Suy niệm Lời Chúa hằng ngày: Tuần XXII Mùa Thường Niên
TUẦN XXII MÙA THƯỜNG NIÊN
CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN - NĂM B
Mc 7,1-8.14-15.21-23
"Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa,
mà duy trì truyền thống của người phàm".
(Mc 7,8)
Ðoạn Tin Mừng hôm nay khởi đi từ một câu chuyện nhỏ, chuyện những người Biệt Phái và luật sĩ thắc mắc về việc các môn đệ của Chúa không rửa tay theo tập tục của tiền nhân trước khi ăn. Qua câu trả lời, Chúa Giêsu đã muốn cho mọi người hiểu rằng cuộc sống có những việc còn quan trọng hơn những việc có tính cách tập tục và bên ngoài nhiều. Và cũng nhân câu chuyện này Chúa còn nói thêm về việc phải sống như thế nào mới là cuộc sống đẹp lòng Chúa và mang lại cho cuộc sống đó nhiều ý nghĩa hơn. Chúng ta tự hỏi Chúa muốn cuộc sống phải như thế nào?
I. Điều Chúa muốn chắc chắn không phải là cuộc sống sống giả tạo, cuộc sống không có sự ăn khớp giữa bên ngoài với bên trong của một con người.
Trong một chương trình buổi tối trên một kênh truyền hình Hoa Kỳ, một cô gái điếm đã được mời đến phát biểu ý kiến dựa theo một số câu hỏi của những phóng viên. Cô trang điểm diêm dúa và mặc một chiếc váy cực ngắn. Cô đã tỏ ra không những bình tĩnh, mà còn khiêu khích trước những câu hỏi của phóng viên.
Chợt có một phóng viên nhìn thầy trên cổ của cô có đeo một sợi dây chuyền vàng với một cây Thánh giá thật đẹp, anh ta liền thay đổi một đề tài. Anh ta hỏi cô: "Tôi thấy cô đeo Thánh giá trên cổ, hẳn cô là người có Tôn giáo".
Khán giả thấy rõ sự bối rối xuất hiện trên khuôn mặt cô, vì đây là vấn đề mà cô chưa bao giờ nghĩ tới. Sau một hồi do dự, cô trả lời: "Tôi không theo đạo nào cả".
Người phóng viên hỏi dồn: "Vậy tại sao cô lại mang Thánh giá trên người?".
Cô thinh lặng cúi xuống sàn nhà một hồi lâu, rồi trả lời: "Lúc nhỏ tôi có đạo, nhưng đó là chuyện xưa rồi".
Một con người không còn tin Chúa nhưng vẫn đeo Thánh Giá của Chúa. Rõ ràng đó là việc không hợp lý tí nào. Cuộc sống như thế đáng cho mọi người gọi là cuộc sống giả hình. Và một cuộc sống với những phẩm chất giả tạo như thế nhất định sẽ chẳng đem lại niềm vui nào cho những người sống cuộc sống đó. Chính vì thế mà trong bài tin mừng hôm nay Chúa đã kịch kiệt lên án cuộc sống như thế. "Ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: "Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta."(Mc 7,7)
Ngày xưa thì như thế còn hôm nay thì sao?
Chắc anh chị em đã thấy ngày hôm nay người ta nói nhiều tới căn bệnh thành tích, căn bệnh phát sinh từ cuộc sống hình thức giả tạo mà ra. Bao nhiêu hệ lụy xấu xa đã phát sinh từ căn bệnh này thì mọi người chúng ta đã biết. Sống như thế có khác gì ngày xưa và nếu cứ sống mãi như thế thì chắc chắn cuộc sống của chúng ta sẽ không thể tốt đẹp mà ngược lại nó sẽ là một cuộc sống gây nên nhiều đau khổ.
Rồi nhìn vào cuộc sống của thế giới hôm nay chúng ta thấy cũng chẳng kém gì. Đây là những nhận được Internet truyền đi khắp nơi như một hệ lụy của những lối sống mà con người hôm nay đang sống. Bên ngoài thì xem ra thật tốt nhưng nội dung thì có nhiều phải suy nghĩ. Tác giả gọi những nhận xét này là: "Những nghịch lý của thời đại chúng ta"
Chúng ta có những tòa nhà cao hơn, nhưng tư cách những người cư ngụ trong đó thì lại nhỏ hơn. Những con đường cao tốc rộng hơn, nhưng quan điểm của con người thì lại hẹp hòi hơn.
Chúng ta nói quá nhiều, yêu quá ít và ghét quá thường xuyên.
Chúng ta đã đi lên mặt trăng và quay trở về, nhưng lại cảm thấy phiền hà khi băng qua đường để gặp một người hàng xóm mới dọn đến.
Chúng ta làm trong sạch không khí, nhưng lại gây ô nhiễm tâm hồn của nhau.
Chúng ta viết lách nhiều hơn, nhưng học hành thì ít hơn.
Chúng ta dự tính nhiều hơn, nhưng thực hiện ít hơn. Chúng ta chỉ biết vội vã, mà không biết chờ đợi.
Chúng ta có thu nhập cao hơn, nhưng đạo đức thì lại thấp hơn.
Chúng ta trở nên thừa về số lượng, nhưng lại quá thiếu về chất lượng.
Đây là thời cơ có tới hai nguồn thu nhập từ cả hai vợ chồng trong gia đình, nhưng ly dị thì nhiều hơn; Thời của những căn nhà sang trọng, nhưng tổ ấm thì tan vỡ nhiều hơn.
Vâng nếu cuộc sống chỉ là như thế thì thật là tủi nhục cho Thiên Chúa khi Chúa đã cho chúng ta được làm người .
