Suy niệm Lời Chúa hằng ngày: Tuần Bát Nhật Phục Sinh
PHỤC SINH
Mc 16,1-8
"Người đã chỗi dậy rồi, không còn đây nữa.
Chỗ đã đặt Người đây này!" (Mc 16,7)
Anh chị em thân mến
Chúng ta vừa đọc lại một trong những đoạn Tin Mừng quan trọng nhất trong toàn bộ Kinh Thánh. Đây là đoạn Tin Mừng đầu tiên truyền đạt lại cho những thế hệ mai sau biết về một biến cố lạ lùng nhất có liên hệ đến một nhân vật cũng lạ lùng vào bậc nhất trong Lịch sử loài người. Đó là sự Phục sinh của Đức Giêsu Kitô Chúa của chúng ta. Trong đoạn Tin Mừng được coi như một bản tự thuật hôm nay lý do là vì chính Gioan là tác giả bản tường thuật này thì ngoài Chúa Giêsu cũng như chính tác giả là Gioan ra, chúng ta còn thấy tác giả đã nhắc đến tên của hai nhân vật cũng rất quen thuộc với chúng ta trong Tin Mừng. Đó là Ông Phêrô và bà Maria Madalena. Trong ít phút suy niệm này tôi chỉ xin được nói về Maria Madalena.
I. Khi suy niệm về màu nhiệm Phục Sinh, tôi tự hỏi tại sao một biến cố quan trọng như thế mà Chúa Giêsu không chọn một người nào quan trong hơn để loan báo mà Chúa lại chọn Maria Madalena? Đang suy nghĩ như vậy thì rất may tôi gặp được một bài thơ được in ở trong tập sách nhỏ được phát cho các linh mục vào dịp Đức Tổng Giám mục J.B Phạm minh Mẫn về nhậm chức tại Giáo phận TP HCM của chúng ta. Bài thơ dài nhưng tôi chỉ xin được trích một ít câu.
"Thiên Chúa cần một người cha cho dân của mình, Người đã chọn một cụ già. Thế là Abraham đứng lên.
Thiên Chúa cần một người phát ngôn, Người lại chọn một anh chàng vừa nhút nhát vừa có tật cà lăm. Thế là Moise đứng lên.
Thiên Chúa cần một thủ lãnh để hướng dẫn dân của mình, Người lại chọn một cậu thanh niên nhỏ nhất và yếu nhất trong nhà. Thế là Đavid đứng lên.
Thiên Chúa cần một tảng đá làm nền cho ngôi nhà Giáo Hội, Người đã chọn một người chối đạo. Thế là Phêrô đứng lên.
Thiên Chúa cần một chứng nhân để hô vang sứ điệp của mình. Người lại chọn một tên bắt đạo. Đó là Phaolô gốc thành Tarxô.
Vâng kính thưa anh chị em. Nếu chúng ta đọc lại cả Lịch sử Cựu Ước cũng như Tân Ước chúng ta sẽ thấy Thiên Chúa hay làm những điều thật khó hiểu như vậy.
II. Như vậy thì thắc mắc của tôi kể như đã được giải đáp một phần nào. Tôi nói là một phần nào thôi bởi vì kính thưa anh chị em, nếu đọc thật kỹ Kinh Thánh, tôi lại thấy Thiên Chúa làm việc một cách hết sức khôn ngoan.
Không phải vô tình mà Ngài đã chọn Abraham. Ngài đã thấy được ở nơi con người này những gì cần thiết cho công việc của Người. Nơi Abraham Thiên Chúa đã tìm thấy được một lòng tin kiên cường không có một sức mạnh nào lay chuyển được. Đó là đức tính cần có cho vai trò của một tổ phụ.
Nơi Moise thì có hơi khác. Trong con người nhút nhát ấy Chúa đã nhìn thấy một tấm lòng lúc nào cũng biết kính sợ Chúa. Chọn ông làm phát ngôn viên Chúa không sợ ông nói bạy.
Còn nơi Đavid Chúa cũng nhìn thấy những đức tính rất đặc biệt của ông. Chúa đã nhìn thấy trong con người nhỏ bé này một ý chí sắt đá và một lòng quả cảm khó có thể tìm thấy được ở nơi những con người khác. Đó là những đức tính cần thiết cho một nhà lãnh đạo.
Nơi Phêrô, Chúa tìm thấy gì nơi con người đã ba lần chối Chúa này. Chẳng cần phải nói anh chị em cũng thấy Phêrô lúc nào cũng muốn những điều tốt đẹp nhất cho Chúa. Đôi lúc chúng ta thấy ông phán đoán hơi sai ý của Chúa nhưng trong thâm tâm của ông chúng ta thấy lúc nào Chúa cũng là số một đối với ông. Tuy có lỗi lầm nhưng ông vẫn xứng đáng là người để Chúa tin tưởng.
Còn đối với Phaolô chẳng cần phải chứng minh dài dòng. Không ai mà không thấy được sự nhiệt thành và một tâm hồn quảng đại dám sống chết với những điều mình tin nơi con người này. Trước kia ông bắt đạo vì ông chưa biết Chúa là ai. Nhưng khi đã biết được Chúa rồi chúng ta thấy ông đã làm gì cho Chúa. Ông xứng đáng là tông đồ để đem Tin Mừng của Chúa cho những người chưa biết Chúa. Phải có những con người như ông thì mới có thể chu toàn được sứ mạng khó khăn Chúa trao phó.
Vậy thì đối với Maria Madalena, Chúa đã thấy được gì nơi người phụ nữ này?
Chúng ta hãy nhìn lại một một chút về cuộc đời của con người này qua Tin Mừng:
Lần đầu tiên chúng ta gặp được người phụ nữ này ở trong Marco 16,6: người phụ nữ được Chúa trừ khỏi 7 quỉ.
Trong Luca 8,23, bà cùng với một số các bà khác đi theo giúp Chúa và các tông đồ trong công việc truyền giáo.
Với Mt 27,56 thì chúng ta thấy bà có mặt ở dưới chân cây Thánh giá của Chúa Giêsu cùng với Đức Mẹ, thánh Gioan và một vài người phụ nữ khác khi Chúa chịu đóng đinh trên Thập giá.
Theo Mt 26,61 và Mc 15,47 thì bà đã có mặt ở mồ Chúa ngay lúc vừa tảng sáng
Mt 28,1 và Lc 24,10 còn cho chúng ta biết bà đến viếng mồ Chúa cùng một người khác cũng có tên là Maria vào buổi sáng sớm ngày Chúa sống lại.
Và Ga 20,1118 cho chúng ta biết một chi tiết đặc biệt hơn: bà được Chúa Giêsu đích thân hiện ra và bà nhận ra Chúa khi Chúa gọi tên bà.
Kính thưa anh chị em có lẽ bằng ấy sự việc cũng đủ để chúng ta thấy được con người này là một con người như thế nào.
Nói một cách thật vắn tắt thì đây là một con người đã được Chúa phục sinh.
Đó là lý do tại sao Chúa đã chọn chị để loan báo cho toàn thể nhân loại một Tin Vui vĩ đại nhất trong Lịch sử loài người: Đó Chúa Giêsu đã từ cõi chết sống lại để trở thành Cứu Chúa của mọi người.
III. Vâng! Chúa đã sống lại và Người mãi mãi là Cứu Chúa của tất cả chúng ta.
Mẹ Têrêsa là một trong những nhân vật nhận được nhiều giải thưởng và bằng cấp danh dự nhất. Năm 1973, mẹ được quận công Phillip, với tư cách là chủ tịch danh dự của đại học Kempet bên Anh quốc trao cho mẹ bằng tiến sĩ danh dự về thần học. Mẹ trở về nhà vào giữa buổi trưa, dân chúng và ký giả đứng trực sẵn trước của nhà. Một ký giả dã đặt câu hỏi như sau:
- Đâu là động lực đã thúc đẩy mẹ bắt tay vào công việc phục vụ người nghèo? Điều gì đã gợi hứng và nâng đỡ mẹ trong suốt những năm qua?.
Người ký giả và dân chúng hy vọng sẽ có một câu trả lời dài dòng với những lời giải thích thỏa đáng. Thế nhưng trước sự ngạc nhiên của nhiều người, mẹ Têrêsa đã chỉ đáp lại gọn gàng, vắn tắt bằng một tiếng ngắn ngủi: "Chúa Giêsu”.
Vâng! Đối với mẹ, hai tiếng Giêsu đã quá đủ để tóm gọn cuộc đời của mẹ để giải thích niềm tin, sự dấn thân, lòng can đảm, tình yêu, lòng nhiệt thành và nhừng thành quả mẹ đạt được. Tất cả đều tùy thuộc vào Chúa Giêsu. Mỗi một cố gắng, mỗi một hy sinh đều được thực hiện vì Ngài. Tất cả cả vì Chúa Giêsu, đó là khẩu hiệu và cũng là câu tâm niệm trong từng phút giây của Mẹ. Điều đó không chỉ có nghĩa Mẹ làm mọi sự vì Chúa Giêsu và cho Chúa, mà còn có nghĩa là để cho Chúa Giêsu sống và hoạt động trong Mẹ.
Tất cả vì Chúa Giêsu thưa anh chị em
Hãy để cho Chúa Giêsu sống và hoạt động trong chúng ta.
Hãy để cho Chúa Giêsu hướng chúng ta đến điều thiện.
Hãy để cho Chúa Giêsu khơi dậy những tư tưởng cao đẹp trong chúng ta.
Hãy để cho Chúa Giêsu thực hiện những hành động bác ái qua chúng ta.
Hãy để cho Chúa Giêsu bổ túc những gì còn thiếu sót trong cuộc tử nạn của Ngài qua những hy sinh nhẫn nhục từng ngày của chúng ta.
Hãy để cho sự phục sinh của Ngài chiếu sáng trong niềm tin yêu, hy vọng của chúng ta.
THỨ HAI TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH
Mt 28,8-15
"Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng,
chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giê-su hay." (Mt 28,8)
Các bài Tin Mừng trong tuần bát nhật Phục sinh đều tường thuật về những cuộc hiện ra của Chúa Giêsu sau khi Chúa sống lại. Phụng vụ đã chọn những bản văn có trong 4 quyển Tin Mừng để trình bày cho chúng ta thấy bốn cái nhìn khác nhau nhưng bổ túc cho nhau, về sự kiện Chúa Giêsu chịu chết và sống lại.
1. Hôm nay thánh Mátthêô thuật lại những chuyện xảy ra vào buổi sáng Phục sinh:
Các phụ nữ đến mồ, thấy mồ trống. Họ gặp thiên thần. Thiên thần cho họ hay Chúa Giêsu đã sống lại và bảo họ đi báo tin cho các môn đệ, bảo cho các môn đệ biết là Chúa chờ họ tại Galilê.
Sự Phục sinh của Chúa Giêsu đã nâng mối liên hệ giữa Chúa với các môn đệ lên một bậc: họ trở thành anh em của Ngài. Chúa đã gọi môn đệ “anh em”:
Và cuối cùng chúng ta thấy tiền bạc lại được sử dụng vào những mục đích xấu: Người ta đút tiền cho bọn lính canh để mua chuộc chúng. Tiền bạc lại một lần nữa làm xuyên tạc sự thật.
2. Vâng việc Chúa sống lại rõ ràng đã đem lại nhiều thay đổi thật là lùng:
+ Những người có liên hệ với Chúa sẽ không còn sợ hãi nữa. Với việc Chúa Phục Sinh những người phụ nữ đã biến nỗi “sợ hãi” khi chứng kiến việc Chúa chịu nạn chịu chết, sang lòng “kính sợ” trước quyền năng của Thiên Chúa. Lòng “kính sợ” này đi kèm với niềm “vui mừng hớn hở”. Vâng đó là một kết quả hết sức bất ngờ đối với các bà đạo đức. Khi con người thực sự tin vào quyền năng Chúa, thì họ sẽ không còn “sợ hãi” bất cứ điều gì nữa, thậm chí họ còn có thể “vui mừng hớn hở” trong bất cứ tình huống nào, kể cả cái chết.
