Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật V Phục Sinh năm B
5th Sunday of Easter
Reading I: Acts 9:26-31 II: 1 John 3:18-24
Chúa Nhật 5 Phục Sinh
Bài Đọc I: Công vụ TĐ 9:26-31 II: 1 Gioan 3:18-24
Gospel
John 15:1-8
1 "I am the true vine, and my Father is the vinedresser.
2 Every branch of mine that bears no fruit, he takes away, and every branch that does bear fruit he prunes, that it may bear more fruit.
3 You are already made clean by the word which I have spoken to you.
4 Abide in me, and I in you. As the branch cannot bear fruit by itself, unless it abides in the vine, neither can you, unless you abide in me.
5 I am the vine, you are the branches. He who abides in me, and I in him, he it is that bears much fruit, for apart from me you can do nothing.
6 If a man does not abide in me, he is cast forth as a branch and withers; and the branches are gathered, thrown into the fire and burned.
7 If you abide in me, and my words abide in you, ask whatever you will, and it shall be done for you.
8 By this my Father is glorified, that you bear much fruit, and so prove to be my disciples.
Phúc Âm
Gioan 15:1-8
1 "Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho.
2 Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh ra nhiều hoa trái hơn.
3 Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em.
4 Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.
5 Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.
6 Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi.
7 Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin anh em sẽ được như ý.
8 Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.
Interesting Details
• Context: This passage begins a long monologue (Ch. 15-17) in the farewell discourse that Jesus delivered to the disciples in the Last Supper on the eve of His death.
• (v.1) In the Old Testament, the vine often symbolizes the image of Israel (Is 5:1-7, Jer 2:21, Ezek 15:1-6). John used the word "true" in the context of a replacement as "true" bread (Jn 6:32) to replace manna. Jesus is the true vine, the vine that was planted, pruned and cared by His Father, the vine that carries life into the branches so that they can bear fruit. Jesus is the source of life, the fulfillment of all that Israel promised.
• (v.3) The Greek verb "kathairein" has two meanings: to prune and to cleanse. The fruit-bearing followers have been cleansed by the word so that they can bear more fruit.
• (vv.4-7) The expression "remain with" or "abide in" is repeated no less than 6 times in this passage. The demand for the intimate unity between his followers and Jesus is so urgent and necessary. This unity also establishes the confidence in prayer (v.7) .
• (v.5) No purely human act can have any value for eternal life, unless it is done under the influence of grace.
Chi Tiết Hay
• Bối cảnh: Đoạn phúc âm này bắt đầu một độc thoại dài (Chương 15-17) trong diễn từ giã biệt mà Đức Giêsu truyền cho các môn đệ trong buổi Tiệc Ly trước ngày Người bị tử hình.
• (c.1) Trong Cựu Ước, cây nho là biểu tượng cho nước Do Thái (Is 5:1-7, Jer 2:21, Ezek 15:1-6). Gioan dùng chữ "thật" trong nghĩa thay thế chẳng hạn như bánh "thật" (Jn 6:32) thay thế bánh manna. Đức Giêsu là cây nho thật, cây nho được Chúa Cha vun trồng, cắt tỉa và chăm lo, cây nho mang sức sống tới các cành nho và nhờ thế mới sinh ra hoa trái. Đức Giêsu là nguồn mạch sự sống, là mọi sự sung mãn mà đất Israel đã hứa.
• (c.3) Động từ Hy Lạp "kathairein" có hai nghĩa: cắt tỉa và làm cho nên thanh sạch. Các môn đệ sinh hoa trái được thanh sạch qua lời giáo huấn để sinh ra nhiều hoa trái hơn nữa.
• (cc.4-7) Thành ngữ "ở lại trong" được lập lại ít nhất là 6 lần trong đoạn kinh thánh này. Đức Giêsu đòi hỏi thật khẩn thiết các môn đệ phải hiệp nhất với Người, sự hiệp nhất này là nền móng cho sự tin tưởng trong lời cầu nguyện.
• (c.5) Không hành động nào của riêng con người có thể mang đến giá trị trong đời sống vĩnh cửu, trừ phi hành động đó được thể hiện trong ân sủng.
One Main Point
Jesus demanded his followers to remain with Him since He is the source of life. Without Jesus one can do nothing but withered. Together with Jesus whatever one asks will be granted, whatever one does the Father will be glorified.
Một Điểm Chính
Đức Giêsu đòi hỏi chúng ta, các kẻ theo Người, phải ở lại trong Người bởi vì Người là nguồn mạch sự sống. Nếu không có Người thì không ai sẽ làm được điều gì, mà chỉ bị quăng đi. Nếu cùng với Người xin điều gì thì sẽ được ban cho, làm điều gì thì Chúa Cha sẽ được vinh hiển.
Reflections
1. Where do I need to be pruned to bear more fruit? Am I bearing the fruit?
2. How do I abide in Jesus and He in me? What spiritual nourishment do I need in everyday life to remain with Him?
3. Where is the real bond between me and other people of the Church? Where is that unity missing? How do I strengthen these bonds?
Suy Niệm
1. Tôi phải cần cắt tỉa những gì để sinh thêm hoa trái? Tôi có đang sinh hoa trái không?
2. Làm thế nào để tôi được ở trong Thầy và Thầy ở trong tôi? Những món ăn thiêng liêng nào tôi cần trong đời sống hàng ngày để ở trong Thầy?
3. Điều gì nối kết tôi với những người khác trong Giáo Hội? Sự hiệp nhất đang thiếu sót ở đâu? Làm sao tôi làm những nối kết này vững mạnh hơn?
Các bài suy niệm CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH – Năm B
Lời Chúa: Cv 9,26-31; 1Ga 3,18-24; Ga 15,1-8
MỤC LỤC
1. Ở trong Chúa
2. Cây nho
3. Sinh nhiều hoa trái – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
4. Không sống trước mặt Chúa, mà sống trong Chúa
5. Ở lại trong Thầy
6. Xây Dựng Giáo Hội – Jean-Yves Garneau
7. Như cành liền cây
8. Thoái hoá làm mất phẩm chất – Lm Tạ Duy Tuyền
9. Cây nho và nhánh
10. Mối thân tình
11. Cây nho
12. Cây nho
13. Kitô hữu công chức
14. Sống liên đới
15. Cây và cành
16. Liên kết
17. Cây nho thật – JKN
18. Cây nho
19. Chú giải mục vụ của Alain Marchabour
20. Chú giải của Noel Quesson
21. Chú giải của Fiches Dominicales
22. Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt
------o0o------
Đoạn Tin Mừng vừa nghe cho chúng ta thấy về mối quan hệ giữa Chúa Giêsu và những kẻ theo Ngài. Đây là một mối quan hệ mật thiết đến độ cả hai trở nên như một, vì mang cùng một sức sống. Mối quan hệ này đã được Chúa Giêsu diễn tả bằng hình ảnh cây nho và ngành nho như lời Ngài đã phán: Thầy là cây nho các con là ngành nho. Từ hình ảnh này chúng ta rút ra được mấy điểm suy nghĩ.
Điểm thứ nhất đó là Chúa Giêsu và các Kitô hữu tạo thành một cộng đồng sự sống: Các con hãy ở trong Thầy và Thầy ở trong các con. Người Kitô hữu chúng ta được ở trong Chúa Giêsu nhờ bí tích Rửa Tội, qua đó chúng ta được thanh tẩy trong cái chết, chết cho tội lỗi và trong sự sống lại với cuộc sống mới của Ngài. Người Kitô hữu chúng ta được ở trong Chúa Giêsu, còn có nghĩa là được nắm giữ một vai trò sống động trong chương trình cứu độ của Chúa. Như thế mối quan hệ này được đặt nền tảng trên sự trung tín và thương yêu.
Điểm thứ hai được Chúa Giêsu nhấn mạnh, đó là ngành nho phải sinh trái. Một ngành nho không sinh trái, mặc dù vẫn còn dính vào thân cây nho, thì cũng chỉ là một ngành nho đã chết, và một ngày kia sẽ bị cắt tỉa mà quẳng vào lửa.
Hình ảnh này có thể đã làm cho chúng ta ngạc nhiên, bởi vì đâu cần phải đợi đến khi bị liệt vào hạng khô khan nguội lạnh hay phạm những tội tầy đình mới bị cắt ra khỏi cộng đoàn của Chúa. Không sinh trái, đã có nghĩa là không còn ở trong Chúa, không còn liền thân với Chúa. Như vậy sức sống từ Chúa trao ban chỉ có thể là sức sống, chỉ có thể là động lực làm sinh hoa kết trái. Và do đó, chỉ có hai trạng thái: sinh trái hay không sinh trái mà thôi, chứ chẳng có trạng thái thứ ba, được hiểu theo nghĩa là cầm hơi, cầm chừng.
Người Kitô hữu trở thành môn đệ Chúa bằng chính việc sinh nhiều trái chứ không phải bằng lời nói hay những nghi thức nào khác. Nhưng thế nào là sinh trái? Chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời trong bài đọc thứ hai, trích thư của thánh Gioan tông đồ: Ai giữ các giới răn của Chúa thì ở trong Ngài và Ngài ở trong họ. Và đây là giới răn của Chúa: Chúng ta phải tin vào thánh danh Con của Ngài là Đức Kitô, và phải thương yêu nhau. Vẫn theo thánh Gioan thì chúng ta đừng yêu nhau bằng lời nói và miệng lưỡng, nhưng bằng việc làm và chân thật.
Như thế chúng ta có thể hiểu được rằng sinh trái có nghĩa là yêu thương, và yêu thương một cách hữu hiệu, bằng việc làm có sức biến đổi môi trường chung quanh, đem lại hạnh phúc cho người khác.
Trái nho chính là những hành động bác ái yêu thương, thế nhưng chúng ta đã thực sự là những ngành nho sinh nhiều trái hay chưa?
Bất cứ ai sống trên đời cũng đều có quan hệ không nhiều thì ít với những người chung quanh, nhất là những người có cùng một máu mủ với mình. Mối quan hệ đó càng khắng khít bao nhiêu là tùy thuộc vào sự hiệp thông có mật thiết hay không.
Cuộc sống đấy ắp yêu thương chỉ có thể tồn tại khi con người đặt tình thương yêu cào tất cả các mối quan hệ, giao tiếp và thông hiệp với nhau trong tình người với người, hơn nữa trong tình anh em ruột thịt.
Ngoài những mối giây liên hệ giao tiếp bình thường như những người khác, người Kitô hữu còn có dây liên hệ với Thiên Chúa là Cha mình và với Hội Thánh cùng các chi thể của Ngài. Mối dây liên hệ này có được sẽ làm phong phú thêm những giá trị vốn có trong cuộc đời.
Hình ảnh cây nho và hoa trái ngon ngọt của nó, mà chúng ta vừa nghe qua đoạn Tin mừng hôm nay đã từng được xem là biểu tượng của mối dây liên kết và hiệp thông, đồng thời cũng được xem là kết quả của những con người tin vào Đức Kitô Phục sinh. Thực vậy, cây nho và vườn nho trước tiên đã được áp dụng cho dân Do Thái để chỉ lòng yêu thương và việc Thiên Chúa kén chọn dân tộc này trong chương trình cứu độ của Ngài. Thiên Chúa đã vun trồng và chở che vườn nho ấy.
Hình ảnh vườn nho và cây nho sau này được thánh Gioan mở rộng đến tất cả những kẻ tin theo Chúa. Hơn thế nữa, còn cho thấy chính Đức Kitô là cây nho thật và mỗi người trong chúng ta là một cành nho của cây nho ấy.
Với mầu nhiệm nhập thể của Đức Kitô, Con Thiên Chúa làm người đã trở nên cây nho thật, một cây nho tốt, để tạo nên một vườn nho mới, một dân tộc mới, một sức sống mới cho con người đã từng mang mầm mống của tội lỗi và diệt vong.
Do đó, niềm vui mừng và hy vọng lớn lao nhất của con người chính là được thông hiệp với Thiên Chúa, nhờ Đức Kitô, Ngài đã trở thành cây nho và chúng ta là những cành lá của cây nho ấy. Điều đó có nghĩa chúng ta là những chi thể của Ngài và được mang lấy chính sự sống thần linh của Ngài. Với mầu nhiệm nhập thể, chúng ta còn thấy: Thiên Chúa làm người là để cho con người được trở nên Thiên Chúa và có sự sống viên mãn nhờ Đức Kitô. Muốn có được sự sống mới ấy, chúng ta phải thực thi tình yêu thương và phục vụ như Đức Kitô bằng những hành động và việc làm cụ thể.
Ngoài ra, để có một cuộc sống mới thật phong phú và sinh hoa kết trái dồi dào thì ngay từ giờ chúng ta cần phải hy sinh quên mình, giống như cành nho nào được cắt tỉa, thì đó chính là cành nho có nhiều hoa trái hơn cả.
Cuộc sống của người Kitô hữu càng kết hiệp với Đức Kitô, càng hiệp thông với các chi thể khác của Ngài, trong đó có những người anh em bất hạnh và khổ đau, đòi hỏi nhiều hy sinh, thì cuộc sống của người Kitô hữu ấy càng phong phú và nhiều hy vọng hơn cả. Bởi vì, nếu ta chết với Đức Kitô, thì chúng ta sẽ cùng sống với Ngài. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, thì chúng ta sẽ cùng Người hiển trị.
3. Sinh nhiều hoa trái – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
Ai trồng cây cũng mong được ăn quả. Muốn có quả, cũng phải lắm công phu. Không phải cứ xanh tốt lớn mạnh là có quả. Có những ruộng lúa xanh tốt, nhưng chỉ tốt lá, nên chỉ cho những bông lúa lép. Có những cây xum xuê cành lá, nhưng đến mùa chẳng thấy quả nào. Xanh tốt như thế không phải là thành công, nhưng là thất bại. Cành lá chỉ là phụ, hoa quả mới là chính. Được điều phụ mất điều chính, đó là thất bại. Đức Giêsu quan sát cây nho và thấy rằng một cây nho muốn có nhiều hoa quả cần phải có hai điều kiện sau đây:
Điều kiện thứ nhất: Cành phải liên kết với cây. Cành không liên kết với cây, không thể sinh hoa kết quả. Cành không liên kết với cây khi dòng nhựa nuôi dưỡng thân cây bị tắc nghẽn không luân lưu sang cành. Có những con sâu con bọ đục khoét làm cho cành cây bị thương tổn, không còn tiếp nhận được nguồn nhựa sống của thân cây truyền sang. Chỉ khi cành kết hiệp chặt chẽ với cây, dòng nhựa từ cây mới truyền sang cành, cho cành trổ sinh hoa trái.
Điều kiện thứ hai: Cành lá phải được cắt tỉa. Ai đã trồng nho thì biết: Nếu cứ để cành lá phát triển tự do, cây sẽ xanh tươi coi rất đẹp mắt nhưng không có hoa trái. Muốn cây có quả, phải tỉa bớt cành lá. Việc cắt tỉa làm cho dòng nhựa không bị phân tán, nhưng tập trung vào những cành chính, dồn vào cho hoa sung sức, cho quả đầy đặn.
Đức Giêsu muốn dùng hình ảnh cây nho để nói về đời sống đạo của ta. Đời sống của ta được sánh ví như đời sống của cây nho.
Cũng như người trồng nho muốn cho vườn nho của mình không bị tàn lụi, nhưng phát triển, sinh hoa kết quả, Đức Chúa Cha đã tạo dựng nên con người không phải để con người tàn lụi đi, nhưng để con người phát triển, sinh hoa kết quả và tồn tại.
Để được phát triển, con người cũng cần những điều kiện
Điều kiện thứ nhất: Phải kết hiệp mật thiết với Đức Giêsu. Như cành nho phải liên kết với thân nho mới sinh hoa kết quả, ta phải liên kết mật thiết với Đức Giêsu. Người là nguồn cội sự sống của ta. Tách lìa Người, ta không thể sống, càng không thể phát triển được. Người là dòng sông ân sủng. Khi ta kết hiệp với Người, ân sủng tuôn đổ vào linh hồn, làm cho ta được sống và sống sung mãn. Ân sủng thấm nhập nội tâm, uốn nắn tình cảm, củng cố ý chí, sinh ra những hoa trái thiêng liêng trong tư tưởng, lời nói, việc làm. Sự kết hiệp mật thiết với Chúa làm cho ta sống sự sống của Người, nói lời nói của Người, hành động theo gương của Người, phán đoán theo chuẩn mực của Người, nhìn con người và sự việc bằng cặp mắt của Người, yêu thương bằng trái tim của Người. Khi sự kết hiệp đã đến mức hoàn hảo, chính Người hành động qua ta và vì thế, những hoa trái sẽ vô cùng phong phú.
Điều kiện thứ hai: Phải chịu cắt tỉa. Cành nho muốn sai trái phải chịu tỉa bớt những cành lá rườm ra. Cũng thế, linh hồn phải để Chúa cắt tỉa nhưng gì dư thừa cản trở ơn thánh sinh hoa kết quả. Phải cắt tỉa những ý muốn riêng tư để chuyên tâm tìm thánh ý Thiên Chúa. Phải cắt tỉa những hình thức bề ngoài để chìm vào nội tâm sâu lắng. Phải cắt tỉa những phô trương quyền lực để mặc lấy tâm tình đơn sơ khiêm nhuờng. Chúa cắt tỉa ta bằng những thất bại ta gặp phải. Chúa huấn luyện ta bằng những lời phê bình chỉ trích của những người chung quanh. Chúa mãi dũa ta bằng những nghi kỵ hiểu lầm của người khác. Chúa đào tạo ta trong những phản bội của người thân tín. Việc cắt tỉa làm cho ta đau đớn, nhưng đem lại những lợi ích vô cùng phong phú.
Chính Đức Giêsu đã làm gương cho ta khi Người sống kết hiệp mật thiết với Đức Chúa Cha. Sự kết hiệp ấy được diễn tả qua việc Người chuyên tâm cầu nguyện và luôn luôn làm theo ý Chúa Cha. Người đã để cho Chúa Cha cắt tỉa khi Người từ bỏ ý riêng, nhận uống chén đắng, nhận vác thập giá, nhận lấy cái chết tủi nhục. Chính vì thế, Người đã sinh hoa trái dồi dào nuôi sống tất cả chúng ta. Chính vì thế, Người đã trở nên gốc nho sung mãn sự sống để chuyển thông cho chúng ta.
Lạy Đức Giêsu là Cây Nho Thật, xin cho con biết kết hiệp mật thiết với Chúa. Xin hãy cắt tỉa những gì vô ích trong con để con sinh nhiều hoa trái thiêng liêng như Chúa mong ước. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Còn những gì trong bạn ngăn cản bạn kết hiệp với Chúa?
2. Trong bạn còn những gì phải cắt tỉa?
3. Bạn có sẵn sàng để Chúa cắt tỉa không
4. Những thất bại, những đau khổ bạn gặp phải có ích gì cho bạn không?
4. Không sống trước mặt Chúa, mà sống trong Chúa (Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)
Đoạn Phúc Âm này trích ở bài giảng thứ hai của Chúa trong bữa Tiệc ly –Và cần được đặt vào trong bầu khí thánh lễ tạ ơn, tâm điểm của Tiệc ly. Việc Chúa làm phép và tiến dâng rượu khiến ta nhớ đến dụ ngôn cây nho. Cựu Ước từng dùng cây nho để chỉ dân Chúa. Ở đây Chúa muốn cho người ta biết Chúa thực hiện trong Người một tập hợp gồm ơn tuyển chọn, sự quan phòng chiếu cố và phương thế cứu rỗi –mà thời xưa người ta gán cho dân Chúa. Tư tưởng chính của đoạn văn tập trung vào thực tại cảu sự kết hợp, ngay từ dưới thế, gữa người Kitô hữu và Đức Kitô. Kitô hữu không sống trước mặt Đức Kitô, nhưng sống trong Đức Kitô. Ta ghi nhận, trong đoạn văn ngắn này, từ ngữ “trong Ta” được thánh chép sử dùng tới 5 lần.
1) Kitô hữu được nối mạch với Đức Kitô giống như cành nho được tháp vào gốc nho. Không có Đức Kitô thì người Kitô hữu chẳng là gì hết. Nhờ Đức Kitô mà người tín hữu được sống, có được nhựa sống, và khả năng kết trái. Có thể trên gốc nho nảy ra một cành không theo quy luật thiên nhiên về cây giống –nó chỉ tốt cành tốt lá mà không cho quả. Nhà trồng nho gọi nó là “giống tham ăn”, chặt và liệng đi. Phải chăng có thể có những người lãnh nhiệm vụ rao giảng Phúc Âm mà không sinh hoa kết quả? Thưa có, đấy là những kẻ không quan tâm sống nhờ vào Chúa, vẫn rao giảng Phúc Âm theo lối riêng. Thánh Inhaxiô thành Antiôchia, ở thế kỷ thứ hai, từng nhận xét: “Hãy đề phòng những cục bướu có hại trên thân nho, chúng không do Đức Giêsu Kitô chăm bón, vì chúng không được Chúa Cha vun trồng. Những cục u bướu đó là hình bóng những kẻ nào xưng mình là thuộc về Giáo Hội và Phúc Âm mà thật sự không sống hiệp thông với Đức Giêsu Kitô”.
2) Nhành nào sinh quả, Cha Ta tỉa sạch để nó sinh quả nhiều hơn. Nhìn vào cung cách Thiên Chúa dẫn dắt người tín hữu ngay thật, chúng ta thấy tất cả được sắp đặt sao cho nhiều hoa sai quả –quả đây là sự thành toàn số mệnh theo thánh ý Chúa. Sống trong Đức Kitô, người tín hữu được nuôi dưỡng bằng lời giảng dạy và gương mẫu Chúa, bằng lời Chúa, ân sủng nội tâm và Mình Máu Thánh Người. Tuy vậy vẫn có thể xảy ra điều này: do một sự quá dồi dào tư tưởng, quá nhiều dự định, một sự thiếu sáng suốt, một tật nguyền tâm thần –một sự yếu đuối của ý chí v,v… bỗng nhiên nổi lên trong người đó sự lầm lạc này hoặc sự bất trung nọ. Chính vào lúc đó, nhắm vào quả đang lớn cần được gìn giữ cho tới lúc chín, Chúa ra tay xén tìm lòng trí người đó, thanh luyện y, loại bỏ những cành thừa chẳng ích lợi gì vì tranh chiếm sinh lực cần cho cây sống. Tất nhiên là đau xót, nhưng tránh được, vì đây là quy tắc cuộc chơi. Trung kiên trong đức tin và thanh khiết trong sự ngay lành –cả hai đem lại những thực nghiệm đau khổ.
Lại nữa, làm sao người ta có thể ở trong Đức Kitô mà lại không theo Chúa trên đường hy sinh được? Muốn hái quả kỳ diệu của sự sống lại thì phải làm cuộc vượt qua bằng thập giá. Thập giá Chúa chính là sự lột bỏ trơ trụi cực độ của Chúa. thập giá của chúng ta là sự thanh luyện cực độ. Nếu đôi khi chúng ta cảm tháy như thể Chúa Cha tỉa xén trong xác thịt, trong linh hồn, trong trái tim chúng ta, những lúc đó chúng ta hãy cố thu hút nhiều hơn nữa chất sống từ Đức Kitô, hãy dũng cảm vì lời hứa của những trái đang chờ chín.
5. Ở lại trong Thầy (Trích trong ‘Manna’)
Thế giới hôm nay tiến bộ nhanh chóng về nhiều mặt: nghiên cứu sự sống trên sao Hỏa, nối mạng Internet, thành công trong phương pháp sinh sản vô tính... Tưởng như chẳng có gì con người không làm được. Nhưng thế giới vẫn lo âu vì chất thải ở khắp nơi, môi trường sống bị hư hoại, chênh lệch giữa giàu nghèo, nạn tham nhũng ở châu Á, sự hư hỏng của các bạn trẻ. Cái vòng luẩn quẩn: ma túy, tình dục, AIDS, tội phạm dẫn đến các chết bi đát cho nhiều thanh thiếu niên.
Con người đủ thông minh để tạo ra sản phẩm nhưng lại không đủ bản lãnh để làm chủ chúng, nên chúng quay trở lại làm chủ con người.
Khoa học vừa giải quyết, vừa gây thêm rắc rối. Con người hôm nay bơ vơ, loay hoay, không cứu nổi mình. Thế giới bế tắc, cần đến ơn cứu độ.
Đoạn Tin Mừng mời ta nhìn lại sự cằn cỗi của mình, của Hội Thánh, của cả thế giới.
Đức Giêsu phục sinh như cây nho, các Kitô hữu là cành. Cây và cành có cùng một sự sống, cùng một dòng nhựa. Sự sống từ cây, làm cho cành sinh trái. Cụm từ sinh hoa trái được nhắc đến 6 lần. Cụm từ ở lại trong Thầy được nhắc đến 5 lần.
Không ở lại trong Thầy thì không thể sinh hoa trái.
Cứ nhìn hoa trái thì biết mức đo 'Gắn bó của cành. Có cành chỉ vờ gắn liền với cây nên không có trái. Có cành đã sinh trái, nhưng cần sinh hoa trái hơn (c.2), sinh hoa trái nhiều (c.8), sinh hoa trái bền vững (c.16). Chúng ta vẫn chưa sinh trái như lòng Chúa mong vì chúng ta không chịu để Ngài cắt tỉa.
Vinh quang của Thiên Chúa là chúng ta sinh nhiều hoa trái. Thất bại của Thiên Chúa là sự cằn cỗi của con người.
Hoa trái là ước mơ của người trồng nho, và cũng là sự triển nở của cây và cành nho.
Chẳng hề có sự xung đột giữa vinh quang Thiên Chúa và vinh quang đúng nghĩa của con người. Chỉ trong Chúa, con người mới thực sự triển nở, hạnh phúc. Một sự độc lập khờ khạo sẽ dẫn đến héo khô.
Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Một lời mời gọi gần như là một lời nài van. Sự ở lại chỉ hoàn hảo khi có đủ hai chiều. Con người mãi mãi có tự do khước từ nguồn sống. Ở lại trong Chúa không phải là lối nói văn chương.
Để ở lại cần phải trả giá.
Muốn được hưởng nguồn sống của Đấng Phục Sinh, ta cũng phải chia sẻ thập giá của Ngài. Chính Đức Giêsu cũng được cắt tỉa qua khổ đau và cái chết.
Hãy đón lấy sự sống của Chúa Phục Sinh, như dòng nhựa nguyên tươi mới. Hãy đóng góp những hoa trái tốt lành cho nhân loại, để nhân loại nhận ra Cây Nho thật là Đức Kitô, và Người Trồng Nho là chính Thiên Chúa.
Gợi ý chia sẻ
• Theo ý bạn, thế nào là một Kitô hữu có đời sống sinh nhiều hoa trái? Bạn đánh giá thế nào về đời sống Kitô hữu của bạn?
• Trước nỗi đau của bao người trên thế giới, Chúa Giêsu có thể đem đến giải pháp nào cho họ? Người Kitô hữu có thể làm gì để cộng tác với Chúa trong việc cứu độ nhân loại?
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu, sống cho Chúa thật là điều khó. Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.
Chúa đòi con cho Chúa tất cả, để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa. - Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa, để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa. - Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà, để cây đời con sinh thêm hoa trái. - Chúa cương quyết chinh phục con, cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.
Xin cho con dám ra khỏi mình, ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa, dù phải chịu mất mát và thua thiệt.
Ước gì con cảm nghiệm được rằng trước khi con tập sống cho Chúa và thuộc về Chúa thì Chúa đã sống cho con và thuộc về con từ lâu. Amen.
6. Xây Dựng Giáo Hội – Jean-Yves Garneau
MỘT HỢP ĐỒNG KHÁC HẲN
Trong sách Tông đồ Công vụ, người ta kể lại rằng nhờ hoạt động của thánh Phaolô và các môn đệ khác, “Giáo Hội (sơ khai) được xây dựng, tiến triển và lớn lên” trong tất cả vùng Giuđê, Galilê và Samari. Khi đọc những dòng này, chúng ta không nên chỉ nghĩ về quá khứ mà thôi; chúng ta cũng phải xem hiện tại nữa vì ngày nay Giáo Hội còn phải được xây dựng. Và chính chúng ta theo gương thánh Phaolô và các môn đệ đầu tiên, phải là các nghệ nhân của việc xây dựng này. Thiên Chúa chờ đợi chúng ta xây dựng Giáo Hội của Ngài.
Lời mời gọi bắt tay vào việc và hiến dâng tất cả năng lực của chúng ta để cộng tác vào việc xây dựng Giáo Hội, lời đó chúng ta đã thường được nghe, nhất là từ Công đồng Vatican II.
Phải thú nhận rằng lời mời gọi đó khiến chúng ta hơi khó chịu một chút. Quả thật, chúng ta ít có thói quen xây dựng Giáo Hội. Hồi trẻ, người ta đã không thực sự dạy chúng ta truyền đạt cho kẻ khác đức tin và niềm hy vọng của chúng ta. Người ta đã không khai tâm chúng ta để trở thành thừa sai và chứng nhân trong một môi trường ngày càng không biết đến Thiên Chúa hoặc ở đó người ta thường sống như thể không có Ngài. Làm gì đây, phải hành động thế nào để xây dựng Giáo Hội tại nơi này và hôm nay? Những bài Thánh Kinh chúng ta vừa nghe đã mang đến lời giải đáp cho câu hỏi này, chúng thu hút sự chú ý của ta về nhiều điểm quan trọng. Chúng ta sẽ ghi nhận ba điểm.
1. Tin vào Chúa Kitô và lưu lại nơi Ngài
Để xây dựng Giáo Hội, trước hết phải tin vào Chúa Kitô. Người ta sẽ nói đó là chuyện hiển nhiên rồi. Có lẽ. Tuy nhiên, ta hãy nhớ rằng đức tin mà thánh Gioan nói đến không phải chỉ là chấp nhận sứ điệp của Chúa Kitô và những chân lý mặc khải trong trí mà thôi. Phải làm hơn thế nữa. Đó là gắn bó với Chúa Kitô. Đó là hiệp thông với Ngài. “Ai lưu lại nơi Thầy và Thầy lưu lại nơi người đó, kẻ ấy mang nhiều hoa trái” (Ga 15,5).
Thánh Phaolô, vị tông đồ vĩ đại đã chăm lo rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại, một ngày nọ đã được Chúa Kitô thu hút và đã hiến dâng mình cho Ngài. Thánh Phêrô, Andrê, Giacôbê, Gioan và những vị khác trong nhóm Mười Hai cũng đã say mê Chúa Giêsu và họ đã từ bỏ mọi sự vì Ngài. Họ đã sống nhờ Ngài, trong Ngài… bởi Thần Khí của Ngài. Vậy nên, hết thảy họ đều là những kẻ xây dựng Giáo Hội cách tuyệt vời vào thời đại của họ. Bao giờ cũng thế thôi. Những kẻ lưu lại nơi Chúa Kitô sẽ làm được nhiều việc cho Ngài và cho Giáo Hội của Ngài.
2. Thương yêu nhau
Điều kiện thứ nhì để xây dựng Giáo Hội được nêu lên trong thư thứ nhất của thánh Gioan: Đó là “thương yêu nhau như Chúa Kitô đã căn dặn chúng ta” (1Ga 2,23). Có sự mâu thuẫn rõ rệt khi muốn xây dựng Giáo Hội mà không thương yêu nhau, vì Giáo Hội là nơi của tình hữu nghị, nơi mà những con người –tứ xứ và hết thảy đều có những đức tính tốt và tật xấu- tụ họp nhau lại và nhận nhau là anh em. Không những chỉ bằng lời nói (điều này bao giờ cũng dễ dàng), nhưng trong sự thật.
Mỗi lần tình yêu thương giữa chúng ta lớn lên và được phát triển –tình yêu thương cụ thể được biểu hiện trong việc đón tiếp kẻ khác, trong việc thông cảm với kẻ khác, tha thứ cho kẻ khác…- thì chính Giáo Hội lớn lên và được phát triển.
3. Dám mạo hiểm
Điều kiện thứ ba để góp phần xây dựng Giáo Hội: dám mạo hiểm. Ở đây, ta phải nhờ gương thánh Phaolô tông đồ. Ngài biết lên tiếng, dám lên tiếng ngay cả khi điều đó không làm hài lòng mọi người. Ngài không sợ tự khẳng định mình ngay cả khi ngài chắc chắn rằng sự can thiệp của ngài sẽ gây khó khăn cho ngài. Những người Do Thái nói tiếng Hy lạp, đã tranh luận với ngài tại Giêrusalem, tìm cách thủ tiêu ngài, sách tông đồ Công vụ (9,29) kể lại cho chúng ta như thế. Có bao giờ chúng ta dám mạo hiểm… dù là trong những điều rất nhỏ, nhân danh Chúa Kitô… vì quyền lợi và sự phát triển của Giáo Hội Ngài không?
Tóm lại, chúng ta phải xây dựng Giáo Hội và phải có ít nhất ba điều kiện để làm việc đó: kết hợp với Chúa Kitô, thương yêu nhau và đôi khi dám mạo hiểm. Và bây giờ, chúng ta hãy tự hỏi: chúng ta có phải là những người tích cực xây dựng Giáo Hội trong môi trường sống của mình không?
7. Như cành liền cây (Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Một trong những chất liệu cần thiết được sử dụng trong Thánh Lễ đó là rượu nho. Rượu nho này được làm thành từ trăm ngàn trái nho ép lấy nước và để lên men đến một nồng độ và chất lượng do Toà Thánh ấn định để được sử dụng làm rượu lễ. Rượu nho ở nước ta chưa đủ tiêu chuẩn để được phép sử dụng trong Thánh Lễ. Vì thế phải nhập khẩu từ các nước Âu Châu, như Pháp, Tây Ban Nha, những nước có truyền thống trồng nho từ lâu đời và chuyên môn sản xuất những loại rượu nho nổi tiếng thế giới. Rượu lễ chúng ta đang sử dụng được nhập khẩu từ Công ty De Muller, S.A. ở Tarragona, Tây Ban Nha.
Nhìn những vườn nho, ai không có kinh nghiệm trong nghề trồng nho chắc chắn phải tiếc xót khi thấy những cành nho bị cắt tỉa khỏi thân nho. Thế nhưng, đây là định luật cơ bản trong nghề trồng nho: có được cắt tỉa, cành nho mới sinh hoa kết quả. Vào tháng hai, tháng ba, người trồng nho cắt những cành nào thấy không thể sinh trái, nhiều khi để lại thân cây trơ trụi. Đến tháng tám khi nho đâm ngành trổ lá, ông lại tỉa hết những nhánh con, để những nhánh lớn có trái được sức sống của thân cây nhiều hơn..
Hình ảnh của vườn nho và cây nho là hình ảnh quen thuộc trong Kinh Thánh và thường được dùng để cảnh cáo, đe doạ, khiển trách dân Israel: Ngôn sứ Giêrêmia đã nói: “Ta trồng người như cây nho sai trái, được tuyển chọn giống tốt. Sao người lại trở thành cây nho dại, sinh trái chua lòm” (Gr 2,21). Ngôn sứ Isaia cũng đã có cả một bài ca về vườn nho, vì dân Israel như nho quí, nhưng đã trở thành nho dại, khiến chủ vườn nho phải bỏ hoang phế (x. ls, 1-7).
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tự nhận là “cây nho thật” và “Chúa Cha là người trồng nho”, để xác minh rằng: đây là cây nho dại sinh trái chua lòm. Cây nho thật này do Chúa Cha trồng tỉa để đem lại hoa trái sự sống dồi dào:
“Thầy là cây nho thật và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh trái nhiều hơn”… “Thầy là cây nho, anh em là cành”.
Như cành gắn liền với thân cây nho mới sống được và sinh hoa trái. Nếu cành nào tách rời khỏi thân cây nho, sẽ khô héo và làm mồi cho lửa. Cũng vậy, người tín hữu phải sống kết hợp với Chúa Kitô mới có sự sống của Thiên Chúa và được sống đời đời, nếu không, sẽ chết đi và bị quăng vào lửa. Vì vậy, mối quan hệ giữa Chúa Giêsu và các Kitô hữu là một mối quan hệ mật thiết đến nỗi cả hai trở nên như một, vì cùng sống chung một sự sống. Chúa Kitô và các Kitô hữu tạo thành một cộng đồng sự sống, như các chi thể trong một thân thể mà Thánh Phaolô gọi là Nhiệm Thể, hay là Thân Thể Mầu Nhiệm của Chúa Kitô. Trong Nhiệm Thể ấy, các chi thể liên kết với nhau và liên kết với một đầu như các cành nho liên kết với thân cây nho và một gốc nho. Cũng như nhựa sống giao lưu từ gốc nho đến các cành cây, thì sự sống của Thiên Chúa cũng được chuyển đến các chi thể như trong một thân thể. Như thế, các Kitô hữu được gắn với nhau vào một gốc là Chúa Giêsu: “Anh em ở trong Thầy và Thầy ở trong anh em”.
Một điểm khác cũng được Chúa Giêsu nhấn mạnh ở đây, đó là “cành nho phải sinh hoa trái”. Người Kitô hữu không chỉ gắn với thân cây mà còn phải sinh hoa trái nữa. Bởi vì, không thiếu những cành gắn chặt với cây mà không sinh trái nào. Những cành đó sẽ bị chặt đi và quăng vào lửa. Không sinh trái là bằng chứng không còn “ở trong Thầy”. Không còn kết hợp với Thầy, mặc dầu bên ngoài vẫn là một cây “xanh rờn”! Sinh hoa kết quả dồi dào mới trở thành người môn đệ thật của Thầy. Hình ảnh có thể làm cho chúng ta sửng sốt. Đâu phải đợi đến khi bị liệt vào hạng khô khan, nguội lạnh hay phạm những tôị tầy đình mới bị loại khỏi cộng đoàn của Chúa. Sự sống từ Chúa Giêsu chỉ có hai trạng thái: sinh trái hoặc không sinh trái, không có trạng thái thứ ba, hiểu theo nghĩa “cầm hơi”, “cầm chừng”. Người Kitô hữu trở thành môn đệ của Chúa Kitô bằng chính việc sinh nhiều hoa trái và Thiên Chúa được tôn vinh cũng bằng chính việc người Kitô hữu sinh nhiều hoa trái. Chúa Giêsu đã khẳng định: “Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy”.
Thế nào là sinh hoa kết trái? Chúng ta có thể tìm thấy cây trả lời ngay trong bài đọc 2 hôm nay, Thánh Gioan nói: “Ai tuân giữ giới răn của Thiên Chúa thì ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong kẻ ấy. Và giới răn của Thiên Chúa là tin vào Danh Đức Giêsu Kitô, Con của Ngài, và yêu thương nhau như Ngài đã truyền dạy”. Thánh Gioan còn căn dặn: “Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương thật sự bằng việc làm”. Do đó, chúng ta có thể hiểu được rằng, “sinh hoa trái” là yêu thương một cách hữu hiệu, bằng việc làm có sức biến đổi môi trường chung quanh, tạo dựng hạnh phúc cho người khác. Phải phục vụ lợi ích thật của anh em, thì mới nói được rằng chúng ta đang ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong chúng ta. Chỉ có tình thương yêu đích thực, thực từ trong lòng ra hành động, mới là tình yêu thương hiệp nhất, hiệp nhất chúng ta nên một với anh em, hiệp nhất chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô là “cây nho Chúa Cha trồng tỉa” để sinh nhiều hoa thơm trái ngọt.
Hình ảnh của sự cắt tỉa còn gợi lên một sự mất mát, đau đớn. Thế nhưng, mất mát dẫn đến thắng lợi, khổ đau dẫn đến vinh quang, sự chết dẫn đến Phục Sinh. Đó là bài học xuyên suốt cuộc đời, lời rao giảng và cái chết của Chúa Giêsu. Trong suốt hơn 2000 năm qua, Giáo Hội đã tiến bước với niềm xác tín ấy. Nhựa sống từ thân cây nho là Chúa Giêsu đã không ngừng nuôi sống Giáo Hội. Với cái nhìn đức tin, người ta vẫn nhìn thấy cái được trong cái mất: Qua việc trở lại với những giá trị của Tin Mừng, với cốt lõi của Tin Mừng, Giáo Hội cởi bỏ được chiếc áo của quyền lực và hào nhoáng, để mặc lấy tinh thần phục vụ, khiêm tốn, đơn nghèo. Sự hoán cải của nhiều Kitô hữu trở thành con đường cho những người thành tâm thiện chí tìm gặp được Chúa Kitô. Giáo Hội sinh nhiều con cái là nhờ các chi thể của mình là những cành nho luôn được cắt tỉa.
Như cành liền cây mới sống được và phải cắt tỉa mới sinh nhiều hoa trái, người Kitô hữu phải sống nhờ Chúa Kitô, với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô mới có thể sống như Chúa Kitô, sống cho Thiên Chúa và cho mọi người anh em. Đó là đòi hỏi căn bản của đời sống Kitô hữu. Người Kitô hữu nào yêu thương mọi người anh chị em một cách chân thành, có hiệu quả bằng việc làm cụ thể, giúp đỡ, bảo vệ, xây dựng xã hội, đồng bào, đất nước… người Kitô hữu ấy mới thật là người ở trong Thiên Chúa, kết hợp với Chúa Kitô, mới thật là cành nho gắn liền với cây nho.
8. Thoái hoá làm mất phẩm chất – Lm Tạ Duy Tuyền
Ngày nay người ta đang nói nhiều về sự thoái hoá đạo đức của một số phần tử trong xã hội. Họ tự đánh mất căn tính của mình. Họ không còn giữ được phẩm chất của chính mình. Sự thoái hoá đã làm cho họ biến chất từ tốt ra xấu. Từ thanh sạch ra dơ bẩn. Từ hữu dụng ra vô dụng. Sự thoái hoá đạo đức có thể đến với bất cứ ai. Và cũng có thể làm băng hoại đủ mọi thành phần, cho dù là hàng trí thức hay dân hèn, một khi đã bị thoái hoá là họ đã đánh mất căn tính con người là "nhân chi sơ tính bản thiện". Sự thoái hoá có mặt trong mọi ngành nghề, trong mọi cấp bậc. Sự thoái hoá làm mất đi đạo đức nghề nghiệp, mất đi lương tâm trong sáng chỉ còn là những tham sân si vô độ.
Trong năm giáo dục gia đình, chúng ta cũng không thể không đau lòng trước những hiện tượng thoái hoá đạo đức và nhân cách của con người hôm nay như: cô giáo hành hung và xúc phạm học trò; học trò đánh thầy giáo, mẹ đánh chết con ruột, cháu nội hành hạ bà nội cho đến chết. Tại sao lại có những chuyện phi nhân thất đức như vậy? Văn hoá đạo hiếu Việt Nam có còn giá trị hay đã bị tha hoá bởi đời sống vô tâm của con người hôm nay?
Có một câu chuyện ngày xưa kể rằng: một lần vua Nước Bắc muốn làm nhục sứ giả Nước Nam qua triều cống. Ông đã bắt một người dân Nước Nam vừa ăn trộm ra trước mặt sứ giả để làm nhục. Vua Nước Bắc bảo rằng: "Phải chăng người Nước Nam hay ăn trộm?". Sứ giả Nước Nam khiêm tốn trả lời: "Thưa bệ hạ! Cây táo trồng ở Nước Nam thì ngọt nhưng khi mang qua Nước Bắc trồng thì quả lại chua. Phải chăng người này ở Nước Nam thì tốt nhưng khi qua Đất Bắc đã biến chất rồi chăng?"
Nhìn lại phận người chúng ta đôi khi cũng giống như Cây Táo được trồng ở Đất Bắc. Con người là hình ảnh Thiên Chúa đôi khi cũng bị biến chất khi trồng vào thế gian. Con người cũng bị những thói đời sa đoạ làm băng hoại tâm hồn. Con người cũng bị những đam mê của danh lợi thú làm huỷ hoại danh giá, nhân phẩm của chính mình. Con người dễ bị đánh mất căn tính của mình là "nhân linh hơn vạn vật". Con người dễ bị bị thoái hoá bởi tưởng mình chỉ là một loài vật: sinh ra - lớn lên - rồi chết nên cứ việc lao vào những cuộc truy hoan trác táng, những thói đời hưởng thụ tầm thường.
Các tiên tri thời Cựu ước đã từng tiếc nuối cho dân tộc Israel là "vườn nho của Chúa" đã bị biến chất. Tiên tri Isaia đã thất vọng vì vườn nho nhà Israel đã bị hoang tàn. Tiên tri Giê-rê-mi-a đau buồn vì dân tộc ông đã "biến thành một cây nho lạ, thoái hoá thành một cây khác". Còn Ô-sê thì kêu lên trong đau đớn: "Israel là một cây nho trơ trụi". Tất cả những từ ngữ đó đều diễn tả một đời sống thoái hoá đạo đức của một số phần tử Do Thái. Họ đã không sống theo đường lối Chúa. Họ đã thờ ngẫu tượng. Họ sống hình thức dẫn đến giả hình, giả dối. Họ bị men biệt phái kiêu căng làm biến chất. Họ thờ Thiên Chúa trên môi miệng nhưng thực chất họ đã xa lìa Chúa từ trong tâm hồn.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta kín múc nguồn sống đích thực từ Thiên Chúa. Chúa mời gọi chúng ta hãy để cho sự sống của Chúa tuôn chảy trong tâm hồn chúng ta. Hãy sống gắn bó với Chúa, kết hợp với Chúa như cành liên cây để có thể sinh hoa kết trái là những việc lành phúc đức. Hãy ở lại trong Chúa để hiểu rằng con người chúng ta có một phẩm giá vô cùng cao quý là "giống với thần linh, là hình ảnh Thiên Chúa". Hãy biết gìn giữ phẩm giá cao quý ấy bằng việc chế ngự những đam mê tội lỗi, những thói đời truỵ lạc. Hãy làm chủ hành vi của mình bằng việc: biết sống theo lẽ phải, biết thể hiện phẩm giá của mình là tạo vật biết thiện và ác, thế nên phải biết làm điều thiện và tránh điều ác. Hãy bám vào Thiên Chúa hơn là bám vào những phù vân mau qua đời này. Hãy khiêm tốn cúi mình thờ lạy Chúa hơn là thờ lạy tạo vật. Hãy vì Chúa mà sống cao thượng hơn là vì tiền, vì tình, vì quyền mà sống thấp hèn. Hãy nhớ rằng: trần gian là tạm bợ. Thiên đàng mới là vĩnh cửu. Đừng vì những vinh hoa phú quý phù hoa này mà xa lìa Thiên Chúa. Xa lìa Thiên Chúa như cành lìa cây sẽ bị thoái hoá và héo khô.
Nguyện xin Chúa Giê-su Phục sinh luôn ở lại trong cuộc đời chúng ta để dẵn dắt chúng ta đi trong chân lý vẹn toàn. Xin cho nguồn thánh ân Chúa tưới gội tâm hồn chúng ta mãi thanh sạch xứng đáng là hình ảnh của Chúa. Amen.
9. Cây nho và nhánh (Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ – Radio Veritas Asia)
Mở đầu cho vở kịch mang tên: "Chiếc hài bằng Satin" của Paul Rolden, một văn thi sĩ người Pháp đầu thế kỷ XX là một cảnh thật xúc động. Một trận cuồng phong bỗng dưng kéo dài tới nhận chìm chiếc tàu đang di chuyển đơn độc giữa đại dương. Chiếc tàu vỡ nát và mọi người trên tàu đều bị mất tích, ngoại trừ một vị thừa sai sống sót nhờ cột chặt người vào chiếc cột buồm.
Nhận thấy chiếc cột buồm đang chồm nổi với cơn sóng ác nghiệt và mình cũng đang gần kề cái chết, vị thừa sai đã dâng lên Chúa lời cầu nguyện như sau: "Ôi lạy Chúa, con xin cám ơn Chúa đã cho con đón nhận cái chết như thế này. Cuộc đời con không ít lần con cảm thấy lời dạy của Chúa quá khó khăn và con đã cưỡng lại lời mời gọi của Chúa. Giờ đây con đang gần Chúa hơn lúc nào hết, thân thể con đang bị trói chặt vào chiếc giá gỗ và con sắp chết trên chiếc giá gỗ này. Con có thể tháo gỡ thân thể con khỏi sự trói buộc, nhưng con không muốn, vì sự trói buộc sẽ cho con cảm giác được gần và giống Chúa hơn".
Anh chị em thân mến!
Được gần và giống Chúa, được hiệp nhất với Chúa, không đơn thuần chỉ là những ước mơ trong cuộc sống của người Kitô hữu, mà chúng là những điều kiện căn bản cho sự sống Kitô hữu như lời Ngài dạy cho chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay.
Anh chị em thân mến!
"Vườn nho" hay "cây nho" là hình ảnh quen thuộc của Kinh Thánh Cựu Ước. Vườn nho được ví là nhà Israel. Các tiên tri lớn như Isaia, Giêrêmia, Ézekiel đều nhìn mối liên lạc giữa người trồng nho và cây nho để nói lên sự quan tâm của Giavê Thiên Chúa đối với dân Ngài, cũng như để khiển trách dân tộc Israel vì vườn nho đã trở nên hoang tàn, dây nho biến thành dây nho dại không còn sinh hoa kết trái.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng lấy hình ảnh "cây nho" để ví Ngài như là cây nho: "Thầy là cây nho thật và Cha Thầy là người trồng nho". Vườn nho của Thiên Chúa phát xuất từ một gốc duy nhất là Chúa Giêsu. Ngoài Ngài không có sự sống: "Thầy là cây nho, các con là ngành". Ngành không thể sống, nếu tách lìa xa thân cây.
