Suy niệm Lời Chúa: Lễ Hiển Linh
ÁNH SAO LẠ (Mt 2,1-12)
Bài Tin Mừng hôm nay nói cho chúng ta biết rằng khi Chúa Giêsu giáng sinh trong hang đá Belem thì có một ngôi sao lạ xuất hiện trên bầu trời.
Hẳn là đã có nhiều người thấy ánh sao lạ, nhưng tại sao chỉ có mấy đạo sĩ đã nhận ra đó là "tín hiệu" loan báo Chúa Cứu thế giáng sinh.
Con trẻ sinh ở Bêlem hẳn nhiều người đã thấy hoặc đã biết, nhưng chỉ có mấy đạo sĩ nhận ra rằng trẻ sơ sinh đó chính là Con Thiên Chúa làm người. Bởi thế họ quỳ xuống dâng lễ vật và thờ lạy. Tại sao thế?
KẺ THẤY NGƯỜI KHÔNG
Đứng trước cùng một sự kiện mà có kẻ thấy người không, kẻ tìm ra ý nghĩa người không. Vậy thì làm sao mà cắt nghĩa được sự khác biệt đó?
Nguyên nhân gây ra khác biệt là do một bên nhìn bằng con mắt thường một bên nhìn bằng đức tin. Bên nhìn bằng con mắt thường thì chỉ thấy những việc thông thường, còn bên nhìn bằng con mắt đức tin thì nhờ đức tin mà khám phá ra được thực chất và ý nghĩa ở bên trong.
Một buổi trưa hè nóng bức, thánh Phanxicô Assisi sau khi đi đường mệt nhọc đã tìm được một chỗ nghỉ chân rất thoải mái. Chỗ đó là dưới một gốc cây có tàng lá che mát, bên dưới là một dòng nước trong lành mát rượi. Thánh nhân rửa tay rửa mặt xong xuôi rồi ngả mình dưới tàng lá. Bỗng dưng người bật khóc. Vì người nghĩ từ không biết bao đời, Chúa đã biết hôm nay mình đến đây, Chúa biết mình mệt, cho nên Chúa đã đặt sẵn ở đây một bóng mát và một dòng suối để cho mình nghỉ ngơi.
Cái nhìn của bậc thánh nhân đã nhận ra những điều mà người phàm không bao giờ thấy được.
Sự vật thay đổi diện mạo và ý nghĩa tùy theo cách nhìn và mức độ quan sát của mỗi người. Cùng một giọt máu nếu nhìn bằng mắt thường thì chỉ thấy màu đỏ, còn quan sát bằng kính hiển vi thì có thể đếm được hồng cầu và bạch cầu. Đức tin cũng giống như một thứ kính hiển vi. Nó giúp cho người ta thấy rõ hơn, lớn hơn, thật hơn. Bởi thế đức tin là một sự khám phá, một cái nhìn tinh tế theo chiều sâu, một thứ ánh sáng cực mạnh dọi vào sự vật giúp ta nhìn thấy tận bên trong. Chính vì các đạo sĩ có lòng tin nên đã nhận ra Con Thiên Chúa trong khi những người khác chỉ thấy một trẻ thơ.
KINH NGHIỆM NỘI GIỚI
Như vậy thì đức tin có phải là cái gì hoàn toàn chủ quan không? Người tin có phải chỉ là một người bị ám ảnh bởi một đối tượng do chính mình tưởng tượng ra?
Đức tin thật ra không hoàn toàn khách quan mà cũng không hoàn toàn chủ quan.
Không hoàn toàn khách quan vì những điều người tín hữu tin không thể cân, đo, đong, đếm được. Không thể chứng minh bằng lý luận như một bài toán hay một định luật khoa học, không thể viết thành công thức đưa vào máy điện toán để kiểm chứng. Tin là một xác tín cá nhân chỉ chắc chắn cho chính người tin.
Nhưng đức tin cũng không hoàn toàn chủ quan vì không phải chỉ có một người tin nhưng hằng bao nhiêu tỷ người thuộc các thế hệ cùng tin. Và những người tin này đều lành mạnh, tỉnh táo, sáng suốt, trong đó có biết bao nhiêu nhà bác học hàng đầu của thế giới. Ở thế kỷ XIX, trong số 432 nhà bác học lớn đã có tới 357 Kitô hữu.
Thực ra đức tin là một thứ kinh nghiệm nội giới độc đáo có tính riêng tư. Trong lãnh vực tôn giáo, mỗi người phải cảm nghiệm cho mình bằng tâm hồn. Tự chúng, những thực tại tôn giáo không thế chứng minh được, lý lẽ nào cũng chỉ là gợi ý có tính thuyết phục tương đối. Vì thế mới cần đến chứng tá đời sống. Chính đời sống sẽ biện minh cho những gì không thế giải trình bằng lý luận.
Đức tin cũng giống như cảm hứng và cái nhìn của nghệ sĩ. Nghệ sĩ hơn người ở chỗ cảm thấy cái đẹp, nhìn thấy cái đẹp, nhận diện được cái đẹp ở những nơi, vào những lúc mà người thường chẳng thấy gì cả. Không thể nói người nghệ sĩ bịa đặt ra một cái gì thực ra không có, nhưng phải nhìn nhận rằng tâm hồn không có tính nghệ sĩ là tâm hồn thiếu nhạy bén. Người có đức tin giống nghệ sĩ ở chỗ tâm hồn cởi mở, nhạy cảm nên nắm bắt, lĩnh hội được cái vô hình. Tâm hồn người tín hữu bắt trúng tần số.
M. Toliver một nhà truyền giáo ở miền Tây Trung Hoa có lần gặp hai viên chức cao cấp đồng thời cũng là những Kitô hữu nhiệt thành. Một trong hai người kể rằng: trong một cuộc oanh kích, ông ta, bà vợ và đứa con gái nhỏ 6 tuổi không tìm được nơi trú ẩn, nên phải nấp dưới gầm bàn ăn. Bom nổ ngay bên, nên họ chỉ còn biết cúi đầu cầu nguyện. Khi qua cơn nguy biến, đứa bé nhìn lên thấy ảnh Chúa Giêsu, em nói:
- Ba ơi, Chúa Giêsu là nơi trú ẩn an toàn nhất, phải không ba?
LÒNG THÀNH VÀ ƠN THÁNH
Bởi đâu người có đức tin lại có một cái nhìn thấu suốt như vậy? Có điều kiện nào để con người có thể có được một đức tin trong sáng như thế hay không?
Thưa có. Đó là sự thành tâm thiện chí, sự ngay thật khiêm tốn trong tâm hồn. Thiếu những điều kiện đó đức tin khó có thể nảy sinh.
Tuy nhiên dầu có tất cả những điều đó cũng vẫn chưa đủ. Còn cần có tác động của Chúa trong tâm hồn. Nguồn mạch chính của đức tin là ơn Chúa. Đức tin trước hết là một hồng ân.
Chúng ta tin. Nhưng chính Thiên Chúa làm cho chúng ta có thể tin. Chính Ngài mở lòng mở trí chúng ta để chúng ta thấy và hiểu. Đức tin là một cuộc hiển linh: Thiên Chúa tỏ mình cho chúng ta được thấy Ngài. Chính Ngài rọi ánh sáng vào lòng chúng ta và rọi ánh sáng trên mọi sự để chúng ta có thể thấy. Lời thánh vịnh 39 thật có ý nghĩa: "Trong ánh sáng của Chúa chúng con nhìn thấy ánh sáng". Mọi ánh sáng đều bắt nguồn từ nơi Thiên Chúa.
Như vậy người tín hữu là người đã nhận được ánh sáng của Thiên Chúa và nhìn thấy mọi sự trong và nhờ ánh sáng của Thiên Chúa.
Cũng như các đạo sĩ, người tín hữu đã được Thiên Chúa mở lòng mở trí, đã bắt được ánh sáng của Thiên Chúa, đã được đưa vào thế giới mới của Ngài. Phải gọi ơn này là gì? Gọi là ơn trời biển thì cũng chưa nói được gì về cái phúc của mình. Hãy tri ân và đừng bao giờ coi thường phúc đó. Trái lại hãy sống trọn niềm tin của mình, thể hiện niềm tin đó trong cuộc sống giống như các đạo sĩ. Sau khi khám phá ra Chúa, cuộc đời họ đã biến đổi hoàn toàn và cuộc sống của có thật nhiều niềm vui.
Có một cậu bé muốn đi gặp Chúa Giêsu. Để chuẩn bị cho cuộc hành trình, cậu bỏ vào giỏ mấy chiếc bánh và hai chai sữa tươi. Và cậu bé lên đường, lòng vui tươi hớn hở. Mới đi được mấy dãy phố, cậu chợt thấy một bà cụ già đang ngồi trên một chiếc ghế đá ở công viên. Cậu thấy mỏi chân nên quyết định ngồi nghỉ một chút bên cạnh bà lão. Cậu lấy một chai sữa tươi ra, định uống cho đỡ khát.
Nhưng nhìn sang, thấy bà cụ run lập cập, có lẽ vì đói quá chăng. Cậu liền lấy bánh lẫn sữa ra mời bà. Bà cụ nhận tất cả với một nụ cười cảm động và biết ơn. Ôi nụ cười mới đẹp làm sao? Thế là hai bà cháu mải mê ngồi ăn uống và nói chuyện vui vẻ với nhau mãi.
Buổi chiều, khi cậu bé trở về nhà, bà mẹ thấy con rất vui liền hỏi:
- Hôm nay con có chuyện gì mà vui thế?
Cậu hớn hớ khoe:
- Mẹ có ngờ được không? Hôm nay con đã cùng ngồi ăn trưa với Chúa Giêsu. Người có nụ cười thật đễ thương mẹ ạ!
Trong khi đó, bà lão cũng chậm rãi trở về nhà, lòng chan chứa một niềm bình an. Cậu con trai lớn của bà hỏi thăm ngay từ cửa:
- Mẹ ơi, sao hôm nay mẹ có vẻ vui thế nhỉ?
Bà cụ móm mém trả lời:
- Này, con có ngờ được không? Hôm nay mẹ đã cùng được ngồi ăn trưa với đức Giêsu. Người trẻ hơn mẹ tưởng nhiều con ạ!
Xin chúc các bạn một năm mới tràn đầy hồng ân và luôn được gặp Chúa trong cuộc đời. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Thứ Bảy tuần 18 Thường niên năm II (Mt 17,14-21)
-
Thứ Tư tuần 18 Thường niên năm II (Mt 15,21-28) -
Chúa nhật 5 mùa Chay năm C (Ga 8,1-11) -
Chúa nhật 4 mùa Chay năm C - Trở về (Lc 15,1-3.11-32) -
Chúa nhật 3 mùa Chay năm C - Hãy sám hối (Lc 13,1-9) -
Chúa nhật 2 mùa Chay năm C - Biến đổi (Lc 9,28b-36) -
Chúa nhật 1 mùa Chay năm C (Lc 4,1-13) -
Chúa nhật 8 Thường niên năm C (Lc 6,43-49) -
Chúa nhật 7 Thường niên năm C -
Chúa nhật 6 Thường niên năm C (Lc 6,17.20-26)
bài liên quan đọc nhiều
- Thứ Sáu tuần thánh - Thương khó (Ga 18,1-19,42)
-
Thứ Bảy tuần thánh - Ngôi mộ trống (Mc 16,1-8) -
Thứ Năm tuần thánh (Ga 13,1-15) -
Thứ Tư Lễ Tro - Giữ chay và kiêng thịt (Mt 6,1-6.16-18) -
Chúa nhật 5 Thường niên năm A -
Ngày 25 tháng 12: Chúa Giáng sinh (Lễ Đêm, Rạng Đông, Ban Ngày) -
Chúa nhật lễ Mình Máu Thánh Chúa năm A -
Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa - Năm A -
Bài giảng lễ Mồng Hai Tết -
Ngày 22/07: thánh nữ Maria Mađalêna, lễ kính (Ga 20,1-2.11-18)