Một tu sĩ dòng tên thuật lại câu trả lời đầy xúc động sau đây của một thủy thủ sắp chết. Anh luôn sống đạo đức. Đây là điều hiếm ở nơi các thủy thủ, và trong buổi sáng hôm đó, anh nhận của ăn đàng. Buổi chiều, khi linh mục đến để gặp lại anh và thấy anh rất yếu, bèn hỏi:
- Con đã sẵn sàng cho chuyến đi lớn lao chưa?
- Thưa Cha, hoàn toàn sẵn sàng.
- Con không sợ ư?.
- Sợ? Con sợ ư? Nhưng tại sao lại sợ?
Và đặt tay lên ngực, nơi Chúa ngự đến buổi sáng, anh nói thêm:
- Hoa tiêu đã xuống thuyền, vậy con còn sợ gì nữa chứ?.
+ Chúa Giêsu Phục sinh đã gọi các môn đệ là “anh em” của Ngài. Sự Phục sinh của Chúa không những đã cứu chuộc loài người, trả lại cho loài người quyền làm con Thiên Chúa, lại còn biến con người trở "anh em" với Chúa Giêsu! Đây là một hồng ân thật cao cả lớn lao hơn tất cả những hồng ân khác.
Một người hát thánh ca rất nổi tiếng của Mỹ được mời lên một con tàu chở khách, để hát cho những hành khách trên tàu nghe.
Đêm đó, tất cả những hành khách tập hợp trên boong tàu để thưởng thức tiếng hát rất hay của anh.
Tiếng hát của anh ta làm tất cả khán giả rung động tâm hồn. Khi anh ta vừa hát xong, thì một ông khách cao to, da đen bước đến bên cạnh anh hỏi:
- Xin hỏi, trước đây anh đã từng đầu quân ở Bắc Mỹ phải không? Anh có còn nhớ vào một đêm trăng sáng năm 1862, anh đứng gác trên một vọng gác không?
- Tôi nhớ. Anh ta đáp. Nhưng trong lòng hơi lo lắng vì không hiểu ý của ông ta muốn gì.
- Phần tôi, tôi còn nhớ rất rõ. Người đó nói. Lúc đó tôi đang ở bên đối địch với anh. Tôi nhìn thấy anh đứng trên vọng gác. Anh ở chỗ sáng. Tôi ở trong tối, nhất cử nhất động của anh tôi đều thấy rõ. Khi tôi định lên đạn, thì nhìn thấy anh đang chuẩn bị cất tiếng hát. Thật lòng tôi muốn bắn anh ngay nhưng tự nhiên có cái gì đó cản lại, chờ cho đến khi anh hát xong thì tôi sẽ bắn. Bài hát hôm đó cũng đó cũng chính là bài hát anh vừa mới hát. Những lời trong bài hát ấy đã khiến tôi rất xúc động. Thế là tôi không còn can đảm để có thể bắn anh nữa”.
Nghe tới đây, người hát thánh ca không cầm được nước mắt. Anh giang rông hai cánh tay ôm chầm láy ông khách.
Một bài hát đã đánh đổi được một mạng người, làm cho kẻ thù trở thành bạn bè. Việc đó quả là một điều kì diệu.
Trên chiến trường trước kia, họ là kẻ thù của nhau, nhưng bây giờ họ đã trở thành bạn bè.
Việc Chúa Phục sinh đã làm cho các môn đệ và cả chúng ta trở thành anh em của Ngài. Đây là một hồng ân. Hãy tạ ơn Thiên Chúa và Chúa Giêsu muôn đời.
Lạy Chúa, xin làm cho tâm hồn chúng con tràn ngập niềm vui của những người được Chúa cứu chuộc, để chúng con biết đem sinh khí đến cho những người đang tuyệt vọng, đem nụ cười đến cho kẻ đang khóc than, làm tươi trẻ những tâm hồn héo úa, dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, xây dựng nên một thiên đàng của Chúa trên trần thế hôm nay. Amen.
THỨ BA BÁT NHẬT PHỤC SINH
Ga 20,11-18
Bà Maria Mađalêna đi báo cho các môn đệ:
"Tôi đã thấy Chúa", và bà kể lại những điều Người đã nói với bà."
(Ga 20,18)
1. Việc Phục Sinh của Chúa Giêsu đã biến đổi hẳn ý nghĩ và tình cảm của con người trước cái chết. Trường hợp bà Maria Mađalêna là một thí dụ. Khi thấy xác Chúa không còn ở trong mồ, bà buồn, bà khóc. Nhưng rất may Chúa đã hiện ra với bà, gọi tên bà và bà đã nhận ra Chúa. Mọi sự thay đổi bắt đầu từ đây.
Người ta kể khi thấy chồng gần đất xa trời, bà De Gaulle cho gọi một nhân viên mai táng đến, nhờ ông tìm cho người chồng sắp quá cố của bà là Tổng Thống Charles De Gaulle đã về hưu một nơi an nghỉ cuối cùng. Người này thân hành chở bà đến một sườn đồi. Trước mặt là một thung lũng tuyệt đẹp. Ông nói:
- Đây là nơi an nghỉ rất xứng đáng cho người chồng vĩ đại của bà, và cũng chỉ tốn 200.000 francs. (Một số tiền rất lớn...nếu tính theo thời giá hôm nay thì khoảng gần 5 tỷ đồng VN)
Trong lúc bà còn đang phân vân, ông ta nói tiếp:
- Ông nhà thật xứng đáng được hưởng sự ưu đãi đó.
Vừa nghe tới đó bà vội vàng đáp lại một lời làm cho ông cụt hứng:
- Nhưng ông ấy chỉ cần 3 ngày thôi mà!(Góp nhặt)
(Ý bà muốn nói Chúa Giêsu chỉ cần ngôi mộ có ba ngày thôi cho nên đâu cần phải quá tốn phí cho một thi hài, dù thi hài đó là thi hài của một vị tổng thống!)
2. Phải nói là tình cảm của Maria Mađalêna đối với Chúa Giêsu thật hết sức đậm đà: Khi không thấy xác Chúa Giêsu, bà khóc. Cả thế giới này không còn một ý nghĩa gì đối với bà nữa. Thiên thần hiện ra bà coi như không! Chính Chúa Giêsu ở trước mặt mà bà cũng tưởng là người giữ vườn. Nhưng rồi khi bà nhận ra Chúa, bà đã vui mừng hớn hở chạy đi báo tin cho mọi người ngay. Tóm lại, đối với Maria, Chúa Giêsu là tất cả. Mất Chúa Giêsu cả thế giới như sụp đổ. Gặp lại Chúa là có lại tất cả.
Người ta kể lại vào hồi Đức Quốc xã giam giữ những người có đạo, có một người đàn bà rất nổi tiếng tên là Archengette. Bà Archengette bị giam cùng với hàng trăm ngàn người khác. Có lần bà đã kể lại: Một buổi chiều kia, một cô bạn tù ghé vào tai tôi se sẽ hỏi:
- Chị có biết ngày mai là ngày gì không? Mai là lễ Phục Sinh đấy chị ạ.
Tôi ngạc nhiên nói bâng quơ:
- Đã đến lễ Phục Sinh rồi sao?
Lễ Phục Sinh là ngày lễ trọng, và là ngày vui của toàn thể nhân loại, vì Chúa Giêsu đã sống lại, để mở cánh cửa cuộc sống trường sinh cho con người, thế mà chúng tôi lại bị giam giữ trong căn nhà tù này, xa cách mọi người thân yêu, cô đơn, đau khổ...Tôi đi đi lại lại trong căn nhà chật hẹp, hôi hám. Đầu óc thì còn đang theo đuổi những ý tưởng vừa mới xuất hiện. Mặt mũi buồn so.
Bỗng tôi nghe thấy có tiếng kêu lớn, phá tan bầu không khí im lặng đang nặng nề đè trên chúng tôi. Tiếng kêu ấy thế này: “Chúa Kitô đã sống lại”.
Tôi kinh ngạc nhìn cô bạn tù. Đôi mắt cô long lanh. Hai hàng giọt lệ đang từ từ chảy ra, để cho chúng lăn trên đôi gò má cao nhô lên giữa khuôn mặt xanh xao gầy ốm của cô. Thế rồi bỗng khuôn mặt ấy tươi hẳn lên.
Tiếp đó từ trong các phòng khác của nhà tù, tôi đều nghe thấy tiếng trả lời, tưởng như tiếng vang vọng không ngừng:
“Chúa Kitô đã sống lại... Chúa Kitô đã sống lại”.
Những tiếng phát ra từ trong các phòng nhà tù đó, đã trở thành một điệp khúc như của một bài ca chiến thắng.
Bọn lính canh tù bực tức đến tột độ. Gương mặt của chúng hằm hằm giận dữ. Rồi chúng mở cửa phòng chúng tôi đang ở, nhào vào, lôi cô gái bạn tù ốm yếu của chúng tôi đi...
Bốn ngày sau, cô được trả trở về phòng với chúng tôi. Cô bé của chúng tôi thật là đáng thương. Đôi má của cô đã hóp, sau 4 ngày lại càng hóp thêm. Gương mặt xanh như tầu lá. Lúc sau nhờ cô kể lại chúng tôi mới biết, cô đã bị nhốt trong một căn phòng chật hẹp tối tăm và phải nhịn đói suốt 4 ngày nay. Tôi còn nhớ thật rõ lúc chạy ra cửa để dìu cô vào phòng, cô thều thào nói với tôi:
- Chị ơi, em đã loan báo sứ điệp Phục Sinh trong nhà tù này. Tất cả mọi chuyện khác đều không quan trọng.
Nếu ngày xưa đã có những người như Mađalêna, đã có cô bé can đảm dám loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho mọi người thì ngày nay cũng phải có những người can đảm như Maria Mađalêna, như cô bé trong nhà tù! Thế giới hôm nay, một thế giới càng ngày càng trở nên xa lạ với Chúa Giêsu đang cần những con người như thế.
Lạy Chúa, giữa thế giới đầy bận rộn và náo nhiệt này, xin cho chúng con biết lắng tai nghe tiếng Chúa. Xin hãy mở rộng đôi tay còn khép kín của chúng con, để chúng con biết mau mắn thi hành “sứ điệp” Chúa gửi đến cho chúng con trong cuộc sống hằng ngày. Amen.
THỨ TƯ BÁT NHẬT PHỤC SINH
Lc 24,13-35
"Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người,
nhưng Người lại biến mất." (Lc 24,31)
1. Sau Mátthêô và Gioan, đến phiên thánh Luca tường thuật. Tin Mừng của Luca được gọi là “Tin Mừng của người môn đệ”.
Có hai môn đệ, nhưng Luca chỉ nêu tên một người là Clêôpha, người kia không tên, có lẽ Luca muốn độc giả hiểu người vô danh ấy là bất cứ môn đệ nào của Chúa. Độc giả cũng có thể coi mình là chính môn đệ ấy để được chia sẻ với người môn đệ này những cảm nghiệm thật thú vị trên đường.
Hai môn đệ này là những người đã có một thời theo Chúa. Thế nhưng, cái chết của Chúa đã khiến họ hoang mang và bỏ cuộc. Họ đang cùng nhau trên đường trở về quê quán của mình.
Hai môn đệ đã bỏ Chúa nhưng Chúa không bỏ họ. Ngài vẫn đồng hành với họ dù họ không nhận ra Ngài.
Để làm sống lại niềm tin nơi hai môn đệ này, Chúa Giêsu đã dùng hai phương thế: Thánh Kinh và việc “bẻ bánh”. Thánh Kinh và Bí tích Tạ ơn đã giúp họ tìm lại được niềm tin và cuộc đời của họ đã được đổi mới.
Như vậy, chúng ta có thể nói: Ý chính của bài tường thuật này là: Chúa Giêsu Phục Sinh vẫn đang sống, Ngài ở kề bên chúng ta. Hai nơi thuận tiện nhất để chúng ta nhận ra Ngài là Thánh Kinh và Thánh Lễ.
2. Khi không nêu tên người môn đệ kia, thánh Luca dường như muốn cho chúng ta hiểu rằng, mỗi người chúng ta là người môn đệ ấy. Hãy đặt mình vào con người của người môn đệ ấy để cảm nghiệm được niềm vui khi nhận ra Chúa Phục Sinh.
Khi đức tin của chúng ta bị lung lay, bị thử thách, chúng ta hãy chạy đến với Thánh Kinh, Bí tích Thánh Thể, cộng đoàn sống đức tin để xây dựng lại. Thánh Kinh, Thánh Thể và cộng đoàn đức tin là ba cột trụ vững chắc để nâng đỡ niềm tin của chúng ta.
Jacques Loew là người phu khuân vác ở bến tàu. Anh là đảng viên của đảng Lao Động Thụy Sĩ. Bỗng một hôm anh nảy ra ý định thử đi tìm hiểu điều mà những người Công giáo vẫn tin tưởng là có thực đó là “có một Thiên Chúa”. Anh muốn biết điều đó có thực hay không? Muốn là làm. Anh tìm đến một dòng khổ tu và nói rõ ý định của mình với cha bề trên của dòng. Với nụ cưới thật tươi trên môi, cha bề trên rất cảm động nói với anh những lời này:
- Anh đã đi đúng đường rồi đó, anh cứ tiếp tục đi đi. Anh hãy coi tu viện đây như là nhà của anh.
Rồi cha bề trên giơ tay chỉ nhà nguyện và nói:
- Đây là nhà nguyện, nếu anh muốn xin mời anh vào.
Lúc ấy nhà nguyện đang có Thánh lễ. Jacques Loew đi vào. Anh quì xuống như bao người khác. Rồi anh cứ quì mãi trong khi những người khác đã thay đổi vị thế, khi ngồi, khi đứng. Đến lúc đã mỏi gối, anh ngồi lên thì lúc đó lại là lúc mọi người khác trong nhà nguyện đều quì sụp xuống vì đó là lúc truyền phép Mình Máu Thánh Chúa.
Đến lúc rước lễ, hầu như tất cả đều lên rước lễ, trừ anh thì cứ ngồi lại tại chỗ. Anh nghĩ thầm trong lòng: Mình thật không giống ai.
Ngồi ngó những người lên rước lễ đi xuống, anh nhận ra có rất nhiều khuôn mặt khác nhau: người học thức, kẻ có địa vị cao ngoài xã hội, và dĩ nhiên cũng có cả những người bình dân nữa. Jacques Loew tự hỏi: Sao những người này mê tín thế? Ăn miếng bánh nhỏ bằng đồng xu kia để làm gì? Họ có điên không?
Nhưng rồi ý tưởng trên đây của Loew đã bị một tư tưởng khác tấn công: không lẽ tất cả những người học thức, có địa vị ngoài xã hội hơn mình, họ lại điên, còn mình thì lại khôn sao? Hay là ngược lại, tôi điên?
Thế rồi, Jacques Loew bắt đầu đi tìm hiểu về phép Thánh Thể với cha bề trên. Sau một thời gian, anh đã tâm sự:
"Bây giờ tôi có thể nói như hai môn đệ Emmau: "Tôi nhận ra Ngài lúc Ngài bẻ bánh". Chính lúc bẻ bánh chúng tôi mới biết là chúng tôi là anh chị em với nhau trong Chúa Kitô. Có những người mà trước đó gặp ở ngoài đường, chúng tôi dửng dưng như người xa lạ, nhưng trên bàn tiệc thánh, chúng tôi thấy gần gũi với nhau. Tôi gặp Chúa Kitô nơi họ, cũng như họ gặp Chúa Kitô nơi tôi, bởi chúng tôi cùng tin Tin Mừng, cùng lãnh nhận một của ăn là Mình và Máu Chúa Kitô". Sau này Jacques Loew đã trở thành một linh mục. Ngài đã hoạt động rất tốt trong phong trào Linh Mục thợ.
Lạy Chúa,
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con cần có Chúa hiện diện
để con khỏi quên Chúa.
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con yếu đuối,
con cần Chúa đỡ nâng để con khỏi ngã quỵ.
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn.
Cuộc đời qua đi, vĩnh cửu gần đến.
Con cần được thêm sức mạnh
để khỏi ngừng lại dọc đường.
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con cần Chúa trong đêm tối cuộc đời.
Con không dám xin những ơn siêu phàm,
chỉ xin ơn được Ngài hiện diện. Amen.
THỨ NĂM BÁT NHẬT PHỤC SINH
Lc 24,35-48
"Chính anh em là chứng nhân về những điều này."
(Lc 24,48)
1. Thánh Luca tường thuật tiếp về cuộc hiện ra lần thứ hai của Chúa Giêsu Phục Sinh với các môn đệ của Ngài. Lần này Chúa hiện ra cho các tông đồ ở Jêrusalem:
Trong lúc hai môn đệ vừa trở về từ Emmau đang kể lại cho nhóm mười một việc Chúa hiện ra với các ông ấy như thế nào thì Chúa Giêsu hiện đến.
Ngài chứng minh cho các ông hiểu sau khi sống lại, Ngài vẫn là một như trước: cũng có chân tay xương thịt, và cũng biết ăn uống.
Ngài dùng Thánh Kinh để cắt nghĩa.
Ngài bảo các ông nhân danh Ngài “rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội.”(Lc 24,47)
2. “Chính Thầy đây. Hãy sờ xem: Ma đâu có xương thịt như Thầy có đây”(Lc 24,39). Chúa Giêsu Phục Sinh đang sống và hiện diện ngay trong cuộc sống của những người tin Chúa. Đây không phải chỉ là một kiểu nói, không phải chỉ là niềm tin, mà là sự thật. Chúa Giêsu hôm qua, hôm nay và mãi mãi là một. Chúng ta phải xác tín thật mạnh về sự thật đó để rồi từ đó chúng ta xây dựng nên một xã hội huynh đệ hơn.
Ngày kia, có một đan viện phụ Công giáo tìm đến một vị tu sĩ Ấn giáo tại chân núi Himalaya. Với tất cả ưu tư phiền muộn, vị đan viện phụ trình bày về tình trạng bi đát của tu viện do ông điều khiển. Trước kia tu viện này là một trong những trung tâm Công giáo thu hút không biết bao nhiêu là khách hành hương hằng năm. Nhà nguyện lúc nào cũng vang lên tiếng ca hát của các tu sĩ và giáo dân đến từ khắp nơi. Các căn phòng lúc nào cũng có người ở.
Nay tu viện gần như trở thành một ngôi chùa trống vắng. Làn sóng những người trẻ tìm đến tu viện hầu như không còn. Nhà nguyện vắng tanh không ai lui tới. Một số nhỏ tu sĩ còn lại thì sống trong uể oải, buông thả…Vị viện phụ muốn hỏi vị tu sĩ Ấn giáo xem đâu là nguyên nhân đưa đến tình trạng này? Phải chăng vì một tội lỗi tày đình nào đó mà bàn tay Chúa đã đè nặng trên cộng đoàn?
Sau khi nghe viện phụ kể lể, vị tu sĩ Ấn giáo mới ôn tồn nói:
- Cái tội đã và đang xảy ra trong cộng đoàn: đó là tội vô tình.
Vị tu sĩ Ấn giáo mới giải thích như sau:
- Đấng Cứu Thế đã cải trang thành một người giữa chư vị, nhưng chư vị đã vô tình không nhận ra Ngài.
Nhận được lời giải thích của vị tu sĩ Ấn giáo, đức viện phụ hối hả quay trở về tu viện, trong lòng ông không khỏi miên man đặt câu hỏi: “Ai là người được Đấng Cứu Thế đang mượn hình dáng để ở lại với loài người?”. Cả tu viện bây giờ không có đến 10 người. Đấng Cứu Thế ở với ai đây? Chắc không thể là mình, vị tu viện trưởng nghĩ như thế vì ông biết mình là một con người tội lỗi yếu hèn. Nhưng ông cũng biết rõ các tu sĩ khác trong tu viện. Cũng chẳng có người nào toàn vẹn, xứng đáng để Đấng Cứu Thế mượn lấy hình dáng của họ. Thế nhưng, ông vẫn tin lời của vị tu sĩ Ấn giáo là Đấng Cứu Thế đang cải trang thành một người nào đó trong cộng đoàn.
Với niềm xác tín ấy, ông qui tụ tất cả các tu sĩ lại và loan báo cho mọi người biết rằng, Đấng Cứu Thế đang cải trang thành một người trong nhà. Nghe tin ấy, đôi mắt mỗi người đã mở to và ai nấy bắt đầu dò xét từng người trong nhà. Chỉ có điều chắc chắn là: bởi vì Đấng Cứu Thế đã cải trang cho nên không ai có thể nhận ra Ngài được. Thành ra mỗi người trong nhà đều có thể là Đấng Cứu Thế. Và từ đó mọi người sống với nhau như chính mình đang sống với Đấng Cứu Thế. Rồi chẳng mấy chốc bầu khí yêu thương huynh đệ, sức sống và niềm vui đã trở lại với tu viện. Cuộc sống thánh thiện như thế không mấy chốc được đồn thổi đi khắp nơi. Và các tín hữu lại từ khắp nơi trở lại tu viện để tĩnh tâm và cầu nguyện. Nhiều người trẻ cũng đến gõ cửa nhà dòng.
3. Vâng! Nếu người người ai cũng nhìn nhau và đối xử với nhau như đối xử với chính Chúa Giêsu, thì có lẽ hận thù, chiến tranh sẽ không còn có lý do để tồn tại trên mặt đất này. Sự vắng bóng Thiên Chúa trong xã hội, hay đúng hơn sự vô tình của con người làm cho họ không nhận ra Thiên Chúa trong cuộc sống: đó là đầu mối của mọi thứ bất hoà, chiến tranh xáo trộn trong xã hội.
Kinh nghiệm cho chúng ta thấy khi con người chối bỏ Thiên Chúa thì cũng có nghĩa là họ sẽ chối bỏ con người.
Con người là hình ảnh cao quý của Thiên Chúa. Con Thiên Chúa đã trở thành con người và tự đồng hóa với con người. Từ nay, con người chỉ có thể nhận ra Ngài trong mỗi người anh em của mình. Thánh thiện hay tội lỗi, giàu sang hay nghèo hèn, bạn hữu hay thù địch, mỗi một con người đều là hình ảnh của Thiên Chúa và chỉ có xuyên qua tình yêu đối với con người, con người mới có thể đến với Thiên Chúa.
THỨ SÁU BÁT NHẬT PHỤC SINH
Ga 21,1-14
"Đức Giêsu đến, cầm lấy bánh trao cho các ông;
rồi cá, Người cũng làm như vậy." (Ga 21,13)
Bài Tin Mừng hôm nay là phần cuối của Tin Mừng Gioan. Gioan viết để tường thuật về việc Chúa hiện ra với các tông đồ trên bờ biển hồ Tibêria. Nhờ mẻ cá lạ mà các tông đồ nhận ra Chúa. Người đầu tiên nhận ra Chúa là Gioan, và kế đến là các tông đồ khác. Cuối cùng, là một bữa ăn thân mật bên bờ hồ sau khi Thầy trò đã nhận ra nhau.
1. Có một chi tiết nhỏ nhưng khá thú vị nếu chúng ta để ý: Đó là khi hiện ra với các môn đệ sau khi Phục Sinh, Chúa Giêsu luôn hiện ra với các ngài trong những khung cảnh của cuộc sống đời thường. Chắc là Chúa phải có một dụng ý khi làm như thế. Thí dụ trong bài Tin Mừng hôm nay, tuy Chúa có hẹn với các môn đệ của Chúa là Ngài sẽ gặp họ ở Galilê, nhưng Chúa không xác định rõ nơi chốn. Rõ ràng trước đó các môn đệ đã tụ tập nhau lại và họ chờ đợi Chúa. Thế nhưng, Chúa đã không đến với họ lúc họ chờ đợi mà lại đến với họ lúc họ cùng nhau đi làm việc.
Rất nhiều người trong chúng ta tưởng rằng, muốn được gặp Chúa thì chúng ta phải đi tới nơi nọ nơi kia, phải đến Đền thờ nọ Đền thờ kia. Việc Chúa hiện ra với các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay có lẽ phải là cơ hội cho chúng ta suy nghĩ lại. Chúng ta có thể gặp được Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.
Nhà văn Julia A. Manhan kể lại rằng: Ngày nọ, có một cậu bé muốn gặp Chúa. Cậu nghe nói rằng, phải qua một cuộc hành trình dài mới đến được nơi Chúa ở. Vì thế, cậu bé chuẩn bị những chiếc bánh ngọt và một hộp 6 lon nước cho vào cái túi nhỏ rồi lên đường.
Khi cậu đi được vào khoảng ba dãy phố, cậu gặp một bà lão. Bà cụ ngồi trong công viên mắt đăm đăm nhìn những con chim bồ câu. Cậu ngồi xuống cạnh bà và mở túi ra. Chưa kịp đưa nước lên uống thì cậu thấy bà lão có vẻ đói bụng. Cậu lấy chiếc bánh mời bà lão. Bà nhận chiếc bánh với đầy vẻ biết ơn và mỉm cười với cậu. Nụ cười của bà đẹp đến nỗi cậu bé muốn được nhìn lại lần nữa. Thế là cậu đưa thêm cho bà lon nước. Bà lại mỉm cười với cậu. Cậu bé rất thích thú.
Hai bà cháu ngồi với nhau ở đó suốt cả buổi chiều, ăn uống và mỉm cười, nhưng không ai nói lời nào.
Trời tối, đứng lên chuẩn bị ra về, nhưng vừa đi được một bước, cậu quay lại, chạy về phía bà lão và ôm bà. Bà đã tặng lại cậu bé nụ cười đẹp chưa từng thấy.
Một lát sau cậu về đến nhà. Khi cậu bé vừa mở cửa, mẹ cậu đã sửng sốt khi nhìn thấy niềm vui rạng rỡ trên con mình.
Mẹ cậu hỏi:
- Hôm nay có chuyện gì mà con hạnh phúc thế?
Cậu trả lời:
- Con đã ăn bữa trưa với Chúa!
Bà chưa kịp nói gì thì cậu bé thêm:
- Mẹ biết không, Chúa có nụ cười tuyệt đẹp mà con chưa từng thấy!
Trong khi đó, bà lão trở về nhà cũng đem theo một niềm hạnh phúc. Con trai bà cụ rất ngạc nhiên khi thấy vẻ bình an thanh thản trên khuôn mặt mẹ, anh hỏi:
- Mẹ ơi, hôm nay con có điều gì làm mẹ hạnh phúc thế?
Bà lão đáp:
- Mẹ ăn bánh trong công viên với Chúa!
Trước khi cậu con trai kịp nói thì bà thêm:
- Con biết không, Chúa trẻ hơn mẹ tưởng nhiều!
2. Con người ai cũng mong muốn được hạnh phúc. Nhưng nhiều khi hạnh phúc chỉ như một chiếc bóng. Chúng ta mãi mê chạy theo một chiếc bóng mà quên rằng, niềm vui đích thực, hạnh phúc đích thực lại nằm ngay trong chính tầm tay của chúng ta. Câu chuyện gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và các môn đệ hôm nay cho chúng ta thấy điều đó.
Tin Mừng thuật lại, các môn đệ đã thả lưới thâu đêm mà không bắt được con cá nào. Tình cờ có một người lạ mặt xuất hiện bảo họ hãy thả lưới bên phải và mẻ cá nhiều đến nỗi lưới muốn rách và thuyền muốn chìm. Chúa Giêsu đến với các môn đệ như một người vô danh, không kèn, không trống, không một biểu dương rầm rộ nào. Ngài đến một cách kín đáo nhẹ nhàng. Ngài hiện diện một cách âm thầm và vô danh như chính sinh hoạt thường nhật của chúng ta. Chúa Giêsu đã chọn cảnh sống thường ngày của con người để hiện ra với các môn đệ. Ngài đến vào giữa lúc các ông đang thả lưới. Ngài tham dự vào bữa ăn của các ông. Ánh lửa mà Chúa Giêsu đã đốt lên bên bờ hồ Tibêria buổi sáng hôm đó đã soi sáng tâm hồn các môn đệ, để các ông hiểu rằng, Chúa Kitô Phục Sinh đang có mặt trong từng phút, từng giây của cuộc sống con người và chỉ có sự hiện diện ấy mới có đủ sức biến những sinh hoạt tầm thường nhất của con người như làm việc, ăn uống, ngủ nghỉ trở thành những niềm vui đích thực trong cuộc sống.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin cho chúng con cảm nếm được niềm vui vì có Chúa luôn hiện diện với chúng con. Amen.
THỨ BẢY BÁT NHẬT PHỤC SINH
Mc 16,9-15
Người nói với các ông:
"Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ,
loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo."
(Mc 16,15)
1. Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe là phần cuối của Tin Mừng Marcô. Đoạn này có lẽ không phải do Marcô viết mà do một người nào đó viết thêm vào. Đây là một bản tóm lược 3 cuộc hiện ra của Chúa Giêsu sau khi Ngài từ cõi chết sống lại:
Chúa hiện ra cho Maria Mađalêna.
Chúa hiện ra cho hai môn đệ đi đàng Emmau.
Và Chúa hiện ra cho mười một tông đồ.
Đoạn Tin Mừng này nhấn mạnh:
- Thái độ không tin của các tông đồ: Không tin lời của Maria Mađalêna, cũng không tin lời của hai môn đệ Emmau.
- Chúa Giêsu khiển trách thái độ không tin ấy.
- Sau khi làm cho các ông tin, Chúa Giêsu sai các ông “đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho muôn dân”(Mc 16,15).
2. Các môn đệ lúc đầu đã không tin mặc dù đã nghe các phụ nữ kể lại việc Chúa Giêsu hiện ra. Các ông cũng vẫn không chịu tin khi nghe thêm hai môn đệ thuật lại cuộc gặp gỡ của họ với Đấng Phục Sinh. Phải đợi tới lúc Chúa đến thì các ông ấy mới tin. Xét như vậy thì chúng ta thấy đức tin không do suy luận, cũng không do có bằng chứng người ta kể lại, nhưng đức tin là việc Chúa làm, do Chúa ban.
Sau khi khiển trách các môn đệ về thái độ cứng lòng tin của họ, Chúa Giêsu đã củng cố lại lòng tin đó, rồi Ngài mới sai các ông đi rao giảng. Rao giảng là chia sẻ niềm tin của mình cho người chưa tin hay còn yếu đức tin. Vì thế, phải tin rồi mới đi rao giảng. Các môn đệ đã có đức tin rồi, nên Chúa tin tưởng trao phó trách nhiệm loan báo Tin Mừng của Chúa để họ loan báo lại cho những người khác.
Có một câu chuyện ngụ ngôn rất hay về vấn đề này. Chuyện kể rằng, sau khi chịu nạn chịu chết trên thập giá, Chúa Giêsu đã Phục Sinh trở về Thiên Đàng trong uy nghi hiển vinh. Dầu đã được vinh quang nhưng tay chân Ngài vẫn còn mang thương tích. Các thiên sứ hân hoan đón chào Chúa. Quang cảnh đang nhộn nhịp vui tươi thì bỗng có một thiên sứ đặt vấn đề:
- Chắc là Chúa đã phải chịu thống khổ vô cùng vì loài người dưới đó?
Chúa Giêsu đáp:
- Đúng vậy!
Thiên sứ hỏi tiếp:
- Có phải tất cả mọi người đều đã biết những gì Chúa làm cho họ không?
Chúa Giêsu trả lời:
- Chưa, chỉ mới có một số ít người biết mà thôi.
Thiên sứ hỏi tiếp:
- Thế thì Chúa làm gì để giúp cho mọi người được biết?
Chúa Giêsu đáp:
- Ta đã trao Phêrô, Giacôbê, Gioan và các đồ đệ của ta trách nhiệm đi nói với những người khác, rồi những người khác lại nói cho những người khác nữa, rồi cho những người này lại nói cho những người kia, cho đến lúc những người ở nơi xa xôi nhất trên địa cầu cũng đều được nghe.
Thiên sứ nhìn Chúa với vẻ nghi ngờ. Vị này đã quá hiểu rõ lòng dạ con người như thế nào, nên nói tiếp:
- Vâng, nhưng nếu như Phêrô, Giacôbê, Gioan và các môn đệ của Chúa quên đi thì sao? Hoặc nếu họ mệt mỏi không còn tha thiết gì đến việc loan báo nữa thì sao? Hay như những người ở thế kỷ 20 này không chịu thực hiện trọng trách việc thuật lại câu chuyện tình yêu của Chúa cho những người khác nữa thì sao? Liệu Ngài có lập một chương trình nào khác không?
Chúa Giêsu trả lời:
- Không! Ta không sắp đặt một chương trình nào khác. Ta đặt tin tưởng nơi họ.
Chúa vẫn tin tưởng nơi những ai tin ở Chúa.
3. Chúng ta cũng phải làm chứng cho Chúa trước mặt mọi người. Việc này phải được coi là một bổn phận khi chúng ta được Chúa thương nhận chúng ta làm con của Chúa qua Bí Rửa Tội.
Nhà văn hào Tolstoi của Nga đã ghi lại trong một câu chuyện ngắn một cuộc thoại của ba người khách bộ hành như sau:
Mệt mỏi vì đường xa, ba người bộ hành đã dừng lại nghỉ chân bên một dòng suối. Bên cạnh dòng suối trong mát, mỗi người cảm thấy sảng khoái và hứng khởi nên họ nói lên cảm tưởng của mình về lợi ích của nó.
Người thứ nhất lên tiếng: "Còn gì sung sướng bằng gặp được một dòng suối mát bên vệ đường! Nước suối trong vắt không những làm cho chúng ta được tươi mát, mà còn mời gọi chúng ta sống thành thật với nhau".
Người bộ hành thứ hai góp ý: "Dòng suối chảy như không ngừng muốn nói với tôi rằng: “Hỡi loài người, hãy làm việc! Hãy làm việc không ngừng để làm cho thế giới được tốt đẹp hơn".
Sau một phút trầm ngâm, người bộ hành thứ ba mới thốt lên: "Những gì các bạn vừa phát biểu đều đúng cả. Nhưng còn có một điều quan trọng hơn nữa tôi muốn chia sẻ với các bạn. Các bạn hãy nhìn kìa, dòng suối này chảy không ngừng. Nó ban phát không ngừng, nó ban phát cho tất cả mọi người mà không đòi hỏi một sự đáp trả nào... mỗi người chúng ta hãy sống cao thượng như thế".
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã sống lại, xin phục sinh tâm hồn con để chúng con đem niềm vui Phục Sinh đến cho mọi người. (Epphata)
bài liên quan mới nhất
- Thứ Bảy tuần 18 Thường niên năm II (Mt 17,14-21)
-
Thứ Tư tuần 18 Thường niên năm II (Mt 15,21-28) -
Chúa nhật 5 mùa Chay năm C (Ga 8,1-11) -
Chúa nhật 4 mùa Chay năm C - Trở về (Lc 15,1-3.11-32) -
Chúa nhật 3 mùa Chay năm C - Hãy sám hối (Lc 13,1-9) -
Chúa nhật 2 mùa Chay năm C - Biến đổi (Lc 9,28b-36) -
Chúa nhật 1 mùa Chay năm C (Lc 4,1-13) -
Chúa nhật 8 Thường niên năm C (Lc 6,43-49) -
Chúa nhật 7 Thường niên năm C -
Chúa nhật 6 Thường niên năm C (Lc 6,17.20-26)
bài liên quan đọc nhiều
- Thứ Sáu tuần thánh - Thương khó (Ga 18,1-19,42)
-
Thứ Bảy tuần thánh - Ngôi mộ trống (Mc 16,1-8) -
Thứ Năm tuần thánh (Ga 13,1-15) -
Thứ Tư Lễ Tro - Giữ chay và kiêng thịt (Mt 6,1-6.16-18) -
Chúa nhật 5 Thường niên năm A -
Ngày 25 tháng 12: Chúa Giáng sinh (Lễ Đêm, Rạng Đông, Ban Ngày) -
Chúa nhật lễ Mình Máu Thánh Chúa năm A -
Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa - Năm A -
Bài giảng lễ Mồng Hai Tết -
Ngày 22/07: thánh nữ Maria Mađalêna, lễ kính (Ga 20,1-2.11-18)