II. Vậy chúng ta phải sống như thế nào mới đẹp lòng Chúa?
Xin muợn một câu truyện để trả lời. Truyện kể rằng có hai nhà sư, một già một trẻ, cùng nhau đi xuống núi. Dọc đường các ngài gặp một cô thiếu nữ rất đẹp đứng bên bờ một vũng nước sâu. Thiếu nữ muốn đi qua mà nhưng không sao đi được. Thấy vậy, một nhà sư già liền bế thiếu nữ lên và đi qua vũng nước và bỏ cô ở phía bên kia. Rồi hai người tiếp tục cuộc hành trình. Trở về gần đến chùa, nhà sư trẻ trách bạn: "Sao anh lại bế một thiếu nữ như thế ?". Nhà sư già trả lời: "Tôi đã để cô ta lại bên vũng nước, còn anh, sao anh còn mang cô ta về đến tận chùa"
Câu chuyện ý nhị trên đã minh hoạ rõ nét ý hai lối thể hiện cuộc sống của mình: Một lối sống đạo theo hình thức và một lối sống đạo theo nội tâm. Nhà sư trọng hình thức không dám động đến thiếu nữ, nhưng tâm hồn ông lại nặng vấn vương. Thế mà ông vẫn cứ yên tâm cho rằng mình đã giữ trọn luật giới sắc. Ông tự hào về mình và trách móc bạn đã vi phạm luật tu hành.
Những người Biệt phái và Luật sĩ trong đạo Do thái xưa cũng giữ đạo theo hình thức như thế. Họ rất trọng những luật lệ theo hình thức bề ngoài. Họ cho rằng giữ những hình thức bề ngoài là đủ. Đối Với họ, đạo là lề luật. Giữ trọn lề luật là giữ đạo. Đặc biệt là luật thanh sạch.
Đức Giêsu đã trách họ là giả hình. Họ chỉ lo giữ sự trong sạch bề ngoài mà không lo giữ sự trong sạch bề trong. Họ lo rửa tay chân mà không lo rửa lương tâm. Họ sợ tiếp xúc với người bệnh nhưng họ vẫn ấp ủ những ý đồ xấu xa trong tâm hồn. Có lần Đức Giêsu đã sánh ví họ với những mồ mả, bên ngoài thì tô vôi sơn phết đẹp đẽ, nhưng bên trong thì đầy xương cốt hôi hám, xấu xa.
Đạo Chúa không phải là hình thức. Đạo Chúa là tình yêu. Tình yêu chân thật phát xuất từ đáy lòng. Giữ hình thức mà không có tình yêu thì chưa phải là giữ đạo. Làm những việc lớn lao mà không có tình yêu cũng chỉ là vô ích, như lời thánh Phao-lô dạy: "Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài ngưòí và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoang. Giá như tôi được ơn nói tiên tri và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tính đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi đến chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi" (1Cr 13,1-3).
Lạy Chúa Giêsu,
xin giúp con biết bỏ đi những bề bộn nơi tim con.
Xin biến đổi tim con, để nó trở nên đơn sơ hơn,
hồn nhiên hơn và tươi tắn hơn.
Ước gì con nhìn mọi sự, mọi người,
bằng trái tim bao dung của Chúa.
Và ước gì khi đã ra khỏi nỗi bận tâm về mình,
trái tim con được nhẹ nhàng hơn và tự do hơn
để yêu mến mọi người.
Vì con biết rằng với tất cả tâm tình, con mới thực sự sống đạo. Với tất cả tâm tình, đạo mới đưa con đến gần Chúa.
Lạy Chúa, xin ban cho con thêm lòng yêu mến Chúa.
THỨ HAI TUẦN 22 THƯỜNG NIÊN
Lc 4,16-30
"Tôi bảo thật các ông:
không một ngôn sứ nào được chấp nhận
tại quê hương mình."
(Lc 4,24)
Bắt đầu từ hôm nay, Giáo Hội cho chúng ta đọc Tin Mừng của thánh Luca.
1. Hôm nay, thánh Luca kể lại việc Chúa Giêsu trở về Nagiareth để rao giảng cho những người đồng hương như một biến cố đầu tiên trong cuộc đời công khai của Ngài.
Theo thánh Luca, sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Giođan, và với việc chiến thắng sự cám dỗ của ma quỉ, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng tại miền đất Galilê, sau đó Chúa mới về Nagiareth để rao giảng Tin Mừng tại đó. Ngài về đó đúng vào ngày nghỉ Sabat và rao giảng nơi hội đường của làng.
Trong biến cố này chúng ta có thể để ý đến hai điều:
* Trước hết là là thái độ nội tâm của Chúa. Chúa ý thức rất cao về sứ mạng truyền giáo của mình.
* Thứ đến là những phản ứng của những người nghe Chúa rao giảng. Có thể nói đây là những khó khăn tiêu biểu trong việc truyền giáo của Chúa cũng như của các tông đồ sau này.
Chúng ta hãy nhìn lại những chi tiết thánh Luca dùng để mô tả lại những người Nagiareth nghe Chúa giảng nơi hội đường của họ.
+ Sau khi nghe Chúa Giêsu đọc đoạn sách của Isaia, theo lời thánh Luca thì mọi người chăm chú nhìn Chúa. Chi tiết "chăm chú nhìn" nói lên thái độ nội tâm đầu tiên của những người nghe Chúa hôm đó. Chăm chú nhìn có nghĩa là thích nghe Chúa nói. Nếu không thích nghe thì chắc chắn họ sẽ chẳng cần phải chăm chú nhìn người nói chuyện với mình. Chúa Giêsu đã gặp được thái độ khá sẵn sàng nơi dân chúng tại Nagiareth.
+ Rồi sau khi nghe Chúa tuyên bố đoạn trích sách tiên tri Isaia ấy được ứng dụng nơi Ngài, dân chúng đã có thái độ hồ hởi.Từ thái độ chăm chú nhìn và lắng nghe Chúa nói, dân chúng đã tiến thêm một bước nữa là rất hồ hởi. Một bước tiến bộ thật đẹp.
+ Thế nhưng, thái độ hồ hởi này đã không kéo dài được lâu. Dân chúng không đủ kiên nhẫn và can đảm. Họ đã bị vấp phạm bởi khía cạnh nhân loại của Chúa Giêsu. Thánh sử Luca đã mô tả thái độ thụt lùicủa dân chúng bằng những lời lẽ như sau: "Họ bảo: ông này không phải là con ông Giuse hay sao?"(Lc 4,22) Ông ta không phải là con ông Giuse đó sao? Câu hỏi đó chứng tỏ họ bắt đầu hoài nghi về Chúa Giêsu. Câu hỏi đó ngụ ý nói rằng: "Tưởng ai chứ ông đó thì chúng ta quá biết rồi, vì ông ở cùng xóm với chúng ta, con ông Giuse hàng xóm, chứ ai đâu!"
Họ tưởng họ biết rõ Chúa, nhưng thật ra họ chẳng biết gì cả. Họ mới biết cái bề ngoài là con ông Giuse, nhưng họ chưa biết Ngài còn là Con Thiên Chúa.
Và rồi từ thái độ nghi ngờ nàychẳng mấy chốc nó đã biến thànhthái độ tức giận chống đốivà cuối cùng là muốn thủ tiêu Ngài.
2. Còn Chúa thì sao?
Chúng ta hãy thử xem thái độ ứng phó của Chúa ra sao trước sự khước từ của những người đồng hương. Chúa đã không nao núng. Thánh sử Luca kết thúc bằng một nhận định gọn ghẽ nhưng rất ấn tượng: "Chúa băng qua họ mà đi"(Lc 4,30). Cách nói băng qua giữa họ mà đi không có nghĩa như một sự tàng hình biến đi, nhưng nó nói lên một thái độ đáng nể phục: Chúa bình tĩnh tiếp tục chương trình của Ngài,không để cho những chống đối thù ghét cản trở công việc của Chúa.
Một tín đồ Ấn giáo xuống dòng sông Hằng để thanh tẩy và cầu nguyện.
Ông đang ngụp lặn giữa dòng sông, thì bỗng đâu rác rưởi tụ đến. Trong đống rác có con bò cạp đang chao đảo, chơi vơi giữa dòng nước. Sẵn lòng khoan dung, ông chìa tay ra để cứu vớt con vật. Cánh tay ông vừa đưa ra đã bị con vật chích. Nhưng ông không mất kiên nhẫn. Con vật càng hung hăng, ông càng chịu đựng để nó chích liên tiếp, miễn là cứu sống được nó.
Có người theo dõi cảnh tượng đó mới trách ông:
- Ông thật là mất thời giờ vô ích. Nó là con bò cạp, bản chất của nó chỉ là dùng nọc độc để chích thôi.
Người tín đồ Ấn giáo điềm nhiên trả lời:
- Bản chất của con bò cạp là dùng nọc độc để chích, nhưng bản chất con người là cứu vớt.
Vâng, Chúa đã không ngã lòngtrước sự khước từ của người dân. Nơi này không đón nhận, Chúa đi nơi khác và tiếp tục rao giảng. Như chúng ta biết, theo Tin Mừng thánh Luca, Chúa Giêsu đã xuống thành Capharnaum thuộc xứ Galilê để giảng dạy ở đó vào các ngày Sabat.
Chúng ta hãy đến với Chúa để học lấy sự kiên nhẫn của Ngài.
Shiela Murray Bethel nói: "Một trong những điều đáng khích lệ nhất mà bạn có thể làm là tự xác định chính mình - biết mình là ai, tin vào cái gì và muốn đi tới đâu".
Xin Chúa cho chúng ta đừng quá thất vọng mỗi khi gặp khó khăn.
Xin cho chúng ta luôn biết vuợt qua những khó khăn để tiếp tục những nhiệm vụ mà Chúa trao phó.
Xin cho chúng ta luôn vững tin vào Chúa, nhất là khi gặp những trở ngại trên con đường rao giảng Tin Mừng. Amen.
THỨ BA TUẦN 22 THƯỜNG NIÊN
Lc 4,31-37
"Lời ấy là thế nào?
Ông ấy lấy uy quyền và thế lực
mà ra lệnh cho các thần ô uế,
và chúng phải xuất!"
(Lc 4,36)
Chúa Giêsu là Đấng đầy uy quyền.
1. Trước hết là uy quyền trong Lời giảng dạy.
Có lần thính giả nghe Chúa đã phải thừa nhận "chưa từng có ai giảng dạy như ông ấy"(Lc 4,32). Giáo huấn của Chúa vượt xa tất cả các bậc tôn sư thức giả và mở ra cho con người một con đường sống tốt đẹp.
Ngài giảng dạy như Đấng có uy quyền, bởi vì Ngài chỉ giảng dạy những gì Ngài sống và sống trước những gì Ngài rao giảng. Lời nói của Ngài được củng cố bởi cuộc sống và những việc làm của Ngài.
Người ta thường nói muốn cho lời rao giảng có uy quyền thì nó phải có lửa. Lửa đây chính là cuộc sống.
Uy quyền của Chúa Giêsu là điều hoàn toàn mới mẻ. Khi các Rabbit giảng dạy, họ thường củng cố lời nói bằng cách trích dẫn chứng cớ, họ luôn luôn nói: có lời rằng Rabbit nọ, Rabbit kia nói. Bao giờ họ cũng dựa vào một thẩm quyền nào đó. Khi các tiên tri lên tiếng, họ thường nói: "Chúa phán như vầy". Uy quyền của họ là một loại uy quyền được ủy nhiệm, nhưng khi Chúa Giêsu phán, Ngài nói "Ta nói cùng các ngươi", Ngài không cần dựa vào một uy quyền nào khác để nâng đỡ Ngài. Ngài không sử dụng một loại uy quyền ủy nhiệm nào. Chính ngài là uy quyền nhập thể. Đây là một sự mới mẻ. Đây là một người nói điều mình chắc chắn biết rõ.
Trong mọi lãnh vực của đời sống, nhà chuyên môn bao giờ cũng tỏ ra có uy quyền. Một nhạc sĩ kể rằng khi Toscanini bước lên bục chỉ huy, dường như uy quyền toát ra từ ông và cả dàn nhạc cảm thấy uy quyền đó. Khi cần một lời chỉ giáo chuyên môn thì chúng ta tìm đến một chuyên gia và chúng ta tin lời ông ta nói. Chúa Giêsu là một nhà chuyên môn về đời sống. Khi Ngài nói, người ta biết rằng lời Ngài vượt quá sự khôn ngoan của loài người vì Ngài chính là Thiên Chúa.
2. Thứ đến là uy quyền trên ma quỉ.
Ma quỉ có thật. Nhiều lần Chúa Giêsu đã xua trừ ma quỉ. Ma quỉ là một thế lực xảo quyệt tinh khôn, lợi dụng mọi dịp để tấn công chúng ta. Thánh Phêrô bảo: "Ma quỉ sẽ sàng anh em như người ta sàng gạo". Chúng ta còn nhớ sau khi đã cám dỗ Chúa Giêsu trong sa mạc và bị Chúa đánh bại, Tin Mừng nói rõ: chúng rút lui để chờ dịp khác. Ma quỉ không dễ dàng buông tha chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta thấy quyền lực của Chúa Giêsu còn mạnh hơn, Ngài đã thắng cả ma quỉ.
Ngày xưa, có lần Napoléon cầm tấm bản đồ, chỉ tay vào nước Anh, nói với đám thủ hạ:
- Nếu không có chấm đỏ này, ta đã chinh phục trọn thế giới rồi.
Ma quỷ cũng chỉ tay vào Thập Giá và nói:
- Nếu không có chấm đỏ này, ta đã chinh phục cả thế giới rồi.
Như vậy, muốn thắng ma quỉ, chúng ta phải chạy đến với Chúa.
Truyền thuyết kể lại rằng: Christophe là một người có vóc dáng cao lớn vạm vỡ. Vốn dĩ sinh ra trong một gia đình không Công giáo. Chàng chỉ ấp ủ một hoài bão lạ lùng là tìm cho được một vị quân vương cao cả nhất để tuyệt đối tuân lệnh và phụng sự suốt đời.
Thế rồi chàng tìm gặp được một vị vua có tiếng là oai phong lẫm liệt nhất trong vùng. Chàng vui mừng vì ngỡ đã tìm được minh chủ theo ước nguyện. Nhưng rồi không ngờ, một hôm, chàng đã vô tình bắt gặp nhà vua ấy đang run rẩy quỳ lạy tại một đền miếu thờ quỷ thần.
Chàng liền bỏ đi ngay lập tức, với quyết tâm sẽ tìm được một ma vương quỷ thần nào đó có đủ quyền phép để theo làm nô lệ. Tức khắc, ma quỷ hiện ra và dẫn dụ chàng rảo bước khắp cánh đồng mênh mông rộng lớn.
Bất chợt, ma quỷ giáp mặt với một cây Thập Giá dựng lên sừng sững ở một ngã tư đường ruộng theo phong tục của người dân Công giáo vùng ấy. Ma quỷ hoảng sợ, lấm lét nhìn Thập Giá rồi bỏ chạy mất dạng!
Chàng trai thấy vậy, liền dứt khoát từ bỏ không thèm theo ma quỷ nữa, mà đứng lại trước Thập Giá, ngắm nhìn pho tượng Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên đó thật lâu, rồi chàng quyết tâm từ nay sẽ đi theo.
Tình cờ có một Linh Mục quản xứ nhà quê đi qua, Ngài dừng lại, cảm động trước lời thề nguyền ngây thơ và hồn nhiên của một chàng trai vạm vỡ to cao như thế, cha bước lại gần và bắt chuyện hỏi han sự tình.
Sau một thời gian ngắn, chàng trai chất phác mộc mạc ấy đã xin cha cho học đạo và chịu bí tích Thánh Tẩy. Sau này, Christophe đã phụng sự Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn, để rồi khi cuộc bách đạo tràn đến, chàng đã được phúc chết vì đạo để chứng minh cho mối tình thắm thiết và thủy chung của mình với Thiên Chúa.
Ngày nay, Giáo Hội tại một số quốc gia Châu Âu vẫn mừng lễ Thánh Christophe vào ngày 25 tháng 7 hằng năm, để nêu một tấm gương theo Chúa và phụng sự Chúa trọn vẹn cả cuộc đời.
THỨ TƯ TUẦN 22 THƯỜNG NIÊN
Lc 4,38-44
"Tôi còn phải loan báo
Tin Mừng Nước Thiên Chúa
cho các thành khác nữa,
vì Tôi được sai đi cốt để làm việc đó."
(Lc 4,43)
1. Chúa Giêsu không phải chỉ quan tâm đến vấn đề tinh thần mà Người còn quan tâm đến cả những vấn đề rất cụ thể của con người như bệnh tật, đói nghèo, đau khổ v.v…
Việc Chúa quan tâm đến những vấn đề có liên quan đến toàn bộ cuộc sống của con người, nhắc cho Giáo Hội hôm nay phải biết luôn nhớ đến bổn phận trần thế của mình.
Công Đồng Vaticanô II trong Hiến chế về Giáo Hội có nói: "Đối với người Kitô hữu, xao lãng bổn phận trần thế tức là xao lãng bổn phận đối với người lân cận và hơn nữa đối với chính Thiên Chúa, khiến phần rỗi đời đời của mình bị đe dọa."
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong chuyến viếng thăm thủ đô San José của Costa Rica để thánh hiến Vương cung thánh đường Đức Mẹ Nữ Vương Hoà Bình do Tổng thống nước này xây cất và dâng tặng Toà thánh. Vương cung Thánh Đường này được mô phỏng theo mô hình Vương cung Thánh Đường Thánh Phêrô ở Rôma. Ngôi giáo đường vĩ đại này có thể chứa được 8000 chỗ ngồi và 10.000 chỗ đứng. Người ta không biết để xây cất ngôi thánh đường này kinh phí phải tốn bao nhiêu? Nhưng Tổng thống cho biết mọi chi phí đều do gia đình ông đài thọ. Nhiều người ca tụng gia đình ông là hào hiệp đạo đức nhưng cũng không ít người đặt vấn đề: giữa lúc dân chúng Costa Rica sống trong cảnh nghèo nàn lạc hậu như thế mà gia đình ông giàu có đến như vậy thì việc làm của gia đình ông có đúng hay không? Thậm chí còn có người chất vấn ông:
- Tại sao không dùng số tiền ấy để xây trường học, đẩy mạnh công cuộc phát triển có lợi cho dân nghèo?
Rao giảng Tin Mừng không chỉ là chân lý liên quan đến phần rỗi linh hồn và sống đạo không chỉ là xây cất nhà thờ, chu toàn các việc đạo đức đóng khung trong bốn bức tường của nhà thờ, mà còn phải là góp phần nỗ lực vào công tác xã hội, mang lại cơm no manh áo và xoa dịu bao vết thương đau của con người. Giáo Hội luôn ý thức điều đó. Chính vì thế mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đến để thánh hiến Thánh Đường Đức Mẹ Nữ Vương Hoà Bình, nhưng đồng thời Ngài cũng kêu gọi Tổng thống quan tâm đến công tác xã hội và giáo dục cho dân nghèo. Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha đã lập tức được hưởng ứng. Tổng thống đã tặng ngay cho Giáo Hội một khu đất gần nhà thờ để thiết lập một bệnh viện cho người nghèo. Đức Thánh cha Gioan Phaolô II đã thánh hiến ngôi thánh đường, nhưng đồng thời ngài cũng đặt viên đá đầu tiên để xây cất bệnh viện. Cử chỉ này mang một ý nghĩa tượng trưng cao độ nói lên mối quan tâm của Giáo Hội đối với vấn đề phát triển toàn diện con người.
2. Nhưng Chúa Giêsu không bao giờ quên việc chính yếu là phải loan báo một Tin Mừng. "Chúa Giêsu nói với dân chúng: tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt là để làm việc đó". (Lc 4,43).
Phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Đó là công việc hàng đầu, ưu tiên và số một của Chúa.
Sau khi Chúa về trời, các tông đồ đã tiếp tục thi hành công việc này. Các ngài đã hoàn thành nhiệm vụ Chúa trao phó một cách hết sức tốt đẹp.
Ngày nay, Chúa cũng muốn cho chúng ta cộng tác với Người.
Một buổi họp mặt sống động được tổ chức trong một ngôi nhà thờ làng. Qua những buổi họp mặt, nhiều người đã được ơn giải thoát.
Một lần kia, sau khi giảng, vị linh mục nói:
- Ở đây có người nào gây ảnh hưởng nhất cho anh chị em trong việc giúp người khác thành một người Kitô hữu không? Có thể đó là bà mẹ, là người rao giảng, là giáo viên, là người hàng xóm của anh chị em. Tôi mong rằng, bây giờ anh chị em sẽ đứng lên và tiến đến bắt tay người nào có ảnh hương nhất đối với anh chị em trong việc nhận ra Đức Kitô như là Đấng cứu Độ của mình.
Ngồi bên phải vị linh mục là một bà cụ đã ngoài 75 tuổi. Bà cụ chưa bao giờ nói trước công chúng. Bà cũng không phải là một nhà giảng thuyết, hoặc một người làm việc trong nhà thờ, bà cụ chỉ là một người mẹ, một người vợ Công giáo đầy lòng tin, hết lòng tận tụy với bổn phận hằng ngày mà thôi.
Thế mà cả một chuỗi dài người cứ nối tiếp nhau tiến đến bắt tay cụ, họ nói:
- Cuộc sống âm thầm, tận tụy, đầy lòng tin của cụ, những hành động và chứng từ của cụ đối với Đức Kitô đã đưa dẫn chúng tôi đến với Đức Kitô, Đấng cứu Dộ.
Thật là một đời sống tươi đẹp, thánh thiện, mà nhờ đó qua bao năm tháng, người phụ nữ Công giáo này đã đưa nhiều người đến với Chúa.
Lạy Chúa,
Chúng con thấy mình nhỏ bé và bất lực
trước sứ mạng loan báo Tin Mừng đến tận cùng trái đất
Chúng con chỉ xin đến với những người bạn gần bên,
qua đời sống yêu thương của chúng con. Amen.
THỨ NĂM TUẦN 22 THƯỜNG NIÊN
Lc 5,1-11
Ông Simôn đáp: "Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm
mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới."
(Lc 5,5)
Chúa Giêsu kêu gọi 4 môn đệ đầu tiên.
1. Chúa gọi 4 môn đệ đầu tiên tại bờ biển, tức là nơi sinh sốngthường ngày của họ. Chúa gọi họ lúc họ đang giặt lưới, tức là gọi họ đang lúc họ làm công việc hằng ngày của họ.
Chúa bắt đầu câu chuyện bằng cách "xin" ông Phêrô một việc rất nhỏ: chở Ngài trên thuyền đi ra xa bờ một chút. Và cuối câu chuyện, Ngài ban cho ông một ơn lớn: một mẻ lưới rất nhiều cá và một ơn còn lớn gấp bội là được làm môn đệ Ngài.
"Ông Simon nói: Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng dựa vào lời Thầy, tôi sẽ thả lưới" (Lc 5,5).
Một lời quả quyết rất đẹp lòng Chúa.
Nếu như Phêrô đã không nghe Lời Chúa, thì sau đó ông sẽ chẳng nhận được những ơn ban to lớn kia. Như vậy chúng ta thấy, sự vâng Lời Chúa đã đem lại những kết quả thật bất ngờ!
Trong tập truyện các thánh ẩn tu Ai Cập vào những thế kỷ đầu Kitô giáo, người ta đọc được giai thoại sau:
Có một người đàn ông kia đến xin gia nhập một tu viện. Tu viện trưởng cho người đó biết luật cơ bản nhất của đời tu là vâng lời. Người đàn ông hứa sẽ vâng theo tất cả những gì bề trên truyền lệnh. Để thử lòng người đó, tu viện trưởng dẫn ông ra vườn và cắm một cây gậy xuống đất. Ngài bảo người đàn ông hãy múc nước tưới cho đến khi nào cây gậy đó đâm chồi nảy lộc trổ bông trở lại.
Vâng lời bề trên, mỗi ngày người tu sĩ đi bộ hai dặm ra bờ sông Nil gánh nước tưới cho cây gậy khô ấy. Một năm qua rồi mà cây gậy vẫn còn trơ trơ. Lại một năm nữa qua đi, cây gậy vẫn là cây gậy khô. Nhưng người tu sĩ không nản lòng. Sang năm thứ ba, lạ lùng thay, cây gậy khô tự nhiên đâm chồi để rồi trở thành một cây tươi tốt trong vườn.
2. Khi Phêrô nhận ra tội lỗi của mình và xin Chúa lánh xa, thì chính lúc đó Chúa gọi ông. Sự việc đó chứng tỏ Chúa không chê trách và xa lánh người tội lỗi. Ngược lại, Chúa còn gọi những ai biết ý thức thân phận tội lỗi của mình.
Trước mặt Chúa lúc này là một con người Chúa muốn kêu gọi. Chúa không cần biết trước đây Phêrô như thế nào.
Vào dạo tháng 12 năm 1987, Đức Hồng Y Jean Marie Lustiger cho xuất bản một quyển sách mang tựa đề: "Sự chọn lựa của Thiên Chúa". Qua tựa đề này, ai cũng đoán được đây là một quyển tự thuật ghi lại cuộc hành trình ơn gọi của ngài.
Sinh ra trong một gia đình Do Thái sùng đạo, ông ngoại là một thầy Rabbit uyên thâm, Jean Marie Lustiger đã tự ý trở lại với Đức Tin Công giáo vào năm 14 tuổi. Hành động này của Jean Marie Lustiger dĩ nhiên đi ngược lại với xác tín của gia đình, nhất là mẹ của cậu. Trước khi bị đưa lên xe chở qua trại tập trung Đức quốc xã ở Auschwitz, bà còn nói với các con: "Các con hãy giữ mình, chớ theo đạo Công giáo. Đây là một cơn bệnh hiểm nghèo".
Nhưng tiếng Chúa còn mạnh hơn sự cảnh cáo của người mẹ. Jean Marie Lustiger đã nghe được tiếng gọi thầm kín ấy vào một ngày thứ năm tuần thánh nọ khi cậu bước vào nhà thờ chính toà Orleans. Dân chúng đứng chen chúc đông nghẹt trong nhà thờ. Nhưng ngày hôm sau, khi cậu trở lại, nhà thờ bỗng trống vắng… Nhưng chính trong nỗi trống vắng của ngày thứ sáu tuần thánh đó mà Jean Marie Lustiger đã nhận ra tiếng gọi của Chúa.
Qua quyển tự thuật trên đây, Đức hồng y Jean Marie Lustiger tuyên xưng rằng: "Ơn cứu rỗi và sự hiện diện thầm kín của Đấng Cứu Thế trong nhân loại là một mầu nhiệm của lòng thương xót". Thiên Chúa yêu thương con người một cách lạ lùng. Ngài mời gọi con người trên muôn vạn nẻo đường của con người. Do đó, theo Đức hồng y Lustiger, hy vọng, chính là tin rằng, Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về con người.
Nói như thi sĩ Paul Claudel, Thiên Chúa viết bằng những đường cong. Những đường cong mà Thiên Chúa không ngừng viết để ngỏ lời với chúng ta chính là cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Mỗi biến cố, mỗi cuộc gặp gỡ là một lời ngỏ của Thiên Chúa. Chính qua trung gian của biến cố đó mà Thiên Chúa ngỏ lời với chúng ta. Do đó, người Kitô sẽ không ngừng thức tỉnh để lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa. Trong giấc ngủ say như cậu bé Samuel, trong một buổi trống vắng của ngày thứ sáu tuần thánh như trường hợp của Jean Marie Lustiger, trong niềm vui của gặp gỡ, của thịnh đạt, trong đau khổ của bệnh tật: tiếng nói của Thiên Chúa vẫn vang dội trong lòng người.
Chúng ta biết rằng, cuộc đời của mỗi người trong chúng ta là lịch sử của một ơn gọi. Thiên Chúa yêu thương tôi và chỉ mình tôi mà thôi… Trong muôn ngàn đau khổ của cuộc sống, mỗi người chúng ta hãy lập lại lời tuyên xưng của thánh Gioan tông đồ: "Thiên Chúa là tình yêu, Ngài đang yêu thương tôi".
THỨ SÁU TUẦN 22 THƯỜNG NIÊN
Lc 5,33-39
"Chẳng ai xé áo mới lấy vải vá áo cũ,
vì như vậy, không những họ xé áo mới,
mà miếng vải áo mới cũng không ăn với áo cũ."
(Lc 5,36)
1. Đọc trong Tin Mừng chúng ta thấy, Chúa Giêsu đã đề ra cho các môn đệ Ngài một lối sống khiến nhiều người khó chịu. Ngài và các môn đệ sống theo một lề lối nhiều khi khác với những lối sống của những người Pharisêu và ngay cả với Gioan Tẩy Giả: trong khi Gioan Tẩy Giả và các người Pharisêu tuân giữ một số ngày chay tịnh trong tuần, thì các môn đệ Chúa Giêsu xem chừng không để ý đến vấn đề đó.
Để biện minh, cắt nghĩa cho người ta hiểu được ý nghĩa của lối sống khác với cách sống của những người Pharisêu và ngay cả với Gioan Tẩy Giả, Chúa Giêsu đã dùng hai dụ ngôn:
Trước hết, Ngài nói đến sự hiện diện của tân lang: bao lâu tân lang còn đó, thì việc chay tịnh phải được miễn chuẩn. Trong Cựu Ước, việc giữ chay gắn liền với việc mong đợi Đấng Cứu Thế. Chay tịnh là thể hiện của lòng mong đợi đó. Gioan Tẩy Giả đã lấy chay tịnh làm qui luật cơ bản cho cuộc sống của ông và cũng như các môn đệ của ông. Như vậy, khi miễn chuẩn cho các môn đệ của Ngài khỏi phải chay tịnh, Chúa Giêsu muốn cho mọi người thấy rằng, Ngài chính là tân lang, là Đấng Cứu Thế mà họ mong đợi, chính vì thế mà họ không cần phải chay tịnh để mong chờ nữa. Thời Cứu Thế đã đến rồi. Con người không cần phải chay tịnh, trái lại, họ phải vui mừng hoan hỉ vì những gì họ mong đợi bây giờ đã được toại nguyện rồi.
Tiếp theo là dụ ngôn về chiếc áo mới và bình rượu mới.
Khi nói dụ ngôn này Chúa Giêsu muốn cắt nghĩa cho mọi người hiểu, lý do tại sao Chúa không bắt các môn đệ của Ngài phải giữ chay. Chúa muốn cho các môn đệ khi sống trong thời đại Cứu Thế thì phải sống theo tinh thần mới. Chúa bảo: "Không nên lấy áo cũ mà vá áo mới, không nên đổ rượu mới vào bầu da cũ" (Lc 5,37). Nói thế Chúa không có ý nói cái mới thì đương nhiên tốt hơn cái cũ; Ở đây rõ rệt Ngài không có ý so sánh mà chỉ có ý nói rằng, lối sống với tinh thần mới và lối sống với tinh thần cũ không thể tương hợp với nhau.
Bởi vậy, thái độ cần có là thái độ dứt khoát tận căn, không nên có thái độ nước đôi hoặc thỏa hiệp. "Ai cầm cày mà còn ngó lại đàng sau, thì không xứng với Nước Thiên Chúa"(Lc 9,62), "Ai yêu cha mẹ hơn Ta thì không xứng đáng làm môn đệ Ta"(Mt 10,37). Tựu trung, vì Ngài, con người phải chấp nhận hy sinh tất cả, ngay cả mạng sống mình.
2. Như vậy, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta duyệt xét lại niềm tin cơ bản trong cuộc sống hàng ngày của mình. Thỏa hiệp vốn là cơn cám dỗ triền miên trong cuộc sống đạo của chúng ta:
Hai cha con một bác nhà quê dắt con lừa đi ra tỉnh. Mới đi được một quãng thì gặp một người hỏi:
- Chà, sao ông không để cho con ông cỡi con lừa?
- Ồ! tôi chưa nghĩ tới điều đó.
Nói xong, ông bồng con cho ngồi lên lưng lừa. Đi được một lát lại gặp người khác nói:
- Sao mày ngồi trên lưng lừa mà để cho ông già đi bộ? Mày xuống ngay đi cho cha mày cỡi
- Phải đấy.
Đứa con vội nhảy xuống đất đỡ cha mình lên lưng lừa. Đi thêm một đỗi nữa họ gặp một mụ bán cá, mụ kêu lên.
- Ông không mắc cỡ à, sao lại để thằng bé phải đi bộ dưới trời nắng như thế?
- Chị nói phải đấy.
Ông già xuống khỏi lưng lừa và hai người tiếp tục đi bộ như trước. Khi sắp vào thành phố, có mấy người nhìn chăm chăm và nói:
- Sao hai cha con không biết cỡi lên lưng lừa mà đi cho khỏe?
Hai cha con nghe nói chí lý liền leo lên. Nhưng con lừa mới đi được mấy bước đã quị xuống vì không chịu nổi sức nặng. Hai cha con lại vội vã xuống đi bộ và dắt lừa đi như trước...
Vâng, cần phải có sự dứt khoát. Tùy ở sự chọn lựa mà chúng ta được hạnh phúc hay bất hạnh. Nhưng chắc một điều là đi theo Chúa thì chúng ta không thể sống theo kiểu "Bắt cá hai tay".
Đức Cha Bossuet cho làm một hang đá trong nhà nguyện của tu viện. Chiều hôm Giáng Sinh, ngài trả lương cho các người thợ. Rồi ngài nói với họ:
- Chờ một tí, tôi sẽ cho các anh quà "Giáng sinh".
Nói xong, ngài mở khăn trải bàn. Người ta thấy trên bàn, nằm kề nhau, 4 đồng tiền vàng và 4 cuốn sách "Hạnh các thánh ". Bossuet nói với các người thợ là họ có thể chọn, hoặc một đồng tiền hoặc một cuốn sách. Ba người đã chọn 3 đồng tiền vàng, còn người thứ tư tuyên bố:
- Ở nhà, mẹ già của tôi cũng rất cần tiền, nhưng bà cũng thích những cuốn sách tốt. Tôi lấy cuốn "Hạnh các thánh".
Tuy nhiên, khi vừa mở cuốn sách ra thì ông tìm thấy 6 đồng tiền vàng dán sát bìa cuốn sách. Hãy tưởng tượng xem niềm vui của ông và nỗi hối tiếc của ba người kia như thế nào.
THỨ BẢY TUẦN 22 THƯỜNG NIÊN
Lc 6,1-5
Rồi Người nói: "Con Người làm chủ ngày Sabat."
(Lc 6,5)
1. Những người luật sĩ và Pharisêu bề ngoài xem ra có vẻ rất tôn trọng luật pháp nhưng bên cạnh việc giữ luật như thế hỏi còn có một hậu ý gì khác nữa không? Chắc là phải có một cái gì đó, cho nên chúng ta mới thấy Chúa không ca tụng họ.
Một hôm, quận công Ressen hỏi triết gia David Hume:
- Theo ông thì đối tượng của luật pháp là gì?
Triết gia David Hume trả lời:
- Là để phục vụ cho lợi ích lớn nhất của số lớn nhất.
Quận công Ganh Ressen hỏi lại:
- Vậy thì theo ông số lớn nhất là gì?
Triết gia liền trả lời:
- Số lớn nhất là số một.
Thực tế trong rất nhiều quốc gia, chúng ta thấy luật pháp được làm ra là chỉ để phục vụ cho một thiểu số. Số lớn nhất thường là số một, chỉ là một thiểu số. Một thiểu số thủ lợi còn những người khác thì phải è cổ ra mà chịu. Luật pháp là của Chúa nhưng nhiều khi họ giải thích rồi thêm vào những qui định quá đáng để phục vụ quyền lợi cho phe nhóm, cho một thiểu số của họ.
Như vậy thì muốn việc giữ luật cho đúng thì phải giữ theo tinh thần của luật.
2. "Con người là chủ của ngày hưu lễ" (Lc 6,5)
Chúa vẫn là chủ của luật pháp. Vậy phải giữ ngày Sabat hay hưu lễ thế nào?
Có người kia lúc sinh thời rất tự hào về đời sống luân lý, liêm sỉ, chính trực của mình. Rồi một hôm ông bị bệnh nặng và qua đời, linh hồn ông bay thẳng đến trước cửa Thiên Đàng và xin được trình diện trước tòa Chúa.
Tới nơi, ông phủ phục thưa:
- Lạy Chúa, Chúa quá biết rõ đời con, suốt đời con luôn trung thành tuân giữ luật Chúa, không hề bỏ sót hoặc lỗi phạm điều gì bất lương bất chính cả. Này đây con xin Chúa thương nhìn xem bàn tay trong trắng của con.
Thiên Chúa nhân từ nhìn ông và nói:
- Con ơi, con nói đúng, hai bàn tay con trong sạch, không vướng mắc tội gì cả. Nhưng đáng tiếc con chỉ có hai bàn tay trắng, còn ngoài ra thì không có một việc lành phúc đức nào cả.
Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy trong mỗi cộng đồng tôn giáo, bao giờ cũng có những người đạo đức rất khắt khe trong vấn đề giữ luật đạo. Họ lo giữ luật đạo một cách chặt chẽ chi li sao cho đúng việc, đúng thời gian, đúng truyền thống. Đối với họ giữ đạo là giữ lề luật.
Chính vì thế nên khi thấy các môn đệ Chúa Giêsu không giữ luật như họ, thì coi đó là một điều thiếu sót đáng trách.
3. Chúng ta thấy, Đức Kitô không bao giờ chủ trương phá hủy lề luật: "Ta đến không phải để phá hủy luật pháp" – "Ta bảo thật các ngươi cho dù trời đất có qua đi nhưng một chấm một phết trong luật cũng không được bỏ qua"(Mt 5,18). Ngài vẫn coi việc giữ luật là việc tốt, việc đạo đức. Nhưng Ngài muốn rằng, việc giữ luật phải phát xuất từ tình thương nếu không, việc giữ luật sẽ chỉ là việc đạo đức ở bề ngoài, mà bên trong không có thực chất.
Giữ luật là thể hiện tình yêu thương. Không có tình yêu thương thì không còn phải là luật của Chúa.
Một người thợ xây đang ở trên giàn giáo cao bị xảy chân rơi xuống, chẳng may trúng phải một người đang đi bộ ngang qua phía dưới. Điều oái oăm là anh thợ chỉ bị xây xát qua loa, còn người khách bộ hành thì bị chấn thương nặng, hôn mê rồi chết khi người ta đưa vào bệnh viện.
Chiếu theo luật "Mắt đền mắt,răng đền răng"(Mt 5,38) của miền này, gia đình nạn nhân đưa nội vụ ra tòa đòi anh thợ xây phải đền mạng. Vị quan tòa vốn từ lâu đã thấy những cái vô lý trong bộ luật địa phương, nhưng truyền thống và hủ tục xưa rất khó thay đổi. Cuối cùng, để cứu người thợ xây oan ức, ông tuyên bố:
- Việc gia đình nạn nhân đòi mạng người thợ xây theo truyền thống là chính đáng, nhưng tôi thấy phải nói rõ rằng: Nếu anh ta đã giếtngười nhà của các ông bằng cách nào, thì các ông cũng phải giết anh ta đúng bằng cách ấy, nghĩa là một người trong gia đình các ông phải trèo lên giàn giáo, nhảy xuống đúng vào đầu anh thợ xây lúc anh đang đi ở phía dưới.
Nghe tòa phán xử, bên gia đình kiện cáo bèn vội vàng xin bãi nại. Anh thợ xây được tha bổng. Sau đó, nhận thức được sự tàn nhẫn phi lý và mù quáng của bộ luật địa phương mình, dân trong vùng quyết định loại bỏ hẳn tính cách "mắt đền mắt răng đền răng" trong quan hệ xử thế giữa con người với nhau.
Mẹ Têrêsa nói: "Đừng sợ yêu thương đến độ phải hy sinh, tới mức phải nhức nhối. Tình yêu Chúa Giêsu yêu chúng ta đã đưa Ngài đến chỗ chết.
Thiên Chúa quan tâm đến tình yêu của chúng ta.
Chúa chẳng cần ai, Ngài có cách làm được tất cả, Ngài có thể làm luôn cả công trình của những người tài năng nhất.
Chúng ta có thể làm việc đến cùng kiệt, có thể làm việc tới tuyệt mức. Nhưng nếu công việc chúng ta không gắn kết với tình yêu, sẽ là vô ích dưới mắt Chúa".
bài liên quan mới nhất
- Thứ Bảy tuần 18 Thường niên năm II (Mt 17,14-21)
-
Thứ Tư tuần 18 Thường niên năm II (Mt 15,21-28) -
Chúa nhật 5 mùa Chay năm C (Ga 8,1-11) -
Chúa nhật 4 mùa Chay năm C - Trở về (Lc 15,1-3.11-32) -
Chúa nhật 3 mùa Chay năm C - Hãy sám hối (Lc 13,1-9) -
Chúa nhật 2 mùa Chay năm C - Biến đổi (Lc 9,28b-36) -
Chúa nhật 1 mùa Chay năm C (Lc 4,1-13) -
Chúa nhật 8 Thường niên năm C (Lc 6,43-49) -
Chúa nhật 7 Thường niên năm C -
Chúa nhật 6 Thường niên năm C (Lc 6,17.20-26)
bài liên quan đọc nhiều
- Thứ Sáu tuần thánh - Thương khó (Ga 18,1-19,42)
-
Thứ Bảy tuần thánh - Ngôi mộ trống (Mc 16,1-8) -
Thứ Năm tuần thánh (Ga 13,1-15) -
Thứ Tư Lễ Tro - Giữ chay và kiêng thịt (Mt 6,1-6.16-18) -
Chúa nhật 5 Thường niên năm A -
Ngày 25 tháng 12: Chúa Giáng sinh (Lễ Đêm, Rạng Đông, Ban Ngày) -
Chúa nhật lễ Mình Máu Thánh Chúa năm A -
Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa - Năm A -
Bài giảng lễ Mồng Hai Tết -
Ngày 22/07: thánh nữ Maria Mađalêna, lễ kính (Ga 20,1-2.11-18)