Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật tuần III Phục Sinh năm B
CHÚA NHẬT III PHỤC SINH B
Cv 3,13-15.17-19 ; 1 Ga 2,1-5a ; Lc 24,35-48
TIN VÀ LÀM CHỨNG CHO CHÚA
1. BÁC TÀI XẾ TAXI LÀM CHỨNG CHO CHÚA:
Một vị linh mục sau chuyến du lịch Đài Bắc trở về đã thuật lại cách truyền giáo của một bác tài xế xe taxi tại đây như sau:
“Ngày nọ, tôi đón taxi từ khách sạn đi sang trung tâm thành phố Đài Bắc mua quà lưu niệm. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy trong xe có dán một tờ giấy ghi mấy dòng chữ như sau: “Bạn có thể thấy một vài quyển sách về tôn giáo ở hộc bên hông xe. Trong khi xe đang chạy, bạn có thể đọc sách và nếu thích, bạn có thể mang sách theo khi rời khỏi xe mà không phải trả tiền mua sách”. Tôi tò mò tìm hộc sách và thấy một chục cuốn sách mỏng bằng tranh, nội dung về cuộc đời Đức Giêsu in trên giấy trắng khá đẹp, một ít sách truyện tranh các thánh và các danh nhân tôn giáo, một ít cuốn là những mẩu chuyện sống đức tin giữa đời thường... Ngoài ra, phía trên kính chiếu hậu trước mặt tài xế cũng có treo một ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp nhỏ. Tôi mở lời hỏi bác tài xế:
- Này bác tài, xin vui lòng cho biết: Hành khách đi xe của bác có ai quan tâm đến hộc sách đạo của bác không?
- Ồ, có chứ! Có nhiều người đã lấy ra xem, và có người còn cầm theo mang về nhà nữa.
Tôi hỏi tiếp:
- Bác có cảm tưởng gì khi thấy người ta đọc sách đạo do bác giới thiệu?
- Tôi cảm thấy rất vui anh à! Anh biết không: tôi là người tín hữu Công giáo nhưng không có nhiều giờ để đi lễ nhà thờ. Vì tôi phải chạy xe kiếm sống. Do đó, đây là cách làm công tác tông đồ của tôi. Tôi rất mừng vì đã có thể làm được hai việc một lúc: Vừa lái xe nuôi gia đình lại vừa rao giảng Tin Mừng mà không bị mất thêm thời giờ. Tôi nghĩ rằng tôi đang làm một việc thật tuyệt vời!
2. ANH EM SẼ LÀ CHỨNG NHÂN CỦA NHỮNG ĐIỀU NÀY: Tin Mừng Chúa nhật hôm nay cho thấy Chúa Giêsu Phục Sinh đã hiện đến với các Tông Đồ đang bị dao động. Sau khi trấn an các ông, Người đã chứng minh cho các ông thấy Người không phải là bóng ma, nhưng là con người bằng xương bằng thịt thực sự, qua việc ăn uống trước mặt các ông. Cuối cùng sau khi các ông đã tin Người đã từ cõi chết sống lại, Đức Giêsu chỉ thị cho các ông và cho mọi tín hữu sau này: “Chính anh em sẽ là chứng nhân của những điều này”(Lc 24,48).
3. PHẢI LÀM CHỨNG NHƯ THẾ NÀO ? :
Ngày nay các tín hữu chúng ta dù không thấy Chúa bằng xương bằng thịt, nhưng vẫn có thể thi hành sứ mệnh làm chứng cho Người bằng các phương thế như sau:
+ Làm chứng bằng việc thuật lại cho người khác về cuộc đời và lời rao giảng của Đức Giêsu như bà Maria Mácđala đã làm (Ga 20,18). Việc truyền đạt này mọi tín hữu đều có thể làm, nhưng khó thuyết phục được người nghe tin theo (x. Lc 24,11).
+ Làm chứng bằng cách để Chúa ngỏ lời với người khác qua miệng chúng ta: Đức Giêsu đang sống và hiện diện nơi ta, và ta có bổn phận chia sẻ sự xác tín, niềm vui và bình an hạnh phúc mình đang cảm nghiệm được cho tha nhân. Cách làm chứng này đã được Nhóm Mười Một Tông đồ áp dụng. Sau khi đón nhận ơn Thánh Thần, Tông đồ Phêrô đã rao giảng và làm chứng về Đức Giêsu như sau: “Chính Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại… Về điều này tất cả chúng tôi xin làm chứng. Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên, trao cho Người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống. Đó là điều anh em đang thấy đang nghe…” (Cv 2,32-33). Cách làm chứng hùng hồn đầy xác tín này của Tông đồ Phêrô đã thuyết phục được tới ba ngàn người xin tòng giáo (x. Cv 2,41).
+ Làm chứng bằng lối sống hy sinh quên mình, vị tha bác ái noi gương cộng đoàn tín hữu thời Hội Thánh sơ khai như sách Công vụ thuật lại: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau và cầu nguyện không ngừng. Mọi người đều kính sợ, vì các Tông Đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ. Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đòan mỗi ngày thêm những người được cứu độ” (Cv 2,42-47).
+ Cuối cùng, làm chứng cho Đức Giêsu bằng việc sẵn sàng chịu bách hại vì đức tin, quyết không hèn nhát bước qua thập giá để khỏi chết, noi gương các anh hùng tử đạo. Nhờ đó, các thánh Tử đạo đã được gọi là các “Chứng nhân đức tin”. Đây là phương cách truyền giáo rất hữu hiệu như lời Tertuliano khẳng định: “Máu các vị Tử đạo là hạt giống phát sinh các Kitô hữu”.
4. LẠY CHÚA GIÊSU PHỤC SINH, mỗi lần hiện ra với các môn đệ, Chúa đều dùng Kinh Thánh để giúp các ông tìm ra thánh ý Thiên Chúa và giải thích cho các ông về con đường “Qua đau khổ vào vinh quang”, đồng thời chứng minh Chúa đã thực sự sống lại từ cõi chết, đúng như lời Thánh Kinh. Xin giúp chúng con ý thức giá trị và tin vào sức mạnh Lời Chúa trong việc sống đạo và truyền đạo, hầu khi gặp bất cứ biến cố vui buồn sướng khổ nào trong cuộc sống, chúng con cũng biết tìm kiếm thánh ý Chúa. Xin cho chúng con biết năng hội hiệp nhau học sống Lời Chúa hằng tuần, biết lắng nghe Lời Chúa khi dự lễ, để nhờ Lời Chúa hướng dẫn, đức tin của chúng con sẽ ngày càng lớn lên và nhờ ơn Thánh Thần tác động, chúng con sẽ chu toàn được sứ mệnh Chúa trao cho Hội Thánh: “Chính anh em là chứng nhân của những điều này”. AMEN.
LM ĐAN VINH
www.hiephoithanhmau.com
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm