Suy niệm Lời Chúa: Chúa Nhật 28 thường niên - Năm C (Lm HBX)
Chúa Nhật 28 thường niên - Năm C
TÂM TÌNH BIẾT ƠN
Chủ Ðề: Tâm tình biết ơn.
Người cùi xứ Samaria trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa (Lc 17, 15)
I. Dẫn vào Thánh lễ
Anh chị em thân mến
"Thánh lễ" còn được gọi bằng một tên khác đúng với ý nghĩa hơn, đó là "Lễ Tạ Ơn". Mỗi khi tham dự Thánh lễ, chúng ta tạ ơn Chúa vì những ơn lành Ngài đã ban cho chúng ta, đặc biệt các ơn Ngài ban qua Con Một của Ngài là Chúa Giêsu Kitô.
Vậy giờ đây chúng ta hãy nhớ lại những ơn lành của Chúa để cảm tạ Ngài.
Nhưng trước hết, chúng ta cũng ý thức rằng rất nhiều lần mình đã vô ơn với Chúa, và thành tâm xin Ngài tha thứ cho chúng ta.
II. Gợi ý sám hối
- Rất nhiều khi chúng ta nhận lãnh ơn Chúa ban, nhưng không biết tạ ơn Ngài.
- Nhiều lần chúng ta tham dự Lễ Tạ Ơn, nhưng trong lòng không chút tâm tình tạ ơn nào cả.
- Những thánh giá trong cuộc đời cũng là những ơn lành Chúa ban. Nhưng chẳng những chúng ta không vui lòng đón nhận, mà còn tìm cách trốn tránh.
III. Lời Chúa
1. Bài đọc I (2 V 5, 14-17)
Chuyện ngôn sứ Êlisê chữa bệnh cùi cho tướng Naaman người xứ Aram:
- Được biết bên xứ Israel có ngôn sứ Êlisa đã từng chữa trị nhiều người khỏi bệnh, vua xứ Aram viết thư giới thiệu và đưa cho tướng Naaman đang mắc bệnh cùi đến cho Êlisê cứu chữa.
- Êlisê bảo Naaman xuống tắm 7 lần trong sông Giođan. Ban đầu Naaman không chịu. Nhưng do một người hầu gái thuyết phục nên sau đó Naaman làm theo. Và ông đã được khỏi bệnh cùi.
- Naaman trở lại tạ ơn ngôn sứ Êlisê và tuyên dương quyền phép của Thiên Chúa.
2. Đáp ca (Tv 97)
Ca tụng những kỳ công của Thiên Chúa: "Hát lên mừng Chúa một bài ca mới vì Người đã thực hiện bao kỳ công"
3. Tin Mừng (Lc 17, 11-19)
a. Thái độ của 10 người cùi trong đoạn Tin Mừng này: biết phận mình nên khi thấy Chúa Giêsu thì "dừng lại đàng xa" và kêu xin.
b. Khi của Chúa Giêsu bảo họ "Hãy đi trình diện với các tư tế", Chúa Giêsu vừa thử đức tin của họ vừa mời họ tin tuyệt đối vào Ngài:
- Thử thách đức tin: vì Ngài không chữa bệnh ngay
- Mời gọi đức tin: nếu họ đi là chứng tỏ họ tin Ngài chữa họ.
c. 9 người cùi Do Thái không trở lại tạ ơn vì họ đã quen được ơn Chúa nên coi đó là việc bình thường. Một người cùi xứ Samari trở lại tạ ơn vì nghĩ rằng mình không xứng đáng được ơn, thế mà lại được.
4. Bài đọc II (2 Tm 2, 8-13)
Mặc dù đang chịu cảnh khổ sở vì bị giam trong tù, nhưng Phaolô vẫn ca tụng Thiên Chúa và quyết cùng chết với Chúa Giêsu để được cùng sống với Ngài.
IV. Gợi ý giảng
* 1. Suy nghĩ về lòng biết ơn
a. Chi tiết đánh động nhất trong bài Tin Mừng này là trong số 10 người cùi đã được Chúa Giêsu chữa khỏi, chỉ có một người biết quay lại tạ ơn Ngài, mà người này lại là một người Samaria ngoại đạo. Tại sao thế?
Thưa vì tâm lý thông thường của những kẻ "ở trong nhà" là nghĩ rằng mọi điều tốt mà người nhà làm cho mình là đương nhiên. Còn những "kẻ ở ngoài" thì nghĩ rằng mình chẳng có lý do nào để được những điều ấy, cho nên khi nhận được thì rất biết ơn. Câu chuyện của bài đọc I minh chứng điều đó: Tướng Naaman không phải là người Do Thái mà là một người Aram. Bởi đó khi ông được Thiên Chúa của Israel và ngôn sứ Êlisê chữa cho khỏi cùi thì ông vô cùng biết ơn. Ông mang nhiều lễ vật đến tạ ơn Êlisê, và ông lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa.
b. Chúng ta muốn người chịu ơn ta phải tỏ lòng biết ơn ta, thế nhưng khi chịu ơn người khác chúng ta lại ít tỏ lòng biết ơn. Điều này bộc lộ khuynh hướng ích kỷ của chúng ta: chúng ta làm ơn là để được biết ơn. Nói cách khác, chúng ta làm vì mình chứ không vì người khác.
Chúa Giêsu thì ngược lại: Ngài muốn chúng ta tỏ lòng biết ơn Ngài không phải vì Ngài mà vì ích lợi của chính chúng ta. "Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa?" Khi nói thế, Chúa Giêsu không nghĩ cho bản thân Ngài mà nghĩ cho những người cùi: Ngài muốn họ có tâm tình tốt đối với Thiên Chúa, từ đó sẽ có một liên hệ tốt với Thiên Chúa, và liên hệ tốt này lại phát sinh nhiều ơn lành khác nữa.
c. Biết ơn Thiên Chúa là một điều rất tốt, không phải tốt cho Thiên Chúa, mà tốt cho chính chúng ta: do bày tỏ lòng biết ơn, chúng ta sẽ ý thức hơn về tình thương của Thiên Chúa; do bày tỏ lòng biết ơn, chúng ta sẽ nhận thức rõ hơn về thân phận nghèo nàn của mình; hai ý thức ấy sẽ giúp chúng ta gắn bó với Chúa và nương tựa vào Ngài nhiều hơn.
d. Kẻ nào không biết cám ơn trong những việc nhỏ thì cũng không biết cám ơn trong những việc lớn. Vì thế ta cần phải tập cám ơn trong từng việc nhỏ.
e. Cám ơn Chúa vì những điều vừa ý mình thì rất dễ, nhưng cám ơn Chúa vì những điều trái ý mình mới khó. Vì thế ta cần phải tập cám ơn Chúa về mọi điều xảy đến cho mình: chuyện vui cũng như chuyện buồn, thành công cũng như thất bại, sức khoẻ cũng như bệnh tật. Sự biết ơn về tất cả mọi điều xảy đến cho mình như thế còn phát sinh một ích lợi nữa là khiến ta biết nhìn đời mình một cách toàn diện, thấy cả hiện tại và quá khứ, từ đó ta sẽ nhận ra rằng đời mình được dẫn dắt bởi bàn tay yêu thương kỳ diệu của Chúa như thế nào. Thực vậy, khi nhìn lại quá khứ, ta sẽ thấy rằng những điều làm ta thích và những điều làm ta khổ không tách rời nhau, nhưng liên kết với nhau, đan xen nhau và đều góp phần dẫn ta đến cái hiện tại tốt đẹp ngày nay, từ đó ta có thể nói như Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng "Tất cả đều là hồng ân".
* 2. Suy nghĩ về 9 người cùi vô ơn
Chín người cùi Do Thái không cảm thấy tâm tình biết ơn có lẽ vì trước đó họ chỉ thấy tình trạng khốn khổ của họ chỉ là ngoài da, và sau đó họ cũng coi tình trạng được khỏi của họ chỉ là ngoài da. Nói cách khác họ chẳng thấy gì khác ngoài một chứng bệnh da liễu: Họ bị da liễu, Chúa Giêsu chữa họ khỏi da liễu, thế là xong. Họ trở về với nếp sống cũ, với những thói quen cũ, những tật xấu cũ, những suy nghĩ cũ... Chẳng có gì thay đổi trừ ra một làn da hết bệnh.
Còn người cùi xứ Samaria, cũng như Naaman xứ Aram đã ý thức thân phận mình khốn khổ sâu xa như thế nào: đau đớn phần xác, mặc cảm tâm lý, tủi nhục tinh thần, cuộc đời như đã bị bỏ đi. Bởi vậy sau đó, cùng với sự khỏi bệnh ngoài da, họ còn được cứu chữa về tâm lý, tinh thần và đạo đức nữa. Họ trở thành những con người mới hẳn.
* 3. Suy nghĩ từ chuyện ông Naaman
a. Chuyện tướng Naaman mắc bệnh cùi rồi được chữa khỏi cho ta thấy từ đau khổ người ta có thể rút ra nhiều sự lành như thế nào.
- Naaman là một con người có nhiều quyền hành và thế lực vì ông là tướng chỉ huy quân đội nước Aram. Ông rất tự tin vào chính mình, chẳng cần gì đến Thiên Chúa.
- Thế rồi chứng bệnh cùi khủng khiếp đã làm ông mất tất cả, đầy ông từ chóp đỉnh xuống vực sâu của xã hội. Ông biết mình khốn khổ, ông cần ai đó cứu ông à Ông trở thành khiêm tốn hơn.
- Nhờ có người mách bảo, Naaman tìm đến với ngôn sứ Êlisê với hy vọng vị này chỉ nói một lời hay làm một việc gì đó thôi thì ông sẽ khỏi bệnh ngay. Nhưng Êlisê bảo ông đi tắm trong dòng sông Giođan nhỏ bé và phải tắm đến 7 lần. Ban đầu ông không chịu, nhưng sau đó ông chấp nhận à Ông đã biết chịu đựng và kiên nhẫn.
- Khi khỏi bệnh, Naaman ngoại đạo ấy còn khám phá một điều quan trọng hơn tất cả, đó là có một Thiên Chúa thực sự và quyền năng. à Ông có đức tin.
b. Cũng như Naaman trước khi bị bệnh, chúng ta ít nghĩ tới Chúa khi đời mình đang thuận buồm xuôi gió. Chúng ta cho rằng đời mình hoàn toàn tùy thuộc vào khối óc và đôi tay của mình.
- Khi gian truân khốn khổ ập đến, ta chợt ý thức rằng mình quá nghèo nàn và yếu đuối. Mắt ta được nhìn thấy mặt trái của cuộc đời, đầu ta biết cúi xuống, chân ta biết quỳ xuống, và lòng ta biết hướng lên cao.
- Như thế, đau khổ có rất nhiều lợi ích: nó đem ta đến gần Chúa hơn, nó khiến ta bớt duy vật hơn, nó còn cho ta thấy những khía cạnh tốt lành ẩn giấu trong những điều trái ý.
* 4. Dòng suối ân tình
Trong một chuyến bay từ Rôma về Nữu ước, Đức Tổng Giám Mục Fulton Sheen chăm chú nhìn cô tiếp viên hàng không đang đi lại phục vụ quí khách. Thấy cử chỉ lạ của Đức Tổng, cô tiếp viên mạnh dạn đến gần và hỏi:
- Thưa Đức cha, có chuyện gì mà Đức Cha lại nhìn con như thế?
Vị Tổng Giám Mục nhoẻn miệng cười đáp:
- Vì đôi mắt của con rất đẹp!
- Vậy con phải làm gì để cám ơn Chúa đây?
- Con ạ! Chúa đã lấy tất cả sắc đẹp của từng người phong trong trại cùi Di Linh mà đem tặng cho con. Vậy con hãy đến đó chăm sóc cho họ mà đền đáp ơn Chúa.
Quả thật, chỉ ít lâu sau người ta đã thấy người phụ nữ xinh đẹp này ngày đêm tận tuỵ băng bó những vết thương lở loét cho các bệnh nhân phong, tại trại cùi Di Linh dưới lớp áo dòng nữ tu.
Phong cùi là một bệnh nan y khó trị, ai cũng ghê tởm và run sợ nếu mắc phải bệnh này. Vào thời Chúa Giêsu nó còn khoác vào người bệnh nỗi nhục nhã trong tâm hồn, vì người ta cho rằng họ là những người bị Thiên Chúa phạt. Những người mắc bệnh cùi bị ruồng bỏ, bị coi là nhơ nhớp, phải sống cách ly trong một làng cùi xa mọi người, xa cả người thân. Phải mặc áo rách, để đầu trần, lấy áo che miệng và phải hô lên rằng mình có bệnh truyền nhiễm và nhơ nhớp để cho người lành biết mà tránh xa (x. Lv 13, 1-44).
Thế mà, trong bài Tin Mừng hôm nay kể lại chỉ một lời Chúa Giêsu phán ra thì vết thương của thể xác và nỗi đau trong tâm hồn bao năm đè nặng bỗng tan biến hết. Căn bệnh quái ác mà họ cứ tưởng phải gánh chịu suốt cả cuộc đời, nỗi ô nhục mà họ cứ tưởng sẽ vĩnh viễn theo họ sang bên kia thế giới, thì nay đã được hoàn toàn tẩy xoá. Chỉ nhờ quyền năng và lòng thương xót của Thiên Chúa mà họ như đã chết nay được hồi sinh, niềm vui rộn rã như vỡ oà trong tim.
Trớ trêu thay trong mười người được hưởng ơn chữa lành vô cùng lớn lao ấy, chỉ có một người biết dâng lời tạ ơn, mà người ấy lại là người Samari ngoại đạo. Còn những người vẫn tự hào là dân Thiên Chúa, dân riêng Chúa chọn lại sống vô ơn.
Chúa Giêsu phải thốt lên lời quở trách: "Không phải cả mười người được sạch cả sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?" (Lc 17, 17-18). Sở dĩ Chúa Giêsu xem trọng lòng biết ơn cũng là vì ích lợi của kẻ được ơn mà thôi. Người Samari trở lại tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho anh ơn phần xác, thì Người lại ban thêm cho anh ơn phần hồn là củng cố niềm tin và xác định tư cách tôn giáo của anh. Người nói: "Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh" (Lc 17, 19). Như thế, cám ơn lại là cơ hội để nhận được thêm ơn.
Cuộc sống là một chuỗi những ân huệ nối tiếp theo nhau. Những ân huệ này đan xen với những ân huệ khác. Có những ơn do nơi Thiên Chúa, và cũng có những ơn đến từ con người. Vậy nếu cuộc sống là lãnh nhận thì người ta sẽ như thế nào nếu không hề biết nói hai tiếng cám ơn, hoặc chẳng bao giờ bày tỏ tấm lòng tri ân! Thú vật còn biết vẫy đuôi cám ơn khi ném cho nó cục xương, còn người vô ơn khi nhận được ân huệ chỉ biết trố mắt nhìn và câm lặng.
Một đứa trẻ mới bập bẹ tập nói trong một gia đình có giáo dục, thì tiếng "cám ơn" luôn nằm sẵn trên bờ môi. Một người có nhân cách thực sự là một người có lòng biết ơn. Một người luôn thể hiện lòng biết ơn mới đích thực là con người. Lòng biết ơn là nét cao đẹp nhất của con người. Biết ơn là nhận ra thân phận bất toàn của mình. Biết ơn là ý thức về tình liên đới với người khác. Biết ơn là thể hiện niềm tin vào Thiên Chúa yêu thương và quan phòng. Vì thế, lòng biết ơn chính là bông hoa rực rỡ, điểm tô cho cuộc sống con người. Một tiếng nói "cám ơn" với tất cả chân thành, một cử chỉ biết ơn sâu xa sẽ làm cho chúng ta nên người hơn, và thể hiện niềm tin sâu sắc hơn.
Cả cuộc sống của Chúa Giêsu là một "bài ca tạ ơn". Người tạ ơn Cha trước khi cho Ladarô sống lại, trước khi làm phép lạ hoá bánh và cá ra nhiều, trước khi lập phép Thánh thể. Người không chỉ là mẫu mực về lòng biết ơn mà còn dạy chúng ta thể hiện lòng biết ơn ấy: "Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy". Kể từ đó, mỗi thánh lễ mà Giáo Hội cử hành được gọi là Thánh lễ Tạ ơn.
Thánh Phaolô luôn dâng lời tạ ơn lên Chúa: "Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức Kitô" (1 Cr 1, 4). Ngài cám ơn tất cả những ai giúp ngài trong công việc mục vụ: "Quà anh em tặng cho tôi đó, chúng khác nào hương thơm, lễ vật đẹp lòng Thiên Chúa và được Người chấp nhận" (Pl 4, 10). Như vậy, câu ngạn ngữ Anh nói rất chí lý: "Cho người có lòng biết ơn chính là cho vay".
Lạy Chúa, suốt cuộc đời chúng con ngụp lặn trong đại dương ân huệ của Chúa, suốt đời chúng con được tắm mát trong dòng suối ân tình của anh em.
Xin cho chúng con luôn biết sống có tình nghĩa. luôn thế kiện lòng biết ơn, luôn quí trọng những hồng ân mà Chúa đã thương ban, và những gì mà anh em đã làm cho đời chúng con thêm tươi đẹp và hạnh phúc hơn. Amen. (TP)
5. Chuyện minh họa
David đang đi đường thì gặp một người ăn xin. Anh cho người ấy một số tiền rồi tiếp tục đi, lòng rất sung sướng. Nhưng chỉ một sau, anh cảm thấy bực bội khi chợt nhớ hồi nảy người ăn xin kia không cám ơn anh. Anh đem chuyện ấy kể cho một Rabbi nghe.
Vị Rabbi chăm chú lắng nghe, rồi hỏi:
- Khi anh cho tiền người ăn mày, anh cảm thấy sao?
- Con thấy rất vui.
- Thế đó không phải là phần thưởng cho con rồi đó sao?
- Nhưng con nghĩ rằng dù sao thì người ấy phải cám ơn con mới phải.
- Thế sao con đã không cám ơn Chúa?
- Tại sao phải cám ơn Chúa?
- Vì Chúa đã ban cho con cơ hội làm dụng cụ cho Chúa thực hiện tình thương của Ngài cho một con người khốn khổ. (FM)
V. Lời nguyện cho mọi người
Chủ tế: Anh chị em thân mến, luôn tạ ơn Chúa vì những hồng ân Người ban tặng cho ta là một trong những bổn phận quan trọng của người Kitô hữu. Với tâm tình con thảo, chúng ta cùng cảm tạ Chúa và dâng lời cầu xin:
1. Hội thánh không ngừng quan tâm giúp đỡ những người nghèo khổ bất hạnh trong xã hội / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa chúc lành cho Hội thánh / trong công việc cao quý này.
2. Ước mơ tha thiết của con người là được sống khỏe mạnh và hạnh phúc / nhưng trong thực tế / bệnh tật vẫn đem đến cho con người đau khổ và bất hạnh / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho những anh chị em đang đau khổ vì bệnh tật hành hạ / được Chúa thương nâng đỡ ủi an.
3. Bệnh phong cùi đem lại mặc cảm lớn lao / và nỗi bất hạnh tột cùng cho các bệnh nhân / vì họ cảm thấy bị loại trừ ra khỏi xã hội / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho có nhiều nhà hảo tâm / nâng đỡ những anh chị em kém may mắn này.
4. Có một thứ bệnh phong cùi đáng sợ hơn là tội lỗi / vì nó làm hoen ố tâm hồn con người / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết tẩy sạch bệnh phong cùi thiêng liêng này bằng bí tích Giải tội.
Chủ tế: Lạy Chúa, biết bao giờ chúng con mới tạ ơn Chúa cho cân xứng với tình thương hải hà của Chúa. Xin cho chúng con biết cố gắng đền đáp phần nào tình thương ấy bằng chính đời sống bác ái yêu thương và tận tụy phục vụ tha nhân. Chúng con cầu xin
VI. Trong Thánh Lễ
- Trước kinh Lạy Cha: Thiên Chúa là Cha hằng ban xuống cho chúng ta là con cái Ngài biết bao ơn lành. Vậy bây giờ chúng ta hãy sốt sắng dâng lên Ngài lời kinh Lạy Cha để bày tỏ lòng biết ơn chân thành của chúng ta.
- Trước khi rước lễ: Ơn cao trọng nhất mà Thiên Chúa ban cho chúng ta, đó là ban chính Con Một của Ngài cứu chuộc chúng ta và còn trở thành lương thực nuôi dưỡng linh hồn chúng ta. Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian..."
VII. Giải tán
"Tất cả đều là hồng ân". Anh chị em hãy trở về với cuộc sống thường ngày, và đừng quên cám ơn Chúa về tất cả những gì xảy đến trong cuộc đời.
bài liên quan mới nhất
- Thứ Bảy tuần 18 Thường niên năm II (Mt 17,14-21)
-
Thứ Tư tuần 18 Thường niên năm II (Mt 15,21-28) -
Chúa nhật 5 mùa Chay năm C (Ga 8,1-11) -
Chúa nhật 4 mùa Chay năm C - Trở về (Lc 15,1-3.11-32) -
Chúa nhật 3 mùa Chay năm C - Hãy sám hối (Lc 13,1-9) -
Chúa nhật 2 mùa Chay năm C - Biến đổi (Lc 9,28b-36) -
Chúa nhật 1 mùa Chay năm C (Lc 4,1-13) -
Chúa nhật 8 Thường niên năm C (Lc 6,43-49) -
Chúa nhật 7 Thường niên năm C -
Chúa nhật 6 Thường niên năm C (Lc 6,17.20-26)
bài liên quan đọc nhiều
- Thứ Sáu tuần thánh - Thương khó (Ga 18,1-19,42)
-
Thứ Bảy tuần thánh - Ngôi mộ trống (Mc 16,1-8) -
Thứ Năm tuần thánh (Ga 13,1-15) -
Thứ Tư Lễ Tro - Giữ chay và kiêng thịt (Mt 6,1-6.16-18) -
Chúa nhật 5 Thường niên năm A -
Ngày 25 tháng 12: Chúa Giáng sinh (Lễ Đêm, Rạng Đông, Ban Ngày) -
Chúa nhật lễ Mình Máu Thánh Chúa năm A -
Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa - Năm A -
Bài giảng lễ Mồng Hai Tết -
Ngày 22/07: thánh nữ Maria Mađalêna, lễ kính (Ga 20,1-2.11-18)