Suy niệm nhân ngày lễ Các Thánh 2011
ƠN GỌI NÊN THÁNH
(Suy niệm nhân ngày lễ Các Thánh 2011)
***
Khái niệm “thánh” được hiểu dưới nhiều khía cạnh khác nhau:
- Trong lãnh vực tín ngưỡng, “thánh” được đồng nghĩa với các vị thần linh. Danh tính của các vị này có thể được xác định cụ thể hoặc chỉ là những khái niệm bàng bạc, tổng quát về các nhân vật thuộc thế giới trên cao, có quyền năng siêu việt, có thể giúp đỡ hay trừng phạt con người.
- Trong lãnh vực văn hóa bình dân, “thánh” là danh từ dùng để chỉ những người tốt lành đáng kính, xả thân vì ích lợi của người khác hoặc những người đem lại hòa bình ấm no cho nhiều người. Thông thường, đó là các vị đã chết, nhưng đôi khi người ta cũng phong những vị “thánh sống” do lòng ngưỡng mộ về tài đức của những vị này.
- Trong ngôn ngữ Ki-tô giáo, “thánh” lại là những người rất đỗi bình thường, nhưng đã vượt lên chính mình để thực thi đức mến Chúa yêu người. Họ có thể là những bậc vua chúa cao sang, nhưng cũng có thể chỉ là những bác nông dân nghèo nàn lam lũ. Họ có thể là những người học hành uyên bác, nhưng cũng có thể chỉ là những người nửa chữ không thông. Điểm giống nhau giữa họ là tin cậy và phó thác nơi Chúa, sẵn sàng để Chúa hướng dẫn và điều khiển cuộc đời mình, đồng thời sống thân thiện hài hòa với anh chị em.
Giáo Hội công giáo mừng kính các thánh nam nữ trên trời để hiệp thông với những chi thể của mình đang hưởng phúc vinh quang mà ngôn ngữ bình dân vẫn gọi là “phúc thiên đàng”. Họ là những người “từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy áo trắng trong máu Con Chiên" (Kh 7,14). Những hình ảnh này cho thấy một khái niệm hạnh phúc rất đặc biệt nơi cuộc đời các thánh: hạnh phúc được đổi lấy bằng đau khổ; sự sống đời sau được đổi bằng hy sinh đời này; Vinh quang Nước Trời được đổi bằng những cố gắng vác thập giá theo Chúa Giê-su.
“Anh em hãy nên hoàn thiện như cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48). Lời mời gọi nên thánh được gửi đến mỗi người chúng ta, là những người đang sống giữa cuộc đời còn đầy gian truân trắc trở. Tuy vậy, lời mời gọi này nhiều khi không được đón nhận và đáp trả. Chúng ta thường có khuynh hướng ưa bóng tối hơn ánh sáng, thích đời này hơn đời sau, chọn gian nan hơn hạnh phúc. Thánh thiện và tội lỗi, đó là hai thái cực của cuộc sống con người. Lằn ranh giới giữa hai thái cực này rất đỗi mỏng manh. Một chọn lựa vội vàng có thể biến một người tốt lành biến thành quỷ dữ. Một quyết định khôn ngoan có thể đưa một người tội lỗi trở thành thánh nhân. Như thế, dù vẫn xác tín rằng ơn Chúa là yếu tố vô cùng quan trọng trong hành trình nên thánh, nhưng sự lựa chọn của con người lại mang tính quyết định cho hậu vận tương lai của mình. Nên thánh là hoa trái của sự cộng tác của con người với ân sủng Chúa ban.
1. Ơn gọi nên thánh hướng chúng ta về Thiên Chúa là Đấng Chí Thánh
Con người tự mình không thể nên hoàn thiện. Nếu chúng ta hy vọng có thể nên thánh, là vì chúng ta tin vào Chúa là Đấng Chí Thánh. Đức Giê-su đã mời gọi chúng ta nên hoàn thiện theo mẫu mực là Chúa Cha, Đấng vô cùng thánh thiện. Khi sáng tạo con người và mọi loài mọi vật, Thiên Chúa muốn chia sẻ sự thánh thiện của Ngài cho họ. Ngài muốn sự thánh thiện của Ngài được phản chiếu nơi gương mặt con người, để họ được mang nơi mình một phần sự thánh thiện hoàn hảo của Đấng Tối Cao. Khi tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng Thánh, chúng ta nhận Ngài là mẫu mực và lý tưởng của chúng ta, để rồi mọi tư tưởng, lời nói và việc làm đều quy về Chúa. Khi ý thức về ơn gọi nên thánh, chúng ta cần cân nhắc xem hành động của mình có phù hợp với giới răn của Chúa hay không. Trong mọi cách ứng xử, chúng ta đều lấy sự thánh thiện làm mẫu mực, lấy đức bác ái làm nền tảng, nhờ đó có thể thực thi điều Chúa muốn.
2. Ơn gọi nên thánh giúp chúng ta thêm niềm hy vọng
Cuộc đời này được so sánh như thung lũng nước mắt, như bể khổ trầm luân. Biết bao người đã bị nhấn chìm trong biển trầm luân ấy, vì họ không tìm thấy niềm hy vọng vươn lên. Ơn gọi nên thánh giúp chúng ta vượt qua những gian nan của cuộc sống, vì chúng ta biết những khó khăn đó chỉ là tạm thời. Hơn nữa, đức tin giúp chúng ta xác tín sự hiện diện của Chúa nơi cuộc đời. Ngài không bỏ rơi chúng ta. Ngài luôn nâng đỡ và ban sức mạnh cho chúng ta trong mọi gian nan. Ơn gọi nên thánh giúp chúng ta có thêm nghị lực như người lữ hành biết mình chắc chắn sẽ tới đích, nên phấn chấn tự tin. Lời gọi hoàn thiện cho ta thêm sức mạnh, vì biết chắc rằng có Chúa hiện diện trong đời. Nên thánh là biết sống niềm hy vọng cậy trông. Trở thành hoàn thiện là biết nhận ra ơn huệ dồi dào của Chúa. Môn đệ Giu-đa đã phạm tội và mất niềm hy vọng, nên ông tự kết liễu đời mình. Tông đồ Phê-rô tuy chối Chúa, nhưng trông cậy vào ơn thứ tha và được nên thánh. Lịch sử Giáo Hội cho thấy biết bao tín hữu nên thánh nhờ sống niềm cậy trông. Danh sách các thánh có nhiều vị đã can đảm đoạn tuyệt với quá khứ sai lầm để trở về với chính lộ. Vâng, ý thức mình được kêu gọi nên thánh là nguồn hy vọng và sức mạnh của chúng ta.
3. Ơn gọi nên thánh giúp chúng ta sống tốt cuộc sống hôm nay
Đức tin vào đời sau làm cho cuộc đời thêm ý nghĩa. Con người ta không chỉ sống cuộc đời hiện tại, nhưng họ đang vươn tới hạnh phúc vĩnh cửu. Tin vào đời sau là tôn vinh phẩm giá cao quý của con người. Bởi lẽ nếu “chết là hết” thì con người chẳng khác gì những động vật vô tri! Nếu những nấm mộ là điểm dừng mãi mãi của kiếp sống thì đâu là kết quả của công chính yêu thương mà khi còn sống người ta cố gắng hy sinh thực hiện? Khi tin có đời sau, chúng ta thấy rõ những bất công đau khổ ở đời này chỉ là tạm thời. Đấng Thẩm phán công minh sẽ xét xử người bất lương, xứng với điều gian ác họ đã làm. Cha nhân hiền sẽ tuyên thưởng người công chính, tùy theo điều họ sống. Mối liên hệ của mỗi người đối với tha nhân sẽ là tiêu chuẩn cho sự xét xử ấy (x. Mt 25). Khi hướng về trời cao, con người sẽ dễ dàng sống siêu thoát. Khi tin vào Nước Trời, con người sẽ dễ dàng trở nên cao thượng. Ý niệm thiên đàng sẽ giúp chúng ta dừng lại lúc bị cám dỗ làm điều xấu. Thiên đàng là kết quả của một cuộc sống tốt lành. Cuộc sống hôm nay đang gieo mần cho cuộc sống vĩnh cửu. Nên thánh là sống tốt cuộc sống hiện tại, giữa những phong ba bão táp của cuộc đời, như đóa sen vươn lên giữa bùn mà vẫn thanh tao tinh khiết. Các thánh là những người tin chắc điều đó và họ cố gắng suốt đời để đạt tới phúc trường sinh.
Một ngày kia, có vị thánh trong khi cầu nguyện đã đạt tới một kinh nghiệm huyền bí về Thiên Chúa rất mãnh liệt, và ngài kêu lên với chính mình, “Nếu thiên đàng không hơn thế, thì điều tôi đang cảm nghiệm đã đủ cho tôi.”, lập tức ngài nghe tiếng Chúa nói: “Con rất nghèo nàn nếu con bằng lòng với sự này. Nếu đem niềm vui mà con đang cảm nghiệm để so sánh với thiên đàng cũng giống như trời vẽ trong giấy so sánh với trời thật”.
Vâng, chỉ có các thánh mới hiểu thế nào là vinh quang Thiên Chúa và hạnh phúc Nước Trời. Chúng ta cùng chia sẻ niềm vui của các ngài và xin các ngài cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta. Khi nói “các thánh trên thiên đàng”, điều đó không có nghĩa các ngài ở xa chúng ta. Khi chúng ta sống thánh thiện, tâm hồn chúng ta trở nên đền thờ của Chúa Ba Ngôi, chính nơi chúng ta đã khởi đầu thiên đàng dưới thế. Như vậy các thánh đang hiện diện trong chính cuộc đời chúng ta để cảm thông và chia sẻ niềm vui nỗi buồn của cuộc đời hiện tại. Chúng ta hãy nhận ra điều đó để hiệp lời với các ngài trong bài xướng ca bất tận để ngợi khen và tôn vinh Chúa, Đấng ngàn trùng Chí Thánh và là Cha yêu thương chúng ta. Amen.
+Giuse Vũ Văn Thiên
Giám mục Hải Phòng
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm