Suy niệm Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống năm B
Pentecost Sunday
Reading I: Acts 2:1-11 II: 1Cor 12:3-7,12-13
Chúa Nhật Hiện Xuống
Bài Đọc I: Cv 2:1-11 II: 1Cr 12:3-7,12-13
-------o0o------
Gospel
John 20:19-23
19 On the evening of that first day of the week, when the doors were locked, where the disciples were for fear of the Jews, Jesus came and stood in their midst and said to them, "Peace be with you".
20 When he had said this, he showed them his hands and his side. The disciples rejoiced when they saw the Lord.
21 Jesus said to them again, "Peace be with you. As the Father has sent me, so I send you."
22 And when he had said this, he breathed on them and said to them, "Receive the Holy Spirit.
23 Whose sins you forgive are forgiven them, and whose sins you retain are retained."
Phúc Âm
Gioan 20:19-23
19 Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Dothái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: "Chúc anh em được bình an!"
20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.
21 Người lại nói với các ông: "Chúc anh em được bình an! như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em".
22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.
23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ".
Interesting Details
• John did not mention by what means Jesus came into the room, but simply stated the fact that he was present among the disciples to indicate the spiritual qualities of the resurrected body of Jesus.
• The greeting that Jesus said to his disciples: "Peace be with you" means more than: "May you be saved from trouble." It means "May God give you every good thing." Also peace is considered a divine gift promised in the Old Testament for the coming days of deliverance.
• He showed them his hands and his side. This is the only explicit evidence from the Gospel that Jesus was nailed rather than tied to the cross.
• He breathed on them. This indicates the giving of new life, just as in the Book of Genesis, God created man by breathing life into him.
• The last sentence lays down the duty of the Church to convey forgiveness to those repent from their hearts and to warn the impenitent that they are forfeiting the mercy of God. This is also considered as the origin of the sacrament of penance and baptism.
Chi Tiết Hay
• Gioan không ghi lại Đức Giê-su đã dùng cách nào để vào trong phòng nơi các tông đồ hội họp, mà chỉ xác định rằng Chúa đã hiện diện giữa các tông đồ để nói lên những đặc điểm thiêng liêng nơi thân xác phục sinh của Người.
• Lời chào hỏi của Đức Giê-su với các tông đồ: "Bình an cho anh em" không phải chỉ có nghĩa là "Mong anh em đừng bị bất cứ rắc rối nào", nhưng còn mang ý nghĩa sâu xa hơn: "Xin Thiên Chúa ban cho anh em mọi sự tốt lành." Bình an được coi là hồng ân Chúa hứa trong Cựu Ước là sẽ có ngày giải thoát.
• Người cho họ xem tay và cạnh sườn Người. Đây là chứng cớ hiển nhiên duy nhất trong Tin Mừng cho thấy Đức Giê-su đã bị đóng đinh chứ không phải chỉ bị trói vào thập giá.
• Người thở hơi trên họ. Cử chỉ naỳ có ý nghiã ban sự sống mới, giống như trong sách Sáng Thế kể lại việc Thiên Chúa thở hơi sự sống vào con người khi Người tạo dựng họ.
• Câu cuối cùng nói lên nhiệm vụ của Hội Thánh là ban ơn tha thứ cho những hối nhân thực lòng ăn năn và khuyến cáo những người cứng lòng là họ đang để mất đi lòng thương xót của Chúa. Câu này cũng được coi là chứng lý Kinh Thánh về bí tích giải tội và rửa tội.
One Main Point
The resurrected Christ confers upon his disciples, hence the Church , the mission to continue his work of bringing God's salvation to all mankind. In order to carry on the task that he had accomplished, Jesus empowered the Church with his Holy Spirit who would be the living force and guidance in propagating God's message.
Một Điểm Chính
Đức Ki-tô Phục Sinh trao cho các tông đồ và Hội Thánh sứ mệnh tiếp tục công việc đem ơn cứu chuộc đến cho mọi người. Để có thể thực thi công cuộc chính Người đã hoàn tất, Đức Giê-su củng cố Hội Thánh bằng Thánh Thần của Người, Đấng sẽ là sức mạnh sinh động và hướng dẫn tác vụ truyền bá sứ điệp của Chúa.
Reflections
1. Visualize ourselves as the disciples in the Upper room, in a state of fearfulness and doubt about what had happened. How do we feel when Jesus appear to us?
2. Relive the moment when Jesus breathed his Holy Spirit on the disciples and instructed them to go out and proclaim his Good News. How do we make his love known in our world today?
Suy Niệm
1. Chúng ta hãy hình dung mình là những môn đệ trong phòng Tiệc ly, đang run sợ và hoài nghi về những gì đã xảy ra. Chúng ta cảm thấy như thế nào khi Chúa Giê-su hiện đến với chúng ta?
2. Hãy hình dung bạn đang hiện diện lúc Chúa Giê-su thở hơi Thánh Thần của Người trên các tông đồ và truyền cho họ hãy đi rao giảng Tin Mừng. Chúng ta phải làm sao để người ta biết được tình yêu của Chúa trong thế giới hôm nay?
Các bài suy niệm LỄ HIỆN XUỐNG – Năm B
Lời Chúa: Cv 2,1-11; 1Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20,19-23
------o0o------
MỤC LỤC
1. Chúa Thánh Thần
2. Ra đi-tha thứ – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
3. Ý nghĩa cuộc sống
4. Chúa Thánh Thần
5. Nói được các thứ tiếng
6. Hãy nhận lấy Thánh Thần
7. Người thổi hơi vào các ông
8. Lửa Thánh Thần – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
9. Đấng đổi mới - ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
10. Đấng ban Sự Sống - ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
11. Niềm vui bởi Chúa Thánh Thần - Achille Degeest
12. Chúa và nguồn sinh khí
13. Chân lý đòi hỏi rất nhiều - Achille Degeest
14. Thần Khí đổi mới
15. Hơi thở của Thiên Chúa
16. Vai trò của Thần Khí – McCarthy
17. Tác động của Chúa Thánh Thần
18. Đổi mới
19. Mùa xuân của Thánh Thần
20. Suy niệm của ĐGM. Nguyễn Văn Khảm
21. “Anh em hãy nhận Thánh Thần” - Noel Quesson
22. Ngôn ngữ tình yêu
23. Sức mạnh
24. Sự thật trọn vẹn
25. Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ - JKN
-------o0o------
Lễ hiện xuống chính là ngày lễ 50 của Cựu Ước. Đó là cao điểm kết thúc cho mùa mừng lễ Vượt Qua, ngoài ra đó còn là ngày lễ tạ ơn vì Chúa đã cho mùa màng tốt tươi, cũng như để kỷ hiệm ngày Chúa công bố lề luật qua Môsê trên đỉnh núi Sinai.
Đối với chúng ta hôm nay, thì lễ Hiện Xuống cũng chính là cao điểm, kết thúc cho mầu nhiệm Phục sinh. Như ngày Hiển Linh đối với ngày Giáng Sinh thế nào thì ngày lễ Hiện Xuống cũng vậy đối với lễ Phục Sinh. Tôi xin đưa ra một vài hình ảnh để so sánh.
Trong ngày lễ Phục sinh, Đức Kitô như mặt trời hừng đông ló dạng. Còn trong ngày lễ Hiện xuống thì mặt trời ấy đã đứng bóng, chói loà và đem lại sức sống. Trong ngày lễ Phục sinh thửa vườn của Giáo Hội nở bông với những tín hữu mới được lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Còn trong ngày lễ Hiện xuống, những bông hoa ấy đã kết thành trái chín vàng trên cành cây. Người làm vườn là Đức Kitô đã trồng những mầm non mới. Còn mặt trời làm cho trái chín vàng đó là Chúa Thánh Thần. Trong ngày lễ Phục sinh chúng ta mới chỉ là những trẻ nhỏ của Thiên Chúa, chúng ta cần đến sữa mẹ là Chúa Thánh Thần. Chúng ta lớn lên trong nhà mẹ là Giáo Hội, một cách vô tư và hạnh phúc như những em nhỏ. Nhưng khi chúng ta trưởng thành, Giáo Hội, người Mẹ hiền của chúng ta, không ngần ngại bảo cho chúng ta biết rằng khoảng thời gian êm đẹp và thơ mộng ấy đã qua đi, giờ đây chúng ta là những lữ khách, sẽ gặp phải nhiều đau khổ, nhiều buồn phiền. Với lễ Hiện xuống, chúng ta trở nên là những người trưởng thành. Với lễ hiện xuống Chúa Thánh Thần làm việc và tác động.
Trước khi về trời Chúa Giêsu đã hứa không để cho chúng ta phải mồ côi, Người sẽ gởi đến cho chúng ta một Đấng an ủi, để nhắc lại những điều Người đã giảng dạy. Ngày hôm nay, Chúa Thánh Thần vẫn còn hoạt động trong Giáo Hội cũng như trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta hãy nghĩ tưởng đến Ngài, và chúng ta có thể gặp gỡ Ngài ở khắp mọi nơi. Ngài ngự trị trong tâm hồn chúng ta kể từ ngày chúng ta lãnh nhận bí tích Rửa Tội, để biến tâm hồn và thể xác chúng ta thành đền thờ cho Thiên Chúa, như lời thánh tông đồ đã khuyên nhủ: Anh em không nhớ rằng thân xác anh em là đền thờ của Chúa Thánh Thần hay sao. Hãy mang lấy Thiên Chúa và hãy tôn vinh Người trong thân xác anh em. Chúng ta sẽ dễ dàng trở nên thánh thiện, nếu chúng ta luôn ý thức rằng Chúa Thánh Thần đang ngự trị trong chúng ta. Còn đối với Giáo Hội, Chúa Thánh Thần luôn thánh hoá và hoạt động bằng các bí tích. Chúa Giêsu đã về trời và trở nên vị trung gian bầu cử cho chúng ta trước toà Đức Chúa Cha. Nhưng Giáo Hội trên trần gian hằng được Chúa Thánh Thần giúp đỡ và hướng dẫn. Trong bí tích Thánh Thể Chúa Giêsu thực sự hiện diện, nhưng Ngài không thể tiếp nối những hành động mà ngày xưa Ngài đã thực hiện ở Palestin. Trong bí tích Thánh Thể Người chỉ là của lễ và của ăn cho chúng ta,. Thế nhưng, bí tích Thánh Thể lại chính là một dụng cụ Chúa Thánh Thần dùng để thánh hoá chúng ta.
Chúa Thánh Thần chính là linh hồn của Giáo Hội. Và như chúng ta đã biết Giáo Hội là nhiệm thể của Đức Kitô. Thân xác muốn sống thì phải có linh hồn. Vai trò của linh hồn thật là quan trọng, nó là nguyên lý của sự sống, nếu linh hồn lìa khỏi thì thân xác sẽ phải chết. Cũng vậy Chúa Thánh Thần là linh hồn của nhiệm thể Giáo Hội, chính Ngài trao ban và bảo tồn đời sống ơn sủng trong chúng ta. Nhờ Ngài mà chúng ta có thể cầu nguyện và làm được những việc tốt lành. Bởi đó, trong ngày mừng kính Ngài hôm nay, chúng ta hãy mặc lấy ba tâm tình sau đây: Tâm tình thứ nhất là tâm tình vui mừng. Chính vì thế mà Giáo Hội đã mời gọi chúng ta qua lời kinh Tiền Tụng: Trong niềm hân hoan chứa chan, toàn thể vũ trụ đều nhảy mừng. Tâm tình thứ hai là tâm tình tin tưởng vào sự hiện diện và vào quyền năng của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội cũng như trong tâm hồn mỗi người. Chúng ta phải cảm nghiệm và nhận ra quyền năng ấy. Và sau cùng chúng ta hãy mong mỏi xin Ngài ngự đến như lời Giáo Hội tha thiết nguyện cầu: Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến và đổ tràn đầy trong lòng các tín hữu những hồng ân của Ngài.
2. Ra đi-tha thứ – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
Khi nói về Chúa Thánh Thần, ta thường nghĩ đến bảy ơn Người ban qua bí tích Thêm Sức. Ta như người lãnh nhận một cách thụ động. Và những ơn Người ban chẳng ảnh hưởng gì đến đời sống ta. Đó thực là một quan niệm sai lầm tai hại. Thực ra, Đức Chúa Thánh Thần là nguồn sự sống mãnh liệt, là sự trẻ trung của Giáo Hội, là năng lực đổi mới thế giới. Hãy đọc lại bài đọc I, ta sẽ thấy sức mạnh đổi mới của Người mãnh liệt như thế nào. Người như luồng gió cường tráng. Người như ngọn lửa bừng bừng. Luồng gió và ngọn lửa ấy đã khơi dậy nguồn năng lực tiềm ẩn nơi những bác thuyền chài thất học, biến họ thành những con người thay đổi thế giới. Nhận lãnh ơn Đức Chúa Thánh Thần là nhận lãnh sứ mạng hành động. Hôm nay, Chúa Giêsu tóm tắt sứ mạng hành động đó qua 2 nhiệm vụ: Ra đi và Tha thứ.
Nhiệm vụ thứ nhất mà Đức Giêsu trao cho các môn đệ khi ban Thánh Thần cho các ông, đó là RA ĐI: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nhận lãnh Chúa Thánh Thần là được sai đi. Chúa Thánh Thần là sức mạnh hành động. Người không thể bị giam hãm trong những căn phòng đóng kín cửa. Người không ưa thích những tâm hồn khép kín trong ủ rũ điêu tàn. Người đến đâu là mở tung cửa nhà ra đến đấy. Mở ra để đón lấy những luồn gió mới tươi mát. Mở ra để đón nhận mọi người đến với mình. Và nhất là mở ra để mình đến với mọi người. Một cuộc sống không giao tiếp sẽ trở nên nghèo nàn, tàn lụi. Một tâm hồn chỉ quy hướng về bản thân sẽ chẳng khác một vũng ao tù, ô nhiễm. Ra đi sẽ giúp ta nên phong phú, mạnh mẽ. Ra đi không phải là lang thang không mục đích, nhưng là đi đến những địa chỉ Thánh Thần muốn gửi ta đến. Những địa chỉ Thánh Thần muốn ta đến đó là “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Thiên Chúa” (Lc 4,18-19). Chúa Thánh Thần sẽ mở tung cánh cửa ích kỷ. Người sẽ phá tan cánh cửa hẹp hòi. Người sẽ củng cố những tâm hồn nhút nhát. Người sẽ quét sạch mọi lớp bụi bặm rêu phong. Người sẽ đổ tràn vào hồn ta nguồn nhựa sống mới giúp ta hăng hái lên đường.
Nhiệm vụ thứ hai mà Đức Giêsu trao cho các môn đệ khi ban Thánh Thần cho các ông, đó là THA THỨ: “Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha”. Tha thứ, hoà giải luôn là một vấn đề lớn của thế giới. Trên thế giới, những cuộc chiến tranh, chia rẽ, xung khắc xảy ra hầu như hằng ngày. Con người là bất toàn, nên sống chung là có bất đồng, xung khắc. Nếu cứ mỗi lần có xung khắc, ta loại trừ đi một người bạn, thì có lẽ cuối cùng ta sẽ chẳng còn người bạn nào. Người ta không thể sống một mình. Mỗi người đều cần đến người khác. Sống chung với nhau là một nhu cầu. Vì thế, việc tha thứ, hoà giải là vô cùng cần thiết. Hoà giải hệ tại ở hai động tác: xin lỗi và tha lỗi. Hai việc đều khó làm. Vì con người đầy tự ái. Dù biết mình lỡ lầm, nhưng ít có ai đủ can đảm nhận lỗi và xin lỗi. Xin lỗi đã khó, tha lỗi còn khó hơn. Chính vì thế, việc hoà giải cần rất nhiều ơn Chúa Thánh Thần, ở đây, ta phải nhìn vào Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô như tấm gương sáng chói. Người là tấm gương sáng về sự ra đi. Cuộc đời Người là một cuộc ra đi không biết mệt mỏi. Dù tuổi cao sức yếu, nhưng Người vẫn lên đường đi đến với mọi dân tộc, mọi đất nước. Người tiếp xúc với tất cả mọi người không phân biệt tôn giáo, chính kiến, mầu da, chủng tộc, ngôn ngữ. Người đi đến với cả những kẻ chống đối, bất hoà và thù nghịch với Người. Để chuẩn bị đón mừng Năm Thánh, Người đã làm một cử chỉ ngoạn mục chưa từng có trong lịch sử Giáo Hội. Đó là Người công khai nhìn nhận những lỗi lầm của Giáo Hội để xin mọi người tha thứ. Đây quả là một hoạt động của Chúa Thánh Thần để thanh tẩy Giáo Hội. Đức Thánh Cha đã được ơn Chúa Thánh Thần nên đã ra đi làm hoà với mọi người. Chính cử chỉ khiêm nhường ấy đã giúp đổi mới Giáo Hội, đem đến cho Giáo Hội một khuôn mặt mới trẻ trung hơn, một sức sống mới dồi dào hơn, một phong cách hiện diện mới dễ thương dễ mến hơn.
Ta hãy biết noi gương Đức Thánh Cha. Hãy biết ra đi, không chỉ là đi hành hương viếng nhà thờ để lãnh ơn toàn xá, nhưng còn là ra đi đến với những người bé nhỏ, nghèo hèn, những người bị bỏ rơi, những người kém may mắn ở đời, những người ta không ưa thích, những người chống đối ta, cả những người làm hại ta nữa. Nhất là hãy gieo rắc sự tha thứ. Tha thứ cho anh em để anh em cũng tha thứ cho ta, để chúng ta xứng đáng trở thành con Thiên Chúa. Đức Chúa Thánh Thần muốn đổi mới Giáo Hội. Nhưng việc đổi mới phải bắt đầu từ mỗi tâm hồn. Đức Chúa Thánh Thần sẽ canh tân bộ mặt thế giới, nhưng việc canh tân phải khởi đi từ mỗi con người. Ta hãy mở rộng tâm hồn đón nhân ơn Chúa Thánh Thần và hăng hái cộng tác với chương trình của Người.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đổi mới tâm hồn con.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1- Đức Chúa Thánh Thần mời gọi bạn ra đi đến với người khác. Bạn có thường đi thăm viếng những người nghèo hèn, nhất là những người bạn không có cảm tình không?
2- Bạn có muốn tha thứ, làm hoà với người khác không? Bạn đã có cố gắng nào để làm hoà trong Năm Thánh?
3- Bạn nghĩ gì về việc Đức Thánh Cha xin lỗi?
4- Bạn có sẵn sàng để Đức Chúa Thánh Thần biến đổi bạn không?
Chúa Thánh Thần đem lại gì cho chúng ta. Đó là câu hỏi chúng ta cùng nhau tìm hiểu. Và ơn huệ đầu tiên Ngài đem lại đó là đức tin. Chính đức tin sẽ tạo nên nơi chúng ta một cái nhìn mới.
Kể từ nay, chúng ta không còn cúi mặt nhìn xuống đất, mà còn có thể ngước mắt nhìn lên trời. Và qua những thực tại trần gian, chúng ta sẽ tìm thấy những giá trị siêu nhiên. Chúa Thánh Thần sẽ mở ra một chân trời mới, sẽ hướng dẫn chúng ta bước vào cõi sống đời đời. Hẳn rằng đã hơn một lần chúng ta băn khoăn và tự hỏi: Hỡi người, người là ai? Tại sao người lại sống trên mặt đất này. Rồi người sẽ đi về đâu? Mục đích cuộc sống của người là gì? Ý nghĩa cuộc sống của người là gì?
Có một nhà hiền triết nọ cũng đã suy tư như thế. Hôm đó, ông đi lang thang trong rừng, miệng không ngừng lặp lại câu hỏi: Đâu là ý nghĩa của cuộc sống? Bỗng một con họa mi bay đến và nói: Ý nghĩa cuộc sống ư? Chỉ là tiếng hót véo von. Rồi nó bay đi nhưng vẫn còn vương lại những âm thanh dễ mến. Nghe vậy, chú chuột chù phản đối: Đời là một cuộc chiến đấu không ngừng với bóng tối.
Thế nhưng chị bướm lại lắc đầu không chịu: Cuộc sống chỉ là hưởng thụ và vui thú. Bấy giờ bác ong mật phát biểu: Cuộc sống không chỉ là vui thú, mà còn là lao động, lao động nhiều hơn vui chơi. Cô phượng hoàng thì vỗ cánh và nói: Chẳng ai có lý hết, đời sống chính là tự do, được tung bay trên khắp khoảng trời xanh. Cụ tùng bách thì lắc đầu và bảo: Đời sống là một cố gắng để vươn cao. Nhưng cô hồng nhung lại quả quyết: Cuộc đời chỉ là những tháng ngày trau chuốt cho vẻ đẹp được thêm duyên dáng. Còn chàng mây lang thang lại thở dài: Đời sống chỉ là những lần chia ly, khổ đau, cay đắng và nước mắt. Còn bà sóng thần thì bảo: Đời là một sự đổi thay không ngừng.
Nhà hiền triết hốt hoảng và chạy trốn khỏi khu rừng để không còn nghe tiếng nói của muôn loài trước một vấn nạn chưa được giải quyết.
Còn chúng ta thì sao? Rất có thể chúng ta cũng đã băn khoăn như nhà hiền triết, để rồi cảm thấy như bế tắc, không tìm ra đáp số cho bài toán.
Thế nhưng với biến cố Hiện xuống, các môn đệ đã nhìn rõ vấn đề, đã thấu suốt được những chân lý mà Chúa Giêsu đã truyền dạy. Với ơn Chúa Thánh Thần chúng ta cũng sẽ nếm thử được niềm an bình và nỗi mừng vui, bởi vì chúng ta xác tín rằng: quê hương chúng ta không phải ở mặt đất này, nhưng là ở chốn trời cao. Cuộc sống tạm bợ phù du này sẽ kết thúc để rồi mở ra một chân trời hạnh phúc, kéo dài tới vĩnh cửu. Nhờ đức tin lãnh nhận, chúng ta có được cái nhìn mới và biết đánh giá đúng mức những thực tại trần gian, biết xử dụng chúng để xây dựng cuộc sống siêu nhiên.
Thánh Cyrillo đã so sánh: Chúa Thánh Thần tác động trong chúng ta như ánh sáng mặt trời tác động trên con mắt. Nếu đi từ bóng tối ra ánh sáng, chúng ta sẽ nhìn thấy nhiều vật trước kia chúng ta không nhìn thấy. Cũng vậy, với Chúa Thánh Thần chúng ta sẽ nhìn xem tất cả bằng cặp mắt siêu nhiên, chúng ta sẽ khám phá ra những giá trị thiêng liêng cho cuộc sống tạm gửi này, để rồi chúng ta sẽ không dừng lại, sẽ không đầu tư cho những vui thú chóng qua, nhưng sẽ tìm kiếm và đầu tư cho hạnh phúc vĩnh cửu.
Ngày xưa Chúa Thánh Thần bay lượn trên nước và đã biến cái đám hỗn mang thành một vũ trụ có trật tự thế nào, thì bây giờ Ngài cũng bay lượn, cũng hiện diện trong tâm hồn để biến con người tội lỗi, vô trật tự của chúng ta thành một Kytô hữu đích thực, Ngài sẽ cởi bỏ con người cũ của chúng ta, biến chúng ta trở nên một tạo vật mới, một con người mới. Vậy con người mới ấy là như thế nào? Chắc hẳn bề ngoài chúng ta vẫn như trước vẫn giống với mọi người, có đầu, có mắt, có trái tim, nhưng cách thức chúng ta nhìn ngắm, cách thức chúng ta suy nghĩ, cách thức chúng ta yêu mến thì lại hoàn toàn thay đổi, như lời tiên tri Êgiêkiel đã diễn tả: Ta sẽ rảy nước tinh tuyền trên các ngươi và các ngươi sẽ được trong sạch. Ta sẽ cất khỏi các ngươi trái tim bằng đá, nhưng sẽ ban cho các ngươi một trái tim bằng thịt. Ta sẽ ban cho các ngươi một trái tim mới và một thần khí mới.
Với Chúa Thánh Thần ngự trong tâm hồn, chúng ta sẽ nhìn cuộc sống, nhìn những người anh em, nhìn thế giới, nhìn dòng lịch sử một cách khác. Chúng ta sẽ nhìn những khổ đau, những thử thách và những đắng cay một cách khác. Chúng ta sẽ tìm thấy được những giá trị siêu nhiên của chúng.
Bởi đó, hãy mở cửa đón nhận Chúa Thánh Thần, hãy lắng nghe tiếng nói của Ngài, hãy bước đi dưới sự soi dẫn của Ngài, hãy sống theo những gì Ngài chỉ bảo. Đừng dập tắt ngọn lửa của Ngài, để nhờ đó, Ngài sẽ hun đúc đức tin, để nhờ đó chúng ta biết đánh giá đúng mức những thực tại trần gian.
Trong phần chia sẻ sáng hôm nay tôi muốn đưa ra một câu hỏi như thế này: Chúa Thánh Thần là Đấng nào? Với câu hỏi này chúng ta đi sâu vào bản tính Thiên Chúa, nhưng chỉ có đức tin mới trả lời được cho chúng ta mà thôi. Đúng thế, thánh Tôma tiến sĩ đã nói: Hiện tại chúng ta không thể nào hiểu thấu vì mầu nhiệm ấy vượt quá khả năng hạn hẹp của trí khôn con người.
Trong Cựu Ước chúng ta chỉ ghi nhận được một vài hình ảnh thật mù mờ về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúng ta phải chờ đến Đức Kitô, người Con duy nhất của Thiên Chúa đến và mạc khải, chúng ta mới thấy được cái đặc tính cốt yếu của Thiên Chúa, đó là tình yêu.
Còn về Chúa Thánh Thần, trong kinh Tin Kính chúng ta đã tuyên xưng Ngài là Thiên Chúa ngôi thứ ba, là Đấng ban sự sống, Ngài bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra. Ngài cũng được phụng thờ và tôn vinh với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con, Ngài đã dùng các tiên tri mà phán dạy.
Qua Chúa Con, Thiên Chúa Cha đã tỏ lộ tình yêu của Ngài cho chúng ta như lời thánh Gioan đã xác quyết: Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài, để những ai tin nơi Con Một Ngài thì sẽ có sự sống vĩnh cửu. Ngay từ thuở đời đời, Chúa Cha đã sinh ra Chúa Con và sợi dây liên kệ thắm thiết và đầy yêu thương ấy chính là Chúa Thánh Thần. Thực vậy, Chúa Thánh Thần chính là sợi dây yêu thương nối kết Chúa Cha và Chúa Con, chi phối nhịp điệu của đời sống Ba Ngôi Thiên Chúa, cũng như toả lan cho tất cả chúng ta. Như thế, qua Chúa Thánh Thần chúng ta hiểu được bản chất tình yêu của Thiên Chúa. Đồng thời Chúa Thánh Thần cũng đã trực tiếp cộng tác vào công trình cứu độ, một công trình của tình thương yêu mà Thiên Chúa đã ươm mơ từ muôn thuở trước.
Đức Kitô vâng theo thánh ý của Chúa Cha và với sự cộng tác của Chúa Thánh Thần đã chết đi để đem lại sự sống cho trần gian. Kể từ khi được diễm phúc làm con cái Thiên Chúa, chúng ta đã được Ngài yêu thương như lời thánh Phaolô đã xác quyết: Nhờ Chúa Thánh Thần mà tình yêu Thiên Chúa được toả lan trong tâm hồn chúng ta. Để rồi từ đó, tất cả những tình yêu trong lành nhất của chúng ta đều là một tia sáng, một phản ánh trung thực cho tình yêu của Thiên Chúa. Bởi vì Thiên Chúa là tình yêu và chúng ta chỉ có thể yêu thương một cách đúng nghĩa khi liên kết với Ngài.
Đúng thế Ngài ở giữa những cặp vợ chồng để họ biết trung thành và hy sinh cho nhau. Ngài ở giữa những người con để họ biết nói lên hai tiếng thưa ba, thưa má với tất cả tấm lòng chân thành của mình. Ngài ở giữa những người bạn để họ biết tâm đầu ý hiệp với nhau.
Trong ngày lễ Hiện Xuống hôm nay, Giáo Hội mừng kính Chúa Thánh Thần, Giáo Hội mừng kính tình yêu của Thiên Chúa, được tượng trưng qua hình lưỡi lửa trên đầu các tông đồ. Giáo Hội cũng muốn chúng ta thành khẩn kêu xin: Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến, xin hãy ngập tràn tâm hồn các tín hữu Chúa và xin thắp lên trong chúng con ngọn lửa tình yêu Chúa. Ngài không phải là một vị Thiên Chúa vô danh và bị quên lãng. Trái lại Ngài luôn ở giữa chúng ta và hoạt động. Ước gì mỗi người chúng ta hãy cộng tác với Ngài bằng cách thắp lên một ngọn lửa yêu thương, bởi vì chỉ có tình yêu mới có thể làm tiêu tan thù hận, thất vọng và tăm tối.
5. Nói được các thứ tiếng (Trích trong ‘Manna’)
Lễ Ngũ Tuần là một lễ lớn của người Do Thái. Nhiều người Do Thái sùng đạo từ nước ngoài về Giêrusalem dự lễ. Còn Nhóm Mười Hai và mấy phụ nữ, trong đó có Đức Maria, thì cầu nguyện tại lầu trên một căn nhà trong thành. Chính trong bầu khí của một cộng đoàn cầu nguyện mà Thánh Thần, Đấng Cha hứa ban, đến với họ.
Thánh Thần chẳng có một khuôn mặt để ta ngắm nhìn nhưng ta vẫn nhận ra Ngài nhờ những dấu chỉ khả giác: một tiếng từ trời như tiếng gió thổi dữ dội, những lưỡi lửa tản ra và đậu xuống từng người. Bổng chốc Thánh Thần đầy tràn mọi người hiện diện. Có cái gì đó được mở tung, để tự do bay bổng. Có ngọn gió ùa đầy nhà làm căng buồng phổi. Có ngọn lửa ấm lan tỏa trong trái tim.
Có cái gì thôi thúc người ta mở cửa, đi ra và cất tiếng. Phải kêu to cho mọi người, chẳng có gì phải sợ, về những kỳ công Thiên Chúa đã làm cho Thầy Giêsu.
Trước mặt mười hai ông đánh cá quê mùa ít học, người từ khắp nơi trên thế giới đổ về. Họ là những người Do Thái sinh sống ở nước ngoài, nên họ đã kinh ngạc, sửng sốt, thán phục, khi họ nghe các ông nói được tiếng của vùng đất họ sống. Ơn nói được nhiều thứ tiếng là ơn của Thánh Thần, nhằm giúp cho việc loan báo Tin Mừng nơi mọi dân tộc. Tin Mừng bằng tiếng mẹ đẻ giúp người nghe cảm thấy gần gũi.
Rồi Tin Mừng ấy lại trở thành gạch nối liên kết mọi người, thuộc mọi ngôn ngữ, màu da, xã hội, văn hoá khác biệt. Như thế Thánh Thần làm con người hiểu nhau, gần nhau, và giúp Hội Thánh trở thành Hội Thánh của mọi dân tộc. Thánh Thần làm vết thương của tháp Babel được lành. Đã có lúc những người nói cùng một thứ tiếng mà vẫn không hiểu nhau.
Lễ Hiện Xuống là lễ khai sinh một Hội Thánh truyền giáo.
Đức Giêsu đã chào đời tại Châu Á từ 2,000 năm. Làm sao để người Châu Á hiểu được Tin Mừng: đó là vấn đề mà tất cả chúng ta hết sức quan tâm. Hiểu được là bước đầu để đón nhận và tin theo. "Chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa" (c.11). Làm sao chúng ta sử dụng nhuần nhuyễn các ngôn ngữ Á Châu để trình bày mặc khải của Đức Giêsu Con Thiên Chúa? Phong tục, văn hoá, tín ngưỡng, luân lý, truyền thống của họ cũng là những thứ ngôn ngữ mà ta cần trân trọng tìm hiểu.
Xin Thánh Thần giúp ta học được ngôn ngữ Việt Nam hôm nay, để nói cho người Việt hiểu và hiểu được điều họ nói.
Xin cho Hội Thánh biết khiêm tốn và can đảm học lại ngôn ngữ của những người mà Chúa sai ta đến.
Kinh Thánh đã được dịch ra 2,197 ngôn ngữ. Chúng ta còn cần dịch ra một thứ ngôn ngữ ai cũng hiểu, đó là ngôn ngữ của phục vụ và yêu thương.
Gợi Ý Chia Sẻ
• Nhờ sức mạnh Thánh Thần, những ông đánh cá đã mạnh dạn đứng lên loan báo Tin Mừng. Bạn đã nhận Thánh Thần khi được rửa tội và thêm sức; có khi nào bạn dám can đảm nói lên niềm tin của bạn không?
• Gia đình, cuộc sống, nghề nghiệp của bạn cũng là những thứ ngôn ngữ. Bạn có thấy mình nói về Chúa qua những ngôn ngữ ấy không?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa là Thần Khí Sự Sống và Tình Yêu, xin ban cho con một thời để yêu và một thời để sống; để con sống vì tình yêu Thiên Chúa, để con yêu vì cuộc sống muôn loài.
Xin dạy con biết yêu những điều tốt đẹp, cao quý và biết ghét những điều đê tiện, xấu xa.
Xin dạy con luôn sống vì những điều mình yêu, và dám chết vì những điều mình ghét.
Xin cho con biết đưa tình yêu vào cuộc sống để mỗi giây phút sống con đều cảm nhận được niềm hạnh phúc yêu thương.
Xin cho con biết đưa cuộc sống vào tình yêu để từng giây phút yêu, con đều làm cho cuộc sống thêm giá trị.
Cuối cùng, xin cho con biết hoà nhập cả hai nên một: để sống là yêu và yêu là sống, vì hiểu được rằng Thiên Chúa Hằng Sống cũng chính là Thiên Chúa Tình Yêu. Amen.
6. Hãy nhận lấy Thánh Thần (Trích trong ‘Manna’)
Lúc đến Êphêsô, Phaolô hỏi một số môn đệ ở đó: "Khi vào đạo, các ông đã nhận lãnh Thánh Thần chưa?". Họ trả lời: "Ngay cả việc có Thánh Thần, chúng tôi cũng chưa hề được nghe nói tới" (Cv 19,1-2).
Chúng ta đã được nghe nói và đã lãnh nhận Thánh Thần, nhưng có thể Ngài vẫn là Đấng xa lạ với ta. Bí tích Thêm sức chỉ còn là một kỷ niệm đẹp, nhưng nó không làm ta ý thức về sự hiện diện của Thánh Thần, Đấng đang ở trong ta và sai ta đi làm chứng.
Khi Đức Giêsu phục sinh hiện ra với các môn đệ, Ngài đã làm một việc quan trọng, đó là mời họ tiếp tục sứ mạng mà Ngài đã bắt đầu.
"Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ" (Mt 28,19).
"Hãy đi loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo" (Mc 16,15).
Trong Tin Mừng hôm nay, Đấng phục sinh nói với các môn đệ: "Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em" (Ga 20,21)
Đức Giêsu cho các môn đệ được tham dự vào sứ mạng của mình. Chỉ có một sứ mạng duy nhất là sứ mạng Chúa Giêsu nhận được từ Chúa Cha. Sứ mạng của các môn đệ nối dài sứ mạng duy nhất ấy.
Ai sẽ giúp các ông thực hiện sứ mạng này? Ai sẽ cho các ông sức sống để dám mở toang cánh cửa mà lên đường loan báo Tin Mừng phục sinh?
Sức sống ở nơi hơi thở. Đức Giêsu phục sinh đã trao hơi thở của mình, hơi thở của sức sống thần linh cho các môn đệ. Khi được trao ban Thánh Thần, họ trở thành con người mới, sẵn sàng lên đường.
Thánh Thần chẳng ở xa mỗi người chúng ta.
- Ngài có mặt khi ta rung động trước một đoạn Lời Chúa, và muốn sống Lời Chúa trong đời thường.
- Ngài có mặt khi ta gọi tên Chúa Giêsu trên môi (1Cr 12,3), và gọi Thiên Chúa là Cha đầy lòng từ ái (Rm 8,15).
- Ngài có mặt khi ta muốn tiến một bước mới trong đời sống cầu nguyện, trong đời sống thiêng liêng.
Thánh Thần chẳng ở xa Giáo Hội. Ngài làm cho Giáo Hội được hiệp nhất bằng cách ban những đặc sủng khác nhau cho nhiều người để họ phục vụ lợi ích chung.
- Ngài hiện diện nơi các vị lãnh đạo Giáo Hội, nhưng Ngài cũng có mặt nơi các nhóm giáo dân.
- Ngài hiện diện trong các bí tích, trong mỗi thánh lễ. Ngài thánh hóa bánh rượu để chúng trở nên Mình và Máu Đức Kitô.
Thánh Thần là linh hồn của Giáo Hội; không có Ngài, Giáo Hội chỉ là một cơ cấu đáng ngờ. Nếu chúng ta mềm mại hơn để cho Ngài dẫn dắt, nếu chúng ta bớt cứng cỏi để cho Ngài canh tân, nếu chúng ta đừng dập tắt tiếng của Ngài, thì chúng ta sẽ thấy những biến đổi kỳ diệu.
Gợi Ý Chia Sẻ
1. Bạn có thấy Chúa Thánh Thần soi sáng và nâng đỡ bạn trong cuộc sống hàng ngày không? Ngài có hoạt động trong nhóm của bạn không?
2. Trong thế giới hôm nay, thế giới gồm cỏ lùng và luau, bạn có thấy hoạt động âm thầm nhưng hiệu quả của Chúa Thánh Thần không?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài hãy đến như cơn gió mát thổi vào đời con, thổi vào Giáo Hội, thổi vào thế giới, để đem lại cho chúng con sự tươi mới nhẹ nhàng, sự tự do thanh thoát.
Xin Ngài hãy đến như dòng nước trong chảy vào đời con, chảy vào Giáo Hội, chảy vào thế giới, để cuốn trôi đi mọi nhơ nhớp, khô cằn, cứng cỏi, và làm bật dậy những mầm xanh sự sống nơi chúng con.
Xin Ngài hãy đến như ngọn lửa hồng chiếu sáng đời con chiếu sáng Giáo Hội, chiếu sáng thế giới, để chúng con không còn đồng lõa với tối tăm, nhưng mang trong tim một ước mơ nóng bỏng, đó là làm cho vũ trụ này rực sáng Tình yêu.
7. Người thổi hơi vào các ông (Trích trong ‘Manna’)
Những vết chân trên cát cho ta biết có người đã đi qua. Nhìn hàng cây xa lay động, ta biết có gió. Đức Giêsu đã ví Thánh Thần như cơn gió: "Gió muốn thổi đâu thì thổi... Chẳng ai biết gió từ đâu đến và sẽ đi đâu" (Ga 3,8).
Chúng ta chỉ thấy những dấu vết hoạt động của Thánh Thần, nhưng không thấy được chính Ngài, cũng không nắm được đường đi nước bước của Ngài.
Bài Tin Mừng hôm nay đã mô tả Thánh Thần như hơi thở của Chúa Phục Sinh. Hơi thở là dấu hiệu của Sự Sống. Thiên Chúa đã thở hơi vào Ađam vă cho ông sống. Đức Giêsu Phục Sinh đã thở hơi trên các môn đệ, để họ nhận một sự sống mới hoàn toàn.
Đời sống Kitô hữu là đời sống trong Thánh Thần. Ngay từ giây phút đầu tiên trong lòng mẹ, Đức Giêsu đã được đầy tràn Thánh Thần. Khi lãnh nhận phép rửa của Gioan, Ngài đã được Thánh Thần ngự xuống và lưu lại.
Cũng chính Thánh Thần đưa Ngài vào sa mạc để cầu nguyện, ăn chay và định hướng cuộc đời. Tại Galilê, Đức Giêsu đã bắt đầu sứ mạng trong quyền năng của Thánh Thần (Lc 4,14).
Ngài đã nhờ Thánh Thần mà đuổi quỷ (Mt 12,28), và khi được hân hoan trong Thánh Thần, Ngài đã thốt lên lời ca ngợi Cha (Lc 10,21).
Quả thật Đức Giêsu là con người sống trong Thánh Thần, Đấng mà Ngài đã nhận được một cách vô hạn (Ga 3,34).
Đôi khi chúng ta cảm thấy xa lạ với Ngôi Ba, dù thực sự Ngài là người Bạn, người Thầy quá ư gần gũi và cần như hơi thở.
Tôi gọi Thiên Chúa là Cha, cũng nhờ Ngài (Rm 8,15). Nhờ Ngài tôi biết cầu nguyện, và nếm được sự ngọt ngào của Lời Chúa. Nhờ Ngài Hội Thánh vẫn được canh tân liên tục bằng những luồng gió bất ngờ, những lôi cuốn mạnh mẽ không sao cưỡng lại.
- Xin cho tôi can đảm để cho ngọn gió của Ngài thổi tung mọi sợ hãi, rụt rè, khép kín.
- Xin cho tôi lưỡi lửa để tôi ra đi loan báo Tin Mừng với trái tim bừng cháy.
- Xin cho tôi hơi thở của Ngài để tôi biết sống và yêu nồng nàn.
Gợi Ý Chia Sẻ
• Mọi sáng kiến canh tân đều có thể là do Thánh Thần thúc đẩy. Trong giáo xứ, gia đình, cộng đoàn hay nhóm của bạn, bạn có gặp thấy những người biết thao thức và dám đưa ra sáng kiến canh tân không?
• Thánh Thần vẫn lên tiếng qua những người có trách nhiệm, qua bạn bè, qua hoàn cảnh mới cần thích nghi. Có lần nào bạn nghe được lời mời của Thánh Thần không? Bạn đáp lại ra sao?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Thánh Thần, xin ban sức sống cho chúng con.
Xin cho cuộc đời Kitô hữu chúng con đừng rơi vào sự đơn điệu nghèo nàn, vào những lối mòn quen thuộc, nhưng xin canh tân và tái tạo chúng con mỗi ngày.
Xin nuôi chúng con bằng những thức ăn mới, cho chúng con khám phá ra những chiều sâu khôn dò của Đức Kitô, và ý nghĩa thâm thúy của Tin Mừng.
Lạy Chúa Thánh Thần là Đấng Ban Sự Sống, thế giới hôm nay luôn bị đe dọa bởi bạo lực, khủng bố, chiến tranh; mạng sống con người bị coi rẻ.
Xin cho chúng con biết say mê sự sống, và gieo vãi sự sống khắp nơi.
Ước gì Chúa ban cho nhân loại một lễ Hiện Xuống mới, để con người có thể hiểu nhau hơn và đón nhận nhau trong yêu thương.
8. Lửa Thánh Thần – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã nhiều lần hứa sẽ gửi Thánh Thần đến an ủi các môn đệ. Quả thật, các ngài không phải chờ đợi lâu. Vào ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần xuống đầy tràn trên các ngài. Ơn Chúa Thánh Thần thật mãnh liệt. Chúa Thánh Thần đã đụng chạm đến các ngài. Chúa Thánh Thần như nguồn nhựa sống thấm tẩm vào từng chân tơ kẽ tóc làm cho các ngài thay đổi da thịt, trở thành con người mới. Các ngài đã cảm nghiệm được sự tác động ấy. Đó là cảm nghiệm về một ngọn lửa.
Chúa Thánh Thần là ngọn lửa thanh luyện.
Giống như ngọn lửa thanh luyện vàng và kim loại khỏi các tạp chất, ngọn lửa Thánh Thần tẩy sạch con người cũ của các tông đồ. Trước kia các tông đồ là những người nhỏ nhen ích kỉ, ham hố danh vọng, thường tranh nhau chỗ cao chỗ thấp. Nhưng khi nhận được ơn Chúa Thánh Thần, các Ngài trở nên quảng đại, hy sinh quên mình, chỉ nghĩ đến phục vụ Nước Chúa. Trước kia các Tông đồ là những người nhút nhát, dễ thay đổi. Nhưng khi nhận được ơn Chúa Thánh Thần, các Ngài đã trở nên cam đảm, trung thành làm cho Chúa đến nỗi dám hy sinh mạng sống để làm chứng cho Chúa. Hơi ấm của Chúa Thánh Thần băng bó những vết thương làm cho tâm hồn các Ngài liền da liền thịt, sạch hết mặc cảm, trở nên những con người hoàn toàn mới.
Chúa Thánh Thần là ngọn lửa soi sáng.
Ai đã có lần đi trong hang động tối tăm mới hiểu được nỗi khổ của người mò mẫm lần từng bước dò đường đi. Những tảng đá lởm chởm, những thú vật độc ác, những vực sâu hiểm nghèo đang rình chờ cướp mạng sống của người mạo hiểm. Hạnh phúc biết bao khi có ánh sáng tới. Đường đi xuất hiện rõ ràng. Khách bộ hành an tâm mạnh dạn tiến bước.
Trước kia, các Tông đồ giống như người đi trong đêm tối, không biết đường biết hướng về đâu. Lửa Chúa Thánh Thần đến soi sáng trí khôn biến những bác ngư phủ quê mùa trở nên sáng suốt thông minh, hiểu biết Lời Chúa. Lửa Chúa Thánh Thần soi sáng đường đi, biến những môn đệ mất Thầy như bầy ong vỡ tổ trở nên những người lãnh đạo dẫn đường cho một đoàn dân mới tiến về Quê Trời.
Chúa Thánh Thần là ngọn lửa sự sống.
Sau ngày Chúa Giêsu chịu chết, các Tông đồ sợ hãi tản lạc tứ phía. Các ngài phải trốn chạy. Các ngài phải ẩn nấp, Các ngài sống trong sợ sệt lo âu. Các ngài phải đóng kín cửa nhà vì sợ người Do thái. Các ngài sống như tựa như đã chết. Các ngài giống như cái xác không hồn. Nhưng sau khi nhận được ơn Chúa Thánh Thần, các ngài nhận được nguồn sống. Các ngài bừng tỉnh như sau một giấc ngủ. Các ngài mạnh mẽ như người hồi phục sau cơn trọng bệnh. Sự sống mãnh liệt trào tuôn khiến các ngài không còn có thể bó gối ngồi một chỗ, nhưng mạnh mẽ mở cửa ra đi rao giảng Lời Chúa. Sự sống mãnh liệt trào tuôn khiến các cộng đoàn phát triển mau chóng. Ngọn lửa Chúa Thánh Thần đã đem lại sự sống, sự sống lại và là sự sống mới cho các Tông đồ, cho các tín hữu.
Ngày nay chúng ta cảm ơn Chúa Thánh Thần hơn bao giờ hết. Trong bản thân cũng như trong cộng đoàn chúng ta có nhiều tì tích hoen ố. Chỉ có ngọn lửa của Chúa Thánh Thần mới có thể thanh luyện tâm hồn chúng ta. Thế giới hôm nay đầy những bóng tối. Chỉ có ngọn lửa Chúa Thánh Thần mới có thể soi sáng cho chúng ta biết đường lối mà đi. Thế giới hôm nay chứa đầy văn minh sự chết, đưa con người tới huỷ diệt. Chỉ có ngọn lửa Chúa Thánh Thần mới hồi phục, đưa ta vào sự sống mới trong Đức Kitô.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con. Amen.
GỢI Ý CHIA SẺ
1. Ngọn lửa Thánh Thần có tác dụng gì trên các Tông đồ, làm cho các ngài thay đổi mãnh liệt?
2. Bạn có cảm nhận được Chúa Thánh Thần trong đời bạn không?
3. Để mình bị biến đổi, để mình bị thúc đẩy trên đường dấn thân làm việc phục vụ, dễ hay khó?
9. Đấng đổi mới - ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN, ĐẤNG ĐỔI MỚI
(Cv 2,1-11)
Qua bài trích sách Công Vụ Tông Đồ, ta thấy Đức Chúa Thánh Thần là Đấng đổi mới. Ngài đã đổi mới trí khôn các Tông đồ. Các Tông đồ là những người làm nghề chài lưới, ít học. Suốt 3 năm ở bên cạnh Chúa Giêsu, các ngài đã được Chúa dạy dỗ nhiều điều. Nhưng các ngài không hiểu. Nhưng sau khi nhận được ơn Chúa Thánh Thần, trí khôn các ngài như được mở ra. Không những các ngài hiểu biết về Chúa, hiểu biết giáo lý của Chúa, mà còn có thể đi giảng dạy cho người khác nữa. Ơn Chúa Thánh Thần thật lạ lùng. Ngài đã biến những con người thất học nên hiểu biết. Ngài đã đổi những tâm trí u mê thành sáng suốt.
Ngài đã đổi mới ý chí các Tông đồ. Từ khi Chúa Giêsu bị bắt và bị kết án, các Tông đồ sống trong sợ hãi. Các ngài đã trốn chạy. Các ngài đã chối Chúa. Các ngài đã ẩn nấp trong nhà đóng kín cửa. Nhưng khi nhận được ơn Chúa Thánh Thần, con người các ngài hoàn toàn thay đổi. Các ngài mở tung cửa ra đi rao giảng Tin Mừng cho mọi người. Bị đe doạ, các ngài vẫn không sợ. Bị đánh đòn, các ngài vẫn kiên cường. Không gì có thể ngăn cản các ngài rao giảng, làm chứng cho Đức Kitô Phục Sinh. Sau cùng tất cả các ngài đã chịu đổ máu, hiến mạng sống mình để làm chứng cho Chúa, ơn Chúa Thánh Thần thật lạ lùng. Ngài đã biến những con người yếu đuối nên vững mạnh. Ngài đã biến những con người nhút nhát nên can đảm.
Ngài đã đổi mới trái tim các Tông đồ. Trước kia các ngài còn mang nặng những ước mơ trần tục. Theo Chúa để mong được chức trọng quyền cao. Mong được ngồi bên tả bên hữu Chúa. Tranh dành nhau chỗ cao chỗ thấp. Có thể nói, trước kia các ngài theo Chúa vì bản thân, vì chính các ngài. Các ngài chưa yêu mến Chúa bằng yêu mến bản thân. Nhưng từ khi được ơn Chúa Thánh Thần, trái tim của các ngài đã hoàn toàn thay đổi. Từ nay các ngài dành trọn trái tim cho Chúa, yêu mến đến sẵn sàng chịu mọi đau khổ, và nhất là sẵn sàng chết vì Chúa. Ơn Chúa Thánh Thần thật lạ lùng. Đã biến đổi những trái tim chai đá thành những tái tim bằng thịt. Đã biến đổi những trái tim ích kỷ thành trái tim yêu thương.
Đời sống ta có quá nhiều yếu đuối. Trí khôn ta u mê không hiểu Lời Chúa, không nhận biết thánh ý Chúa. Ý chí ta bạc nhược không đủ sức làm việc lành, hèn nhát không dám làm chứng cho Chúa. Trái tim ta nhơ uế vì những ích kỷ nhỏ nhen, vì những ham muốn trần tục. Hôm nay ta hãy tha thiết xin ơn Chúa Thánh Thần đến đổi mới con người xưa cũ của ta. Để ta thấu hiểu Lời Chúa, thấu hiểu thánh ý Chúa muốn trong đời. Để ta mạnh mẽ can đảm làm chứng cho Chúa trong đời sống và để trái tim ta được thanh luyện luôn quảng đại cho đi, dâng hiến.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Đức Chúa Thánh Thần đã đổi mới các thánh Tông đồ như thế nào?
2. Trong tôi còn những gì xưa cũ cần đổi mới?
3. Ai cũng có nhu cầu đổi mới nhà cửa, đời sống vật chất. Bạn có thấy nhu cầu đổi mới tâm hồn không?
10. Đấng ban Sự Sống - ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN, ĐẤNG BAN SỰ SỐNG (Ga 20,19-21)
Hơi thở tượng trưng cho sự sống. Còn thở là còn sống. Hết thở là hết sống. Hôm nay, Đức Giêsu thổi hơi ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ. Thổi hơi để chỉ rằng Đức Chúa Thánh Thần là hơi thở. Thở hơi để truyền sự sống. Ta vẫn thường tuyên xưng trong kinh Tin Kính: Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Đấng Ban Sự Sống.
Đức Chúa Thánh Thần là Đấng ban Sự Sống. Điều này được diễn tả trong sách Sáng Thế. Thuở tạo thiên lập địa, cả vũ trụ chưa nên hình nên dạng, chưa có sự sống. Trời đất là một khối hỗn mang. Thánh Thần Chúa bay là là trên mặt nước (cf. St 1,1). Thánh Thần Chúa bay lượn trên mặt nước để vũ trụ được định hình. Thánh Thần Chúa ban cho trời đất một diện mạo. Và trên hết Thánh Thần Chúa ban sự sống cho muôn loài.
Đức Chúa Thánh Thần ban sự sống lại. Ngôn sứ Êdêkien đã được thấy trong một thị kiến như sau: “Tay Đức Chúa đặt trên tôi. Đức Chúa dùng Thần Khí đem tôi ra, đặt tôi giữa thung lũng; thung lũng đầy xương cốt. Người đưa tôi đi ngang, đi dọc giữa chúng. Những xương ấy nằm la liệt trên mặt thung lũng và đã khô đét. Người bảo tôi: “Hỡi con người, liệu các xương này có hồi sinh được không?”. Tôi thưa: “Lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, chính Ngài mới biết điều đó”. Bấy giờ Người bảo tôi: “Ngươi hãy tuyên sấm trên các xương ấy; ngươi hãy bảo chúng: Các xương khô kia ơi, hãy nghe lời Đức Chúa. Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này: Đây Ta sắp cho Thần Khí nhập vào các ngươi và các ngươi sẽ được sống… Ngươi hãy nói với Thần Khí: Từ bốn phương trời, hỡi Thần Khí, hãy đến thổi vào những người đã chết này cho chúng được hồi sinh. Thần Khí liền nhập vào những người đã chết; chúng được hồi sinh và đứng thẳng lên”” (Ed 37,1-10). Thánh Phaolô quả quyết: Đức Chúa Thánh Thần đã làm cho Đức Giêsu sống lại cũng sẽ làm cho chúng ta sống lại trong ngày sau hết.
Đức Chúa Thánh Thần ban sự sống mới. Sách Công vụ Tông đồ thuật lại: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được đầy tràn Chúa Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2,1-4).
Từ khi nhận được ơn Chúa Thánh Thần, các tông đồ trở nên khác hẳn. Trước kia các ngài nhút nhát sợ hãi, nay các ngài mạnh dạn hăng hái. Trước kia các ngài chỉ là những ngư phủ thất học, không am hiểu giáo lý, nay các ngài cất tiếng rao giảng Tin Mừng cho mọi người thuộc đủ mọi tầng lớp, mọi chủng tộc. Trước kia các ngài còn nghĩ đến bản thân, tranh giành nhau chỗ cao chỗ thấp, nay các ngài chỉ nghĩ đến Nước Chúa, sẵn sàng hy sinh mạng sống để làm chứng cho Chúa. Ơn Chúa Thánh Thần đã đổi mới tâm hồn các ngài. Các ngài đã nhận được sự sống mới, sự sống của Chúa, để sống vì Chúa và sống cho Chúa.
Ngày chịu phép rửa tội, ta đã nhận được sự sống của Chúa. Tuy nhiên có nhiều chỗ trong linh hồn ta không có sự sống vì tội đã ngăn cản ơn thánh và làm chết đi nhiều phần trong linh hồn. Những dục vọng, đam mê, tham vọng, tinh thần thế tục giống như vi trùng len lỏi vào linh hồn làm cho sự sống của Chúa bị tổn thương. Linh hồn suy nhược không còn tha thiết làm việc lành. Hôm nay ta hãy xin Đức Chúa Thánh Thần xuống Phục Sinh những thành phần chết chóc trong tâm hồn ta. Và nhất là xin Người ban sự sống mới cho tâm hồn ta. Giúp ta biết tẩy bỏ lối sống, lối suy nghĩ, lối cư xử xưa cũ theo tinh thần thế tục, để sống một đời sống mới, sống nhiệt thành, sống bác ái, sống quên mình, sống dấn thân phục vụ Thiên Chúa và tha nhân hơn.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Đức Chúa Thánh Thần ban sự sống lại và ban sự sống mới. Bạn có thấy linh hồn bạn cần những sự sống này không?
2. Sau khi nhận ơn Đức Chúa Thánh Thần, các Tông đồ đã thay đổi đời sống. Bạn cũng đã nhận ơn Chúa Thánh Thần, đời sống bạn có thay đổi gì không?
3. Đức Chúa Thánh Thần luôn sai đi. Hôm nay bạn cảm thấy Chúa Thánh Thần sai bạn đi làm gì?
11. Niềm vui bởi Chúa Thánh Thần - Achille Degeest (Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)
Hôm nay chúng ta hãy dừng lại ở câu: “Các môn đệ được đầy tràn vui mừng”. Các ông vui mừng vì giữa lúc hoang mang lại thấy Chúa và việc ấy đã khiến các ông tìm lại niềm cậy trông. Các ông đã đặt niềm hy vọng nơi Chúa Giêsu. Thập giá đã khiến các ông bàng hoàng kinh khiếp; và nay Chúa Giêsu lại hiện ra sống động. Niềm hy vọng của các ông được bảo toàn và củng cố. Vì thế niềm vui các ông bao la. Dịp này nhắc nhớ chúng ta rằng Chúa Thánh Thần do Chúa Giêsu ban là Thánh Thần của vui mừng.
1) Phúc Âm mở đầu bằng một mầu nhiệm vui mừng Chúa Thánh Thần, từ khởi đầu cuộc sống nhân loại của Chúa Giêsu tạo ra hai lần bộc lộ niềm vui: Isave, chị họ Đức Maria, thốt lên tiếng vui mừng vì mẹ Đấng Cứu Thế đến thăm bà; Đức Maria hát lên nỗi vui sướng của mình trong kinh Magnificat. Sau đó không lâu, các thiên thần loan báo cho các mục đồng một Trẻ Thơ sinh ra, sẽ khiến cho toàn dân hân hoan… Thánh sử Gioan sau lại nói rằng cụ tổ Abraham đã nhảy mừng khi nghĩ đến ngày xuất hiện hoa quả của Thánh Thần. Cụ đã thấy và đã vui mừng (Ga 8, 5-6). Chúng ta có vui mừng niềm vui của kinh Magnificat, vì Chúa Thánh Thần do đức tin vào Đức Kitô nảy sinh trong chúng ta hay không? Ngược lại, chúng ta thử tưởng tượng nỗi buồn và u uất vô cùng, nếu chẳng may thiếu mất lòng tin vào Đức Kitô.
2) Chúa Giêsu nói với các môn đệ: Hãy lãnh nhận Thánh Thần. Làm như thế Ngài thực thi một lời hứa Ngài đã báo trước cho các môn đệ sẽ có một lúc các ông sẽ không còn thấy Ngài. Đó là thời thất vọng, khóc lóc và buồn sầu. Nhưng nỗi buồn sẽ mau biến thành niềm vui: Ta sẽ gặp lại các con, tâm hồn chúng con sẽ vui mừng, vì niềm vui các con lúc ấy không ai có thể lấy đi được (Ga 16,22). Có phải giới hạn ý nghĩa lời nói ấy của Chúa Giêsu vào giai đoạn gặp gỡ trong những lần hiện ra hay không? Không, Chúa nghĩ đến sự hiện diện liên tục của Ngài trong Giáo Hội nhờ tác động của Thánh Thần. Thời của Giáo Hội là thời của niềm vui mặc dù cũng là thời tiếp tục Thánh Giá. Chúng ta có vui mừng vì nghĩ rằng nhờ Chúa Thánh Thần mà Chúa Giêsu hiện diện trong đời sống chúng ta hay không?
3) Thánh Phaolô nói về niềm vui từ Chúa Thánh Thần đến (1Tx 1,6). Niềm vui ấy là niềm vui của cậy trông và bác ái. Có thể trong cuộc sống riêng của chúng ta và trong cuộc sống với người khác, chúng ta mắc ảo tưởng, ít nhiều chán nản, thoái chí. Chúng ta cần sống trong Thánh Thần bác ái. Biết rằng mình được yêu mến, chúng ta hãy vui mừng. Quả thực tình yêu Thiên Chúa không bao giờ thất vọng vì chúng ta. Về phía chúng ta, đừng bao giờ nản chí yêu thương anh em chúng ta. Niềm cậy trông hoà hợp với đức bác ái trong lòng chúng ta khởi đầu một con sông hân hoan do Chúa Thánh Thần khơi nguồn.
12. Chúa và nguồn sinh khí (Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Các nước và các dân tộc trên thế giới đang hướng về năm 2000, khởi đầu cho ngàn năm thứ ba. Các chương trình quốc tế hay quốc gia đều được hoạch định nhằm năm 2000 như là tiêu điểm.
Bước vào ngàn năm thứ ba, điều đó mang ý nghĩa hai ngàn năm đã qua từ lúc “thời gian đã mãn”, là lúc Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể làm người, là năm sinh của Chúa Giêsu Kitô. Lịch sử nhân loại được chia làm hai giai đoạn: Trước Chúa Giêsu Kitô giáng sinh và sau Chúa Giêsu Kitô giáng sinh. Nếu có nói về một công nguyên, thì sự tính toán vẫn quy về lúc Chúa Giêsu Kitô giáng sinh.
Để chuẩn bị cho Năm Toàn Xá, Năm Thánh vào năm 2000, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã công bố Tông thư “Tiến đến Ngàn Năm Thứ Ba” vào ngày 10.11.1994. Đức Giáo Hoàng đệ nghị ba năm cuối của thế kỷ này được hiến dâng cho từng Ngôi trong Ba Ngôi Thiên Chúa: Năm 1997 hiến dâng cho Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa làm người; năm 1998 cho Chúa Thánh Thần, và năm 1999 cho Thiên Chúa Cha. Đức Thánh Cha còn muốn cho các tín hữu học hỏi thông điệp về Chúa Thánh Thần trong sinh hoạt của Giáo Hội và thế giới. Thông điệp mang tựa đề: “Chúa và Nguồn Sinh Khí” trong những năm chuẩn bị mừng Năm Thánh 2000. Bởi vì, Đức Thánh Cha đã nói: “Giáo Hội không thể chuẩn bị Ngàn Năm mới bằng cách nào khác hơn là ở trong Chúa Thánh Thần”.
Thưa anh chị em,
Là “Chúa và là Nguồn Sinh khí”, Chúa Thánh Thần đã hiện diện và đã đóng một vai trò tích cực ngay từ khởi thuỷ lịch sử sáng tạo và cứu độ. Ngay đối với Chúa Giêsu trong cuộc sống ẩn dật và công khai, Chúa Thánh Thần luôn tác động trên Ngài, nhất là trong những biến cố quan trọng, như khi lãnh Phép Rửa ở sông Giođan, như khi vào sa mạc chịu ma quỉ cám dỗ , như khi cất bước rao giảng Tin Mừng khắp các làng mạc ở Palestin. Nhưng chỉ sau khi Chúa Giêsu hoàn tất sứ mạng bằng cái chết và sống lại từ cõi chết, Ngài mới có thể ban Thánh Thần. Tin Mừng hôm nay cho thấy vào buổi chiều sau khi sống lại, Chúa Giêsu hiện đến, thổi hơi trên các môn đệ và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”. Cử chỉ thổi hơi trên các môn đệ gợi lại hành động Thiên Chúa lúc bắt đầu tạo dựng con người. Thiên Chúa đã thổi vào Ađam hơi thở của sự sống và con người nên sống động (St 2,7). Cũng có thể, khi Chúa Giêsu thổi Thánh Thần trên các môn đệ, các ông nhận được sự sống mới. Thánh Thần là “Chúa và là Đấng ban sự sống” như chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính.
Sách Công vụ Tông đồ còn cho thấy Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các tông đồ như gió thổi, như lưỡi lửa, vào chính ngày lễ Ngũ Tuần của người Do Thái, được mừng 50 ngày sau lễ Vượt Qua, để tưởng nhớ Giao Ước giữa Thiên Chúa và dân Israel tại núi Sinai. Dịp lễ này đã quy tụ đông đảo người Do Thái từ các nước khác nhau trở về Giêrusalem. Chính trong bối cảnh của ngày lễ trọng đại này mà hoạt động đầu tiên của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội được biểu lộ. Hoạt động đã được biểu lộ qua các Tông đồ “nói tiếng khác nhau” và “mọi người thuộc các ngôn ngữ khác nhau đều hiểu được lời rao giảng của các Tông đồ”. Ở đây, ân sủng của Chúa Thánh Thần đã tái lập sự thống nhất ngôn ngữ đã bị chia rẽ, phân tán tại Tháp Babel khi xưa và đồng thời nói lên tính cách phổ quát đại đồng của ơn cứu độ do Chúa Giêsu đem đến và do Chúa Thánh Thần thực hiện.
Trong thư gửi tín hữu Côrintô, Thánh Phaolô đã nhấn mạnh đến vai trò hiệp nhất của Chúa Thánh Thần: “Trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thể, cho dù là Do Thái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do, tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thánh Thần duy nhất”. Nếu chỉ có Thánh Thần mới làm cho những kẻ tin nói được: “Đức Giêsu là Chúa”, thì cũng chỉ có Thánh Thần mới làm cho những con người khác nhau hợp nhất với nhau mà vẫn tôn trọng sự khác biệt của nhau. Vì vậy, Thánh Phaolô đã kêu gọi chúng ta “hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hòa thuận, một lòng một ý với nhau”. Bởi vì, giữa những người cùng thờ một Chúa, cùng tuyên xưng một niềm tin, cùng lãnh nhận một bí tích, cùng hy vọng một tương lai Nước Trời, mà lại chia rẽ nhau, là điều không thể hiểu nổi, là gương xấu không thể tha thứ được. Chính vì thế mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đặt năm 2000 là tiêu điểm để hoạt động cho các Kitô hữu của các Giáo Hội anh em được hiệp nhất như ý Chúa muốn.
Anh chị em thân mến,
Đời sống Kitô hữu là một đời sống theo Thánh Thần, như thánh Phaolô đã nói: “Ai sống theo xác thịt thì hướng về những điều thuộc về xác thịt, còn ai sống theo Thánh Thần thì hướng về những điều thuộc Thánh Thần. Nhưng hướng theo xác thịt là chết, còn hướng theo Thánh Thần là sống và bình an” (Rm 8,5-6). Muốn sống theo Thánh Thần, chúng ta phải nhìn ngắm Chúa Giêsu trong Tin Mừng, ước muốn nên giống Ngài, để có thể đi vào trong tình hiếu thảo của Chúa Giêsu, trong cầu nguyện, trong nghèo khó, tuân phục, trong khiêm tốn, phục vụ, trong tình huynh đệ, xả kỷ của Chúa Giêsu đối với mọi người. Hãy sống theo Thánh Thần, như vậy anh em sẽ không theo những khuynh hướng ích kỷ của xác thịt. Và đây là hiệu quả của Thánh Thần, đó là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nại, nhân từ, lương thiện, trung tín, hiền hòa, tiết độ. Nếu chúng ta sống nhờ Thánh Thần, thì hãy để Thánh Thần hướng dẫn đời ta”. (Gl 5,16.22-25).
Tất cả những gì giúp thăng tiến đời sống con người, tạo điều kiện cho mối tương quan huynh đệ giữa người với người, những gì tạo nên sự hiệp thông vô biên giới phải là những tiêu chuẩn cho hành động của chúng ta. Bởi vì những gì giới hạn hoặc chia rẽ, đều nghịch với Thánh Thần của Đức Kitô. Thánh Thần luôn chăm lo hiệp nhất Thân Thể Đức Kitô, duy trì sự hiệp thông và quy tụ mọi người hiệp nhất với Ngài.
13. Chân lý đòi hỏi rất nhiều - Achille Degeest (Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)
Chúa phán bảo các môn đệ: Hãy chịu lấy Thánh Thần. Chúng ta lưu ý mấy nét đặc biệt về Chúa Thánh Thần, nhất là cung cách thánh Gioan nói đến Chúa Ngôi Ba.
1) Người là Thần Khí sự thật
Ta sẽ xin Cha và Cha sẽ ban cho các ngươi một Đấng Bầu Chữa khác để Người ở với các ngươi luôn mãi, là Thần Khí sự thật, thế gian không thể lĩnh nhận vì không thấy cũng không biết Người, còn các ngươi biết Người vì Người lưu lại với các ngươi và ở trong các ngươi (Ga 14,16-17). Đấng Bàu Chữa mà từ nơi Cha, Ta sẽ sai đến với các ngươi, Thần Khí sự thật từ Cha mà ra, chính Người sẽ làm chứng về Ta. Chúng ta nhớ lại, Đức Giêsu tuyên bố chính Người là Sự Thật. Tác động Chúa Thánh Thần là dẫn đưa chúng ta đến hiệp nhất với Đức Kitô. Ngôi Ba Thiên Chúa tác động trong chúng ta cách thích hợp, khiến chúng ta cảm ứng đối với Đức Kitô, với ngôi vị của người, với giáo huấn của Người. Bất cứ học thuyết, chủ thuyết, tư tưởng nào từ ngoài đến, nếu không phù hợp với sự cảm hoá tâm hồn đối với Đức Giêsu Kitô, chúng ta phải đặt nghi vấn. Chúa Thánh Thần làm chứng cho Đức Kitô trong chúng ta. Chúng ta phải làm chứng về Đức Kitô trong môi trường sinh hoạt của mình. Nếu chúng ta thật sự biết nghe lời Thần Khí sự thật, lời chứng của chúng ta sẽ phát xuất từ nguồn mạch thông thái thiêng liêng duy nhất của chúng ta là Đức Kitô. Sau này thánh Phaolô sẽ nói: Tôi chỉ muốn nơi anh em về Đức Kitô mà thôi. Có lẽ chúng ta nên cầu xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta bảo tồn ý nghĩa chân truyền của Phúc Âm, đặc biệt trong thời buổi có nhan nhản những sự mập mờ đáng nghi trong việc sử dụng Phúc Âm.
2) Người là Thần Khí thánh thiện
Sự thánh thiện của người Kitô hữu không có nghĩa là làm được những điều phi thường, mà phải khởi sự từ đức tin. Trong đức tin, người Kitô hữu cố gắng cách ngay thẳng nhất ở trong tình bằng hữu với Thiên Chúa. Muốn được thế, phải từ trong thâm tâm thiết tha gắn bó với sự thật – không chỉ có đức tính tri thức là thành thật ngay thẳng, đó là điều tối thiểu phải có, mà phải đón nhận cách mật thiết tác động của Chúa Thánh Thần. Như chúng ta biết, bất cứ sự thật nào cũng đòi hỏi phải tích cực, Thần Khí sự thật đòi hỏi rất nhiều nơi người Kitô hữu. Philatô bỏ chạy khi nghe Chúa đáp: Kẻ nào thuộc về sự thật thì nghe sự thật. Người ta có thể trốn tránh sự thật vì lẽ sự thật đòi hỏi rất nhiều. Trái lại, tâm trí kẻ nghe Lời Chúa Thánh Thần giống một bầu trời gió thổi càng mạnh càng vén sạch mây mù, nền trời càng trở nên quang sáng. Ở đây là một sự vâng lời thực tiễn, là thái độ không một giây phút chậm trễ sống những điều trí khôn hiểu được về chân lý. Thái độ ấy mệnh danh là cư xử theo chân lý, là “đi trong sự thật”. Thánh Gioan nhắn nhủ các tín hữu: tôi vui mừng quá đỗi vì đã gặp trong hàng con cái Bà có những kẻ đi trong sự thật (thư thứ 2,4). Được như vậy, trong con người Kitô hữu, lời nguyện của Đức Giêsu sẽ thực hiện: Xin Cha hãy thánh hoá chúng trong sự thật… (Ga 17,17).
14. Thần Khí đổi mới (Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Tại một giáo xứ ở miền Sicilia, thuộc miền Nam nước Ý, có một tập tục khá ngộ nghĩnh và lý thú. Mỗi năm vào dịp lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, sau bài Tin Mừng, cha xứ ra lệnh thả ra trong nhà thờ một con chim bồ câu tượng trưng cho Chúa Thánh Thần. Khi con chim câu nầy đậu xuống trên vai hay đầu ai thì người ấy không được tránh né hoặc đuổi đi, nhưng phải quyết tâm thực hiện một công tác cụ thể, to hoặc nhỏ tùy theo khả năng của mình, để chứng tỏ rằng mình làm công việc ấy là do sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần.
Lịch sử giáo xứ ấy có ghi lại một số sự kiện điển hình như sau:
- Một lần chim câu đã đậu xuống trên vai ông hiệu trưởng. Kết quả là ông đã quyết tâm thực hiện một cuốn sách giáo khoa rất có giá trị.
- Lần khác, chim câu đáp xuống trên đầu một công tước vùng ấy, khiến ông ta phải ra tay nghĩa hiệp, bỏ tiền xây một hệ thống dẫn nước được đặt tên là “hệ thống dẫn nước Chúa Thánh Thần”.
- Có một linh mục trẻ được chỉ định đến thay thế cho cha xứ già đã đến tuổi hưu. Dù không tán thành nhưng cũng chưa dứt khoát bỏ đi tập tục đã thành truyền thống kia. Vào dịp lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống đầu tiên của ngài ở xứ mới, vị linh mục trẻ vẫn cho giữ thông lệ thả chim câu, nhưng ra lệnh mở hết tất cả các cửa chính và cửa sổ với hy vọng là chú chim câu sẽ bay ra ngoài để tung cánh trong bầu trời cao rộng. Trớ trêu thay, sau khi bay lượn vài vòng từ đầu này đến đầu kia của nhà thờ, chim câu đã đáp xuống vai phải của cha xứ mới trong tiếng vỗ tay vang dội của giáo dân. Phải hứa làm gì cụ thể bây giờ đây? Cha xứ mới chỉ tuyên bố là ngài sẽ đầu tư mọi khả năng và thời giờ để phục vụ tốt cộng đoàn giáo xứ. Và ngài đã giữ lời hứa.
Thưa anh chị em,
Với mỗi người chúng ta hôm nay, Chúa Thánh Thần vẫn là Đấng thiêng liêng. Chúng ta không thể giới hạn cách thức tỏ hiện của Ngài trong hình thức của trận cuồng phong, lưỡi lửa, của chim bồ câu hay bất cứ một hình thức nào khác. Quả thực, Ngài không ngừng hiện diện và tác động nơi chúng ta cách tự do và rộng khắp. Ơn của Ngài nhằm thôi thúc chúng ta phải làm gì cụ thể trong việc đổi mới đời sống con cái đối với Thiên Chúa, góp phần phục vụ tha nhân, phục vụ cộng đoàn.
Bài sách Công vụ Tông đồ hôm nay kể lại cho chúng ta những sự lạ đã xảy ra bên trong và bên ngoài ngôi nhà nơi các môn đệ đang hội họp, có Đức Maria ở giữa. Bên trong có tiếng gió mạnh thổi đến, lùa vào nhà. Có những lưỡi lửa xuất hiện trên mỗi người. Họ tràn đầy Thánh Thần. Bên ngoài dân chúng bỡ ngỡ kéo đến bao vây. Sự gì đã xảy ra? Phêrô, con người nhát đảm ấy, hôm nay mở tung cửa và bước ra, theo sau là các môn môn đệ khác. Họ lâng lâng như người say rượu, khiến dân chúng bàn tán, nhưng họ không say rượu mà say Chúa! Vì hôm nay, ứng nghiệm lời tiên tri Gioel đã tiên báo: “Ta sẽ đổ Thánh Thần xuống và chúng sẽ nói tiên tri”. Phêrô giảng bài đầu tiên làm cho 3.000 người trở lại. Các Tông đồ khác cũng bắt đầu sứ mạng rao giảng, với đặc ân Thánh Thần ban cho là nói được tiếng bản xứ của mỗi thính giả từ các nơi đổ về.
Giáo Hội sinh từ ngày Thánh Thần hiện xuống. Ngày nay Giáo Hội đã có một trang sử dài gần 20 thế kỷ. Giáo Hội cũng cần một luống gió mạnh thổi đến, lùa vào hầu có thể đổi mới mọi sự. Xưa Phêrô đã mở tung cửa đón nhận Thần Khí Thiên Chúa thì ngày nay các vị đại diện Phêrô cũng đã khai mở Công Đồng “như một lễ Hiện Xuống mới”, đem lại cho Giáo Hội một bộ mặt mới, một luồng gió mới.
Mỗi lễ Hiện Xuống là một ngày khai sinh mới của Giáo Hội, Thánh Thần là ai? – Thánh Phaolô, trong bài đọc II đã giải thích gồm tóm trong ý tưởng rằng, Thánh Thần là linh hồn của Giáo Hội. Thánh Thần ban cho mọi tín hữu nhận lãnh Phép Rửa một niềm tin duy nhất, là “Chúa Giêsu là Thiên Chúa đã sống lại”. Chúng ta phải tin, phải sống và phải loan báo. Tuy rằng đưcq tin là một, nhưng Thánh Thần sẽ ban cho mỗi người, mỗi thời đại, những đặc sủng riêng tư, thích hợp cho từng dịch vụ, từng sinh hoạt, từng nơi chốn. Thánh Thần như linh hồn của Giáo Hội, hằng huy động, hướng dẫn, thống nhất để xây dựng Giáo Hội.
Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII là một điển hình. Khi mới được bầu làm Giáo Hoàng, Ngài là một cụ già đã 77 tuổi, cục mịch như một cha xứ nhà quê, ai cũng cho là “một Giáo Hoàng giao thời”. Nhưng ai ngờ con người ấy, trong triều đại chỉ 5 năm, trở thành dụng cụ của Chúa Thánh Thần để đổi mới, để thực hiện chính sách mà Ngài gọi là “ cập nhật hóa” (aggiomento), mở cửa để Giáo Hội bắt gặp đà tiến triển của thời đại văn minh. Ngày nay, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong Tông thư “Tiến tới Thiên niên kỷ thứ ba” chuẩn bị cho toàn thể Giáo Hội mừng Đại Năm Thánh 2000 đã kêu gọi “trân trong đặc biệt tất caw những gì Chúa Thánh Thần đã nói với Giáo Hội và với Giáo Hội (Kh 2,7) cũng như những gì Thánh Thần nói với các cá nhân qua các đoàn sủng phục vụ cộng đoàn”. Đức Thánh Cha nói tiếp: “Tôi muốn nhấn mạnh những gì mà Chúa Thánh Thần gợi ý cho các cộng đoàn khác nhau, từ những cộng đoàn nhỏ nhất- như gia đình, đến những cộng đoàn lớn hơn – như các quốc gia, các tổ chức quốc tế, kể cả những nền văn hóa, văn minh và những truyền thống lành mạnh” (TMA. Số 23).
Nhiều người tín hữu ngày nay vẫn còn có thái độ như nhóm nhỏ Tông đồ ngày xưa. Họ sợ sệt, cửa đóng then cái, e rằng Thầy ra đi là đi mãi, tương lai mù mịt. Nhưng Thánh Gioan cho biết, ngay chiều Phục sinh, Chúa Giêsu đã hiện đến trấn an các ông: “Bình an cho các con”. Rồi Ngài thổi hơi trên các ông: “các con hãy nhận lấy Thánh Thần”. Ai lại không liên tưởng đến “ làn hơi Thiên Chúa” thổi đến trên mặt nước “trong ngày khai thiên lập địa” (St 1,2) đến làn sinh khí mà Thiên Chúa thổi vào con người trong ngày tạo dựng Ađam (St 2,7). Ngày nay, làn hơi ấy chính là Chúa Thánh Thần, là làn hơi ban sự sống (Ga 3, 5-6) và là sức mạnh tầy xóa mọi tội lỗi: “các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha, các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại” (Ga 20,23). Qua làn hơi thở của Chúa, qua sức mạnh của Chúa Thánh Thần, các Tông đồ cũng như chúng ta ngày nay phải trở nên những chứng nhân của Chúa cho đến tận cùng trái đất.
Anh chị em thân mến,
Ngày lễ Chúa Thánh Thần ngày khai sinh của Giáo Hội, là ngày nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội mở rộng vòng tay ôm cả thê1 giới. Chúa Thánh Thần thôi thúc bên trong để chúng ta hành động cụ thể, tỏ lộ ơn Ngài ra bên ngoài và chúng ta sẽ chỉ có thể vững tin rằng mình đang sống dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần, khi mọi nỗ lực của chúng ta luôn theo sát với giáo huấn của Chúa Kitô và đều hướng đến việc kiến tạo tình yêu thương cảm thông nhau hơn. Chớ chi từ nay, chúng ta luôn biết mở mắt tâm hồn của mình để nhận diện ra bao cuộc hiện xuống của Chúa Thánh Thần trong đời mình và mở rộng tâm hồn sống theo ơn Ngài thôi thúc, hầu cuộc sống của chúng ta có thể đổi mới không ngừng trong tình yêu thương xây dựng.
15. Hơi thở của Thiên Chúa (Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Trong kho tàng văn chương Ấn giáo có ghi lại câu chuyện như sau: Có một đệ tử đến thưa với vị linh đạo của mình: “Thưa thầy, con muốn gặp Chúa”. Vị linh đạo chỉ đáp trả bằng một cái mỉm cười thinh lặng.
Ngày hôm sau, người môn sinh trở lại và bày tỏ cũng một ước muốn. Vị linh đạo vẫn mỉm cười tiếp tục giữ sự im lặng cố hữu của ông. Một ngày đẹp trời nọ, ông đưa người thanh niên đến một dòng sông. Thầy trò cùng trầm mình xuống nước. Chờ cho người đệ tử cảm thấy hoàn toàn thoải mái trong dòng nước mát, bất thần vị linh đạo túm lấy anh và dìm xuống nước hồi lâu. Người thanh niên cố gắng vùng vẫy đế trồi lên mặt nước. Lúc bấy giờ vị linh đạo mới hỏi anh: “Khi bị dìm xuống nước như thế, con cảm thấy cần điều gì nhất?”. Không một chút suy nghĩ, người đệ tử đáp: “Thưa thầy, con cần có không khí để thở””.
Lúc bấy giờ vị linh đạo mới dẫn giải: “Con cảm thấy cần gặp Chúa như con cần khí thở không? Nếu con cảm thấy cần như thế, con sẽ gặp được Ngài tức khắc. Ngược lại, nếu con không hề cảm thấy cần như thế thì cho dù con có vận dụng tất cả tài trí và cố gắng, con cũng sẽ không bao giờ gặp được Ngài”.
Anh chị em thân mến,
Sự sống của chúng ta là do Thiên Chúa ban tặng. Chính nhờ tham dự vào sự sống của Ngài mà chúng ta được sống. Bao lâu còn hơi thở là còn sống. Tắt thở là chết. Trong buổi đầu công trình tạo dựng. Thiên Chúa đã thổi hơi vào Ađam, con người đầu tiên, để Ađam có sự sống, để Ađam trở nên bạn hữu của Thiên Chúa. Chúa Giêsu Phục Sinh cũng đã lặp lại hành động ấy khi Ngài xuất hiện giữa các môn đệ và thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22). Nhận lấy Thánh Thần là nhận lấy sự sống của Thiên Chúa, là nhận lấy tinh thần của Thiên Chúa. vì Thánh Thần là Thần Khí, là Hơi Thở của Thiên Chúa.
Ađam đã nhận được hơi thở của Thiên Chúa để sống vai trò nguyên tổ của loài người. Các môn đệ cộng đoàn Phục Sinh đã nhận được hơi thở của Thiên Chúa để làm chứng về Chúa Giêsu Kitô. Mỗi người chúng ta, cũng đã nhận được hơi thở của Thiên Chúa khi chúng ta được dìm trong Nước Thánh Tẩy và được xức dầu trong bí tích Thêm Sức. Hơi thở, sức sống, tinh thần của Thiên Chúa được “hà hơi” vào trong ta. Vấn đề là chúng ta có biết sống bằng hơi thở Thần Linh ấy không. Thánh Phaolô khi nói về các ơn sủng Thiên Chúa ban cho mọi chi thể thuộc thân thể Đức Kitô đã đề cao Đức Ái như một đặc ân của Thánh Thần.
“Đức Ái thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức Ái tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13,4-7).
Sống đức Ái, sống yêu thương là sống bằng hơi thở của Thiên Chúa, là kết hợp với Thiên Chúa Tình Yêu, là sống trong Thánh Thần. Chỉ có yêu thương mới làm cho con người sống và phát triển thực sự. Chỉ có yêu thương mới làm cho con người thay đổi, canh tân, hoán cải. Ai yêu thương nhiều là người ấy thay đổi nhiều, vì tình yêu sẽ dẫn đưa chúng ta đến chốn vô cùng, vô tận của cuộc sống. Ai yêu thương nhiều và yêu thương thực tình sẽ không còn là mình nữa, mà là dụng cụ của Tình Yêu Thiên Chúa, sẽ nên giống như Thiên Chúa.
Thưa anh chị em,
Một cộng đoàn thiếu yêu thương thì không bao giờ có hợp nhất, không bao giờ có sức thuyết phục được những người chung quanh. Vì chỉ có yêu thương mới san bằng được những khoảng cách, mới lấp đầy những cách biệt, mới giúp bổ túc cho nhau giữa những cái chênh lệch, khác biệt nhau. Các tín hữu tiên khởi đã bán hết của cải ruộng đất để làm của chung, để sống giới răn yêu thương của Thầy. Đó phải là hình ảnh gợi ý cho những sáng kiến yêu thương của chúng ta. Chỉ khi nào mỗi thành viên của Hội Thánh đem hết tài năng, đặc sủng của mình đã nhận lãnh làm thành của chung của cộng đoàn, thì lúc ấy mới có sự hợp nhất thực sự của một thân thể nhiều chi thể là Hội Thánh Chúa Kitô.
Nhưng chúng ta chỉ biết sống yêu thương nếu như chúng ta biết đặt mình dưới sức tác động của Thánh Thần: Chẳng những Ngài là Đấng An Ủi, soi sáng mà Ngài còn là Đấng Thanh Tẩy chốn nhơ bẩn, tưới gội chỗ khô khan, chữa lành thương tích, uốn nắn điều cứng cỏi, sưởi ấm chỗ lạnh lùng… (Ca tiếp liên). Chỉ có Thánh Thần mới làm cho các tổ chức của con người có sức sống, có tinh thần Tin Mừng… Đổi mới tư duy, đổi mới đời sống, đổi mới cơ chế xã hội đều cần đến sức mạnh và ân sủng của Thánh Thần Thiên Chúa, vì Ngài là hơi thở của Thiên Chúa, hơi thở không ngừng làm sống mọi tạo vật.
Anh chị em thân mến,
Hãy mở rộng tâm hồn đón nhận những luồng gió mới mà Thánh Thần Chúa đang thổi trong lòng các dân tộc, trong lòng con người trước ngưỡng cửa Thiên Niên Kỷ Thứ Ba. Chớ gì Thánh Thần Thiên Chúa cũng thổi vào lòng chúng ta, vào cộng đoàn chúng ta một luồng gió đổi mới cũng mạnh liệt như thời các Tông đồ, để Hội Thánh luôn tươi trẻ và tràn đầy sức sống.
Xin hãy đến, lạy Chúa Thánh Thần và xin canh tân bộ mặt trái đất của chúng con.
16. Vai trò của Thần Khí – McCarthy
Suy Niệm 1. ƠN CỦA THẦN KHÍ
Chúng ta muốn bám chặt vào một người mà chúng ta yêu mến và phụ thuộc. Chúng ta không thể chịu nổi ý tưởng người ấy rời bỏ chúng ta. Khi Đức Giêsu nói với các Tông đồ rằng Người sắp rời bỏ họ, họ rơi vào sự u sầu. Nhưng Người nói với họ: “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em”.
Các Tông đồ khó mà hiểu được bằng cách nào Đức Giêsu ra đi thì có lợi cho họ. Những minh hoạ sau đây sẽ chiếu soi một số ánh sáng trên đề tài ấy.
Bạn hãy tưởng tượng bạn đang ngắm mặt trời lặn xuống. Và khi nó lặn, có vẻ như nó đem cả thế giới này theo nó. Đồng thời, mặt trăng lên cao trong bầu trời. Nhưng mặt trăng mờ nhạt đến nỗi bạn phải nhìn kỹ mới thấy. Dường như mặt trăng không đóng góp điều gì cho trái đất. Rồi bạn nhận thấy một điều đẹp đẽ và kỳ lạ. Mặt trời càng xuống thấp trong bầu trời, mặt trăng càng trở nên sáng hơn. Sau cùng, mặt trời rồi cũng biến mất khỏi quang cảnh, mặt trăng được biến đổi hoàn toàn. Và giờ đây, mặt trăng đương nhiên là vật sáng nhất trong bầu trời. Và khi bạn nhìn chung quanh, bạn ngạc nhiên và thích thú nhận thấy rằng thế giới cũ kỹ này không những đã được phục hồi hoàn toàn đối với bạn, nhưng còn được làm cho mới mẻ, sáng tươi và quyến rũ. Chỉ khi mặt trời rút lui, bạn mới có thể thấy sự đóng góp của mặt trăng.
Yêu thương đôi khi lúc có nghĩa phải sống xa cách người mình yêu. Điều này có nghĩa là người ta được tự do phát triển theo đường lối của riêng mình. Người được yêu thương cảm thấy mình đã góp phần xây dựng nên tình cảm đó và được tự do tiếp nhận từ một người khác. Tuy nhiên, chúng ta thường bám chặt ánh đèn sân khấu. Chúng ta muốn lúc nào cũng có mặt ở đó. Chúng ta không biết nên rút lui khi nào hoặc bằng cách nào. Vì thế, bằng một thái độ vô tâm và vị kỷ, chúng ta làm chủ những người khác. Chúng ta bóp nghẹt sự phát triển của họ. Chúng ta đặt họ vào vị trí phụ thuộc, và kết quả là họ ở mãi trong tình trạng kém phát triển.
Điều này đem lại cho chúng ta một sự hiểu biết sâu sắc điều Đức Giêsu muốn nói khi Người cho rằng Người ra đi thì có lợi cho các Tông đồ, nếu không có Thần Khí sẽ không đến. Nếu Người cứ duy trì sự hiện diện thể chất với họ thì chính họ sẽ không bao giờ trưởng thành nổi. “Tôi không có gì cho người khác; nhưng tôi có bổn phận hướng người ấy về với chính cuộc đời người ấy và chấp nhận người ấy là chính người ấy” (Michel Quoist).
Không bao giờ có người nào tỏ ra tín nhiệm và tôn trọng con người như Đức Giêsu. Người đã không thống trị họ. Người đã cho họ một cơ hội để toả sáng. Người chuyển giao toàn bộ công trình của Người cho họ. Người biết rằng họ vẫn cần được giúp đỡ. Đó là lý do Người sai Thần Khí đến với họ. Điều mà Thần Khí đã làm là biểu lộ ra bên ngoài những sự việc đã có bên trong họ. Tình yêu của Thần Khí đánh thức những năng lực có bên trong họ mà họ không biết đã có đó, vì thế họ có thể làm được những việc mà họ không nghĩ rằng họ có khả năng làm. Sau ngày Hiện Xuống, tâm hồn họ như lửa đốt và có gió thổi mạnh vào sau lưng.
Chúng ta cũng cần có Chúa Thánh Thần. Chúng ta cần Người giúp đỡ chúng ta thực hiện quyền bính và những ơn đã có trong chúng ta. Chúng ta cần Người khai thác quyền bính ấy và phát huy những ơn Người ban ngõ hầu chúng ta cũng có thể trở thành nhân chứng không sợ hãi cho Đức Kitô.
Suy Niệm 2. PHÉP LẠ CỦA SỰ ĐỔI THAY
Trước khi Chúa Thánh Thần đến, các Tông đồ gần như sống trốn tránh trong một phòng trên lầu. Đức Giêsu đã giao phó cho họ một nhiệm vụ cao cả. Tuy nhiên họ đã không có cả sức mạnh lẫn ý chí để bắt tay vào việc. Nhưng sau khi Chúa Thánh Thần hiện xuống, họ là những người đã thay đổi.
Vậy Chúa Thánh Thần đã làm gì cho họ và phép lạ làm thay đổi chính xác như thế nào? Mặc dù chúng ta không biết một tí gì về điều đó. Chúng ta phải nhận thức rằng các Tông đồ là những người bị tổn thương. Họ bị tổn thương bởi nghi ngờ và đau buồn, bởi sợ hãi và thất bại, và trên tất cả bởi ý thức về sự bất toàn.
Jean Vanier là một người biết rất nhiều về điều gì giúp đỡ những người bị tổn thương thay đổi. Ông đã thiết lập những cộng đoàn nhỏ khắp thế giới cho những người thiểu năng (tâm thần). Khi người thiểu năng bị nhốt trong những cơ chế, người ta đã gây ra cho tâm trí họ sự thiệt hại khủng khiếp. Một thân thể bị tổn thương sẽ lành lại một cách tự nhiên, nhưng một tâm hồn bị tổn thương thì không như thế. Một tâm hồn tổn thương sẽ chai cứng; chỉ để sống còn và vì thế đầy ắp sự tức giận và cay đắng. Nhưng khi người thiểu năng được đưa ra khỏi những cơ chế ở đó họ cảm thấy chán ghét, và được đặt vào những cộng đoàn ở đó họ được yêu thương. Vanier đã nhiều lần chứng kiến phép lạ làm họ thay đổi.
Điều này giúp chúng ta hiểu được điều gì xảy ra cho các Tông đồ. Khi nói rằng các Tông đồ bị tổn thương, người ta không có ý nói họ bị tổn thương ở mức độ như những người thiểu năng. Nhưng dù sao họ cũng bị tổn thương. Tuy nhiên sau khi Chúa Thánh Thần đến, họ là những con người đã thay đổi. Họ rời bỏ nơi họ trốn tránh và bắt đầu rao giảng Tin Mừng.
Chúng ta không nên nghĩ rằng sự thay đổi chỉ thực hiện trong trong một lúc. Nó phải là một việc có cấp bậc và một quá trình phát triển. Sự phát triển có thể chậm chạp đau đớn. Chúng ta không dễ dàng gạt bỏ những tập quán và thái độ cũ. Con người thay đổi khi có người mang lại cho họ niềm hy vọng; khi có người tin tưởng họ và cho họ một nhiệm vụ để hoàn thành. Nhất là, họ thay đổi khi họ được yêu thương. Họ bước ra khỏi vỏ ốc của mình và những năng lực giấu kín của họ được giải phóng từ bên trong họ. Phép lạ làm con người thay đổi là một phép lạ chân thật.
Mọi người chúng ta đều có khả năng làm điều tốt. Chúng ta có tay để có thể chăm sóc, có mắt để có thể nhìn, có tai để có thể nghe, có lưỡi để có thể nói, có chân để có thể đi và trên hết có một tấm lòng để có thể yêu thương. Nhưng mỗi người chúng ta đều có một khuyết tật kềm hãm không cho chúng ta giải phóng bản thân chân thật và tràn đầy. Chúng ta cần có một ai đó đánh thức những gì ở bên trong chúng ta. Một ai đó kêu gọi chúng ra sống và giúp đỡ chúng ta trưởng thành. Đối với chúng ta, những môn đệ của Đức Kitô, một ai đó chính là Chúa Thánh Thần. Quyền lực đã biến đổi các Tông đồ, quyền lực hiền hoà của Chúa Thánh Thần cũng có giá trị và hiệu lực đối với chúng ta. Thần Khí ấy đánh thức những năng lực trong chúng ta, kêu gọi chúng ta sống, giúp đỡ chúng ta trưởng thành. Nhà thơ Pablo Neruda đã nói: “Tôi muốn làm cho bạn điều mà mùa xuân làm cho cây anh đào”. Đó là điều mà Thần Khí đang thực hiện.
17. Tác động của Chúa Thánh Thần
Chúa Thánh Thần làm gì cho chúng ta? Đó là vấn đề chúng ta cùng nhau tìm hiểu và chia sẻ trong một vài phút ngắn ngủi này.
Đọc lại Phúc âm, chúng ta thấy các môn đệ, mặc dù đã bước theo Chúa, mặc dù đã được lắng nghe những lời khôn ngoan Chúa dạy, mặc dù đã được nhìn thấy những việc lạ lùng Chúa làm, thế nhưng các ông cũng chẳng lĩnh hội được bao nhiêu và đức tin cũng chưa bén thể rễ sâu trong cõi lòng các ông.
Sở dĩ như vậy vì đầu óc các ông còn u mê dốt nát và mang nặng tinh thần thế gian. Thực vậy, cũng như phần đông những người Do Thái khác, các ông đang trông chờ, mong đợi một đấng cứu thế trong lãnh vực chính trị và xã hội. Đấng ấy phải hùng mạnh như Đavít với kỵ binh và cbiến mã rợp trời. Đấng ấy phải khôn ngoan như Salômon, khiến cho muôn dân nước phải nể phục. Đấng ấy sẽ đến để giải thoát họ khỏi ách nô lệ của đế quốc La Mã, dẫn đưa dân tộc họ bước vào một thời đại hoàng kim.
Và lúc bấy giờ các ông sẽ được làm lớn và giữ những chức vụ quan trọng trong vương quốc của Ngài, cùng với một cuộc sống nhiều đặc ân và bổng lộc, giàu sang và quyền thế, theo kiểu “vinh thân phì gia”. Chính vì thế, các ông thường tranh cãi xem ai là người cao trọng nhất, đồng thời các ông không thể nào chấp nhận được những khổ đau và cái chết tủi nhục trên thập giá mà Chúa Giêsu đã tiên báo.
Thế nhưng, sau khi Chúa Thánh Thần hiện xuống, các ông đã đổi đời, đã thoát xác, đã trở nên những con người mới, am hiều và thông suốt về giáo lý của Chúa Giêsu, nhất là về màu nhiệm thập giá, để rồi hôm nay, ngày lễ Ngũ tuần, Phêrô thay mặt cho nhóm mười hai đã lên tiếng rao giảng về chính những điều trước đây ông đã không hiểu cũng như không muốn hiểu.
Ngoài ra, Chúa Thánh Thần còn làm gì nữa?
Nhìn vào các tông đồ, chúng ta thấy các ông không phải chỉ là những kẻ u mê và dốt nát, mà còn là nhưng kẻ hèn nhát và sợ sệt. Phúc âm đã ghi lại như sau: Khi thấy sóng gió nổi lên, các ông đã hoảng sợ đến cuống cuồng, khiến Chúa Giêsu phải lên tiếng trách:
- Hời những kẻ hèn tin, tạo sao các con sợ hãi.
Sự sợ hãi này còn được biểu lộ một cách rõ rệt hơn nữa trong cuộc thương khó. Giuđa đã bán Chúa với giá ba mươi đồng bạc, giá bán một tên nô lệ, và chỉ bằng một phần mười giá bán một chai thuốc thơm, Mađalêna đã dùng để xức vào chân Chúa Giêsu. Phêrô đã chối Chúa ba lần trong sân nhà thầy cả thượng phẩm chỉ vì một câu hỏi vu vơ. Còn các môn đệ khác đều đã bỏ Chúa mà chạy trốn, ngoại trừ Gioan là đã theo Chúa đến cùng và đã có mặt dưới chân cây thập giá. Ngay cả sau khi Chúa đã sống lại, các ông tụ họp với nhau trong phòng, mà cửa thì đóng kín vì sợ người Do Thái.
Thế nhưng, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, các ông đã hoàn toàn đổi mới: từ những kẻ hèn nhất và sợ sệt, các ông đã trờ nên những con người can đảm và hăng say rao giảng Tin mừng. Hơn thế nữa, các ông còn sẵn sàng chấp nhận cái chết, cũng như đổ ra cho đến giọt máu cuối cùng để làm chứng cho tình yêu của Đức Kitô. Thực vậy, trong số mười hai tông đồ, thì đã có tới mười một ông hy sinh mạng sống cho Tin mừng, chỉ trừ một mình Gioan là đã chết già tại cộng đoàn Êphêsô mà thôi.
Còn chúng ta thì sao?
- Rất có thể lúc này chúng ta cũng đang là những kẻ mê muội và dốt nát, chẳng hiểu biết được bao nhiều về giáo lý của Chúa.
- Rất có thể lúc này chúng ta cũng đang là những kẻ hèn nhát và sợ sệt, chúng ta sẵn sàng bán Chúa và chối bỏ Ngài bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào và bất cứ vì lý do gì.
Chính vì thế, chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần ngự xuống trong tâm hồn, để biến đổi chúng ta trở thành những con người mới luôn hiểu và sống Tin mừng, cũng như luôn hăng say phục vụ Chúa nơi những người anh em bất hạnh và khổ đau.
18. Đổi mới
Cách đây 50 ngày, chúng ta đã mừng lễ Chúa Giêsu Phục sinh và Chúa nhật trước, lễ Chúa Giêsu lên trời. Hôm nay chúng ta mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống và cũng là lễ kết thúc mùa Phục sinh.
Chính hôm nay Chúa Thánh Thần Hiện xuống. Hôm nay Chúa Giêsu Phục sinh thực hiện lời hứa và ban Thánh Thần cho chúng ta. Việc Thánh Thần đến vào ngày lễ Ngũ tuần là dấu chỉ Đức Kitô được tôn vinh, Ngài được ngồi bên hữu Chúa Cha, được đặt làm “Chúa”. Chúa Thánh Thần đã được hứa ban, Người tới, Người hiện diện đó và Người hoạt động để thực hiện một cuộc đổi mới, tạo dựng một nhân loại mới. Trong thánh lễ hôm nay, chúng ta cùng khám phá lại hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi các tông đồ, về sự hiện diện và hoạt động của Ngài nơi mỗi người chúng ta để rồi chúng ta biết sống theo sự hướng dẫn của Ngài.
Thời Cựu ước ngôn sứ Edêkien đã tiên báo là Thần khí sẽ đến và ban cho con người một tâm hồn mới, một trái tim mới. Thật vậy, trong bữa tiệc ly Chúa Giêsu cũng đã nhắc lại lời hứa đó và báo trước là Chúa Thánh Thần sẽ đến trong lòng các tín hữu để soi sáng họ, nhắc nhở họ những lời của Thiên Chúa, và thanh tẩy họ bằng cách tha thứ các tội lỗi.
Bài trích sách Công vụ Tông đồ thuật lại. Vào ngày lễ Ngũ tuần đang khi các tông đồ họp nhau cầu nguyện thì Thánh Thần đến như một cơn gió, bất ngờ và không thể cưỡng lại. Thánh Thần phủ trên cả nhóm tông đồ đang tụ họp nhưng cũng được ban phát cho từng người dưới hình lưỡi lửa.
Thánh Thần đã thực hiện một cuộc biến đổi ngoạn mục nơi các tông đồ: từ những người nhút nhát, sợ sệt, chậm hiểu họ đã được biến đổi thành những người can đảm, xác tín và dấn thân vào công cuộc rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa.
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại: Vào chiều ngày Phục sinh Đức Giêsu đã hiện ra, thổi hơi trên các tông đồ và nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”. Hình ảnh “thổi hơi” gợi lại tác động của Giavê Thiên Chúa, lúc tạo dựng đã thổi hơi trên Ađam để ban sự sống. Nhận lấy Thánh Thần là nhận lấy sự sống của Thiên Chúa. Vì Thánh Thần là Thần khí, là hơi thở của Thiên Chúa.
Sự sống mới mà hôm nay Đức Giêsu trao ban cho các tông đồ cũng là sự sống bởi Thánh Thần. Nhưng đây là Thánh Thần của Đấng Phục sinh, Thánh Thần của Đấng đã chiến thắng tử thần, và vì thế, sự sống đó chính là sự sống đời đời. Chính Thánh Thần của Đức Giêsu Phục sinh đang thực hiện một cuộc tạo dựng mới, tạo dựng một nhân loại mới.Sau khi đã được giải thoát khỏi vòng nô lệ của tội lỗi và sự chết, nhân loại mới này đã đón nhận được sự sống mới, s ự sống đời đời.
Sự sống mới này, ngày nay cũng được tiếp tục trao ban cho các Kitô hữu là những người tin vào Chúa Kitô.
Chúa Thánh Thần là hơi thở của Chúa Giêsu Phục sinh, hơi thở ấy Chúa Giêsu Phục sinh chuyển thông cho Giáo hội để Giáo hội sống chính đời sống của Người, đời sống làm con cái Thiên Chúa. Qua Bí tích Rửa tội các Kitô hữu nhận lãnh Chúa Thánh Thần, được tái sinh trong đời sống mới.
Chúa Thánh Thần tẩy rửa mỗi tâm hồn khỏi tội lỗi và làm cho trở nên chi thể của Chúa Kitô và là con cái của Chúa Cha, thánh Gioan nhấn mạnh tới vai trò của Chúa Thánh Thần trong mỗi tâm hồn. Sau khi ban Thánh Thần rồi Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Các con tha tội cho ai, tội người ấy được tha”. Ơn tha tội phát xuất từ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần mà Giáo hội thông ban qua Bí tích Rửa tội và Hòa giải. Chính qua hai bí tích ấy mà mỗi người được giao hòa với Thiên Chúa được trở thành một tạo vật mới để sống một đời sống mới.
Chúng ta còn có thể thấy rõ tác động của Chúa Thánh Thần nơi các Kitô hữu là sự hiệp nhất. Ngày xưa, tại tháp Babel tội lỗi chia rẽ loài người làm cho mỗi người nói một thứ tiếng. Nay Chúa Thánh Thần thiết lập lại sự hiệp nhất, Thánh Thần mà các Kitô hữu lãnh nhận qua Bí tích Rửa tội là Thánh Thần đem lại bình an: bình an của ơn tha thứ và hòa giải. Thật vậy, hiệu quả đầu tiên của Chúa Thánh Thần chính là làm cho mọi người tuy khác biệt về màu da chủng tộc, ngôn ngữ mà vẫn có thể hiểu nhau và hiệp nhất thành một cộng đoàn.
Lễ Hiện xuống mà chúng ta cử hành hàng năm không phải là một kỷ niệm trống rỗng: đây là một ngày lễ đổi mới chúng ta trong quyền năng và hoạt động của Thánh Thần, nếu chúng ta đón nhận Ngài. Những gì Chúa Thánh Thần đã làm nơi các tông đồ xưa kia, bây giờ Ngài cũng thực hiện nơi chúng ta. Hôm nay khi tưởng niệm lại việc Đức Kitô Phục sinh đã ban Thánh Thần cho các tông đồ, chúng ta hãy ý thức là chúng ta cũng đã được lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần nhờ Bí tích Thanh tẩy và Thêm sức. Nhờ ơn Thánh Thần, chúng ta chẳng những có sự sống tự nhiên, mà nhất là sự sống siêu nhiên tức là địa vị làm con cái Thiên Chúa như Đức Kitô vậy. Chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài đã ban Chúa Thánh Thần cho chúng ta. Cũng như lý trí soi dẫn cuộc đời bình thường của con người thế nào, thì chúng ta cũng xin Chúa Thánh Thần, là khôn ngoan, là sức mạnh và là tình yêu của Thiên Chúa soi sáng, sưởi ấm và củng cố tâm hồn chúng ta.
Rồi trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta cố gắng sống cho đẹp lòng Chúa Thánh Thần. Và vì Chúa Thánh Thần là Thần chân lý, là Thần tình yêu, nên sự cố chấp, sự gian dối, sự chia rẽ là những điều trực tiếp phản nghịch với Chúa Thánh Thần. Trái lại, nếu chúng ta cố gắng sống khiêm nhường, chân thành và bác ái thì Chúa Thánh Thần sẽ không ngừng ở với ta. Người sẽ soi sáng chúng ta, dẫn dắt chúng ta dần dần tiến sâu vào vương quốc của Thiên Chúa, là vương quốc của tình thương và bình an, bởi vì hoa trái của Chúa Thánh Thần là bác ái, hoan lạc, bình an. Nói cách khác, Nước Thiên Chúa là đời sống trong Chúa Thánh Thần với những hậu quả cụ thể là sự công chính, bình an và hoan lạc trong mỗi tâm hồn tín hữu cũng như trong các tương quan với nhau.
Một trong những dấu hiệu cụ thể và rõ ràng nhất về sự hiện diện và tác động của Chúa Thánh Thần là tinh thần bác ái và phục vụ cộng đoàn. Trong bài đọc thứ hai thánh Phaolô đã ví Giáo hội như là thân mình của Đức Kitô trong đó các chi thể yêu mến nhau và phục vụ lẫn nhau. Nếu chúng ta cố gắng thể hiện ra trong đời sống tinh thần yêu thương, tinh thần phục vụ, thì chúng ta có thể tin chắc là chúng ta đang để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta. Đó là dấu hiệu chúng ta là con cái của Thiên Chúa.
19. Mùa xuân của Thánh Thần (Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)
Quang cảnh thánh Gioan thuật lại ở đây, tóm tắt và thực hiện lời nói của Đức Giêsu trong diễn văn giã từ của Ngài trước lúc ra đi chịu chết. Đức Giêsu loan báo Ngài sẽ ra đi, nhưng thực tại thần linh mà Ngài đã thiết lập và chính là Ngài vẫn lưu lại nơi các môn đệ. Cử chỉ hà hơi trên các môn đệ để biểu hiện ơn Chúa Thánh Thần, khơi dậy nơi họ một đời sống mới và trao ban cho họ một sứ mạng.
Theo não trạng Do Thái, sống, chính là lãnh nhận từ Thiên Chúa, một phần “hơi thở sự sống”. Người ta đi đến chỗ cắt nghĩa gió và hơi thở như một thực tại làm cho sống, ít nhiều siêu vật chất, phát xuất từ Thiên Chúa. Sách Sáng thế ký nói: “Bấy giờ, Thiên Chúa nặn hình con người từ bụi đất và hà hơi sống vào mũi nó, và người trở nên vật sống động” (Stk 2,7). Chúng ta hiểu rằng Đức Giêsu đã sử dụng yếu tố não trạng này của các môn đệ và hà hơi trên họ để nói lên ý nghĩa một đời sống mới và một sứ mạng mới khởi sự nơi họ.
Làm sao giải thích ơn huệ Chúa Thánh Thần chiều ngày Phục Sinh và làm sao hiểu được sứ mạng Đức Giêsu giao phó cho các môn đệ?
1) Ơn huệ Chúa Thánh Thần khai mào một đời sống mới. Đây là một sự bắt đầu. Người ta có thể tự hỏi tại sao Đức Giêsu lại ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ trước biến cố Hiện xuống. Lễ Hiện xuống vẫn giữ tất cả ý nghĩa của nó như là việc biểu lộ chính thức sự khai sinh của Giáo Hội. Nhưng sự khai sinh này không phải là một cuộc nổi lên đột ngột, và chung cuộc. Trái lại nó liên tục: bắt đầu bằng việc sinh ra, nó lớn lên và không ngừng tăng trưởng mãi cho đến tận cùng lịch sử nhân loại, ví tựa như một loài có sự sống đang phát triển không ngừng. Chúa Thánh Thần đã bắt đầu sinh hạ trong nhân tính với chính Đức Kitô. Đoạn qua các các giai đoạn kế tiếp nhau, linh hồn của Giáo Hội tức là Chúa Thánh Thần, đã dần dần biểu lộ sự hiện diện sống động của mình. Mầu nhiệm hoạt động của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn các môn đệ, luôn kính trọng các định luật phát triển của sự sống: đi từ nhựa sống, ngang qua các mầm, bông hoa rồi tiến đến trái trăng. Ơn huệ Chúa Thánh Thần được trao ban cho các môn đệ đang tụ họp, là một lúc trong mùa xuân của Giáo Hội. Chúng ta lưu tâm đến mùa xuân của Chúa Thánh Thần trong chúng ta hay là tác động chín mùi của Chúa Thánh Thần?
2) Trong đoạn trích dẫn của thánh Gioan, sứ mạng trao ban cho các môn đệ là quyền tha tội. Tư tưởng truyền thống của Giáo Hội nhận ra trong các lời nói của Đức Giêsu cái nền tảng của bí tích Giải tội. Nhưng còn phải hiểu rõ thế nào là “tội”. Đó là những kháng cự với ý muốn của Thiên Chúa và các lỗi lầm đi kèm theo. Nhưng trong nhãn giới của thánh Gioan tội nặng nhất là từ-chối-có-hiểu-biết tin vào Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. một trong những khía cạnh của sứ mạng các môn đệ trước nhất là loan báo Lời Chúa. Lời đem lại cho con người niềm tin nơi Đức Giêsu, và tiếp theo là việc xét xử. Các môn đệ là các quan án; và tuỳ theo đức tin này được chấp nhận hay từ chối, họ phán quyết người nào đang ở trong tình bạn với Thiên Chúa hay xa cách Thiên Chúa; họ có quyền xét xử người nào là đáng lãnh nhận ơn tha thứ và tình bạn của Thiên Chúa, mà họ là các thừa tác viên, dựa trên việc các người này có chấp nhận hay không niềm tin vào Đức Giêsu Kitô Cứu thế, (niềm tin mà trước nhất họ đã đề ra).
20. Suy niệm của ĐGM. Nguyễn Văn Khảm
"Các con hãy nhận lấy Thánh Thần..."
Trong những năm gần đây phong trào canh tân đoàn sủng phát triển mạnh trong Giáo Hội Tin Lành và trong giáo Hội Công Giáo, có người gọi đó là mùa xuân của Giáo Hội đang là sức sống mới. Nhưng cũng có ngừơi đang nhìn phong trào này với thái độ cảnh giác. Họ sợ rằng nó sẽ đi xa đường lối của Giáo Hội. Tôi không có ý phân tích phê phán, nhưng theo tôi phong trào có một điểm mà chúng ta có thể ghi nhận. Phong trào giúp cho ta ý thức hơn về vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời Kitô Hữu. Một vai trò mà nhiều khi chúng ta lãng quên. Có lẽ phần nào nó cũng giống như một nhà khoa học ở trong phòng thí nghiệm. Ông ra sức nghiên cứu về không khí như là một vật thể và mô tả không khí bằng những công thức khoa học có vẻ phức tạp mà ông quên rằng từng giây từng phút mình đang được ngủ lặng trong không khí mà đôi khi mình quên hít thở. Cho nên sự sống thân xác của mình mỗi lúc mỗi tàn tạ.
Tôi xin lấy một hình tượng quen thuộc trong Kinh Thánh để diễn tả về Chúa Thánh Thần. Thánh Luca mô tả: Vào ngày lễ ngũ tuần các môn đệ tề tựu cầu nguyện. Khi ấy có những lưỡi như lưỡi lửa rải rác đậu xuống trên mỗi người. Lửa là hình tượng Kinh Thánh dùng để diễn tả về Chúa Thánh Thần trong chúng ta.
Hôm nay tôi xin nhắc lại và đào sâu hơn hình tượng Thánh Gioan Thánh Giá sử dụng. Ngài là người có kinh nghiệm thần bí sâu sắc đồng thời là một nhà thơ cho nên ngài đã vận dụng ngôn ngữ thi ca để diễn tả kinh nghiệm thần bí đó. Đó là hình ảnh của lửa, của củi.
Chúng ta thử tưởng tượng cảnh mùa đông băng giá ở Châu Âu, ngoài vườn có một khúc củi nằm cô đơn giữa tiết trời băng giá. Cái lạnh làm cho làn da của nó xần xùi, xấu xí. Thế rồi nó được ông chủ nhà đem vào quăng vào lò sưởi. Hơi nóng làm khúc củi cảm thấy ấm áp, hạnh phúc. Nó cảm nhận được đầy sự an ủi không tả được.
Nhưng tiếc rằng sự sung sướng kéo dài chẳng được bao lâu. Trong khỏanh khắc ngọn lửa ôm chặt lấy nó. Sức nóng của lửa nung nấu khiến cho nhựa cây rỉ ra bên ngoài làm thành một lớp da sần sùi như da cóc. Nó tỏa ra một mùi thật khó chịu. Khúc củi quằn quại trong than hồng một thời gian. Cuối cùng nó trở nên một với lửa. Nó không còn là củi mà chỉ là lửa. Lửa đem ánh sáng, lửa đem hơi ấm cho những người trong phòng.
Gioan Thánh Giá dùng hình ảnh tuyệt vời ấy để diễn tả về tác động của Chúa Thánh Thần trong đời sống chúng ta. Hình ảnh ấy giúp chúng ta thấy được đâu là cùng đích của đời sống trong Thánh Thần. Cái cùng đích ấy là Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta được nên một với Thiên Chúa. Như Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu nói: "Ta trở thành một giọt nước hoà trong đại dương". Sự nên một ấy chỉ trở thành trong đời sống vĩnh cữu cho những người mà Chúa ban cho kinh nghiệm thần bí, những người cảm nghiệm được sự nên một hồng phúc với Thiên Chúa.
Chúng ta chưa có được kinh nghiệm huyền bí đó. Nhưng tôi nghĩ: Nếu chúng ta thực hiện đúng những bí tích mà Giáo Hội cử hành là chúng ta đã đi đúng mục đích của Giáo Hội, dẫn ta đến chỗ nên một với Thiên Chúa. Khi ta rước mình Thánh Chúa và để Máu Thánh Chúa hoà vào máu thịt ta để ta nên một với Ngài.
Sự nên một xét trên một bình diện mà người ta gọi là hữu thể học đó hoàn toàn có thật nhưng không ai thấy được. Sự nên một ấy phải diễn tả qua cuộc sống bên ngoài theo kiểu nói của thánh Phaolô. "Anh em hãy mang trong anh em những tâm tư như đã có trong Chúa Giêu Kitô". Cho nên khi nào chúng ta nên một với Chúa thật thì ta sẽ suy nghĩ như Chúa Giêsu, phản ứng như Chúa Giêsu, cảm xúc, yêu thương như Chúa Giêsu. Đấy là dấu chỉ cụ thể. Đấy là cùng đích.
Nhưng để đạt được tới cùng đích nên một trong Thiên Chúa ấy thì chúng ta phải trải qua một hành trình thanh tẩy của Thánh Thần. Hành trình này khởi đầu bằng một niềm an ủi ngọt ngào. Có một số kinh nghiệm nói lên điều ấy. Có anh chị em dự tòng nói với tôi: "Thưa Cha, con xin gì Đức Mẹ cũng cho con hết". Những tu sinh hoặc những nữ tu mới chập chững bước vào đời sống tận hiến: "Thưa Cha, con cảm thấy hạnh phúc vô cùng.". Những lúc ấy ai cũng ca ngợi Chúa, cảm thấy rất ư là dễ thương. Chúa yêu ta vô cùng.
Thưa anh chị em. Đấy chỉ là giai đoạn đầu. Sớm hay muộn gì chúng ta cũng được Chúa Thánh Thần dẫn vào giai đoạn thanh tẩy, giai đoạn đau đớn, giai đoạn này sẽ giúp chúng ta trưởng thành hơn. Vì nó đau đớn cho nên ta không muốn bước vào, không dễ chấp nhận.
Tôi nghĩ có hai lý do chính và cũng là hai giai đoạn chính.
Lý do thứ nhất: Thánh Thần giúp chúng ta chấp nhận con người thật của mình. Có lẽ nhiều người sẽ ngỡ ngàng khi nghe thế. Chúa Giêsu nói: "Hãy yêu tha nhân như chính mình." Nếu tôi không yêu chính mình thì tôi không thể yêu người khác được. Yêu chính mình là chấp nhận con người thật của mình. Chấp nhận hình hài mà Chúa đã ban cho mình. Anh chị em thử kiểm nghiệm lại đời sống của mình xem. Đã biết bao lần ta mơ ước những điều mà chúng ta không có. Ví dụ: Phải chi Chúa ban cho mình sóng mũi cao hơn tí nữa thì đẹp biết bao. Hay phải chi da mình được trắng như bạn mình nhỉ... Những mơ ước ấy biều lộ điều chúng ta không chấp nhận chính mình.
Những suy nghĩ ấy làm cho ta tự mình dằn vặt mình. Tự mình hành hạ mình, tự gây đau khổ cho mình bằng những tự ti mặc cảm. Phải đau đớn lắm, phải tự đấu tranh mới chấp nhận chính con người thật của mình. Chúng ta hãy kêu xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta thực hiện để chúng ta tự nhủ rằng: Dù tôi thế nào đi nữa Chúa vẫn yêu tôi. Chúa tạo dựng tôi cho Chúa. Cảm nhận được như thế sẽ làm cho ta thấy bình an hạnh phúc hơn.
Lý do thứ hai: Chấp nhận được chính mình rồi thì đến giai đoạn hai của sự thanh tẩy. Đi từ chỗ "tôi đang là" đến chỗ "tôi được mời gọi để trở thành..." Ở đây đòi hỏi sự bỏ mình. Cuộc sống Thánh Augustinô là một điển hình. Lúc trẻ ông xa vào con đường ăn chơi, mê đắm trên con đường tình dục, biết là sai nhưng ông vẫn biện minh cho mình, không nhìn nhận sự thật của chính mình, ông bảo: "Sở dĩ tôi bê bối thế vì ông thần ác ở trong hoành hành". Nhờ tác động của Chúa Thánh Thần Thánh Augutinô mới đủ can đảm nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi. Từ đấy ông đã bước vào giai đoạn hai. Ông trở thành một người sống như Chúa Giêsu, yêu thương, phục vụ, suy nghĩ như Giêsu. Một con người trong Chúa Thánh Thần.
Chúng ta phải trở thành cái mà Chúa mời gọi chúng ta. Đó là gì? Thưa là mỗi ngày tôi trở thành người hơn. Cho dù tôi sống bậc gia đình hay tu sĩ, cho dù tôi hành động gì nhưng vẫn hàm ẩn tất cả bên trong là cái tính người, là tính Kitô Hữu. Và hành trình đó đòi chúng ta phải tự bỏ mình mỗi ngày. Công việc ấy rất khó, một mình ta không thể làm được mà phải có tác động của Chúa Thánh Thần. Hãy cầu nguyện với Chúa Thánh Thần.
Chúa Thánh Thần sống như không khí tràn ngập vũ trụ, vấn đề là tôi có hít thở không? Chúa Thánh Thần như dòng suối tràn lan mọi nơi. Vấn đề là tôi có múc mà uống không? Chúa Thánh Thần là ngọn lửa hừng hực, vấn đề là tôi có nhóm lên hay không? Cho nên cầu nguyện là tự tạo cho mình một nội tâm thích hợp. Mở lòng ra cho gió ùa vào, làm rỗng chính mình cho dòng nước chảy vào, và nhóm ngọn lửa lên cho đời mình.
Nếu chúng ta chấp nhận trở về với chính mình trong thinh lặng, nhìn lại đời mình, ta có thể khám phá ra những gì mà Lời Chúa hướng dẫn chúng ta hôm nay.
Tôi xin kết thúc suy niệm này bằng tâm tình của Thánh Augustinô. "Lạy Chúa là vẻ đẹp ngàn đời, vẻ đẹp cổ xưa nhưng vẫn luôn luôn mới mẻ. Con đã chạy tìm những cái đẹp bên ngoài vốn chỉ là phản ánh èo uột của vẻ đẹp vĩnh hằng. Chúa là vẻ đẹp vĩnh hằng ở trong con thì con lại không kiếm tìm. Vì thế, xin Chúa cho con biết trở về với chính lòng mình mỗi ngày, để ở đó con gặp được Chúa, hít thở Chúa. Con đón nhận dòng nước ân sủng và lòng con được đốt cháy ngọn lửa Thánh Thần. Amen."
21. “Anh em hãy nhận Thánh Thần” - Noel Quesson
Một cha sở già miền núi phía nam nước Ý thường dùng các ví dụ cụ thể để diễn tả mầu nhiệm trong đạo. Vào lễ Thánh Linh hàng năm, Ngài ra lệnh thả một chim câu trong nhà thờ. Và khi chim đậu xuống ai, người đó phải cố thực hiện một công tác cụ thể phục vụ cộng đoàn. Có lần chim đậu xuống một thầy hiệu trưởng, ông này đã cam kết và thực hiện một cuốn sách giá trị. Lần khác chim đậu xuống một vị công tước và công tước đã bỏ tiền xây hệ thống dẫn nước. Một Linh mục trẻ được sai tới thay thế cha sở già. Cha sở mới không thích kiểu cách cha sở cũ nhưng chưa tiện hủy bỏ. Vào ngày Lễ Thánh Linh ngài bảo cứ thả chim câu, và cho mở rộng hết các cửa, nghĩ rằng chim sẽ bay ra ngoài. Nhưng con chim bay lượn một vòng quanh nhà thờ và đậu ngay xuống vai cha sở mới, cả nhà thờ vỗ tay mừng rỡ. Cha sở mới phải lên tiếng hứa sẽ đem hết sức lực và thì giờ phục vụ giáo xứ, và ngài đã giữ lời.
Câu chuyện vui nầy diễn tả phần nào những hoạt động của Chúa Thánh Thần, Người thúc giục, soi sáng và hướng dẫn ta trong mọi ý hướng, mọi sáng kiến phục vụ anh em. Chúa Giêsu nói về hoạt động của Thánh Linh: Người như gió, muốn thổi đâu thì thổi (Ga 38). Và Chúa cũng nhắc nhở ta trong vai trò quan trọng của Thánh Linh trong việc giúp hiểu Tin Mừng, trong việc truyền bá giáo lý của Chúa: “Thầy sẽ xin Cha ban cho các con một Đấng phù trợ, Người là Thần Chân lý” (Ga 14,16): “Khi Thần Chân lý tới, Người sẽ dạy cho các con biết tất cả sự thật” (Ga 16,13).
Khung cảnh Tin Mừng chúng ta mới nghe chứng tỏ điều Chúa nói. Chúa đã phục sinh, chuyện nầy các tông đồ đều đã biết, nhưng các ông vẫn lo âu, tụ họp nhau trong phòng đóng kín cửa vì sợ. Chúa Giêsu định phó thác cho các ông nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng cho mọi thụ tạo trên khắp hoàn vũ. Nhưng bây giờ các ông còn đang run sợ, lẩn trốn, như vậy làm sao các ông thực hiện nổi nhiệm vụ Chúa trao phó?
Trong tình trạng lo âu trốn tránh đó, Chúa Giêsu đã tới giữa công đoàn, thở hơi và các ông và nói: “Anh em hãy lãnh nhận Thánh Thần”. Hành động của Chúa Giêsu làm ta nhớ tới việc Chúa sáng tạo sự sống (Kn 2,7; Ed 37,9). Theo thánh Gioan thì biến cố nầy xảy ra ngay vào ngày Chúa sống lại. Tác động đầu tiên của Thánh Linh là mang tới sự sống, và Chúa Giêsu là người trước hết lãnh nhận tác động đó. Chúa Thánh Thần đã làm nên sự Phục Sinh của Chúa Giêsu trong quyền lực Chúa Cha. Danh hiệu đầu tiên của Thánh Linh là “Thiên Chúa ban sự sống”.
Chúa Thánh Thần còn đem lại cho ta ơn tha tội: “Các con tha thứ cho ai, người ấy được tha”. Thực sự ơn tha tội đã được Thiên Chúa trao ban đầy tràn kể từ cái chết cứu độ của Chúa Giêsu. Vấn đề còn lại ở phía con người, chúng ta có ý thức và sẵn sàng đón nhận ơn tha thứ của Chúa hay không.
Sau khi các tín hữu nhận lãnh sự sống và ơn cứu độ. Thánh Linh sẽ trao ban sứ mệnh, chuyển thông ơn cứu độ, sự tha thứ, sự Thánh thiện cho mọi người. Đó là nhiệm vụ của Giáo Hội và của mỗi Kitô hữu. “Giáo Hội là cơ quan mở mang cho nhân loại cộng đồng tình yêu”. Từ khi Thánh Linh hiện xuống, tình trạng đã đổi khác. Các Tông đồ không còn run sợ trốn tránh trong phòng kín, nhưng bắt đầu ra đi rao giảng Tin Mừng cho mọi người, mọi nơi. Các ông làm chứng lời giảng bằng chính cuộc sống và cả tính mạng của mình.
Lạy Chúa, xin ban Chúa Thánh Thần cho chúng con, nhờ Người, chúng con có đủ khôn ngoan, can đảm phục vụ và làm chứng cho Chúa trước mặt thiên hạ.
Tôi xin bắt đầu phần chia sẻ sáng hôm nay bằng câu chuyện về ngọn tháp Babel trong Cựu ước. Bấy giờ thiên hạ chỉ nói một thứ tiếng, sau khi định cư tại đồng bằng Senna, họ bàn luận với nhau:
- Ta hãy nung gạch và xây một ngọn tháp chọc trời, trước khi phân tán tới mọi miền trên mặt đất.
Trước ý định đầy kiêu căng và ngông cuồng này, Thiên Chúa đã khiến tiếng nói của họ trở nên lộn xộn, người này không còn hiểu được người kia. Thế là họ đành phải ngưng việc xây tháp và ra đi mỗi người một ngả.
Đây chỉ là một hình ảnh tượng trưng nói lên tính kiêu căng và tình trạng chia rẽ của con người. Thế nhưng, nhìn vào ngày lễ hôm nay, chúng ta thấy khác hẳn. Thực vậy, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, một tình trạng mới đã được nảy sinh.
Sách Tông đồ Công vụ kể lại:
Bấy giờ các môn đệ đang tụ họp ở một nơi, bỗng dưng có tiếng từ trời đến, ào ào như gió thổi, ùa vào nhà nơi các ông đang hội. Lại thấy có hình lưỡi lửa tản ra và đỗ trên từng người. Tất cả đều được đầy tràn Chúa Thánh Thần và bắt đầu nói được nhiều thứ tiếng khác nhau.
Trong thời gian lễ Ngũ tuần, có nhiều người Do thái từ khắp các nơi trở về Giêrusalem. Nghe tiếng ồn, họ liền tuốn đến. Và ai nấy đều bỡ ngỡ vì mỗi người đều nghe các tông đồ nói tiếng của mình.
Họ ngạc nhên và bàn tán cùng nhau:
- Phải chăng chúng ta đều nghe họ dùng tiếng thổ âm của mình mà nói đến những sự cao trọng của Thiên Chúa.
Đây chính là một cuộc tụ họp đông đảo kể từ thời ngọn tháp Babel, trong đó mọi người đều hiểu được nhau và cảm thông với nhau. Sở dĩ như vậy là do tác động của Chúa Thánh Thần.
Qua hình ảnh lưỡi lửa và ơn nói nhiều thứ tiếng nơi các tông đồ, tôi nhận thấy ngôn ngữ Chúa Thánh Thần đã dùng để liên kết và tạo lấy sự cảm thông chính là thứ ngôn ngữ của tình yêu.
Thiếu vắng Ngài, thiếu vắng tác động của Ngài, hay nói đúng hơn, thiếu vắng tình yêu, chúng ta không thể hiểu biết nhau, xích lại gần nhau và cảm thông với nhau, để rồi hận thù sẽ bùng nổ.
Vào năm 1887, một người Ba Lan tên là Zamenhof, đã tạo ra và cổ động cho một thứ ngôn ngữ quốc tế, để mọi người có thể sử dụng một cách dễ dàng. Tuy nhiên, thứ ngôn ngữ quốc tế này đến nay vẫn giậm chân tại chỗ và thế giới vẫn còn tràn ngập những hận thù và chiến tranh. Sở dĩ như vậy vì người ta không sử dụng thứ ngôn ngữ của tình yêu và không đặt tình yêu làm nền tảng cho mọi mối liên hệ.
Tôi nghĩ rằng tình yêu chân chính, được coi như là hoạt động của Chúa Thánh Thần, sẽ là một thứ ngôn ngữ mà ai cũng có thể hiểu được. Nó không phải chỉ được nói bằng lời, bằng tiếng, mà còn được nói bằng thái độ, bằng cử chỉ, bằng việc làm và bằng cả cuộc sống ngập tràn tình bác ái của mình.
Thực vậy, ai trong chúng ta cũng có thể hiểu được một ánh mắt thông cảm, một cử chỉ thân thiện, hay một việc làm giúp đỡ. Thứ ngôn ngữ tình yêu này không phải chỉ giúp chúng ta hiểu được nhau, mà hơn thế nữa, còn giúp chúng ta hiểu được chính Thiên Chúa và tiến đến với Ngài. Vì Thiên Chúa là gì, nếu không phải là tình yêu như thánh Gioan đã định nghĩa.
Rất nhiều khi nhờ những hành động bác ái yêu thương mà những kẻ tội lỗi biết đường ăn năn trở về cùng Chúa. Trong đời sống gia đình cũng như trong sinh hoạt xã hội, đừng nói với nhau bằng thứ ngôn ngữ của hận thù, của đấm đá. Đừng nói với nhau bằng ngôn ngữ của chia rẽ, của nghi kị.
Nhưng hãy nói với nhau bằng thứ ngôn ngữ của tình yêu, ngôn ngữ của Chúa Thánh Thần. Vì ngôn ngữ của tình yêu chính là ngôn ngữ của Chúa Thánh Thần, là thứ ngôn ngữ tạo được sự cảm thông và là thứ ngôn ngữ bất cứ ai cũng có thể hiểu được.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy thắp lên trong lòng chúng con ngọn lửa tình yêu Chúa.
Có một câu chuyện kể rằng: Một hôm thần dữ Satan triệu tập tất cả các sứ giả của hắn lại, để sai đến trần gian với sứ mạng duy nhất là giải thích cho con người biết Thiên Chúa đã chết rồi. Các sứ giả ra đi. Nhưng không bao lâu sau tất cả trở về. Thần dữ Satan ngạc nhiên hỏi: “Tại sao các ngươi thực hiện công tác nhanh như thế, hay là có chuyện gì trục trặc?”. Các sứ giả đồng thanh đáp: “Thưa ngài, chúng tôi không còn việc gì để làm nữa. Bởi vì tất cả những nơi chúng tôi đi qua trên trần gian, nơi nào con người cũng sống như thể Thiên Chúa đã chết thật rồi. Họ ghen ghét nhau, họ gian tham, trộm cắp, sa đọa, họ chém giết nhau... không có gì xấu mà con người không làm. Dù nhiều người vẫn còn xưng mình là kẻ tin Thiên Chúa, nhưng cách sống của họ không hề biểu lộ niềm tin này, mà ngược lại như là loan báo Thiên Chúa đã chết rồi. Như vậy chúng ta đâu cần tốn công thuyết phục con người nữa”.
Con người sống như thể Thiên Chúa đã chết. Đó là một lời cảnh tỉnh nghiêm trọng đáng cho chúng ta, những môn đệ của Chúa Giêsu, suy nghĩ để kiểm điểm lại đời sống của mình. Vài chục năm gần đây, người ta tỏ ra lo ngại cho Giáo hội, khi thấy có một số đông Kitô hữu tại nhiều nước Au Châu dửng dưng với đạo. Đạo hầu như chẳng còn ảnh hưởng gì đối với họ; đạo hầu như đứng ngoài cuộc sống của họ. Phải chăng Kitô giáo đã qua những ngày hưng thịnh và đang đi vào giai đoạn lụi tàn? Phong trào “thời mới”, một phong trào mang tính tôn giáo huyền bí hàm hồ, đang phát triển tại Mỹ và Au Châu xác tín rằng: kỷ nguyên Kitô giáo sắp qua đi và một kỷ nguyên mới với một tôn giáo mới đang xuất hiện.
Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, đã đến trần gian để thi hành sứ mạng cứu chuộc loài người. Ngài đã sống kiếp người như chúng ta, Ngài đã giảng dạy, loan báo Tin Mừng. Cuối cùng, Ngài đã chấp nhận đau thương và chết nhục nhã trên thập giá để hoàn tất sứ mạng cứu chuộc của Ngài. Ngài đã chết thật, nhưng không phải là chết luôn, trái lại, Ngài đã sống lại và sống mãi. Ngài vẫn hiện diện trên trần gian dưới nhiều hình thức, đặc biệt là qua Chúa Thánh Thần. Quả thực, ngay từ khi tại thế, Chúa Giêsu đã sống dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần, nhưng Ngài chưa ban Thánh Thần cho các môn đệ. Chúa Giêsu phải ra đi, rồi mới cử Thánh Thần đến với họ được, nghĩa là Ngài phải được tôn vinh, mới có thể ban Thánh Thần cho họ. Vì thế, ngay buổi chiều ngày Phục sinh, Chúa Giêsu đã hiện ra thổi hơi vào các môn đệ và ban Thánh Thần cho họ; đồng thời ban cho họ quyền tha tội. Như vậy, Chúa Giêsu đã ban Chúa Thánh Thần, và các tông đồ đã nhận được Chúa Thánh Thần ngay chiều ngày Phục sinh.
Tuy nhiên, để đánh dấu việc các tông đồ thực sự thoát khỏi tình trạng “khép kín” vì sợ hãi hay nuối tiếc quá khứ, và “mở cửa” lao mình về phía trước để công bố Tin Mừng Phục sinh cho các dân tộc, đem ơn hòa giải đến cho mọi người, hầu qui tụ mọi người vào trong đại gia đình của Thiên Chúa... Chúa Thánh Thần đã hiện xuống với các tông đồ một cách long trọng và rõ ràng với những dấu hiệu bề ngoài như gió thổi mạnh, lưỡi lửa xuất hiện trên đầu họ. Gió và lửa là những dấu hiệu để chứng tỏ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Và liền theo đó, mọi người được tràn đầy Chúa Thánh Thần.
Như vậy, Chúa Thánh Thần đã đến với các tông đồ, đã biến đổi họ thành những con người mới, đã tác động nơi họ để họ trở thành những chứng nhân cho Đức Kitô và loan báo Đức Kitô cho mọi người. Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa và ngọn lửa Ngài đậu trên đầu các tông đồ không gì khác chính là ngọn lửa tình yêu. Chính ngọn lửa đó đã thúc giục các tông đồ mở toang cánh cửa đã đóng kín vì sợ hãi, để mạnh dạn ra đi loan báo Tin Mừng tình yêu. Từ đó cho đến nay, Chúa Thánh Thần vẫn không ngừng hoạt động nơi từng con người thiện chí, từng Kitô hữu, đang hăng say hoạt động để đem chân lý, bình an, yêu thương và hy vọng đến với những người chung quanh.
Mỗi người Kitô hữu hôm nay cũng đã được lãnh nhận Chúa Thánh Thần khi chịu phép Rửa tội và Thêm sức. Nhưng chúng ta đã cộng tác với Chúa Thánh Thần thế nào? Chúng ta có để Chúa Thánh Thần gọt giũa, loại bỏ khỏi chúng ta tính ích kỷ, hẹp hòi không? Chúng ta đã làm gì và đang làm gì cho thế giới này, cho những người sống chung quanh chúng ta được sưởi ấm bởi ngọn lửa tình yêu của Chúa Thánh Thần mà chúng ta đã lãnh nhận? Thật là đau đớn cho Thiên Chúa và Giáo hội khi những người mang danh Kitô hữu, những môn đệ của Chúa, lại sống ích kỷ, ghen ghét nhau, cạnh tranh nhau... Nếu ngày nay biết bao người chưa biết đến tình yêu thương của Chúa, có lẽ một phần trách nhiệm là do chúng ta; có lẽ chúng ta phải đấm ngực mình mà nhận rằng: vì chúng ta chưa sống tốt, chưa làm chứng nhân, vì trong chúng ta còn nhiều ích kỷ, nhỏ nhen, hẹp hòi...
Mừng lễ Chúa Thánh Thần, Giáo hội nhắc nhở chúng ta vai trò quan trọng của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống từng người chúng ta, và mời gọi chúng ta cùng cộng tác với Chúa Thánh Thần để đổi mới chính mình, đổi mới cuộc sống của mình, để cuộc đời chúng ta trở thành chứng tá cho Thiên Chúa tình yêu. Chúng ta phải dùng chính cuộc sống tốt lành của mình để làm chứng cho Thiên Chúa hằng sống, để xác quyết rằng: Thiên Chúa đang sống và đang hành động trong trần gian.
24. Sự thật trọn vẹn (Trích trong ‘Manna’)
Ai trong chúng ta cũng muốn biết sự thật, và căm ghét sự lừa lọc dối trá. Nhưng không dễ gặp được sự thật nơi người khác, cũng như nơi chính mình.
Để nói lên một sự thật, cần phải trả giá. Dám nghe một sự thật nhỏ, cần một can đảm lớn! Đời người là một cuộc ruổi dong tìm sự thật. Sự thật vừa đáng sợ, lại vừa đáng yêu.
Khi sống ở đời, Đức Giêsu đã nói và làm nhiều điều, để cho các môn đệ thấy sự thật về mình. Ngài cho họ biết mọi điều Ngài nghe được từ Cha. Tuy vậy, Ngài vẫn còn nhiều điều phải nói với họ mà bây giờ họ không kham nổi (x. Ga 16,12).
Đức Giêsu không có thái độ bao cấp. Ngài chẳng đòi các môn đệ phải hiểu hết con người Ngài. Thánh Thần sẽ giúp họ làm điều đó sau khi Ngài phục sinh.
”Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật trọn vẹn” (Ga 16,13) Để biết sự thật trọn vẹn về Đức Giêsu, để hiểu việc làm và lời nói của Ngài, chúng ta cần có Thánh Thần làm người hướng đạo. Đức Giêsu là một mầu nhiệm sâu thẳm khôn dò. Nhờ Thánh Thần, ta thấy Đức Giêsu luôn luôn mới. Càng đến gần, ta càng thấy Ngài siêu việt. Càng biết rõ Ngài, ta càng thấy Ngài lôi cuốn.
- Nhờ Thánh Thần, Lời Chúa Giêsu luôn luôn mới. Đó không phải là những dòng chữ chết khô, nhưng là ánh sáng cho mọi hoàn cảnh của cuộc sống.
- Nhờ Thánh Thần, Hội Thánh luôn luôn mới. Ngài là luồng gió mát lúc Hội Thánh gặp khó khăn, là luồng gió mạnh làm Hội Thánh chuyển mình thức tỉnh.
Chúa Thánh Thần không sống cho mình, nhưng cho Đấng sai mình là Đức Giêsu Kitô (x. Ga 15,26). Ngài chỉ mong cho Đức Kitô được tôn vinh (x. Ga 16,14) Chúa Thánh Thần là phát ngôn viên của Đức Kitô. Ngài chỉ nói những gì Ngài đã nghe Đức Kitô nói. Ngài không loan báo điều gì mới lạ, nhưng chỉ giúp ta nhớ lại, hiểu và sống Tin Mừng.
Chúng ta cũng là những chứng nhân của Đức Kitô như Thánh Thần. Cần làm chứng như Ngài trong thái độ khiêm nhu từ bỏ. Dù chúng ta là Kitô hữu, là người công giáo, chúng ta vẫn trên đường tìm kiếm sự thật trọn vẹn.
Sự thật bao giờ cũng lớn hơn suy nghĩ của ta. Sự thật ở nơi người khác tôn giáo, khác quan điểm... Đừng tìm cách làm chủ hay độc quyền sự thật. Hãy để cho sự thật chiếm lấy mình. Hãy mềm mại để Thánh Thần dẫn vào sự thật, sự thật về Thiên Chúa, về Đức Kitô, về tôi và tha nhân.
Có những sự thật rất thường, rất nhỏ, nhưng khó nuốt. Chỉ khi chấp nhận chúng, tôi mới gặp được Đức Kitô. Ngài là Sự Thật viết hoa, Sự Thật đem lại tự do (x. Ga 8,32).
Gợi Ý Chia Sẻ
• Chúa Thánh Thần hoạt động ở khắp nơi. Ngài đem lại sức sống cho mọi người. Có khi nào bạn thấy Ngài hoạt động nơi những người ngoài Kitô giáo không? Có khi nào bạn thán phục vì lối sống siêu thoát của một phật tử không?
• Sự thật vừa đáng sợ lại vừa đáng yêu. Bạn có sợ biết sự thật về mình không? Bạn có can đảm nói sự thật một cách đầy yêu thương không?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Thánh Thần, xin ban sức sống cho chúng con. Xin cho cuộc đời Kitô hữu của chúng con đừng rơi vào sự đơn điệu nghèo nàn, vào những lối mòn quen thuộc, nhưng xin canh tân và tái tạo chúng con mỗi ngày. Xin nuôi chúng con bằng những thức ăn mới, cho chúng con khám phá ra những chiều sâu khôn dò của Đức Kitô và ý nghĩa thâm thúy của Tin Mừng.
Lạy Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống, thế giới hôm nay luôn bị đe dọa bởi bạo lực, khủng bố, chiến tranh; mạng sống con người bị coi rẻ. Xin cho chúng con biết say mê sự sống, và gieo vãi sự sống khắp nơi.
Ước gì Chúa ban cho nhân loại một lễ Hiện Xuống mới để con người có thể hiểu nhau hơn và đón nhận nhau trong yêu thương.
25. Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ - JKN
Câu hỏi gợi ý:
1. Bạn quan niệm thế nào về Thánh Thần? Ngài có đóng vai trò gì quan trọng trong đời sống Kitô hữu của bạn không? Cụ thể là gì?
2. Kế hoạch phát triển Giáo Hội của Thiên Chúa là «men trong bột». Nếu Thánh Thần kêu gọi bạn trở nên «men» cho mọi người, bạn có đáp lại lời mời gọi ấy không?
3. Muốn thật sự gặp gỡ Thánh Thần, phải thực hiện sự gặp gỡ ấy thế nào?
Suy tư gợi ý:
1. Thánh Thần hoạt động mạnh mẽ, nhưng… bị quên lãng
Từ khi Giáo Hội khai sinh, vai trò và hoạt động của Thánh Thần mới được chú ý tới nhiều, qua sự ý thức và nhấn mạnh của Giáo Hội, đặc biệt của Đức Giêsu, của các tông đồ. Trước khi về trời, Đức Giêsu đã hứa ban Đấng Bảo Trợ, An Ủi cho Giáo Hội: «Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi» (Ga 14,16). Và Đấng Bảo Trợ ấy chính là Thánh Thần: «Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em» (Ga 14,26). Đức Giêsu đã ra đi để giao lại nhân loại và Giáo Hội cho Thánh Thần: «Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em» (Ga 15,26). Chính vì thế, hiện nay chúng ta đang sống trong thời hoạt động của Thánh Thần, Ngài đang hoạt động mạnh mẽ trong Giáo Hội và trong chính tâm hồn ta. Nhưng ta ít chú ý tới Ngài. Chúng ta thường tập trung quan tâm của mình vào Chúa Cha, nhất là Đức Giêsu. Vì thế, Thánh Thần trở thành vị Thiên Chúa bị quên lãng. Do đó, chúng ta ít hợp tác với Thánh Thần, và Thánh Thần không biến đổi ta một cách hữu hiệu được. Vì dù hoạt động mạnh mẽ thế nào, Thánh Thần vẫn luôn luôn tôn trọng tự do của con người. Thánh Thần luôn luôn mời gọi, nhưng con người vẫn luôn luôn có thể làm ngơ vì không quan tâm, hoặc từ chối lời mời gọi đó. Chính vì thế, công việc của Thánh Thần thật hết sức khó khăn.
2. Kế hoạch của Thiên Chúa
Thánh Thần là Đấng tiếp tục công trình của Đức Giêsu trong thế giới và Giáo Hội. Ngài luôn luôn thúc đẩy sự đổi mới trong Giáo Hội, để Giáo Hội ảnh hưởng tốt đến thế giới. Nhưng để được làm điều ấy, Thánh Thần luôn luôn phải hoạt động trong mỗi cá nhân. Cá nhân có thay đổi thì Giáo Hội mới thay đổi, cá nhân có nên thánh thì Giáo Hội mới thánh thiện. Tất cả mọi đều bắt đầu từ những cá nhân, và lan truyền từ cá nhân này sang cá nhân khác. Kế hoạch của Thiên Chúa để xây dựng Nước Trời là chiến lược «men trong bột» (x. Mt 13,33), «muối ướp đời» (x. Mt 5,13) hay «đèn sáng cho trần gian» (x. Mt 5,14). Men là một chất có hoạt tính, có khả năng biến đổi chất bột tiếp xúc với mình trở nên giống như mình. Mất hoạt tính này, men không còn là men nữa, nó trở thành một thứ bột vô dụng. Muối hay đèn cũng có hoạt tính tương tự. Một hình ảnh khác là lửa, nhưng lửa có tác dụng lan truyền mạnh mẽ và nhanh chóng. Chính vì thế, Thánh Thần khi hiện xuống trên các tông đồ đã lấy hình lưỡi lửa làm biểu trưng cho mình.
Trong quá trình phát triển từ xưa đến nay, Giáo Hội vẫn theo chiến lược «men trong bột», nhưng phải nói rằng Giáo Hội đã phát triển theo chiều rộng nhiều hơn chiều sâu. Nội dung lan truyền chủ yếu là danh nghĩa, hình thức tôn giáo bên ngoài, hơn là đ¨ªch thực sống tinh thần Tin Mừng bên trong. Biết bao Kitô hữu chỉ giữ đạo theo tập tục (siêng năng đọc kinh, dâng lễ, chịu các bí tích), nói chung là chuộng những thực hành thấy được, và lấy đó làm đủ, mà ít sống đạo, ít đi vào chiều sâu tâm linh, ít khi thật sự gặp gỡ Thiên Chúa. Việc thờ phượng Thiên Chúa chưa đúng với tinh thần «thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật» (Ga 4,24), mà còn mang nặng tính thể lý, bên ngoài, nên còn nhiều tính giả dối, không trung thực (ngoài và trong khác nhau). Vì thế, Giáo Hội dường như không còn phát triển mạnh như những thế kỷ trước nữa, thậm chí dừng lại hoặc sút giảm về mặt tỷ lệ dân số (mặc dù số lượng vẫn tăng theo đà phát triển dân số).
Chiến lược «men trong bột» đòi hỏi phải có những cá nhân thật tốt, thật nhiệt thành. Những cá nhân tốt ấy sẽ ảnh hưởng tốt sang những cá nhân khác bằng gương sáng, bằng những hoạt động nhiệt thành và tích cực, biến họ nên tốt, nên nhiệt thành như mình. Nhờ đó, những cá nhân tốt càng ngày càng được nhân lên. Càng nhiều cá nhân tốt thì Nước Trời càng phát triển, càng lớn mạnh. Nhưng ai sẽ là men đây? Thánh Thần luôn mời gọi chúng ta trở nên «men,», không chỉ là «men» mà còn là «men tốt». Mỗi khi lắng đọng tâm hồn lại, chúng ta đều nghe thấy tiếng Ngài mời gọi.
3. Làm sao trở thành men tốt?
Trong chiến lược phát triển Nước Trời, «men trong bột» phải có một «hoạt tính» rất mạnh, nghĩa là có khả năng biến đổi người khác nên tốt và nhiệt thành giống như mình. Như vậy, chính mình phải là người tốt và nhiệt thành đã, chính mình phải thật sự sống tinh thần Tin Mừng đã. Muốn thế, ta phải tiếp xúc với Thánh Thần, nguồn phát sinh «hoạt tính» ấy. Nhưng làm sao tiếp xúc với Thánh Thần? Bằng cách kêu cầu Ngài với những kinh hay những bài ca về Thánh Thần chăng? Phải nói đó là những cách thấp nhất để tiếp xúc với Thánh Thần, thường chỉ dành cho những người chưa thể cầu nguyện tự phát hay chưa biết cách cầu nguyện. Muốn có một đời sống nội tâm thật sự, muốn tiến triển trên con đường tâm linh, ta cần phải tiếp xúc với Thánh Thần một cách thật sự và hữu hiệu.
4. Làm sao để tiếp xúc với Thánh Thần thật sự và hữu hiệu?
Muốn tiếp xúc với Ngài, trước hết phải biết Ngài ở đâu, bản chất của Ngài thế nào. Thánh Thần là thần khí (spirit = tức tinh thần), hiện diện khắp nơi, tràn đầy trong vũ trụ, trong không gian và thời gian. Chúng ta có tinh thần, và tinh thần của ta cũng là thần khí. Một cách nào đó, tinh thần của ta phần nào đồng bản chất với Ngài. Chính vì thế, muốn gặp gỡ Thánh Thần, phải gặp bằng chính thần khí hay tinh thần của ta. Đức Giêsu đã nhắc nhở: «Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật» (Ga 4,24). Nếu ngày xưa thánh Phaolô nói: «Chúng ta, những người thờ phượng Thiên Chúa nhờ Thần Khí của Người, mới thật là những người được cắt bì» (Pl 3,3), thì ngày nay ta cũng có thể nói: chỉ những ai thờ phượng Thiên Chúa trong Thần Khí mới là người Kitô hữu đích thực. Đó là những người thờ phượng Thiên Chúa bằng tinh thần, bằng tâm hồn, bằng ý thức và bằng tình yêu, bằng việc thật sự gặp gỡ và sống trong Thánh Thần, chứ không phải chỉ bằng những nghi thức bề ngoài, dù những nghi thức này lắm khi cũng cần thiết. Thờ phượng Thiên Chúa bên ngoài mà không có bên trong là thờ phượng trong giả dối, không phải là trong chân lý.
Thánh Thần tuy tràn lan trong vũ trụ, nhưng lại hiện diện «đặc sệt» và tràn đầy nhất trong tâm hồn ta: «Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?» (1Cr 3,16); «Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần mà chính Thiên Chúa đã ban cho anh em» (1Cr 6,19). Vì thế, muốn gặp gỡ Thánh Thần, không gì tốt hơn là gặp Ngài trong chính bản thân mình, bằng tinh thần của mình. Việc gặp gỡ Ngài rất dễ dàng: chỉ cần hồi tâm lại, ý thức Ngài đang hiện diện ngay trong bản thân mình, và muốn được tan hòa vào trong Ngài. Điều quan trọng trong việc gặp gỡ Thánh Thần là những ý thức và tâm tình có thực bên trong, chứ không phải là những lời cầu nguyện phát biểu ra, dù là phát biểu trong tâm trí. Tuy nhiên, nếu những lời ấy tự nhiên bộc phát ra từ đáy lòng, thì cũng là điều rất tốt. Tuyệt đối không nên sáng tác ra bất kỳ lời nào khi không có những tâm tình đích thực bên trong, vì cầu nguyện như thế là thờ phượng trong giả dối. Lời bộc phát ra phải luôn luôn phù hợp với tâm tình có thực bên trong mới là thờ phượng trong chân lý.
5. Ý thức và tâm tình phải có khi tiếp xúc với Thánh Thần
Khi hồi tâm để tiếp xúc với Thánh Thần, ngoài việc ý thức sự hiện diện thật sự của Ngài trong tâm hồn ta, ta nên ý thức rằng Ngài là nguồn sức mạnh, nguồn yêu thương của ta. Hãy giục lòng tin tưởng rằng: nếu năng tiếp xúc với Ngài thì sức mạnh và khả năng yêu thương vô biên của Ngài sẽ truyền sang ta, như năng lượng từ dòng điện truyền sang dụng cụ điện, làm dụng cụ ấy hoạt động. Thường xuyên tiếp xúc với Ngài như vậy, nội lực và tình thương của ta ngày càng tăng lên một cách cảm nghiệm được.
Ngoài ra, ta cần tan hòa trong Thánh Thần bằng tâm tình «tự hủy» (kenosis), «tự sát tế» của Đức Giêsu. Nghĩa là có sự quyết tâm muốn quên mình, xóa bỏ mình trước Thiên Chúa và tha nhân, không tự coi bản thân mình, ý riêng của mình, và những gì của mình là quan trọng. Tâm tình ta cần có là: «Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi» (Ga 3,30), nhỏ đi chừng nào tốt chừng nấy. Song song với tâm tình «tự hủy» cần phải có là tâm tình «vị tha». Nghĩa là có sự quyết tâm sống cho Thiên Chúa và tha nhân, đặc biệt sẵn sàng làm tất cả những gì Thánh Thần đề nghị để gieo tình thương và hạnh phúc nơi nơi, cho tất cả mọi người chung quanh ta.Và cuối cùng là lắng nghe tiếng của Thánh Thần van g dội trong lòng mình. Tiếng của Ngài ngày càng trở nên rõ ràng và mạnh mẽ nếu ta luôn luôn quảng đại đáp lại lời mời gọi của Ngài. Tiếng của Ngài sẽ dần dần yếu đi nếu ta bỏ lơ hay không đáp lại lời mời gọi ấy.
Thường xuyên gặp gỡ Ngài như thế, chắc chắn cuộc đời của ta sẽ biến đổi và trở nên men tốt, muối tốt và ánh sáng rực rỡ cho xã hội, Giáo Hội và đặc biệt cho môi trường chung quanh ta. Và đó chính là cách ta «thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật".
Cầu nguyện
Lạy Cha, Cha đã ban Thánh Thần cho thế giới. Nhưng dường như sự hiện diện của Ngài trong thế giới ít được người Kitô hữu quan tâm đến trong đời sống thực tế của mình. Nếu có thì thường chỉ được nhắc đến trong phụng vụ. Xin Cha giúp con năng tiếp xúc với Thánh Thần để được tan hòa trong Ngài và nhận được tràn đầy sức mạnh và khả năng yêu thương của Ngài. Nhờ đó con trở nên muối men cho đời, cho những người chung quanh con, để biến họ nên tốt lành và hạnh phúc hơn.
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm