Suy tư về sự chết
Nhân tháng 11, tháng các linh hồn, xin có đôi dòng suy tư về sự chết như sau: Tuần qua, tôi được tham dự 2 đám tang, tiễn đưa một người trẻ mới 42 tuổi đời, và một cụ bà hưởng thọ 80 tuổi.
Trong bài giảng lễ an táng người trẻ này, linh mục chủ tế cho rằng: chúng ta sống là sống cho Chúa và chết cũng là chết cho Chúa. Trong cái nhìn của lòng tin thì người thanh niên dù tuổi đời mới ở tuổi 42, nhưng trong cái nhìn của Thiên Chúa, thì đời của anh như vậy là đủ, là đã đầy với Ngài, nên Ngài đưa anh về bên Ngài, để được hạnh phúc viên mãn đời đời bên Ngài. Trong cái nhìn của người đời, anh này được cho là chết trẻ, và người cha trong lời cám ơn cuối Thánh lễ cho anh là người con xấu số, người con vắn số của mình. Và trong hoàn cảnh này, người đời có thể nói:
“Lá vàng còn ở trên cây,
Lá xanh rụng xuống, trời hay chăng trời?”
Nhưng trước mặt Thiên Chúa và trong lòng tin, số phận của mỗi người do Ngài định đoạt, và mỗi người chúng ta được Ngài yêu thương, săn sóc tận tình với tất cả tình phụ tử thắm thiết.
Còn trong Thánh lễ an táng cụ bà 82 tuổi, cha giảng lễ lại nhìn vào các con bà: 3 trai, 4 gái. Tất cả đều thành đạt để cho rằng: Nhìn quả biết cây. Điều quan trọng nhất là cụ bà đã trao cho các con đức tin, niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa như bà. Người con trưởng của bà là một giáo sư đã hàng chục năm qua đào tạo nhiều thế hệ linh mục DCCT. Và hiện vẫn còn tiếp tục hăng say, nhiệt tình làm công việc tốt đẹp này.
Như vậy, dù người tin ra đi về đời sau ở tuổi nào, trong hoàn cảnh nào, thì cũng biết chắc rằng mình có chốn để về. Đó là về nơi mình phát xuất, về cùng người Cha hết lòng yêu thương, đã tạo thành mình và nay đưa mình về hưởng hạnh phúc viên mãn bên Ngài đời đời. Còn những người không tin, không biết mình sinh ra để làm gì? Chết rồi sẽ đi về đâu? Họ chỉ có đời này, và khi chết chỉ còn nấm mồ. Thế là hết! Khi sống thu tích của cải cho thật nhiều, nhưng khi chết sẽ ra đi với hai bàn tay trắng!
Được biết: cháu nội bà cụ, cháu đích tôn của cụ, người đọc Sách Thánh trong Thánh lễ an táng bà nội là một bác sĩ, trưởng khoa chẩn đoán hình ảnh của một bệnh viện lớn tại TPHCM và là giảng viên khoa này tại Đại học Y dược TP. Người cháu trai nữa cũng là một bác sĩ, du học tại Pháp và đang tu nghiệp tại Hoa Kỳ. Cả hai nam bác sĩ trẻ này đang làm luận án Tiến sĩ. Người con thứ ba là nữ, đã tốt nghiệp Đại học về Quản trị Kinh doanh và đang làm việc cho một công ty nước ngoài tại Sàigòn.
Sau mỗi Thánh lễ khi ra về, tôi có những suy nghĩ mông lung. Nhưng suy đi nghĩ lại, tôi thấy những người con Chúa, những người tin Chúa quả thật là có phúc vì biết mình từ đâu mà sinh ra, sống để làm gì và khi chết sẽ đi về đâu.
Chúng con cậy vì Danh Chúa nhân từ, cho linh hồn Philipphê và Maria được lên chốn nghỉ ngơi, hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ đời đời chẳng cùng. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm