Tản mạn cuối năm Rồng
WGPSG -- Những ngày cuối năm Nhâm Thìn, có cơ hội đi miền Trung dự lễ cưới của người thân, Chiên Già gom góp được một vài câu chuyện khá thú vị xin được kể hầu quý độc giả thân thương.
Khởi đầu chuyến đi là cảnh rồng rắn xếp hàng để “check in-làm thủ tục” tại sân bay. Cơ man nào là người chen chúc nhau, nhích từng chút một trong hơn 1 tiếng đồng hồ để “được” soát vé lên máy bay!
Chiên Già hòa cùng đoàn người đông đảo đó tiến lên từng centimet một, toàn thân nóng bức (dù máy lạnh hoạt động hết công suất), mỏi nhừ hai chân, rã rời hai tay (vì tay xách nách mang lỉnh kỉnh hành lý).
Những mệt mỏi, bức bối của cảnh xếp hàng chờ đợi không làm Chiên Già cảm thấy phiền lòng cho bằng cách tổ chức “soát vé” của sân bay: ai đời chỉ có 8 cổng để soát vé và kiểm tra hành lý cho lượng khách khổng lồ cả ngàn người (dịp cuối năm mà, người này nôn nao về quê ăn Tết, người nọ hăng hái lên đường du Xuân), thế nhưng nhân viên sân bay chẳng thông báo giờ làm thủ tục cho từng chuyến bay, cho nên ai nấy đều chen lấn nhau để mong có được chỗ đứng trước người khác, thế là bất tiện và bất hợp lý xảy ra. Bất hợp lý vì người bay chuyến sau lại xếp hàng làm thủ tục trước người có giờ bay gần kề, đến nỗi nhân viên các hãng hàng không cứ đi rảo quanh và hô to lên, đồng thời giơ cao tấm biển ghi chuyến bay-giờ bay để tìm hành khách của mình đang đứng lẫn lộn trong cả mấy mươi hàng rồng rắn kia, trong khi đó loa phát thanh không ngừng rao to tên các hành khách cần phải lên máy bay gấp vì giờ khởi hành đã điểm. Người làm thủ tục trước nhưng lại có giờ bay sau đã phải ngồi ngáp vắn ngáp dài tại phòng đợi lên máy bay, trong khi người khác lại vội vã tranh thủ đi như chạy để kịp lên máy bay vì “lỡ” xếp hàng sau người ta. Bát nháo, ồn ào!
Cảnh chen lấn lại tiếp diễn tại cầu thang lên máy bay. Chiếc cầu thang nhỏ hẹp (hai người muốn lên xuống cùng lúc phải nghiêng người tránh nhau) chứng kiến cả trăm hành khách ùn ùn kéo lên, nghẹt cứng lối vào. Chưa hết, lối giữa của máy bay, nơi ngăn cách hai dãy ghế còn nhỏ hẹp đến tội nghiệp hơn nữa, nó chỉ vừa đủ cho một người đi, thế là cảnh “kẹt người” tiếp tục diễn ra cho đến khi mọi người an vị trong ghế của riêng mình. Thú vị ở chỗ, chen lấn nhau từng chút một (nếu ai lỡ chậm chạp khi cất hành lý lập tức người khác cất tiếng cằn nhằn ngay, như thể chỉ chốc lát, tích tắc thôi là máy bay cất cánh mà họ chưa kịp vào ghế ngồi!) để rồi lại cùng nhau ngồi ngoan ngoãn như những chú cừu tiếp tục đợi chờ suốt 30 phút trước khi máy bay chuyển bánh để cất cánh!
Ở giữa dòng người chen lấn và đợi chờ, Chiên Già chạnh lòng cho hoàn cảnh xô bồ của biết bao người mong có được tấm vé xe, vé tàu để về quê xum họp với gia đình! Vì “cầu nhiều cung ít”, người có nhu cầu sử dụng xe cộ tàu lửa quá đông, sự cung ứng của các phương tiện vận tải lại rất thiếu thốn không đáp ứng đủ: chen lấn, giành giựt là dễ hiểu! Trong khi những người di chuyển bằng đường hàng không kể trên, trên tay đã có sẵn vé, nghĩa là không phải bận tâm về chỗ ngồi nữa, vậy mà sao họ vẫn tranh thủ từng thời khắc một để rồi chen lấn, cằn nhằn, xô đẩy nhau? Lý do “cầu nhiều cung ít” chẳng giải thích thỏa đáng trong trường hợp này, phải chăng chúng ta chỉ có thể hiểu rằng: tâm lý hơn thua (thể hiện bằng việc chen lấn, giành giật) đã ngấm vào máu huyết của chúng ta, để rồi trở thành bản năng của chúng ta???
* * *
Rời khỏi thành phố náo nhiệt và tất bật, chúng tôi đến một thành phố khác, cũng những con đường nho nhỏ, cũng nhà cửa san sát nhưng sao cảm giác thật an bình và thư thái đến lạ! Chẳng thấy một bóng người xin ăn, thật hiếm hoi dáng người bán hàng rong, bán vé số! À, theo lời anh tài xế taxi: “Chủ trương của thành phố này là không để tồn tại “nghề” ăn xin bằng cách khi phát hiện người đi ăn xin, thì gọi điện cho cơ quan có thẩm quyền đến đưa người ăn xin đó về các mái ấm từ thiện hoặc tạo điều kiện cho có công ăn việc làm.” Như thế, vấn nạn ăn xin, bán hàng rong và chèo kéo du khách đã có biện pháp khắc phục hiệu quả: sự quan tâm, trợ giúp của cơ quan công quyền và sự chăm sóc thiện nguyện đầy tình người nơi các mái ấm!
Chiên Già tự hỏi: chẳng lẽ Sài Gòn phồn hoa đô hội, đất rộng người đông mà không giải quyết được tình trạng bát nháo đó? Lòng người Sài Gòn rộng lượng bao dung, lại thêm nhiều tổ chức tôn giáo và thiện nguyện, chắc chắn có khả năng giải quyết được những vấn đề xã hội đại loại như thế mà!
Niềm vui khi thanh thản dạo bước trên hè phố hay bách bộ theo đường ven sông tận hưởng một bầu khí an bình khiến Chiên Già như quên bẵng sự phiền toái tại sân bay.
Niềm vui đó được nhân lên gấp nhiều lần với cuộc hội ngộ tình cờ nhưng hữu duyên giữa Chiên Già và một đạo huynh Cao Đài tại bàn tiệc lễ cưới. Âm nhạc trong lễ cưới thật rộn rã, âm lượng lên rất cao, nhưng vẫn không lấn át được tiếng cười nói tâm đắc giữa hai bạn đạo: Công Giáo và Cao Đài.
Trong câu chuyện, đạo huynh Cao Đài kể rằng: Một hôm, các bạn hữu của ông tụ họp nhau lại để cùng hàn huyên chuyện đời chuyện nhà. Đang lúc vui hứng, một anh bạn “bị” vợ gọi điện thoại kêu về nhận hàng hóa, anh ta rất bực dọc lớn tiếng trong điện thoại: “Đang gặp anh em, tự mà làm đi, vợ với chả con!” rồi ngắt máy đột ngột! Không khí bàn tiệc trở nên căng thẳng, kém vui!
Lúc đó đạo huynh Cao Đài ôn tồn lên tiếng: “Này cậu, cậu là người Công Giáo mà chưa nghe điều này khi kết hôn ư? Anh em hãy thương yêu nhau như thuở ban đầu! Chẳng lẽ cưới nhau 15 năm, có 3 mặt con rồi thì quên bẵng tình yêu nồng cháy ngày nào thề thốt với nhau ư? Nên vợ nên chồng lâu năm rồi thì được quyền đối xử nặng nhẹ, bất công với nhau vậy ư? Thôi, cậu hãy về giúp bà xã lo cho ổn thỏa công việc đi, bọn tớ sẵn sàng ngồi đây đợi cậu trong vòng 1 tiếng, nếu chưa xong thì chúng ta còn nhiều thời gian khác để gặp gỡ mà. Đừng để một chút niềm vui gặp gỡ bạn bè mà “phân ly” điều Thiên Chúa đã kết hợp!”
Lưỡng lự giây lát, người bạn Công Giáo nọ đứng dậy rất kiên quyết: “Được, tôi nghe lời ông. Các ông ngồi đây đợi tôi trở lại!”
Mọi người cùng vỗ tay vang dội cả quán!
Những tiếng ca thật lớn của những thực khách góp vui với đôi vợ chồng mới cưới cũng không làm Chiên Già thấy khó chịu nữa, bởi Chiên Già vừa được đón nhận một chứng từ tình bạn cao đẹp: người khuyên rất ôn tồn, nho nhã và hữu tình đạt lý; người nhận lời khuyên cũng rất can đảm và khiêm tốn thực hiện!
Và chuyến du ngoạn khép lại năm Rồng với chuyến bay trở lại Sài Gòn, nhưng dư vị đọng lại trong tâm Chiên Già vừa là những điểm son của tình bạn tươi sáng, vừa thấm chút ưu tư trước những bất cập chưa đến hồi kết của thực trạng xã hội!
bài liên quan mới nhất
- Cuộc hội nhập văn hoá trong lịch sử dân tộc Việt Nam
-
Quà Tết cho người vô gia cư -
Noel ấm áp tình người -
Đồng hương Thái Bình miền Nam: Họp mặt Tân niên -
Đồng hương Đàn Giản: mừng Xuân đoàn viên -
Nhớ lắm bếp củi ngày xưa! -
Thông điệp của mùa xuân -
Giờ kinh Giao Thừa -
Trăng Rằm miền biên giới -
Vầng Trăng Yêu Thương
bài liên quan đọc nhiều
- Cuộc hội nhập văn hoá trong lịch sử dân tộc Việt Nam
-
Nhớ lắm bếp củi ngày xưa! -
Quà Tết cho người vô gia cư -
Thông điệp của mùa xuân -
Sống tâm tình tạ ơn trong ba ngày Tết -
Tây Tạng: Tết Losar của lòng hiếu khách và từ tâm -
Giờ kinh Giao Thừa -
Năm Thìn, tản mạn chuyện Rồng -
Tất niên và tân niên -
Trăng vàng mùa thu