Tha thứ: Quà tặng tuyệt vời của tình yêu
Vương mang cát bụi phàm trần, con người trở nên yếu đuối, giới hạn, khiếm khuyết và sai lầm. Mỗi giờ phút qua đi, trong nhịp đời hối hả, bon chen, dù vô tình hay cố ý, con người đã xúc phạm đến tình yêu Thiên Chúa, gây bao lầm lỗi với Thiên Chúa và tổn thương đến anh em. Vì thế, mọi người đều khát khao sự tha thứ đến từ Thiên Chúa, từ những người bị xúc phạm. Bên cạnh đó, trong cuộc lữ hành, chúng ta cũng phải học biết cách tha thứ để giao hòa với anh chị em mình.
Thiên Chúa là Đấng hay tha thứ
“Lạy Chúa, Chúa biểu lộ quyền năng của Ngài qua tình thương tha thứ”.
Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa của lòng thương xót, tha thứ và nhân hậu. Israel trong Cựu ước, một dân tộc được Thiên Chúa yêu thương, tuyển chọn, nhưng lại là một dân tộc bất trung, bội thề, lỗi phạm… Tuy nhiên, Ngài luôn sẵn sàng tha thứ, mở cho họ một con đường mới để đến với Ngài, con đường của ân sủng tha thứ, dẫn đưa dân trở về với tình yêu, mạc khải khuôn mặt của Thiên Chúa đầy lòng nhân từ và tha thứ “Đức Chúa, Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và lòng thành tín”(x. Xh 34,5-7); Ngài là Thiên Chúa của ân sủng, thương xót và tha thứ “Chúa Thượng là Thiên Chúa chúng con có lòng xót thương và hay tha thứ” (x. Đn 9,9), quên đi tội của dân Ngài “Ta sẽ không còn nhớ đến lỗi lầm và việc gian ác của chúng nữa” (x. Dt 10,17). Ngài vẫn hằng tha thứ muôn đời cho dù bất trung của nhân loại vẫn cứ mãi làm tổn thương tình yêu của Ngài.
Thiên Chúa đã cúi xuống với lịch sử con người, một lịch sử chất chồng với bao nhiêu tội ác, bất trung và hoang đàng “Ôi, Lạy Thiên Chúa, Ngài sẵn sàng tha thứ (x. Tv 86,5). Đứng trước sự ác của con người, Thiên Chúa không muốn hủy diệt nhân loại, nhưng bằng tình yêu tuyệt đối, Ngài sẵn sàng ôm lấy thân phận mỏng dòn của con người, vỗ về và nói lời yêu thương, tha thứ "Hỡi Ephraim, Ta từ chối ngươi sao nổi! Hỡi Israel, Ta trao nộp ngươi sao đành… Tim Ta quay lại chống chính Ta, sự thương cảm của Ta ray rứt Ta. Ta không muốn thẳng tay thực hiện cơn giận của Ta và một lần nữa tiêu diệt Ephraim. Vì Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm, Đấng Thánh ở giữa ngươi (Hs 11,8-9). Tình yêu mãnh liệt của Thiên Chúa đối với dân Người, đối với nhân loại, đồng thời là tình yêu của sự tha thứ. Trong lầm lỗi khóc than, vua Đavít cảm nhận sâu xa tình yêu của Giavê, Chúa của sự nhân lành, của sự tha thứ trên đời sống của ông, khiến Đavít phải thốt lên “Chúa tha cho ngươi muôn vàn tội lỗi, thương chữa lành các bệnh tật của ngươi… Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương, chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi. Người không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm” (x. Tv 104,3.8-9) và trong Thánh vịnh 31, Đavít đã ca lên “Hạnh phúc thay kẻ lỗi lầm mà được tha thứ, người có tội mà được khoan dung… Và chính Ngài đã tha thứ tội vạ cho con (x. Tv 31).
Khuôn mặt của tình yêu, của sự tha thứ nơi Thiên Chúa được mạc khải trọn vẹn nơi Đức Giêsu, Ngài đến mang cho nhân loại Tin Mừng trọn vẹn về lòng thương xót của Thiên Chúa, Ngài trở nên biểu hiện của tình yêu tha thứ, mà đỉnh cao trọn vẹn tình yêu được giãi bày trên cây thập giá, hình ảnh tuyệt vời của sự tha thứ “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (x. Lc 23,34). Lịch sử cứu độ con người gắn liền với lòng nhân từ, sự tha thứ của Thiên Chúa, trong Đức Giêsu Kitô “Người đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái; trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi” (x. Cl 1,13-14) , và vì “Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ cho mọi sa ngã, lỗi lầm của chúng ta” ( x. Cl 2,13b). Sự tha thứ chính là sáng kiến của Thiên Chúa, là đặc thù của tình yêu Thiên Chúa đối với con người từ muôn thuở cho đến muôn đời.
Tha thứ vì được Thiên Chúa tha thứ
Tha thứ là thách đố lớn nhất của con người trong tương giao với tha nhân. Tha thứ cho kẻ thù, cho người đã làm tổn hại đến mình cả tinh thần lẫn vật chất không phải là điều dễ dàng thực hiện. Trong cuốn Forgive for Good, tiến sĩ Frederic Luskin viết như sau: “Những người có thể tha thứ sẽ bớt trầm cảm, tức giận, căng thẳng đồng thời cũng sẽ có hy vọng trong cuộc sống hơn. Chính vì vậy, tha thứ sẽ giúp giảm thiểu sự hao tổn các cơ quan, tổ chức trong cơ thể, giảm hao tổn của hệ thống miễn dịch và giúp con người có thêm nghị lực sống”. Hay trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí Harvard Women's Health Watch cho biết: Việc tha thứ sẽ đem lại các lợi ích cho sức khỏe, đem lại hạnh phúc, tự do, bình an, quân bình tâm lý, cải thiện mối tương giao… Nhưng nếu chúng ta tha thứ chỉ vì những mục đích có lợi cho mình, cách nào đó, sự tha thứ cũng vẫn là một hành động quy kỷ về bản thân, chứ không vì tình yêu, vì tha nhân.
Trước Thiên Chúa, và trước tha nhân, không ai trong chúng ta dám vỗ ngực tuyên bố mình vô tội, để huênh hoang và tự đắc với sự “tinh tuyền” của bản thân, để dám kết án và không muốn tha thứ cho người khác. “Ai trong các ông người sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (x. Ga 8,1-11). Tha thứ thường trở nên khó khăn, là một thách đố, khi chúng ta cứ chăm chăm nhìn vào vết thương lòng mình, cứ nhìn mãi vào lầm lỗi, tính tình của người xúc phạm đến mình. Chỉ khi nào chúng ta quay ngược tấm kính soi rõ đời mình, để nhìn vào thân phận cũng yếu hèn, lầm lỡ, khuyết điểm, đầy dẫy những giới hạn… lúc ấy, chúng ta mới thấy mình “đồng điệu” với lỗi phạm của anh em, luôn cần được sự tha thứ của Thiên Chúa và của chính tha nhân. Tại sao tôi có thể làm ngơ, bỏ qua trước những sai phạm của mình, mà lại không thể tha thứ cho tha nhân những khiếm khuyết của họ? Tại sao tôi lại dễ dàng được Thiên Chúa tha thứ, mà tôi lại cố chấp, không dung tha cho lỗi phạm của người anh em? Nhận ra sự mong manh bản thân, với những yếu đuối chất chồng, chúng ta sẽ trở nên khiêm tốn hơn và học biết cách tha thứ khi đối diện với sự thánh thiện và tình yêu bao la, nhân từ của Thiên Chúa.
Thiên Chúa muốn chúng ta tha thứ cho người xúc phạm đến mình không chỉ vì những ích lợi cá nhân, nhưng Ngài muốn chúng ta tha thứ cho tha nhân trong sự khiêm tốn, để trao lại món quà tình yêu mà Ngài đã ban tặng cho mỗi người: sự bao dung và lòng tha thứ. Sự tha thứ Ngài dành tặng cho nhân loại, cho từng người một cách cụ thể trong ân sủng và sáng kiến của tình yêu. Đó là một sự tha thứ tuyệt vời, không giới hạn. Do đó, khi lãnh nhận quà tặng yêu thương tha thứ từ Thiên Chúa, Ngài muốn mỗi người phải biết cảm nhận điều tuyệt diệu ấy và gởi tặng lại anh em mình. Vì thế, Ngài không thể không trách móc và luận phạt “Ta đã tha hết số nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin Ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?” (x. Mt 18,23-35). Tha thứ vẫn mãi là điều khó khăn bao lâu con người chưa cảm nhận được cách sâu xa, được sống trong ơn hoán cải, khi nhận ra mình đã, đang và sẽ mãi luôn được Thiên Chúa tha thứ. “Khi cảm nghiệm được tình thương tha thứ của Thiên Chúa, thì suốt cuộc đời của họ sẽ luôn là một cuộc hoán cải không ngơi ngừng“ (Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II).
Tha thứ mãi mãi
“Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (x.Mt 18,21-22). Chúa Giêsu đã đưa ra giải đáp cho Phêrô về sự tha thứ khi ông đặt vấn nạn phải tha thứ cho anh em mình bao nhiêu lần là đủ. Thách đố của Phêrô cũng chính là thách đố của mỗi người chúng ta. Chúng ta dùng tri thức toán học để đếm số lần tha thứ, dùng kiến thức tâm lý để đánh giá, kết luận nét tính cách người lầm lỗi… để rồi e dè, khó khăn sống tâm tình tha thứ. Giữa nhịp đời hôm nay, trong những vội vã, bon chen, mệt mỏi, trong những mối tương giao phức tạp của đời sống… làm sao mỗi người chúng ta lại không thể không có những lần đau khổ, hụt hẫng, chán nản vì những vết thương do những người thân, đồng nghiệp, bạn bè, những người xa lạ… gây ra cho mình. Chắc hẳn đã có nhiều lúc tim ta quặn đau, điên dại, muốn cào rách cuộc đời khi thấy mình bị người thân phản bội, bị bỏ rơi và tủi nhục, mất mát… Nỗi đau ấy khiến mỗi người chúng ta cảm thấy mình khó bước đi trên con đường tha thứ, hoặc nếu giả như đã trải lòng để tha thứ, nhưng có lẽ, chúng ta cũng sẽ phải gào thét lên trong giới hạn chính mình “Tôi sẽ phải tha thứ đến khi nào nữa đây?”
Nhưng Thiên Chúa hoàn toàn khác với chúng ta, Ngài không biết đến toán học để tổng cộng số lần Ngài tha thứ, Ngài sẵn sàng đưa bàn tay yêu thương, nắm lấy những bàn tay lấm lem, gầy guộc, xấu xí trong tội của chúng ta. Ngài ôm lấy sự rách nát tâm hồn của chúng ta, hôn lên những rối bời mệt mỏi của lỗi phạm nơi chúng ta bằng tất cả hơi ấm của yêu thương, Thiên Chúa biết quá rõ con người Ngài tạo dựng vốn đa mang nhiều tội lụy, ngã lên gục xuống trong yếu đuối bụi trần. Do đó, sẽ chẳng có số lần được đếm lấy, chẳng có bến bờ của tha thứ. Tha thứ vô hạn. Một sự tha thứ trải dài, theo suốt đời người trong yêu thương bất tận. Tình yêu thật sẽ không có lựa chọn, cân đo đong đếm, không tính toán thiệt hơn. Vì bởi yêu thương nơi Thiên Chúa không có nhịp dừng, cũng chẳng có giới hạn, nên sự tha thứ sẽ là mãi mãi.
Sự tha thứ vô biên, tha thứ mãi mãi phải là quà tặng của tình yêu mà mỗi người chúng ta cần trao gởi cho tha nhân, cho mọi người chúng ta tương giao, gặp gỡ. Đừng gặng hỏi, chất vấn Chúa và trách móc người thân yêu, tha nhân về con số đếm được của sự tha thứ “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải đến 7 lần không?” (x. Mt 18,21b). Sẽ vẫn mãi chỉ là một cánh cửa của tình yêu không giới hạn “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18,21-22).
Tình yêu sẽ càng đẹp, càng rực rỡ, càng cao quý khi số lần tha thứ được tăng, tăng lên mãi. Tha thứ và tha thứ mãi mãi, bởi đó là quà tặng đẹp nhất, tuyệt vời nhất của tình yêu.
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm