“Tháng giêng là tháng ăn chơi”
Bạn thân mến
Tết Canh Dần vừa qua, gia đình bạn nghỉ mát ở xứ thông Đà Lạt, thật thú vị nhỉ! Quên đi những tất bật lo toan thường nhật 365 ngày, đơn độc, hòa lẫn trong cỏ hoa khoe sắc, đắm chìm giữa thiên nhiên bao la vừa nghiêm nghị vừa lơ đễnh để hướng về Chúa rồi ngẫm lại mình, thật là một thời khắc tốt đẹp phải không bạn?
Người ta thường châm biếm: “Người già chỉ biết ôm lấy những quá khứ”. Bạn thế nào tôi không biết, nhưng riêng tôi, tôi không thể quên được những mảng quá khứ đẹp. Tại sao? - Vì trong hiện tại chúng không tồn tại và những thế hệ con cháu chúng ta sẽ không bao giờ tìm gặp được. Rất nhiều và rất nhiều. Thí dụ: “Tháng giêng là tháng ăn chơi” giờ đây chỉ có trong văn học dân gian. Thực tế, bà con nông dân ngày nay phải quần quật với ba mùa lúa trong năm, chưa kể còn nuôi trồng thủy sản cả ngày lẫn đêm, thế mà vẫn bị cái đói rình rập. Còn đâu nữa cái thời chỉ gieo xạ một mùa lúa, không cần phân hóa học, kho lẫm vẫn đầy ắp. Con đàn, cháu đống vẫn no vui. Xứ mũi Cà Mau thì “muỗi bay như xát trấu, đỉa lội như bánh canh” nhưng cá tôm cũng nhiều vô số. “Anh Hai Lúa” thích nhậu thì sẵn đủ loại cá dưới đìa cạnh nhà, mặc sức cho anh chọn lựa. Anh chưa bao giờ nghe đến cụm từ nuôi trồng thủy sản.
Chồng làm công chức thời đó chỉ có chút lương còm nhưng vẫn đủ nuôi vợ, nuôi con. Người phụ nữ ngày ấy chỉ biết nuôi và dạy con tốt và còn có dư thời giờ để nâng khăn sửa túi cho chồng. Người vợ không phải vất con vào nhà trẻ để chạy đôn chạy đáo đến xí nghiệp. Vì thế, người phụ nữ thời ấy sinh năm đẻ bảy là chuyện bình thường. Ngày nay, để có tiền lo cho con ăn và học người ta phải làm hai “gióp” (job). Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm. Vợ chồng suốt tuần không giáp mặt nhau. Con cái phải học bán trú hoặc nội trú. Cuối tuần, gia đình mới có được bữa cơm sum họp. Sống trong sức ép “chạy gạo từng bữa, toát mồ hôi” ấy, người ta thường ngoan ngoãn ôm lấy “ba khoan” và tự động hạn chế sinh sản.
Từ khi người mẹ rời bỏ thiên chức làm mẹ nơi gia đình để vào kiếp “thân cò lặn lội bờ sông” chia sẻ gánh nặng tài chánh với người đàn ông, thì hình như giềng mối gia đình bắt đầu bị phân hủy. Nhiều chợ trời, chợ người (lao động) và nhiều nghề mới đã phát sinh như xe đạp ôm, hông đa ôm thu hút được một con số thất nghiệp đáng kể, và còn rất nhiều khu chế xuất và khu công nghiệp mọc lên như nấm sau cơn mưa đầu mùa. Nhưng gần đây, nhiều nhà xã hội học cũng phải cám cảnh khi nhìn thấy giới mày râu phải lăn xả vào khu vực nghề nghiệp mà trước đây chỉ dành cho giới phụ nữ: bán cá, bán rau… Ngược lại “chị em ta” phải “bán thân nuôi miệng”! Và các chị cũng đã chen chân vào những ngành nghề nặng nề, chỉ dành cho cánh đàn ông như chạy xe ôm, ba gác, khuân vác… Giáo chức thì nhẹ nhàng hơn, nhưng một hiệu trưởng Mầm Non đã chia sẻ: “Các cô giáo trong ngành chúng tôi phải quay cuồng với các cháu bé từ 06 giờ sáng đến 06 giờ chiều, không có thời giờ hẹn hò với “ai kia”. Vì thế, họ thường lập gia đình rất trễ, chưa kể có cô phải sống độc thân vì đã để thời gian lỡ trôi!…”
Nhà nhà, người người, ai ai cũng lo toan tất bật cho cuộc sống như vậy đấy. Riêng bạn, trong ngày mùng ba tết, khi dự thánh lễ Thánh hóa công việc làm ăn, bạn nghĩ gì khi Giáo hội suy tôn Lời Chúa: “Hãy xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho…Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng, ngay cả vua Salômôn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy”(Mt 6, 25-34). Đầu năm mới đến Nhà Chúa, ai ai cũng khấn xin cho có thật nhiều công ăn việc làm thuận lợi, ký được nhiều hợp đồng tốt đẹp trong năm mới. Tiền vô như nước đến nỗi vợ ở nhà đếm tiền mỏi tay cả bảy ngày trong tuần. Ngày Chúa nhật, chồng phải nâng cốc với quá nhiều đối tác, nên quên cả Thánh lễ. Điều đó có tốt đẹp không?
Thực ra, Giáo hội muốn dâng lời nguyện xin Chúa cho chúng ta biết Thánh hóa công ăn việc làm. Để trong năm, việc làm có lúc gặp khó khăn ta vẫn chịu khó vươn lên, chứ không than Chúa trách Mẹ. Để thương trường của doanh nhân Công giáo chúng ta không là “chiến trường”, nhưng là cánh đồng nho truyền giáo trĩu quả. Mỗi người chúng ta đều là những ông chủ vườn nho nhân hậu, biết sử dụng đồng tiền như Lời Chúa dạy (x. Mt 20, 1-16). Công nhân Công giáo nêu gương liêm chính giữa công ty (x. Lc 16, 9-13). Họ quý mến chủ mình và không kỳ thị giai cấp, không đấu tranh giai cấp (x.Cl 3, 22). Nhưng không vì nỗi ám ảnh thất nghiệp mà coi chủ như là thượng đế. Lòng Thương Xót Chúa luôn quan phòng và nuôi dưỡng mọi giai cấp chủ thợ. Nhờ Ngài, chủ có hợp đồng, thợ có việc làm…
Từ khi Chúa phục sinh, công việc lao động không còn bị chúc dữ nữa (x. St 3, 17-19). Ngược lại đã được Chúa Kitô Phục sinh thánh hóa, nâng lên một tầm cao mới, ban cho chúng những giá trị thánh hóa. Lao động là vinh quang. Không chỉ để nuôi thân mà còn cộng tác với Thiên Chúa sáng tạo. Sáng tạo không ngừng. Lao động là tạo ra của cải vật chất và của cải tinh thần. Còn phải cố gắng bảo tồn những công trình muôn màu muôn vẻ của Thiên Chúa. Đừng hủy hoại nó. Sáng tạo ra của cải để nâng cao cuộc sống là điều tốt lành. Đó là sứ mạng trần thế của Kitô hữu chúng ta.
Nhưng sản xuất vô lối đến độ tầng Ozon bị phá thủng, nhiều dòng sông đã chết. Sản xuất vì lợi nhuận trên hết, thiếu “Safety first”, để mọi độc tố MCDP3, FORMOL, HÀN THE, MELAMINE… lang thang khắp nơi trong thực phẩm để đầu độc đồng bào, đồng loại… thì lao động có còn là vinh quang nữa không? Vì cuộc sống bắt buộc người ta phải lao động, sản xuất theo cung cách vậy sao? Và người ta phải bươn chải tận Sài Gòn, Hà Nội, tận Âu - Mỹ, tận các vương quốc Ả Rập để kiếm miếng cơm manh áo, bỏ mặc tình vợ chồng, tình mẫu tử. Ngày 19.11.2008, đài VTV3 đã trình làng một thống kê, khiến những người có lương tri phải giật thót tim: “Trung bình người phụ nữ Việt Nam phá thai hai lần rưỡi trong đời”. Chối từ sứ mạng truyền sinh, sứ mạng sáng tạo cao cả tuyệt vời này, thì thế hệ này sẽ đi về đâu? Hàng năm đã có hàng triệu con trẻ bị tước quyền sống, bị sát hại trước khi chào đời. Ước gì quý người cha đáng kính, quý người mẹ đáng yêu biết đối chứng hành động của mình với hành động diệt chủng của Hitler, Pônpốt…
Như từ đầu, Tâm muốn chia sẻ với bạn nhân thánh lễ mùng ba tết: lao động phải có nghỉ ngơi. Tháng giêng là tháng ăn chơi. Đây là truyền thống tốt đẹp của tiền nhân, nhắc chúng mình nhớ giữ luật ngày Sabat. Mình rất mong cuối tuần được nghỉ mát Đà Lạt như bạn thì thích quá. Lúc còn bé, thời chiến tranh, mình không biết du lịch là gì. Nhưng, mình còn nhớ, ngày Chúa nhật, cha mình thường dẫn mình đi câu cá và cả nhà mình không ai làm việc xác. Hiện nay, tôi cũng thường nhắc các con tôi nên từ chối tăng ca trong ngày Chúa nhật, cần dành một ngày trọn vẹn cho Thiên Chúa, cho bản thân và gia đình. Chắc chắn bạn và tôi luôn xác tín điều này là rất nhân bản như Chúa Cha đã làm gương cho chúng mình từ thời tạo thiên lập địa! Tôi luôn cầu xin Thiên Chúa cho các con tôi và các con của bạn, hiểu được và thực hành được điều này. – Thân mến chào bạn nhé!
bài liên quan mới nhất
- Cuộc hội nhập văn hoá trong lịch sử dân tộc Việt Nam
-
Quà Tết cho người vô gia cư -
Noel ấm áp tình người -
Đồng hương Thái Bình miền Nam: Họp mặt Tân niên -
Đồng hương Đàn Giản: mừng Xuân đoàn viên -
Nhớ lắm bếp củi ngày xưa! -
Thông điệp của mùa xuân -
Giờ kinh Giao Thừa -
Trăng Rằm miền biên giới -
Vầng Trăng Yêu Thương
bài liên quan đọc nhiều
- Cuộc hội nhập văn hoá trong lịch sử dân tộc Việt Nam
-
Nhớ lắm bếp củi ngày xưa! -
Quà Tết cho người vô gia cư -
Thông điệp của mùa xuân -
Sống tâm tình tạ ơn trong ba ngày Tết -
Tây Tạng: Tết Losar của lòng hiếu khách và từ tâm -
Giờ kinh Giao Thừa -
Năm Thìn, tản mạn chuyện Rồng -
Tất niên và tân niên -
Trăng vàng mùa thu