"Ở trong Thầy và Thầy ở trong các con", đó là điều mà Chúa Giêsu không ngừng nhắc đi nhắc lại. Cần thông hiệp với Ngài để có sự sống. Tuy nhiên, một khi đã có sự sống từ thân chuyển sang thì ngành cần phải sinh hoa trái. Sinh hoa trái sẽ làm đẹp lòng Thiên Chúa, và đây cũng là điều kiện cho ngành tồn tại. Ngành nào không sinh trái sẽ bị chặt đi ném vào lò lửa. Muốn được sinh hoa trái, ngành nho phải được cắt tỉa. Chẳng có sự cắt bỏ nào mà không gây đau đớn, dù cho phần cắt tỉa chỉ là phần thừa thãi tác hại đến cơ thể. Thế nhưng, chẳng thấy được hoa trái nếu không chấp nhận sự đau đớn của việc cắt tỉa. Chắc hẳn người trồng nho sẽ đau lòng khi cắt tỉa, sẽ xót xa vì phải bỏ đi những phần không sinh lợi, nhưng vì lợi ích của cây nho nên chẳng thế nào làm khác đi được.
Khi thông hiệp vào Đức Kitô, đời sống của người môn đệ sẽ được cắt tỉa nhờ lời của Ngài. Lời của Ngài sẽ đặt các môn đệ trước những quyết định chọn lựa. Chọn lựa con đường hẹp nhọc nhằn, chọn lựa Thập Giá khổ đau. Những hy sinh đau đớn ở đời này sẽ mang lại phần thưởng mai sau. Và những hy sinh ấy tạo cho họ có cơ hội để được trở nên giống Thầy: "Họ ở trong Thầy và Thầy ở trong họ".
Thật thế, mọi đau khổ sẽ trở nên phí phạm, nếu không hướng về Thập Giá Đức Kitô, nguồn ơn cứu độ. Cắt tỉa chỉ là cắt bỏ, nếu không nhằm mục đích sinh hoa trái. Mọi hy sinh của người tín hữu cũng sẽ không mang lại hoa trái, nếu từ đầu không vì Đức Giêsu.
Lạy Chúa Giêsu, Ngài là cây nho đích thực. Xin cho chúng con luôn gắn chặt và hiệp thông với Chúa, để được hưởng nguồn sức sống dồi dào từ Ngài. Chúng con vẫn biết rằng, một khi gắn chặt với Chúa, chúng con sẽ phải đón nhận sự cắt tỉa, phải chấp nhận hy sinh. Xin cho chúng con xác tín rằng: cần phải có hy sinh để mang lại hoa trái. Đó là điều làm vinh hiển cho Cha, Đấng ngự trên trời. Amen.
10. Mối thân tình
Người ta kể lại như sau: đang khi phi hành gia Amstrong chuẩn bị đổ bộ xuống mặt trăng, thì phi hành gia Aldrin ở lại phi thuyền Apollo. Ông ta mở gói bánh mì và chai rượu nho, đặt chúng lên máy vi tính. Và ông ta cho biết:
- Tôi đổ rượu nho vào ly… Vì tại mặt trăng, trọng lượng chỉ bằng 1/6 ở trái đất, nên rượu nho từ từ dâng lên thành ly trông rất đẹp mắt. Thật là thú vị khi nghĩ rằng chất lỏng đầu tiên được rót và uống trên mặt trăng cũng như thực phẩm đầu tiên được ăn tại đó lại là những chất liệu làm nên Mình và Máu Thánh Chúa.
Ngay trước khi dùng những món này, ông ta đã đọc đoạn Phúc âm hôm nay: Ta là cây nho, các con là cành nho. Bất cứ ai ở trong Ta và được Ta ở trong người ấy, thì người ấy sẽ sinh nhiều hoa trái. Bởi vì không có Ta, các con sẽ không làm được gì.
Câu chuyện trên không phải chỉ gợi ý cho đoạn Tin Mừng sáng hôm nay, mà còn nhấn mạnh đến cách thức chúng ta hiệp nhất với Đức Kitô, giống như cành nho hiệp nhất với cây nho. Chúng ta có ba cách đặc biệt để hiệp nhất với Chúa Giêsu.
Cách thứ nhất đó là tụ họp với nhau nhân danh Ngài. Đây là điều chính Ngài đã nói với các môn đệ:
- Ở đâu có hai hay ba người tụ họp với nhau nhân danh Thầy, thì Thầy sẽ ở giữa họ.
Đức Kitô đã hứa rằng Ngài sẽ hiện diện với chúng ta khi chúng ta tụ họp lại với nhau, hay khi chúng ta cùng cầu nguyện với nhau nhân danh Ngài.
Cách thứ hai đó là hãy lắng nghe lời Ngài. Chính Ngài cũng đã nói với các môn đệ:
- Ai nghe các con là nghe Thầy.
Chúa Giêsu hứa với chúng ta rằng hễ chúng ta nghe người khác đọc và giải thích Tin Mừng là chúng ta nghe chính Ngài vậy.
Sau cùng, cách thứ ba đó là chia sẻ Thịt Máu Ngài. Sau khi làm phép lạ cho bánh hóa nhiều Chúa Giêsu đã giới thiệu với dân chúng một thứ của ăn nuôi sống linh hồn chúng ta, đó là Mình và Máu Thánh Ngài. Hơn nữa, Ngài còn xác quyết:
- Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, người ấy sẽ ở trong Ta và Ta ở trong người ấy.
Chúa Giêsu đã hứa với chúng ta rằng Ngài sẽ hiệp nhất với chúng ta nếu chúng ta đến tham dự bàn tiệc Thánh Thể của Ngài.
Hãy cầu nguyện với nhau nhân danh Ngài, hãy lắng nghe lời Ngài và hãy tham dự bàn tiệc Thánh Thể của Ngài, đó là ba cách thức giúp chúng ta kết hiệp, gắn bó mật thiết với Chúa, để rồi như ngành nho có dòng nhựa sống thế nào, thì chúng ta cũng sẽ được đón nhận dòng ân sủng của Chúa như vậy.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu trình bày giáo huấn của Người trong một biểu tượng là cây nho và cành nho.
Chúa Giêsu nói: “Thầy là cây nho, các con là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái”. Cây nho là biểu tượng Kinh Thánh rất nổi tiếng trong dân Thiên Chúa. Biến cố dân Do Thái được giải thoát khỏi ách nô lệ ở Ai cập và được đưa vào ở trong Đất Hứa đã được Thánh Vịnh mô tả như sau: “Gốc nho này, Chúa bưng từ Ai cập, đuổi chư dân lấy chỗ mà trồng”.
Chúng ta cũng biết khi cây nho sum xuê, um tùm quá thì việc tỉa cành là cần thiết. Chúng ta cũng biết cành nho thì chẳng làm được gì, bởi vì nó quá mềm, chỉ còn có cách quẳng vào lửa mà thôi. Chúng ta cũng biết “Cành nào không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho”.
Điều Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh với chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay là chúng ta hãy ở lại trong Chúa. Nhưng “Ở lại trong Chúa” nghĩa là gì?
Trước hết, ở lại trong Chúa là lắng nghe và tuân giữ lời của Chúa. Trên thực tế, chúng ta có thể từ chối việc lắng nghe lời Chúa, hay chúng ta có thể lắng nghe nhưng chẳng thực hành lời Chúa dạy. Chúng ta cũng có thể đón nhận Đức Giêsu như là Chúa rồi lại chối bỏ Người khi chúng ta gặp phải những cơn thử thách, những chước cám dỗ.
Thứ hai, ở lại trong Chúa là nhận biết Chúa Kitô chính là cây nho thật, không có Người, chúng ta không thể làm một điều gì có giá trị trước mặt Thiên Chúa.
Thứ ba, ở lại trong Chúa là sống trong Giáo Hội của Chúa vì đó là thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô.
Thứ bốn, ở lại trong Chúa là nhìn thấy Chúa hiện diện trong tất cả mọi người và mọi biến cố, ngay cả trong các kẻ thù của chúng ta và trong những điều mà chúng ta không thích.
Thứ năm, ở lại trong Chúa là tích cực lãnh nhận các bí tích và sống đời sống cầu nguyện.
Cuối cùng, ở lại trong Chúa là xác tín có một nhu cầu cần cắt tỉa những cơ cấu, những phương pháp, những lối tiếp cận và những điều khác nữa khi chúng ta trở nên già cỗi, lỗi thời để mở ra một con đường cho những điều mới, và việc đổi mới cứ phải diễn ra mãi dựa trên nền tảng là chính Chúa Kitô là cây nho thật.
Lạy Chúa, khi con bị thử thách cám dỗ xin Chúa giữ chặt con, đừng để con xa lìa Chúa bao giờ.
Ở nước Do Thái, cây nho là một loại cây rất quen thuộc như cây lúa, cây bắp ở Việt Nam. Nghề trồng nho là một trong những nghề chính và là một trong những nông phẩm chính của miền Palestine, là nơi có khí hậu và đất đai rất thích hợp với cây nho. Vì thế, đối với dân Do Thái, vườn nho và cây nho là hình ảnh rất lâu đời, được dùng để tượng trưng cho dân tộc, một dân riêng được Thiên Chúa yêu thương, chăm sóc đặc biệt. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh quen thuộc này để áp dụng vào Ngài và chúng ta: Ngài là cây nho, chúng ta là cành.
Một cây nho thì gồm rễ, thân, cành và lá. Một cây nho có đẹp là nhờ có hoa lá cành, nếu chỉ có thân không thôi thì xác xơ, trơ trụi. Dù sao thì mọi phần trong một cây nho đều cần nhau: cây cần phải có cành, nếu không có cành làm sao mang được hoa trái, và hoa trái cũng cần lá cành để che nắng, che sương và dự trữ nước. Nhưng có một điều chắc chắn là cành phải hoàn toàn cần tới thân, nếu cành cắt lìa thân nho thì cành sẽ khô héo và chết.
Đó là hình ảnh cho chúng ta biết: mỗi người cần phải liên kết với Chúa Giêsu thì mới sống và sống mạnh. Chúng ta cần tới Chúa để đạt ơn cứu rỗi, chúng ta cần hiệp nhất với Chúa, như Chúa đã nói: “Không có Ta, các ngươi không làm gì được”. Thực vậy, chúng ta không thể thành toàn, tự giải thoát, thần hóa con người của mình, nếu không sống trong, sống nhờ và sống với Chúa Giêsu. Yếu tính của con người là luôn vươn lên, tìm về tuyệt đối. Con người có nhiều bậc thang giá trị sống: khi bụng đói, họ chỉ nghĩ tới ăn trước tiên. Khi no bụng, dư dả để giải quyết vấn đề bao tử rồi, họ lại thấy cần cái khác là may mặc. Dư dả về ăn uống và may mặc rồi, họ bắt đầu thấy thiếu những nhu cầu tri thức, nghệ thuật, và tiến đến nhu cầu tâm linh. Con người bấy giờ thấy rằng không thể hài lòng với cuộc sống hiện tại, không thể chấp nhận bị tiêu tan vô lý theo với cái chết kết thúc cuộc đời, họ muốn vượt khỏi những giới hạn của trần gian, muốn tung vũ trụ này để “du hành” vào một cõi thần thiêng. Thế nhưng con người không thể tự giải phóng mình, phải nhờ Thiên Chúa, nhờ một nhân vật ở cõi thần thiêng. Thì chính Chúa Giêsu là mầm giống siêu nhiên được Chúa Cha cấy vào sự sống tự nhiên của con người, để họ có khả năng phát triển và trưởng thành vào cuộc sống thần thiêng.
Nói rõ hơn, chúng ta phải kết hợp với Chúa Giêsu, là huyết mạch duy nhất để chúng ta thực hiện và hoàn thành ước mơ được vào cuộc sống thần thiêng, phạm vi cứu rỗi, điều này phải hiểu một cách tuyệt đối. Chúng ta lấy vài thí dụ: có bao giờ chúng ta thấy một bóng đèn điện bị cắt đứt với dòng điện hay bị cúp điện mà còn sáng không? Một nhánh sông cắt đứt với con sông cả mà còn nước không? Một nhành cây cắt đứt lìa thân cây mà còn sống không? Cũng thế, một khi chúng ta xa lìa Chúa, tâm hồn chúng ta cũng khô héo, bề ngoài có thể là thành công trên phạm vi danh vọng, tiền tài, được ca tụng, kính nể, nhưng chúng ta đang đi đến chỗ hư hỏng. Trước mặt Thiên Chúa, chúng ta là kẻ chết và chết khô. Vậy chúng ta có thể kết hợp với Chúa cách nào? Bằng những phương thế rất quen thuộc và cụ thể là cầu nguyện, lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, là bí tích quan trọng và hiệu năng nhất để chúng ta thường xuyên duy trì mối tương quan huyết mạch với Chúa Giêsu.
Đó là về phía Chúa và chúng ta, tức là giữa thân cây nho và cành nho, còn giữa chúng ta với nhau, tức là giữa các cành nho thì sao? Chúng ta cần cộng tác với nhau, nâng đỡ nhau, kết hiệp với nhau trên con đường cứu rỗi. Ở đời này, bất cứ cái gì và phạm vi nào cũng cần cộng tác, hòa hợp với nhau: một viên thuốc cũng là do phân lượng các chất hợp lại thứ nhiều thứ ít; một bức tranh có đẹp cũng là do các mầu sắc khác nhau dung hòa nhau; một bản nhạc hay cũng là do các nốt gom lại trầm bổng khác nhau mà thành. Vậy thì trên đường về nước trời, chúng ta thật sự phải cộng tác với nhau, giúp đỡ nhau, lá lành đùm bọc lá rách bằng đời sống cầu nguyện, đời sống bí tích, đời sống bác ái.
Cũng như một thân cây nho chuyển thông sức sống, nhựa sống cho các cành, thì Chúa Giêsu cũng làm như thế. Cành nho nào không tiếp nhận nhựa sống ấy sẽ cằn cỗi khô héo và rụng gẫy đi. Nhựa sống trong thân cây nho hằng lưu chuyển, không cành nào được giữ riêng lại cho mình mà ngăn cản nhựa sống chuyển sang cho những cành khác. Chúng ta sống với nhau trong một cộng đoàn, một gia đình cũng được ví như thế, được sánh ví như một cây nho. Chúng ta tiếp nhận được sự sống của Chúa, chúng ta phải chuyển thông sự sống của Chúa cho anh em bà con của mình, để tất cả cùng sống tốt đẹp. Chúng ta hãy thử tưởng tượng trong một cây nho, các cành khác chết khô, úa tàn, còn lại một cành xanh tươi, thì hỏi cành đó có gì đẹp không? Hay nói khác đi, đời sống mà chỉ một mình ta sung sướng, còn anh em mình khổ, bất hạnh, thì hạnh phúc của mình có thực là hạnh phúc không?
Tóm lại, chúng ta là các cành nho, chúng ta cần phải liên hệ, liên kết mật thiết với thân cây nho là Chúa Giêsu để nhận được nhựa sống. Liên hệ và liên kết với Chúa bằng cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích. Đồng thời chúng ta cũng phải liên hệ và liên kết với nhau. Rất có thể chúng ta sống mà không quan tâm đến mối tương quan giữa mình với anh em. Vì không để ý “mình vì mọi người và mọi người vì mình”, nên chúng ta đã sống “mình vì mình và mọi người vì mình”, như thế là ích kỷ. Chúng ta cứ thử nhìn chung quanh xem, thật đáng buồn: người ích kỷ nhiều hơn người vị tha. Ai cũng thấy “cái tôi” của mình là lớn hơn cả và coi người khác không ra gì. Chính vì chỗ chúng ta coi người khác không ra gì mà chúng ta nghĩ rằng mình sống không cần tới người nào khác, nhưng trên thực tế, trong bất cứ lãnh vực nào chúng ta cũng cần đến nhau. Cho nên, dù chúng ta là ai, chúng ta vẫn cần có nhau, giúp đỡ nhau.
Qua phần chia sẻ sáng hôm nay, tôi xin trình bày hai hình ảnh sai lạc về người tín hữu.
Hình ảnh thứ nhất đó là hạng người tín hữu vay mượn, giả nhân giả nghĩa, tựa như quạ mượn lông công, cáo mượn oai hùm. Thực vậy rảo bước trên đường phố, chúng ta có thể đọc được những tấm bảng quảng cáo, tại đây có cho mướn áo quần, cho mướn xe hơi và nhiều thứ phụ tùng lỉnh kỉnh khác. Những ai không có khả năng tài chánh có thể đến đây thuê mướn. Chẳng hạn như cô dâu vào ngày cưới, muốn cho mình được mô đen nên phải vận soirée, nhưng may một cái jupe kiểu này vừa tốn kém, lại vừa chẳng sẵn tiền. Hơn nữa, cả đời không biết mặc được mấy lần. Vì thế để cho tiện lợi mọi bề, bèn đến tiệm thuê luôn một cái. Hay như khi chưa có đủ tiền sắm xe hơi, chúng ta cũng có thể đến thuê trong một thời gian nào đó cần phải xử dụng. Chúng ta có thể xuất hiện trong những bộ quần áo sang trọng, ngồi trên một chiếc xe đắt tiền, đầy đủ tiện nghi, có tài xế đưa đón như một ông chủ. Thế nhưng đó chỉ là một sự xuất hiện chóng qua với một chút hư danh. Người ngoài nhìn vào tuy cũng biết đó là những đồ đi mượn, đi thuê, nhưng họ vẫn sẵn sàng cất lời khen ngợi. Còn chúng ta, mặc dù biết rằng đó chỉ là những lời khen ngợi xã giao và bôi bác, nhưng lắm lúc chúng ta vẫn thích, vẫn tự hào và hãnh diện.
Trên phương diện đức tin, cũng có những người Kitô hữu giả danh. Họ mượn danh nghĩa là Kitô hữu, để đi lễ, đọc kinh mà che dấu những ý đồ đen tối, như tục ngữ đã diễn tả:
Miệng nam mô bụng bồ dao găm.
Bên ngoài thơn thớt nói cười,
Mà trong nham hiểm giết người không gươm…
Đây là một kiểu đạo đức giả hình mà Chúa Giêsu đã từng lên án. Trái lại Ngài muốn chúng ta thật lòng quay trở về với Ngài, với Tin mừng để lãnh nhận ơn tha thứ và cứu độ.
Hình ảnh thứ hai là hình ảnh người Kitô hữu công chức.
Báo chí đã nhiều lần đăng tải những vụ bê bối của các vị tai to mặt lớn, chẳng hạn như tổng thống, bộ trưởng, nghị sĩ hay dân biểu. Có người thì kết án gay gắt vì cho rằng thiếu tác phong đạo đức và đòi buộc phải từ chức. Nhưng cũng có người lại tỏ ra thông cảm, bởi vì ngoài giờ làm việc, những nhân vật này, dù có tai to mặt lớn đến đâu, thì cũng chỉ là một người và có quyền làm những việc riêng theo ý muốn, miễn sao không phương hại tới quyền lợi quốc gia.
Từ sự kiện trên, chúng ta hãy đi vào đời sống đạo đức. Liệu chúng ta có được phép là những Kitô hữu công chức hay không? Liệu chúng ta có được phép chia đời sống thành những ô nhỏ, mỗi ô là một việc chẳng hạn: ô làm việc, ô ăn uống, ô ngủ nghỉ, ô du hí và đức tin cũng như đạo đức chỉ là một ô nhỏ mà thôi? Chắc chắn là không, bởi vì chúng ta phải là Kitô hữu ở mọi nơi và trong mọi lúc, như lời thánh Phaolô: “Dù làm bất cứ việc gì, anh hãy làm vì Đức Kitô cho danh Chúa được cả sáng”. Vì vậy không được phép có loại người tín hữu vay mượn, loại người tín hữu công chức, bởi vì hễ giây phút nào chúng ta xa lìa Chúa thì chúng ta sẽ bị tàn úa: Thày là cây nho, các con là ngành… ngành nào lìa cây sẽ khô héo dần. Trái lại, ngành nào kết hiệp cùng cây sẽ trổ sinh hoa trái. Điều đó nghĩa là có kết hợp cùng Chúa thì bản thân chúng ta mới an bình hạnh phúc và cuộc đời chúng ta mới đem lại thành quả tốt đẹp.
14. Sống liên đới
Trước Công đồng Vatican II, nói đến tổ chức cơ cấu của Hội thánh, người ta thường nghĩ đến hình ảnh một kim tự tháp: ở chóp đỉnh là Đức Giáo Hoàng, dưới là các Hồng Y, Giám mục, Linh mục, phó tế, tu sĩ, và cái đáy dưới cùng là giáo dân. Hình ảnh này đưa đến một quan niệm không đúng về nhiệm vụ của mỗi thành phần, nhất là giáo dân, bị coi là thấp kém, chỉ biết ngoan ngoãn vâng lời cấp trên.
Nhưng từ Công đồng Vatican II, hình ảnh trên đã được thay thế bằng hình ảnh có một tâm điểm là Đức Giêsu, từ tâm điểm này có nhiều vòng tròn đồng tâm: một vòng là các giáo sĩ, gồm các giám mục có Đức Giáo Hoàng đứng đầu, và các cộng sự viên là linh mục và phó tế; vòng khác là các tu sĩ; và vòng rộng lớn hơn là giáo dân. Hình ảnh này cho thấy mọi thành phần đều liên đới với nhau và tất cả đều qui hướng về trọng tâm là Đức Giêsu.
Một hình ảnh khác sâu sắc hơn, thánh Phaolô đã nói tới và nay được chú ý, đó là hình ảnh một thân thể, có Đức Giêsu là đầu, mọi người Kitô hữu, dù là giáo sĩ, giáo dân, tu sĩ… đều là các chi thể của thân thể. Mỗi chi thể có nhiệm vụ riêng, không ai thay thế được. Hình ảnh này diễn tả rõ hơn và đúng hơn mối hiệp thông giữa các thành phần với nhau và với Đức Giêsu; và cũng cho thấy rằng tất cả đều cùng có trách nhiệm thi hành sứ vụ mà Đức Giêsu trao phó để xây dựng sự hiệp thông trong Hội thánh.
Nhưng tất cả những điều trên đây đã được chính Đức Giêsu đề cập tới trong bài Tin Mừng hôm nay. Đó là hình ảnh cây nho. Đối với dân Do thái, vườn nho và cây nho là một hình ảnh rất lâu đời, rất quen thuộc, được dùng để tượng trưng cho dân tộc, một dân riêng được Thiên Chúa yêu thương, chăm sóc đặc biệt. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh quen thuộc này để áp dụng vào Ngài và chúng ta: Ngài là cây nho, chúng ta là cành. Sự liên kết và hỗ tương giữa thân cây với cành, và giữa các cành với nhau, đó là hình ảnh sự liên kết và hỗ tương giữa Chúa Giêsu với chúng ta, và giữa chúng ta với nhau.
Một điều hiển nhiên và rõ ràng là cành cây phải hoàn toàn cần tới thân cây mới sống được. Nếu cắt lìa thân nho, thì cành sẽ khô héo và chết. Đó là hình ảnh cho chúng ta biết: mỗi người chúng ta cần phải liên kết với Chúa Giêsu, thì chúng ta mới sống và sống mạnh được. Chúng ta cần tới Chúa để đạt ơn cứu rỗi, nghĩa là chúng ta không thể thành toàn, tự giải thoát, thần hóa con người của mình, nếu không sống trong Chúa, nhờ Chúa và với Chúa. Điều này phải hiểu một cách tuyệt đối. Cũng giống như bóng đèn điện: có bao giờ một bóng đèn bị cắt đứt với dòng điện hay bị cúp điện mà còn sáng không? Hay một nhánh sông cắt đứt với con sông cả mà còn nước không? Hay một cành cây cắt đứt lìa thân cây mà còn sống không? Có lẽ nó có thể sống một vài ngày tạm bợ rồi sẽ chết khô.
Cũng thế, một khi chúng ta xa lìa Chúa, tâm hồn chúng ta cũng sẽ chết khô. Bên ngoài chúng ta có thể là thành công trên phạm vi danh vọng, tiền tài, được ca tụng, kính nể… nhưng trước mặt Chúa, chúng ta là kẻ chết và chết khô. Vậy chúng ta có thể kết hợp với Chúa Giêsu cách nào? Bằng những phương thế rất quen thuộc và cụ thể là cầu nguyện, lãnh nhận các bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể, bí tích quan trọng và hiệu năng nhất, để chúng ta thường xuyên duy trì mối tương quan huyết mạch với Chúa Giêsu.
Đó là về phía giữa Chúa với chúng ta, tức là giữa thân nho và cành nho. Còn giữa chúng ta với nhau, tức là giữa các cành nho thì sao? Chúng ta cần cộng tác với nhau, cần nâng đỡ nhau, cần kết hiệp với nhau trên con đường cứu rỗi. Ở đời này, không ai chủ trương “mỗi người là một hòn đảo” mà sống tốt được. Cũng như một thân cây nho chuyển thông sức sống, nhựa sống cho các cành, thì Chúa Giêsu cũng làm như thế. Cành nho nào không tiếp nhận nhựa sống thì sẽ cằn cỗi, khô héo và rụng gẫy đi. Nhựa sống trong thân cây nho hằng lưu chuyển, không cành nào được giữ riêng lại cho mình mà ngăn cản nhựa sống truyền sang cho những cành khác.
Chúng ta sống với nhau trong một cộng đoàn, một gia đình, cũng được ví như thế, được so sánh như một cây nho. Chúng ta tiếp nhận được sự sống của Chúa, chúng ta phải chuyển thông cho nhau để tất cả chúng ta cùng sống và sống tốt đẹp. Thế mà trong cuộc sống rất có thể chúng ta sống mà không quan tâm đến mối tương quan giữa mình với anh em. Vì không để ý “mình vì mọi người và mọi người vì mình”, nên chúng ta đã sống “mình vì mình và mọi người vì mình”. Như thế là ích kỷ. Chúng ta cứ thử nhìn chung quanh chúng ta xem, thật đáng buồn: người ích kỷ nhiều hơn người vị tha. Ai cũng thấy “cái tôi” của mình là lớn hơn cả và coi người khác không ra gì. Là con cái Chúa, chúng ta không được sống như thế. Chúng ta cần có nhau, hãy nâng đỡ nhau, hãy thông cảm nhau. Đó chính là đạo bác ái của chúng ta vậy.
Đức Giêsu không viết một quyển sách nào cả. Ngài cũng không xây dựng một ngôi nhà nào cả. Nhưng Ngài đã thực hiện một công trình lớn lao và cần thiết hơn nhiều, đó là xây dựng một cộng đoàn.
Ngài nói với các môn đệ: “Thầy là cây nho, anh em là cành”. Đó chính là hình ảnh Ngài dùng để nói về cộng đoàn mà Ngài xây dựng, một hình ảnh rất súc tích:
Vào mùa xuân, các cành nho vươn ra, đơm lá, trổ hoa. Đến mùa thu thì các cành đã nặng trĩu những chùm nho tươi tốt. Nhưng sở dĩ cành sinh lá, trổ hoa và kết trái là nhờ chúng nối liền với cây nho. Nếu cắt lìa chúng ra khỏi cây thì chẳng những chúng không có trái, mà còn héo tàn dần và cuối cùng thì chết. Cành nho cần đến cây nho thế nào, chúng ta cũng cần đến Đức Kitô thế ấy. Nếu không kết hợp với Ngài, chúng ta sẽ không có sức sống và không thể sinh trái.
Nhưng cây nho cũng cần đến cành nho, bởi vì chính cành nho sinh ra trái nho. Nói thế nghĩa là Đức Kitô cũng cần đến chúng ta. Chúng ta là cành của Ngài. Như thế cây nho và cành nho đều cần đến nhau. Hai bên tạo thành một thể hiệp nhất. Từ đó chúng ta mới hiểu Đức Kitô rất tin tưởng và trông cậy nơi chúng ta. Có thể chúng ta cảm thấy mình không xứng đáng với sự tin tưởng trông cậy ấy, tuy nhiên chúng ta phải nhớ rằng bên cạnh chúng ta còn có Ngài nữa. Cành nho có thể yếu ớt và mong manh, nhưng cây nho thì rất vững chắc và dồi dào sức sống.
Đức Kitô muốn nhờ chúng ta để sinh trái cho thế giới. Có một khác biệt lớn giữa thành công và sinh trái. Thành công đến từ năng lực, và mang lại vinh quang. Nhưng việc sinh trái thì thường đến từ sự yếu đuối, khổ đau và nhiều khi chẳng ai nhận biết mà khen thưởng. Đức Kitô không bảo chúng ta phải thành công, nhưng Ngài dạy chúng ta sinh trái. Mỗi người chúng ta đều được Ngài ban cho một số khả năng nào đó. Bằng cách sử dụng, phát triển và chia xẻ những khả năng đó với người khác, chúng ta sẽ sinh trái. Thế giới đang chờ những trái ấy. Mà điều quan trọng là yêu thương. Thiên Chúa sẽ làm cho tình yêu của chúng ta sinh trái, những trái chúng ta thấy được và cả những trái chúng ta không thấy.
Sang mùa đông, các cành nho được cắt tỉa. Cắt tỉa là một tiến trình cần thiết cho cành nho: bỏ đi tất cả những gì thừa thãi chẳng ích lợi gì mà còn làm hao mòn sức sống của cây nho. Mục đích của cắt tỉa không phải là làm cho cành bị đau mà là để giúp chúng sẽ sinh trái nhiều hơn và tốt hơn nữa. Vì chúng ta là những cành của cây nho thật là Đức Kitô nên chúng ta cũng cần được cắt tỉa. Có rất nhiều điều chẳng những vô ích mà còn có hại cho sự sống chúng ta, làm hao hụt năng lực chúng ta và cản trở sự sinh hoa trái thiêng liêng của chúng ta. Nếu Đức Kitô cắt tỉa chúng ta bằng những gian truân thử thách, đó là vì Ngài muốn chúng ta sinh nhiều trái hơn.
Một thầy kiện mới mở được một văn phòng luật sư khang trang lịch sự. Bỗng nghe có tiếng chân người ngoài cửa bước vào, ông vờ như không thấy. Vội nhắc ống điện thoại lên, nói thật to trong ống nghe:
- Alô, văn phòng luật sư đây.
- Vâng, từ ngày tốt nghiệp đại học đến nay, tôi đã thắng nhiều vụ kiện lớn. Các công ty danh tiếng đều nhờ cậy tôi. Tôi được rất nhiều người tin tưởng. Tuy thu nhập cao nhưng tôi luôn dành 10 o/o cho các công việc từ thiện.
Có tiếng gõ cửa, ông quay lại, thấy người đàn bà đang đứng chờ từ nãy, ông mới lịch sự thưa:
- Xin lỗi bà, tôi có khách quý đến.
Quay lưng lại, anh hỏi người vừa bước vào:
- Anh cần gì?
- Thưa luật sư, có phải hôm nay là ngày đầu tiên văn phòng của ngài bắt đầu làm việc?
- Đúng thế, anh cần tôi giúp vụ kiện nào?
- Dạ thưa không tôi là người của công ty điện thoại được cử đến để gắn đường dây điện thoại cho ngài!
Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại mối liên hệ của chúng ta với Chúa. “Thầy là cây nho, các con là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sinh nhiều trái”. Đức Giêsu Phục sinh là cây nho, các tín hữu Kitô là cành. Cây và cành có chung một dòng nhựa, nên cùng một sự sống. Càng gắn bó với cây, cành càng sinh nhiều hoa trái. Nếu ngược lại cành sẽ héo tàn. Ví như đường dây điện thoại của ông luật sư, không có nối với tổng đài thì đâu có liên lạc đối thoại: không có liên lạc đối thoại thì đâu có khách hàng, lợi nhuận! Cành chỉ giả vờ gắn liền với cây, nên làm gì có sinh hoa trái.
Cành nào đã sinh trái, càng phải sinh trái nhiều hơn. Muốn sinh nhiều trái hơn, cành cần được cắt tỉa đớn đau. Có cắt tỉa vun xới, cành mới sinh hoa kết quả. Đức Giêsu trên cây thập giá, như một thân nho trơ trụi. Đó là lúc phát sinh hoa trái nhiều hơn cả. Từ cạnh sườn Người bị đâm thấu, Giáo Hội đã được sinh ra, và đơm bông kết trái dồi dào.
Mỗi người tín hữu Kitô cũng phải được cắt tỉa, vun xới bằng hy sinh đau khổ hằng ngày, mới trổ sinh hoa trái dồi dào. Niềm vui và đau khổ không nhất thiết phải khử trừ nhau. Đôi khi nó réo gọi nhau, trong những cuộc đàm thoại huyền nhiệm. Vì thế hy sinh không là bóp nghẹt cuộc đời, nhưng làm cho đời thêm triển nở tốt tươi. Điều quan trọng là “Hãy ở lại trong Thầy” vì “Nếu không có Thầy các con không thể làm gì được”. Ở lại trong Thầy và liên kết với Thầy qua đường dây “Cầu nguyện và bí tích”. Tất cả sức sống của Đức Giêsu được chuyển thông từ đó, khả năng kết trái cũng phát sinh từ đó. Đức Giêsu dạy: “Nếu các con ở trong Thầy và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì, cứ xin sẽ được”.
Nếu Đức Kitô là Cây Nho đích thực, và Người Trồng Nho là chính Thiên Chúa thì chúng ta hãy là những cành nho căng nhựa sống, để dâng hiến cho đời những hoa trái tốt tươi.
Câu hỏi gợi ý:
1. Câu "cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi» nghĩa là gì? Tại sao gắn liền với Đức Giêsu mà lại không sinh hoa trái? Câu này ám chỉ loại người nào?
2. Câu "cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn» nghĩa là gì? Chữ "cắt tỉa" ở đây ám chỉ điều gì? Tại sao lại phải "cắt tỉa"?
3. Từ ngữ "ở lại trong" và "gắn liền với" Đức Giêsu phải được thể hiện thế nào trong đời sống của ta?
Suy tư gợi ý:
1. "Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi"
Đức Giêsu tự ví mình là cây nho, và những người theo Ngài là những cành nho. Cành nho sống được là nhờ thân nho. Rời thân nho, cành nho sẽ khô héo và bị quăng vào lửa. Tuy nhiên, Đức Giêsu đưa ra trường hợp này: có những cành nho, tuy gắn liền với cây nho, nhưng lại không sinh hoa trái. Trường hợp này, cành nho sẽ bị chặt khỏi cây nho.
Nói đến trường hợp này, người Kitô hữu không khỏi nghĩ về bản thân mình, liệu đó có phải là trường hợp của mình không? Vì người Kitô hữu là người gắn liền với Đức Giêsu, nhưng quả thật có rất nhiều Kitô hữu suốt bao năm trường đã chẳng sinh ra hoa trái nào! Biết bao Kitô hữu theo Đức Giêsu từ nhỏ tới lớn, thậm chí tới già, nhưng xét cho kỹ và nói cho khách quan, thì họ chẳng tốt hơn người ngoại loại trung bình chút nào! Nhiều người còn tệ hơn cả những người ngoại loại ấy nữa! Họ sẵn sàng ăn gian nói dối, đối xử bất công, sống không tình nghĩa, v.v… Tương tự, có biết bao linh mục, tu sĩ, mang danh theo Chúa hàng chục hay mấy chục năm, nhưng chẳng tốt hơn những giáo dân bình thường bao nhiêu, đôi khi còn tệ hơn! Sách Khải Huyền nói về hạng người này: «Ta biết các việc ngươi làm: ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi! Nhưng vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta» (Kh 3,15-16).
Trường hợp này rất có thể đúng cho tôi, cho bạn. Vì thế, mỗi người chúng ta cần phải tự vấn mình trước mặt Chúa, để sửa đổi trước khi quá muộn. Chúa vẫn luôn chờ đợi chúng ta sửa đổi, để Ngài khỏi phải ra tay! «Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống» (Ed 18,23; 33,11; x.33,19).
2. "Cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn"
Người làm vườn giỏi biết chăm sóc cây thì biết cắt tỉa cành để nó sinh nhiều hoa trái hơn. Nếu người Kitô hữu là cành nho, Đức Giêsu là cây nho, Thiên Chúa Cha là người trồng nho, thì ắt nhiên Chúa Cha sẽ phải «tỉa cành» để người Kitô hữu "sinh nhiều hoa trái" hơn. Người Kitô hữu "sinh nhiều hoa trái" là người có nhiều tiến bộ về mặt tâm linh (mến Chúa yêu người ngày càng nhiều hơn). Và Chúa Cha "tỉa cành" là giúp người Kitô hữu bỏ bớt những bận tâm vô ích để có thể tập trung năng lực vào việc tiến bộ tâm linh. Ngài có thể làm điều ấy bằng cách làm cho người Kitô hữu ấy bị thiệt thòi mất mát về vật chất, thể chất, cũng như tinh thần, hoặc cho người ấy trải qua những đau khổ thử thách. Vì những đau khổ thử thách có khả năng thánh hóa rất hữu hiệu.
Chính Đức Giêsu, thánh thiện như vậy mà cũng được Chúa Cha "tỉa cành" cho Ngài. Thánh Phaolô nói về điều ấy: "Thiên Chúa (…) đã làm một việc thích đáng, là cho Đức Giê-su trải qua gian khổ mà trở thành vị lãnh đạo thập toàn dẫn đưa mọi người tới nguồn ơn cứu đo» (Dt 2,10). Như vậy, theo thánh Phaolô, nhờ chịu gian khổ mà Đức Giêsu trở nên một người lãnh đạo hoàn hảo. Tin Mừng cũng nói: "Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?" (Lc 24,26). Còn chúng ta, Thiên Chúa cũng mời gọi chúng ta chia sẻ đau khổ với Đức Giêsu, để cùng tham dự vào vinh quang và hạnh phúc của Ngài: «Một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người" (Rm 8,17). "Được chia sẻ những đau khổ của Đức Ki-tô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hy» (1Pr 4,13). "Phần anh em là những kẻ phải chịu khổ ít lâu, chính Thiên Chúa sẽ cho anh em được nên hoàn thiện, vững vàng, mạnh mẽ và kiên cường" (1Pr 5,10).
Đọc hạnh các thánh ta thấy hầu như vị thánh nào cũng đều có kinh nghiệm được Thiên Chúa thánh hóa bằng đau khổ. Chẳng hạn, thánh Têrêxa Avila đã bị Thiên Chúa thử thách bằng biết bao đau khổ, đến độ thánh nhân phải kêu lên: «Chúa đối xử với bạn bè Chúa như vậy, hèn chi Chúa ít bạn là phải!» «Chúa ít bạn là phải!» vì nhiều người dù biết rằng đau khổ có tác dụng thánh hóa bản thân, nhưng vẫn sợ và tránh né đau khổ: nếu phải đau khổ mới nên thánh thì thôi, thà đừng nên thánh! Nghĩ như thế thật là nông cạn, vì nên thánh, nên hoàn hảo là điều rất quí giá: những đau khổ ta phải chịu chẳng là gì cả so với vinh quang và hạnh phúc ta được nhờ sự hoàn hảo thánh thiện, và sự thánh thiện hoàn hảo này ta đạt được là nhờ đau khổ. Thánh Phaolô viết: "Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta!" (Rm 8,18). Thánh Phêrô cũng khuyên ta đừng sợ hãi đau khổ: "Nếu anh em chịu khổ vì sống công chính, thì anh em thật có phúc! Đừng sợ những kẻ làm hại anh em và đừng xao xuyến" (1Pr 3,14). Vua Đavít cũng nhận ra ích lợi của đau khổ đối với sự thánh thiện: "Đau khổ quả là điều hữu ích, để giúp con học biết thánh chỉ Ngài" (Tv 119,71).
Người tốt chấp nhận đau khổ vì đau khổ Chúa gửi đến cho mình chẳng những làm cho mình nên công chính, mà còn làm cho những người khác nên thánh thiện nữa: "Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh được tội lỗi của họ" (Is 53,11). Như vậy, tự nguyện chấp nhận đau khổ (chịu đau đớn, cực hình, chịu thiệt thòi, mất tiền, mất thì giờ, mất sức khỏe, bị nghi ngờ, hàm oan…) vì tha nhân là một hành vi bác ái, là một phương tiện thực hiện yêu thương. Vì nhờ ta chấp nhận đau khổ mà nhiều người nên công chính và được hạnh phúc. Vì thế, người có lòng yêu thương thật sự sẽ sẵn sàng lợi dụng đau khổ của mình để làm lợi cho người khác.
3. "Gắn liền với" hay "ở lại trong" Đức Giêsu là gì?
Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu dùng nhiều lần hai từ ngữ «ở lại trong» và «gắn liền với» Ngài, và coi đó như điều kiện cần thiết để «sinh hoa trái» hay "sinh nhiều hoa trái"». Chẳng hạn câu: «Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy». Hai từ ngữ ấy có nghĩa gì? Chúng ta đã thật sự «ở lại trong» và «gắn liền với» Đức Giêsu chưa? - Thực ra, ai là người Kitô hữu thì cũng, một cách nào đó, «ở lại trong» và «gắn liền với» Đức Giêsu. Nhưng phải nói rằng tình trạng ấy có nhiều mức độ khác nhau, từ hời hợt bên ngoài đến thâm sâu bên trong.
Thật vậy, nhiều người mang danh Kitô hữu, nhưng chẳng có tinh thần Kitô hữu bao nhiêu. Họ là những người Kitô hữu «hữu danh vô thực». Thánh Phaolô có nói về một tình trạng tương tự như vậy trong Do-thái giáo (x. Rm 2,17-23). Có nhiều Kitô hữu có vẻ rất ngoan đạo, đi lễ và rước lễ hằng ngày, có vẻ rất hăng hái trong những việc liên quan đến nhà thờ, hội đoàn, công tác tông đồ. Nhưng đời sống của họ lại chẳng toát lên được tinh thần Kitô giáo, là chân thật, công bằng, yêu thương, thông cảm, tha thứ.
Tình trạng "ở lại trong" và "gắn liền với" Đức Giêsu phải được thể hiện trong ba phạm vi:
- ý thức: luôn luôn ý thức Đức Giêsu ở với mình, ở trong mình. Ngài là tình yêu và sức mạnh của mình. Ngài vô cùng quyền năng, nên với Ngài ta có thể làm được mọi sự. Luôn luôn ý thức Ngài yêu thương mình, nên hoàn toàn tin tưởng và phó thác mọi sự cho tình yêu của Ngài. Nhờ đó, ta luôn luôn bình an, không phải lo lắng gì cho bản thân mình: "Chúa khoan nhân là mục tử tôi, tôi không còn thiếu gì, tôi không còn e sợ nỗi gì…" (Tv 23). Ý thức này phải trở thành một tâm trạng thường hằng của ta.
- tình cảm: luôn luôn yêu mến Ngài, hướng về Ngài, lấy Ngài là lẽ sống cho cuộc đời mình. Vì thế, dấn thân hết mình cho Ngài, cho Nước Ngài, cho kế hoạch cứu độ của Ngài, một cách quảng đại, không so đo tính toán. Ngoài ra, tình yêu của ta đối với Ngài phải được thể hiện cụ thể nơi những hiện thân của Ngài, là tha nhân chung quanh ta, đặc biệt những người gần gũi ta nhất (cha mẹ, vợ con, anh chị em, bạn bè…)
- hành động: luôn luôn làm theo ý muốn của Ngài, theo sự đòi hỏi của tình yêu trong lòng mình. Ý muốn của Ngài được thể hiện qua lời Ngài, qua luật yêu thương của Ngài, qua tiếng lương tâm, qua những biến cố hay hoàn cảnh xảy ra trong đời, đặc biệt những nghịch cảnh.
Khi luôn luôn "gắn liền với" hay "ở lại trong" Ngài, ta sẽ nhận được sức sống, sức mạnh của Ngài, và đời ta sẽ trở thành một cuộc đời tươi đẹp, ý nghĩa, chẳng những đầy sức mạnh, an vui, hạnh phúc mà còn là nguồn sức mạnh, nguồn an vui hạnh phúc cho mọi người nữa.
Cầu nguyện
Lạy Cha, Cha là nguồn sống, nguồn sức mạnh, nguồn tình yêu của muôn loài vạn vật. Con muốn kết hiệp với Cha để nhận được sự sống, sức mạnh và tình yêu hầu sống một cuộc sống tươi đẹp, ích lợi, đồng thời để những ai tiếp xúc với con cũng nhận được sự sống, sức mạnh và tình yêu của Cha từ nơi con. Xin hãy giúp con gắn bó mật thiết với Cha.
18. Cây nho
Có một bộ phim mang tựa đề "Shadow of the Hawk, Bóng Con Ưng". Trong đó, có một cặp vợ chồng trẻ và một người Da Đỏ dẫn đường lên núi chạy trốn đám người dữ.
Tại một nơi, người đàn bà bị vấp ngã và nói, "Tôi không thể cất thêm một bước nào nữa."
Người đàn ông đỡ vợ đứng dậy và nói, "Thế nhưng, em ơi, chúng ta phải tiến tới. Chúng ta không còn đường lựa chọn nữa!" Cô vợ lắc đầu đáp, "Em không thể đi nổi nữa! Em không thể đi nổi nữa!"
Sau đấy, người Da Đỏ chỉ đường nói với người đàn ông, "Hãy ôm bà sát vào lòng ông. Hãy để sức mạnh và lòng can đảm của ông truyền sang bà ấy."
Người đàn ông làm như vậy, và chỉ trong vài phút ngắn ngủi, người đàn bà mỉm cười và nói, "Giờ đây, em đã đi được rồi! Giờ đây, em đã đi lại được rồi!"
Đó cũng chính là điều mà Chúa Giêsu muốn thực thi cho mỗi người chúng ta. Ngài muốn chia sẻ với ta không chỉ có sức mạnh của chính Ngài và lòng can đảm, nhưng còn cả mạng sống của Ngài nữa.
Chúa Giêsu nói rằng: "Ta là cây nho mới, cây nho chân thật, mà Thiên Chúa đã vun trồng trong vườn nho Do Thái. Nếu các ngươi liên kết với Ta, các ngươi sẽ sinh hoa trái mà Thiên Chúa có ý muốn các ngươi sinh sản, khi Ngài tuyển chọn các ngươi làm dân riêng của Ngài."
Vậy Chúa Giêsu muốn nói gì với chúng ta trong thời đại này qua đoạn văn trên? Ngài nói rằng: "Nếu các ngươi trở nên những người mà Thiên Chúa có ý cho các ngươi trở thành, các ngươi phải liên kết với Ta. Nếu các ngươi không liên kết với Ta, thì sẽ không còn niềm hy vọng trong các ngươi nữa. Cuộc sống của các người sẽ kết thúc cách bi thảm."
Liên kết với Ngài, chúng ta có thể làm được mọi sự. Xa cách Ngài, chúng ta không làm được gì cả.
Và như thế, bài Phúc Âm hôm nay dạy chúng ta hai điểm quan trọng: Trước tiên, nó dạy chúng ta rằng Chúa Giêsu chính là cây nho mới và chân thật mà Thiên Chúa vun trồng trong vườn nho Do Thái. Kế đến, nó dạy cho chúng ta biết chỉ khi nào có sự kết hiệp với Chúa Giêsu, thì chúng ta mới có thể sinh hoa trái và trưởng thành nên những người mà Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta trở thành.
Kết hiệp với Chúa Giêsu chúng ta có thể làm được mọi sự. Xa lìa Ngài chúng ta không thể làm gì được.
19. Chú giải mục vụ của Alain Marchabour
CÂY NHO VÀ CÁC MÔN ĐỆ
Diễn từ của Chúa Giêsu mở đầu bằng dụng ngữ “Thầy là” được lặp lại ở câu 5. Như ở chương 10 về vị mục tử, đó không phải là một sự so sánh (thiếu phụ ngữ so sánh “như”); đó là một ẩn dụ, hình ảnh qua đó một từ ngữ (ở đây là cây nho) được đem ra khỏi lĩnh vực thông thường để sử dụng vào trong một lĩnh vực khác của diễn từ (ở đây là căn tính của Chúa Giêsu).
Ẩn dụ này hình thành một phần từ những yếu tố quen thuộc của người Do Thái (Chúa Cha như người trồng nho) và từ nhiều yếu tố mới mẻ khác như việc Chúa Giêsu quả quyết Người là “cây nho thật”. Quả vô ích khi tìm kiếm những so chiếu trong thế giới ngộ giáo (nhiều người muốn nhận thấy ở đây một ám chỉ đến cây sự sống, đôi khi được trình bày như một cây nho). Tốt hơn là nên quay về với Kinh Thánh nơi thường sử dụng hình ảnh cây nho để nói về Israel (Is 5,1-7; 27,2-5; Gr 5,10; 12,10-11).
Tuy nhiên trong Tin Mừng của Gioan, hình ảnh quen thuộc với thính giả, vượt xa ẩn ý của Kinh Thánh: Chúa Giêsu là cây nho thật (cũng cách diễn tả này trong Gr 2,21 trong bản dịch Hy Lạp), và các cành nho phát triển nhờ Người. Cành nào không sinh trái thì cần phải chặt bỏ. Trong bối cảnh của đêm sau cùng, ta thường nghĩ đến Giuđa là kẻ thuộc về thế giới tối tăm (13,2.27). Thế nhưng dụng ngữ căn bản này (loại trừ sự hoán cải như trong Mt 3,10) chắc chắn có thể áp dụng cho mọi Kitô hữu thuộc Giáo Hội của Gioan mà lại đoạn giao với cộng đoàn như “những tên phản Kitô không phải là người của chúng ta” (1Ga 2,19).
Không nên xem như một cách miêu tả hỏa ngục và các hình phạt của nó trong việc so sánh kẻ không “ở lại trong Chúa Giêsu” với những “cành nho bị quăng vào lửa cho nó cháy đi”. Tuy nhiên viễn ảnh đầy đe dọa và diễn đạt một nhị luận không sai biệt giữa các môn đệ trung thành với những kẻ xa lìa Chúa Giêsu. Đối với người chưa tin, Gioan sử dụng cũng một hình ảnh như ông sử dụng để chỉ Thủ Lãnh thế gian này: “nó sắp bị tống ra ngoài” (12,31 và 15,6). Cần phải đặt định các đoạn này vào trong trào lưu cố tình nhị luật của một số cộng đoàn Kinh Thánh sơ khai, phải đương đầu với nhiều cuộc khủng hoảng nội bộ. Ngày nay, độc giả nên ý thức về những hậu quả không thể tránh khỏi từ những lựa chọn của mình. Lời mời gọi hoán cải luôn luôn hiện diện trong đề xuất của Tin Mừng.
Như vậy, đối với Gioan, sinh hoa trái có nghĩa là trở nên môn đệ, nghĩa là gắn bó với Chúa Giêsu trong đức tin và đức ái, trong tư thế hoán cải liên lỉ, một đức ái trở thành dấu chỉ cho thế gian do bởi chất lượng và sức mãnh liệt của nó. Câu 3 lặp lại thảm cảnh của đêm sau cùng khi ám chỉ đến việc thanh tẩy (việc rửa chân) được trình bày ở chương 13.
Các câu 6 lặp lại phần dẫn, dưới hình thức một sự bao hàm. Tuy nhiên ở đây chiều kích Kitô được nhấn mạnh: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được”. Giữa lời khai mào bài trần thuật nói về “cây nho thật” và phán quyết cuối cùng này, ta có thể đoán được những dấu vết của cuộc bút chiến chống lại những kẻ (Do Thái giáo hay Kitô giáo) muốn tìm nguồn mạch sự sống ngoài Chúa Giêsu. Đối với tín hữu hiện thời, được mời mọc bởi biết bao đề nghị đầy ý nghĩa, lời này cần phải là một cột mốc không thể xóa bỏ. Nếu quả thật Chúa Giêsu là Lời của Thiên Chúa, đến đưa sự mặc khải tới đích điểm, thì đối với các tin hữu, Người cần phải là sự quy chiếu bắt buộc (không độc hữu không loại bỏ đối với những kẻ thành tâm gắn bó với các trào lưu tôn giáo và nhân bản khác).
Thầy là...
Như Chúa nhật trước, chúng ta sẽ nghe Chúa Giêsu nói Người là ai. Chúng ta chú tâm lắng nghe Chúa Giêsu bắt đầu mạc khải bằng những từ long trọng này: Con người, dân thành Nagiarét, con của Maria... dám dùng tên Chúa "Ta là Đấng Hằng Hữu” để tỏ cho chúng ta biết Ngài là Đấng Tự Hữu.
Cây nho thật
Đây là một kiểu nói vô cùng táo bạo đối với những thính giả đầu tiên của Chúa Giêsu. Trong toàn bộ Thánh Kinh hình ảnh "Cây nho" tượng trưng cho "dân Israel", bây giờ Chúa Giêsu coi như là một việc đương nhiên, Người tự cho phép mình chiếm chỗ của "cả một dân tộc". Người áp dụng cho chính bản thân Người nhưng gì đã được nói cho Israel. Và Người dám nói rằng chính Người là cây nho đích thật. Cây nho kia chỉ là một phác họa, một chuẩn bị, một "hình ảnh". Dân Israel xưa chỉ là một sự chuẩn bị cho "dân Israel mới" là Giáo Hội, là chính Chúa Giêsu. Và không phải Chúa Giêsu chỉ đưa ra lời khẳng định đáng ngạc nhiên này. Một lần Người đã nói: Người là bánh "đích thực" của sự sống (Ga 6); đối với Maria, Người đã nói Người là Mục Tử "đích thật" (Ga 10) đối lại với những mục tử giả và những kẻ làm thuê.
Vậy thì một lần nữa, con người bình thường, xuất thân từ một làng quê nhỏ bé trong một tỉnh của đế quốc La Mã, con người không quan trọng đó sẽ chịu chết trong vài tuần nữa, bị xã hội loại trừ, bị các môn đệ phản bội và chối bỏ, bị đối thủ khinh khi chế nhạo, bị mọi người bỏ rơi, Con Người đó dám tự cho là trung tâm của thế giới và của lịch sử – Có đúng không? hay Người chỉ là một con người?
Và Cha Thầy là người trồng nho...
Cha của Người là ai? Người đang nói về ai thế? Chúng ta quá quen với những kiểu nói này. Thực ra những kiểu nói trên diễn tả một điều nào đó không bình thường nhưng là một cuộc cách mạng thực sự trong lịch sử những tương quan giữa con người và Thiên Chúa. Dường như Chúa Giêsu đã luôn luôn gọi Thiên Chúa là "Abba", từ ngữ Aramên để gọi "Cha”. Kiểu nói này không phải của một người đàn ông trưởng thành mà là của một con trẻ. Kiểu nói trìu mến mà thánh Têrêsa Lisieux đã diễn tả Thiên Chúa, “Cha tốt lành của con". Vào thời thượng cổ, trong nền văn chương của Do Thái nói về nghi lễ phụng vụ cũng như về đời sống cá nhân, người ta không tìm được một cách cầu nguyện dùng tiếng "Abba" để nói về Chúa. Vì thế lời nói khác thường và thân thiện này đã gây ra sự khó chịu và nên cớ vấp phạm đối với những người đồng thời của Chúa Giêsu, lời này thường được dùng trong tiếng Aramên bởi những cộng đồng tiên khởi dùng tiếng Hy Lạp (Mc 14,36; Mt 26,39; Lc 22,42; Ga 14,31; Rm 8,15; Gal 4,6).
Vâng, trong toàn bộ Kinh thánh "Người trồng nho" của Israel chính là Thiên Chúa, hình ảnh truyền thống này diễn tả tình yêu của Thiên Chúa đối với dân của người (Gr 2,4; Ed 15,2; Os 10,1; Tv 80,9).
Cành nào gắn liền với thầy mà không sinh hoa trái thì người cắt tỉa cho nó ra nhiều quả hơn.
Sự so sánh của người trồng nho rất thực tế: Mùa đông ông ta cắt bỏ trành khô và đốt, ông tỉa một phần để cô đọng nhựa làm cho sinh nhiều trái hơn. Một cây nho không được cắt tỉa chỉ sinh lá -Những người trồng nho nói rằng: Khi người ta cắt tỉa cây nho cây này "khóc". Trước khi vết cắt được lành, một số nhựa dồi dào chảy ra. Cũng vậy, gặp cơn thử thách lòng chúng ta cũng khóc khi bị đau khổ.
Người nào đã đi thăm một vườn nho vừa được cắt tỉa, sẽ ngạc nhiên về những cành nho bị "hy sinh" để cây nho cho "nhiều quả hơn". Nếu không biết, ta có thể phê bình người trồng nho "Tại sao lại có nhiều đau khổ như thế này trên thế giới". Thưa ông trồng nho, tại sao ông cắt bỏ nhiều cành thế? Tại sao ông làm cây chảy máu? Hãy đợi đến mùa thu hoạch lúc đó anh sẽ hiểu.
Và Chúa Giêsu, cây nho đích thật được Chúa Cha yêu mến đã bị "cắt tỉa" trước tiên. Oi sự cắt tỉa bi thảm thay! ôi; cây thập giá bên ngoài bị tàn phá, nhưng mang lại: "nhiều quả hơn".
Đó là hình ảnh công việc của Thiên Chúa trong Giáo Hội và trong chúng ta, Người tỉa, xén, thanh tẩy. Việc này gây đau khổ, nhưng đây là quy luật của cuộc sống, để cho mùa thu hoạch tốt đẹp hơn.
Nhưng anh em được thanh sạch rồi nhớ lời Thầy đã nói với anh em.
Đáng lẽ ra khi tỉa xén, người tín hữu phải lắng nghe lời Chúa để khám phá được sự phong phú của sự thanh tẩy này. Người nào chấp nhận bị tỉa xén theo gương Chúa Giêsu và kết hợp với Người, người ấy có thể tìm thấy ý nghĩa trong cơn thử thách của mình. “Hãy luôn luôn kết hợp với Thầy như Thầy luôn kết hợp với anh em ". Lời Chúa trên đây làm cho tín hữu khám phá được rằng, đau khổ kết hợp họ với Chúa Giêsu và làm cho họ ở "trong người".
Động từ "ở" sẽ được dùng trong 6 câu sau này. Hình ảnh thật cảm động: Chúng ta có thể "ở” trong Chúa Giêsu, và Người "ở" trong chúng ta, chúng ta kết hợp với Chúa Giêsu như những nhánh trong một cây nho, được tháp nhập vào Người cách sống động: Từ Chúa Kitô đến chúng ta, chỉ có một dòng nhựa lưu chảy, một sự sống duy nhất truyền lan mà thôi.
Chữ "ở" này không chỉ có nghĩa là ở lại, cư ngụ, nhưng là sống ‘với’, đây cũng là một đề tài xuyên suốt Thánh Kinh. Ước vọng lớn nhất của con người là thấy Thiên Chúa ở với dân của Người: "Người đã dựng lều trong trại của chúng ta, giữa những lều du mục của chúng ta". "Người đã xây một nhà trong thành phố chúng ta, giữa những nhà của chúng ta". Nhưng ở đây, Chúa Giêsu còn đi xa hơn: Không chỉ là một sự đối diện mà là "Người này ở nhà người kia". Một mối liên quan mới kết hợp con người với Thiên Chúa, một sự mật thiết hỗ tương. Chúa Giêsu dùng lại kiểu nói xưa của Giao ước: "Các ngươi sẽ là dân của Ta và Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi". Nhưng Chúa Giêsu đào sâu hơn bằng cách nói về một sự kết hợp hỗ tương: “Anh em hãy ở trong Thầy như Thầy ở trong anh em". Khi nghe lời này, chúng ta phải nghĩ đến phép Mình Thánh Chúa, Bí Tích tuyệt hảo của giao ước, dưới biểu tượng bánh mà chúng ta dùng hằng ngày. Bí tích này làm cho "Chúa Giêsu hiện diện” trong nội tâm sâu kín nhất của chúng ta. Chúa Giêsu đã dùng cách nói này trong bài diễn văn nói về bánh hằng sống (Ga 6,56): "Kẻ nào ăn thịt Ta và uống Máu Ta sẽ ở trong Ta, và Ta sẽ ở trong người đó". Dựa vào mạc khải này, chúng ta hãy cầu nguyện không ngừng.
Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không kết hợp với Thầy.
Người nói quá đáng chăng: Đòi hỏi quá chăng! Người xác quyết: Kết hợp với Người là một điều cần thiết để được sống. Người cũng nói rằng, kẻ nào không kết hợp với Người thì "đã chết", như cành khô chỉ còn đem vào lửa. Con người không có Thiên Chúa sẽ đi về đâu? Nếu bạn hỏi, đa số người ta sẽ trả lời: Cuộc sống của họ sẽ chấm dứt bằng cái chết và sự hư không. Nhưng chúng ta thấy Chúa Giêsu có một tư tưởng căn bản hơn: Người không nói về tướng lai nhưng nói về hiện tại.
Không có Thầy, anh em không làm được gì. Ai không kết hợp với Thầy thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo, người ta nhặt lấy, ném vào lửa cho nó cháy đi.
Khi nghe, con người có thể khước từ sứ điệp này: Con người được tự do - Nhưng nguy hiểm thay. Con người không thể làm giảm nhẹ Tin Mừng được. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta tự đặt mình lệ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa, và đối với Chúa Giêsu, sự lệ thuộc này giải thoát chúng ta khỏi tất cả những gì ngăn cản chúng ta sống" . Kẻ nào khước từ không kết hợp với Chúa Giêsu sẽ có "một cuộc sống" rất tầm thường, cuộc sống của con người hay chết, một cuộc sống mà nếu chúng ta trách Chúa về cuộc sống đó chúng ta sẽ có lỗi (các bạn hãy nhìn xem sự đau khổ vô lý của kiếp người này). Chúa đã không tạo dựng chúng ta để sống "một cuộc sống quá tầm thường" mà cái chết sẽ thắng. Chúa tạo dựng chúng ta để sống "cuộc sống thần linh của Người".
Thầy là Cây nho và anh em là Cành nho. Ai luôn kết hợp với Thầy và Thầy luôn kết hợp với người ấy sinh hoa kết quả dồi dào.
Sinh hoa kết quả: Kiểu nói này được lăp lại 6 lần trong vài dòng. Đó là những gì của Chúa Giêsu đã đề nghị với nhân loại. Thiên Chúa không khinh thường con người. Người không đặt ra một cái bẫy để hại con người khi tạo dựng nên con người. Nếu chúng ta suy nghĩ những lời này cách nghiêm chỉnh, chúng ta sẽ hiểu được sâu hơn là khi chỉ đọc phớt qua, Chúa Giêsu không tự xem mình là "thân cây" nho (như vài bản Tin Mừng đã dịch sai) mà trên cây đó mọc ra những "cành" là chính chúng ta. Người tự ví mình như "Toàn cả Cây nho", mà chúng ta là một phần. Thánh Phaolô, khi suy niệm về hình ảnh cây nho, và về Bí Tích Thánh Thể, sẽ nói rằng chúng ta là "chi thể của Thân mình Chúa Kitô”. Chúng ta là một phần của Thiên Chúa, một phần của Chúa Giêsu, chúng ta là "con trong Ngôi Con", là những người sống trong Đấng hằng sống duy nhất. Người ta nói rằng tại Nagiarét có một cây nho, mỗi năm sinh ra được từ 350 đến 370 chùm.
Anh em sinh hoa kết quả dồi dào và trở thành môn đệ của Thầy, thì đó là tôn vinh Cha của Thầy.
Thiên Chúa Ngôi Cha là nguyên thủy và chung cuộc của đời sống Cây Nho. Chính Người là người trồng nho, tỉa bớt những cành không sinh quả và cắt xén những cành tươi tốt. Chính Người sẽ vui mừng vào mùa thu hoạch đang được chuẩn bị. Đối với những người có đức tin, đó chính là huyền nhiệm của tình yêu.
21. Chú giải của Fiches Dominicales
CÂY NHO THẬT
VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI
1) Từ Israel, một dân đã không sinh hoa kết quả như mong đợi.
Với nông dân vùng Palestine thời đó. Cây nho là tài sản quí giá nhất. J.P.Charlier cảnh giác: "Để có một ý niệm về cây nho ở Israel và trong những vùng phụ cận nắng cháy, chiêm ngắm những vườn nho vùng Bourgogne hay Bordeaux chẳng ích lợi gì. Những gốc nho ôn đới chẳng có gì giống với gốc nho vùng Palestine vốn lớn như cổ thụ xum xuê cành lá chứ không phải là những thân nho được cắt tỉa kỹ lưỡng và nhỏ xíu. Phải biết rằng cả một thang lầu trong đền thờ thần Diana ở Ephêsô tạc từ một gốc nho duy nhất mang về từ đảo Chypre. Nếu không nhớ đến vẻ oai nghi hùng tráng đó, sẽ không tài nào hiểu nối một thành ngữ rất thông dụng trong Thánh Kinh "nghỉ dưới gốc nho" (1V 4,25; Mk 4,4). "Đức Giêsu ở giữa dân Người" ("Đọc Thánh Kinh" số 78, trang 54).
Chẳng lạ gì cây nho, đã trở thành biểu tượng của sự phú túc và sự hào phóng của Thiên Chúa, rất thường được Kinh Thánh dùng như hình ảnh để chỉ Dân Thiên Chúa đã chọn và đã xếp đặt những mối liên hệ yêu thương và âu yếm. Ôsê đã chẳng miêu tả Israel như một cây nho xum xuê nặng trĩu quả đó sao? (Hs 10,1) Thánh vịnh 79 đã chẳng nài van Chúa cho cây nho mà Chúa đã bứng từ Ai Cập và trồng trên thửa đất đã cày cuốc cẩn thận, "để nó làm đẹp cho xứ sở và vươn cành ra đền tận biển khơi" đó sao? (Tv 79,10-12). Riêng Israel, trong bài ca cây nho thời danh được Thiên Chúa yêu thương dành cho mọi ưu đãi, đã chẳng tuyên xưng: "Tôi sẽ hát cho bạn nghe bài ca của người yêu dấu với cây nho của mình (Is 5,1) đó sao?
2) Đến Đức Giêsu, “cây nho thật”.
Nếu một lần nữa, Đức Giêsu trở về với biểu tượng cây nho, đó là để thực hiện một chuyển vị táo bạo: Người tuyên bố: "Thầy là cây nho thật, các con là cành nho”.
- Khi xưng mình là "cây nho thật”, Đức Giêsu tự giới thiệu mình là người đến để đáp lại sự mong đợi của Thiên Chúa, người mà vì yêu đã tự nguyện hiến ban sự sống của mình, nên đã sinh hoa trái "làm tôn vinh Chúa Cha".
- Những chăm nom săn sóc của "Chúa Cha chủ vườn nho" đối với cây nho cho thấy sáng kiến của Chúa Cha, tình yêu ưu ái Người dành cho Đức Giêsu, Những mối dây duy nhất nối kết Chúa Cha với Chúa Con.
Còn về những "cành nho-môn đệ", phát xuất từ thân nho, chỉ có thể được nuôi dưỡng bằng dòng nhựa chảy ra từ thân nho, chỉ có thể được sinh động nhờ sự sống của thân cây, để sinh hoa kết quả làm tôn vinh Chúa Cha, nếu chúng "ở lại" trong Người.
“Ở lại trong Người”, thực vậy, đó là điều kiện không thể thiếu đối với sự sống của các ‘môn đệ-cành nho’, Người quả quyết: “Vì ngoài Thầy, các con không làm gì được”. "Ở lại trong Người" là kết hiệp với Người bằng những mối dây tình yêu và sự sống, là nhờ Người mà được dẫn đến kết hiệp với Chúa Cha (xem Ga 6,56 và 14,23). Tách mình khỏi Thân Nho thật, xa lìa Đức Giêsu, là dấn thân vào chỗ chết: "Nếu ai không ở trong Thầy, người ấy sẽ giống như cành nho bị ném ra ngoài và chúng khô héo đi. Người ta sẽ lượm những cành khô và liệng vào lửa và chúng sẽ cháy”.
Sự gắn bó với Đức Kitô, nếu đúng, nếu thực, sẽ được phiên dịch ra thành những xử sự cụ thể. Sự gắn bó ấy được kiểm chứng nơi những hoa trái phát sinh: "Ai ở trong Thầy, và Thầy ở trong người ấy, người ấy sẽ sinh nhiều hoa trái”. Thử thách, bắt bớ sẽ là những trắc nghiệm về lòng son sắt và bảo đảm cho hoa trái dồi dào.
Như thế, vinh quang của Chúa Cha, đã biểu lộ ra nơi Đức Giêsu, cũng sẽ biểu lộ ra nơi những ai trổ sinh hoa trái bác ái nhờ kết hiệp, gắn bó với Đức Giêsu: "Điều làm vinh danh Cha Thầy, là các con sinh nhiều hoa trái: như thế, các con sẽ là môn đệ của Thầy”.
Nên, X.Léon-Dufour đã cảm nhận: "Môn đệ không chỉ là người thụ hưởng hoạt động của Chúa Con, nhưng còn tham dự vào hoạt động đó, là đồng tác giả của những kết quả đó. Kết quả đó chưa có, sẽ có, nếu các tín hữu kết hiệp sâu xa với Đức Giêsu. Kết quả đó sẽ làm vinh danh Chúa Cha” (Sđd, trang 168).
Việc đưa hình ảnh Cây Nho vào diễn từ sau bữa Tiệc ly củng cố thêm âm hưởng Phụng Vụ và Thánh Thể của nó. Cần phải liên hệ hình ảnh này với lời Đức Giêsu ở Ga 12,24: "Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không mục nát đi, nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó mục nát đi, nó mới sinh nhiều bông hạt”. Chỉ có hai đoạn Tin Mừng Gioan (12,24 và 15,5) nói rõ: “sinh nhiều hoa trái”. Như thế chủ đề cây nho và chủ đề hạt lúa bổ túc cho nhau và là nền tảng của những yếu tố chính yếu trong bữa tiệc Thánh Thể: rượu và bánh. Phải chăng Gioan đã chủ ý tìm kiếm hiệu quả này? Dù sao, hình ảnh Cây Nho, được tuyên xưng trong những buổi quy tụ có tính cách phụng vụ vào những thế kỷ đầu tiên cũng như trong các buổi quy tụ ngày nay, vẫn mời gọi các Kitô hữu thấu hiểu sâu xa hơn mầu nhiệm mà họ đang sống khi cử hành bí tích Thánh Thể.
BÀI ĐỌC THÊM
1) “Hoa trái xum xuê”
(Mgr. L. Daloz, trong "Chúng tôi đã thấy vinh quang của Người", DDB, trang 192).
Nếu ta gắn bó với Người, Đức Giêsu sẽ cho ta hoa trái xum xuê như Người đã hứa: "Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, người ấy sẽ sinh hoa trái xum xuê”. Đời ta có thể nên phong phú nhờ sự phong phú của Thiên Chúa. Ta nên những môn đệ đích thực và ta làm vinh danh Chúa Cha. Lời cầu của ta cũng tương tự lời cầu của Đức Giêsu, Người biết Chúa Cha luôn nhận lời Người: "Nếu các con ở trong Thầy và lời Thầy ở trong các con, các con hãy xin điều các con muốn và các con sẽ được như ý”. Ta có thể xin gì khác hơn thánh ý Chúa Cha? Người môn đệ đích thực của Đức Giêsu không đơn thuần là kẻ đi theo Người. Trong anh ta, chính Đức Giêsu ngự đến sống đời sống của anh, biến đổi đời sống ấy và làm cho nên phong phú. Thánh Phaolô nói: "Không phải tôi sống, chính Đức Kitô sống trong tôi”. Môn đệ là người "mang Đức Kitô”. Nếu môn đệ trung tín với lời Người, anh sẽ nối dài sự hiện diện và hoạt động của Đức Giêsu trên trần gian. Tim anh sẽ đập cũng một tình yêu đó, đời anh sẽ dâng lên Chúa Cha cũng niềm vinh danh đó. Lời anh sẽ loan báo cũng Tin Mừng đó. Cử chỉ anh sẽ phiên dịch cũng ơn cứu độ đó. Bây không phải là bắt chước: nhưng là một chuyển biến sâu xa. Chính Thiên Chúa sinh hoa kết quả xuyên qua hoạt động của anh. Chẳng đời nào ta dám tưởng tượng ra một sự thân thiết thâm sâu dường ấy! Nên Đức Giêsu đã phải nhấn mạnh, nhắc đi nhắc lại để hiểu hơn: “Ngoài Thầy, các con không làm được gì”. Ta rất dễ bị cám dỗ chiếm hữu lời Người, dùng lời Người để tự mình hướng dẫn đời sống mình, để tự ta thấy trước những hoa trái ta muốn có. Thực ra, nếu ta là những môn đệ đích thực, thì chính Lời Đức Giêsu sẽ nắm lấy ta, sẽ cắt tỉa ta. Khi ấy, cuộc đời ta sẽ biến đổi, nhựa sống của cây nho thật sẽ căng phồng lên ở các cành nho của ta và sản sinh trong ta hoa trái xum xuê".
2) “Thánh Thể, bí tích gắn bó với cây nho của Chúa”.
("Sách lễ Emmaus các ngày Chúa nhật", trang 546-547).
Qua việc rước lễ mùa Phục sinh, Giáo Hội mời gọi ta đóng ấn sự ta gắn bó với cộng đoàn Giáo Hội. Cách chung, đó là ý nghĩa sự hiệp thông. Nhưng khi tham dự tiệc Thánh Thể, ta có thực sự tiếp nhận được nhựa sống, tên gọi khác của ân sủng mà Chúa Giêsu muốn dùng để làm cho ta được sống không? Ta có thực sự để Thiên Chúa "cắt tỉa" đời ta không? Vậy mà đó là điều kiện để cho chính bản thân ta trở nên Thánh Thể. Tạ ơn Chúa.
22. Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt
CÂY NHO ĐÍCH THỰC
CHÚ GIẢI CHI TIẾT
"Ngài tỉa sạch ... Các ngươi đã được tỉa sạch rồi": Ở đây có một lối chơi chữ giữa katharei ‘Ngài tỉa sạch’ là katharoi ‘sạch, được tỉa sạch’, lối chơi chữ của tiếng Hy lạp chắc chắn phỏng lại một lối chơi chữ của tiếng Aram. Trong tiếng Syri, vốn cũng là một ngôn ngữ sêmita, dakki có nghĩa là "thanh tẩy" và "tỉa sạch". Việc diễn tả ý niệm "tỉa sạch" bằng ý niệm "thanh tẩy" là một điều tự nhiên, bằng chứng là trong Pháp ngữ, "émender" (tỉa) phát xuất từ la ngữ mun dus (sạch), và rõ ràng trong Việt ngữ cũng thế.
"Bởi lời Ta đã nói với các ngươi": Trong bản văn này cũng như trong nhiều bản văn khác của Gioan (8,31.43; 6,60; 48; 14,23; 15,20) "logos" (lời) là một hạn từ đơn giản hóa "giáo huấn" của Chúa Giêsu. Dĩ nhiên không phải lời Chúa Giêsu được thu nhận vào lỗ tai đã làm cho các môn đồ nên sạch, nhưng là lời được người nghe và đón tiếp. Chính niềm tin vào giáo huấn của Chúa Giêsu đã kết hợp họ vào Cây Nho và nhờ vậy đã làm cho họ tinh sạch. Ý tưởng cho rằng niềm tin vào lời Chúa Giêsu có sức thanh tẩy này còn được Phêrô diễn tả rõ ràng hơn khi nói về những người ngoại đã tin: “Thiên Chúa đã tẩy sạch lòng họ bằng đức tin" (Cv 15,9). "Nếu các ngươi không lưu lại trong Ta". Đối với con người, lưu lại là bám chắc vào điều đã được ban tặng trong quá khứ, nắm giữ nó trong hiện tại, và tùy vào nó mà xét tương lai. Cũng chính trong ý nghĩa này mà người tín hữu phải lưu lại trong lời (8,31), trong tình yêu (15,9-10), trong ánh sáng (1Ga 2, 10), trong Thiên Chúa (1Ga 4,13-16). Ngược lại, đối với Thiên Chúa hay đối với Chúa Giêsu, lưu lại có nghĩa là liên tục ban hồng âu cứu rỗi cho các kẻ tin (1Ga 2,27; 3,9.15; 12-15). Nhờ lòng trung tín, người tín hữu không ngừng nối chặt cuộc sống mình vào Chúa Kitô, Đấng trong đó hồng ân của Thiên Chúa được trao ban luôn mãi; lòng trung tín này cũng bao hàm một mối tương giao sống động và một sự hiểu biết ngày càng đào sâu.
KẾT LUẬN
Như cành nho thông phần vào sự sống của cây nho mà nó được liên kết với, thì người tín htĩu, nhờ gắn bó với Chúa Kitô, cũng được thông phần vào sự sống đích thực, sự sống Thiên Chúa: việc tham dự này đòi buộc họ phải sống và hành động theo sự mới mẻ mà Chúa Giêsu đã mặc khải.
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1) Đoạn văn của diễn từ thứ hai sau Tiệc ly này phải được đặt vào trong bầu khí của buổi cử hành Thánh Thể vốn là trung tâm của bữa tiệc. Việc chúc lành và thánh hiến rượu nho gợi lên ám dụ cây nho. Trước đó, Cựu ước đã dùng tỷ dụ vườn nho để chỉ dân Thiên Chúa rồi. Ở đây, Chúa Giêsu muốn nói rằng Người thể hiện trong bản thân Người toàn thể những gì mà người ta vẫn gán cho dân Thiên Chúa như sự được tuyển chọn, được chăm sóc, phương thế cứu rỗi. Ý chính của bản văn tập trung vào thực tại của sự kết hiệp vốn thiết lập ngay từ đời này giữa Kitô hữu với Chúa Kitô; nên ghi nhận là trong đoạn văn vắn gọn này, từ ngữ "trong Ta" trở đi trở lại năm lần đấy!
2) Kitô hữu được bắt vào Chúa Kitô như cành nho gắn liền với cây nho. Không có Chúa Kitô, họ chẳng là gì. Họ phải nhờ Chúa Kitô mà được hiện hữu, mà có nhựa sống, có khả năng sinh hoa quả. Có thể xảy ra là trên gốc nho, mọc ra một cành không tuân theo định luật của cây con, nhưng phát triển thành gỗ và lá mà không sinh quả. Các người trồng nho gọi đó là cành thừa; họ chặt nó và vứt đi. Có thể có những người tuyên xưng Tin Mừng mà chẳng sinh trái không? Có, đấy là không ai không quan tâm sống nhờ Chúa Kitô đồng thời vẫn tự xưng là Kitô hữu họ tự cho mình thuộc về Giáo hội và Tin Mừng, nhưng chẳng thông hiệp thực sự vào sự sống của Chúa Kitô.
3) Muốn thông hiệp thực sự với Chúa Kitô, thì phải trung thành đáp lại ánh sáng Người đã thông ban. Đối với người ngoại giáo hoặc vô thần không nhìn biết Chúa Kitô mà không phải do lỗi họ, thì ánh sáng ấy đồng hóa với các mệnh lệnh của lương tâm. Nếu họ quen vâng phục tiếng nói của lương tâm thì họ vâng phục chính Chúa Kitô mà không hay biết, và do đó thực sự thông hiệp với Người. Nhưng đối với Kitô hữu đã được biết ánh sáng tràn đầy của Chúa Kitô, sẽ không có hiệp thông thực sự với Chúa Kitô nếu không hiệp thông với Giáo hội, bởi vì ngày nay Giáo hội là Chúa Kitô được nối dài. Một trong những sự kiện đau thương của Giáo Hội hiện thời là tính tự phụ của nhiều con người quảng đại nhưng lạc hướng, đã rời bỏ Giáo hội, lấy cớ là Giáo hội làm thứ màn chắn giữa họ với Chúa Kitô. Chắc hẳn Giáo hội chưa phải là Hiền thê ‘trang sức mỹ miều’ (Kh 19,7; 21,2) để nhập tiệc cưới vĩnh cửu trong Giêrusalem thiên quốc; nhưng dù tội lỗi và dơ bẩn trong các chi thể, Giáo hội vẫn không kém là Hiền thê của Chúa Kitô và là Mẹ các Kitô hữu. Tách rời khỏi Giáo Hội là tách rời khỏi Chúa Kitô.
4) Trong phương cách Thiên Chúa hướng dẫn người tín hữu chân thành, tất cả đều được xếp đặt để cho họ thành công trong định mệnh của họ là khai hoa, đậu trái, sinh quả dồi dào. Sống trong Chúa Kitô, người Kitô hữu được nuôi dưỡng bằng giáo huấn, gương lành, lời dạy ân sủng bên trong và Thánh Thể của Người. Tuy nhiên, có khi quá ứ đầy tư tưởng dự định hoặc chỉ vì thiếu sáng suốt, bệnh hoạn tinh thần, suy nhược ý chí mà Kitô hữu ấy có thể sai lầm hoặc bất trung cách này cách nọ. Chính lúc đó Chúa tỉa sạch tâm hồn và cõi lòng của người ấy, thanh tẩy họ, chặt đi những gì độc hại chiếm sinh lực của họ cách vô ích để họ sinh hoa trái. Điều đó không thể nào không gây đau khổ. Nhưng làm sao lưu lại trong Chúa Kitô được nếu không theo Người trên con đường hy sinh? Nếu đôi lúc ta cảm thấy hình như Chúa Cha cắt tỉa trong xác thịt ta, trong linh hồn ta, thì ta hãy hấp thụ nhiều hơn nữa nhựa sống của Chúa Kitô và hãy bền tâm can đảm vì Chúa đã hứa ban nhiều hoa trái.
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm