trời phán ra gợi lại việc Chúa phục sinh, ngự bên hữu Đức Chúa Cha và sai Chúa Thánh Thần xuống.
Với chúng ta cũng vậy, là người Kitô hữu, chúng ta đã được chịu phép thanh tẩy, không phải bởi tay Gioan, nghĩa là bằng nước, mà từ sự chết và sống lại của Đức Kitô và trong Chúa Thánh Thần. Phép thanh tẩy này không chỉ là một nghi lễ tẩy sạch tội tổ tông, mà còn là một biến cố mở đầu cho một cuộc hành trình, hay nói đúng hơn, một cuộc đấu tranh và chiến thắng tội lỗi. Như thế, con đường cứu rỗi là một sự lựa chọn dứt khoát: chọn Thiên Chúa thay vì ma quỷ, chọn điều thiện thay vì điều ác. Phép thanh tẩy như thế không phải chỉ là một bí tích được chịu một lần rồi thôi, mà còn là chính cuộc sống người Kitô hữu nữa.
2. Con yêu dấu
(Trích trong ‘Manna’)
Suy Niệm
Xếp hàng chung với những người thu thuế, tội lỗi, Đức Giêsu chờ đến phiên mình được Gioan làm phép rửa. Gioan bối rối, khước từ. Đấng ông không đáng xách dép, Đấng là thẩm phán quyền uy, Đấng sẽ ban phép rửa trong Thánh Thần, Đấng ấy lại cúi mình xin ông làm phép rửa sám hối. Đức Giêsu mời gọi ông cứ làm, dù ông không hiểu, vì đó là điều hợp với ý muốn của Thiên Chúa.
Câu nói đầu tiên của Đức Giêsu trong Tin Mừng Matthêu (3,15) tóm gọn cả cuộc đời tương lai của Ngài. Ngài chỉ muốn giữ trọn, làm trọn điều Thiên Chúa muốn. Đức Giêsu hạ mình trước mặt Gioan, và Ngài còn dìm mình thật sâu trong dòng nước. Ngài chia sẻ cùng một dòng nước với những hối nhân. Ngài liên đới với sự hoán cải của cả dân tộc. Chính lúc Ngài tự hạ vì vâng phục, Thiên Chúa lại muốn long trọng tôn vinh Ngài.
"Vừa ở dưới nước lên, thì kìa các tầng trời mở ra." Tầng trời mở ra là dấu hiệu Thiên Chúa muốn ngỏ lời. "Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống và ngự trên Người." Đức Giêsu đã được thụ thai nhờ Thánh Thần, nay Ngài lại nhận được Thánh Thần để bắt đầu sứ vụ.
"Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người." Chúa Cha trìu mến giới thiệu cho ta Con của Ngài. Cha tấn phong Ngài làm Mêsia, nhưng theo kiểu một Tôi Tớ. Đức Giêsu hiểu những gì Cha mới vén mở cho mình. Qua bao năm cầu nguyện, Ngài đã được Cha tỏ lộ về căn tính và sứ mạng thiên sai của Ngài.
Nhưng hôm nay, nơi sông Giođan, Cha đã chuẩn nhận một cách long trọng và dứt khoát. Cả con người Ngài bừng lên ánh sáng và sức mạnh. Đức Giêsu biết giai đoạn ẩn dật ở Nadarét đã kết thúc. Đã đến lúc Cha muốn Ngài lên đường.
Kinh nghiệm bên sông Giođan, Đức Giêsu chẳng thể quên. Kinh nghiệm ấy được sống và lớn lên trong suốt đời Ngài. Ngài không chỉ đứng chung với tội nhân, Ngài còn gần gũi họ, nâng dậy và gánh tội của họ. Ngài chết với những tội nhân và chết như một tội nhân.
Các tầng trời đã mở ra và không bao giờ khép lại. Sự hiện diện, lời nói, hành động của Ngài đã luôn là một vén mở về khuôn mặt của Thiên Chúa. Thần Khí Thiên Chúa đã ngự trên và ngự trong Ngài. Thần Khí là bạn đường, hướng dẫn Ngài vào hoang địa, đưa Ngài đi giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh tật.
Thần Khí làm Ngài hớn hở mừng vui cất lời ca ngợi. Nhờ Thánh Thần, Ngài đã luôn sống như Con của Cha, luôn làm điều đẹp lòng Cha và sống đơn sơ phó thác. Phép rửa ở Giođan chuẩn bị cho phép rửa nơi thập giá. Chúng ta được mời gọi sống phép Rửa mình đã lãnh nhận. Mai táng cái tôi ích kỷ và rạng rỡ trong cái tôi tự do.
Gợi Ý Chia Sẻ
• Theo ý bạn, đâu là khuôn mặt của một Kitô hữu lý tưởng? Tương quan của người này với Ba Ngôi, với Hội Thánh và với thế giới có những nét đặc biệt nào?
• Đối với Đức Giêsu là một chuỗi những tự hạ vì vâng phục Cha và yêu thương con người. Bạn có thể kể một số tự hạ của Ngài không? Bạn nghĩ gì về sự tự hạ của bạn?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu, sám hối không phải là điều dễ dàng, bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn để nhận mình lầm lỗi.
Chúng con ngỡ ngàng khi thấy Chúa là Đấng vô tội mà lại đứng chung với các tội nhân, chờ Gioan ban phép rửa.
Chúa đã muốn nên bạn đồng hành với phận người mỏng dòn yếu đuối chúng con.
Xin cho chúng con biết thường xuyên điều chỉnh lối nghĩ và lối sống của mình, tỉnh táo để khỏi rơi vào ảo tưởng, thành thật để khỏi tự dối mình.
Ước gì Chúa ban cho chúng con ơn hoán cải, dám đi đến những hành động cụ thể, và chấp nhận những cắt tỉa đớn đau. Nhưng xin đừng quên ban cho chúng con niềm vui của Giakêu, hạnh phúc vì được tự do và được yêu mến.
3. Điểm hẹn bất ngờ – ĐGM Vũ Duy Thống
(Trích trong ‘Với Cả Tâm Tình’ – Trg. 37)
Gần nhà thờ Đức Bà là cả một quần thể panô, người ta dựng lên để quảng cáo cho những phim ảnh đang được trình chiếu tại các rạp trong thành phố. Dù muốn hay không muốn, mỗi lần đi qua, những tựa phim cứ trải ra như tấm thực đơn thơm nức mời mọc, đến nỗi một người bạn thấy thế có lần đã thốt lên câu đùa: “Nếu chịu khó xem hết những panô quảng cáo này, người ta có thể trở thành nhà điểm phim nghiệp dư đấy”. Ừ nhỉ! Không xem phim thì xem tựa phim, biết đâu lại chẳng là một cái thú?
Mấy tuần lễ gần đây, thử để ý, đã thấy xuất hiện một cuốn phim mới tựa đề “Điểm hẹn bất ngờ”. Chẳng biết nội dung thế nào, nhưng tựa phim ấy đã âm thầm đi vào bộ nhớ, để rồi chợt lóe lên khi tiếp cận với trang Tin Mừng hôm nay, đến nỗi cũng muốn gọi lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa như là một điểm hẹn bất ngờ.
1) Điểm hẹn bất ngờ giữa Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu.
Phúc Âm Nhất Lãm đưa ra ba bản văn song song rất giống nhau về việc Chúa Giêsu chịu phép Rửa, nhưng riêng bản văn của Matthêu mới có mẩu đối thoại ngắn giữa Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu như được trích đọc trong Tin Mừng hôm nay. Và chính mẩu đối thoại tưởng như trầm chìm ấy lại là một bất ngờ lý thú làm nên điểm hẹn cho phép Rửa nơi sông Giođan.
Khi giới thiệu Đức Giêsu cho dân chúng, Gioan Tẩy Giả đã tuyên bố rằng mình chỉ là tiếng kêu bên ngoài, còn Đức Giêsu mới là Lời làm nên ý nghĩa; mình chỉ là cát hoang trải dài sa mạc, còn Đức Giêsu mới là Nẻo Đường thênh thang đi tới; mình dẫu đến trước nhưng lại có sau, còn Đức Giêsu dẫu đến sau nhưng hằng có trước; và mình chỉ rửa trong nước, còn Đức Giêsu mới là Đấng sẽ rửa chính thức trong Thánh Thần. Ông tự nhận mình không đáng xách dép cho Đấng Cứu Thế. Ấy thế mà, bất ngờ thay, chính Đức Giêsu lại đến với Gioan Tẩy Giả nằng nặc đòi ông làm phép Rửa cho mình: chủ sự bước xuống làm thụ nhân, còn thụ nhân lại miễn cưỡng đóng vai chủ sự.
Điều bất ngờ là điều người ta không chờ đợi. Ở đây còn mạnh nghĩa hơn, bởi điều đó Gioan Tẩy Giả không hề nghĩ tới nên dám đâu đợi chờ. Và vì thế, bất ngờ lại càng bất ngờ hơn. Nhưng chính điều bất ngờ ấy đã thành điểm hẹn giao ca thế hệ giữa Cựu Ước mà Gioan Tẩy Giả là đại biểu kết thúc với Tân Ước mà Đức Giêsu là Đấng khởi đầu.
Đồng thời, đó cũng là điểm hẹn gặp gỡ bất ngờ trong việc “chu toàn thánh ý Chúa”. Nơi Đức Giêsu, đó là việc Người sống lấy thái độ công chính của Israel, nhưng lại đưa sự công chính ấy tới đỉnh cao hoàn thiện, cũng như khi chịu phép Rửa bởi nước, Người đã thánh hóa chính nguồn nước tái sinh. Còn nơi Gioan Tẩy Giả, đó là việc ông đổ nước cho Đức Giêsu, một vinh dự đến bất ngờ, nhưng cũng chính vào giờ phút ấy, ông cảm nhận rất rõ rằng sứ vụ của mình tới đây đã mãn: “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi”. Hình như ông đã sẵn sàng để chịu một phép Rửa khác, cũng là điểm hẹn bất ngờ cho ông: đó là kiếp ngục tù.
2) Điểm hẹn bất ngờ giữa người Tôi Tớ đau khổ và Người Con chí ái.
Nếu bên ngoài, việc Chúa Giêsu chịu phép Rửa đã là một điểm hẹn cho Gioan Tẩy Giả gặp gỡ Đấng Cứu Thế, thì đi sâu vào chính mầu nhiệm, đó còn là điểm hẹn bất ngờ giữa người Tôi Tớ mà Tiên tri Isaia đã ghi lại trong bài ca thứ nhất (bài đọc thứ nhất) và Người Con chí ái của Chúa Cha mà phần sau trích đoạn Tin Mừng đã nêu lên, làm thành một lễ Hiển Linh mới cho tất cả những ai cần được cứu độ.
Khi bước xuống dòng sông phép Rửa, Đức Giêsu tỏ mình ra không chỉ là Đấng đã đến sống giữa con người, mà còn là Đấng sống cho con người bằng cách đón nhận vào mình đời sống thực thụ của họ, để trọn vẹn liên đới với họ mọi mặt, kể cả mặt yếu đuối tăm tối đớn hèn nhất là thân phận tội nhân. Người là tôi tớ của Giavê đã tự nguyện gánh tội trần gian, đã tự hạ chịu hết mọi nỗi đau của toàn thể dân mình, và mặc dầu chẳng vướng tội nhơ, Người đã nhẫn nhục cúi xuống lãnh nhận phép Rửa thống hối chỉ vì muốn liên đới đến cùng với mọi tội nhân.
Nhưng bất ngờ làm sao, chính khi bước lên từ dòng sông phép Rửa ấy, Đức Giêsu lại tỏ mình ra trong một quang cảnh hoàn toàn khác lạ, làm thành đỉnh cao của toàn thể mầu nhiệm Hiển Linh: Người được tiếng từ trời xác nhận là Con chí ái và được Thánh Thần tấn phong làm Đấng quy tụ tất cả nhân loại về một đầu mối cứu độ. Đất bỗng gặp Trời, Người Tôi Tớ đau khổ bỗng hóa nên Người Con chí ái, và Người tự hạ xóa mình ra không lại bất ngờ nên Đấng vừa làm đẹp lòng Cha, vừa làm thỏa lòng mong ước của bao thuở đợi chờ.
Và như thế, dòng sông phép Rửa đã nên điểm hẹn bất ngờ để Chúa Giêsu tỏ mình cho nhân loại: Người vốn là Con chí ái của Chúa Cha, nhưng đã tự hạ làm người Tôi Tớ, và khi đi đến cùng trong đau khổ, Người là Đấng thuộc về Trời cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.
3) Điểm hẹn bất ngờ giữa đời làm người và đời làm con Chúa.
Điểm hẹn bất ngờ nơi sông Giođan, đối với Chúa Giêsu, đã như một dự báo về công cuộc Tử Nạn và Phục Sinh, để từ đó mở ra những điểm hẹn mới cho tất cả những ai đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội.
Được trở nên chi thể Chúa Kitô, được thông phần sự sống thiên linh và được trở nên con Thiên Chúa: đó là thiên chức của đời tín hữu. Nhưng thiên chức ấy không miễn chuẩn cho họ khỏi phải chu toàn những trách vụ trong đời sống trần thế mà họ là thành phần. Do đó, đời tín hữu chính là một điểm hẹn bất ngờ giữa cuộc sống đời và cuộc sống đạo, giữa phận làm con người và phận làm con Chúa, giữa sự sống nhân linh và sự sống thiên linh. Vấn đề được đặt ra ở đây là làm sao chu toàn được cả hai mặt sống trong cùng một cuộc đời, làm sao cho mặt ân sủng không bị nhận chìm vì nhu cầu cơm áo, và làm sao cho mặt đời thường được nâng lên ngang tầm với sức mạnh của thánh ân?
Sẽ là một điểm hẹn đáng buồn nếu như hai mặt sống không có sự đồng bộ, sẽ là một điểm hẹn đáng trách nếu đạo đời vẫn tiếp tục ly thân; nhưng sẽ là một điểm hẹn của niềm vui nếu như đời tín hữu là một đời biết chu toàn thánh ý Chúa, cho dẫu nhiều khi vì thánh ý mà phải chấp nhận một số thiệt thòi nào đó trong đời.
Và bởi vì việc Chúa chịu phép Rửa là một bất ngờ về tình liên đới, nên giới luật yêu thương với những hành động cụ thể cũng là một điểm hẹn đem lại những hiệu quả bất ngờ nhất cho những kẻ sống tinh thần của con Chúa trong phận kiếp của con người. Biết liên đới là biết dẹp bỏ mọi hàng rào cản lối yêu thương, và sống liên đới cũng có nghĩa là không mệt mỏi vượt qua những ranh giới vị kỷ của bản thân mình, để không chỉ đón nhận người khác mà còn quan tâm thăng tiến họ nữa.
Hôm nay Phụng Vụ khép lại Mùa Giáng Sinh, đồng thời mở ra Mùa Thường Niên. Không còn nữa những tưng bừng bên ngoài, nhưng vẫn có đó một sâu lắng niềm vui. Bởi cuộc đời Chúa Kitô là điểm hẹn giữa thiên tính và nhân tính để bất ngờ mở ra mùa cứu độ, cuộc đời mỗi Kitô hữu cũng muốn là điểm hẹn giữa ơn thánh Chúa và nỗ lực con người để xin được vươn tới những bất ngờ hạnh phúc.
Một biến cố quan trọng, một lời tuyên bố chính thức từ trời cao đóng ấn vào công cuộc cứu thế của Ngôi Lời đã xảy ra trong hoang địa vắng vẻ, qua sự khiêm nhường và hạ mình của hai người trong cuộc là Gioan Tẩy giả và Chúa Giêsu. Đang lúc toàn dân nóng lòng chờ đợi Đấng Mêsia, thì Gioan xuất hiện rao giảng thanh tẩy thống hối để được tha thứ tội lỗi. Nhìn vào đời sống thánh thiện và khổ hạnh của Gioan, dân chúng đã lầm tưởng ông là Đấng Mêsia, nên đã vội tuôn đến với ông. Để tránh sự ngộ nhận đó, ông đã vội vàng cải chính: “Sẽ đến sau tôi, Đấng quyền thế hơn tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi giây giầy Ngài”.
Thế nhưng khi Chúa Cứu thế Giáng sinh ở Belem thì chẳng có ai nhận ra Ngài, ngoại trừ các mục đồng và các đạo sĩ. Các sách Tin Mừng không nói nhiều về thời niên thiếu của Chúa Giêsu tại Nazarét. Điều đó cho thấy quãng thời gian 30 năm ẩn dật của Chúa vẫn là thời gian bị quên lãng. Nhưng rồi một ngày kia, Ngài xuất hiện công khai ở bờ sông Giodan, nơi Gioan đang làm phép rửa, lúc đó Ngài đã 30 tuổi.
Chúa đến với Gioan và xin ông làm phép rửa cho mình. Được ơn soi sáng. Gioan biết mình đang đứng trước mặt Đấng sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần, nên ông đã từ chối: “Chính tôi cần được Ngài thanh tẩy cho, thế mà Ngài lại đến với tôi”. Nhưng Chúa Giêsu đã thuyết phục Gioan hãy làm theo thánh ý Thiên Chúa. Khi Chúa Giêsu vừa lên khỏi nước, thì trời mở ra và Thánh Thần Chúa lấy hình bồ câu đậu xuống trên Ngài, và có tiếng tự trời: “Con là Con chí ái của Ta, kẻ Ta đã sủng mộ”.
Phép rửa mà Chúa Giêsu đã lãnh nhận đã khai mào cho sứ vụ và con đường cứu thế của Ngài: con đường của người tôi tớ đau khổ. Mỗi kitô hữu chúng ta cũng đã lãnh nhận phép rửa trong Chúa Thánh Thần, nhờ đó chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa. Phép rửa đó đã biến chúng ta thành một tạo vật mới, và chính cuộc sống mới này đòi hỏi chúng ta phải đi vào con đường của Chúa Giêsu: trở thành tôi tớ của Thiên Chúa, đồng thời trở thành tôi tớ mọi người, hiến thân phục vụ vì hạnh phúc của mọi người.
Ngôi thánh đường trong làng được xây cất sắp hoàn thành, chỉ còn việc gắn cây Thánh Giá lên đỉnh tháp chuông. Thế nhưng giàn ráo lại không lên tới nơi. Một thanh niên khỏe mạnh và cao tới 1m8 tình nguyện kiệu người thợ hàn trên đôi vai của mình. Mọi người đứng dưới sân nín thở theo dõi.
Sau cùng, công việc cũng đã kết thúc, cả hai đều leo xuống. Nhưng khi vừa đặt chân tới đất, chàng thanh niên lực lưỡng bị ngất xỉu, bởi vì hai tay và vai anh đều bị phỏng. Tại sao vậy? Bởi vì khi người thợ hàn cây thánh giá, chì sôi từng giọt rớt xuống trên vai anh. Mặc dầu rất đau đớn, nhưng anh không dám cử động, bởi vì bất kỳ một cử động nào trong hoàn cảnh như thế sẽ có nguy cơ làm cho anh thợ hàn rơi xuống. Phải mất mấy tuần lễ những vết phỏng mới chữa lành.
Từ câu chuyện trên chúng ta đi vào đoạn Tin Mừng sáng hôm nay và chúng ta nhận thấy một người còn nhiệt tình và can đảm hơn thế nữa. Đó là Gioan Tiền Hô.
Ông đã chịu đau khổ: Mặc áo nhặm, ăn châu chấu và mật ong rừng. Ông đã chấp nhận bị chỉ trích và bị bắt bớ, cuối cùng chính ông đã hy sinh mạng sống để làm chứng cho sự thật. Ông là một sứ giả, một tiền hô được sai đi trước để dọn đường cho Đấng Cứu thế. Sứ mạng của ông là là loan báo cho mọi người được biết Đức Kitô chính là Đấng Cứu Thế, được mong đợi từ hàng ngàn năm về trước. Ông đã nâng cao Đức Kitô lên để Ngài có thể cứu chuộc chúng ta bằng cây thập giá. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta cũng được mời gọi để làm một công việc như thế.
Đoạn Tin Mừng còn cho thấy: Đức Kitô đã khởi đầu cuộc sống công khai của mình bằng cách chịu phép rửa của Gioan. Dĩ nhiên phép rửa của Gioan không phải là một bí tích mà chỉ là một nghi thức sám hối, để đánh dấu sự chỗi dậy quay trở về cùng Chúa. Sở dĩ Chúa Giêsu lãnh nhận phép rửa của Gioan là vì Ngài muốn đồng hóa mình với thân phận tội nhân. Ngoài ra, cũng nhờ đó, Ngài thánh hóa nước để dùng trong bí tich Thánh Tẩy sau này.
Chính vì thế, biến cố ngày hôm nay còn nhắc nhở cho chúng ta về bí tích rửa tội mà chúng ta đã lãnh nhận. Chúng ta cũng được mời gọi cộng tác với Đức Kitô, loan báo cho mọi người nhận biết Ngài chính là Đấng Cứu thế, đồng thời tiếp tay với Ngài trong công cuộc cứu độ trần gian bằng mầu nhiệm thập giá.
• Là những người cha và những người mẹ, chúng ta hãy nói cho con cái chúng ta những điều Đức Kitô đã nói va đã làm. Như thế, chúng ta cũng đang loan truyền Đức Kitô cho con cái chúng ta vậy.
• Là người giáo dân, chúng ta hãy cố gắng sống theo tinh thần Phúc âm, và như thế chúng ta cũng đang giúp đỡ Đức Kitô rồi đó.
Ngoài ra chúng ta còn có thể cộng tác và chia sẻ công việc với Ngài bằng cách dạy giáo lý, cầu nguyện và hy sinh cho việc truyền giáo, bố thí và giúp đỡ những kẻ nghèo đói và bất hạnh. Mỗi việc chúng ta làm nhân danh Kitô hữu là chúng ta cộng tác với Ngài để đem sức sống và sức mạnh của Ngài cho nhân loại. Cần phải có những Gioan Tiền hô để dọn đường Chúa đến. Cần phải có những người như anh thanh niên sẵn sàng hy sinh để giúp đỡ, để cộng tác với Ngài trong chương trình cứu độ.
Nói tóm lại, mỗi người chúng ta cần phải biết chu toàn thánh ý Ngài giữa lòng cuộc đời, để rồi trong ngày sau hết, chính Chúa Cha sẽ tuyên phong chúng ta, như ngày xưa Ngài đã tuyên phong Đức Kitô bên bờ sông Giocđan: “Này là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng”.
6. Sống trọn ơn gọi làm người – R. Veritas
Một hiện tượng đáng lo ngại cho Giáo Hội tại Áo bên Âu Châu, đó là sự kiện con số những người tuyên bố rút tên khỏi Giáo Hội Công giáo ngày càng gia tăng. Dĩ nhiên về nghĩa vụ, rút tên ra khỏi Giáo Hội có nghĩa là mỗi năm không còn phải đóng thuế tôn giáo nữa. Về quyền lợi, người tuyên bố rút tên ra khỏi Giáo Hội cũng sẽ tự rút phép thông công, nghĩa là chấm dứt mọi tham gia vào cac bí tích và đời sống của Giáo Hội. Nói cách khác, rút tên ra khỏi Giáo Hội cũng đồng nghĩa chối bỏ mọi cam kết khi chịu Phép Rửa Tội.
Nói chung, thế giới phương tây vốn được mệnh danh là Kitô giáo, hiện nay đã trở thành một vùng truyền giáo mới. Thật thế, trong những nước có con số người theo Kitô giáo, phép rửa thường chỉ còn là một nghi thức xã hội không hơn không kém. Người ta chỉ có lý khi nói rằng, suốt một đời nhiều người Tây Phương chỉ đến nhà thờ có ba lần, lần đầu khi chịu phép rửa để gia nhập vào một xã hội vốn được mệnh danh là Kitô giáo. Lần thứ hai để cử hành Hôn Phối cho long trọng. Lần thứ ba cũng là để cử hành tang lễ cho long trọng.
Khi Giáo Hội chỉ được mời để có mặt ba lần như thế trong cả một đời người, thì quả thật người ta chỉ mang danh hiệu Kitô nhưng không sống trọn những cam kết của phép rửa. Hôm nay kỷ niệm Chúa Giêsu chịu phép rửa, Giáo Hội muốn mời gọi các Kitô hữu hãy đào sâu và ý thức về những cam kết khi chịu phép rửa tội. Trái với lối sống đạo cả đời đến nhà thờ chỉ có ba lần của người Tây Phương, các tín hữu Kitô Việt Nam chúng ta lại tập trung đời sống đạo vào nhà thờ. Trái với những nhà thờ hầu như trống rỗng tại Tây phương, các nhà thờ Việt Nam chúng ta hầu như lúc nào cũng đông nghẹt người. Tuy nhiên, biết đâu những đám đông chật ních trong các nhà thờ ấy lại không là những con người có lối sống hoàn toàn xa lạ, hay ngược lại với giáo huấn của Giáo Hội và Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Biết đâu đám đông sốt sắng cầu kinh ra rả trong nhà thờ ấy lại chẳng là những con người không hề biết đến thế nào là công bình, là bác ái, là tình liên đới, là quảng đại, sợ chia sẻ lòng cảm thông và sợ tha thứ. Nói tắt một lời, nếu chúng ta chưa sống cho ra người thì sự hiện diện đông đảo trong nhà thờ, những lời cầu kinh ra rả, hay những cuộc biểu dương long trọng chưa hẳn đã là thể hiện đích thực của lòng tin.
Khi đến nhận phép rửa của Gioan tại sông Giordan, nghĩa là khi đến dìm mình trong dòng nước, Chúa Giêsu đã muốn thể hiện trọn vẹn ý nghĩa của mầu nhiệm Nhập Thể, Ngài muốn sống trọn thân phận con người mà thành phần tất yếu là cái chết. Qua cử chỉ này, Chúa Giêsu muốn nói lên sự vâng phục trọn vẹn với Chúa Cha, Ngài đón nhận cái chết như thể hiện tận cùng của tình yêu.
Sống như một con người như Chúa Giêsu đã từng sống, chính là sống yêu thương và yêu thương đến độ sẵn sàng thí ban mạng sống mình. Đức Chúa Cha đã gọi Đức Chúa Giêsu là Người Con chí ái đẹp lòng Ngài mọi đàng, bởi vì Chúa Giêsu đã sống trọn ơn gọi làm người của Ngài. Đây chính là ý nghĩa của phép rửa mà Chúa Giêsu đã thiết lập và ủy thác cho Giáo Hội qua phép rửa ấy. Người tín hữu Kitô được mời gọi để sống trọn thân phận làm người như chính Chúa Giêsu đã từng sống. Thật thế, chỉ trong Chúa Giêsu, chúng ta mới thấy được thập giá và ơn gọi cao cả của con người. Chỉ trong Chúa Giêsu chúng ta mới thấy được thế nào là sống cho ra người. Chỉ trong Chúa Giêsu chúng ta mới hiểu thế nào là sống yêu thương.
Thập giá vừa là biểu hiện cái chết của Chúa Giêsu, vừa là dấu chứng tình yêu của Ngài. Với phép rửa chúng ta được ghi dấu Thánh Giá trên người, chúng ta làm dấu Thánh Giá mỗi ngày và biết bao nhiêu lần trong cuộc sống chúng ta. Chúng ta treo Thánh Giá khắp mọi nơi, chúng ta đeo Thánh Giá trên người, và ước gì Thánh Giá ấy không chỉ là thứ trang sức trên ngực, trên cổ hay trên tai của chúng ta, mà phải là một nhắc nhở về tình yêu của Đấng đã yêu thương chúng ta đến độ thí ban mạng sống của Ngài cho chúng ta. Ước gì Thánh Giá luôn là động lực thúc đẩy chúng ta ngày càng sống cho ra người hơn.
Nguyện xin các thánh Tử Đạo Việt Nam, những người đã thà chết hơn là bước qua Thánh Giá để chối bỏ Chúa Giêsu, nay nguyện giúp cho chúng ta để chúng ta được luôn luôn trung thành với đức tin, thể hiện đức tin ấy bằng cuộc sống chứng tá, đó là giá trị của Tin Mừng.
7. Làm chứng
Câu chuyện đã xảy ra cách đây khá lâu. Ngôi thánh đường nhỏ bé trong một thị xã của vùng Trung Tây Hoa Kỳ đã xưa cũ, cần phải được sửa chữa lại, nhất là ngọn tháp. Cây thánh giá trên đỉnh ngọn tháp này phải được hàn lại cho chắc chắn để chịu đựng nổi sức gió thổi và sự xoi mòn của nắng mưa sương tuyết. Nhưng giàn ráo không thể bắc lên cao cho tới cây thánh giá được, chỉ gần tới mà thôi. Có một công nhân lực lưỡng, cao ráo, vai u thịt bắp, sẵn sàng đứng chịu cho người thợ hàn leo lên vai của anh để làm việc. Việc làm này thật nguy hiểm cho tính mạng của cả hai người!
Từ bên dưới, đám đông nhìn lên nín thở. Sau cùng, công việc hàn lại cây thánh giá cũng hoàn tất. Người thợ hàn bò xuống khỏi đôi vai nở rộng và khỏe mạnh của anh công nhân. Rồi anh công nhân cũng chậm rãi leo xuống khỏi giàn ráo. Khi vừa xuống tới đất, anh nằm bật ngửa ra nền nhà. Đôi vai và hai cánh tay vạm vỡ của anh đầy những vết phỏng.
Cái gì đã xảy ra? Trong khi người thợ hàn lại cây thánh giá, những giọt kim loại nóng bỏng đã nhiễu xuống đôi vai và hai cánh tay của anh công nhân đang cố gắng giữ chặt lấy người thợ hàn. Mặc dù đau đớn và xót xa cực độ, nhưng anh đã không dám nhúc nhích. Bất cứ một phản ứng nào cũng có thể làm cho người thợ hàn ngã xuống và chết tại chỗ. Phải mất vài tuần lễ những vết phỏng mới được lành hoàn toàn.
Qua phép rửa tội, chúng ta cũng được gọi để làm chứng minh cho Tin Mừng. Làm chứng nhân cho chân lý đòi hỏi phải hy sinh, và đôi khi phải trả giá bằng chính mạng sống của mình như Gioan tẩy giả đã làm. Làm môn đệ của Đức Kitô phải thường xuyên đấu tranh với những khuynh hướng xấu nơi bản tính của con người, chống lại sự dữ, tội lỗi và ma quỉ. Đó là cuộc tử đạo kéo dài suốt đời người.
Trong cuốn “Tiếng Chim Ca”, cha Anthony De Mello, S.J. đã dùng dụ ngôn “Tiệm Bán Chân Lý” để nói lên cái giá phải trả của những người môn đệ theo Chúa Giêsu:
Tôi hoa mắt lên khi thấy tên cửa tiệm: “Tiệm Bán Chân Lý”. Cô bán hàng rất lễ phép: tôi muốn mua loại chân lý nào đây, toàn diện hay từng phần – phiếm diện? Chân lý toàn diện, dĩ nhiên rồi. Đối với tôi, nhất định không có lừa bịp, không có khống chế, không có giải thích quanh co. Tôi muốn chân lý của tôi phải thuần khiết và minh bạch. Cô bán hàng vẫy tay ra hiệu chỉ cho tôi phía đằng kia tiệm sách.
Cậu bán sách ở đó lấy ngón tay chỉ cái nhãn hiệu có ghi giá cả. Cậu ta nói: “Thưa ông, giá rất đắt”. Tôi hỏi: “Giá bao nhiêu?” Vì tôi cương quyết mua cho bằng được cái chân lý toàn diện, cho dù phải trả bằng bất cứ giá nào. Cậu trả lời: “Thưa ông, giá của sự an toàn của ông đấy “. Tôi ra khỏi tiệm với con tim nặng trĩu. Tôi đang cần sự an toàn cho những niềm xác tín bất khoan nhượng của tôi.
Vì làm chứng nhân cho chân lý nên thánh Gioan Tẩy giả đã bị chém đầu, Chúa Giêsu đã phải chết trên cây thập giá. Phải trả bằng giá của mạng sống, vì thế Chúa Cha đã phán: “Nầy là Con yêu dấu của Ta, Con đẹp lòng Ta”.
Qua Bí tích Rửa tội, mỗi người Kitô hữu đã được Thiên Chúa nhận làm con cái của Ngài rồi. Nhưng ước gì trong đời sống chứng nhân của người Kitô hữu chúng ta cũng cảm nghiệm được tiếng Thiên Chúa Cha phán riêng với chúng ta rằng: “Nầy là con yêu dấu của Ta, con đẹp lòng Ta”.
Ngày kia, có một ông vua đi săn trong rừng, bỗng dưng ông nghe thấy tiếng khóc của trẻ thơ. Ông đi tới và thầm nghĩ:
- Chắc hẳn em nhỏ bất hạnh này bị cha mẹ bỏ rơi.
Ông ẵm đứa nhỏ lên, đem về hoàng cung, tắm rửa và mặc cho những bộ quần áo đẹp.
Khi em bé lớn lên, ông đã nói với em:
- Kể từ nay, ta sẽ gọi ngươi là con của ta và ngươi sẽ gọi ta là ba của con.
Có lẽ chúng ta ngạc nhiên về lòng thương xót của ông vua, nhưng nếu suy nghĩ về bí tích Rửa tội, chúng ta còn phải ngạc nhiên hơn nữa. Thực vậy, em nhỏ mặc dù được gọi nhà vua là cha, nhưng trong huyết quản em vẫn không có lấy được một giọt máu của hoàng tộc. Thực tế em vẫn chỉ là con của một kẻ nghèo túng.
Nhưng đối với chúng ta thì khác, nhờ dòng nước rửa tội, chúng ta được tẩy sạch khỏi mọi vết nhơ tội lỗi đã đành, mà hơn thế nữa chúng ta còn được mặc lấy tấm áo ơn sủng. Thiên Chúa thông ban cho chúng ta sự sống của Ngài, để khi chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha, thì đó không còn là một danh từ trống rỗng và vô nghĩa, nhưng là một sự thật:
- Thiên Chúa là Cha chúng ta và chúng ta là con của Ngài.
Chúng ta hãy vui mừng và cảm tạ Thiên Chúa đã dành cho chúng ta một địa vị cao cả như thế, và nhất là hãy cố gắng sống cho xứng đáng với địa vị cao cả ấy.
Có một cậu bé hoàng tử chẳng may bị bọn cướp bắt cóc. Sau khi đã lấy hết những thứ quí giá trên mình, chúng trói câu vào một gốc cây. Nhưng may thay có một bác tiều phu đi ngang qua, đã cởi trói và đem cậu về nhà nuôi. Nhiều năm sau, nhân một cuộc đi săn, vua cha đã dừng chân trước căn nhà nhỏ bé của bác tiều phu. Bác tiều vui rất lấy làm vinh dự được dẫn những đứa con của mình ra trình diện nhà vua. Khi đến cậu hoàng tử, bỗng nhà vua xúc động mạnh.
Ông thầm nghỉ:
- Phải chăng đây chính là hoàng tử, con ta đã bị bắt cóc.
Ông hỏi bác tiều phu về gốc gác cậu bé và nói:
- Nếu ở bên vai phải có dấu ấn ta đã ghi, thì đúng là hoàng tử.
Với bàn tay run run, ông vạch chiếc áo và mừng rỡ kêu lên:
- Trời ơi, con ta.
Và cậu bé cũng kêu lên:
- Ba ơi.
Làm sao chúng ta có thể hiểu được sự đổi thay trong lòng cậu bé. Từ trước đến giờ, cậu cứ tưởng mình là con bác tiều phu nghèo nàn với quần áo rách rưới và nhà cửa xiêu vẹo. Bỗng chốc cậu nhận ra mình là hoàng tử, được sinh ra tại hoàng cung và thuộc hoàng tộc.
Kể từ nay, dù ở bất cứ nơi nào và làm bất cứ việc gì, cậu đều ý thức mình là một hoàng tử, là con của đức vua, nhờ đó cậu luôn có được những lời nói và những cử chỉ xứng hợp.
Với chúng ta cũng vậy. Nhờ bí tích Rửa tội, chúng ta trở nên con Thiên Chúa, thế nhưng chúng ta có ý thức được địa vị cao cả ấy không?
Người nào ý thức về địa vị cao cả ấy sẽ không bảo:
- Tôi đi nhà thờ.
Nhưng nói:
- Tôi đi gặp gỡ và tâm sự với Chúa, bởi vì cầu nguyện chính là lúc người con thố lộ tâm tình với cha mình.
Đây là một việc làm kỳ diệu và tuyệt vời,bởi vì một con người tầm thường và xấu xí như chúng ta mà lại được tiếp xúc, trò chuyện với Thiên Chúa.
Một người luôn ý thức về địa vị cao cả ấy, thì dù có làm việc gì cũng không bao giờ quên Thiên Chúa là cha của mình. Người ấy sẽ luôn thầm nhủ:
- Tôi sẽ làm vui lòng Cha tôi ở trên trời.
Khi chiêm ngắm những cảnh sắc hùng vĩ của thiên nhiên, người đó sẽ nghĩ ngay đến Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng nên tất cả.
Nhờ đời sống ơn sủng được chuyển thông qua bí tích Rửa tội, chúng ta trở nên con Thiên Chúa. Địa vị cao cả này đòi buộc chúng ta ở mọi nơi và trong mọi lúc phải có những lời nói và những việc làm thích hợp.
Bởi đó, phải sống làm sao cho xứng đáng với địa vị cao cả ấy, để rồi trong ngày sau hết, Thiên Chúa sẽ nói về chúng ta như ngày xưa Ngài đã nói về Đức Kitô bên bờ sông Giócđan:
- Này là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng.
bài liên quan mới nhất
- Thứ Bảy tuần 18 Thường niên năm II (Mt 17,14-21)
-
Thứ Tư tuần 18 Thường niên năm II (Mt 15,21-28) -
Chúa nhật 5 mùa Chay năm C (Ga 8,1-11) -
Chúa nhật 4 mùa Chay năm C - Trở về (Lc 15,1-3.11-32) -
Chúa nhật 3 mùa Chay năm C - Hãy sám hối (Lc 13,1-9) -
Chúa nhật 2 mùa Chay năm C - Biến đổi (Lc 9,28b-36) -
Chúa nhật 1 mùa Chay năm C (Lc 4,1-13) -
Chúa nhật 8 Thường niên năm C (Lc 6,43-49) -
Chúa nhật 7 Thường niên năm C -
Chúa nhật 6 Thường niên năm C (Lc 6,17.20-26)
bài liên quan đọc nhiều
- Thứ Sáu tuần thánh - Thương khó (Ga 18,1-19,42)
-
Thứ Bảy tuần thánh - Ngôi mộ trống (Mc 16,1-8) -
Thứ Năm tuần thánh (Ga 13,1-15) -
Thứ Tư Lễ Tro - Giữ chay và kiêng thịt (Mt 6,1-6.16-18) -
Chúa nhật 5 Thường niên năm A -
Ngày 25 tháng 12: Chúa Giáng sinh (Lễ Đêm, Rạng Đông, Ban Ngày) -
Chúa nhật lễ Mình Máu Thánh Chúa năm A -
Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa - Năm A -
Bài giảng lễ Mồng Hai Tết -
Ngày 22/07: thánh nữ Maria Mađalêna, lễ kính (Ga 20,1-2.11-18)