Tại sao Đức Giêsu lãnh nhận phép Rửa?
Hoạt động công khai của Đức Giêsu bắt đầu với việc Ngài nhận phép Rửa từ Gioan Tẩy giả trên sông Giođan. Cả bốn Tin Mừng đều ghi lại sự kiện này.
Phép Rửa của ông Gioan bao gồm việc xưng thú, từ bỏ tội lỗi và bắt đầu một cuộc sống mới. Nghi thức thực sự của phép Rửa biểu tượng cho điều này. Một mặt, việc nhận chìm vào trong nước là biểu tượng cho sự chết, gợi nhớ lại sự chết chóc thuộc về quyền năng tiêu huỷ và tàn phá của dòng nước. Lý trí thời xưa quan niệm đại dương như sự đe doạ thường xuyên cho con người và vũ trụ; nhưng mặt khác, nước cũng là nguyên lý, và là nguồn mạch của sự sống. Sông Giođan cũng có thể nhận lấy giá trị biểu tượng này cho những ai được nhận chìm trong đó để được thanh tẩy, được giải thoát khỏi nhơ bẩn của quá khứ đè nặng và bóp méo sự sống, và khởi đầu cho một cuộc tái sinh.
Thế nhưng Đức Giêsu có thể làm những điều này hay không? Làm sao Người có thể xưng thú tội lỗi? Một Đấng Thiên Sai từ trời tại sao lại để cho một phàm nhân rửa tội? Trích đoạn Tin Mừng Mac-cô về việc Đức Giêsu chịu phép Rửa (Mc 1,7-11) không trả lời được những câu hỏi này. Nhưng tác giả Mat-thêu ghi lại cuộc tranh luận giữa vị Tẩy giả với Đức Giêsu, bắt đầu với vấn nạn: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!” (Mt 3,14). Đức Giêsu trả lời: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính. Khi đó ông Gioan mới chiều theo ý Người (Mt 3,15). Không dễ gì có thể giải mã được ý nghĩa của câu trả lời nghe như bí ẩn này. Nhưng chìa khoá ở đây là từ “công chính” (ĩύíç). Đối với luật Torah, công chính là hoàn toàn chấp nhận ý Thiên Chúa, mang lấy ách của Ngài. Dù không có sự chuẩn bị cho phép Rửa của Gioan trong luật Torah, nhưng câu trả lời này của Đức Giêsu là con đường Ngài thừa nhận phép Rửa như một cách diễn đạt về tiếng xin vâng vô hạn đối với ý Thiên Chúa, chấp nhận vâng phục ách của Người.
Như thế, trong một thế giới đóng ấn bởi tội lỗi, lời xin vâng ý Thiên Chúa cũng diễn tả sự liên đới với con người đã phạm tội nhưng khao khát sự công chính. Ý nghĩa này không nổi bật cách trọn vẹn cho đến khi được nhìn nhận dưới ánh sáng của Thập giá và Phục sinh. Ở đây, người Kitô hữu nhận ra rằng Đức Giêsu đã gánh lấy mọi tội lỗi của con người bằng cách bước vào trong chỗ đứng của tội nhân. Đây là một thực tại vừa hiện sinh vừa sâu thẳm. Phép rửa là chấp nhận cái chết vì tội lỗi nhân loại. Đức Giêsu đi xuống dòng nước để vào trong vực sâu sự chết, để khi đi lên Ngài được “Thánh Thần ngự xuống như chim bồ câu” (Mc 7,10). Và giữa lúc này, một tiếng nói từ trời vang lên: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1,11). Đây là cao điểm của biến cố phép Rửa. Đức Giêsu không được giới thiệu như một chủ thể thiên tài hay một bậc vua oai phong. Ngài là Con yêu dấu của Thiên Chúa đến trần gian để giải thoát con người.
Thật vậy, Thiên Chúa mà những người tín hữu Kitô tôn thờ không phải là Thiên Chúa của triết học Hy lạp. Thiên Chúa của các triết gia cổ đại chỉ là Thiên Chúa của những nguyên lý và quy luật thực tại, một Thiên Chúa quá hoàn thiện đến độ không bao giờ đụng chạm đến con người. Trong mối tương quan này, con người chỉ biết vươn mình lên. Nhưng Thiên Chúa của Kitô giáo là Thiên Chúa đã đứng vào vị trí của tội nhân trên dòng sông Giodan để hoà mình với dòng chảy của phận người. Dù biết rằng “dòng đời không êm ái như dòng sông”, nhưng sự đi xuống này mang một chiều kích căn bản đó là chỉ làm như thế mới có thể kéo con người lên khỏi vực thẳm của tội lỗi và sự chết do tội lỗi gây nên. Mặt khác, trên thực tế, Đức Giêsu đã cúi xuống và đụng chạm đến từng mảnh đời cụ thể, cho dù là rách nát, tê liệt hay tội lỗi, để an ủi, để chữa lành và để giải thoát họ. Những lời rao giảng của Người không chỉ để khai mở cho lý trí về Nước Trời mà đó còn là những thực tại nhắm đến con người được bắt gặp trong những biến cố đời thường.
Ngày hôm nay người Kitô hữu được mời gọi đi vào dòng đời để mang sứ điệp yêu thương của Thiên Chúa đến cho nhân loại, rao giảng về một Đấng đã hy sinh mạng sống mình chỉ vì yêu thương cho đến cùng xét về thời gian và yêu thương đến tột cùng xét về mức độ. Trong thực tại đó, thập giá là tất cả những gì Thiên Chúa nói với con người.
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm