Tâm tình của một linh mục
“Không có Bí Tích Truyền Chức Thánh, chúng ta không có Chúa hiện diện bên. Ai đã đặt Mình Thánh Chúa nơi Nhà Tạm? Linh mục. Ai đã đón nhận linh hồn bạn ngay từ khởi đầu sự sống? Linh mục. Ai đã nuôi dưỡng linh hồn bạn và cho bạn sức mạnh trong cuộc lữ hành? Linh mục. Ai chuẩn bị cho bạn khi xuất hiện trước tòa Thiên Chúa, tắm gội lần cuối trong Máu Châu Báu của Chúa Kitô? Linh mục, luôn luôn là linh mục. Và nếu linh hồn của bạn chết như là hậu qủa của tội, ai sẽ nâng bạn dậy, ai sẽ chữa lành trong lặng yên và an bình? Lần nữa, linh mục. Sau Thiên Chúa, linh mục là mọi sự? Chỉ trên trời, các ngài sẽ nhận ra thực sự các ngài là ai” (Curé of Ars). Lời của cha sở họ Ars thánh thiêng quá. Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã chọn Ngài như mẫu gương sáng ngời trong Năm Thánh Linh Mục.
Trong Năm Thánh Linh Mục, chúng ta đã đọc rất nhiều bài ca ngợi chức Linh mục và có rất nhiều mẫu gương kiên trung và đạo đức của các đấng bậc tiền nhân. Giáo Hội đã trải qua gần 2000 năm lịch sử, các chứng nhân anh hùng đức tin không thiếu. Có biết bao linh mục đạo hạnh, thánh thiện đã hiến mình cho đoàn chiên và dám thí mạng vì đoàn chiên của mình. Chúng ta cùng dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, tiếp tục cầu nguyện và nâng đỡ cho các linh mục.
Là linh mục, chúng con thật sự là ai? Càng đọc lời dậy của thánh Gioan Maria Vianney, tôi càng cảm thấy bất xứng. Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa Toàn Năng và cùng anh chị em, tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót. Thiếu sót thì vô vàn trong cuộc sống chứng nhân. Tội lỗi thì vấn vương suốt cả cuộc đời. Tôi nhớ lời một linh mục khi ngài mừng Lễ Ngân Khánh, ngài viết cho tôi những dòng rất chân tình như sau: “Sau 25 năm làm linh mục, tôi thấy mình già đi, sức khỏe thì yếu kém và đời sống đạo đức cũng không hơn gì.”
1. Phạm lỗi
Phạm lỗi và thiếu sót trong bổn phận hằng ngày là như cơm bữa. Ngày nào mà linh mục không có phạm lỗi. Lỗi trong tư tưởng, lời nói và việc làm. Thất tình vẫn chìm sâu trong lòng con người linh mục. Linh mục có đầy đủ cả “Hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố và dục”. Rồi “Tham, Sân, Si” cứ đeo đuổi mọi nơi mọi lúc, chẳng khi nào chịu ngưng. Có mắt đó, rồi cứ phải nhìn. Có tai đó, cũng cứ được nghe đủ mọi truyện. Có miệng lưỡi, ngôn từ nào cũng có thể phát biểu. Đôi khi dùng tòa giảng để khai chiến, chửi bới hay nói bóng, nói gió những người không cùng quan điểm với mình.
Lỗi phạm cá nhân như tham lam danh vọng và chức quyền. Có những linh mục muốn đến để được phục vụ chứ không phải để phục vụ. Nhiều khi linh mục còn bòn chắt chút tiền bạc cho riêng mình. Ngày xưa, Chúa Giêsu đã cảnh tỉnh các luật sĩ và biệt phái như nối dài tua áo, thẻ kinh, cầu nguyện lâu giờ để nuốt hết những tài sản của các bà góa. Ngày nay cũng không thiếu linh mục đi vào con đường lầm lạc đó. Rồi những lạm dụng chức vụ và phạm những lỗi lầm gây tổn thương cho bộ mặt của Giáo Hội. Trong thời gian qua, Giáo Hội và giáo dân đã chịu khổ vì những oan khiên của một số linh mục lạm dụng tình dục trẻ em và sống đời hai mặt. Một số các linh mục đã gây gương mù và gương xấu về những liên hệ tình dục không đúng đắn.Ôi kể sao cho hết! Lầm lỗi của con người linh mục cũng chẳng thua kém gì lỗi lầm của mọi người giáo dân.
2. Biết lỗi
Biết mình là đầu mối của sự khôn ngoan. Đôi lúc, ta tự biết mình một cách chủ quan khi dựa vào những phán đoán và khuynh hướng của riêng mình. Có khi chúng ta dựa vào dự luận của quần chúng hoặc những suy nghĩ của người khác nghĩ về mình. Cách tốt nhất là biết mình qua sự xét mình hằng ngày dựa vào giới răn của Chúa. Biết mình yếu đuối nhưng sự thúc bách nên hoàn thiện vẫn là mối bận tâm hằng đầu. Có nhiều đòi hỏi và thúc đẩy khách quan giúp các linh mục chúng ta nên hoàn thiện hơn.
Những điều giáo dân mong ước nơi linh mục thì nhiều lắm.Giáo dân mong muốn linh mục có đời sống thánh thiện, siêng năng ngồi tòa giải tội, không lạm dụng các bí tích thánh để chiêu dụ và khống chế giáo dân. Mong các linh mục đến phục vụ chứ không để cai trị, không thiên tư trong phân xử giữa người giầu và người nghèo, sống đơn sơ và khó nghèo, tôn trọng kẻ cộng tác và làm việc với mình. Linh mục nên trau dồi kiến thức thời đại, sống tình hiệp thông với anh em linh mục đoàn và quân bình trong cách giao tế nhất là với người khác phái. Linh mục phải kính trọng người già nua tuổi tác, đừng ảo tưởng nhưng biết nhu cầu thiết thực, vâng lời các đấng bậc bề trên và tìm thực thi ý Chúa, làm vinh danh Chúa hơn là vinh danh chính mình.
Nhìn vào cuộc sống hiện tại, anh em linh mục còn thiếu sót rất nhiều trong bổn phận làm tôi Chúa. Ước muốn của giáo dân thật là chính đáng và phải đạo. Vì sự yếu đuối, linh mục đôi khi chối từ và phủ nhận thực tại. Nhiều anh em linh mục mang “tâm thức thầy cả”, làm thầy cả mọi sự. Có linh mục nghĩ rằng mình học nhiều, hiểu rộng, kiến thức cao siêu nhưng thực ra chẳng có là gì. Linh mục được người ta kính trọng chỉ vì chức thánh Linh mục và các linh mục dám hy sinh sống đời độc thân phục vụ mà thôi.
3. Nhận lỗi
Trong cuộc sống, các linh mục chúng con cũng đã có nhiều lỗi lầm sai sót. Xúc phạm đến Chúa và đến anh chị em. Vì thế, trong Năm Thánh Linh Mục, các linh mục hãy ăn năn sám hối và sửa chữa qua việc hòa giải. Linh mục lỗi về đức bác ái và cả về đức công bằng. Nhiều khi các linh mục cũng tham quyền cố vị. Muốn giành gây ảnh hưởng, nắm quyền và hành xử như một ông chủ. Thường thì chúng ta nhìn thấy cái rác trong mắt người khác hơn là cái đà trong mắt mình. Người giáo dân trong bậc sống gia đình là mẫu gương của sự chịu đựng và lắng nghe. Các linh mục sống đời độc thân đã không thường bị những cái nhìn giận hờn hay cái lườm nguýt để nhận ra lỗi lầm mình.
Một trong những cách cư xử điển hình mà linh mục khó nhận ra lỗi lầm trong các sinh hoạt mục vụ của giáo xứ. Thí dụ: cùng đồng hành trong sứ vụ chứng nhân nhưng đôi khi các linh mục đã không đối xử công bằng với các dì phước. Các dì đã làm việc tự nguyện, không có lương bổng nhưng không được tôn trọng đủ. Những quý vị cộng tác trong các Nhóm Hội, các vị trong Hội đồng Mục vụ, Ca đoàn,… làm việc nhà, vác ngà voi để giúp đỡ các linh mục và cộng đoàn nhưng đôi khi cũng bị cằn nhằn và sai khiến. Các cụ ông và cụ bà, xin tha thứ cho các linh mục trẻ chúng con. Nhiều khi chúng con thiếu kính trọng tuổi già đáng tuổi ông bà và cha mẹ của chúng con. Quý cụ gọi chúng con là cha và xưng là con, nhưng chúng con đã không tôn kính quý cụ cho đủ. Còn quý ông bà anh chị em giáo dân, các linh mục có bổn phận phục vụ như người mục tử dẫn dắt mọi người tới nguồn suối mát trong tình Chúa. Nhiều khi các linh mục lại chối từ, lười biếng và ngại ngùng trau dồi thêm kiến thức, thiếu học hỏi, thiếu suy gẫm và không dọn bài cẩn thận và hơn nữa thiếu sự cầu nguyện. Đôi khi các linh mục chúng con cử hành các nghi thức phụng vụ như chiếu lệ qua lần cho xong việc.
4. Sửa lỗi
“Thuốc đắng giã tật”. Có biết sai mới có thể sửa sai. Muốn sửa thì phải mổ xẻ, mà mổ xẻ thì sẽ bị đau đớn. Chúng ta ít khi muốn làm đau lòng mình. Biết sửa lỗi là bắt đầu biết bước lên con đường hoàn thiện. Sửa lỗi là điều khó khăn nhất. Vì người ta nói: “Ngựa thường đi theo đường cũ hay chứng nào tật đó”. Đã trở thành tật thì rất khó uốn lại. Chúng ta sinh ra là người nhưng cần phải học để làm người. Học ăn, học nói, học gói, học mở, cái gì cũng phải học. Học để bớt đi cái thú tính trong người. Con người có khuynh hướng trở về với thú tính nên ngay từ thơ bé, người ta đã phải đến trường học để học tập, huấn luyện và thực hành. Huấn luyện để mỗi ngày chúng ta trở nên người hơn. Người ta nói rằng: “Ba năm trồng cây, trăm năm trồng người” là thế. Muốn là người phải học làm người. Muốn học thì cần phải uốn, phải nắn, cắt tỉa và chăm bón từng ngày.
Các linh mục cũng cần lắng nghe và sửa lỗi mỗi ngày để nên tốt hơn. Những năm tháng nơi chủng viện cũng chẳng là bao so với đời sống phục vụ của linh mục. Người linh mục phải là linh mục trước khi làm linh mục. Là linh mục thật khó vì là người trung gian giữa thần thiêng và thế trần. Muốn trở thành linh mục thánh thiện và tốt lành, linh mục phải thâm tín về ý nghĩa của ơn gọi mình. Nếu các linh mục cứ lẩn quẩn làm linh mục qua các công việc mục vụ hằng ngày mà quên đi sứ mệnh là linh mục, thì khác gì thực hành một cái nghề. Làm linh mục là một cuộc đổi đời cho tới khi là linh mục của Chúa Kitô.
5. Thú lỗi
Thú tội với Chúa và với anh chị em. Chúng ta không ra trước công chúng để công khai chuyện riêng xấu xa của mình. Có người lại nói: Tại sao vạch áo cho người xem lưng? Cần có sự khiêm hạ, chân nhận đúng thân phận hèn yếu và tội lỗi của mình. Ngày xưa thánh Augustinô đã viết nguyên một cuốn sách “Tự Thú”. Ngài đã nói thật và nói hết những lỗi phạm trong đời tư của Ngài. Cuốn sách đã trở thành sách gối đầu giường cho biết bao nhiêu người muốn noi gương để nên trọn lành. Chúng ta là con cháu của Adong và Evà, thường khi chúng ta không muốn nhận và thú tội của mình. Chúng ta có khuynh hướng tìm cách chối tội trước và nại đến muôn vàn lý do để biện minh. Như khi Chúa hỏi tội Adong, ông đã đổ thừa cho bà Evà. Chúa hỏi tội bà Evà, bà đã đổ tội cho con rắn. Chúa là Thiên Chúa hỏi: “Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không?” Con người thưa: “Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn.” Chúa là Thiên Chúa hỏi người đàn bà: “Ngươi đã làm gì thế?” Người đàn bà thưa: “Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn.” (St 3,11-13).
Năm Thánh Linh Mục là một cơ hội rất tốt để anh em linh mục nhìn lại mình và xác định ơn gọi của mình. Được gọi là cha, là mục tử và là linh mục là một ơn trọng đại. Chúng ta đã được lãnh nhận nhưng không thì cũng hãy cho nhưng không. Lời xin vâng của ngày lễ truyền chức mời gọi chúng ta chia sẻ sứ vụ của Chúa trong Giáo Hội. Tuy dù được thánh hiến, linh mục vẫn là người. Một con người thật người và rất bình thường. Linh mục vẫn còn những ước muốn, những yếu đuối, những sa ngã, những buồn chán và cô đơn trống vắng. Linh mục được mời gọi cử hành các việc thánh nhưng vẫn phải mang tất cả những khổ lụy ở đời. Linh mục là Chúa Kitô khác (Alter Christus). Linh mục được kêu gọi vươn lên từng ngày nên giống Chúa Kitô.
6. Xin lỗi
Xin lỗi là lời đẹp nhất. Xin tha bỏ những lỗi lầm mà mình đã gây ra cho người khác qua những việc mình đã thực hiện. Hằng ngày khi đọc Kinh Lạy Cha, chúng ta xin Cha tha nợ cho chúng ta như chúng ta cũng tha nợ cho anh em. Xin tha, chúng ta sẽ được tha. Bấy giờ, ông Phêrô đến gần Đức Giêsu mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Đức Giê-su đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” (Mt 18,20-21). Nhiều lần mỗi ngày, chúng ta xin Chúa tha thứ, đặc biệt trong Thánh Lễ, chúng ta có nghi thức sám hối và đền tội, rồi có nghi thức giao hòa và chúc bình an. Chúng ta giao hòa với Chúa và với nhau để tìm sự bình an đích thực trong tâm hồn.
Các linh mục chúng con cũng xin lỗi đến tất cả quý cụ ông, cụ bà và toàn thể giáo dân qua những lỗi lầm chúng con đã sai phạm trong khi thi hành chức vụ thánh. Xin lỗi về tất cả những việc làm vì vô tình hay hữu ý đã gây sự bất hòa và mất đoàn kết giữa cộng đoàn hay giáo xứ. Xin lỗi về những sự hướng dẫn không theo qui cách của Giáo Hội. Xin lỗi vì những thiếu sót trong việc bổn phận hằng ngày của một mục tử. Xin lỗi về những lạm dụng chức thánh vào những phần việc trần thế để gây ảnh hưởng hay lợi lộc riêng tư. Xin lỗi vì những gương mù và gương xấu đã gây nên trong cộng đồng dân Chúa. Trong Năm Thánh Linh Mục, xin quý ông bà anh chị em tha thứ và bỏ qua cho nhau những đố kị, thù hằn và ghét bỏ. Xin thương tha thứ.
7. Tránh lỗi
Con đường nên thánh còn dài. Đời còn lắm chông gai. Cạm bẫy còn giăng khắp lối. Con người vẫn thường chứng nào tật đó. Ước muốn điều tốt thì nhiều mà thực hành chẳng được bao nhiêu. Nhìn lỗi người khác thì rõ rành rành. Nhìn lại lỗi lầm của mình thì mờ mờ ảo ảo. Chúng ta ngại đi vào tận thâm tâm của mình. Chúng ta muốn người khác nên tốt, khuyên dạy người khác nên thánh, còn chính mình thì muốn đứng ngoài vòng. Chúng ta ngại bỏ đi những thói xấu. Biết rằng tội lỗi thì xấu. Dù xấu vẫn dễ thương. Tội lỗi cứ lẩn quẩn bên mình. Nó làm cho chúng ta thấy dễ chịu và khoái cảm. Gọi là ghét tội nhưng chúng ta cứ phạm tội. Cũng như chúng ta có thói quen tắm rửa hằng ngày, tắm rồi lại dơ, dơ rồi lại tắm. Chúng ta sống mỗi giây phút trong đời, đều là giây phút mới hoàn toàn. Chúng ta luôn có thể sống ngày hôm nay tốt hơn.
Chúa Giêsu đã ưu ái ban cho Giáo Hội Công Giáo một món quà trên cả tuyệt vời, đó là bí tích Hòa Giải. Qua bí tích này, chúng ta được giao hòa với Chúa và anh em. Các anh em linh mục chúng ta cũng nên thường xuyên lãnh nhận bí tích Hòa Giải, vì đây là nguồn thiêng liêng độc nhất giúp chúng ta tìm lại sự tinh tuyền. Tránh phạm lỗi lầm là một sự cố gắng liên lỉ không ngừng. Các linh mục cần tỉnh thức và cần được sự nâng đỡ. Tỉnh thức như người đang lái xe. Lúc nào người lái xe cũng phải tỉnh để ngó trước, ngó sau, ngó phải, ngó trái và sẵn sàng chân thắng, chân ga. Cuộc lữ hành trần thế là cuộc lữ hành đi về nhà Cha. Chúng ta cùng đồng hành với nhau trên mọi nẻo đường. Chúng ta cần nâng đỡ nhau và dựa vào nhau mà sống, để cùng dìu dắt nhau tiến lên con đường trọn lành.
Lời kết, chúng ta đang cử hành Năm Thánh Linh Mục trùng vào Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Việt Nam. Những tháng ngày còn lại trong Năm Thánh, anh em linh mục chúng con xin tất cả quý ông bà và anh chị em cầu nguyện nhiều thêm, để giúp chúng con kiện toàn hơn trong sứ vụ mà chúng con đã lãnh nhận. Thưa quý ông bà và anh chị em: Nếu chúng ta có mục tử tốt lành, chúng ta sẽ được dẫn đến nguồn suối mát, nếu chúng ta có mục tử đạo đức, chúng ta sẽ có giáo dân tốt và nếu chúng ta có linh mục thánh thiện, giáo dân cũng sẽ thánh thiện. Xin Chúa dủ lòng thương xót chúng con.
Bronx, New York
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
bài liên quan mới nhất
bài liên quan đọc nhiều
- Đời sống linh mục là một đời sống khó khăn
-
Linh mục với vấn đề hồi tục -
Viết cho người linh mục -
Tính cách của Tu sĩ Công giáo -
Linh mục sống tu đức trong bối cảnh thực tế Giáo Hội và Xã hội Việt Nam hôm nay -
Vấn đề Đồng tính Luyến Ái & Ơn gọi Linh mục -
Những bước chân -
Chiếc áo chùng thâm -
Linh mục - người mang Chúa cho trần gian -
Linh mục, con người đối thoại