Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật tuần III Phục Sinh năm B
3rd Sunday of Easter
Reading I: Acts 3:13-15,17-19 II: 1 John 2:1-5
Chúa Nhật 3 Phục Sinh
Bài Đọc I: Công vụ TĐ 3:13-15,17-19 II: 1 Gioan 2:1-5
----o0o----
Gospel
Luke 24:35-48
35 Then the two told what had happened on the way, and how Jesus was recognized by them when he broke the bread.
36 While they were still talking about this, Jesus himself stood among them and said to them, "Peace be with you."
37 They were startled and frightened, thinking they saw a ghost.
38 He said to them, "Why are you troubled, and why do doubts rise in your minds?
39 Look at my hands and my feet. It is I myself! Touch me and see; a ghost does not have flesh and bones, as you see I have."
40 When he had said this, he showed them his hands and feet.
41 And while they still did not believe it because of joy and amazement, he asked them, "Do you have anything here to eat?"
42 They gave him a piece of broiled fish,
43 and he took it and ate it in their presence.
44 He said to them, "This is what I told you while I was still with you: Everything must be fulfilled that is written about me in the Law of Moses, the Prophets and the Psalms."
45 Then he opened their minds so they could understand the Scriptures.
46 He told them, "This is what is written: The Christ will suffer and rise from the dead on the third day,
47 and repentance and forgiveness of sins will be preached in his name to all nations, beginning at Jerusalem.
48 You are witnesses of these things.
Phúc Âm
Luca 24:35-48
35 Còn hai ông thì thuật lại những việc đã xảy ra dọc đường, và mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.
36 Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giêsu đứng giữa các ông và bảo: "Bình an cho anh em!"
37 Các ông kính hồn bạt vía, tưởng là thấy ma.
38 Nhưng Người nói: "Sao anh em lại hoảng hốt? Sao còn ngờ vực trong lòng?
39 Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?"
40 Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem.
41 Vì mừng quá, các ông vẫn chưa tin và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: "Ở đây anh em có gì ăn không?"
42 Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng.
43 Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.
44 Rồi Người bảo: "Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môsê, Các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm".
45 Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh
46 và bảo: "Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại,
47 và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội.
48 Chính anh em là chứng nhân của những điều này.
Interesting Details
• On an earlier occasion, Jesus had appeared to the two disciples who were on their way to Emmaus, a village about seven miles from Jerusalem. This time, according to Luke, Jesus appeared among them when these two disciples went back to Jerusalem to tell the other disciples how they recognized Jesus through the sign of breaking bread (v.35).
• When they thought He was only a spirit and not in the physical form (v.37), Jesus revealed Himself as truly risen from death in His earthly body, by inviting them to recognize His hands and feet where the nail or rope marks would be (v.39).
• Jesus' victory over death is pointed out very powerfully in the renewal of table fellowship with His disciples, when He asked for food and ate it before them (v.41-43).
• Although having told them on several occasions before, Jesus now opened their minds to comprehend what had been written about Him in the Scriptures (v.45-46) that has now been fulfilled. Also as written in the Scriptures, "repentance and forgiveness of sins is to be preached in His name to all nations, beginning in Jerusalem" (v.47), Jesus now gave this commission to the disciples as the first witnesses of His fulfillment, right in Jerusalem (v.48).
• Witness is a translation of the Greek word martyr. Some of this witnessing to the world requires martyrdom. Along with the commission of being witnesses, Jesus assured His disciples with God's promise to give them the power from on high (v.49) through the presence and power of the Holy Spirit.
Chi Tiết Hay
• Trong một dịp trước đó, Đức Giêsu đã hiện ra với hai môn đệ khi họ đang trên đường đi Emmaus, một ngôi làng cách Giêrusalem khoảng bảy dặm. Lần này, theo phúc âm thánh Luca, Đức Giêsu lại hiện ra với hai ông khi họ trở lại Giêrusalem để kể cho các môn đệ khác việc họ đã nhân ra Người qua hình thức bẻ bánh (c. 35).
• Khi các môn đệ cho rằng Người chỉ là một thần linh chứ không phải người thật (c.37), Đức Giêsu liền chứng tỏ cho họ thấy Người đã thực sự sống lại từ cõi chết, bằng cách bảo họ hãy nhìn xem những dấu đinh và vết trói nơi tay chân của Người
• Việc chiến thắng sự chết của Đức Giêsu được chứng minh một cách hùng hồn qua sự việc Người lại ngồi vào bàn ăn với các môn đệ, hỏi xin họ thức ăn và đã ăn trước mặt họ (cc.41-43).
• Măc dù dã nói với các môn đệ nhiều lần trước đó, nay Đức Giêsu mới mở trí cho họ hiểu những điều đã được chép trong Kinh Thánh về Người nay đã được ứng nghiệm. (c.45-46). Và cũng thế, như đã có lời chép trong Kinh Thánh rằng "Sự thống hối và sự thứ tha tội lỗi phải được rao giảng trong danh Người tới mọi dân tộc, khởi đầu từ Giêrusalem" (c.47), nay Đức Giêsu trao cho các môn đệ nhiệm vụ là những nhân chứng đầu tiên rằng Kinh Thánh đã được ứng nghiệm nơi Người, ngay tại Giêrusalem (c. 48).
• Chữ chứng nhân có gốc từ tiếng Hy Lạp có nghiã là tử đạọ Người làm chứng có khi bị dòi hỏi phải hy sinh chịu chết vì đạọ Khi trao cho các môn đệ nhiệm vụ làm chứng nhân, Đức Giêsu đã bảo đảm với họ lời hứa của Chúa Cha là sẽ ban cho họ sức mạnh từ trời cao (c. 49), qua sự hiện diện và quyền năng của Chúa Thánh Thần.
One Main Point
Through the reunion with Jesus, the disciples' minds were opened to understand about Him as written in the Scriptures. Since they have witnessed that the Scriptures were fulfilled by Jesus, the disciples were now to preach in Jesus' name about repentance and forgiveness of sins to the entire world, with the power from the Holy Spirit as promised by God through Jesus.
Một Điểm Chính
Qua việc hội ngộ với Đức Giêsu, các môn đệ đã được mở trí để hiểu về Người như đã được chép trong Kinh Thánh. Vì những môn đệ đã chứng kiến lời Kinh Thánh được ứng nghiệm, nay họ sẽ rao giảng nhân danh Đức Giêsu về lòng thống hối và sự thứ tha tội lỗi cho khắp thế gian, với sự trợ lực của Thánh Thần như lời Đức Chúa Cha đã hứa.
Reflections
1. How do I recognize Jesus' presence with 'flesh and bones' in the people around me and in myself ? How ready am I to have my mind opened to understand about Jesus and the Scriptures?
2. Being called to the same commission given to His disciples, how do I live as a witness of Jesus, preaching about repentance and forgiveness of sins?
3. What did I learn from Jesus in handling doubts and fears in the minds of others when I'm carrying out the tasks of a witness?
Suy Niệm
1. Tôi nhận ra sự hiện diện của Đức Giêsu bằng "xương bằng thịt" nơi những người chung quanh tôi và ngay trong chính tôi như thế nào? Tôi có sẵn sàng để trí tôi đươc khai mở để hiểu biết về Đức Giêsu và Kinh Thánh ?
2. Được giao phó cùng nhiêm vụ như những môn đệ của Đức Giêsu, toi phải sống như thế nào dể làm chứng nhân về "lòng thống hối và sự thứ tha tội lỗi " ?
3. Trong khi làm nhiệm vụ của một chứng nhân, tôi đã học từ Đức Giêsu bài học gì để đối phó với sự nghi ngờ và sợ hãi của người khác?
Các bài suy niệm CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH – Năm B
Lời Chúa: Cv 3,13-15.17-19; 1Ga 2,1-5a; Lc 24,35-48
MỤC LỤC
1. Emmaus
2. Đau khổ
3. Không phải mọi sự chỉ toàn là ánh sáng
4. Sự thử thách cho trọng tâm đức tin
5. Niềm tin thắng vượt sợ hãi
6. Chúa Giêsu là trung tâm lịch sử – Noel Quesson
7. Suy niệm của ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
8. Suy Niệm của ĐGM. Vũ Duy Thống
9. Anh em là chứng nhân
10. Phiền muộn, bối rối, & bình an
11. Chúa hiện ra với các tông đồ - R. Gutzwiller
12. Bình an cho các con – Lm. Tạ Duy Tuyền
13. Loan báo
14. Làm chứng
15. Đau khổ
16. Làm chứng
17. Vâng lời
18. Tình yêu
19. Tái sinh
20. Đức Giêsu hiện ra với các Tông Đồ – JKN
21. Suy niệm của Lm Đan Vinh
22. Chú giải của Noel Quesson
23. Chú giải của Fiches Dominicales
-----o0o-----
Qua đoạn Tin Mừng vừa nghe chúng ta thấy được sự chuyển biến tình cảm của hai môn đệ trên đường đi Emmau, chuyển biến đó khởi đi từ chỗ buồn nản đến chỗ phấn khởi và hăng hái.
Thực vậy, cũng như phần đông các môn đệ khác, các ông bước theo Chúa với tham vọng vật chất và trần tục: Chúa sẽ là vua, vương quốc của Ngài là một quốc gia vừa rộng lớn, vừa hùng mạnh, lại vừa giàu sang, còn bản thân các ông sẽ được giữ chức vụ này nọ hay chức vụ kia trong triều đình của Chúa. Mặc dầu luôn yêu mến Chúa, nhưng cái nhìn của các ông vẫn còn nặng mùi xôi thịt. Vì thế, khi Chúa bị treo trên thập giá, thì ước mơ của các ông tan theo mây khói. Các ông chán nản và thất vọng trở về với quê cũ, nghề xưa.
Như hai môn đệ trên đường Emmau chúng ta cũng hay tin vào mình và võ đoán, cho nên rất dễ sai lầm trong việc nhận định. Như hai môn đệ trên đường Emmau, chúng ta cũng hay chán nản và buồn phiền, chỉ vì thiếu tin tưởng vào Chúa hay vì để lòng mình quá vấn vương với những lợi lộc vật chất.
Trong việc tông đồ thường có hai kết quả. Kết quả bên ngoài tức là những lợi ích trần gian và kết quả bên trong tức là cái ảnh hưởng siêu nhiên. Nếu để ý quá đến những kết quả bên ngoài, chúng ta sẽ tự chuốc lấy cho mình những đắng cay và thất vọng. Trái lại nếu biết đặt niềm tin tưởng vào Chúa và làm hết sức mình, thì bao giờ chúng ta cũng có đủ lý do để lạc quan, chắc chắn rằng ảnh hưởng thiêng liêng thế nào cũng có, dù không có ngay hoặc không rõ rệt qua bên ngoài.
Giữa lúc các ông đang thất vọng và chán nản như thế, thì Chúa vẫn yêu thương các ông, muốn sửa lại cái quan niệm sai lầm và đem lại cho các ông niềm phấn khởi và hy vọng, nên Chúa đã hiện ra, cùng đi với các ông và cắt nghĩa Kinh Thánh để các ông hiểu rằng: Nước Chúa không phải là ở trần gian và thập giá chính là con đường tiến tới vinh quang.
Trái tim các ông bỗng ngập tràn niềm phấn khởi. Rồi sau đó tại quán trọ, các ông đã nhận biết Ngài khi Ngài bẻ bánh. Lúc ấy các ông thật sung sướng và phấn khởi. Lúc ấy các ông hăng hái đứng dậy, hối hả trở về tìm gặp các tông đồ, không quản ngại đường xa và đêm tối. Các ông không còn nghĩ đến công việc làm ăn ở làng Emmau nữa, mà trái lại các ông chỉ trông mong để được loan đi tin mừng phục sinh: Thầy đã sống lại và chúng tôi đã thấy Thầy.
Ước gì ánh sáng đức tin cũng bùng lên trong chúng ta, để nhờ đó chúng ta cũng sẽ là những chứng nhân cho Tin mừng Phục sinh bằng chính đời sống đạo đức và thánh thiện, bác ái và yêu thương của chúng ta.
Đang khi các tông đồ nghe hai môn đệ từ Emmaus trở về, say sưa kể lại sụ kiện gặp gỡ Đức Kitô phục sinh, thì Ngài bỗng hiện ra và ở giữa họ. Chắc hẳn lúc bấy giờ các ông đã vô cùng sững sờ và ngạc nhiên đến nỗi tưởng như mình đã gặp phải một hồn ma nào đó. Khi ấy Chúa Giêsu mới ân cần làm cho họ nhận biết mình. Ngài nói chuyện với họ, khuyến khích họ sờ vào tay chân Ngài để họ không còn nghi ngờ chi nữa.
Dù vậy các ông vẫn còn e dè sợ sệt. Chúa Giêsu lại phải đưa thêm một bằng chứng khác nữa, đó là Ngài cùng ăn uống với họ. Hồn ma chỉ có thể tạo ra những ảo giác chứ không thể ăn uống như người thật. Các tông đồ đến lúc đó mới hết ngờ vực. Vả lại nhìn chung quanh các ông thấy ai cũng tin như thế, các ông mới yên lòng, vì nếu ảo tưởng thì chỉ có nơi một vài người lẻ tẻ, chứ không thể nào tất cả bằng ấy người lại cùng có một ảo tưởng.
Họ nhận ra Ngài như Ngài đã nói: Chính Thầy đây. Và họ tin chắc đó là Chúa Giêsu, người mà họ đã bước theo suốt ba năm dài, đã trở nên tông đồ, đã sống thân mật và gần gũi với Ngài. Ngài đã chịu nạn chịu chết và bây giờ đã sống lại.
Giờ đây, Chúa Giêsu cũng làm lại điều Ngài đã làm cho hai môn đệ tại Emmaus, đó là mở trí cho họ hiểu Kinh thánh. Bấy lâu nay Ngài đã nhiều lần và bằng nhiều cách dạy cho họ hiểu những lời tiên tri, thánh vịnh. Cố ý cho họ biết Ngài là Đấng Messia, sẽ phải chịu đau khổ và chịu chết. Nhưng nào họ có chịu hiểu cho đâu, lại còn bực bội tức tối về điều đó nữa.
Chúng ta cũng thế. Biết bao nhiêu lần chúng ta vẫn quan niệm Giáo Hội như là một cơ chế quyền lực do Chúa thiết lập. Giáo Hội phải thành công rực rỡ trong mọi lãnh vực. Biết bao nhiêu lần chúng ta đã đòi hỏi cuộc sống thiêng liêng và những hoạt động tông đồ của mình phải gặt hái được những thành quả tốt đẹp. Chúng ta không thể nào chấp nhận được chương trình và cách thức hành động của Thiên Chúa.
Giờ đây Chúa Giêsu mở lòng trí các tông đồ khiến họ phải hiểu qua con đường nào mới tiến đến được vinh quang Nước Trời. Thực tế, con đường của Chúa không đi đôi với vẻ hào nhoáng của những thành công sáng chói ở đời, nhưng đó là con đường nghịch lý mà Chúa Giêsu đã dạy trong tám mối phúc thật. Có thể thỉnh thoảng Chúa cũng ban cho chúng ta một vài thành quả nào đó, tuy nhiên những thành quả ấy phải được sử dụng để làm vinh danh Chúa và mưu cầu lợi ích cho anh em, chứ không phải là để kiếm chác những lợi lộc tư riêng theo kiểu vinh thân phì gia.
Cái định luật bất di bất dịch mà những người tin Chúa phải tuân theo, đó là hãy chấp nhận gian khổ, hãy vác lấy thập giá trên vai nếu như chúng ta muốn trở thành môn đệ Chúa, nếu như chúng ta muốn được chia sẻ phần vinh quang phục sinh với Ngài.
3. Không phải mọi sự chỉ toàn là ánh sáng (Suy niệm của Jean-Yves Garneau)
Những nỗi nghi ngờ của chúng ta
Nhiều người đã nhìn thấy Chúa Giêsu tận mắt, đã nghe Ngài nói, đã biết những việc lạ lùng Ngài làm. Có lẽ chính họ đã chứng kiến nữa. Nhưng cũng chính những người đó vẫn không tin nơi Ngài. Họ đã không nhận ra được rằng Ngài là Đấng Cứu Độ. Trái lại, nhiều người đã “chối bỏ, trao nộp và giết” Ngài (Cv 3,13;14;15).
Nhiều lần sau khi Phục Sinh, Chúa Kitô đã hiện ra với các môn đệ. Và khi những biến cố như thế xảy ra, thì không phải tự nhiên các ông vui mừng phấn khởi ngay đâu, nhưng đúng hơn các ông ngạc nhiên, nghi ngờ. Thánh Luca nói với chúng ta rằng: “Họ tưởng trông thấy ma” (24,37). Phải có những cử chỉ đầy thuyết phục để cho các Tông đồ tin vào Chúa Giêsu: “Hãy xem tay chân Thầy đây. Hãy sờ xem…”. Mà vẫn chưa đủ, Ngài còn phải ăn một miếng cá nướng trước mặt các ông.
Khi biết được những điều này ta sẽ không ngạc nhiên khi nhiều Kitô hữu thuộc những thời đại và trong những hoàn cảnh khác nhau, đã muốn chối bỏ Chúa Kitô hoặc ít ra là nghi ngờ. “Đức tin của tôi dựa trên cái gì? Tôi có lý mà tin chăng? Tôi có lầm đường chăng?”. Ai mà chẳng có lần tự đặt cho mình những câu hỏi như thế. Có lẽ hiện giờ một số người vẫn còn những thắc mắc kiểu ấy nữa.
Giả như ít ra, vào những giờ phút ấy, chúng ta có được những dấu chỉ cũng rõ rệt như những dấu chỉ mà các môn đệ xưa kia đã có được. Trông thấy Chúa Kitô, sờ vào Ngài, nghe Ngài! Và lúc đó mọi sự sẽ đơn giản hơn nhiều. Nhưng những dấu chỉ ấy không được ban cho chúng ta. Chúng ta đừng chờ đợi vô ích. Nhìn thấy Chúa Giêsu bằng mắt xác thịt, sờ vào Ngài với đôi bàn tay của chúng ta, chính tai chúng ta nghe Ngài, ngồi ăn cùng với Ngài như các chứng nhân đầu tiên về sự Phục Sinh, đó không phải là cơ may của chúng ta.
Những điểm qui chiếu
Như thế không có nghĩa là chúng ta hoàn toàn bị chìm ngập trong tối tăm và không thể bám víu vào cái gì cả để khơi dậy đức tin nơi mình.
Chúa Giêsu đã nói với Phêrô và những tông đồ khác: “Hãy xem tay chân Thầy”. Nhưng Ngài nói với chúng ta: “Các con hãy nhìn các môn đệ. Hãy lấy kính lúp mà xem họ đã sống những gì. Các con hãy đón nhận chứng tá của họ. Các con hãy tin vào lời họ. Thầy đã làm cho họ trở nên những sứ giả của Thầy”.
Ngài cũng nói với chúng ta: “Hãy nhìn xem các tín đồ xung quanh các con. Hãy nhìn xem Giáo Hội. Hãy nhìn xem những kẻ lớn bé tin vào Thầy. Hãy nhìn xem tất cả những người nam, người nữ gắn bó với Thầy tận đáy lòng. Hãy nhìn xem hành vi của họ. Hãy nói chuyện với họ. Hãy kiểm chứng niềm tin của họ. Hãy yêu cầu họ trả lẽ về niềm hy vọng của họ. Điều đó sẽ giúp ích cho các con. Khi gặp gỡ những tín hữu chân chính, các con sẽ được lôi cuốn trong đức tin, đức tin của họ sẽ củng cố đức tin của các con”.
Lời khuyên khác để nuôi dưỡng đức tin của chúng ta
Thánh Gioan cho chúng ta lời khuyên này khi người khẳng định: “Đây là cách chúng ta có thể biết được chúng ta có biết Ngài không? (chúng ta có tin nơi Ngài không?). Đó là tuân giữ các giới răn của Ngài”.
Chính nhờ sống như Chúa Kitô mà người ta trở thành Kitô hữu và thành người sống đạo. Chính nhờ thực sự cố gắng làm cho cuộc sống của mình am hợp với những đòi hỏi của Tin Mừng mà ta làm chứng cho sự vững chắc và sự thật của những gì Chúa Giêsu dạy. Chính nhờ cụ thể bước theo con đường Phúc Âm đã vạch ra mà ta gặp được Chúa Kitô. Sống bằng Tin Mừng để tin vào Tin Mừng! Sống như Chúa Kitô để tin nơi Ngài!
Những nghi nan của chúng ta vẫn còn
Khi bước theo con đường này, chúng ta có tránh được mọi nghi nan không, chúng ta có sống trong ánh sáng chói lòa và trong sự yên tĩnh hoàn toàn không? Chắc chắn là không. Sự nghi ngờ, những vấn nạn không có câu trả lời rõ ràng và thỏa mãn chúng ta hoàn toàn, cả đến sự cám dỗ chối bỏ Chúa Kitô nữa. Mọi sự đều có thể xảy ra cho chúng ta trên trần thế này. Ánh sáng chan hòa sẽ chỉ có ở thế giới bên kia. Diện đối diện với Chúa không phải là điều xảy ra nơi trần thế này. Ở đây ta phải luôn luôn chờ đợi những lúc khó khăn và những bước đường cực nhọc.
Tin! Chắc chắn đó là một hồng ân. Nhưng cũng là một cuộc chiến đấu, một sự tìm kiếm mỗi ngày. Người nào tìm kiếm không ngừng, sống một đức tin trong niềm thao thức, một đức tin có thể rất mỏng dòn, người đó sẽ được Thiên Chúa yêu thương. Và hễ ai tìm kiếm, thì Ngài ban cho ơn được thấy. Và ai gõ cửa, Ngài sẽ mở cho. Ngài là Cha và Ngài chờ đợi chúng ta hết thảy.
4. Sự thử thách cho trọng tâm đức tin (Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)
Để tránh sự mập mờ khó hiểu của một từ, mà theo ngôn ngữ thông thường ý nghĩa của nó đi từ sự khảo sát dĩ vãng theo con mắt khoa học, đến khái niệm về một truyện tích thần kỳ –ở đây chúng ta không muốn nói đến những “câu chuyện” thuật những lần Chúa hiện ra, mà chỉ bàn đến những đoạn tường thuật trong Phúc Âm. Ký sự của thánh Luca về lần Chúa hiện ra trong phòng Tiệc ly, nhấn mạnh sự việc các môn đệ nhận ra một người đang sống mà các ông tưởng là mãi mãi khuất bóng. Các ông tưởng nghĩ Chúa nằm yên trong mộ. Vậy mà Chúa cho các ông thấy Người đang sống. Chúa khẳng định: Chính là Ta đây. Sự kiện này quá vĩ đại, nên các ông chưa thể trong phút chốc chấp nhận thực tại trước mắt. Vì thế, Chúa đưa ra những bằng chứng về nhân dạng Người: Chúa muốn cho các ông chạm tay vào người Chúa, cho các ông nhìn những vết sẹo ở tay chân Người. Chúa lại dùng bữa trước mặt các ông.
Đoạn Phúc Âm có sức kích thích mạnh, cho thấy các Tông đồ đã sống sự kiện Phục Sinh, coi đó là một biến cố thật sự xảy đến cho Chúa, chứ không như một kinh nghiệm tôn giáo đơn giản. Nếu sự sống lại vì có tính cách phi thường cho nên phần nào ở ngoài vòng kiểm soát của khoa sử học với khả năng hạn hẹp của loài người- thì ở đây ta thấy sự Phục Sinh như là một sự kiện gây nền một niềm xác tín vững mạnh trong tập thể một nhóm người. Các ông xem sự Chúa sống lại như một biến cố cũng có tính cách cụ thể như những biến cố cũng có tính cách cụ thể như những biến cố Thương Khó. Mặc dù vượt quá những khuôn khổ nhân loại của những sự kiện dĩ vãng được khoa sử học, khoa học khảo sát, sự Phục Sinh hiện diện như là một sự kiện được kiểm soát, dựa trên lời chứng của các Tông đồ. Người ta có thể trích dẫn ra đây một câu trong sách Công Vụ. Sau cuộc Thương Khó, Người cho họ thấy mình vẫn sống, với nhiều bằng chứng rành rành (1,3).
Để suy niệm, chúng ta giữ lại 2 điểm
1) Vì mừng quá mà họ vẫn còn không tin được, và chỉ kinh ngạc. Chúng ta thích thú mà nhận thấy rằng ngay cả đối với các môn đệ, tin vào sự sống lại không phải là việc dễ. Tâm trí con người hiện đại rất khó chấp nhận sự sống lại của một kẻ chết. Chỉ cần thêm một chút tưởng tượng thôi, thì sự Phục Sinh chỉ là một huyền thoại đối với những người biết suy xét. Điều khó khăn ấy gây trở ngại cho niềm tin vào sự Phục Sinh của Chúa Giêsu. Ở đây, chúng ta đứng trước sự thử thách về đức tin, vì chính đời sống Kitô hữu xây móng trên niềm tin vào sự Phục Sinh của Chúa. ta hãy gạt hết những gì là tưởng tượng khỏi tâm trí ta. Một cách rất đơn sơ, cùng với các Tông đồ, chúng ta đặt niềm tin của chúng ta vào Chúa Giêsu từng bị đóng đinh, giờ đây đang sống. Nếp sống của Chúa đã thay đổi, nhưng đích thật Người –một Đấng vừa có thể xác, vừa có thiên tính- đã bằng sự Phục Sinh của Người, đóng dấu ấn lên công cuộc cứu rỗi của Người.
2) Nhân danh Người, phải được rao giảng việc hối cải để được tha thứ tội lỗi. Trong bối cảnh tổng quát của nền tư tưởng Kitô giáo, câu đó rất phong phú.
Sau đây là một quan điểm có một giá trị của nó. Tội lỗi làm cho con người mất quân bình, sinh ra lầm đường lạc lối, cho nên tội lỗi xô đấy con người đến chỗ hoặc làm Thiên thần hoặc làm giống thú. Tại sao? Vì lẽ con người là cơ thể và tâm trí hợp nhất, lẽ thứ hai là tội lỗi đem hỗn loạn vào cơ thể và tâm trí. Thế quân bình hoàn chỉnh giữa cơ thể và tâm trí được thực hiện trong Đức Kitô Phục Sinh. Chúa vừa có tính chất siêu nhân loại thần kỳ, vừa mặc một xác phàm cụ thể. Trong Chúa không có tội lỗi mà chỉ có nhân vị thành toàn và bản thể chính trực. Niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh trở nên một thứ men phi thường cho sự thành toàn con người cả hồn lẫn xác. Đó là một sức mạnh thiêng liêng, nó loại bỏ tội lỗi và dẫn đưa con người tới sự thành toàn một số mệnh chung cho xác hồn.
5. Niềm tin thắng vượt sợ hãi (Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Khi thiếu niềm tin, người ta dễ hoài nghi và luôn lo sợ. Người thiếu niềm tin giống như một người yếu bóng vía đi ban đêm. Lúc nào cũng sợ hãi và cái gì cũng có thể làm cho họ tưởng chừng như bóng ma xuất hiện. Sợ hãi bóng tối là đặc tính của trẻ con. Lòng gan dạ biết thắng vượt sợ hãi bóng tối là dấu hiệu khôn lớn.
Một buổi tối nọ, trong căn nhà ấm cúng của một bác nông phu, người cha âu yếm đưa mắt nhìn cậu con trai với vẻ hài lòng sung sướng vì thấy con mình càng khôn lớn càng ngoan và gan dạ. Ông tự nhủ đã đến lúc cậu phải ra chuồng ngựa ban đêm một mình để cho ngựa uống nước. Nghĩ rồi ông bảo con cầm đèn ra chuồng ngưạ. Cậu con thường với vẻ do dự:
- Bố ơi, con rất sợ bóng tối. Con sợ đi một mình.
Nghe con nói như thế, ông liền đứng dậy cầm đèn dẫn con ra trước hiên nhà. Ông thắp đèn đặt vào tay con và hỏi:
- Với đèn sáng này, thấy rõ đến đâu?
Cậu trả lời:
- con thấy rõ tới nửa đường ra cổng.
Người cha bảo con
- hãy cầm đèn đi ra tới đó.
Khi cậu con tới nơi, ông hỏi theo:
- từ đó con nhìn tới đâu nữa?
- Con nhìn tới cổng, cậu đáp.
Ông giục cậu đi tới cổng. Từ cổng cậu nhìn thấy chuồng ngựa, cậu nhìn thấy rõ ràng từng con ngựa. Từ hiên nhà, người cha nói vọng ra:
- Con hãy đổ nước cho ngựa uống rồi trở về nhà.
Thế là từ đấy cậu không còn sợ nữa.
Thưa anh chị em,
Chính các tông đồ ngày xưa cũng đã trải qua những giờ phút đen tối và sợ hãi. Ngay cả khi Chúa Giêsu Phục Sinh hiện đến với các ông, các ông cũng đã hoảng hốt tưởng là bóng ma. Tin Mừng hôm nay vừa kể lại: ngay trong buổi tối Phục Sinh, đang lúc các tông đồ họp nhau trong nhà, các cửa đều đóng kín mít. Bất ngờ Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa các ông. Các ông hoảng hốt, tưởng mình thấy ma. Vì các ông chưa tin Chúa đã sống lại. Các ông đã phản ứng như một đêm nào trước đó, đang ở trên thuyền gặp gió ngược ngoài khơi, các ông thấy một “bóng ma” đi trên mặt nước. Các ông kêu rú lên “ma kìa!”, nhưng đã được trấn an ngay: “Thầy đây, đừng sợ!” (Mc 6,47-50)
Chúng ta có thể đặt hai câu truyện này lại với nhau để nhìn thấy khi Chúa Giêsu hiện ra trên biển sóng gió, Ngài đã muốn mạc khải sự Phục Sinh và thiên tính của Ngài. Đang khi hôm nay, hiện ra với các tông đồ trong thân xác Phục Sinh, Ngài muốn đem lại cho họ niềm vui phấn khởi và tin tưởng trong cuộc đời đầy sóng gió.
Chúa đã quở trách các tông đồ: “Tại sao các con lại hoảng hốt và nghi ngờ?” lời quở trách này nhắc chúng ta nhớ lại lời quở trách tương tự, khi các tông đồ đi chung thuyền với Chúa mà gặp bão táp (Mt 8,26). Hôm ấy, các tông đồ vất vả chèo chống, còn Chúa Giêsu thì nằm ngủ ở mạn thuyền. Các ông đến đánh thức Ngài dậy, vì sợ chìm thuyền. Chúa Giêsu đã quở trách các ông giống như hôm nay: “Tại sao lại hoảng hốt và nghi ngờ” (Có Thầy đây mà còn sợ gì?). rồi Ngài ra lệnh cho sóng gió yên lặng. Hôm nay, lặp lại những lời quở trách tương tự, để gợi lại chuyện cũ. Chúa ngầm ý nói rằng: Ngài đã “thức dậy”rồi: Ngài đã sống lại rồi. Anh em không còn gì phải sợ hãi nữa. Thầy đã Phục Sinh và đang sống với anh em.
Tuy nhiên, các tông đồ không thể tưởng tượng được: một người mới bị giết chết và mới an táng trong mồ mấy ngày trước đây mà bây giờ lại đang đứng sờ sờ trước mặt các ông. Các ông cứ tưởng là mơ, đây là bóng ma hiện về chứ không phải là Chúa Giêsu. Vì vậy, Chúa bảo các ông hãy sờ nắn và thân xác mang thương tích của Ngài để biết rõ đây không phải là ma hay hồn thiêng hiện về, nhưng là thân xác bằng xương bằng thịt của Ngài đã sống lại: “Ma làm gì có xương có thịt như anh em sờ thấy Thầy đây?”. Và để giúp các ông tin hoàn toàn và dứt khoát, Ngài còn ăn một miếng cá nướng trước mặt để các ông thấy: đây là thân xác đã sống lại thật chứ không phải hồn thiêng hiện về hay ma quỷ gì đâu! Có thể nói, sự thật trước mắt đã xua tan hết mọi nghi ngờ. Rồi đây, các tông đồ sẽ là những chứng nhân tai mắt. Các ông còn là những người phải đi công bố Tin Mừng Phục Sinh cho những người không được chứng kiến, để mọi người tin rằng Chúa Kitô đã sống lại thật như Kinh Thánh đã báo trước.
Chúa Phục Sinh đã đem lại cho các tông đồ niềm tin và niềm vui. Các ông đã bị lung lạc vì thấy Chúa Giêsu chết đau đớn nhục nhã trên thập gía, nay tìm lại được niềm tin vì thấy Ngài sống lại vinh quang. Các ông đang buồn sầu vì mất Thầy mình, nay được vui mừng vì gặp lại Thầy trong thân xác Phục Sinh. Niềm tin và niềm vui đó từ nay không bao giờ mất được nữa, vì Chúa Giêsu sẽ không bao giờ rời bỏ các môn đệ, như Ngài đã hứa: “Thầy sẽ ở với các con mọi ngày cho đến tận thế”. Cho dù sau khi Chúa lên trời, các môn đệ không còn được trông thấy Ngài nữa, cho dù phải phân tán mỗi người một ngã, cho dù gặp trăm ngàn khó khăn thử thách, các ông vẫn vững tin rằng Chúa Giêsu Phục Sinh luôn được bình an và phấn khởi vui mừng.
Đối với chúng ta cũng vậy, Chúa Kitô Phục Sinh không còn chết nữa. Ngài đang sống và hằng sống. Đối với Ngài, thời gian, không gian, không còn là cách trở. Nói khác đi, cho dù chúng ta, hiện diện với chúng ta y như là với các môn đệ ngày xưa, có khi còn gần gũi thân thiết hơn nữa. Ngài còn ở với chúng ta mỗi ngày cho đến tận thế, để ban cho chúng ta được làm con Chúa Cha, để chúng ta được vững tin và an vui trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, để với niềm tin và niềm vui đó, chúng ta trở thành những chứng nhân loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho mọi người.
Kitô giáo là tôn giáo của niềm vui. Chúa Giêsu là một Tin Mừng lớn nhất của nhân loại. Còn chúng ta, dù đôi lúc mang bộ mặt buồn sầu thiểu não, chúng ta phải là sứ giả của niềm vui, những chứng nhân của Tin Mừng Phục Sinh. Có hai điều Chúa Giêsu thường quở trách các tông đồ: sợ hãi và buồn chán. “Đừng sợ, hãy tin!” “Vì sao sợ, hỡi những kẻ yếu tin?” “Thầy đây, đừng sợ!” “Maria, tại sao bà khóc, bà tìm ai?” “Dọc đường hai ông nói gì mà buồn bã thế? Hỡi những kẻ ngu dốt và chậm tin?”… Họ buồn vì chưa tin Chúa đã sống lại. Còn chúng ta ngày nay buồn, dù tin rằng Chúa đã sống lại, đang sống và sống mãi: chúng ta tin Chúa Phục Sinh mà chẳng khác gì tin Ngài đã chết luôn rồi!
Người Kitô hữu sống đạo đích thực phải là người mang đầy niềm vui và chiếu giãi niềm vui, một niềm vui chân thật xuất phát từ tâm hồn đã được gặp Đức Kitô Phục Sinh. Đức tin của chúng ta cũng chỉ lớn lên và thắng vượt được sợ hãi trước bóng tối của cuộc đời, khi chúng ta xác tín vào sự hiện diện của Chúa Phục Sinh trong từng biến cố, từng thử thách, từng khổ đau, khi chúng ta hiểu được lời Ngài quả quyết: “Chúng con đừng sợ, vì Thầy đã thắng thế gian”.
6. Chúa Giêsu là trung tâm lịch sử – Noel Quesson
“Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh”
Trong các bức hoạ cổ, người ta thường nói bức vẽ của Misen Angelo (Michel Angelo) ở nguyện đường Sixtin Rôma. Hoạ sĩ Michel Angelo đã mất bảy năm để thực hiện bức vẽ trên trần nhà nguyện. Bức vẽ diễn tả những chương đầu của sách Khởi nguyên: Thiên Chúa tạo dựng vạn vật. Thay vì ký tên vào bức vẽ, hoạ sĩ đề hai chữ Alpha và Omêga, đó là chữ đầu tiên và cuối cùng của mẫu tự Hilạp. Hoạ sĩ có ý nói: Thiên Chúa là đầu hết và cuối hết của vạn vật.
Toàn bộ lịch sử nhân loại được diễn ta trong Kinh Thánh đều quy tụ về một điểm là con người trong Đức Kitô, Thiên Chúa làm người. Từ nhiều nghìn năm, Kinh Thánh đã tiên báo về Ngài, chuẩn bị tâm hồn người đọc để có đủ tư cách tiếp nhận Chúa Cứu Thế. Cựu ước nói về Chúa và cái chết với những lời lẽ rõ ràng. Trong đó cũng nói về những đau khổ Người phải chịu. Người Do Thái đã đọc những lời tiên báo đó trong sách Luật, sách các Ngôn sứ và Thánh vịnh, nhưng họ và ngay cả các Tông đồ cũng không hiểu rõ. Vì thế mọi người đã coi cái chết của Chúa Giêsu như một thất bại, và đến lúc nghe Chúa sống lại, ai nấy đều hoang mang nghi ngờ.
Cho tới lúc Chúa sống lại, Chúa vẫn còn bận tâm làm sao cho các môn đệ hiểu rõ Chúa chính là Đấng được tiên báo trong Cựu ước. Trong lần hiện ra với hai môn đệ trên đường đi Emaus, cũng như với mười một tông đồ mà Tin Mừng hôm nay tường thuật, Chúa đã dành nhiều giờ cắt nghĩa cho họ những điều Cựu ước nói về Người. Những lời cắt nghĩa của Chúa, kèm với ân huệ Người.
Những cải tổ về phụng vụ của Công đồng Vaticăng II đã quan tâm lo liệu cho ta nghe, đọc nhiều đoạn Cựu ước trong Thánh lễ, có ý cho ta thấy Chúa Giêsu chính là cốt trục xuyên suốt của lịch sử. Muôn dân, muôn thế hệ đã được ơn tha tội, được cứu rỗi nhờ kêu cầu danh Chúa Giêsu, nhờ cuộc khổ nạn và Phục sinh của Người. Cuộc cải thiện thế giới bắt đầu từ Giêrusalem và mỗi người chúng ta là những chứng nhân.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con đọc và hiểu lời Ngài trong Thánh kinh. Vì lời Chúa là đèn soi bước cho chúng con đi. Xin ban ánh sáng đức tin cho những người chúng con gặp gỡ hôm nay. Chúng con cầu xin Chúa.
7. Suy niệm của ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
NHỮNG BÓNG MA TƯỞNG TƯỢNG
Trước khi dâng mình cho Chúa, Thánh An-phong là một luật sư lỗi lạc. Ngài rất nổi danh vì tài hùng biện và vì lý luận đanh thép sắc bén. Nhờ tài ba, ngài đã thành công trong rất nhiều vụ án hiểm hóc. Nhưng một hôm, Chúa đã để cho ngài phải thất bại. Trong một vụ án mà ngài thấy là đơn giản, dễ dàng, ngài đã bị thua một cách thảm hại. Trước thất bại cay đắng đó, ngài thấy như cả bầu trời sụp đổ. Danh tiếng phút chốc tan như mây bay. Uy tín bị cuốn đi trong làn gió thoảng. Cả một màn đen tối u ám phủ xuống cuộc đời.
Chẳng còn biết tìm an ủi ở nơi nào khác, thánh An-phong quay về bên Chúa, chìm đắm trong lời kinh cầu nguyện. Nhờ ơn Chúa, ngài tìm được niềm bình an. Hơn thế nữa, ngài nghe được tiếng Chúa mời gọi đi vào con đường Chúa muốn. Từ đó, ngài hiến thân trọn vẹn để phục vụ Chúa, ngài đã trở thành linh mục, giám mục và lập ra Dòng Chúa Cứu Thế. Sau này, khi nhìn lại, ngài hiểu rằng chính Chúa đã hiện diện trong những thất bại để đưa ngài về con đường theo ý Chúa. Chính Chúa đã dùng những đau khổ để huấn luyện ngài trong đức khiêm nhường phó thác. Chính bàn tay Chúa đã hạ ngài xuống trong danh vọng trần thế để nâng ngài lên trong vinh quang Nước Trời.
Trong sách Tin Mừng ta thấy thuật lại nhiều trường hợp tương tự. Khi thuyền của các môn đệ đang vất vả vượt qua sóng gió, Đức Giêsu đi trên mặt biển đến với các ông. Các ông tưởng là ma nên càng sợ hãi hơn. Nhưng đó chính là Đức Giêsu. Người làm cho biển êm sóng lặng và thuyền các ông tới bến bình an... Có lần Đức Giêsu cùng ở trên thuyền với các ông, nhưng Người ngủ say đến nỗi sóng gió dữ dội mà vẫn không hay biết gì. Các ông hoảng hốt đánh thức Người dậy. Và Người đã đe sóng gió khiến chúng phải im lặng.
Hôm nay cũng thế, Người đến bất ngờ khiến các môn đệ sợ hãi. Họ đang bị cái chết đau thương của Người ám ảnh. Nên khi Người đến họ tưởng là ma hiện hình. Đức Giêsu phải trấn an họ. Cho họ xem những vết thương ở tay chân. Cùng ăn uống với họ và giải nghĩa Thánh Kinh cho họ. Nhờ thế, họ được bình an, được vui tươi và tin tưởng.
Trong đời sống chúng ta cũng thế. Rất nhiều lần trong đời ta tưởng Chúa là bóng ma đến đe dọa đời sống ta. Có những biến cố lịch sử làm đảo lộn đời ta, tưởng chừng như đưa cuộc đời ta vào ngõ cụt. Nhưng không ngờ chính Chúa dùng biến cố lịch sử dẫn đưa ta vào một con đường mới theo thánh ý Chúa. Có những khi ta gặp thất bại ê chề tưởng chừng như không còn gượng dậy nổi. Nhưng không ngờ chính Chúa đã dùng thất bại để cảnh tỉnh ta, giúp tâm hồn ta vươn lên trong một đời sống mới cao cả tươi đẹp hơn. Có những khi ta gặp phải những nỗi đau buồn tê tái tưởng như chết đi được. Ta cứ tưởng Chúa đã bỏ rơi ta. Nhưng không ngờ chính Chúa hiện diện trong những đau buồn đó để giúp ta sống trưởng thành, sâu xa, phong phú hơn.
Khi đức tin các tông đồ còn yếu kém, họ tưởng Chúa là ma. Khi đức tin đã được củng cố, các ngài mới thấy Đức Giêsu là có thực. Đức tin của các tông đồ đã được củng cố nhờ được gặp gỡ tiếp xúc thân mật với Đức Giêsu và được nghe Người giải nghĩa Thánh Kinh. Đức tin của ta còn rất non yếu. Ta hãy biết bắt chước các tông đồ củng cố đức tin bằng cách năng gặp gỡ Đức Giêsu. Hãy đến gặp Người trong Thánh Lễ. Hãy đến gặp Người trong giờ kinh tối trong gia đình. Nhất là hãy đến gặp Người trong những giờ cầu nguyện riêng tư, một mình đối diện tâm sự thân mật với Chúa.
Hãy củng cố đức tin bằng cách học hỏi Thánh Kinh. Đọc Thánh Kinh hằng ngày để hiểu biết Chúa hơn. Suy niệm Thánh Kinh để tìm ra thánh ý Chúa. Và nhất là hãy biết thực hành Lời Chúa dạy trong đời sống hằng ngày. Khi đã gặp gỡ Chúa và đã thấu hiểu Lời Chúa, ta sẽ chẳng còn bị những bóng ma ám ảnh. Ta sẽ nhìn thấy Chúa trong tất cả các biến cố vui buồn của đời sống. Cuộc sống ta sẽ tràn đầy niềm vui và niềm bình an.
Lạy Đức Giêsu Phục Sinh, con tin Chúa đang ở bên con. Con xin phó thác cuộc đời con trong tay Chúa.
8. Suy Niệm của ĐGM. Vũ Duy Thống
CÁCH HIỆN DIỆN CỦA ĐẤNG PHỤC SINH
Một trong những địa danh được nhắc đến nhiều nhất vào Mùa Phục Sinh, đó là ngôi làng Emmaus. Mặc kệ các nhà khảo cổ với những công trình tìm kiếm xem ngôi làng đó nằm ở đâu trên thực tế địa lý. Mặc kệ các nhà chú giải với những phân tích chi li xem địa danh Emmaus hợp bởi chữ gì và có nghĩa gì. Mặc kệ các nhà hội họa với những cảm hứng khơi nguồn đã khéo tô điểm Emmaus nên một kiệt tác như bức họa nổi tiếng của Rembrandt. Mặc kệ tất cả. Người tín hữu chỉ có một cảm tình tốt đẹp là xem Emmaus như một địa chỉ tinh thần không thể quên được. Bởi lẽ khởi đi từ đó, Đấng Phục sinh đã ưu ái cho thấy Ngài luôn có mặt bên cạnh con người và vẫn muốn hiện diện thường xuyên cho cuộc sống con người. Khởi đi từ địa chỉ tinh thần ấy, người ta thấy ít ra có ba cách hiện diện của Đấng Phục sinh:
1) ĐẤNG PHỤC SINH CÓ MẶT TRONG NHỮNG BƯỚC ĐỒNG HÀNH CHIA SẺ
Bối cảnh của bài Phúc Am là những ngày tiếp theo biến cố Phục sinh. Hoàn cảnh của các môn đệ thật là bi đát. Họ là người theo Chúa từ những ngày đầu cuộc sống công khai, những mong được tả hữu vinh quang khi Đấng Messia chinh phạt thế giới. Nào ngờ Thầy mình lại chọn lấy con đường khác để cứu độ. Ngài đã bị giết, bị chôn vùi trong huyệt đá. Và lưu ảnh cuối cùng họ có về Thầy mình, đó chính là ngôi mộ hoàn toàn trống rỗng. Vỡ mộng, thất vọng, cô đơn, họ như những môn sinh “chữ thầy lại trả cho thầy, trở về làng cũ học cầy cho xong”.
Mà đâu có xong. Chính lúc tưởng chừng trống vắng không gì có thể lấp đầy được, Đấng Phục sinh đã âm thầm hiện diện bên họ, trong dáng dấp của một người khách lạ, trong thân quen của những bước đồng hành và trong ân cần của những lời thăm hỏi rất đỗi bình thường. Ngay trong Phúc Am hôm nay, liền sau biến cố Emmaus, khi hai môn đệ đang kể lại Chúa Giêsu ở ngôi thứ ba, thì Ngài đã tự bao giờ “đứng giữa” câu chuyện ở ngôi thứ hai để chào hỏi đối thoại ủi an.
Vâng, Đấng Phục sinh là như thế. Tưởng vào trong vinh quang là bắt đầu nẻo đời xa cách, nào ngờ lại là lúc Ngài la cà thân thiện với con người hơn cả bao giờ. Thiên Chúa đã gần gũi với đời người, cho con người trở nên phần đời của Thiên Chúa. Chính khi đời người xem ra trống vắng nhất, Đức Kitô vẫn hiện diện đồng hành chia sẻ, để rồi khi con người biết chia sẻ cuộc sống cho nhau thì Ngài vẫn có đó trong sức mạnh đồng hành.
2) ĐẤNG PHỤC SINH CÓ MẶT BẰNG NHỮNG LỜI CỦNG CỐ TIN YÊU
Tâm trạng của các môn đệ hôm nay trong Phúc Âm cũng vẫn là thất vọng ê chề. Sau lưng họ là Giêrusalem đen tối, trước mặt họ là những nơi xa cũng chẳng sáng sủa gì. Quá khứ vừa mới khép lại, tương lai chưa kịp mở ra. Chới với, chao nghiêng. Nhưng chính lúc ấy, Đấng Phục sinh có mặt, bằng lời Thánh Kinh sống động và hóa giải, Ngài thanh luyện các môn đệ khỏi những tình cảnh thất vọng sợ sệt và đặt họ vào một đà sống mới.
Lời Chúa chính là lời hiện diện của Đấng Phục sinh. Nhưng tất cả còn tùy thuộc vào cách đón nhận của ta. Sẽ không có mặt của Đấng Phục sinh nếu ta chỉ coi lời Chúa như vật phẩm điểm trang, dẫu có kính cẩn ghi chép, trân trọng giữ gìn, đeo chặt trên trán như thói quen của mấy ông biệt phái. Sẽ không có mặt của Đấng Phục sinh nếu ta chỉ xem lời Chúa như thứ lá chắn bung xung cho một mưu đồ, nghĩa là coi lời Chúa như phương tiện để tô vẽ lên mưu lợi riêng tư. Nhưng sẽ là một hiện diện thường xuyên ở bất cứ đâu cho bất cứ ai, nếu lời Chúa được thực thi chân thành trong đời sống.
Hai môn đệ đi làng Emmaus đã thấy ấm lòng khi nghe lời Chúa. Các môn đệ ở lại Giêrusalem trong Phúc Am hôm nay cũng thấy phấn khởi khi được Chúa soi sáng củng cố và đặt vào tin yêu hy vọng của đời chứng nhân. Nếu mỗi tín hữu hiểu và sống lời Kinh Thánh, họ cũng sẽ cảm nhận được sự hiện diện của Đấng Phục sinh như những ý lực trong ngày sống, như một sức mạnh để vươn lên, cho dẫu sống chứng nhân cũng là sống với Đức Kitô trên đường thương khó.
3) ĐẤNG PHỤC SINH CÓ MẶT GIỮA NHỮNG TẤM BÁNH BẺ RA CHO ĐỜI
Nếu có phút giây nào để lại ấn tượng mạnh nhất trong bài Phúc Âm, đó phải là lúc Chúa Giêsu hỏi các môn đệ xem có gì ăn không, rồi Ngài lại tự nhiên ăn cá và mật ong trước bao cặp mắt sững sờ của họ. Ngài hỏi thức ăn không phải vì Ngài đói và Ngài ăn không phải vì cơ thể Ngài cần. Đấng Phục sinh mà không một định luật vật lý nào có thể ngăn cản được như trong việc Ngài thoắt hiện thoắt đi đâu cần phải có thực phẩm nhân gian để mà tồn tại. Đấng Phục sinh có mặt giữa con người không giống như kẻ hồi sinh sau tai nạn để cần phải bổ dưỡng bù trừ theo kiểu “ăn giả bữa”. Nhưng, nếu qua việc Chúa Giêsu bẻ bánh, hai môn đệ đi làng Emmaus đã nhận ra Thầy mình, thì qua việc ăn uống này Đấng Phục sinh đã củng cố lòng tin vốn đang chao đảo hoang mang của họ.
Đấng Phục sinh ăn trước mặt các môn đệ. Đó là một khoảnh khắc đầy ấn tượng, nhưng đã làm nên lý chứng phục sinh và ý nghĩa cuộc đời, bởi có Ngài hiện diện, nên thôi hết buồn sầu để mở ra một lối sống mới trong niềm vui. Thảo nào các môn đệ hôm đó đã nhận lệnh lên đường làm chứng về những gì các ông đã thấy đã hiểu đã tin.
Nếu có lần nào ta chiêm ngắm Chúa Kitô như tấm bánh bẻ ra để xây dựng một thế giới mới, thì có lẽ một cách vô thức ta đã quy chiếu vào khoảnh khắc bất ngờ này. Và nếu đúng như thế thì qua việc rước Mình và Máu Đức Kitô hôm nay, ta cũng được mời gọi để trở nên những tấm bánh, những mẩu cá, những tảng mật ong sống động biết chia sẻ nâng đỡ, vun đắp chung xây cuộc sống tốt lành tại địa bàn dân cư nơi mình sinh sống.
Ba cách hiện diện nghe như quen mà vẫn cứ lạ, nghe như gần gũi mà vẫn cứ rời xa. Cảm tưởng quen quen lạ lạ gần gần xa xa ấy có là vì Đức Kitô Phục sinh có mặt, nhưng không hữu hình như xưa để dễ dàng mắt thấy tai nghe nữa, mà đã hiện diện vô hình chỉ gặp được bằng tin yêu hy vọng. Và thường thì vì ta quá vô tình không nhận ra Ngài trong những khuôn mặt cuộc đời, tình huống của ta và của những người quanh ta. Nhưng hiện diện của Đấng Phục sinh không phải là một hiện diện thụ động chỉ để ta tìm gặp, mà còn là một hiện diện chủ động khi ta biết tích cực đồng hành chia sẻ, cũng như gieo lời Chúa vào môi trường sống, rồi từng ngày nỗ lực âm thầm trở nên những tấm bánh “ăn được” cho người lân cận.
Qua thánh lễ này, ta được đồng hành bên nhau, được chia sẻ lời Chúa và được rước lấy Thánh Thể. Xin cho đời ta được đổi mới nơi địa chỉ Emmaus tinh thần này, để tới phiên ta cũng sẽ trở thành địa chỉ tinh thần mới cho cuộc sống hôm nay.
9. Anh em là chứng nhân (Trích trong ‘Manna’)
Sợ ma không phải chỉ là chuyện của trẻ con. Cả người lớn như các tông đồ cũng sợ ma. Có lần Đức Giêsu đi trên mặt nước mà đến với họ, nhưng họ kinh hoàng tưởng Thầy là ma. Khi Đức Giêsu phục sinh hiện ra với các môn đệ, họ cũng hoảng hốt tưởng là thấy ma.
Đấng sống lại đã kiên nhẫn làm hết cách để đưa các môn đệ ra khỏi nỗi ám ảnh kinh khủng. Ngài mời họ xem và đụng đến tay chân Ngài để thấy Ngài là người bằng xương bằng thịt. Ngài còn ăn một miếng cá nướng để cho họ thấy Ngài không phải là một bóng ma.
Khi các môn đệ yếu đức tin, họ coi Đức Giêsu phục sinh chỉ là bóng ma. Nhưng khi đức tin của họ được củng cố, họ mới thấy Ngài có thực.
Lắm khi chúng ta vẫn tưởng Chúa là bóng ma đe dọa, vì Chúa đến gặp ta một cách quá bất ngờ, giữa lúc con thuyền đời ta chòng chành vì gió ngược, hay lúc căn nhà lòng ta khép kín vì nỗi buồn đau. Chúa vẫn đến lúc ta tưởng Ngài không thể đến. Ngài mời gọi ta làm chứng nhân cho Ngài. Kitô hữu là chứng nhân của niềm hy vọng.
Đức Giêsu bị đóng đinh đã sống lại ra khỏi mồ. Bạo lực, bất công, dối trá, hận thù bị thảm bại. Quyền lực của bóng tối chỉ là tạm thời. Chiến thắng cuối cùng thuộc về Tình Yêu và Ánh Sáng.
Bởi thế người Kitô hữu vẫn hy vọng không ngơi ngay giữa lúc sự dữ có vẻ thắng thế. Kitô hữu là chứng nhân của sự sống.
Thế giới hôm nay bị mê hoặc bởi sự chết. Những cuộc chiến tranh, xung đột, ám sát, bạo động. Những loại ma tuý khiến người ta chết không ra người. Những vụ phá thai quá dễ dàng nơi các cô gái trẻ. Những vụ tự tử chỉ vì những lý do không đâu. Kitô hữu phải làm cho sự sống có mặt, và hấp dẫn gấp ngàn lần sự chết. Họ phải là nguồn sống dồi dào, sống đơn sơ, thanh bạch, nhưng hạnh phúc.
Kitô hữu là chứng nhân của niềm vui. Bao trẻ thơ buồn vì thiếu thầy cô, thiếu trường học. Bao bệnh nhân ở xa thành phố, cần đến thầy thuốc. Bao người nghèo khổ sống trong nỗi muộn phiền. Nếu chúng ta thực sự có niềm vui của Chúa, nếu chúng ta đã ra khỏi nỗi âu lo về mình, chắc chúng ta sẽ ra đi công bố Tin Mừng Phục Sinh, bằng việc đem lại nụ cười cho những người bất hạnh.
Chuyện Đức Giêsu phục sinh là chuyện khó tin. Nhưng nếu chúng ta sống quên mình phục vụ thì người ta có thể gặp đươc Đấng đang sống.
Gợi Ý Chia Sẻ
• Theo ý bạn, người Kitô hữu phải làm gì để người khác tin rằng Chúa đã sống lại (phục vụ người nghèo, lạc quan giữa khó khăn, vui nhận những thiệt thòi...)?
• Làm chứng cho Chúa bằng lời nói và bằng cuộc sống, bạn thấy điều nào cần hơn, hay cả hai đều cần?
Cầu Nguyện
Giữa một thế giới chạy theo tiện nghi, hưởng thụ, xin cho con biết bằng lòng với cuộc sống đơn sơ.
Giữa một thế giới còn nhiều người đói nghèo, xin cho con đừng thu tích của cải.
Giữa một thế giới mà sự sống bị chà đạp, xin cho con biết quý trọng phẩm giá từng người.
Giữa một thế giới không tìm thấy hướng sống, xin cho con biết xây lại niềm tin.
Lạy Chúa Giêsu,
Xin cho con cảm được cơn đói đang giày vò bao người,
Xin cho con nghe được lời mời của Chúa: "Các con hãy cho họ ăn đi."
Ước gì chúng con dám trao tất cả những gì chúng con có cho Chúa, để Chúa trao tất cả những gì Chúa có cho chúng con và cho cả nhân loại.
10. Phiền muộn, bối rối, & bình an (Suy niệm của Lm Nguyễn Trung Tây)
Ngày hôm nay người ta xây được những căn nhà cao hơn, phòng ốc rộng hơn, sân vườn xanh cỏ hơn, nhưng tâm hồn của nhân loại bắt đầu co cụm nhỏ dần héo úa tàn khô.
Ngoài thất vọng, tuần Thánh và tuần Phục Sinh đầu tiên của dòng lịch sử ơn cứu rỗi cũng là hai tuần lễ đong đầy những phiền muộn, bối rối, và lo lắng không lối thoát cho những người môn đệ của Đức Giêsu.
Bắt đầu từ những giây phút bỏ chạy trong Vườn Cây Dầu cho tới giây phút chứng kiến cảnh tảng đá đang lăn tròn che kín ngôi mộ, những người Kitô hữu đầu tiên đã trải qua hết thất vọng này sang thất vọng khác. Thoạt tiên là chuyện Giuđa bán đứng đại sư phụ với một cái hôn, nối tiếp là bản án tử của Đức Giêsu được đóng dấu bởi nhà nước bảo hộ La Mã, theo sau là nhọc nhằn con đường thập giá với đá và sỏi dẫn lên Núi Sọ, tiếp nối là kinh hoàng tiếng đinh xé rách thân xác và sắc nhọn tiếng búa lạc thần đôi mắt của Đức Giêsu. Trong thất vọng, cuối cùng mọi người dẫn nhau ra về sau khi tảng đá đóng lại che kín xác Đức Giêsu.
Nhưng rất tiếc, đúng như cụ Tiên Điền đã từng nói, “đùng đùng gió giục mây vần,” câu chuyện thất vọng không chịu dừng lại ở chỗ tảng đá được lăn tới chôn lấp một xác chết, nhưng được tiếp nối với một bản tin động trời do những người đàn bà hốt hoảng chạy về thông báo vào sáng sớm thứ Hai của ngày đầu tiên trong tuần lễ. Theo như những người nữ môn đệ, xác Đức Giêsu đã không còn nằm trong ngôi mộ đá nữa. Mà nếu xác Đức Giêsu đã biến mất, không còn trong ngôi mộ, không ai trên cõi đời vào đầu thiên niên kỷ lại dùng niềm tin Phục Sinh để giải thích cho hiện tượng ngôi mộ trống; nhưng, người người từ những em bé cho tới những cụ già, từ những nhà lãnh đạo tôn giáo cho tới chính quyền bảo hộ La Mã đều tin rằng có người đã lẻn vào ngôi mộ đánh cắp mang xác Đức Giêsu đi dấu cho một âm mưu đen tối (Ga 20,2). Bởi thế, khi bản tin xác Đức Giêsu đã biến mất, nhà nước bảo hộ La Mã không chịu nhắm mắt bỏ qua, nhưng sẽ bắt đầu một cuộc tảo thanh, lùng kiếm xác của Ngài trên từng góc phố và trong từng căn nhà của kinh thành Giêrusalem. Khi cuộc săn lùng thi thể của Đức Giêsu bắt đầu, những người nam môn đệ sẽ là những nhân vật đầu tiên nằm trong danh sách bị truy nã, bị săn lùng, và bị tra khảo. Cho nên, không ai lạ chi nếu những cánh cửa của căn nhà nơi những người môn đệ đang ẩn sâu trốn kỹ bắt đầu từ đêm khuya của ngày thứ Năm tuần trước lại càng thêm cửa đóng then cài vào ngày thứ Hai đầu tuần của người Do Thái. Bởi thế, khi nhận được bản tin là xác Đức Giêsu đã biến mất, những người môn đệ của Đức Giêsu đã không đứng dậy hân hoan nhảy múa hét to, “Tạ ơn Chúa! Allelujah! Ngài đã sống lại!”, nhưng mà là ngược lại. Cho nên, vào ngày Phục Sinh đầu tiên, ngoài thất vọng, những người môn đệ lại có dịp nếm thêm mùi vị đắng cay của muộn phiền, bối rối, và hồi hộp chờ đợi giây phút cánh cửa căn nhà bật tung bởi xích xiềng, giáo mác và áo trận La Mã.
Cánh cửa rồi cũng mở ra, nhưng không phải bởi chính quyền La Mã, mà là hai người môn đệ nguyên gốc Emmau. Trong khi những người nam môn đệ của Đức Giêsu đang run sợ, tiếp tục giấu mình sâu hơn nữa vào trong bóng tối của căn phòng kín, hai người môn đệ vừa từ thị trấn Emmau quay về cung cấp một bản tin khác về thi hài của Đức Giêsu, lần này bản tin thật sự đã biến thành trái bom nổ tung và giựt đứt những sợi giây thần kinh căng cứng của những người môn đệ. Theo như hai người môn đệ của thị trấn Emmau, ngôi mộ đá đã trở thành ngôi mộ trống không phải bởi vì người ta cướp mất xác của Đức Giêsu cho những toan tính mờ ám, nhưng bởi vì Ngài đã phục sinh. Và chính Ngài đã hiện ra chuyện trò với họ trên suốt một quãng đường dài mười một cây số.
Trong căn phòng kín của gần hai ngàn năm về trước, bản tin về Đức Giêsu Phục Sinh đồng hành trên con đường Emmau không mang lại tiếng cười hân hoan tiếng hát tạ ơn Thiên Chúa, nhưng bản tin đã khiến cho những người môn đệ của Đức Giêsu lại thêm nặng trĩu đôi vai, hằn sâu vầng trán, thâm đen đôi mắt, bởi vì lo lắng và sợ hãi trước những tin đồn thiệt hư không biết đâu mà kiểm chứng. Vào giây phút hội ngộ giữa Emmau và Giêrusalem, ngoại trừ ông Cleopas và người môn đệ đồng hành, tâm hồn của người người trong căn phòng đóng kín cửa đều tiếp tục ngân vang khúc nhạc cung thứ nốt giáng (b) của những dòng nhạc chán nản, nghi ngờ, và hoang mang.
Không trách chi, khi Đức Giêsu với thể xác thần khí hiện ra, đứng giữa căn phòng đóng kín cửa, các người môn đệ của Đức Giêsu tin rằng họ đã thấy ma. Không biết có người nào té ra bất tỉnh hay không, nhưng nếu Đức Giêsu không chúc “Bình An cho các con” và trấn an họ bằng cách ngồi ăn cá nướng với những người môn đệ thân thương, có lẽ nhiều người đã bị máu cơ tim nhồi lên mà chết bởi biến cố Phục Sinh mà họ đang chứng kiến tận mắt trong căn phòng kín.
Suy Niệm
Trong ngày hôm nay, hơn bao giờ hết, lời chúc bình an của Đức Kitô Phục Sinh vẫn là một điều mà bạn và tôi đang cần đến. Thế giới đã tiến vào thiên niên kỷ thứ ba với bao nhiêu tiện nghi vật chất phục vụ cho những nhu cầu cần thiết của con người. Nhưng những tiện nghi vật chất này cũng có khả năng biến thành một con dao hai lưỡi cắt đứt tay nhân loại khiến cho thế giới tiếp tục đói khát bình an.
Nhân loại ngày hôm nay đã chế được hỏa tiễn và phi thuyền bay cao lên không gian. Đồng hành với những bay cao và bay xa vào trong vũ trụ là những hỏa tiễn mang đầu đạn hạt nhân có khả năng sát hại không biết bao nhiêu mạng người chỉ trong chớp mắt.
Ngày hôm nay người ta đã xây dựng được bao nhiêu đường xa lộ siêu tốc dẫn nối từ thành phố này sang phố thị khác, từ quốc gia này sang vương quốc kia, nhưng con đường ngăn ngắn nho nhỏ dẫn sang nhà hàng xóm cỏ hoang mọc dày che kín lối đi.
Ngày hôm nay người ta xây được những căn nhà cao hơn, phòng ốc rộng hơn, sân vườn xanh cỏ hơn, nhưng tâm hồn của nhân loại bắt đầu co cụm nhỏ dần héo úa tàn khô.
Nhân loại ngày hôm nay bay vào trời xanh thường xuyên hơn, nhiều hơn, nhưng yêu thương ít hơn, bù lại cỏ dại của toan tính, hiềm khích, và chỉ trích tiếp tục lún phún mọc cao trong từng mảnh tâm hồn.
Ngày hôm nay nhân loại có nhiều tiền bạc mua sắm nhiều hơn, nhưng hạnh phúc và bình an, hai món hàng cần thiết như hơi thở trong không gian như lương thực cho cơ thể không mấy người mua sắm được. Thiếu vắng bình an, cây hạnh phúc trong tâm hồn rũ tàn chết khô, cây bối rối và cây phiền muộn xum xuê vươn cánh đơm bông nở nhụy. Khi hai tòa nhà cao ngất trời của Trung Tâm Thương Mại Quốc Tế của thành phố New York hóa ra tro bụi vào một buổi sáng ngày 11 tháng 9 năm 2001, mọi người trên thế giới đã biết rằng, không còn nơi nào trên quả địa cầu còn được gọi là vùng đất của bình an. Thật vậy, thế giới càng văn minh, nhân loại càng mất bình an chính vì đời sống tâm linh ngày càng trở nên khan hiếm hoặc héo úa trong từng mảnh tâm hồn của nhân loại. Tương tự như những người môn đệ của thuở xưa, bởi không có tâm thương yêu, tâm tha thứ, bởi không có niềm tin và Đức Giêsu hiện diện trong căn phòng kín của tâm hồn, bạn và tôi sẽ tiếp tục thất vọng, lo lắng, phiền muộn, và bối rối với cuộc sống và với chính mình. Vào những lúc bạn cảm thấy phiền muộn, bối rối, thất vọng với chính mình và với cuộc sống, mời bạn, chúng ta cùng hướng về căn phòng đóng kín cửa với Đức Giêsu Phục Sinh đang hiện diện ở giữa căn phòng, và nói với Ngài:
Lời Nguyện
Lạy Chúa, trong Mùa Phục Sinh, xin chúc lành trên con lời chúc bình an năm xưa để con thôi không còn lo lắng, phiền muộn, và bối rối như những người môn đệ trong căn phòng đóng kín cửa. Lạy Chúa, những khi con thất vọng với chính con, với những sa ngã, với những lỗi lầm của con và của anh chị em con, xin ban cho con lời chúc bình an của Chúa năm xưa, để tâm hồn của con thôi lo lắng, buồn phiền, nhưng ngập tràn hạnh phúc, và bình an.
11. Chúa hiện ra với các tông đồ - R. Gutzwiller
Trình thuật này gợi lên cho ta 3 ý tưởng:
1) Sự kiện Phục sinh
Chúa bỗng hiện ra đứng giữa các tông đồ. Họ lại khiếp đảm kinh sợ và không thể nào chấp nhận nổi sự kiện, mặc dù họ đã được sứ điệp của các bà, của Simon báo trước, và rồi của hai môn đệ đi thành Emmau nữa. Họ không thể hiểu nổi sự kiện xảy ra đến nỗi Chúa Giêsu phải chính thức nhấn mạnh: ‘Hãy coi tay Ta, chân Ta, chính là Ta đó: Hãy rờ nắn mà xem, ma nào lại có thịt xương như anh em thấy Ta đây’. Và hình như họ còn không tin và không dám nhìn thẳng vào thực tế trước mắt, nên Ngài hỏi ‘Ở đây các anh em có gì ăn không?’ Và Ngài đã ăn trước mắt họ. Khi ấy họ không nghi ngờ nữa. Ngài đó, Ngài đứng đó với xác thịt rành rành. Sự Ngài Phục sinh không chỉ là sự sống lại thiêng liêng mà thôi, nhưng còn là sự sống lại thể xác nữa.
Hơn thế nữa, những lời ‘Ngài cho họ nhìn xem tay chân Ngài’ cũng như Ngài nói: ‘Hãy coi tay Ta, chân Ta, chính là Ta đó’ chứng tỏ rõ ràng rằng sau khi sống lại, những dấu của cuộc khổ nạn vẫn còn y nguyên. Vậy Đấng chịu khổ nạn đã sống lại với xác thân của Ngài. Khải huyền thơ nói Chúa biến hình dưới dạng một ‘con chiên bị đem đi sát tế’. Những dấu tích cho thấy rằng thân thể Ngài là thân thể của một tế vật và sự Phục sinh là hoàn tất hy tế đó. Đấy không phải là một biến cố lịch sử đơn giản, xảy ra trong một vài khoảnh khắc, nhưng là một biến cố lâu dài, bền bỉ, để lại kết quả lâu dài qua dòng thời gian.
2) Ý nghĩa Phục sinh
‘Đức Kitô phải chịu khổ nạn và ngày thứ ba sống lại từ cõi chết, rồi phải nhân danh Ngài rao giảng cho mọi dân tộc việc hối cải để được tha thứ tội lỗi –khởi từ Giêrusalem’. Đấng chịu đóng đinh và Phục sinh sẽ là Đấng mà lề luật, các tiên tri và thánh vịnh đã hứa. Biến cố daỳ vò các tông đồ không phải là cái gì khác hơn là sự thực hiện chương trình vĩ đại về việc cứu độ của Thiên Chúa. Được phác hoạ trong Cựu ước và hoàn thành trong Tân ước. Đường dây nối mọi sách thánh lại là Đấng Messia đến, hành động, hy sinh. Và kết quả riêng tức ý nghĩa sâu xa nhất là sự thứ tha tội lỗi cho mọi dân moị nước. Phổ quát tính của ơn cứu độ, ý nghĩa bao quát của hy sinh thập giá được diễn tả qua những lời đó. Hy sinh thập giá là hy tế đem lại ơn cứu chuộc. Và Đấng Thiên Sai khi hoàn tất hy tế ấy đã trở nên ơn cứu độ cho Israel cũng như cho cả nhân loại.
3) Loan báo Phục sinh
‘Các anh em là những chứng nhân về điều đó’. Sứ điệp Kitô giáo không phải là một ý tưởng sáng tạo một sáng kiến độc đáo chi phối những khám phá mới, cũng không phải là việc tìm kiếm các chân lý, nhưng chính là xác quyết sự kiện: Đức Kitô đã chết và đã sống lại. Kitô giáo trước hết là một biến cố, rồi từ biến cố ấy thành lịch sử. Và lịch sử đó không tường thuật lại những hoạt động của loài người nhưng là những hoạt động của Thiên Chúa, nhất là sự hy sinh, của một vị Thiên Chúa nhập thể, đem ơn cứu chuộc đến cho mọi dân tộc. Loan truyền sứ điệp ấy có nghĩa là chứng thực biến cố ấy, vững lập trường về sự kiện ấy. Đó là làm chứng bằng lời nói, bằng đời sống và có khi phải bằng máu nữa. Đã làm chứng được như vậy, con người phải đón nhận sức mạnh Thánh Thần Thiên Chúa ‘Ta sắp sai đến trên anh em, điều Cha Ta đã hứa’. Chính Chúa Thánh Linh là chứng tá đích thực. Ngài sẽ làm chứng trong các tâm hồn bằng đức tin bên trong, còn con người làm chứng bên ngoài bằng việc rao giảng. Bởi thế, sự Phục sinh của Chúa Kitô là nội dung chính cốt của sứ điệp Kitô giáo qua các lời giảng dạy của các tông đồ cũng như qua sách công vụ và các thơ, đứng trước biến cố trọng đại ấy, tất cả đều phai nhòa đi hết. Việc rao giảng Kitô giáo không phải là trình bày các qui luật luân lý, giảng giải các chân lý giáo điều hoặc trình bày cuộc đời Chúa Giêsu, nhưng sự rao giảng ấy trước hết là một khẳng định rõ về cái chết và sự Phục sinh của Chúa, vì đó là những yếu tố trung tâm của lịch sử ơn cứu độ.
12. Bình an cho các con – Lm. Tạ Duy Tuyền
Cuộc đời luôn bao trùm biết bao sự dữ. Sự dữ nhiều đến độ làm cho con người luôn bất an lo sợ. Người ta sợ thất bại. Sợ rủi ro. Sợ mất an ninh. Sợ nghèo đói. Sợ bị trả thù. Sợ phải đối diện với sự thật. Có cái sợ làm người ta "ăn không ngon, ngủ không yên". Có cái sợ làm người ta đánh mất niềm tin nơi bản thân và tha nhân. Có cái sợ dẫn đến tuyệt vọng và buông xuôi.
Tâm trạng của các tông đồ sau biến cố tuần thương khó là tâm trạng buồn sầu và lo sợ. Họ sợ liên luỵ vì từng là đồ đệ của tử tội Giê-su. Họ sợ phải về quê làm lại cuộc đời từ đầu. Họ sợ đường trở về còn nhiều bóng tối nghi nan. Từ sợ hãi dẫn đến đánh mất niềm tin. Dù đã được báo trước sau ba ngày Thầy sẽ sống lại. Thế mà, vì quá sợ mà quên hết mọi sự. Các ông không còn dám tin vào ai. Dù rằng các người phụ nữ đã kể rõ ràng họ đã gặp Chúa. Dù rằng hai môn đệ đi làng Emmau đã từng kể về cuộc hàn huyên với Chúa. Dù rằng Gioan và Phê-rô cùng chạy ra mồ, nhưng chỉ có Gioan thấy và tin còn Phê-rô thì không. Sợ hãi đã làm cho các ông hoa con mắt đến nỗi "nhìn cò ra quạ", nhìn thấy Chúa lại tưởng là ma.
Chúa đã quở trách các ông "sao lại hoảng hốt thế! Ma đâu có xương có thịt như vầy!". Chúa chỉ cho các ông biết nguyên do của sợ hãi là thiếu lòng tin. "Sao lòng anh em còn ngờ vực?". Đã bao năm sống với Thầy. Đã nhiều lần chứng kiến những phép lạ Thầy làm. Đã từng được nghe lời Thầy tiên báo "Sau ba ngày Thầy sẽ sống lại". Thế mà các ông vẫn không tin. Từ không tin dẫn đến sợ hãi. Sợ bóng đêm của cuộc đời. Sợ những điều mới lạ. Sợ hãi dẫn đến chia đàn xẻ nghé. Mỗi người một nơi. Đường ai ai nấy đi. Sợ hãi nên đâu dám nhìn đời, nhìn người. Sợ hãi nên chỉ biết co ro nơi phòng tiệc ly. Cửa đóng then cài trong tâm trạng nặng nề đầy u ám và sợ hãi.
Nỗi sợ hãi của kẻ thiếu lòng tin vẫn còn đó nơi con người hôm nay. Có người sợ cho tương lại ngày mai, vì ngày mai đâu biết sẽ ra sao? Có người sợ những nguy nan, khốn khó của giòng đời sẽ xảy đến với mình. Có người sợ thế giới đời sau, biết có hay không nên buông mình theo đam mê xác thịt! Có người vẫn còn mang nặng mặc cảm lo âu sợ hãi về một lầm lỗi của quá khứ. Vì sợ hãi nên đánh mất niềm tin nơi Thiên Chúa. Họ tìm kiếm thế lực trần gian. Họ bám vào quyền thế vua quan để sống. Họ cố vun quén tiền tài để hưởng lộc. Họ quên rằng điều quan yếu của cuộc đời là chính sự bình an tâm hồn. Không có bình an thì cho dù có tiền, có quyền vẫn là đánh mất cuộc đời. Cuộc đời cần bình an như cá cần nước để sống. Cuộc đời không có bình an là sự bất hạnh, là cuộc đời đáng thương hơn cả người nghèo khó mà có bình an tâm hồn.
Thế nhưng, sự bình an chỉ ngự trị nơi tâm hồn có Thiên Chúa. Có Thiên Chúa thì chẳng sợ gian nguy, vì hết lòng tin tưởng cậy trông Thiên Chúa. Có Thiên Chúa thì không toa rập với sự dữ để làm hại đồng loại, để bán rẻ lương tri để rồi luôn lo sợ bị trả thù, trả đũa. Có Thiên Chúa sẽ mang lại hoa trái là niềm hoan lạc, tươi vui, bình an và hy vọng. Đánh mất Thiên Chúa mới là điều đáng sợ. Thế giới không có Thiên Chúa sẽ khiến con người hành xử theo ý mình, theo bản năng, theo tự do cá nhân. Đó là thế giới loạn lạc, đầy bất an và lo sợ. Con người sống với nhau nhưng luôn phải cảnh giác, phải đối phó, phải e dè, sợ thanh toán lẫn nhau. Đánh mất Thiên Chúa con người sẽ chẳng biết bám víu vào đâu khi giòng đời xô đẩy biết bao sóng gió tư bề, biết bao gian nan thử thách.
Người ta kể rằng: có một cậu bé 5 tuổi vừa thức giấc trong một đêm giông tố bão bùng. Cậu mở mắt, thấy cảnh vật tối tăm. Ngoài trời giông tố, sấm chớp rợn rùng. Từng đợt gió rít lên tạo thành những âm thanh gầm thét như đang giận dữ đạp đổ nhà cửa và cây cối. Bốn bề xao động. Cậu sợ hãi, hốt hoảng và cầu cứu cha:
- Cha ơi, cha ơi! Con sợ quá!
- Cha đây, cha đây! Cậu nghe tiếng cha vọng lại
- Cha đâu sao con không thấy? Con sợ quá! Cậu giơ tay ra phía trước quờ quạng.
- Cha đây, Cha đây!
Người cha bước lại ngồi xuống bên cậu. Cậu ôm lấy cha, áp đầu vào ngực cha. Người cha đỡ cậu nằm xuống và vỗ về cậu. Cậu bé yên lặng nắm lấy bàn tay Cha dìu dịu đi vào giấc ngủ an lành. Bên ngoài mưa bão vẫn còn, nhưng sự sợ hại nơi cậu bé đã tan biến trong lòng của Cha.
Vâng, Chúa Phục sinh vẫn tiếp tục đến bên cuộc đời chúng ta như xưa Ngài đã từng đến với các tông đồ. Ngài vẫn đến với chúng ta qua những biến cố vui buồn, qua những thăng trầm của giòng đời. Ngài vẫn đang mời gọi chúng ta đặt cuộc đời trong bàn tay quan phòng của Chúa. Cho dù cuộc đời có nghiều nghi nan. Cho dù giòng đời có nhiều bất trắc và giông tố. Hãy lấy đức tin mà nắm vào Chúa. Hãy lấy lòng cậy trông mà phó thác vào Chúa. Hãy lấy lòng mển để vâng theo thánh ý Chúa.
Xin Chúa Giê-su phục sinh luôn ở lại với chúng ta theo như lời Người đã nói: "Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế". Xin Chúa luôn là khiên che, thuẫn đỡ cho cuộc đời chúng ta. Amen.
Kinh nghiệm đời thường cho chúng ta thấy: mỗi khi nhận được một tin vui, chúng ta thường chạy đi nói cho người khác được biết, để cùng chia sẻ niềm vui ấy với chúng ta. Chẳng hạn như khi nhận được tin mình vừa mới thi đỗ, thế là lập tức, chúng ta vội chạy về nhà để loan báo cho những người thân yêu cùng biết. Cũng vậy, trong phạm vi đức tin, việc Chúa sống lại là một tin mừng. Một khi đã đón nhận tin mừng Phục sinh thì chúng ta cũng có bổn phận phải loan báo tin mừng ấy cho những người chung quanh.
Trước hết, đây chính là ý muốn của Chúa Giêsu sau khi Ngài sống lại. Ý muốn này được Ngài nói lên qua những lần hiện ra.
Thực vậy, thiên thần đã nói với những người phụ nữ đi viếng mồ vào buổi sáng ngày thứ nhất trong tuần rằng: Các bà đừng sợ chi cả, ta đã hiểu. Các bà tìm Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Nhưng Ngài không còn ở đây, Ngài đã sống lại như lời Ngài đã phán. Hãy đến mà xem chỗ Ngài nằm. Vậy hãy về mau báo cho các môn đệ Ngài biết. Ngài đã sống lại, Ngài sẽ đến xứ Galilêa trước các ông. Nơi đây các ông sẽ xem thấy Ngài.
Rồi hôm nay, khi hiện ra với các môn đệ, Ngài cũng bảo: Có lời Kinh Thánh chép rằng Đấng Messia sẽ phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba sẽ từ cõi chết sống lại. Phải nhân danh Ngài mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính các con sẽ làm chứng về những điều này.
Và sau cùng, trước khi về trời, Ngài cũng đã long trọng truyền cho các môn đệ: Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, dạy họ tuân giữ những điều Thày đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.
Cũng trong Phúc âm, chúng ta thấy: những người đã được diễm phúc đón nhận Tin Mừng Phục sinh, đã mau mắn thực hiện lệnh truyền của Chúa, đó là loan báo Tin Mừng ấy cho người khác.
Thực vậy, những người phụ nữ đã trở về loan báo cho các môn đệ hay: Chúa đã sống lại. Hai môn đệ trên đường Emmaus cũng vậy, sau khi nhận ra Chúa lúc Ngài bẻ bánh, lập tức các ông đã chổi dậy, trở về Giêrusalem, và loan báo cho các môn đệ khác được hay: Chúa đã sống lại.
Và sau cùng, khi đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần vào ngày lễ Ngũ Tuần, các môn đệ đã lên đường rao giảng Tin Mừng Phục sinh cho mọi dân mọi nước. Và các ông sẵn sàng hy sinh cả mạng sống để làm chứng cho Tin Mừng ấy. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta đã làm được những gì để loan báo Tin Mừng Phục sinh cho những người chung quanh. Chúng ta đã làm được những gì để bản thân chúng ta trở thành chứng nhân cho tin mừng tuyệt vời ấy.
Hãy cầu nguyện cho mỗi người chúng ta, biết dùng lời nói và việc làm, nhất là đời sống đạo đức và thánh thiện, bác ái và yêu thương để loan báo tin mừng Phục sinh và trở nên những chứng nhân sống động cho Đức Kitô giữa lòng cuộc đời.
Việc Chúa sống lại không phải là một chuyện bịa đặt, một chuyện hoang đường, nhưng đây là một sự kiện lịch sử, vì có những chứng nhân bằng tai bằng mắt: lịch sử đã ghi lại việc Chúa chết thật và được tẩm liệm đàng hoàng, lịch sử đã ghi lại ngày Chúa Phục sinh, các thân hữu và cả những kẻ thù đã thấy mộ Chúa trống rỗng, lịch sử đã ghi lại sau khi Phục sinh, Chúa đã hiện ra nhiều lần.
Nếu muốn biết chắc chắn, rõ ràng những điều đó, chúng ta hãy mở sách Tin Mừng, đọc kỹ đoạn 28 của thánh Matthêu, đoạn 16 của thánh Marcô, đoạn 14 của thánh Luca và đoạn 20 của thánh Gioan. Tất cả bốn thánh sử này cùng quả quyết: Chúa đã chết trên thập giá, đã được tháo xác xuống tẩm liệm, đã được táng trong mộ và trước cửa mộ được che bằng một tảng đá lớn, rồi tất cả đều quả quyết: ngày thứ nhất trong tuần, tức là ngày Chúa nhật, Chúa đã sống lại.
Quả thực, Chúa Giêsu chết vào chiều Thứ Sáu, và ngày thứ bảy cuối tuần qua đi, rồi đến sáng sớm ngày đầu tuần lễ tiếp theo, tức là ngày thứ ba kể từ hôm Chúa chết, người ta phát hiện ngôi mộ của Ngài trống rỗng, xác Ngài không còn trong đó, ai cũng tưởng thi hài Chúa đã bị đánh cắp, kể cả các môn đệ của Ngài cũng nghĩ như thế, nhưng chính hôm ấy, Chúa đã đến gặp các ông khiến các ông sửng sốt và sợ hãi, không tin nổi là Chúa đã sống lại. Nhưng sự thực là như vậy, các ông đã nhìn thấy tận mắt và sờ tận tay thân xác Phục sinh của Chúa, chẳng hạn như câu chuyện kể lại trong bài Tin Mừng.
Trong khi các môn đệ còn đang hoang mang, lo lắng, tụ họp nhau trong phòng đóng kín, bàn tán về những chuyện đã xảy ra và đang xảy ra xoay quanh vấn đề Chúa chết và hiện ra với các phụ nữ và bà Maria Mađalêna vào sáng sớm hôm nay, tức là sáng sớm Chúa nhật Phục sinh, thì Chúa Giêsu hiện ra, đứng giữa các ông và chúc bình an cho các ông. Các ông hoảng hốt, sợ hãi, tưởng là ma. Cảnh Chúa hiện ra này không khác gì cảnh một thủ lãnh trước các đảng viên phản bội và đào ngũ, thế mà không một lời than phiền, không một lời trách móc, ngay cả một lời bóng gió ám chỉ sự hèn nhát của các ông cũng không nốt, Chúa vẫn chúc lành cho các ông. Hơn nữa, Chúa còn làm mọi cách để giúp các ông tin chắc là Ngài đã sống lại, Ngài đang ở giữa các ông, đó là ba bằng chứng sau:
Trước hết, Chúa thuyết phục các ông bằng cách cho các ông nhìn xem tay và chân Ngài còn mang vết đinh để các ông thấy đúng là Ngài đang đứng trước các ông chứ không phải ai khác, rồi Chúa còn bảo các ông sờ vào thân thể Ngài và nhìn cho kỹ để thấy rằng Ngài không phải là ma quái hiện hình hay là do ảo tưởng của các ông. Tiếp đến, Chúa đã đưa thêm bằng chứng để thuyết phục các ông. Ngài hỏi các ông có gì ăn không? Các ông đưa cho Ngài một khúc cá nướng, Ngài cầm lấy và ăn ngon lành trước mắt các ông. Với cử chỉ này, Ngài muốn họ tin chắc rằng: Ngài không phải là ma hiện hình. Sau cùng, Chúa thuyết phục các ông bằng một bằng chứng khác nữa, đó là lời Sách Thánh, Chúa nhắc lại cho các ông nhớ Sách Thánh đã báo trước: “Đức Kitô phải chịu đau khổ và chết nhục nhã, nhưng ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại”. Thế nghĩa là những lời Sách Thánh đã nói đều ứng nghiệm nơi Ngài. Sau khi đã đưa ra tất cả những bằng chứng cần thiết chứng minh Ngài đã sống lại thật sự, Chúa bảo các ông hãy đi làm chứng về tất cả những điều ấy cho mọi người.
Như vậy, các tông đồ, các môn đệ đã có kinh nghiệm bản thân về cuộc đời cũng như về mầu nhiệm Phục sinh của Chúa, nên các ông là những chứng nhân đầu tiên và chắc chắn về Chúa, nên Chúa bảo các ông hãy làm chứng về những điều ấy, tức là việc làm của Ngài đã hoàn tất, bây giờ đến lượt các ông phải nối gót Ngài hoàn thành công tác cứu chuộc nhân loại. Nhân loại cần được nghe biết và tin vào Chúa để đạt ơn cứu độ, các môn đệ phải làm chuyện đó và lịch sử đã cho thấy các ông đã thực thi vượt mức vai trò chứng nhân ấy.
Từ đó đến nay, luôn có những lớp chứng nhân mới, tiếp nối sự nghiệp loan báo Tin Mừng và làm chứng Chúa đã chết và sống lại. Chúng ta cũng vậy, nếu chúng ta không tin Chúa đã chết và sống lại vì chúng ta thì chúng ta không phải là Kitô hữu, và một khi chúng ta đã tin thì đồng thời chúng ta phải loan báo cho người khác niềm tin đó nữa, đó là mục đích và lý tưởng cuộc đời Kitô hữu của chúng ta.
Nói rõ hơn, chúng ta phải rao giảng và làm chứng cho Chúa, bằng cách đem tinh thần đức tin vào trong ý tưởng, lời nói, việc làm của chúng ta và đem tinh thần Tin Mừng vào mọi dịch vụ, mọi công tác của chúng ta, tức là phải đem tinh thần đức tin, tinh thần Tin Mừng vào trong cuộc sống qua những việc làm hàng ngày, qua nghề nghiệp, qua các giao tiếp với người khác, và qua cả những lúc vui chơi, giải trí. Nói tóm lại, chúng ta phải làm chứng cho Chúa, cho đạo bằng đời sống tốt đẹp của chúng ta. Một đời sống đạo đức, chân thành, cởi mở, yêu thương là một tấm gương sáng trước mặt mọi người, một đời sống tốt đẹp có sức lôi cuốn hơn những lời nói hay, vì “lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”, chúng ta cần thuyết phục những người chưa có đạo, những người không hiểu về chính nghĩa của đạo bằng chính đời sống tốt đẹp, dù chúng ta không nói hay chưa làm gì cả. Xin mỗi người hãy suy nghĩ: đời sống chúng ta hiện nay có làm chứng cho Chúa và cho đạo không?
Chớ thì Đức Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồ mới được vinh quang. Đức Kitô đã đi con đường đau khổ để tiến tới vinh quang, đã đi con đường thập giá để tiến tới Phục sinh. Là môn đệ của Ngài, chúng ta cũng không có một con đường nào khác ngoài con đường đau khổ và thập giá, nếu như chúng ta muốn được cứu độ.
Đúng thế, đã là người thì ai cũng phải đau khổ và thập giá không bao giờ thiếu vắng trong cuộc đời chúng ta. Người xưa đã nói:
- Thoạt sinh ra thì đà khóc chóe,
Đời có vui sao chẳng cười khì.
Giáo lý nhà Phật thì diễn tả thân phận con người như một cánh bèo trôi dạt trên bể khổ.
Vậy thì đâu là những nguyên nhân gây nên đau khổ?
Trước hết, đau khổ có thể là bởi thiên nhiên. Chẳng hạn như lụt lội, bão táp, hạn hán, mất mùa… Bất kỳ ở đâu và bất kỳ thời buổi nào cũng có. Khoa học và kỹ thuật chỉ làm giảm đi phần nào, chứ không thể chặn đứng được tất cả.
Tiếp đến đau khổ có thể do lòng gian tham độc ác của con người. Đau khổ có thể do bởi người khác, chẳng hạn như bỏ vạ cáo gian, ăn trộm ăn cắp mà gây nên. Đau khổ còn có thể do bởi chính bản thân mình, chẳng hạn vì đam mê cờ bạc, rượu chè chơi bời mà sinh ra nghèo túng bệnh tật, vì bất cẩn trong lời nói và trong việc làm mà sinh ra tai nạn.
Và sau cùng đau khổ cũng có thể do chính Thiên Chúa. Sở dĩ như vậy vì Ngài muốn thử thách để con người chúng ta được trưởng thành và đem lại những lợi ích siêu nhiên, như tục ngữ cũng đã bảo:
- Lửa thử vàng, gian nan thử đức.
Hay như một câu danh ngôn đã bảo:
- Khi yêu thương ai chúng ta thường trao tặng họ những bông hồng, còn Thiên Chúa khi yêu thương ai, Ngài thường gửi đến cho họ những đau khổ và thử thách.
Đúng theo kiểu: Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi.
Hẳn rằng trong chúng ta chẳng ai muốn cho mình bị đau khổ, chính Chúa Giêsu trong vườn cây dầu cũng đã cầu nguyện:
- Lạy Cha xin cất chén đắng này cho con, nhưng không theo ý con, một theo ý Cha mà thôi.
Tuy nhiên nhiều khi chúng ta đã đề phòng cẩn thận mà vẫn không tránh khỏi tai ương. Trong những trường hợp như thế, chúng ta chỉ còn một cách, đó là cúi đầu chấp nhận. Nhưng làm thế nào để dễ dàng chấp nhận, để tìm được niềm an ủi trong những giờ phút đen tối ấy?
Trước hết hãy nhớ rằng không phải chỉ có một mình chúng ta bị đau khổ. Đang lúc chúng ta bị thử thách thì cũng có biết bao nhiêu người bị đau khổ.
Hãy vào một bệnh viện, giữa những tiếng rên la, chúng ta cảm thấy mình còn được hạnh phúc và may mắn hơn rất nhiều.
Nhất là hãy nhìn lên thập giá, chúng ta sẽ thấy chính Chúa Giêsu đã đau khổ trước chúng ta và hơn chúng ta bội phần.
Khi phải đối mặt với những đau khổ, nếu chúng ta hậm hực tức tối, thì đau khổ vẫn phải chịu mà chẳng đem lại lợi ích chi cả, nó còn là nguyên nhân gây nên những tội lỗi khác nữa.
Trái lại, nếu chúng ta can đảm chấp nhận và nhất là chấp nhận vì lòng yêu mến Chúa, thì những đau khổ ấy sẽ đem lại lợi ích cho chúng ta. Biết đâu, nhờ những đau khổ mà chúng ta sẽ ăn năn sám hối mà quay trở về cùng Thiên Chúa.
Đau khổ là một lưỡi kéo của người thợ, cắt tỉa những cành cây để nhờ đó chúng sẽ được sai trái hơn. Đau khổ là như một nhát búa của người nghệ sĩ đập xuống cuộc đời chúng ta để biến nó trở nên một tác phẩm nghệ thuật.
Đau khổ là như một lưỡi cày, xới tung tâm hồn chúng ta để nó trở nên màu mỡ và dễ dàng hấp thụ ơn sủng của Thiên Chúa.
Đức Kitô đã đi con đường thập giá để tiến tới Phục sinh, thì chúng ta cũng vậy, muốn tiến tới vinh quang, chúng ta cũng phải tôi luyện trong đau khổ.
Chúa Giêsu chết vào chiều thứ sáu, rồi cả ngày thứ bảy cuối tuần qua đi yên tĩnh, không có chuyện gì xảy ra. Nhưng đến sớm ngày đầu tuần kế tiếp, tức là ngày thứ ba kể từ hôm Chúa chết, người ta phát hiện mộ của Ngài trống rỗng, xác Ngài không còn trong mộ. Ai cũng tưởng thi hài Ngài bị đánh cắp, kể cả các môn đệ của Ngài cũng nghĩ như thế. Nhưng liền sau đó và cả ngày hôm ấy, Ngài hiện ra với người này người kia và cả với các môn đệ. Tất cả đều được kinh nghiệm tay sờ, mắt thấy, tai nghe. Tất cả đều xác nhận: Chúa Giêsu đang sống.Cụ thể như câu truyện kể lại trong bài Tin Mừng hôm nay: Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra với các môn đệ. Diễn tiến cảnh Chúa hiện ra này gồm có hai phần: Phần thứ nhất, Chúa dùng những hành động cụ thể để minh chứng Ngài đã sống lại thật sự. Phần thứ hai, Chúa trao cho các môn đệ một sứ mệnh mới: hãy làm chứng về việc Chúa Phục sinh cho mọi người. Về việc Chúa sống lại, chúng ta đã tìm hiểu nhiều lần rồi, hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu phần thứ hai: các tông đồ đã thi hành sứ mệnh làm chứng cho Chúa Phục sinh thế nào? Làm chứng là gì?
Làm chứng là nhận thực một sự kiện mà chính mình đã kinh nghiệm. Nói rõ hơn, làm chứng là chứng nhận bằng lời nói hay bằng hành động một sự việc đã xảy ra, một sự kiện có thật mà chính mình đã thấy, đã trải qua. Ở tòa án, chứng nhân hay nhân chứng là người nói sự thật những điều tai nghe mắt thấy. Trong đời sống hằng ngày, chứng nhân là người sinh sống và hành động như mình biết, tin tưởng và xác tín.Hiểu như vậy, các tông đồ là những chứng nhân đầu tiên và chắc chắn về cuộc đời của Chúa Giêsu, bởi vì các ngài đã đi theo Chúa, sống với Chúa gần ba năm trời, nhất là các ngài là những nhân chứng thấy tận mắt và sờ tận tay cái chết đau thương và sự phục sinh tỏ tường của Chúa. Vì thế, Chúa muốn các ngài làm chứng cho Chúa. Bởi vì tất cả mọi mầu nhiệm, mọi tín lý, mọi chứng cớ về Chúa Giêsu đều bắt đầu và kết thúc ở mầu nhiệm Phục sinh. Phục sinh của Chúa Kitô và phục sinh của nhân loại. Hai việc phục sinh ấy liên kết chặt chẽ với nhau. Bởi vì có phục sinh tức là có sự tồn tại của con người và sự sống vĩnh cửu. Tất cả những điều đó chỉ có thực khi việc phục sinh của Chúa có thực. Do đó, làm chứng về sự sống lại của Chúa có nghĩa là làm chứng cho sự chiến thắng và vinh quang của Chúa. Cũng thế, làm chứng về sự sống lại của loài người có nghĩa là làm chứng về ơn cứu độ, sự sống vĩnh cửu và hạnh phúc trường sinh của loài người.Sau khi Chúa về trời, và sau khi đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần, từ những người nhát gan, sợ hãi, từ những người dân chài, quê mùa, không hiểu gì về Đấng Cứu Thế… các tông đồ đã trở nên những người can đảm, thông thái, lợi khẩu. Các ngài đã vâng lệnh Chúa ra đi rao giảng cho mọi người biết và tin Chúa Giêsu chính là Con Thiên Chúa đã đến trần gian, đã chết và đã sống lại để cứu chuộc tất cả mọi người. Các ngài đã đóng đúng vai trò chứng nhân và thi hành đầy đủ bổn phận làm chứng của mình.Bằng lời nói, các ngài rao giảng mà không sợ bất cứ một áp lực hay một sự đe dọa nào. Mỗi khi rao giảng, các ngài thường hiên ngang tuyên bố: “Chúng tôi xin làm chứng”. Dù đứng trước tòa án cấm đoán, dọa nạt, các ngài vẫn khẳng khái thưa: “Xin quí vị xét cho, phần chúng tôi, chúng tôi không thể không nói về những điều đã thấy, đã nghe”.Không những làm chứng bằng lời nói, các ngài còn làm chứng bằng việc làm, bằng chính đời sống của mình: sẵn sàng chịu vất vả, khổ cực, đòn vọt, tù ngục, và sẵn sàng chết vì Chúa Giêsu. Sau 12 tông đồ, lại có biết bao lớp tông đồ khác, trải qua các thời đại, tiếp nối sự nghiệp loan báo Tin Mừng và làm chứng nhân cho Chúa Giêsu.Đến lượt chúng ta hôm nay, mỗi người chúng ta cũng phải là một chứng nhân. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói:
“Mỗi người giáo dân, trong bản chất, là một chứng nhân”. Bởi vì khi chúng ta lãnh nhận phép rửa tội, nhất là phép thêm sức, là chúng ta đã được Chúa Kitô trao sứ mệnh làm chứng cho Chúa. Và tất cả chúng ta đã biết: cách thức làm chứng tốt nhất là đời sống tốt đẹp của chúng ta. Anh chị em nghĩ sao về câu nói: “Tôi đã đọc Tin Mừng, cuốn sách hay quá. Đức Giêsu là một vị đáng khâm phục. Nhưng tôi sẽ không bao giờ trở nên người tín hữu của ông ta, vì nhiều người Công giáo tôi gặp, họ không thực hiện bác ái Đức Kitô, họ không tuân giữ những điều Ngài dạy, và họ chỉ mang danh là Công giáo chứ không phải là người Công giáo thực sự”. Chúng ta có vào số những người Công giáo đó không? Chúng ta có phải là một tông đồ, một chứng nhân cho Chúa không?
Các bài đọc hôm nay đáng để chúng ta suy niệm từng câu từng chữ, nhất là khi chúng ta đặt mình vào cương vị của Phêrô và của các tông đồ. Đó là sự can đảm rao giảng Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh, loan truyền giáo lý của Người bất chấp mọi đàn áp.Bài đọc thứ nhất trích từ sách Tông đồ Công vụ kể rằng, khi các tông đồ rao giảng Chúa Giêsu Phục sinh, những người cầm quyền Do thái không cho, bắt các ngài bỏ tù, lấy cớ rằng các ngài loan truyền điều mê tín và khuấy rối trị an. Sau đó, có người đã lén cứu các ngài ra khỏi tù, nhưng ra khỏi tù các ngài không chạy trốn, không đầu hàng theo họ mà lại còn mạnh mẽ rao giảng giáo lý của Chúa Giêsu. Nhà cầm quyền thẳng tay làm việc với các ngài, chỉ vào mặt các ngài và bảo: “Ta đã ra lệnh cấm các ngươi không được nhân danh ông Giêsu mà giảng dạy, thế mà các ngươi đã giảng dạy giáo lý đó khắp cả Giêrusalem”. Bấy giờ Phêrô và các tông đồ thưa: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta”. Bực tức, họ ra lệnh đánh đòn các tông đồ và tuyệt đối cấm không được nhân danh Chúa Giêsu mà giảng dạy nữa. Dầu bị nhục nhã như thế, nhưng các ngài nói rõ là lòng các ngài cảm được sự hân hoan, vì thấy mình xứng đáng chịu sỉ nhục vì danh Chúa Giêsu.
Ôi! Bài học quí giá đó của các tông đồ đáng nêu gương cho chúng ta trước mọi thế lực cố ý tiêu diệt, hạn chế gây khó khăn cho đời sống đức tin của chúng ta. Các tông đồ đã trả lời và đã dạy dứt khoát: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta”. Và khi bị thế lực của bóng tối, của sự dữ, của ma quỉ bách hại, lòng các ngài cảm thấy hân hoan, vì thấy mình được danh dự chịu sỉ nhục vì danh Chúa Kitô, đường lối của các tông đồ thật rõ ràng.
Bóng tối là bóng tối, ánh sáng là ánh sáng. Khi phải vâng lời Thiên Chúa để rao giảng Tin Mừng, các ngài cương quyết không nhượng bộ mọi thế lực thâm độc cản trở những bước chân rao giảng của các ngài. “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta”. Khi phải vâng lời Thiên Chúa đến phục vụ anh chị em mình, các ngài sẵn sàng quên mình, hy sinh để bênh vực cho anh chị em được tự do tôn thờ Chúa, được sống trọn vẹn quyền làm người và làm con Chúa. “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta”. Nhất là khi người đó lại là cáo già đội lốt cừu non đến cùng đoàn chiên, như Chúa Giêsu đã chỉ dạy trước. Trong công việc phụng thờ Chúa, phục vụ anh chị em của mình và giả như có bị đàn áp, bị bách hại, người vâng lời Thiên Chúa phục vụ luôn cảm thấy hân hoan tận cõi lòng. Vì thấy mình xứng đáng chịu sỉ nhục vì danh Chúa Giêsu, và không bao giờ cảm thấy mặc cảm, hèn nhát của người hùa theo sự dữ, để được yên thân, để hưởng những đặc quyền đặc lợi.
Sang bài đọc thứ hai, sách Khải Huyền cho thấy con người đặt niềm tin vào Chúa là con người xây nhà mình trên đá. Mọi vua chúa trần gian đều chết ra tro. Mọi đế quốc của trần gian đều sụp đổ tan tành, không còn hòn đá nào trên hòn đá nào. Mọi bạo quyền đều bị lịch sử lên án và kinh tởm như một vết nhơ bẩn thỉu của nhân loại. Chỉ có Thiên Chúa được chúc tụng đến muôn đời và những ai trung thành với Ngài được vinh quang trường cửu. Và để mở cho mọi người một nhãn giới lạc quan, sách Khải Huyền quả quyết Thiên Chúa sẽ hiển trị, mọi quyền lực thế trần không thể chống lại chương trình của Chúa. “Ai giơ chân đạp mũi nhọn thì khốn cho người ấy”. Phần Thiên Chúa, Ngài luôn được chúc tụng, được danh dự, vinh quang và quyền năng đến muôn đời.
Bài Phúc Âm đem lại cho chúng ta một hy vọng thật to lớn, đó là hy vọng vào quyền năng Phục sinh của Chúa biến đổi tất cả mọi sự, kể cả những việc mà chúng ta cho là tầm thường, để đem lại những kết quả giá trị. Thân xác hay chết của Chúa Giêsu từ lúc nhập thể làm người đã được biến đổi thành thân xác vinh quang Phục sinh và với quyền phép, Người đã cho các tông đồ một mẻ lưới đầy cá to. Từ một việc tầm thường của người chài lưới, nhưng vì làm theo lời chỉ dạy của Chúa, các tông đồ đã bắt được rất nhiều cá. Hơn nữa, hành động đó còn có một ý nghĩa tiên tri cao quí hơn, đó là các tông đồ sẽ là những kẻ lưới người và công việc của các ngài sẽ được kết quả mỹ mãn, khi các ngài luôn tuân theo thánh ý của Chúa.
Sau cùng, chính thánh Gioan trong bài Phúc Âm cho chúng ta một bài học quan trọng là nhìn vào kết quả của việc mình làm, không bao giờ tự hào do sức do tài của mình mà làm nên, nhưng nhận ra ngay sự hiện diện của Chúa. Khi thấy mẻ cá lạ lùng, thánh Gioan hiểu ngay sự hiện diện của Thầy và bảo cho các người khác biết rằng: “Chính Chúa đó!”. Biết được Chúa hiện diện trong đời sống mình và luôn truyền ban sự hiện diện đó cho mỗi người là bổn phận của chúng ta, những người có đức tin, những người môn đệ của Chúa.
Vậy, để có việc làm cụ thể trong tuần này, tôi sẽ để ý đến đời sống đức tin của tôi. Tôi sợ Chúa hay tôi sợ người đời? Tôi vâng lời Chúa hay tôi vâng lời người đời? Và tôi hãy nhìn vào đời sống của các tông đồ, của các thánh tử đạo để sống đức tin của tôi mọi ngày trong đời sống, đức tin mà giờ đây chúng ta cùng nhau tuyên xưng qua kinh Tin Kính.
Có một người đàn ông rất gắn bó với cha mình, vốn là một người lao công trong suốt cả cuộc đời. Khi người cha qua đời, người con rất đau khổ. Trong lúc anh đứng yên nhìn vào cỗ quan tài mà người cha được đặt nằm tại đó, đôi bàn tay của cha anh làm cho đặc biệt xúc động. Ngay cả những điều thật nhỏ bé cũng có thể bộc lộ được nét chính yếu nơi cuộc đời của một con người. Sau này, anh nói:
“Tôi sẽ không bao giờ quên được đôi bàn tay già nua giãi dầu mưa nắng tuyệt vời đó. Chúng nói lên câu chuyện cuộc đời của một người nông dân, bằng loại ngôn ngữ hùng biện của những nếp nhăn, những mạch máu, những vết sẹo cũ và mới. Đôi bàn tay của cha tôi luôn luôn mang một số vết trầy xước hoặc vết cắt mới, giống như một loại đồ trang trí, do ông vừa mới vác một đống dây thép phế liệu, một ống sắt han rỉ, một bộ rễ cây cồng kềnh. Đến khi chết, đôi bàn tay của cha tôi vẫn không làm ai thất vọng, thậm chí ngay cả đối với những chi tiết nhỏ bé và có ích như vậy.
“Không phải chỉ những người con trai mới nhận biết tất cả mọi sự từ cha của họ. Nhưng trong trí nhớ của tôi, tôi đã từng nhìn thấy đôi bàn tay đó cung cấp chứng cứ về những nghĩa vụ mà cha tôi gánh vác, những giọt mồ hôi mà ông đổ ra, những việc làm đầy vinh dự mà ông đã thực hiện. Khi nhìn vào đôi bàn tay đó, bạn có thể đọc được một phần nào về tấm lòng của cụ già này”.
Đức Giêsu đã nói với các tông đồ “Hãy nhìn vào tay chân của Thầy… Cứ sờ tay vào Thầy và nhìn đi”. Rồi Người nói với Tôma “Hãy nhìn xem những vết thương ở hai bàn tay và cạnh sườn của Thầy. Đừng cứng lòng nữa, và hãy tin đi”.
Người ta có thể mong ước được nhìn thấy thân thể của Đức Giêsu sống lại trong sự toàn vẹn và không có một vết nhơ nào. Tuy nhiên, không những thân xác của Người vẫn còn dấu vết, mà chính nhờ những dấu vết đó, đã giúp cho các môn đệ nhận ra Người. Những dấu vết đó chính là những vết thương của Người cho các tông đồ. Tại sao lại là những vết thương của Người? Trước hết, những vết thương đó chứng tỏ rằng Đức Giêsu sống lại cũng chính là Đấng đã chịu đóng đinh. Thứ hai, những vết thương đó là bằng chứng về tình yêu của Người. Trong suốt cuộc sống của mình, những ai chăm sóc người khác, thì hay bị nhiều vết thương. Có lẽ đó không phải là những vết thương lớn, mà chỉ là một loạt những vết thương nhỏ – những vết trầy xước, vết nhăn, và vết sưng. Tuy nhiên, đó chỉ là những vết thương nhìn thấy được. Thế còn vô số những vết thương vô hình: những nếp nhăn để lại trong tâm trí và tâm hồn, do nỗi đau khổ, lo lắng và băn khoăn khắc khoải thì sao? Rồi còn những vết thương xuyên thấu, ảnh hưởng đến phần nhạy cảm nhất nơi con người chúng ta – trái tim – những vết thương lòng chẳng hạn như những nỗi thất vọng, vô ơn, phản bội. Nỗi đau tình cảm đánh vào tận tâm can bạn, và có thể còn khó giải quyết hơn, so với những vết thương về mặt thể lý. Nhưng những vết thương này không có gì khiến cho chúng ta phải xấu hổ cả. Chúng là bằng chứng về tình yêu của chúng ta. Liệu sẽ có người nào nhìn thấy những vết thương này, và tin tưởng vào tình yêu của chúng ta đối với họ không? Thậm chí nếu không ai nhìn thấy, thì Thiên Chúa nhìn thấy, và Người tự hào về chúng ta, bởi vì Người nhận thấy rằng chúng ta nên giống như Con của Người. Chúng ta không được chỉ nhìn vào thành tích của một người, mà còn phải nhìn vào những vết thương và vết sẹo trong tâm hồn của họ nữa.
Đức Giêsu không hề che giấu những vết thương của Người, bởi vì đó là bằng chứng về tình yêu của Người. Đó là những vết thương mà Chúa Chiên Lành đã chịu đựng, trong khi bảo vệ đàn chiên khỏi chó sói. Người mời gọi các tông đồ sờ tay vào những vết thương đó. Chính khi đụng chạm vào và được đụng chạm vào, mà họ được chữa lành khỏi bệnh cứng lòng tin của họ. Những vết thương của Người ban cho chúng ta niềm hy vọng trong những vết thương của chúng ta.
Đức Giêsu đã không trở nên cay đắng do những vết thương của Người. Chúng ta cũng nên giống như vậy. Sau khi đã mang lại bình an và chữa lành cho các tông đồ, Đức Giêsu giao phó cho họ sứ vụ ra đi và đem tin vui đến cho những người khác. Đức Giêsu mong muốn chúng ta trở nên những chứng nhân cho sự sống lại của Người. Một con người buồn bã, cay đắng là một chứng nhân nghèo nàn.
Có một tài xế xe lửa, mỗi ngày đều lái xe lửa đi tới đi lui trên cùng một đường ray. Ở cách đường tàu một quãng ngắn, có một ngôi nhà tranh nhỏ bé xinh xắn. Những bức tường màu trắng của ngôi nhà tranh sáng bừng lên dưới ánh sáng mặt trời. Phía trước ngôi nhà tranh, có trồng những cây hoa hồng đẹp tuyệt vời, mà anh chưa bao giờ nhìn thấy. Ngôi nhà tranh này mang một nét gì đó, khiến cho người ta cứ tưởng tượng là chỉ tồn tại trong bức tranh của những tấm bưu thiếp mà thôi. Chẳng bao lâu, người tài xế đó cảm thấy yêu mến ngôi nhà tranh này.
Vào một buổi chiều, khi chạy ngang qua đó, anh nhìn thấy một cô bé gái đang chơi phía trước sân cỏ. Khi xe lửa chạy qua, cô bé vẫy tay với anh. Người tài xế đó bóp còi đáp lại. Chiều hôm sau, cũng xảy ra giống như vậy. Từ đó, bắt đầu có một tình bạn trong sáng và đẹp đẽ giữa anh và cô bé. Cứ mỗi buổi chiều, cô bé đều vẫy tay với anh, rồi anh lại bóp còi đáp trả. Đôi khi, còn có mẹ của cô bé cùng đi, và cả hai người cùng vẫy tay chào anh. Điều này khiến cho anh rất vui, và cũng làm cho cuộc hành trình buồn tẻ của anh dường như được rút ngắn lại.
Nhiều năm trôi qua, cô bé lớn lên. Hiện nay chỉ thỉnh thoảng, cô mới có mặt ở đó để vẫy tay với anh. Tuy nhiên, mối quan hệ của họ càng ngày càng thâm sâu thêm theo năm tháng vẫn còn nguyên vẹn, không hề bị sứt mẻ. Thế rồi người đàn ông đó về hưu, và đến sống tại một nơi thật xa. Nhưng ông không hề xua đuổi ra khỏi tâm trí mình hình ảnh của ngôi nhà tranh và hai người bạn của ông. Vì thế, một ngày kia, ông quyết định đến thăm viếng họ.
Khi đến đó, mọi sự đều rất khác biệt, so với những gì mà ông tưởng tượng. Nhưng bức tường của ngôi nhà tranh hầu như không có màu trắng như ông nghĩ. Những cây hoa hồng trông không đẹp rực rỡ như ông tưởng. Nhưng khi ông gặp người phụ nữ và cô con gái của bà, thì một nỗi thất vọng thấm thía nhất đến với ông.
Khi ông tự giới thiệu mình, thì họ cư xử rất lịch sự với ông. Họ mời ông đi vào một phòng khách tối tăm, để nói chuyện và uống trà. Nhưng ông cảm thấy không muốn ở đó. Vì thế, ông muốn ra về ngay khi ông có thể làm được điều đó một cách lịch sự. Ông cảm thấy tâm hồn mình trống rỗng. Thế giới giấc mơ của ông đã bị tan rã. Tình bạn vốn đem lại rất nhiều ý nghĩa cho cuộc đời của ông đã bị phá hủy.
Chúng ta cảm thấy tiếc cho người tài xế xe lửa đó. Tuy nhiên, đó cũng là do lỗi của ông. Ông đã sống trong thế giới của giấc mơ. Ông theo đuổi một ảo tưởng.
Nhiều người theo đuổi ảo tưởng về một Đấng mêsia vinh quang, không thể đau khổ được. Khi Đức Giêsu chịu đóng đinh, thì ảo tưởng đó bị phơi ra, và thế giới của họ bị sụp đổ. Họ phản ứng bằng cách tự cách ly mình phía sau những cánh cửa đóng kín.
Chỉ đến khi Đức Giêsu hiện ra với họ, và tâm trí của họ đến với một chân lý mới, thì giấc mơ của họ mới được tái sinh. Chân lý mới này là gì vậy? Chính thông qua nỗi đau và cái chết của Người, mà Người mới đi vào vinh quang. Phải mất một thời gian, họ mới thấm nhuần được điều này, nhưng sau khi đã thấm nhuần rồi, thì họ biết rằng ngay cả cái chết cũng không thể bẻ gãy được mối dây ràng buộc đã gắn bó giữa Đức Giêsu và họ trong suốt ba năm.
Biến cố Phục sinh mang ý nghĩa rằng Đức Giêsu vẫn đang sống, và chúng ta cũng có thể được gặp gỡ Người trong lòng tin. Chúng ta gặp gỡ Người một cách đặc biệt trong “việc bẻ bánh”, nghĩa là trong phép Thánh Thể. Người sẽ không cách ly chúng ta ra khỏi thực tế cuộc sống. Nhưng Người sẽ ở với chúng ta tại chỗ nào chúng ta sống, giúp đỡ chúng ta biết mang ý nghĩa và nét đẹp đến cho cuộc sống của chúng ta, đặc biệt trong những lúc đau khổ và tối tăm. Và giống như các tông đồ, chúng ta cũng được Người giao phó sứ vụ mang Tin Mừng đến cho những người khác.
20. Đức Giêsu hiện ra với các Tông Đồ – JKN
Câu hỏi gợi ý:
1. Đặt mình vào địa vị các tông đồ khi gặp Đức Giêsu sống lại lần đầu tiên, bạn có dễ dàng tin rằng Ngài hiện diện thật sự trước mắt mình không? Hiện nay, bạn có tin rằng Ngài đang thật sự hiện diện bằng thần khí trong tâm hồn bạn không?
2. Đức Giêsu đang hiện diện ở trong tâm hồn ta có khả năng hoạt động, dạy dỗ, biến cải ta như Ngài đã từng hoạt động, dạy dỗ, biến cải các tông đồ ngày xưa không? Sự hoạt động của Ngài có lệ thuộc vào thái độ nội tâm của ta không?
3. Ta phải làm gì để được Ngài dạy dỗ, biến cải một cách hữu hiệu?
Suy tư gợi ý:
1. Đức Giêsu mời gọi ta cảm nghiệm sự hiện diện của Ngài
Sau khi sống lại, Đức Giêsu hiện ra trước mắt các môn đệ, điều đó khiến các ông kinh ngạc, sợ hãi và không dám tin vào mắt mình nữa. Nhưng Đức Giêsu trấn an các ông và chứng tỏ Ngài hiện diện thật sự, bằng thân xác cụ thể chứ không phải bằng hình bóng theo kiểu một bóng ma. Ngài chứng tỏ điều ấy bằng cách cầm lấy và ăn một khúc cá nướng trước mặt các ông. - Hiện nay, Đức Giêsu đang thật sự hiện diện và hoạt động ngay trong bản thân chúng ta. Nhưng rất nhiều người trong chúng ta - cũng giống như các tông đồ xưa - không dám tin vào điều ấy. Nếu có tin thì cũng chỉ tin rằng Ngài hiện diện một cách tượng trưng, bằng hình bóng của Ngài thôi. Nhưng hãy nghe Ngài nói: «Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?» - Ngài mời gọi chúng ta cảm nghiệm sự hiện diện đích thực của Ngài bên trong chúng ta. Ngài mời chúng ta hướng vào bên trong để thấy Ngài nói và hoạt động trong bản thân chúng ta.
2. Hiện nay, Đức Giêsu có ở với chúng ta không? Ngài ở đâu?
Trước khi chịu khổ nạn và tử hình thập giá, Đức Giêsu đã sống giữa các tông đồ, để dạy dỗ, an ủi, khuyến khích, thêm sức cho các ông, một cách rất cụ thể, hữu hình hữu tướng, bằng thể chất. Nhưng sau khi sống lại, Ngài không còn hiện hữu theo kiểu cũ, không thường xuyên ở bên cạnh các ông một cách hữu hình nữa. Thân xác của Ngài là một thân xác vinh quang, thoạt hiện thoạt biến, chỉ ở bên cạnh các ông một cách hữu hình trong giây lát. Phải chăng cách hiện hữu này khiến Đức Giêsu và các ông xa cách nhau hơn? Có phải sau khi về trời, Ngài không còn ở cùng các ông nữa không?
Không phải vậy. Trước khi về trời, nghĩa là trước khi thân xác Ngài vĩnh viễn rời khỏi các môn đệ, Ngài nói: «Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế» (Mt 28,20). Trong bối cảnh thầy trò sắp chia tay nhau như thế mà Ngài lại nói vậy thì thật là mâu thuẫn và nghịch lý! Đáng lẽ Ngài phải nói: «Thầy phải ra đi và không còn ở với anh em nữa cho đến tận thế. Hẹn gặp lại anh em vào ngày tận thế!» Có phải Ngài nói lộn, hay các thánh sử ghi sai lời Ngài?
Chắc chắn không phải như vậy! Tuy Ngài không hiện hữu bằng thân xác của Ngài, nhưng Ngài vẫn hiện hữu một cách thiêng liêng, bằng thần khí của Ngài, bên cạnh và bên trong chúng ta. Với cách hiện hữu này, Ngài có thể thân mật với chúng ta hơn, và chúng ta có thể gặp Ngài bất cứ lúc nào chúng ta muốn, một cách hết sức dễ dàng. Và Ngài vẫn có thể dạy dỗ, an ủi, khuyến khích, ban bình an và sức mạnh cho chúng ta, miễn là chúng ta tin vững chắc sự hiện diện của Ngài bên trong chúng ta, thường xuyên ý thức và cảm nghiệm sự hiện diện ấy, đồng thời lắng nghe Ngài nói trong đáy lòng mình. Đây là một ý thức và khả năng mà bất kỳ người Kitô hữu nào cũng cần tập luyện. Và đây cũng là một bí quyết để có được bình an, sức mạnh và thăng tiến trong đời sống tâm linh.
3. Phục sinh Đức Giêsu trong ý thức và nội tâm ta
Đức Giêsu hứa với chúng ta: "Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế “(Mt 28,20). Ngài cũng nói với Chúa Cha: "Con ở trong họ và Cha ở trong con" (Ga 17,23). Thánh Phaolô nhắc lại sự hiện diện ấy: "Chỉ có Đức Kitô là tất cả và ở trong mọi người" (Cl 3,11); "Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em » (Gl 4,6). Như vậy, theo lời Ngài đã hứa thì Ngài vẫn ở với và ở trong chúng ta. Nhưng sao chúng ta chẳng thấy Ngài hoạt động hay ảnh hưởng gì trên chúng ta, giống như xưa các tông đồ đã thấy Ngài hoạt động và ảnh hưởng trên các ông? - Sự hiện diện của Ngài trong chúng ta có tính hoạt động và có khả năng biến đổi ta hay không, điều đó còn tùy thuộc vào ý thức và sự tự do cộng tác của ta nữa. Nếu chúng ta không tin hoặc không ý thức sự hiện diện của Ngài trong chúng ta, thì sự hiện diện ấy chỉ giống như sự hiện diện của xác Ngài trong nấm mồ: một thân xác vô hồn, bất động, không có khả năng gì cả. Chính ý thức sống động của ta về sự hiện diện của Ngài trong bản thân ta làm cho Ngài «sống lại» trong ta và hoạt động hữu hiệu. Nếu ta không ý thức sự hiện diện ấy thì hãy coi chừng: ta chưa thật sự sống trong đức tin. Thánh Phaolô yêu cầu ta kiểm điểm lại đức tin của mình: «Anh em hãy tự xét xem mình có còn sống trong đức tin hay không. Hãy tự kiểm điểm xem. Anh em chẳng nhận thấy có Đức Giêsu Kitô ở trong anh em sao?» (2Cr 13,5).
Vì thế, để lời hứa của Ngài - là ở với chúng ta - trở nên hiện thực, chúng ta phải tập luyện ý thức thường xuyên sự hiện diện và hoạt động của Ngài trong nội tâm mình. Ngài hiện diện trong chúng ta bằng thần khí của Ngài, chứ không phải bằng thể chất. Hiện diện dù bằng thần khí hay bằng thể chất, đều là hiện diện thật sự. Và sự hiện diện ấy là một hiện diện hoạt động chứ không bất động. Nếu ta để Ngài tự do hoạt động trong chúng ta, nghĩa là không để hoạt động của Ngài bị hạn chế bởi ý riêng của ta, lúc đó, ta sẽ nói được như thánh Phaolô: «Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi» (Gl 2,20). Nói cụ thể hơn là: bất kỳ điều gì tôi làm (suy nghĩ, ăn, nói, làm việc, đối xử, ngủ, nghỉ...) đều không còn phải là bản thân tôi làm nữa, mà chính là Đức Giêsu làm trong tôi. Ý thức thường xuyên về sự hiện diện và hoạt động của Ngài trong nội tâm mình chính là tâm trạng cầu nguyện, là tình trạng kết hợp liên lỉ với Đức Giêsu. Thiết tưởng tất cả mọi Kitô hữu, nhất là những bậc hiến thân sống đời tu trì, đều được mời gọi tập luyện sự ý thức thường xuyên này.
4. "Những gì...đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm"
Khi chúng ta đã thường xuyên ý thức sự hiện diện hoạt động của Đức Giêsu trong bản thân ta, ta sẽ dần dần cảm nghiệm thấy «tất cả những gì sách Luật Môsê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều được ứng nghiệm» ngay trong bản thân chúng ta. Câu này cần được hiểu theo nghĩa huyền nhiệm của tâm linh. Nghĩa là tất cả những lời hứa trực tiếp của Thiên Chúa với các tổ phụ, với Môsê (đất hứa, sự sung túc, con cháu đầy đàn), những lời hứa của Ngài đối với Dân Ngài qua các ngôn sứ, qua các lời Thánh Vịnh (sự thái bình, thịnh vượng…) đều được thực hiện tại thế ngay trong tâm hồn ta. Lúc đó ta sẽ cảm nghiệm được thế nào là bình an và hạnh phúc siêu nhiên, một thứ bình an hạnh phúc không tùy thuộc vào những điều kiện bên ngoài, nên «không ai lấy mất được» (Ga 16,22). Lúc ấy Bát Phúc trong bài giảng trên núi của Đức Giêsu sẽ trở nên hiện thực và cụ thể trong tâm hồn ta. Đây là tình trạng hạnh phúc của tâm hồn mà những vị thánh thường xuyên kết hợp với Thiên Chúa luôn luôn cảm nghiệm được. Chính nhờ cảm nghiệm được thứ hạnh phúc này, mà các ngài luôn luôn vui tươi khi gặp gian lao thử thách. Hạnh phúc mà các ngài cảm nghiệm được này đã bù đắp cho các ngài tất cả những hy sinh mất mát mà các ngài tự nguyện chịu. Hạnh phúc ấy, bất kỳ Kitô hữu nào ý thức được sự hiện diện của Đức Giêsu trong tâm hồn mình, và hoàn toàn sống với ý thức ấy đều có thể cảm nghiệm được.
Cầu nguyện
Lạy Cha, Đức Giêsu vẫn sống ở trong con, nhưng tâm trí của con không hề nghĩ đến Ngài, vì bận mải mê tìm kiếm những thứ ở bên ngoài. Điều đó đã làm cho sự hiện diện của Đức Giêsu trong con trở thành bất động, Ngài chẳng có thể làm được gì ích lợi cho con. Xin giúp con ý thức lại sự hiện diện của Ngài trong con, và thường xuyên sống với ý thức ấy, để làm cho Đức Giêsu trở thành sống động trong con, biến con trở nên một tâm hồn tốt đẹp và hạnh phúc. Amen.
HÃY TIN VÀ LÀM CHỨNG VỀ MẦU NHIỆM PHỤC SINH
TÌM HIỂU LỜI CHÚA
1) Ý chính: Hãy Tin và làm chứng về mầu nhiệm Phục Sinh
Bài Tin Mừng của Thánh Luca thuật lại sự kiện Đức Giêsu Phục Sinh hiện ra có lẽ là lần thứ ba với các tông đồ tại nhà Tiệc Ly. Trước hết, Người củng cố đức tin của các ông đang nhát sợ vì tưởng gặp phải ma, bằng cách cho họ xem tay chân của Người bằng xương thịt, và còn ăn uống trước mặt các ông. Sau đó, Người giúp các ông hiểu những lời Kinh Thánh tiên báo về cuộc khổ nạn và sự phục sinh của Đấng Kitô đã được ứng nghiệm nơi Người. Cuối cùng Người trao sứ mạng cho các ông là phải đi rao giảng sự ăn năn để được tha tội, và làm chứng nhân về các điều ấy.
2) CHÚ THÍCH:
- Còn hai ông thì thuật lại những việc đã xảy ra dọc đường, và mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giêsu đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em!” (Lc 24,35-36):
- Còn hai ông: Đây là hai số bảy mươi hai môn đệ của Đức Giêsu (x.Lc 10,1). Một trong hai ông tên là Cơ-lê-ô-pát (x. Lc 24,18). Sau khi Đức Giêsu bị người Do Thái giết hại trên thập giá, hai ông đã vỡ mộng và quyết định trở về quê cũ là làng Emmau. Trên đường về làng, hai ông đã gặp được Đức Giêsu Phục Sinh như một khách bộ hành. Trong cuộc trao đổi nói chuyện dọc đường, Người đã giải thích những lời Kinh Thánh về cuộc tử nạn và phục sinh của Đấng Kitô đã được ứng nghiệm nơi Người. Kết quả là các ông đang từ tâm trạng buồn chán thất vọng (x. Lc 24,17.20), đã lấy lại được niềm tin và đã nhận biết Người (x. Lc 24,25-27.31).
- Nhận ra Chúa khi Người bẻ bánh: bẻ bánh là cử chỉ của Đức Giêsu đã làm khi nhân bánh ra nhiều 2 lần 9x. Mt 14,19; 15,36), và trong bữa Tiệc Ly khi lập Bí Tích Thánh Thể 9x. Lc 22,19). Nhờ cử chỉ bẻ bánh này mà hai môn đệ kia nhận ra người khách bộ hành chính là Đức Giêsu đã chết và giờ đây sống lại.
- “Bình an cho anh em”: Đây là lời chào thông thường của người Do Thái (Sha-lom). Nhưng lời này còn bao hàm sự chúc lành của Thiên Chúa. Sau khi sống lại, Đức Giêsu đã thực hiện lời Người hứa là ban sự bình an cho các môn đệ: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban bình an của Thầy cho anh em” (Ga 14,27).
- Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. Nhưng Người nói: “Sao anh em lại hoảng hốt? Sao còn ngờ vực trong lòng? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” (Lc 24,37-39):
- Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng la thấy ma: Đây là thái độ thường tình của con người khi gặp một cuộc thần hiện. Trước đây, có lần vào lúc canh tư đêm tối, Đức Giêsu đã đi trên mặt biển mà đến gần thuyền các môn đệ. Bấy giờ các ông cũng sợ hãi kêu la lớn tiếng: “Ma kìa!”. Và Đức Giêsu đã phải trấn an các ông: “Cứ yên tân, chính Thầy đây, đừng sợ!” (x. Mt 14,25-27).
- Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà!: Chân tay Đức Giêsu có những vết thương do đã bị quân lính đóng đinh tên cây thập tự (x. Lc 23,33).
- Ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?: Chết là khi linh hồn lìa ra khỏi xác. Khi một người xắp chết, họ sẽ thở hắt ra và sẽ chết hẳn khi thân xác ngừng thở (x. St 35,18). Khi thân xác thở lại là dấu họ sống lại (1 V 17,21). Linh hồn người chết hiện về được gọi là hồn ma. Ở đây, Đức Giêsu Phục Sinh chứng tỏ Người không phải là hồn ma, khi chứng minh cho các môn đệ thấy Người có xương thịt như một người bình thường.
- Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. Vì mừng quá, các ông vẫn chưa tin và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không?” Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông (Lc 24,40-43):
- Người đưa tay chân ra cho các ông xem: Cũng như trong Tin mừng Gioan (x Ga 20,22), Đức Giêsu Phục Sinh đã đưa ra những dấu hiệu chứng tỏ người là Đấng bị đóng đinh, đã chết trên cây thập giá, mà nay sống lại và hiện đang ở trước mặt các ông.
- Vì mừng quá, các ông vẫn chưa tin, và còn đang ngỡ ngàng: Luca hay thêm vào các câu bào chữa khuyết điểm của các môn đệ. Chẳng hạn: Khi Đức Giêsu bị bắt, Luca viết: “ Người thấy các ông đang ngủ vì buồn phiền” (Lc 22,45). Ở đây, Luca viết “ Vì mừng quá” và “còn đang ngỡ ngàng” để bào chữa cho sự cứng lòng chưa tin của các ông.
- Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông: Xem ra các vết thương ở tay chân vẫn chưa thuyết phục được các tông đồ tin Đức Giêsu đã sống lại, nên Người đã cho họ thêm một bằng chứng là Người thật chứ không phải hồn ma, bằng cách Người đã cầm lấy khúc cá nướng và ăn trước mặt các ông.
- Rồi Người bảo: “ Khi còn ở với các anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môsê, các sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm. Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh (Lc 24,44-45):
- Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em: Đức Giêsu cho các môn đệ thêm bằng chứng về việc Người đã từ cõi chết sống lại, bằng cách nhắc lại lời tiên báo mà giờ đây đã ứng nghiệm.
- Sách Luật Môsê, các sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh: Trước đó, khi thuật lại việc Đức Giêsu Phục Sinh giảng cho hai môn đệ làng Emmau, Luca viết: “Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các Ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả các Sách Thánh” (Lc 24,27). Ở đây, Luca lại kể ra Sách Thánh gồm các sách Luật Môsê, các sách Ngôn sứ và các Thánh Vịnh.
- Sách Luật Môsê: Năm cuốn đầu của Cựu Ước, được xếp thành bộ Ngũ Thư gồm 5 cuốn là: sách Sáng thế, sách Xuất hành, sách Lêvi, sách Dân số và sách Đệ nhị luật. Người Do Thái gọi Ngũ Thư là Luật Môsê (Tôra), vì đây là nền tảng đời sống đức tin của Dân Chúa. Truyền thống Do Thái vẫn coi tác giả của Ngũ Thư là ông Môsê. Nhưng thực ra, việc biên soạn bốn cuốn đầu chủ yếu do các tư tế thuộc triều đại vua Đavít và Salomon. Riêng sách Đệ nhị luật: Gọi là “Luật thứ hai” vì Luật của Giao Ước Môsê đã được ghi trong ba cuốn Xuất hành, Lêvi, Dân số trước đó. Còn Đệ nhị luật là do các môn đệ của các Ngôn sứ và các Tư Tế biên soạn vào thời dân Do Thái đi lưu đầy ở Babylon và còn tiếp tục hoàn chỉnh sau thời lưu đầy. Nội dung sách này nhằm nhắn nhủ dân Chúa hồi tâm sám hối tội lỗi, trở về tôn thờ Một Thiên Chúa độc nhất và trung thành tuân giữ Giao Ước Xinai.
- Sách Ngôn Sứ: Ngôn sứ là người được Thiên Chúa sai đến để thay Chúa mà nói với dân Người. Sứ mạng của các ngôn sứ là giúp dân Do Thái nhận ra lỗi lầm của họ, kêu gọi họ trở về với Giao Ước, khuyên bảo, loan báo hình phạt. Nhưng sứ mạng quan trọng nhất là tuyên sấm về Đấng Mêsia (hay Thiên Sai) sẽ đến để ban ơn cứu độ. Bộ Sách Ngôn Sứ gồm 16 cuốn, trong đó có 4 Ngôn Sứ lớn như Isaia, Giêrêmia, Êdêkien và Đanien, và 12 Ngôn Sứ nhỏ như Hôsê, Giôen, Amốt, Ovađia, Giôna, Mikha, Nakhum, Khabacúc, Xôphônia, Khácgai, Dacaria, Malakhi. Phân biệt Ngôn sứ lớn hay nhỏ là do độ dày của cuốn sách của các ngài.
- Thánh Vịnh: Là bộ sưu tập các bài ca vịnh được sáng tác ở nhiều thời đại khác nhau, từ thời Đavít đến thế kỷ thứ III trước Công Nguyên. Đây là kho tàng kinh nguyện của dân Chúa trong Cựu Ước cũng như trong Tân Ước. Có 150 Thánh vịnh. Hội Thánh Công Giáo sử dụng các Thánh vịnh trong các Giờ Kinh Phụng Vụ và trong Phụng Vụ Lời Chúa.
- Và Người bảo: “Có Lời Kinh Thánh chép rằng:Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân của những điều này (Lc 24,46-48):
- Các câu 46-48: Trình bày tất cả các chủ đề về Đức Giêsu đã được tông đồ Phêrô và các tông đồ rao giảng trong Công Vụ Tông Đồ: Trưng dẫn Kinh Thánh đã được ứng nghiệm nơi Đức Giêsu, rao giảng sự sám hối và ơn tha tội, Nhóm Mười Hai được trao sứ mạng làm chứng nhân cho Đức Giêsu (x. Cv 2,14-41; 3,12-26; 13,16-43).
- Có lời Kinh Thánh chép rằng: “Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba từ cõi chết sống lại”: Khi Đức Giêsu giảng cho hai môn đệ trên đường Emmau, Luca cũng viết: “Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các Ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (Lc 24,25-27).
- Rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem: Hoạt động truyền giáo của các tông đồ vừa theo một tiến trình ưu tiên nhất định là bắt đầu từ dân Do Thái, vừa có tính phổ quát. Từ đây, Giêrusalem trở thành điểm xuất phát để loan truyền Tin Mừng đi khắp nơi cho mọi dân tộc.
- Kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội: Sám hối (tiếng Hy lạp là Me-ta-noe-ô), nói chung nghĩa là đổi ý, thay đổi não trạng, hối tiếc, hối hận. Theo ngôn sứ Giêrêmia, sám hối là thay đổi hướng đi, quay về với Thiên Chúa của Giao Ước, dấn thân bước vào đời sống mới. Sám hối là điều kiện để được ơn tha tội hay được hưởng ơn cứu độ.
- Chính anh em là chứng nhân của những điều này: Là chứng nhân, nghĩa là rao giảng Tin Mừng, là chứng thực về tất cả những điều đã xảy ra trong cuộc đời Đức Giêsu, từ khi chịu phép rửa của Gioan Tẩy Giả, đến cuộc tử nạn, sống lại và lên trời của Người. Đặc biệt các ông phải sẳn sàng chịu chết để làm chứng những điều mình rao giảng là trung thực.
HỌC SỐNG LỜI CHÚA
1) Chính anh em là chứng nhân của những điều này:
- Câu chuyện: Một chứng nhân sống động:
Trong quyển sách “Tôi tin” của tác giả Găng Típ (Grant Teaff), có thuật lại một câu chuyện về một cựu lực sĩ nhảy sào vô địch thế giới tên là Biăng Tonbéc (Brian Sternberg) đã trở nên chứng nhân sống động của Đức Giêsu như thế nào.
Vào năm 1963, Biăng (Brian) lúc đó đang là sinh viên năm thứ hai trường đại học Washington. Anh vừa là lực sĩ nhảy sào vô địch thế giới, lại vừa đoạt chức quán quân về nhào lộn của Mỹ châu. Tác giả đã kể chuyện về nhà vô địch Biăng như sau: “Khắp trường đua, ai cũng biết Biăng là một lực sĩ trẻ đầy tài năng, nhưng phong cách của anh ta vừa có tính tự mãn lại vừa ích kỷ. Trong ngày đạt thành tích phá kỷ lục thế giới, khi tiến ra lãnh huy chương vàng, anh ta tỏ thái độ ngạo mạn khi cố ra vẻ nghiêm nghị và không thèm mỉm cười đáp lễ nhiều người đang hoan hô anh. Nhưng ngày hôm sau, báo chí đã đăng hàng tít lớn: “Nhà vô địch nhảy sào Biăng đã bị chấn thương!”. Số là hôm ấy, đang lúc một mình tập nhào lộn ba nhịp trên sàn tập, Biăng đã bị mất phương hướng để cho mình rơi ngay vào khung căng. Cổ anh bị va vào bờ khung căng làm cây gỗ khung căng bị gãy và Biăng té văng ra ngoài đệm mút, bị tê liệt hoàn toàn do chấn thương sọ não. Thân thể anh bây giờ chỉ có đôi mắt và cái miệng là còn cử động được thôi. Từ ngày đó, Biăng trở nên một phế nhân. Anh không thể tự mình làm điều gì, ngay cả những việc riêng cá nhân như ăn uống vệ sinh cũng phải nhờ người giúp đỡ. Anh cảm thấy chán nản và đau khổ. Từ đó, người ta không còn nhắc đến Biăng nữa. Năm năm sau, tác giả có cơ hội gặp Biăng trong một hội nghị gồm các huấn luyện viên và lực sĩ đã đạt huy chương vàng, tại hội trường lớn của nhà thi đấu trong tiểu bang Côlôrađô.Hôm ấy, trước khi khai mạc hội nghị, đột nhiên hội trường bị tắt điện tối thui, rồi máy đèn chiếu lên màn ảnh một đoạn phim trong đó người ta thấy lực sĩ Biăng đang chạy trên đường băng và thực hiện cú nhảy sào phá kỷ lục thế giới. Rồi trên sân khấu ánh đèn tròn lại chiếu sáng tập trung vào một người cao lớn đang từ hậu trường bước ra sân khấu. Đó là cầu thủ bóng đá nổi tiếng Uet Uynmơ (Wes Wilmer). Anh ta đang cõng theo một hình nhân gầy đét với đôi tay rũ rượi và đôi chân dài, đu đưa hai bên sườn của Uynmơ. Hình nhân này không ai khác hơn là anh chàng cựu vô địch nhảy sào Biăng, cao 1,9 mét, nhưng chỉ nặng không tới 38 kilô. Sau đó, Uynmơ đặt anh chàng hình nhân ngồi trên ghế. Rồi hình nhân Biăng bắt đầu phát biểu với cử tọa như sau:
“Thưa các bạn, hôm nay tôi vui mừng được mời đến đây tham dự hội nghị các huấn luyện viên và các nhà vô địch. Ôi! Tôi cầu xin Chúa để những gì xảy đến cho tôi sẽ không bao giờ xảy đến cho bất cứ người nào trong các bạn. Tôi cầu xin để các bạn không bao giờ phải nếm mùi nhục nhã hổ thẹn vì không thể tự làm lấy các việc của một người bình thường như ăn uống, vệ sinh, đi lại…Ôi! Tôi cầu xin Chúa để các bạn sẽ không bao giờ phải nếm mùi thương đau mà tôi đang phải chịu đựng từng ngày. Trừ phi, đó là điều cần thiết để giúp các bạn chấp nhận Thiên Chúa là trọng tâm cuộc đời của các bạn giống như hoàn cảnh của tôi hôm nay”.
Những lời của Biăng đã gây chấn động mạnh nơi cử tọa đang hiện diện trong hội trường. Ai nấy đều xúc động và cảm thông với một tài năng đã sớm lụi tàn. Nhưng đồng thời cũng khâm phục về một con người tuy tàn nhưng không phế. Anh đã dành những hơi sức còn lại để làm chứng cho tình yêu của mình vào Đức Kitô.
- Suy nghĩ: Phải làm gì để làm chứng cho Đức Giê-su?
- Làm chứng cho Đức Kitô trước hết là thuật lại cho người khác biết về cuộc đời và lời rao giảng của Đức Giêsu. Điều này ai cũng có thể làm được!
- Làm chứng cho Đức Giêsu là khẳng định rằng Đức Giêsu đã sống lại từ trong cõi chết như Maria Mácđala và một số phụ nữ viếng mồ Người đã làm. Nhưng thực tế cho thấy lời chứng ấy đã không đem lại kết quả bao nhiêu (x. Lc 24,8-11).
- Làm chứng cho Đức Giêsu là dùng chính cuộc sống đã được đổi mới của mình để chứng tỏ quyền năng của Đức Giêsu Phục Sinh đã tác động và biến đổi chúng ta nên mới cách lạ lùng. Đó là điều mà Biăng đã làm trong câu chuyện trên.
- Làm chứng cho Đức Giêsu là để cho Người ngỏ lời với tha nhân qua con người đã được đổi mới của chúng ta. Là làm chứng rằng Đức Giêsu vẫn đang sống và hiện diện cụ thể nơi bản thân mình, và ta phải chia sẻ sự xác tín, niềm vui và hạnh phúc cho tha nhân. Cách làm chứng này đã được tông đồ Phêrô và nhóm mười một tông đồ áp dụng. Nhờ được Thánh Thần biến đổi nên Phêrô đã rao giảng Tin Mừng. Bài giảng của Phêrô đã có kết quả là 3 ngàn người xin theo đạo (x. Cv 2,1-41).
- Cuối cùng, làm chứng cho Đức Giêsu là sẵn sàng chịu chết vì đức tin, chứ không chịu bỏ đạo bước qua thập giá để được thả. Do đó, các vị tử đạo được gọi là các chứng nhân Đức Giêsu. Téc-tuy-li-a-nô nói: “Máu của các thánh tử đạo là hạt giống phát sinh ra các Kitô hữu”.
Vậy mỗi tín hữu chúng ta sẽ phải làm gì để làm chứng cho Đức Giêsu?
2) Hãy đi rao giảng Tin Mừng:
- Câu chuyện: Bác tài xế Tắc xi làm tông đồ:
Một vị linh mục sau chuyến đi du lịch Đài Bắc trở về đã thuật lại một cách thức truyền giáo của một tài xế tắc xi như sau:
“Ngày nọ, tôi đón tắc xi từ khách sạn đi trung tâm thành phố Đài Bắc mua sắm quà lưu niệm. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy trong xe có dán một tờ giấy ghi mấy hàng chữ như sau: “Bạn có thể tìm thấy một vài quyển sách về tôn giáo ở hộc bên hông xe. Trong khi xe đang chạy, bạn có thể đọc sách và nếu thích, bạn có thể mang sách theo khi rời khỏi xe mà không phải trả tiền mua sách”. Tôi tò mò tìm hộc sách và thấy độ một chục cuốn sách mỏng bằng tranh nội dung về cuộc đời Đức Giêsu in trên giấy trắng khá đẹp, một ít sách truyện về các thánh và các danh nhân công giáo, một ít cuốn là những câu chuyện về việc sống đức tin giữa đời thường như thế nào…
Ngoài ra, phía trên tấm kính chiếu hậu trước mặt tài xế, cũng có một ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp nhỏ. Tôi mở lời hỏi anh tài xế:
- Này bác tài, xin vui lòng cho tôi biết: Hành khách đi xe có ai quan tâm đến hộc sách đạo của bác không?
- Ồ có chứ! Có nhiều người đã lấy ra xem, và có người còn cầm mang về nhà nữa.
Tôi hỏi tiếp:
- Bác có cảm tưởng gì khi thấy người ta đọc các sách do bác giới thiệu?
- Tôi cảm thấy rất sung sướng anh à! Anh biết không: tôi không có nhiều giờ để đi lễ nhà thờ. Vì tôi phải luôn chạy xe kiếm sống. Do đó, đây là cách làm công tác tông đồ của tôi. Tôi rất mừng có thể làm hai việc một lúc: Vừa lái xe lại vừa rao giảng Tin Mừng mà không mất thêm thì giờ. Tôi nghĩ rằng tôi đang làm một công việc thật tuyệt vời!
Một số hội đoàn Công Giáo Tiến Hành cũng đã phân phát cho các tài xế xe tắc xi ở Đài Bắc một tấm thẻ bọc nhựa treo trước mặt tài xế. Trên tấm thẻ ở mặt trước có in hình cây Thánh Giá màu đỏ với dòng chữ: “Chúa đang cùng lái xe với bạn”. Mặt sau là lời cầu của các tài xế như sau: “Lạy Chúa, khi con lái xe, xin giúp con yêu mến tha nhân như chính bản thân con, để con không làm gì gây thiệt hại cho bất cứ ai. Xin cho con giữ đức công bình để không thu tiền cước xe quá giá, sẵn sàng trao trả đồ đạc khách bỏ quên trên xe. Xin cho đôi mắt con được tinh tường, cho tay chân con được khéo léo để lái xe an toàn và tránh gây tai nạn. Xin cho tâm trí con luôn bình an và thần kinh con luôn thoải mái. Xin đừng để con lái xe khi uống rượu say không đủ tỉnh táo. Xin đừng để con nhiễm thói cạnh tranh bất chính với các bạn đồng nghiệp. Và cuối cùng xin Chúa giúp con luôn Thượng Lộ Bình An”.
- Suy nghĩ và quyết tâm: Bạn nhận xét thế nào về phương cách tặng sách truyện tranh ảnh Kinh Thánh, truyện của các thánh và những truyện sống đức tin trong đời thường của bác tài xế tắc xi trong câu chuyện trên? Bạn sẽ chọn cách truyền giảng Tin Mừng nào đối với bạn học cùng trường hay cùng làm trong một cơ quan xí nghiệp hay nhà máy?
HIỆP SỐNG NGUYỆN CẦU
1) Lạy Chúa Giêsu, Hầu như trong mọi lần hiện ra, Chúa cũng đều dùng Kinh Thánh để giúp các môn đệ hiểu biết Thánh Ý Chúa Cha, giải thích cho các ông về mầu nhiệm “vào vinh quang ngang qua đau khổ”. Đồng thời cũng chứng minh Chúa đã thực sự sống lại đúng như các ngôn sứ đã tiên báo. Xin Chúa giúp chúng con hiểu biết giá trị của Kinh Thánh, hầu trong mọi biến cố xảy ra trong cuộc sống hằng ngày, chúng con biết tìm ra Thánh Ý Chúa. Xin cho chúng con siêng năng hiệp sống Lời Chúa, cho chúng con biết lắng nghe Lời Chúa mỗi khi dự lễ, để nhờ Lời Chúa hướng dẫn, chúng con sẽ ngày một sống tử tế tốt lành hơn và làm đẹp lòng Chúa hơn.
X) Hiệp cùng Mẹ Maria. -Đ) Xin Chúa nhậm lời chúng con.
2) Lạy Mẹ Maria. Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Phục Sinh đã củng cố đức tin của các tông đồ bằng việc cho xem tay chân đã từng bị đóng đinh, ăn uống trước mặt các ông. Rồi khi các ông đã tin, Chúa lại đòi họ phải làm chứng nhân cho Người. Xin Mẹ giúp chúng con chu toàn sứ mạng làm chứng cho Chúa, bằng việc sám hối và xa lánh dịp tội, làm nhiều việc lành như chia sẻ cơm áo tiền bạc cho những người nghèo, thăm viếng những người đau liệt…để chúng con nên nhân chứng tình thương của Chúa Giêsu.
X) Hiệp cùng mẹ Maria. -Đ) Xin Chúa nhậm lời chúng con.
Hôm nay chúng ta đọc một phần bản văn Luca về “Trình thuật Phục sinh”. Theo Tin Mừng của ông, năm biến cố đã xảy ra trong ngày Phục sinh:
- Các phụ nữ đến viếng mộ vào buổi sáng và việc báo tin Chúa Phục sinh (24, 1-10).
- Phêrô cũng đến thăm mộ và thái độ bối rối của ông (24, 11-12).
- Chúa hiện ra với hai môn đệ làng Emmau (24, 13-35).
- Chúa hiện ra với mười một môn đệ, cùng buổi chiều hôm đó (24, 36-49).
- Đức Giêsu thăng thiên và việc Người được tôn dương trên trời (24, 50-53).
Còn hai ông thì thuật lại những việc đã xảy ra dọc đường, và chuyện mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. Các ông còn đang nói thì Đức Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông.
Từ ba ngày qua, biết bao là biến cố bi thảm đã xảy ra cho con người đáng thương này? Bữa ăn cuối cùng của Đức Giêsu vào tối thứ năm, cuộc vây bắt tại vườn Ghétsêmani, mọi người đều bỏ trốn, Phêrô chối Chúa, việc xét xử bêu nhục Chúa như kẻ phản đạo và phạm thượng, cái chết của Chúa trên thập giá ngoài cửa thành, việc treo cổ tự sát của Giuđa, một bạn hữu của họ. Nhóm Mười Hai trở thành nhóm Mười Một, do một người trong họ bỏ cuộc và đã chết!
Chính trong bối cảnh này mà cuộc "Phục sinh" xảy đến một cách bất ngờ và làm cho mọi người bàng hoàng sửng sốt.
Người nói với các ông: "Chúc anh em được bình an"
Đó là lời chào hỏi thông thường của Người Do Thái: “Shalom!" có nghĩa là "Bình an”.
Nhưng ta có thể nghĩ rằng, chiều hôm đó, lời chào chúc cổ truyền đó hẳn phải mang một ý nghĩa hoàn toàn đặc biệt: chính vào lúc vô cùng tuyệt vọng thì Chúa hiện đến trấn an các ông: "Anh em đừng sợ", "Hãy an tâm". Theo Thánh Gioan, trước khi bước vào cõi chết, hôm thứ năm vừa qua, Đức Giêsu đã hứa các tông đồ sẽ được bình an sau một 'thời gian khủng hoảng đớn đau’: "Thầy để lại sự bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em phúc bình an của chính Thầy" (Ga 14,27). "Anh em sẽ bị phân tán mỗi người mỗi ngả và để Thầy cô đơn”. “Thầy nói với anh em những điều ấy để nhờ kết hợp với Thầy, anh em được bình an” “Anh em can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian rồi" (Ga 16,32-33). Hôm nay vào chiều tối Phục sinh, lời hứa đã được thực hiện.
Các ông sợ hết hồn hết vía, tưởng là thấy ma.
Rõ ràng, như các trình thuật khác đều đã nói cho ta. Nhóm "Mười Một" bắt đầu run sợ và nghi ngờ. Một lát nữa, Luca sẽ nhấn mạnh giúp ta lưu ý tới sự kiện Đức Giêsu phải "mở trí lòng" họ: họ còn không hiểu gì cả. Chỉ ngắm nhìn thì chưa đủ còn phải "mở trí lòng" tới mầu nhiệm.
Nhưng Người nói: "Việc gì mà hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như Thầy đây?"
Trong trình thuật tương song của Gioan, Đức Giêsu đã cho các tông đồ xem "tay và cạnh sườn" Người (Ga 20,20). Còn ở đây Luca lại ghi, Người cho họ xem "chân tay" Người? Ta biết rằng, đối với Thánh Gioan "cạnh sườn" rộng mở tượng trưng cho nguồn nước vọt ra từ đền thờ mới, theo lời tiên báo của ngôn sứ Êdêkien.
Những điểm cốt yếu của trình thuật vẫn là chung, đó nhằm minh chứng rằng chính Đức Giêsu, Đấng bị đóng đinh, nay đã sống lại. Đối với những người Sêmít, này, là những người không có ý niệm phân biệt linh hồn và thể xác theo triết thuyết của Platon và Descartes, thì nếu Đức Giêsu đang sống động, chỉ có thể hiểu Người sống động với toàn diện con người mình. Đức Giêsu muốn quả quyết, Người không phải là một bóng ma như thế, Người phải có một thân xác, sự sống lại không thể giản lược vào nguyên một tình trạng "linh hồn bất tử". Do đó, mọi chi tiết trên đây đều diễn tả cách cụ thể: "Cứ rờ vào Thầy. Hãy xem chân tay Thầy. Hãy cho Thầy ăn".
Tuy nhiên, chúng ta không nên ảo tưởng. Cần phải vượt qua vẻ vật chất của ngôn từ diễn tả, để hiểu ý nghĩa sâu xa của công cuộc Phục sinh. Nhằm đề cao chân lý đó, chính Thánh Phaolô sau này sẽ xác quyết: "Chúa là thần khí”(2Cr 3,17-18). Ngài cũng nói về thân xác Phục sinh như một "thân-thể-thuộc-linh” (1Cr 15,44).
Các ông vẫn chưa dám tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: “Ở đây anh em có ăn gì không" Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng, Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.
Việc ám chỉ tới một bữa ăn như trên, gợi lại cử chỉ của Chúa tại làng Emmau, sau này Phêrô cũng tuyên bố: chính chúng tôi đã được cùng ăn, "cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại" (Cv 10,41). Trong trình thuật của Luca trên đây, không có gì ám chỉ cách công khai tới Thánh Thể nhưng bầu không khí vẫn là khung cảnh của những "bữa tiệc thánh”, mà ở đó các môn đệ sẽ nhận ra một sự hiện diện mới của Đấng Phục sinh.
Rồi Người bảo: "Anh em hãy nhớ lại những lời Thầy đã nói, khi Thầy còn ở với anh em"
Công cuộc Phục sinh không thể dược hiểu như một thứ hiện tượng cách biệt, một thứ hành động ma thuật. Đức Giêsu cố gắng giúp cho người ta “hiểu” và dồn "tâm trí" vào sự kiện đó. Và bước đường đầu tiên mà Người gợi lên cho các tông đồ đi tới hiểu biết, đó là vận dụng "ký ức” Người đã báo trước cái chết và sự phục sinh của Người. Người mong muốn chúng ta khám phá ra sự liên tục giữa Đức Giêsu trước Phục sinh ‘và’ Đức Giêsu sau Phục sinh, Đức Giêsu lịch sử và Đức Giêsu vượt qua lịch sử, Đức Giêsu cụ thể và Đức Giêsu của lòng tin.
Về vấn đề này, chúng ta nên ghi nhận kiểu nói kỳ lạ của Đức Giêsu: khi Thầy còn ở với anh em ‘thuộc về quá khứ’ Nhưng, lạy Chúa Giêsu, lúc này Chúa đang hiện diện với chúng con mà! Các môn đệ đã có thể đáp lại với Chúa như thế. Đúng vậy, nhưng Người đâu có hiện diện cũng một cách thức như trước nữa: Vẫn chính là Người, nhưng không phải y như trước. Đây luôn là mầu nhiệm đức tin.
Tất cả những gì sách Luật Môsê, các sách Ngôn sứ và các Thánh vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm. Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh.
Các Sách Thánh loại nào? Đó là toàn bộ Cựu ước: Luật, Ngôn sứ và Thánh Vịnh. Đúng ra, Đức Giêsu là một người rất quen thuộc với Kinh thánh. Người đã đọc đi đọc lại cho riêng mình một số đoạn để ứng dụng vào số phận đời Người. "Kinh thánh đã nói về đời tôi!". Các bạn hãy đọc lại và sẽ thấy. Và chúng ta hình dung ra như Đức Giêsu, đang dạy một lớp giáo lý Kinh thánh, chú giải Kinh thánh. Công cuộc Canh tân Phụng vụ theo ý Công đồng Vatican II lại tạo điều kiện cho chúng ta đọc nhiều đoạn Kinh thánh hơn: mỗi Chúa nhật sẽ đọc ba bài đọc thay hai như cũ và được phân bổ trong ba năm để cung cấp cho ta một toàn bộ các văn bản đầy đủ hơn. Ta cũng có thể nhận thấy, công việc đó đã đi đúng hướng biết bao, như ý Đức Giêsu mong muốn. Lạy Chúa, xin ban cho chúng con, các Kitô hữu, biết đói khát Kinh thánh. Xin giúp chúng con đừng tới dâng lễ "trễ muộn", bỏ qua phần phụng vụ Lời Chúa, luôn vắng mặt trong phần đầu thánh lễ, thời gian mà "Chúa mở trí cho chúng con hiểu Kinh Thánh".
Người bảo có lời Kinh Thánh chép rằng: "Đấng Mêsia phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba sẽ từ bỏ cõi chết chỗi dậy”.
Ôi! nếu như chúng ta có mặt ở đó thì thích biết bao, lúc mà Đức Giêsu bình luận lời ngôn sứ Isaia, sách Khôn ngoan và các Thánh Vịnh! Nhờ sách Công vụ Tông đồ, ta biết được những bản văn đặc biệt mà trong đó, Đức Giêsu "tự nhận ra mình" và nhờ đó Người mới quả quyết người ta đã nói về mình là những bản văn nào. Đó là những bản văn được trích dẫn Đệ Nhị Luật 18, 16-19 và 21,23; Hôsê 6,1, Isaia 52,13, Thánh Vịnh 2,22. Cựu ước hướng về Đức Giêsu. Mọi chương trình của Thiên Chúa, mọi công cuộc chuẩn bị đều nhằm đến "việc hoàn tất" này: đó là sự hy sinh vinh quang của Đức Giêsu vì tình yêu cứu độ. Những bài thơ về Người Tôi Tớ và nhiều Thánh vịnh đặc biệt đã minh chứng rằng, "đau khổ của người công chính, không phải là uổng công vô ích, nhưng luôn đạt tới một sự phong phú phi thường". Thực vậy người ta phải vượt qua giai đoạn đau khổ mới tới giây phút tạ ơn và thời gian loan truyền những kỳ công của Thiên Chúa cho mọi dân tộc, "sứ vụ” truyền giáo cho khắp hoàn vũ như đã hiện diện trong các bản văn đó (Is 49,50).
Đấng Mêsia phải chịu khổ hình, sẽ từ cõi chết chỗi dậy. Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội.
Vâng, mối quan tâm truyền giáo đã tràn ngập tâm hồn Đức Giêsu. Người nhìn thấy trước hàng tỉ người nam nữ sẽ theo Người, sẽ yêu mến Người. Người nhìn thấy hàng tỉ tội nhân sẽ được tắm trong "nước tha thứ tội lỗi", sẽ được ghìm ngập trong tình yêu xót thương của Thiên Chúa, sẽ được thanh tẩy trong Thánh Thần, Đấng tha thứ và "ban sự sống". Thiên Chúa là tình yêu! ở đây chúng ta gặp lại điều mà Thánh Gioan đã nói trong Chúa nhật vừa qua: "Đức Giêsu thổi hơi để tha thứ tội lỗi!".
Và chúng ta đón nhận sứ điệp "Phục sinh" đó. Chúng ta có thể nói, Phục sinh làm gì? Để loan báo sự thay đổi, cuộc hoán cải, một "métanoia": Hãy đổi đời. Hãy phục sinh. Hãy sống động và cứ tiếp tục như thế. Phục sinh là một động lực sống! Nó luôn vận hành.
Phải rao giảng cho muôn dân, bắt đâu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối. Chính anh em làm chứng về những điều này.
"Sứ vụ của Giáo Hội" khởi sự từ công cuộc Phục sinh. Trong sức sống sinh động Phục sinh, cùng với “Đức Giêsu hằng sống" giữa các nhân chứng của Người, từ một điểm trung tâm của hành tinh chúng ta: đó là Giêrusalem! Thực vậy, đó là nơi có một không hai, mà người ta đã đào lỗ dưới đất để dựng cây thập giá lên, và từ đó đã trở nên trục của thế giới. Thành phố duy nhất này, nơi mà nhờ đó hành tinh đáng thương của chúng ta, thay vì là nghĩa địa mênh mông chứa chôn kẻ chết, đã trở thành nơi có "ngôi mộ trống", nơi của sự sống hiển thắng.
Lạy Chúa, xin ban cho con "sức mạnh" từ trời ban xuống đó (Lc 24,49) để con trở nên nhân chứng cho Chúa: Veni Creator Spiritus. Lạy Thần khí Tác sinh, xin hãy ngự đến.
23. Chú giải của Fiches Dominicales
CHÚA GIÊSU HOÀN TẤT LỜI KINH THÁNH
VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI
1. Từ kinh ngạc, sợ hãi đến niềm vui
Cũng như Chúa nhật I và II Phục sinh, theo thông lệ hằng năm, Tin Mừng Chúa nhật thứ III này tường thuật Đấng Phục sinh hiện ra.
Câu chuyện bắt đầu từ sau chuyến hai môn đệ Emmau trở về Họ vừa kể cho 11 tông đồ và cho các môn đệ những gì đã xảy ra trên đường và họ đã nhặn ra Người thế nào khi Người bẻ bánh thì Đức Giêsu lại một lần nữa hiện đến với các môn đệ.
Ở đây ta gặp lại 3 phần tiêu biểu của các cuộc hiện ra sau Phục sinh: 1- Đức Giêsu có sáng kiến; 2- Người tự tỏ mình ra; 3- Người uỷ thác cho họ một sứ mệnh.
Tin Mừng kể: "Khi ông còn đang nói thì Người đã đến giữa họ”. Người ban cho họ ơn bình an, một ơn của triều đại Cứu Thế. “Bình an cho các con”.
Cuộc hiện ra bất ngờ và lời chào của Người khiến họ "kinh ngạc và sợ hãi, vì họ tưởng là thây ma hiện hình”. Họ đã phải sống giây phút khó khăn của cuộc quá độ từ bất tín đến chân nhận.
2. Từ khổ đau đến cuộc sống mới của Đức Messia
Thoạt tiên Đức Giêsu mở lời. Kèm theo lại là một cử chỉ. Rồi Người ăn trước mặt họ. Sau đó Người khai lòng mở trí để họ am hiểu Thánh Kinh.
Trước hết, Người cho họ xem “tay", "chân” và nói: "Tại sao các con sợ hãi? Hãy chạm vào Thầy: ma đâu có xương thịt như Thầy".
Họ hoàn toàn không phải là nạn nhân của một ảo tưởng tập thể. Cũng vẫn là người ấy, Đấng chịu đóng đinh, nhưng đến gặp họ trong một điều kiện khác, điều kiện của Đấng Phục sinh “chính là Thầy đây!".
Roland Meynet chú giải: "Đấng hiện ra với các môn đệ không phải là một cái chết hiện hình, cũng không phải là hồn ma bóng quế. Đó chính là Đức Giêsu, Người đã từng ăn uống với họ, tay Ngài đã từng đụng chạm đến họ trước khi chịu khổ hình. Hoàn toàn không phải là một ảo ảnh. Họ có thể thấy Người, đụng chạm đến Người cơ mà, đúng là Người.
Nhưng cơ thể Đức Giêsu không còn là cơ thể trước ngày vào cuộc khổ nạn. Người có cho họ xem tay, chân cũng chỉ vì tay chân còn hằn dấu đinh. Dấu hiệu ấy cốt để họ xác minh mà vững lòng tin tưởng; Phục sinh không xoá hết dấu vết khổ nạn. Đức Kitô mãi mãi vẫn là Đấng Mêsia chịu đóng đinh (‘Tin Mừng thánh Luca’, Phân tích từ ngữ, chú giải, Cerf, trang 238).
- Vì các môn đệ "trong niềm vui tột đỉnh, vẫn chưa dám tin, vẫn còn sững người kinh ngạc", Đức Giêsu bèn hỏi xin họ "cho ăn”. Người ăn "một miếng cá nướng”. Người không ăn với họ, nhưng trước mặt họ. Theo phong tục Đông phương, người khách được trọng vọng sẽ ăn một mình trước mặt những kẻ cung nghinh hầu cận.
Khi đưa ra chi tiết Đức Giêsu ăn trước mặt môn đệ, tác giả Tin Mừng muốn minh họa thực tại của biến cố phục sinh. Tuy nhiên, sáng kiến này của Đức Giêsu dường như không “ép phê” bằng lần trước: các môn đệ chỉ đáp lại bằng sự im lặng.
Sau cùng, Đức Gtêsu giúp các môn đệ đang hội họp ở đó đọc lại cuộc Khổ Nạn-Phục Sinh của Người dưới ánh sáng Thánh Kinh, như Người đã làm với hai môn đệ trên đường đi Emmau: "Cần phải ứng nghiệm tất cả những gì đã chép về Thầy trong sách Lề Luật của Môsê; các sách Ngôn Sứ và Thánh vịnh. Và Người soi lòng mở trí cho họ hiểu Kinh Thánh".
R.Meynet bình giải: “Kinh Thánh, trọn bộ Kinh Thánh, đều nói về Đức Giêsu. Kinh Thánh loan báo những việc Người sẽ làm và những việc các môn đệ sẽ làm nhân danh Người. Đức Giêsu chẳng nói gì ngoài những điều Kinh Thánh đã nói, nhưng Người không chỉ lặp lại và chú giải Kinh Thánh như các luật sĩ thường làm. Người hành xử Kinh Thánh, người thực hiện Kinh Thánh, Người hoàn tất Kinh Thánh. Chính vì Người hoàn tất Kinh Thánh mà Người có thể giải thích Kinh Thánh cho người ta hiểu. Rồi đến phiên các môn đệ, họ sẽ phải công bố rằng Đức Giêsu đã hoàn tất các lời Kinh Thánh. Các môn đệ công bố điều này khi chính bản thân các ông hoàn tất lời Kinh Thánh và khi các ông làm cho Kinh Thánh được hoàn tất nơi những người mà các ông được sai đến, cho đến tận cùng trái đất" (Sđd, trang 238).
3. Từ chân nhận đến sứ mệnh phổ quát
Một lần nữa, cuộc gỡ không kết thúc ở thái độ chân nhận, nhưng vươn tới một sứ mệnh.
Sứ mệnh mà Đức Giêsu ký thác cho các môn đệ, trước khi chuẩn bị họ (câu 51), sứ mệnh mà nhờ đó họ được ban một "sức mạnh từ trên cao" (câu 49), tóm kết trong câu nói sẽ trở thành cốt lõi cho lời rao giảng của Giáo Hội sơ khai (xem bài giảng của Phêrô trong Công Vụ các tông đồ: đặc biệt bài đọc I ngày lễ Phục sinh và Chúa nhật III (Phục sinh):
Đúng như lời Kinh Thánh đã loan báo về:
- Những đau khổ của Đức Mêsia, việc Người phục sinh từ trong cõi chết vào ngày thứ 3.
- Công bố sự hoán cải nhân danh Người để được tha thứ tội lỗi cho mọi dân tộc, khởi đi từ Giêrusalem.
- Chính các con là chứng nhân cho những điều đó".
Như thế việc Đức Giêsu phục sinh đã kết thúc bằng mặc khải mầu nhiệm của Người: Người là Đức Kitô được các ngôn sứ loan báo, được tôn vinh trên cái chết, từ nay hiện diện trong Giáo Hội, nơi Người hứa ban ơn tha tội cho mọi người. Lời rao giảng ơn hoán cải và sự tha thứ tội khiên đã được Gioan Tẩy Giả bắt đầu cho nhà Israel, từ nay lan toả đến “mọi dân tộc". Sứ mệnh phổ quát ấy, sự hoàn thành ý định cứu độ của Thiên Chúa ấy, nay được ký thác cho cộng đoàn các môn đệ.
BÀI ĐỌC THÊM
1) “Những kinh nghiệm đầu tiên giúp các Kitô hữu hiểu những kinh nghiệm họ phải sống hôm nay”.
(L.Monloubou, trong "Tin Mừng theo thánh Luca, Salvator, trang 286-287).
Câu đầu tiên (35) nhắc ra nhớ chính vào lúc "bẻ bánh" mà các lữ khách làng Emmau ‘nhận ra Đức Giêsu’, chắc hẳn trong tâm tưởng thánh Luca muốn qui chiếu việc bẻ bánh về bí tích Thánh Thể, nơi các Kitô hữu "nhận ra" Đức Giêsu phục sinh và hằng sống. Xa hơn nữa, bản văn nói về việc "khai mở lòng trí” mà Đức Giêsu thông truyền cho các môn đệ. Người cũng trình bày cho họ một lối "hiểu Kinh Thánh" mới.
Ta thấy rất rõ cuộc khám phá mà cộng đoàn thực hiện tỷ lệ thuận với việc đào sâu niềm tin phục sinh: cộng đoàn đạt tới một mức độ thấu hiểu sự vật, khiến sự vật hiện ra trong một chuỗi những liên kết rất mạch lạc, hiển nhiên; thoạt tiên Kinh Thánh hiện ra dưới một nhãn quan khác: Lề Luật của Môsê, các Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh xem ra chứa đựng một ý nghĩa mà từ trước đến giờ chưa được hiểu cho thấu đáo. Ý nghĩa ấy nối kết Kinh Thánh thành một chuỗi mạch lạc khiến đức tin tìm được điểm tựa. Sau cùng bản văn kết thúc bằng cách đề ra một kinh nghiệm truyền giáo: nhân danh Đức Giêsu phục sinh, hằng sống, phải rao giảng cho ‘mọi dân tộc’, ‘bắt đầu từ Giêrusalem’, sự ăn năn thống hối để được thứ tha tội lỗi”. Ba điểm: kinh nghiệm Thánh Thể, giải thích Kinh Thánh mang mầu sắc Kitô học và sự rao giảng phổ quát, được trình bày ở đây như những nối tiếp khẩn thiết của cảm nghiệm phục sinh. Đối với các bạn đồng hành của Luca, đó là những thực tại đã được ghi nhận cách sâu sắc, đã được sống và đã cảm nghiệm.
Sự kiện này quan trọng; nó cho biết nơi chốn các Kitô hữu nói về cuộc phục sinh của Đức Giêsu. Không phải trong một khoá học về lịch sử Đức Giêsu, dù lịch sử là nền tảng của suy tư; nhưng là trong lúc suy niệm về đời sống hiện tại của Giáo Hội. Giáo Hội ấy quây quần đọc Kinh Thánh: Môsê, các Ngôn sứ và các Thánh vịnh, để tưởng nhớ những lời nói của Đức Giêsu: đó là những lời mà Thầy đã nói với anh em để cử hành việc bẻ bánh; và để đảm nhận những nhiệm vụ truyền giáo, Giáo Hội ấy đã ý thức về việc sống một kinh nghiệm: Đức Giêsu đích thân đứng giữa họ, Người đang sống. Cộng đoàn ấy vẫn còn có nghi ngờ, nhưng đức tin của cộng đoàn là sâu sắc.
Cảm nghiệm đó là gì mà đem đến cho mọi người niềm vui khôn tả như thế? Đó là cảm nghiệm về Đấng Phục sinh mà các môn đệ là những người đầu tiên đã cảm. Bản thân các ngài đã tham dự vào lời bữa ăn của Đức Giêsu, đã thiết lập được mối liên hệ giữa Kinh Thánh với những gì đã xảy ra tại Giêrusalem, những gì đã xảy đến với Đức Giêsu, người Nagiarét, và các ngài đã khám phá ra tầm mức phổ quát của sự Phục Sinh mà các ngài phải loan báo cho thế giới. Chính các ngài, đoàn Mười Một đã trải qua những kinh nghiệm đầu tiên, nhờ đó các Kitô hữu thấu hiểu kinh nghiệm mà họ phải sống hôm nay".
2) Người khai mở lòng trí cho họ am hiểu Kinh Thánh
(H.Vulliez, trong "Thiên Chúa đã gần đến". Năm B, DDB trang 57-58).
Bạn có chú ý không? Trong cả 3 trình thuật của thánh Luca về việc Đức Kitô Phục sinh hiện ra, thì hai bài, bài các môn đệ Emmau và bài hôm nay đều kết thúc bằng việc đọc Kinh Thánh mà Đức Giêsu chú giải. Dường như, trong cả hai trường hợp, cuộc hiện hình không đủ đưa đến đức tin. Dường như tác giả muốn tránh nguy cơ chỉ dừng lại và chỉ gắn bó vào những gì lạ thường.
Dường như chỉ có thể tin vào Đức Giêsu vẫn đang sống sau khi chết nhờ đặt Người ra ngoài vòng lịch sử nhân loại. Ta có tin rằng sự hiểu biết Kinh Thánh cách nghiêm túc là rất cần thiết để tin, không phải vào một Đức Giêsu ta tưởng tượng ra, nhưng vào Đấng mà Tin Mừng mặc khải cho ta, Đấng mà Chúa Cha đã sai đến với con người để trở thành Người-Chúa với họ vĩnh viễn không?".
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm