Tặng quà đêm giao thừa Canh Dần 2010
WGPSG -- Đêm Giao thừa Canh Dần 2010, Nhóm Mỹ thuật Đa Minh Ba Chuông và các tình nguyện viên đã tập trung tại Trung Tâm Mục Vụ Đa Minh Ba Chuông vào lúc 23g để nhận quà theo 4 nhóm với 220 phần bánh chưng, 220 bao lì xì mổi bao 100.000đ. Tất cả xuất hành từ giáo xứ Ba Chuông, và đi theo bốn hướng Đông,Tây, Nam, Bắc.
Nhóm 1: Họa sĩ Hà Mạnh Cường, Họa sĩ Vũ Dung, Chị Bích Ngân và các sơ dòng Mến Thánh Giá … đi phát quà Trung Tâm ung bướu Gia Định
Nhóm 2: Họa sĩ Lê Thừa Khiển, Hs Ái Lan, Điêu khắc gia Duy Chinh, Khắc Thịnh,.. đi hướng Bến xe Tây Ninh,
Nhóm 3: Nhiếp ảnh gia Hoàng Quốc Tuấn, Nhiếp ảnh gia Phó Bá Cường, Họa sĩ Đăng Khoa, và các tình nguyện viên…đi hướng bến xe miền Đông
Nhóm 4: Họa sĩ Lê Hiếu, Mạnh Cường, Mạnh Hùng, Thạch Quang, Thanh Phong, anh chị Ngọc Hiếu cùng với con trai 2 tuổi đi hướng bến xe miền Tây.
Những kẻ dở hơi làm chuyện dở hơi
Sau khi mọi người cùng uống ly rượu xuất hành với Cha Giám Đốc, đúng 23g30 ngày 13/2/2010 đêm Giao Thừa Canh Dần, chúng tôi đi về hướng bến xe Miền Tây. Đến nơi, bến xe trống trơn, không thấy một người nghèo nào lang thang không nhà như dự tính của ban tổ chức, chỉ thấy mọi người nhìn lên trời xem pháo bông! Vài người đi đường dừng xe lại ngước mặt lên trời vừa xem pháo bông vừa lâm râm cầu nguyện điều gì đó cho mình và cho người thân. Số còn lại chỉa ống kính lên chụp cảnh pháo hoa ghi lại thời khắc linh thiêng nhất của một năm. Sau đó đám đông giải tán trở về nhà của họ, hoặc đi Chùa hái lộc đầu năm.
Còn chúng tôi nhìn đồng hồ tay: 00g15 phút, thời khắc đã bước sang ngày 14/2/2010 [mồng 1 tết] anh em trong nhóm ai cũng cảm thấy sốt ruột và phát lo, vì quà thì nhiều mà “Chúa Giêsu lang thang không nhà” vẫn chưa thấy. Sau khi hội ý với nhau, anh em quyết định đi lần theo hướng Bệnh viện Chợ Rẫy, thì chao ôi, rải rác trên rất nhiều con đường, trong công viên, nơi các vỉa hè và thềm nhà dưới những mái hiên, nhiều người đang nằm ngủ một cách ngon lành. Thế là anh em đến đánh thức, chúc tết, thăm hỏi và trao quà đầu năm cho mỗi người gặp được dọc trên đường đi.
Cuối cùng, lần lượt quà cũng hết, để rồi thở phào nhẹ nhõm với ý nghĩ: mình đã đến được đúng nơi phải đến!
Và thế là gần hết một đêm rong ruổi lang thang. Khoảng 4 giờ sáng, buổi tặng quà đã hoàn tất và được kết thúc bằng những chén cháo nóng trên sân thượng của nhà HS Lê Hiếu. Những chén cháo làm nóng người giữa đêm khuya lạnh, và làm ấm lòng, khi nhớ lại nhiều ánh mắt vui tươi của những người bất hạnh khi nhận được quà. Điều ấy đã làm bao nhiêu mệt nhọc của mọi người tan biến.
Thực ra, buổi phát quà sẽ không mất công nhiều đến thế, nếu qui tụ được những người bất hạnh tại một điểm nhất định. Nhưng điều này là bất khả vì nhiều lý do. Một trong các lý do đó là, không thể ra thông báo, phần khác nữa, trước đó đa số những kẻ lang thang không nhà đều đã được “thu gom” vào những Trung Tâm xã hội. Nhưng chính vì thế, buổi phát quà đã tăng thêm rất nhiều ý nghĩa, mà ý nghĩa đầu tiên đó là sự bất ngờ.
Người nghèo và bất hạnh luôn nhạy bén và cảnh giác trước mọi tình huống, Sàigòn với trăm ngàn phức tạp, họ lại không quen biết ai, giữa đêm khuya, bỗng nhiên thấy mình bị một nhóm người lạ lẫm bao quanh, đúng là một bất ngờ có thể gây lo lắng sợ hãi vì lành ít dữ nhiều. Nhưng sau khi mỗi người nhận được quà tặng là cái bánh chưng và 100 ngàn, mọi sự đã hoàn toàn thay đổi cũng thật bất ngờ. Có người đã rưng rưng cảm động, có người niềm vui như vỡ òa và cười thật tươi. Một trăm ngàn, với ai đó, có thể sẽ là chẳng là bao vì không đủ tiền cho một bữa ăn sáng, nhưng với rất nhiều người khác, đó sẽ là một món tiền rất đáng kể, đủ cho một gia đình vài ba người có thể sống được vài ngày, hoặc cũng có thể đủ cho một cái vé xe, mà vì thiếu nó, trong đêm Giao thừa này, nhiều người đã không thể về sum họp với gia đình mình. Vì thế, ý nghĩa lớn nhất chính vì món quà đã đến được đúng với mỗi địa chỉ của những kẻ không nhà, phù hợp với chủ đề “Đêm đông không nhà” của buổi triển lãm tranh và ảnh tượng điêu khắc tại TTMV Đa Minh Ba chuông cách đó không lâu, một chủ đề đầy thi vị nhưng cũng hết sức thực tế.
Và chính các họa sĩ, các nhiếp ảnh gia, những người đã đóng góp cho sự thành công của buổi triển lãm, đích thân họ đã ra đi chia sẻ những thành quả ấy cho những người bất hạnh. Chính họ đã ân cần đưa quà đến tận tay cho từng người cùng khổ trong đêm giao thừa, đêm của những giờ khắc giao thoa thiêng liêng giữa cũ và mới của thời gian và của đất trời huyền nhiệm. Những hành động cao đẹp biết bao!
Dù vậy, khi có dịp nói về mình, họ lại chỉ coi mình như NHỮNG KẺ “DỞ HƠI” ĐANG LÀM NHỮNG CHUYỆN “DỞ HƠI”. Quả là một cách nói khôi hài đầy minh triết! Vẫn như còn nghe đâu đây, một đôi lần, cụ Văn Cao đã nói tương tự như thế. Gần hơn nữa, kẻ rong chơi hướng về Tuyệt đối của CHÂN, THIỆN, MỸ là Trịnh Công Sơn cũng nói như thế, những cách nói của các tâm hồn nghệ sĩ chân chính...
bài liên quan mới nhất
- Cuộc hội nhập văn hoá trong lịch sử dân tộc Việt Nam
-
Quà Tết cho người vô gia cư -
Noel ấm áp tình người -
Đồng hương Thái Bình miền Nam: Họp mặt Tân niên -
Đồng hương Đàn Giản: mừng Xuân đoàn viên -
Nhớ lắm bếp củi ngày xưa! -
Thông điệp của mùa xuân -
Giờ kinh Giao Thừa -
Trăng Rằm miền biên giới -
Vầng Trăng Yêu Thương
bài liên quan đọc nhiều
- Cuộc hội nhập văn hoá trong lịch sử dân tộc Việt Nam
-
Nhớ lắm bếp củi ngày xưa! -
Quà Tết cho người vô gia cư -
Thông điệp của mùa xuân -
Sống tâm tình tạ ơn trong ba ngày Tết -
Tây Tạng: Tết Losar của lòng hiếu khách và từ tâm -
Giờ kinh Giao Thừa -
Năm Thìn, tản mạn chuyện Rồng -
Tất niên và tân niên -
Trăng vàng mùa thu