Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XXIX Thường niên B
29th Sunday in Ordinary Time
Reading I: Isaiah 53:10-11 II: Hebrews 4:14-16
Chúa Nhật 29 Thường Niên
Bài Đọc I: Isaia 53:10-11 II: Do Thái 4:14-16
--------o0o-------
Gospel
Mark 10:35-45
35 And James and John, the sons of Zeb'edee, came forward to him, and said to him, "Teacher, we want you to do for us whatever we ask of you."
36 And he said to them, "What do you want me to do for you?"
37 And they said to him, "Grant us to sit, one at your right hand and one at your left, in your glory."38 But Jesus said to them, "You do not know what you are asking. Are you able to drink the cup that I drink, or to be baptized with the baptism with which I am baptized?"
39 And they said to him, "We are able." And Jesus said to them, "The cup that I drink you will drink; and with the baptism with which I am baptized, you will be baptized;
40 but to sit at my right hand or at my left is not mine to grant, but it is for those for whom it has been prepared."
41 And when the ten heard it, they began to be indignant at James and John.
42 And Jesus called them to him and said to them, "You know that those who are supposed to rule over the Gentiles lord it over them, and their great men exercise authority over them.
43 But it shall not be so among you; but whoever would be great among you must be your servant,
44 and whoever would be first among you must be slave of all.
45 For the Son of man also came not to be served but to serve, and to give his life as a ransom for many."
Phúc Âm
Máccô 10:35-45
35 Hai người con ông Dêbêđê là Giacôbê và Gioan đến gần Đức Giêsu và nói: "Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây".
36 Người hỏi: "Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?"
37 Các ông thưa: "Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang".
38 Đức Giêsu bảo: "Các anh không biết các anh xin gì ! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?"
39 Các ông đáp: "Thưa được". Đức Giêsu bảo: "Chén Thầy uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy chịu, anh em cũng sẽ chịu.
40 Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã dọn sẵn cho ai thì kẻ ấy được"
41 Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Giacôbê và ông Gioan.
42 Đức Giêsu gọi các ông lại và nói: "Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì áp đặt trên họ quyền bá chủ, những người làm lớn thì áp đặt trên họ quyền hành của mình.
43 Nhưng giữa anh em thì không phải như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em;
44 ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người.
45 Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến dâng mạnh sống làm giá chuộc muôn người".
Các bài suy niệm
CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN - B
Lời Chúa: Is 53,10-11; Dt 4,14-16; Mc 10,35-45
MỤC LỤC
1. Phục vụ
2. Phục vụ – Jean-Yves Garneau.
3. Lật ngược xuống là đúng chiều rồi.
4. Đầy tớ và nô lệ.
5. Thế giới đảo ngược – Achille Degeest.
6. Ra lệnh và truyền lệnh – Gm Arthur Tonne.
7. Con Người đến để phục vụ – Noel Quesson.
8. Phục vụ.
9. Làm lớn.
10. Khiêm nhường phục vụ.
11. Chú giải của Noel Quesson.
Nhìn vào cuộc đời của Chúa Giêsu, chúng ta nhận thấy nổi bật lên tinh thần phục vụ.
Thực vậy, vì yêu thương nhân loại, Ngài đã xuống thế làm người và ở giữa chúng ta. Suốt quãng đời công khai, Ngài đã làm biết bao nhiêu phép lạ, cho kẻ què được đi, kẻ mù được sáng, kẻ phong cùi được lành sạch, hầu xoa dịu phần nào những đớn đau và bất hạnh. Chúng ta có thể nói về Ngài như sau: Đi tới đâu, Ngài liền thi ân giáng phúc tới đó. Và sau cùng để cứu độ chúng ta, Ngài đã phải chịu chết trên thập giá, như lời Ngài đã xác quyết: Không ai yêu hơn người hiến mạng sống mình vì bạn hữu. Chính Ngài cũng đã đúc kết về cuộc đời của mình: Con người đến không phải để được phục vụ, nhưng đến để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người.
Đồng thời, Ngài cũng muốn chúng ta noi gương bắt chước Ngài đi vào con đường dấn thân để phục vụ. Trong bữa tiệc ly vào buổi tối ngày thứ năm Tuần thánh, Ngài đã quì xuống rửa chân cho các môn đệ và nói: Các con gọi Ta là Thầy và là Chúa thì phải lắm. Nhưng nếu ta là Thầy và là Chúa mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Vậy chúng ta cần phải phục vụ và giúp đỡ người khác như thế nào?
Bác sĩ Tom Dolly, người đã từng hy sinh cả cuộc đời của mình giữa chốn rừng thiêng nước độc ở bên Lào, để giúp đỡ cho những người thiếu may mắn vào khoảng đầu thế kỷ này, đã nói như sau: Không ai quá nghèo đến độ không có một cái gì đó để trao tặng cho người khác.
Cũng vậy, dầu bất tài, xấu xí hay bệnh tật đến đâu chăng nữa, thì chẳng ai là một kẻ vô dụng cho người khác và cho xã hội. Như thế có nghĩa là ở mọi nơi và trong mọi lúc, chúng ta đều có thể thực hiện được những hành động bác ái yêu thương, phục vụ và giúp đỡ người khác.
Đúng thế, một người ăn xin ư? Họ có thể cho chúng ta một dịp để sống quảng đại và chia sẻ. Một kẻ tàn tật và đau ốm ư? Họ có thể mời gọi chúng ta sống cảm thông và nâng đỡ, đồng thời còn đặt ra cho chúng ta những câu hỏi về ý nghĩa của cuộc đời, của đau khổ và của sự chết. Một kẻ thù của chúng ta ư? Họ có thể đem lại cho chúng ta một cơ may để sống kiên nhẫn, chịu đựng và tha thứ.
Phải, bất kỳ ai cũng có thể ban tặng cho chúng ta một cái gì đó. Vấn đề là chúng ta có biết mở rộng cõi lòng để đón nhận hay không? Đồng thời chúng ta cũng phải tự vấn lương tâm xem chúng ta đã làm được những gì để phục vụ và giúp đỡ những người chung quanh? Chẳng hạn như một nụ cười, một ánh mắt, một sự lắng nghe, một lời nói cảm thông, an ủi và khích lệ.
Mỗi lời nói, mỗi cử chỉ, mỗi việc làm của tình bác ái yêu thương sẽ là như một quà tặng mà từng giây từng phút, chúng ta có thể và phải đem đến cho người khác. Giữa đám đông dân chúng đang dâng cúng tiền bạc tại đền thờ, đôi mắt Chúa Giêsu đã dừng lại nơi một bà goá nghèo hèn. Bà chỉ bỏ vào hòm tiền có một đồng xu, thế nhưng Ngài đã nhìn thấy giá trị to lớn của hành vi và đồng xu nhỏ bé ấy. Bởi vì dưới cái nhìn của Chúa, mọi sự dù nhỏ bé đến đâu chăng nữa cũng vẫn có giá trị của nó.
2. Phục vụ – Jean-Yves Garneau.
Chỗ nhất.
Giacôbê và Gioan không ngần ngại xin Chúa Giêsu điều mà các ông mơ ước có lẽ đã từ lâu. Trong vương quốc của Ngài, các ông muốn được những chỗ nhất, bên tả và bên hữu Ngài. Mười môn đệ kia nghe các ông xin như vậy thì lấy làm chướng tai… Điều đó cho thấy rõ rằng chính các ông này nữa muốn những chỗ nhất ấy.
Chúng ta đừng nói đó là chuyện trẻ con, là nhẹ dạ. Tự bản chất, con người muốn làm lớn, muốn ở trên kẻ khác, muốn thống trị, thích tìm ngồi chỗ nhất. Xã hội chúng ta lại khuyến khích và khơi dậy ước muốn đó, một ước muốn mà mọi con người bình thường đều có. Xã hội sùng bái những người đứng đầu, chiều chuộng những kẻ giàu nhất, mạnh nhất, thông minh nhất, đẹp nhất, táo bạo nhất. Chỗ nhất! Đôi khi chẳng có gì mà người ta không làm để đạt tới đó. Không phải ai cũng đều thành công, nhưng ai cũng ao ước, ai cũng mơ ước được như vậy.
Phục vụ chứ không phải được phục vụ.
Ta hãy lưu ý rằng Chúa Giêsu không trách hai môn đệ của Ngài vì muốn được gần Ngài trong vinh quang Thiên quốc. Ngài cũng không bảo các ông rằng ước muốn của các ông sẽ không thành đâu. Ngài không biết được. Không phải Ngài quyết định về việc này. “Về việc ở bên hữu hoặc ở bên tả Thầy thì không phải Thầy ban cho được”. Tuy nhiên Ngài lợi dụng dịp này để nhắc lại một giáo huấn cơ bản mà các môn đệ của Ngài khó hiểu.
Giáo huấn đã được lặp lại bao nhiêu lần rồi là: Những kẻ cao trọng trước mặt Thiên Chúa không phải là những kẻ để cho người ta phục vụ mình, nhưng là những kẻ phục vụ; những kẻ xứng đáng chỗ tốt trong Nước Trời, không phải là những kẻ chỉ biết ước mơ xin xỏ, nhưng là những kẻ bắt chước Chúa Kitô, uống chén đắng mà Ngài đã uống, làm đầy tớ như Ngài, chịu thanh tẩy bằng đau khổ như Ngài.
Uống chén đắng, được thanh tẩy bằng cuộc thanh tẩy bằng cuộc thanh tẩy của Chúa Kitô: làm đầy tớ, làm nô lệ mọi người, phục vụ chứ không mong người ta phục vụ mình, hiến mạng sống mình làm giá chuộc nhiều người, gặp thử thách, bị đau khổ nghiền nát, làm cho cuộc sống của mình trở thành một của lễ hy sinh đền tội… Đó là những từ ta gặp thấy trong các bài đọc hôm nay. Những từ ngày bổ túc cho nhau và diễn tả những gì làm cho chúng ta trở nên cao trọng trước mặt Thiên Chúa và những gì cho phép đạt đến những chỗ nhất bên cạnh Chúa Kitô. Ta có thể tóm tắt giáo huấn này bằng công thức sau đây: Phục vụ chứ không phải được phục vụ.
Một công việc khó nhọc.
Dĩ nhiên chúng ta có ý muốn bước theo Chúa Kitô và thực hành lời giáo huấn của Ngài. Nhưng chúng ta biết rằng điều này không dễ. Phục vụ, phục vụ cách vô vị lợi, phục vụ trong sự quên mình và xả thân, phục vụ cho đến nỗi phải đau khổ, không thể trong vòng một ngày mà chúng ta làm được và cứ phải làm lại mãi.
Bao nhiêu người muốn và tự nhủ phục vụ kẻ khác nhưng không phục vụ hoặc chỉ làm nửa chừng thôi. Người bán hàng nói với khách hàng “Xin phục vụ quý vị!”. Các nhà chính trị tuyên bố: “Hãy bỏ phiếu cho tôi để tôi có thể phục vụ quý vị!”. Các công đoàn tự nhủ sẽ phục vụ công nhân, các công ty lớn khẳng định là đưa tài sản phục vụ sự tiến bộ của xã hội, các bác sĩ muốn phục vụ bệnh nhân, các giáo sư phục vụ sinh viên. Các phụ huynh phục vụ con cái, các cha sở phục vụ con chiên và Giáo Hội phục vụ hết thảy mọi người bắt đầu từ những người nghèo nhất…
Có nguy cơ lạm dụng hai từ phục vụ. Bao nhiêu dịch vụ vẫn chẳng có gì là vô vị lợi cả! Nhiều tham vọng, có thể trà trộn vào ý muốn chân thành phục vụ.
Dù ở địa vị nào trong xã hội của chúng ta, bất chấp dù mức sống cao hay thấp, dù tài năng ra sao, dù làm công việc gì, chúng ta có quan tâm đến phục vụ kẻ khác không? Chúng ta có thực sự phục vụ họ không? Đó là những câu hỏi được đặt ra cho chúng ta hôm nay.
3. Lật ngược xuống là đúng chiều rồi.
(Trích trong ‘Mở Ra Những Kho Tàng’ – Charles E. Miller)
Món Bánh táo đảo ngược là món ưa thích đối với nhiều người. Trong lúc nướng nó có vẻ giống như là bình thường và bằng phẳng, nhưng khi được phục vụ với đường, nước sốt và mứt trên đỉnh. Chúng ta có thể tin rằng Mẹ Maria đã không bao giờ nướng bánh táo lật ngược cho Chúa Giêsu (vì Giuđêa thời gian đó chưa nhập khẩu của Hawai), nhưng nếu Mẹ đã làm bánh táo này thì đó là món ưa thích đối với Chúa Giêsu. Lý do là khi bánh đảo ngược xuống giới thiệu những giá trị của Chúa Giêsu vì chúng xuất hiện trên bề mặt úp xuống.
Xã hội thế tục nói rằng: “Hãy tiến lên phía trước, hãy cạnh tranh. Đừng để bất cứ ai vượt qua mặt bạn. Hãy trình bày cho mọi người biết ông chủ là ai. Hãy làm cho mọi người nghĩ rằng bạn là quan trọng. Hãy tự chăm sóc như là số một. Hãy làm điều đó”. Ngay những tông đồ mặc dù không sống trong kỷ nguyên của chúng ta “nơi cái bánh ngọt lật ngược” họ đã nếm, đã thưởng thức với những loại tham vọng mà xã hội của chúng ta ngày nay đang tiến cử và Chúa Giêsu thì chống lại nó.
Tham vọng nơi lòng của Giacôbê và Gioan thì mạnh mẽ khiến cho họ bạo gan đòi hỏi Chúa Giêsu cho họ được ngồi ở chỗ quan trọng, bên phải hoặc bên trái Người khi Ngài tiến vào trong vinh quang của Người. Họ nhấn mạnh: “Hãy xem”. Chúng ta không chắc là những tông đồ đã tranh luận điều đó với Chúa Giêsu trong bao lâu, nhưng Giacôbê và Gioan đã không hiểu cả hai: Giáo huấn và gương mẫu của Chúa Giêsu.
Giáo huấn chắc chắn của Chúa Giêsu là khiêm nhường không được kiêu ngạo, đó là chúng ta phải sẵn lòng phục vụ người khác, không thống trị người khác. Từ khi Giacôbê, Gioan và những tông đồ khác đã thất bại trong việc nắm bắt giáo huấn của Chúa Giêsu, Người đã trở thành rõ ràng bao nhiêu có thể. Ngài nói: “Bất cứ ai trong các ngươi muốn làm lớn thì phải phục vụ như người hầu hạ, bất cứ ai muốn ngồi chỗ nhất thì phải phục vụ tất cả những người có nhu cầu”. Đó là tóm tắt tất cả giáo huấn của Người.
Gương mẫu của Chúa Giêsu còn quan trọng hơn giáo huấn của Ngài nữa, Chúa Giêsu là người Con đời đời của Thiên Chúa, đã rời bỏ ngai tòa trên trời mà trở nên một với chúng ta. Ngài đã từ bỏ tất cả những xa hoa của xã hội thế tục, Chúa Giêsu đã khiêm tốn, Ngài khiêm tốn trong suy nghĩ, không phải cho chính Ngài nhưng cho chúng ta, Ngài đã trở thành con người, Người trở thành tư tế, trở thành Đấng Cứu độ chúng ta, Đấng mà chúng ta có thể tin tưởng và nhận được lòng thương xót và giúp đỡ trong những giây phút cần. Đó là gương mẫu của Người mà Người đã trình bày trong khi tuyên bố: “Này Con Người đến không phải để được phục vụ nhưng phục vụ và hiến trao mạng sống để cứu chuộc muôn dân”.
Khi chúng ta tham dự Thánh Lễ, chúng ta vẫn còn tiếp tục là nhân chứng cho sự khiêm nhường của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đến với chúng ta trong bí tích Thánh Thể không phải để đặt bẫy cho sự trung thành hoặc là ở giữa những tiếng xập xình của các tín hữu hoặc là ở giữa những tiếng kèn trumbét của các thiên thần trên trời. Ngài đã đến trong sự khiêm tốn, Ngài đã sẵn lòng trở nên tầm thường, một tấm bánh đơn giản trở nên thân thể của Người, và Người đã thay đổi rượu nho rẻ tiền trở thành Máu Người, Người đã làm như thế để phục vụ chúng ta và không có điều gì hơn là để cho chúng ta có thức ăn và thức uống, nhưng chính Người là của nuôi sống thiêng liêng cho chúng ta. Thiên Chúa có thể nghĩ được điều gì hơn, gương mẫu nào hơn, trong sự khiêm nhường và phục vụ để cạnh tranh hơn không? Hãy để cho những người khác ước ao cố gắng làm Chúa trên những người khác thấy điều này, tất cả chúng ta có gương mẫu và giáo huấn của Chúa Giêsu. Một số người đã cố gắng làm ra vẻ quan trọng, Chúa Giêsu nói: “Đừng làm như thế”.
Thật là tồi tệ khi các tông đồ đã không bao giờ ăn một cái bánh đảo ngược, điều đó thì có thể cho họ nhưng điều đo cũng sẽ là cho chúng ta, một dấu hiệu mà Chúa Giêsu đã đảo ngược lại thành đúng chiều.
(Trích trong ‘Manna’)
Suy Niệm
Ghế tượng trưng cho địa vị, quyền lực và quyền lợi, nên ghế là nỗi ám ảnh của nhiều người. Ghế trưởng phòng, ghế giám đốc, ghế đại biểu... Tất cả nỗ lực dồn vào việc có một ghế, sau đó là giữ ghế, hay tìm cách lên ghế cao hơn. Ngay cả những người đã bỏ mọi sự để theo Chúa cũng bị ám ảnh bởi những chiếc ghế danh dự.
Chính lúc Đức Giêsu nói đến cái chết gần kề của mình, thì Gioan và Giacôbê lại xin được ngồi hai bên tả hữu. Có vẻ họ không bắt được tần số của Thầy!
Thanh tẩy mình khỏi tội lỗi không khó lắm. Nhưng thanh tẩy mình khỏi nhân đức và công trạng của mình thì khó hơn bội phần. Hai môn đệ đã từ bỏ những điều rất cao quý, nhưng bây giờ lại muốn kiếm chút lợi lộc từ chính sự từ bỏ và phục vụ của mình. Họ dám lên tiếng đòi hỏi Đức Giêsu: "Chúng con muốn Thầy làm cho chúng con điều chúng con xin." Thái độ bực tức của mười môn đệ còn lại có thể bắt nguồn từ một sự ganh tỵ ngấm ngầm. Nhiều môn đệ cũng ước mơ hai ghế tả hữu.
Đức Giêsu kéo hai ông ra khỏi tham vọng và đam mê để đưa họ trở về với thực tại gai góc sắp đến. Họ muốn được chung phần với Ngài trong vinh quang, nhưng liệu họ có dám chia phần với Ngài trong đau khổ? Uống chung chén đắng Thầy sắp uống, chịu chung phép Rửa Thầy sắp chịu là chấp nhận bị dìm sâu xuống dòng nước khổ đau.
Thật ra được ngồi hai bên tả hữu Thầy trong vinh quang đâu phải là phần thưởng để trả công cho người bền chí. Trung tín theo Chúa đến cùng đã là phần thưởng rồi. Chúng ta không giữ đạo để đòi một chỗ thật cao, nhưng mong được ban một chỗ thật gần bên Chúa.
Người đứng đầu, người làm lớn, người có quyền thường dễ có thái độ thống trị, áp đặt, hống hách. Chức vụ và quyền lực trở thành phương tiện phục vụ bản thân. Đó là lối lãnh đạo dễ thấy nơi người đời.
Đức Giêsu không chấp nhận chuyện đó nơi Hội Thánh: "Nơi anh em thì không như vậy." Ngài đề xướng một lối lãnh đạo mới. Ai muốn làm lớn, làm đầu trong Hội Thánh phải trở nên đầy tớ và nô lệ cho mọi người.
Đức Giêsu mời chúng ta làm một cuộc cách mạng lớn, không phải chỉ là đổi ngôi, mà là đổi lòng. Tận diệt trong tim những tham vọng ăn trên ngồi trước. Đức Giêsu không ủng hộ một xã hội hay Giáo Hội vô tổ chức. Nhưng Ngài coi lãnh đạo là khiêm nhường phục vụ.
Phục vụ là động từ tóm kết toàn bộ đời Đức Giêsu.
Ngài đến trần gian để phục vụ, sống như người phục vụ, và chết như dấu chứng lớn nhất của phục vụ trong yêu thương.
Gợi Ý Chia Sẻ
- Đức Giêsu chết để chuộc ta khỏi cảnh nô lệ. Ngài tự nguyện trở nên nô lệ để giải phóng ta. Theo bạn, con người hôm nay vẫn nô lệ cho những điều gì? Đâu là những hình thức nô lệ mới của thế kỷ 21?
- "Lãnh đạo là phục vụ". Câu này khá quen thuộc với chúng ta. Bạn nghĩ sống khẩu hiệu này có khó không? Tại sao?
Cầu Nguyện
Lạy Thầy Giêsu, Thầy không gọi chúng con là tôi tớ, Thầy cũng không chỉ coi chúng con là môn đệ. Thầy còn coi chúng con như bạn hữu của Thầy, vì Thầy đã thổ lộ cho chúng con những điều riêng tư thầm kín nhất trong tương quan giữa Thầy với Cha. Hơn nữa, sau phục sinh, Thầy đã gọi các môn đệ là anh em. Mặc nhiên Thầy tự nhận mình là Anh Trưởng đứng đầu một đoàn em đông đúc. Xin cho chúng con luôn thi hành ý muốn của Cha để trở nên những người em cùng huyết nhục với Thầy.
Lạy Thầy Giêsu, Thầy đã nâng chúng con lên làm môn đệ, làm bạn, làm anh em của Thầy. Còn Thầy lại hạ mình xuống phục vụ chúng con như người tôi tớ rửa chân cho chúng con như một nô lệ và chết thay cho chúng con trên thập giá. Xin cho chúng con hiểu được tấm lòng của Thầy và sống yêu thương mọi người như anh em. Amen.
5. Thế giới đảo ngược – Achille Degeest.
(Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’).
Vài ghi nhận chi tiết trước khi đi vào một khía cạnh sâu sắc của bài Phúc Âm Giacôbê và Gioan là con ông Zêbêđê và bà Salômê, bà này có họ xa với Chúa Giêsu. Theo một tục lệ phương đông và đặc quyền huyết tộc, hai anh em có lẽ cho việc cầu cạnh những chỗ trên trước là thường tình vì tất cả tộc họ đều được dự phần vào sự làm nên người trong họ. Mặt khác, ta ghi lại câu đáp của hai anh em trả lời Chúa: Thưa được. Tầm mức của câu đáp đi tới đâu? Có thể họ nghĩ tới sự thiết lập vương quốc mà toàn dân mong đợi, sẽ không tránh được khó khăn và hai anh em tuyên bố sẵn lòng đương đầu. Dường như họ không ý thức được thực tại sau này của Thập Giá. Trong Kinh Thánh, có những đoạn lấy chén uống làm biểu tượng cho niềm vui, trong những đoạn khác làm biểu tượng cho cay đắng, ở đây Chúa theo nghĩa chén uống chỉ sự cay đắng, và phép rửa Người nói đến trong đoạn này có nghĩa tương tự với câu chúng ta thường nói ngày này: ‘Bị dìm sâu trong thống khổ’.
1) Chén Ta phải uống... thanh tẩy ta chịu. Chúa dùng những từ ngữ mà mãi sau cuộc Khổ nạn và Phục sinh các môn đệ mới hiểu, để loan báo rằng số mệnh dưới thế của người không phù hợp với khái niệm của các môn đệ. Họ bám chắc lấy phương án trù hoạch, một vương quốc thế gian mà Chúa sẽ là Vua. Khó khăn lắm Chúa mới đảo ngược não trạng đó và chuyển đổi hy vọng của các môn đệ từ tầm mức tham vọng trần tục, đến thực tại công cuộc cứu rỗi. Cũng giống nhiều đoạn Phúc Âm khác, câu hỏi của Chúa chất vấn chúng ta ngày nay. Cuộc phấn đấu nói trong Phúc Âm, chúng ta quan niệm nó như thế nào? Mục tiêu chúng ta là gì? Giả sử nhân danh lý tưởng quảng đại của một nhân loại tốt đang sống, chúng ta phấn đấu cho một ý thức hệ trong đó Phúc Âm chỉ là một sự đóng góp trong giả thuyết ấy, chúng ta sẽ chỉ mưu tìm chiến thắng cho những tư tưởng của chúng ta. Trên hình diện này, ở ngoài Phúc Âm cũng có những chủ nghĩa độ thế có độ lượng nhưng là thứ độ lượng cuồng tín. Lời kêu gọi trước tiên và đặc thù của Phúc Âm thuộc một trật tự khác, Phúc Âm mời chúng ta tham dự thanh tẩy và chén đắng của Chúa Giêsu.
2) Ai muốn làm lớn trong các ngươi, thì hãy hầu hạ các ngươi. Chúa cố tháo gỡ một thứ xác tín theo bản năng ra khỏi đầu óc các môn đệ, thứ xác tín này khiến người ta nghĩ rằng điều quan trọng là tổ chức thế giới hiện đại theo những lời phán hứa của Thiên Chúa, được họ hiểu theo hướng nghĩ vật chất. Trong thế giới ấy, dịch vụ ‘tốt’ là chiếm lấy những chỗ tốt nhất. Vậy mà Nước Trời có những quy luật khác. Trước khi chính mình làm gương phục vụ hoàn toàn, Chúa cố giác ngộ các môn đệ cho họ ý thức được sự đòi hỏi đó. Chúa làm họ ngẩn ngơ, họ không hiểu Chúa muốn nói gì, nhưng sau này, họ sẽ hiểu và không quên bài học đó. Sau cuộc khổ nạn và Phục Sinh, họ sẽ phát hiện rằng: Tâm điểm của sự đòi hỏi phục vụ chính là tình yêu. Chúa tự hiến, vì tình yêu cho Cha Người, từ Chúa Cha phát xuất tình yêu của Chúa đối với loài người. Tình yêu thương của chúng ta đối với anh em nhân loại có đích thật vững vàng, bền bỉ, độ lượng, rộng lớn, sẵn sàng phục vụ là tùy thuộc ở mức độ chúng ta bị thâu tóm bởi tình yêu của Đức Kitô.
6. Ra lệnh và truyền lệnh – Gm Arthur Tonne.
Francis Joseph, hoàng đế nước Áo và vua nước Hungari từ 1848 đến 1916, một triều đại dài nhất trong lịch sử, cũng là triều đại tiến bộ nhất. Francis Joseph là người nghiêm khắc nhưng ông trị vì rất khoan dung. Khởi đầu triều đại ông, bệnh dịch tả lan tràn khắp Châu Âu. Người ta xin Francis rời Vienna để lánh nạn sang Salzburg cho tới khi tai nạn qua đi. Hoàng đế hỏi: "Ở Salzbugr có đủ phòng cho các con ta không?" Quan cố vấn trả lời: "Chắc chắn, tâu Hòang Thượng, có nhiều phòng cho tất cả hoàng gia".
"Có thực sự đủ phòng cho các con ta?" Vừa chỉ tay qua cửa sổ lâu đài, về phía đám đông dưới, hoàng đế vừa nhắc lại: "Hãy nhìn đám dân này. Chúng là con của ta. Cha của chúng bỏ mặc chúng trong nguy hiểm sao? Không, những người thành Viena yêu quí luôn chia sẻ vui buồn với ta. Ta sẽ không bỏ họ trong giờ lo âu".
Chúng ta vừa nghe: Hai môn đệ Đức Kitô. Giacôbê và Gioan muốn được địa vị vinh dự và uy quyền trong Nước Chúa, Chúa Giêsu nhắc họ rằng: "Những người cai trị thế gian thì sai khiến con dân mình. Nhưng đó không phải là đường lối của Nước Chúa. Trong Nước Chúa ai có quyền bính phải là đầy tớ của người dưới quyền mình". Francis Joseph là một tấm gương về điều ấy.
Ngày nay, người ta tranh luận nhiều về quyền bính và tự do. Một chân lý nền tảng cho cuộc tranh luận này là: Trong mọi xã hội, loài người đều phải có người nắm quyền bính, một người có quyền và có bổn phận ra lệnh, một người có quyết định tối hậu. Bạn không thể có một quốc gia không người thủ lĩnh. Bạn không thể có một đội banh không huấn luyện viên, một chiếc tàu không có thuyền trưởng, một quân đội không tướng, một bộ lạc không tù trưởng, một xí nghiệp không giám đốc. Mỗi tập thể loài người đều phải có "ông Bầu" hoặc chỉ định hoặc bầu lên.
Chúa Giêsu biết cần phải có quyền bính. Người chỉ than phiền là nhiều người lạm quyền, lạm dụng quyền bính. Người ta ích kỷ, bất công, có khi còn tàn bạo nữa. Trong Nước Chúa Kitô, người lãnh đạo phải là đầy tớ của mọi người.
Bây giờ chúng ta tìm câu trả lời cho vấn đề quyền bính và tự do. Người chỉ huy phải dự tính và hành động vì lợi ích của tập thế. Cùng lúc người dưới phải được tự do góp ý, có khi còn phải phê bình nữa. Tóm lại, mọi người phải hành động theo quyết định của người có trách nhiệm với đoàn thể. Cũng vậy trong một thể chế dân chủ, người lãnh đạo được bầu lên có bổn phận phải quyết định. Đây cũng là đường lối trong đơn vị xã hội nhỏ bé nhất và quan trọng nhất: gia đình. Nhiều gia đình bàn luận về mọi vấn đề và quyết định như một tập thể. Rất nhiều gia đình không có ai chịu trách nhiệm tối hậu. Đó cũng là tình trạng của nhiều tổ chức như trường học và xứ đạo. Do đó chúng ta thường thấy: đáng lý những người phải vâng lời lại ra lệnh cho người có trách nhiệm.
Việc phượng tự chung của gia đình Chúa là một điển hình tập thể nghĩ tưởng và hành động với nhau. Thánh lễ có thể dạy chúng ta ra lệnh thế nào và tuân lệnh làm sao.
Xin Chúa chúc lành bạn.
7. Con Người đến để phục vụ – Noel Quesson.
Martin Caphu là người Bangla thuộc Cameroun Phi Châu. Cha anh là quốc vương Bangla. Từ thiếu niên, anh đã quen với phong trào Tổ Ấm, một tổ chức Công giáo làm việc xã hội ở Phi châu. Thấy các thành viên Tổ Ấm xả thân giúp đỡ người đồng loại, anh Caphu rất cảm phục, và tới năm 1963, vào lúc mười bảy tuổi, anh xin trở lại Công giáo. Sau khi tốt nghiệp Trung học, anh được Gia đình gởi về Rôma học ngành điện tử. Đậu tiến sĩ điện tử xong, anh Caphu gia nhập phong trào Tổ Ấm.
Năm 1980, cha anh qua đời, và theo chúc thư, ông đã chọn Caphu kế vị ngai vàng. Caphu vội vã trở về Bangla, anh họp cả sắc tộc lại và xin mọi người đề cử người khác làm vua. Còn anh, anh muốn dành cả cuộc sống làm việc xã hội theo tinh thần Kitô giáo. Và mọi người đã đồng ý.
Trong cuộc sống trần gian, ai cũng muốn có danh vọng, và người ta thường xếp tiền tài danh vọng như một cặp bài trùng. Caphu đã từ chối ngai vàng để phục vụ Chúa đắc lực hơn. Còn Giacôbê và Gioan, hai ông lại tới xin Chúa cho một địa vị trong Nước Chúa, các ông hiểu đây là nước trần gian mà các ông nghĩ Chúa sắp thiết lập.
Nhân dịp này Chúa Giêsu cắt nghĩa cho các ông hiểu thêm về công việc của Người. Người là Chúa Cứu Thế, Đấng Cứu chuộc trần gian bằng đau khổ, bằng thập giá chứ không phải bằng một hoạt động chính trị, Chúa buồn rầu trách nhẹ các ông. Các con chẳng biết mình xin cái gì! Nhưng Chúa thấy các ông chân tình và nồng nhiệt, nên Chúa cũng hé mở cho các ông một vài nét về tương lai: Các con sẽ uống chén đắng Ta uống, và đắm mình trong phép rửa bằng máu như Ta. Còn việc ngồi bền tả hay bên hữu Ta thì lại là chuyện khác. Những lời này làm hai tông đồ hoang mang, nhưng về sau các ông sẽ hiểu và coi đó là một động cơ cho niềm tin trong hoạt động rao giảng Tin Mừng.
Đọc lại câu chuyện hai tông đồ, có lẽ chúng ta mỉm cười. Nhưng trong cuộc đời Kitô hữu, nhiều khi chúng ta cũng chỉ nhằm lợi ích, địa vị cho mình, chúng ta nghĩ tới một bảo đảm cho cuộc sống hiện tại và mai sau. Đáng lẽ chúng ta phải đặt Chúa làm trung tâm đời sống, chúng ta muốn thực thi lòng tôn sùng, muốn dâng lời cảm tạ ngợi khen và phó thác tin tưởng vào Chúa. Còn tương lai của ta hoàn toàn do Chúa xếp định. Đó mới là tâm tình của người con thảo sống bên Cha hiền.
Lời thỉnh cầu của Giacôbê và Gioan đã làm các tông đồ khác khó chịu, vì tất cả các ông đều cùng tâm trạng như nhau, dù chưa dám xin Chúa. Cho tới lúc đó chưa ai hiểu được tư tưởng của Chúa. Chúa đã nói về cuộc khổ nạn của Người tới ba lần (Mc 10, 32-34) với những lời lẽ rõ rệt: Con Người sẽ bị bắt nộp, sẽ bị xử tử, bị chế giễu, ngừơi ta khạc nhổ vào mặt, đánh đòn và giết chết… Trong lúc Chúa Giêsu tự chọn chỗ rốt hết, thì các môn đệ lại mơ màng danh vọng, lại nghĩ tới địa vị cao sang. Một lần nữa Chúa nói lại chủ trương của Chúa trong tổ chức Người. Khác hẳn mọi tổ chức trần gian, ở đây người nào muốn lãnh đạo phải là tôi tớ, ai muốn đứng đầu phải trở thành nô lệ cho mọi người. "Vì Con Người không đến để cho người ta hầu hạ, nhưng để hầu hạ và hiến mạng sống làm giá cứu chuộc muôn dân". Đó là căn bản Hiến pháp của Giáo hội Chúa.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết noi gương Chúa, không màng tới địa vị cho mình, nhưng luôn dấn thân phục vụ anh em, như Chúa đã đến phục vụ và hy sinh cả mạng sống làm giá cứu chuộc chúng con.
Con Người đến để phục vụ.
Nhìn vào cuộc đời Chúa Giêsu, chúng ta thấy chính Ngài đã thực hiện lời giảng dạy của mình.
Thực vậy, với tinh thần phục vụ, Ngài đã xuống thế làm người, để giải thoát chúng ta khỏi vòng nô lệ của tội lỗi. Với tinh thần phục vụ, Ngài đã thực hiện những phép lạ để xoa dịu nỗi đớn đau của những người mà Ngài có dịp tiếp xúc. Với tinh thần phục vụ, Ngài đã chấp nhận cái chết trên thập giá để cứu độ chúng ta khỏi án phạt đời đời.
Đồng thời, Ngài cũng muốn chúng ta noi gương bắt chước Ngài thực hiện tinh thần phục vụ trong đời sống thường ngày. Ngài phán:
- Ai muốn làm lớn thì hãy trở nên rốt hết và làm tôi tớ cho mọi người.
Trong bữa tiệc ly vào buổi chiều ngày thứ năm tuần thánh, Ngài đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ để dạy cho các ông bài học khiêm nhường và phục vụ:
- Nếu Ta là Thày và là Chúa của các con, mà còn quỳ xuống rửa chân cho các con, thì các con cũng phải quỳ xuống mà rửa chân cho nhau.
Trải qua dòng thời gian, biết bao nhiêu người đã thực hiện lời khuyên trên đây của Chúa Giêsu.
Phanxicô d’Assie, mặc dù thuộc về gia đình quyền quý và giàu sang, nhưng đã từ bỏ tất cả, để sống khó nghèo, trở nên một người anh em hèn mọn để phục vụ những người khổ đau.
Gần đây, một Kitô hữu Nhật Bản nổi tiếng, tên là Kagawa, cũng đã từ bỏ căn nhà tiện nghi, đến sống trong những khu tồi tàn vùng Tokyo, để chia sẻ chính bản thân và của cải mình cho những ai đang cần đến một sự giúp đỡ. Một tác giả đã viết về ông như sau: Ông đã cho đi tất cả quần áo của mình và chỉ mặc trên người chiếc áo thụng đã cũ. Lần kia, mặc dù đang ốm, ông vẫn tiếp tục đi dạy giáo lý dưới cơn mưa, ông lặp đi lặp lại không ngừng: Thiên Chúa là tình yêu. Ở đâu có tình yêu thì ở đó có Thiên Chúa. Trong một bức thư, chính ông đã viết như sau: Chúa ở trong tâm hồn những người hèn mọn nhất. Ngài hiện diện giữa những kẻ ăn xin, Ngài nằm chung với những bệnh tật. Ngài đứng về phe những người thất nghiệp. Vì thế, ai muốn gặp Chúa thì hãy đến thăm nhà tù trước khi đến nhà thờ, đến thăm bệnh viện trước khi tham dự thánh lễ. Hãy giúp đỡ người nghèo khổ trước khi đọc Kinh Thánh.
Còn chúng ta thì sao? Chúng ta phải làm gì để sống tinh thần phục vụ một cách thiết thực hơn? Chúng ta phải làm gì để trở thành những Kitô hữu đích thực trong chính gia đình và môi trường làm việc của mình? Tất cả chúng ta đều có thể làm một điều gì đó, dù rất nhỏ bé và vô nghĩa, khởi đầu là cho những người thân yêu trong gia đình, rồi từ đó mở rộng việc phục vụ ra môi trường rộng lớn hơn. Còn nếu không khởi sự từ gia đình thì chúng ta cũng sẽ chẳng bao giờ khởi sự được ở bất cứ nơi nào khác.
Và để kết luận, chúng ta nên nhớ: Mỗi khi chúng ta phục vụ anh em, cho dù bằng những việc làm nhỏ bé và tầm thường nhất, thì đó cũng là chúng ta phục vụ cho chính Chúa vậy.
Lắng nghe đoạn Tin Mừng hôm nay, tôi bỗng nhớ tới một vài câu đố, thoạt xem ra thì có vẻ vô lý, nhưng ngẫm nghĩ lời giải đáp thì lại thấy có lý.
- Câu đố thứ nhất: cái gì càng kéo thì lại càng ngắn. Tôi xin thưa đó là điếu thuốc lá.
- Câu đố thứ hai: cái gì càng to càng bé. Tôi xin thưa đó là con cua.
Từ câu đố thứ hai này, tôi muốn đi vào tinh thần của lời Chúa: Ai muốn làm lớn thì phải trở nên kẻ hầu hạ. Còn ai muốn làm đầu, thì phải trở nên đầy tớ. Như vậy có nghĩa là càng làm to thì càng phải sống bé nhỏ khiên tốn trong tinh thần phục vụ.
Suy đi nghĩ lại, tôi thấy lời Chúa hôm nay quả thật rất đúng cho mọi mọi người ở mọi nơi và trong mọi lúc. Thời buổi nào cũng vậy, ngày xưa cũng như ngày nay. Thực vậy, bất kỳ chế độ nào cũng hô hào lấy dân làm gốc. Người công an cảnh sát là bạn của dân. Còn công chức cán bộ là nô bộc, là đày tớ của dân. Nhưng đó mới chỉ là những khẩu hiệu, việc thực hiện mới chỉ được phần nào, nếu không muốn nói là nhiều khi đã đi ngược lại với những lời hô hào kể trên.
Ngày xưa, ông vua làm đầu trong một nước. Vua phải tôn trọng dân, vì ý dân là ý trời, như người đời vốn thường bảo:
Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh.
Nghĩa là dân đáng quí nhất, tiếp đến là đất nước, rồi sau mới tới nhà vua.
Thế nhưng, nhiều ông vua đã không tôn trọng nguyên tắc ấy, cai trị dân như tên hôn quân bạo chúa, dùng pháp luật và quyền lực để áp chế dân, đúng như Chúa đã nói.
Còn ngày nay, những cán bộ và công nhân viên cấp lớn, cũng vốn tự xưng mình là bạn dân, là đầy tớ của dân, thế nhưng lại quan liêu hống hách, khiến cho người dân thấp cổ bé miệng phải khốn đốn khổ sở.
Nhiều kẻ vơ vét về cho đầy túi bằng tham nhũng hối lộ, theo kiểu làm quan để được vinh thân phì gia. Nhiều kẻ lợi dụng chức quyền để bênh vực hay đề bạt đàn em, gương cao ô dù theo kiểu: một người làm quan cả họ được nhờ.
Vì thế, trong những ngày gần đây báo Tuổi Trẻ cũng như nhiều báo khác đã có những bức biếm họa, những bài phiếm luận đượm mùi cay đắng, nói lên tình trạng trộn đảo lộn khác thường: đầy tớ thì đi xe con còn ông chủ thì đi xe lớn, đầy tớ thì quát tháo còn ông chủ thì đứng mà run…
Vì thế, cần phải đổi mới cách nghĩ và cách sống, nhất là cần phải bám sát vào tinh thần của lời Chúa. Càng làm lớn thì càng phải tỏ ra khiêm nhường và bé nhỏ trong tinh thần phục vụ. Chúa Giêsu đã nói và đã làm như vậy. Là Thiên Chúa, Ngài đã trở nên một người như mọi người và hơn thế nữa, Ngài còn vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá để cứu chuộc chúng ta.
Trong ngày thứ năm tuần thánh, để nêu gương khiêm nhường và phục vụ, Ngài đã quì xồng rửa chân cho các môn đệ, như lời Ngài đã phán:
- Ta đến không phải để được phục vụ, nhưng đến để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người… Các con gọi Ta là Thày và là Chúa thì phải lắm. Nếu Ta là Thày và là Chúa mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau.
Trải qua dòng thời gian, biết bao nhiêu người đã thực thi lời Chúa, đã sống khiêm nhường và phục vụ anh em. Ngay cả đến Đức Thánh Cha, trong mọi văn thư chính thức, bao giờ cũng tự xưng là “Servus servorum” nghĩa là đầy tớ của các đầy tớ.
Chúng ta cũng vậy, dù nắm giữ chức vụ nào trong xã hội cũng như trong tôn giáo, phần đạo cũng như phần đời, chúng ta hãy sống khiêm nhường và phục vụ. Bởi vì như lời Chúa đã xác quyết:
- Ai muốn làm lớn thì phải trở nên kẻ hầu hạ. Còn ai muốn làm đầu thì phải trở nên đầy tớ.
Nghĩa là càng to, thì lại càng phải nhỏ.
Trên đường đi lên Giêrusalem, một lần nữa, đây là lần thứ ba, Chúa Giêsu lại loan báo cho các môn đệ về những đau khổ và cái chết Ngài phải chịu ở Giêrusalem. Lần này thánh Marcô không kể lại phản ứng của các môn đệ như thế nào, nhưng câu chuyện kể ra liền sau đó đã nói lên một cách sâu sắc rằng các ông vẫn chưa hiểu gì. Trái lại, các ông tưởng đâu Chúa sẽ ra đi làm vua thống trị, thì họ sẽ được những ghế cao trong nước Chúa, bởi vì trước đây vài tuần Chúa đã hứa là họ sẽ được ngồi trên ngai xét xử mười hai chi tộc Ítraen. Nhân câu chuyện này, Chúa Giêsu lại giảng thêm về ý nghĩa cái chết của Ngài và về cách thức làm môn đệ của Ngài.
Khởi đầu câu chuyện là việc hai anh ruột Giacôbê và Gioan đến xin Chúa Giêsu cho họ được ngồi hai bên tả hữu Chúa trong nước Chúa. Tức là hai ông muốn xin được địa vị cao trong nước Chúa khi Ngài được làm vua dân Do thái. Theo bài Tin Mừng thánh Marcô hôm nay thì chính hai môn đệ Giacôbê và Gioan xin Chúa Giêsu. Còn Tin Mừng thánh Matthêu lại cho biết: không phải hai môn đệ thỉnh nguyện mà là bà mẹ của hai ông đã đến thỉnh cầu cho hai con bà. Bà mẹ nào chẳng thế! Ai lại chẳng muốn cho con mình được chỗ tốt nhất, được vinh dự. Chúa Giêsu quá biết tâm lý tự nhiên của mỗi người: muốn được làm lớn, được vinh dự, được làm thủ lãnh sai bảo người khác. Chúa đã sửa bảo họ một cách tế nhị.
Trước hết, Chúa hỏi họ: “Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” Hai ông vui vẻ và mau mắn trả lời ngay: “Thưa được”. Chắc chắn lúc ấy hai ông chưa ý thức và chưa hiểu rõ thế nào là uống chén và thế nào là chịu phép rửa. Bởi vì ngay những tư tưởng về nước trời và vinh quang nước trời hai ông cũng chưa hiểu đúng, nên mới xin Chúa một cách đơn sơ được ngồi hai bên tả hữu Chúa.
Vậy “chén” và “phép rửa” Chúa Giêsu nói ở đây là gì? Trong Cựu ước, “chén” đôi khi cũng dùng để chỉ phúc thái ơn lộc, nhưng qua thời các ngôn sứ, “chén” thường được dùng để chỉ đau khổ, bất hạnh. Trong vườn cây dầu, Chúa Giêsu đã cầu nguyện: xin Chúa Cha cất chén đau khổ, nhưng đừng theo ý Con, một theo ý Cha mà thôi. Còn “phép rửa” ở đây là cái chết đau thương của Ngài, đây là phép rửa bằng máu, cũng có nghĩa là đau khổ. Nói chung, điều kiện mà Chúa đòi hỏi hai anh em Giacôbê và Gioan là có sẵn sàng chịu đau khổ với Ngài không? Lúc ấy hai ông thưa được dù chưa hiểu, nhưng sự thật sau này hai ông đã uống chén và chịu phép rửa như đã cam kết với Chúa. Vào năm 44, thánh Giacôbê đã chịu tử đạo dưới thời vua A-gờ-ríp-pa đệ nhất, và là thánh tông đồ chịu tử đạo đầu tiên. Còn thánh Gioan, nếu không có một phép lạ thì cũng đã chết tử đạo khi bị bỏ vào vạc dầu sôi. Nhưng dù sao ngài cũng chết anh hùng sau chuỗi ngày bị lưu đày ở đảo Pát-mô.
Ngoài ra, nhân dịp này Chúa còn dạy các môn đệ một bài học sâu xa về lòng khiêm nhường phục vụ và thắng vượt lòng ghen tị. Sở dĩ các môn đệ khác bực mình với Giacôbê và Gioan bởi vì họ cũng có lòng ghen tị không muốn cho hai anh em kia được phần hơn. Các môn đệ suy nghĩ về nước Chúa Giêsu ở trần gian này. Nhưng Chúa lại suy nghĩ một cách khác. Nước Ngài không thuộc về thế gian, nơi đó người có quyền áp bức người yếu thế, người giàu sang cai trị người nghèo đói. Nước Trời ngay trong lòng mỗi người, là Giáo Hội của Chúa, nơi đó không dựa trên quyền bính nhưng dựa trên tình thương. Đó là nơi không có hận thù, ghen tị, tranh chấp.
Trong Giáo Hội cũng như trong bất cứ một tập thể nào, thường có một người đứng đầu để điều khiển những người khác và tổ chức sinh hoạt, không thể nào có cảnh “cá đối bằng đầu” mà mọi việc được xuôi lọt, vì sẽ không ai muốn tùng phục ai. Điều quan trọng mà Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh: không phải là hủy bỏ chức vụ của những người đứng đầu, chức vụ của những người lãnh đạo, nhưng đừng dùng địa vị và quyền bính của mình để áp bức người khác, lên mặt ta đây tự cao tự đại. Trái lại, phải biết phục vụ. Lòng kiêu ngạo muốn tranh đấu để làm đầu mọi người vốn là điều không tốt, nhưng lòng ghen tị cũng không tốt đẹp gì. Hai tật xấu này vốn là những khuyết điểm đã từng làm cản trở sự phát triển đời sống con người về mọi phương diện. Nên Chúa Giêsu bảo chúng ta phải loại bỏ hai tật xấu ấy.
Xin Chúa cho chúng ta luôn có tham vọng tốt để phát triển khả năng của chúng ta và sử dụng khả năng đó để phục vụ mọi người. Đồng thời xin Chúa cho chúng ta luôn vui vẻ với mọi người, không ghen tị, để chúng ta luôn được mọi người yêu mến, và nhất là Chúa Giêsu cũng sẽ hài lòng về chúng ta.
11. Chú giải của Noel Quesson.
Hai người con ông Dêbêđê là Giacôbê và Gioan đến gần Đức Giêsu và nói: "Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây."
Đây là hai chàng thanh niên con trai của ông Dêbêđê, làm nghề chài lưới, ở Bết-sai-đa một cảng nhỏ trên bờ hồ Ti-bê-ri-át. Mẹ của họ có lẽ là bà Xalômê, chị em với Đức Maria mẹ Đức Giêsu (Mc 15,10 - 16,l). Theo tục lệ tự nhiên trong nhiều nền văn minh phương Đông, họ cho là tự nhiên khi sử dụng các quyền của người trong dòng họ: Vì là anh em bà con với Đức Giêsu, họ đến xin người bà con cho "dòng họ" được tham dự vào sự thành công của một thành viên trong gia tộc.
Vả lại Đức Giêsu đã chẳng nói như thế sao: "Các ngươi hãy xin, thì sẽ nhận được". Vậy họ đưa ra một lời xin: "Thưa Thầy, chúng tôi muốn Thầy ban cho điều mà chúng tôi xin". Đây là một dịp mà chúng ta cần phải nắm vững, vì đôi khi chúng ta cũng ngạc nhiên về một số lời cầu xin của mình không được chấp nhận, ‘như’ chúng ta mong muốn.
Người hỏi: "Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?"
Lời cầu xin của họ quá mơ hồ. Đức Giêsu bảo họ hãy nói rõ lời yêu cầu đó.
Các ông thưa: "Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy.
Lần thứ ba, Đức Giêsu vừa loan báo cho các môn đệ sự thương khó của Người (Mc 10,32-34) "Nào chúng ta lên Giê-ru-sa-lem; Con Người sẽ bị giao nộp cho các Thượng tế. Họ sẽ lên án tử hình Người. Họ sẽ nhạo báng Người, sẽ khạc nhổ vào Người, sẽ đánh đòn và giết Người". Vào lúc Đức Giêsu "chọn chỗ chót" thì các ông lại cố "đua nhau” chiếm chỗ tốt hơn: Họ vẫn còn mơ mộng về Đấng Cứu Thế vinh quang của dân tộc. Đấng Cứu Thế đối với họ (và đối với chúng ta?), đó là Đấng chiến thắng hiển hách, sẽ dùng quyền lực của mình điều khiển mọi sự. Vậy tại sao lại không lợi dụng người anh em bà con để được thăng tiến, được hưởng đặc quyền, được tiến cử? Chúng ta chớ nên xét đoán các ông một cách khắt khe.
Chính chúng ta đã không làm như thế, khi chúng ta có dịp hay sao? Đó là chuyện thường tình của con người! Khi chúng ta quen lớn, thì tự nhiên chúng ta không muốn nhờ vả để trục lợi sao? Nhưng chúng ta hãy đi xa hơn: Đời sống Kitô hữu của chúng ta có phải là một cuộc sống phụng sự Thiên Chúa hay không? Hay đó là một cuộc sống mà chúng ta chỉ muốn Thiên Chúa phục vụ chúng ta? Việc hành đạo của chúng ta có phải là một sự thờ phượng, ca ngợi và vâng phục hướng về Thiên Chúa không? Hay đó chỉ là một thứ "bảo hiểm cho đời sau”? Lạy Thầy, xin dành cho con một chỗ phụ chắc chắn ở trên trời.
"Các anh không biết các anh xin gì!”
Thực vậy, họ đâu có biết "ai" sẽ ở "bên phải và bên trái" của Đức Giêsu, khi Người ở trong "vinh quang" của Người trên thập giá? Họ đang xin mà không biết chỗ của hai tên cướp bị đóng đinh cùng với Người trên đời. Họ vẫn chưa hiểu gì cả về định mệnh đích thực của Chúa Giêsu. Bằng những câu hỏi, Đức Giêsu đang cố chuyển biến tư tưởng của họ từ "vinh quang của Đấng Mêsisa" sang “con đường dẫn đến vinh quang" đó. Chúng ta cũng vậy thường chúng ta không biết điều mà chúng ta xin: Đó là lý do tại sao những lời cầu xin của chúng ta không được chấp nhận.
Chúng ta hãy để cho Thiên Chúa dời chúng ta đi, cho Người sửa đổi lời xin của chúng ta. Thiên Chúa nói: "Các con không biết các con xin những gì, các con hãy tin Ta hơn". "Sự vinh quang" mà các ông xin, hỡi Giacôbê và Gioan, các ông sẽ nhận được vào một ngày nào đó! ước mộng tuổi trẻ của các ông sẽ được thực hiện trong tuổi chín muồi của các ông.
Thực vậy, Giacôbê sẽ là vị tử đạo đầu tiên ở Giêrusalem (Cv 12,2) và Gioan sẽ phải chịu bắt bớ thời hoàng đế Nêrông, bị khổ sai tại đảo Patmos (Kh 1,9).
Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu. Đức Giêsu dùng hai hình ảnh cổ truyền của Kinh Thánh để giúp họ sửa đổi lời yêu cầu và ý muốn của họ: Đó là chén đắng và phép rửa. "Chén" trong Kinh Thánh là "chén đắng", thức uống ghê tởm, khó nuốt. "Chúa cầm chén trong tay”. Người rót một thứ rượu thuốc đã lên men: Họ sẽ uống rượu này, họ nốc đến cạn (Tv 75,9). ‘Phép rửa’ có một ý nghĩa tương tự: Đó là hình ảnh sự nhào nặn, chìm nghỉm; "Hết thảy nước đó sóng tràn ngập lút trên tôi" (Tv 42,9). Đức Giêsu biết rõ những gì sẽ xảy đến cho Người. Và Người hỏi hai môn đệ: "Các con có thể uống được chén đắng của sự thương khó Thầy không? Và chịu dìm vào phép rửa bằng máu của Thầy không? Như Thầy và cùng với Thầy, các con có chấp nhận vùi sâu dưới dòng nước chết đuối bi thảm này nghĩa là chia sẻ cái chết của Thầy không?
Các ông đáp: "Thưa được"
Họ tỏ ra quảng đại trong sự hăng say của tuổi trẻ.
Họ sẵn sàng trả giá bằng chính bản thân của mình, để 'uống’ chén đắng và bị dìm sâu trong phép rửa. Chúng ta đừng quên rằng khi Máccô viết Tin Mừng của ông, thì đã có 2 bí tích đang được các Kitô hữu thể nghiệm, như chúng ta ngày nay. Chúng ta gán cho Phép rửa tội và Thánh Thể mà ta lãnh nhận ý nghĩa nào? "chén mà chúng ta hiệp thông có thông hiệp với sự hy sinh của Đấng đã hiến ban mạng sống của Người không? Đức tin ngày chịu phép rửa có làm cho chúng ta "Theo Đức Giêsu không? và theo tới đâu?
Đức Giêsu bảo: "Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu.
Khi Máccô ghi lại lời tiên tri này của Đức Giêsu, thì nó đã được thực hiện một phần rồi. Vào năm 44, Giacôbê đã tử đạo. Vào thời đó Vua Hêrôđê đã bách hại một số thành viên của Giáo Hội. ông ấy đã cho chém đầu Giacôbê, người "anh em" của Gioan. Và khi nhận thấy người Do Thái hài lòng về việc làm đó, ông lại cho tiến hành cuộc bắt giữ khác (Cv 12,2-3). Kitô hữu là theo Đức Giêsu!
Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được.
Một lần nữa Đức Giêsu nói lên những lời khiêm nhường lạ lùng, trước Cha của Người: Người nói Người "không có quyền”. Người tỏ ra vâng phục. Qua lời này Người mời gọi chúng ta đến lượt mình, cũng để Thiên Chúa tùy nghi định đoạt về chúng ta. "Vinh quang" đó, Giacôbê và Gioan sẽ nhận được, nhưng không phải là thứ vinh quang mà hai ông ước vọng: Đó sẽ là vinh quang của Đức Giêsu cho. Do đó Chúa đã chấp nhận lời cầu xin của hai ông. Còn chúng ta thì sao? Khi lời cầu nguyện của chúng ta xem ra không được chấp nhận, chúng ta có luôn phó thác nơi Chúa, để Chúa chấp nhận, lời xin đó theo ý của Người hay không? Chính Đức Giêsu cũng đưa dẫn các bạn hữu của Người tới mầu nhiệm không thể dò thấu được của ý định Thiên Chúa.
Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Giacôbê và ông Gioan
Các ông bực mình vì các ông cũng có tham vọng như thế!
Đức Giêsu gọi các ông lại và nói: "Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân
Một lần Đức Giêsu nói về "chính trị” thì Người lại mô tả quá mạnh và khá mù tối. Ta không thể nói, Đức Giêsu muốn thiết lập một thế giới không có hệ thống hành chánh hay san bằng cấp bậc.
Nhưng, một lần nữa như đối với cách sử dụng (tiền bạc hay vấn đề tính dục), Người bác bỏ những lạm dụng: Quyền thế không được áp dụng như một cách để thống trị và hà hiếp, hay như một "tương quan lực lượng" mạnh được yếu thua. Đức Giêsu nói: "Không được như vậy”.
Nhưng giữa anh em thì không được như vậy
Đức Giêsu dứt khoát loại bỏ trong Giáo Hội, trong cộng đoàn Kitô hữu, kiểu quyền bính vẫn được thực thi trên thế giới.
Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người.
Đây không phải là một điều luật trong những điều luật khác nhưng đó là "hiến chương" của Giáo Hội, của cộng đoàn các môn đệ: Mỗi người phải trở nên đầy tớ của mọi người.
Hình ảnh mà Đức Giêsu đưa ra ở đây lại càng rõ nét. Ý mà chủ "đầy tớ" không nói ra ở đây, thì từ "nô lệ" lại nói lên một cách mạnh mẽ, bằng cách thêm ý "tùy thuộc" vào người mà ta phục vụ. Trong Giáo Hội, phải triệt để từ bỏ nguyên tắc thăng thưởng, quân hàm, công nghiệp, tước vị huy chương và chỗ danh dự. Chỉ có một nguyên tắc mà thôi: Đó là sự phục vụ, khiêm tốn. Cần nói về những vị có một vai trò đặc biệt, ta sẽ dùng kiểu nói "thừa tác viên" chữ này trong tiếng La tinh có nghĩa là "đầy tớ". Không có lãnh tụ theo nghĩa thế gian trong Giáo Hội. Chỉ có những “thừa tác viên", những "người phục vụ”.
Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.
Lý do căn bản của "hiến chương" nguyên thủy này của Giáo Hội, là Giáo Hội đương nhiên phải bắt chước Đức Giêsu. Cần lưu ý về ý nghĩa tích cực mà Đức Giêsu đã gán cho cái chết của Người. Trong ý thức của Người, Người không nghĩ về cái chết này một cách đau khổ; con đường thập giá đối với Người không phải là "chịu đau khổ" mà là “phục vụ”. Mặc dù Người có quyền hạn đầy đủ vì là con Thiên Chúa, thế mà Đức Giêsu đã không hành xử như một vị thống trị, nhưng như "một người đầy tớ". Người đã không đóng vai “lãnh chúa" mà là "gia nhân" (Ga 13,13) bằng cách hầu bàn chiều Thứ Năm Thánh. Các bác cha mẹ Kitô hữu cũng phải hành xử như thế, đối với những kẻ dưới quyền của mình. Các người có trách nhiệm cũng phải hành xử như thế, đối với thuộc cấp của mình. Chúng ta có đón nhận lời mời gọi của Đức Giêsu một cách nghiêm chỉnh không? Chúng ta chớ nên xét lương tâm kẻ khác. Tôi đang có khuynh hướng "thống trị" ai? Tôi phải "thương yêu” ai? Tôi phải "phục vụ”ai?
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm