Thánh Tẩy - Thêm Sức và mầu nhiệm Tử nạn, Phục sinh của Đức Kitô
Thánh Tẩy - Thêm Sức
và mầu nhiệm Tử nạn, Phục sinh
của Đức Kitô
Jos.Vinc. Ngọc Biển
Dẫn Nhập:
Nếu nói: “Bí Tích là những dấu chỉ hữu hiệu của ân sủng do Chúa Kitô thiết lập, và được trao lại cho Hội Thánh để ban sự sống thần linh cho chúng ta” (1) thì đặc tính Bí tích là một cái gì đó sâu xa bên trong linh hồn không thể xóa nhòa. Đặc tính ấy là thường hằng, là cái sẽ tồn tại muôn đời, sẽ không thể bị đánh mất (2). Ân sủng đó làm cho tận sâu thẳm tâm hồn chúng ta một sự thay đổi. Việc lãnh nhận các Bí tích nhờ sự biến đổi của Chúa Kitô, người Kitô hữu được sinh vào trong chiều kích mới, chiều kích của sự hiện hữu, nghĩa là chiều kích của Thiên Chúa, một sự hiện hữu mà Chúa Kitô đã sống suốt cuộc đời trần thế của Ngài. Qua bài viết này, xin được bàn về thần học của hai bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, cũng như sự liên kết của hai Bí tích này trong mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô, để làm toát lên ân sủng thường hằng và sự biến đổi sâu xa nơi thụ nhân khi đã lãnh nhận hai Bí tích này. Trước khi đi vào vấn đề, xin được trình bày đôi nét về khái niệm của hai Bí tích này.
1. Bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức là gì?
1.1. Bí tích Thánh Tẩy:
Bí tích Thánh Tẩy là Bí tích do Chúa Giêsu thiết lập khi truyền cho các Tông đồ: “Anh em hãy đi đến với muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28, 19). Bí tích Thánh Tẩy làm cho người lãnh nhận được giải thoát khỏi tội lỗi, để bước vào sự sống nhờ được tái sinh làm con cái Chúa, trở thành chi thể của Chúa Kitô, thành viên của Hội Thánh, nhờ nước và Thánh Thần. Bí tích Thánh Tẩy là khởi đầu và kéo dài sự hiệp thông với Thiên Chúa, là cửa dẫn vào đời sống trong Chúa Thánh Thần. Bí tích này ghi dấu vĩnh viễn, không thể tẩy xóa trong tâm hồn thụ nhân (6). Bí tích Thánh Tẩy là cửa dẫn vào các Bí tích khác và cần thiết cho ơn cứu rỗi (7).
1.2. Bí Tích Thêm Sức:
Bí tích Thêm Sức là Bí tích trao ban Chúa Thánh Thần cho các thụ nhân cách dồi dào. Qua Bí tích này, Chúa Thánh Thần ban cho người lãnh nhận ơn sức mạnh, để họ có thể công khai tuyên xưng và sống đức tin một cách kiên định để làm chứng cho Chúa Kitô. Đồng thời liên kết họ cách mật thiết với Hội Thánh.
Được gọi là Bí tích Thêm Sức là vì Bí tích này kiện toàn và củng cố ân sủng của Bí tích Thánh Tẩy (8).
Khi lãnh nhận Bí tích Thêm Sức, người thụ nhân là phần tử có trách nhiệm đầy đủ của Hội Thánh Công giáo. Ơn sức mạnh (strength) của Chúa Thánh Thần ban xuống làm cho họ trở nên chứng nhân (witness) của Chúa Kitô trong việc làm và cả cuộc sống.
Cũng như Bí tích Thánh Tẩy, Bí tích Thêm Sức in một dấu ấn vĩnh viễn không tẩy xóa được, và chỉ lãnh nhận một lần cho cả đời.
Bí tích này tăng sức cho người lãnh nhận và buộc họ cách nghiêm ngặt hơn là phải trở nên nhân chứng của Đức Kitô bằng lời nói và việc làm (9).
2. Ý nghĩa thần học về Bí tích Thánh Tẩy và Bí tích Thêm Sức
Bí tích Thánh Tẩy chiếm vị trí hàng đầu trong 7 Bí tích, là cánh cửa khai mở thần linh, là Bí tích khai tâm dẫn người Kitô hữu vào trong Giáo Hội. Bí tích Thánh Tẩy là nền tảng toàn bộ đời sống đức tin của người Kitô hữu, làm cho ta trở thành thành viên trong gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa. Được cứu độ và là điều kiện để lãnh nhận các Bí tích khác (10). Với thánh Phaolô thì lãnh nhận Bí tích này là dìm mình trong Thánh Thần để được tái sinh và đổi mới (x. Tt 3,5). Bí tích Thánh Tẩy là Bí tích tha thứ tội Nguyên tổ và hết tất cả các tội ta trót phạm cũng như những hình phạt do tội gây nên (11). Qua Bí tích này, thụ nhân được trở nên một thụ tạo mới, được tháp nhập vào trong Hội Thánh, liên kết mật thiết qua mối dây hiệp thông với tất cả mọi người con của Hội Thánh. Bí tích này mang một dấu ấn thiêng liêng không thể tẩy xóa. Họ mãi thuộc về Đức Kitô.
Còn Bí tích Thêm Sức, giúp người Kitô hữu tham dự tích cực hơn vào sứ mạng của Chúa Kitô và được tràn đầy ân huệ của Chúa Thánh Thần. Ân huệ của Chúa Thánh Thần là những phẩm chất Chúa ban cho linh hồn cùng với ơn đức tin. Ơn Thiên phú, tăng cường trí năng và trợ giúp ý chí để ta biết xử thế theo tinh thần Tin Mừng, để không ngừng tiến triển trên đường nhân đức.
Nhờ Bí tích Thêm Sức, thụ nhân lãnh nhận chính Chúa Thánh Thần cách dồi dào và phong phú. Xưa kia Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên các Tông đồ và ban cho các ông ơn can đảm để làm chứng cho Chúa Kitô, thì ngày hôm nay, Người cũng ngự xuống trên các thụ nhân và ban cho họ ơn can đảm cũng như những phẩm tính của Người.
Ngày lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, ta được trở nên thụ tạo mới, được tham dự vào sự sống thần linh của Thiên Chúa; hay nói cách khác, chúng ta được mặc lấy chính sự sống của Chúa Kitô, được làm con Chúa, trở thành môn đệ nhờ lắng nghe và thực thi Lời Chúa. Khi lãnh nhận Bí tích Thêm Sức, đặc tính của Bí tích này mời gọi chúng ta thành ngôn sứ nhiệt tâm loan báo Lời của Chúa Kitô và để cho Chúa Kitô ảnh hưởng ngày càng nhiều trên người khác.
Thánh Công đồng VaticanôII trong Hiến chế Tín lý về Giáo Hội cũng dạy rằng:
“Các tín hữu nhập hiệp vào Giáo Hội bởi phép Rửa, và nhờ ấn tích, họ được đề cử thi hành việc phụng tự Kitô giáo và được tái sinh làm con Thiên Chúa, họ có bổn phận tuyên xưng trước mặt mọi người đức tin họ nhận lãnh từ Thiên Chúa qua Giáo Hội. Nhờ ơn bí tích Thêm Sức, họ gắn bó với Giáo Hội cách hoàn hảo hơn và được dư đầy sức mạnh đặc biệt của Chúa Thánh Thần; do đó họ càng có bổn phận khẩn thiết hơn phải loan truyền và bảo vệ đức tin bằng lời nói và việc làm như những chứng nhân đích thực của Chúa Kitô” (12).
Như vậy, khi được Thánh Tẩy trong Chúa Kitô và mặc lấy Chúa Kitô, chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài; nhờ ân sủng của Bí tích Thêm Sức, chúng ta gắn bó với Hội Thánh cách hoàn hảo hơn và được đầy tràn sức mạnh của Chúa Thánh Thần.
Một khi đã đi vào đời sống mới qua Bí tích Thánh Tẩy, mọi cố gắng của chúng ta sống làm con Chúa đã bắt đầu. Tuy nhiên, chúng ta còn phải cần ơn Chúa thông ban qua Chúa Thánh Thần để thực sự sống đời sống mới trong đức tin. Vì thế, qua Bí tích Thêm Sức, chúng ta lãnh nhận ấn tín Chúa Thánh Thần và được nhắc nhớ chính Thần Khí mà chúng ta lãnh nhận trong phép Thánh Tẩy luôn ở cùng chúng ta để thúc đẩy, hướng dẫn và ban sức mạnh cho chúng ta.
Món quà của Chúa Thánh Thần được ban cho chúng ta qua Bí tích Thánh Tẩy, là những cách thế Thần Khí hoạt động trong chúng ta. Bí tích Thêm Sức làm cho chúng ta sẵn sàng hơn để đáp trả món quà đó, là khôn ngoan, can đảm, hiểu biết, thờ phượng, biện phân, lương tâm ngay thẳng, nhận ra và kính sợ Thiên Chúa.
Có thể nói: Bí tích Thêm Sức với Bí tích Thánh Tẩy cũng như việc tăng trưởng đối với việc sinh ra. Như sự sống tự nhiên trong thân xác, sự sống thần linh của người Kitô hữu do Bí tích Thánh Tẩy mang lại cũng cần phải lớn lên và đạt tới sự trưởng thành. Thế nên, Bí tích Thêm Sức không phải là một phép rửa thứ hai, mà là một sự củng cố, canh tân Bí tích Thánh Tẩy khi con người bước vào tuổi ý thức.
Nếu như mọi Kitô hữu đều lãnh nhận sứ mạng loan báo Tin Mừng từ khi được dìm mình trong Bí tích Thánh Tẩy, thì khi lãnh nhận Bí tích Thêm Sức, chúng ta càng ý thức và sống sứ mạng truyền giáo của mình hơn nữa (13).
Cũng như người chịu phép Thánh Tẩy được quyền năng thiêng liêng để tuyên xưng đức tin và lãnh nhận các Bí tích khác, thì người chịu phép Thêm Sức cũng được quyền năng tuyên xưng Chúa Kitô. Nhờ được kết hợp với Chúa Kitô, họ cũng có quyền lợi và nghĩa vụ công khai biểu lộ trách nhiệm chiến đấu chống lại sự ác và làm chứng công khai cho Ngài (14).
Nói theo ngôn ngữ của thánh Tôma Aquynô thì: “Thánh Tẩy giống như sự tái sinh thiêng liêng cho đời sống Kitô giáo. Phép Thêm Sức như một thứ ‘triển nở thiêng liêng’, đưa con người tới chỗ trưởng thành trong đời sống đạo” (15); hay nói cách khác: cả hai Bí tích đều có liên hệ tới mầu nhiệm của cuộc đời Chúa Kitô. Mầu nhiệm ấy cũng chính là mầu nhiệm của người tín hữu Kitô khi đã lãnh nhận các Bí tích này. Đỉnh cao của tiến trình ấy chính là mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh của Chúa Kitô.
3. Bí tích Thánh Tẩy và Bí tích Thêm Sức liên quan đến mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh của Chúa Kitô như thế nào?
Khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, chúng ta thuộc về Chúa Kitô. Được trở nên thụ tạo mới. Được chết đi cho con người cũ và mặc lấy con người mới (x. Rm 6, 4 ; Cl 2, 12). Khi được Thánh Tẩy nhân danh Chúa Kitô (x. Cv 2, 38), chúng ta đã lột bỏ con người cũ với các hành vi của nó, và đã mặc lấy con người mới đã được canh tân (x. Cl 3, 10 ; Ep 4, 22-24). Hành vi cởi bỏ y phục và tư trang là cử chỉ biểu tượng của việc từ bỏ thế gian, từ bỏ thái độ quyến luyến của cải vật chất, và từ bỏ con người cũ để được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, Đấng đã chết trần trụi trên Thập giá và đã phục sinh vinh hiển. Hình ảnh này được diễn tả rõ nét trong Đêm Vọng Phục Sinh. Đây là đêm canh thức vượt qua của người Kitô hữu, đêm Chúa Kitô vượt qua sự chết bước vào sự sống. Đêm nay, những ai được dìm mình vào trong Giếng Rửa Tội, thì cũng sẽ được cùng chết với Người và phục sinh với Người.
Đây chính là Tin Mừng trọng đại, bởi vì nhờ Thánh Tẩy, chúng ta được kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô cách triệt để, thuộc về Chúa Cha và được Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Vì thế, đức tin qua phép Thánh Tẩy hướng chúng ta về Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (x. 2Cr 1, 21-22 ; Ep 1, 13 ; Mt 28, 19).
Thánh Tẩy còn hướng chúng ta đến ngày cứu độ, ngày cánh chung (x. Ep 4, 30). Những người lãnh nhận phép Thánh Tẩy, họ vừa được làm con và cũng là người thừa tự (x. Ga 4, 7). Được làm con vì họ được phục hồi nhân vị đã mất do tội Nguyên Tổ qua Chúa Kitô, nơi Bí tích Thánh Tẩy. Được là người đồng thừa tự vì: “Đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Ðức Kitô; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người” (Rm 8,17). Như vậy, họ sẽ phục vụ trong sự mới mẻ của Thần Khí (x. Rm 7, 6), bước đi trong Thần Khí (x. Ga 5, 16), mang lại hoa quả của Thần Khí (x. Ga 5, 22).
Khi lãnh nhận Bí tích Thêm Sức, chúng ta được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, ban ơn can đảm để chúng ta sẵn sàng làm chứng về Chúa Kitô đã chết và đã phục sinh; đồng thời cũng giúp cho chúng ta sẵn sàng tuyên xưng niềm tin của chúng ta vào mầu nhiệm tử nạn và phục sinh cách trung thành. Xưa kia, Chúa Thánh Thần được trao ban cho các Tông đồ thế nào thì ngày nay Chúa Thánh Thần cũng được trao ban như vậy nơi Hội Thánh của Chúa. Bí tích Thêm Sức nhấn mạnh khía cạnh “tiệm tiến”, đào sâu, và làm sáng tỏ mầu nhiệm Vượt Qua trong đời sống Kitô hữu. Như vậy, trong mọi thời và nọi nơi, người Kitô hữu phải là những chứng nhân.
Quả thật, Bí tích Thánh Tẩy thực sự cần thiết cho ơn cứu độ vì Thánh Tẩy mở ra chân trời mới cho người Tín Hữu, họ được bước vào một thế giới thần linh, được gia nhập vào gia đình Chúa Ba Ngôi. Được trở thành nghĩa tử, là anh em của nhau và có thể thưa lên rằng Abba, Cha ơi!: “Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. Vì Thần Khí mà anh em đã lãnh nhận được, đâu là tinh thần nô lệ, khiến anh em phải sợ sệt như xưa; nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, khiến chúng ta được kêu lên: "Ápba! Cha ơi!" Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa” (Rm 8, 14-16). Như vậy, nhờ Bí tích Thánh Tẩy, con người được tháp nhập vào mầu nhiệm phục sinh của Đức Kitô; cùng chết, cùng chịu mai táng, cùng sống lại, được lãnh nhận tinh thần dưỡng tử.
Còn bí tích Thêm Sức thì làm cho Bí tích Thánh Tẩy được phong phú hóa, được dồi dào ơn Chúa Thánh Thần và sống đời sống chứng tá trong thế giới hôm nay. Sống đời sống chứng tá là gì nếu không phải là rao truyền một Đức Kitô chết và sống lại vì con người và cho con người. Tuy nhiên, trong một thế giới tục hóa và chủ trương tương đối hóa mọi chuyện, thì ơn được gìn giữ, bảo vệ đức tin là điều thiết yếu. Những điều đó chỉ có thể thực hiện được nếu có Chúa Thánh Thần đồng hành.
Vì thế, nhiệm vụ trao cho người Kitô hữu trong phép Thêm Sức như là bài sai về một sứ mạng tông đồ giữa lòng thế giới, làm sáng lên niềm hy vọng nơi bộ mặt thế giới, để đưa thế giới về với Vương Quốc của Thiên Chúa đang đến (16).
Kết Luận:
Như đã nói trong phần dẫn nhập: “Bí Tích là những dấu chỉ hữu hiệu của ân sủng do Chúa Kitô thiết lập, và được trao lại cho Hội Thánh để ban sự sống thần linh cho chúng ta” (17).
Thật vậy, khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, chúng ta được tháp nhập vào trong tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Đây chính là sự sống thần linh. Ngày lãnh nhận Bí tích Thêm Sức, thụ nhân được mời gọi sống và diễn tả trong vai trò chứng nhân của tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi trong cuộc đời.
Bí tích Thánh Tẩy làm cho chúng ta được tái sinh, trở nên một thụ tạo mới trong Chúa Kitô: được dìm mình vào trong một khuôn đúc mới, để xuất hiện một hình ảnh mới, hình ảnh Đức Kitô.
Còn Bí tích Thêm Sức giúp cho chúng ta sống triển nở những ân huệ đã được tái sinh cách trưởng thành và sống triệt để vai trò ngôn sứ cũng như chứng nhân của mình.
Đặc tính của Bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức mời gọi chúng ta sống tinh thần của hạt lúa gieo vào lòng đất, chết đi để sinh nhiều bông hạt. Cũng thế, Chúa Giêsu đã sống tinh thần tự hủy của hạt lúa. Từ bỏ ý riêng để trung thành với thánh ý của Thiên Chúa Cha, mà ý của Chúa Cha là muốn cho Chúa Giêsu phải chịu chết và sống lại để cứu độ nhân loại.
Là người Kitô hữu trưởng thành, chúng ta đã được lãnh nhận hai Bí tích này. Lãnh nhận không thôi thì chưa đủ, mà phải hiểu, sống ý nghĩa của những Bí tích này trong cuộc đời thì mới là những người mang Chúa Kitô trong mình thực sự.
Được như vậy, một mặt, chúng ta sẽ trở thành những người đồng thừa tự khi đã cùng chết cho Chúa Kitô, chúng ta cũng sẽ được sống lại như Người; mặt khác, một khi đã lãnh nhận những ân huệ của hai Bí tích này đem lại, thì việc rao giảng và làm chứng về mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô thuộc về mỗi chúng ta.
Tắt một lời: Bí tích Thánh Tẩy khai mở cho chúng ta con đường tử nạn và phục sinh; đồng thời mời gọi chúng ta sống mầu nhiệm tự hủy và từ bỏ ý riêng, sống vì Chúa và cho anh em, để được bước vào vinh quang. Bí tích Thêm Sức giúp cho chúng ta có khả năng thực hành “lối sống” của phép Thánh Tẩy cách triệt để trong vai trò chứng nhân.
-----o0o-----
(1) Xc. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1113-1130.
(2) Lm. Đa Minh Nguyễn Đức Thông, C.s.sR. Điểm Hẹn Thần Linh, biên soạn 2007, tr. 101.
(3) Joseph Martos, Cửa Vào Thánh Thiêng, tập 1, tr. 113.
(4) Xc. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1213.
(5) Xc., Ibid.
(6) Xc. Hội đồng Giám Mục Việt Nam, Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, tiểu ban Từ Vựng, Từ Điển Công Giáo, Nhà xuất Bản Tôn Giáo, năm 2011, tr 309.
(7) Xc. Giáo Luật, điều 849. 842§1.
(8) Xc. Hội đồng Giám Mục Việt Nam, Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, tiểu ban Từ Vựng, Từ Điển Công Giáo, Nhà xuất Bản Tôn Giáo, năm 2011, tr. 326.
(9) Xc. Giáo Luật, điều 879.
(10) Xc. Phạm Quốc Văn, O.P. Từ Cạnh Sườn Bị Đâm Thâu, (Bí tích chuyên biệt), lưu hành nội bộ, tr. 34.
(11) Gunter Koch, Bí Tích Học Qua Các Tác Giả, tr 264.
(12) Xc. Hội đồng Giám Mục Việt Nam, Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, tiểu ban Từ Vựng, Từ Điển Công Giáo, Nhà xuất Bản Tôn Giáo, năm 2011, tr. 326.
(13) Xc. Giáo Luật, điều 879.
(14) Xc. Phạm Quốc Văn, O.P. Từ Cạnh Sườn Bị Đâm Thâu, (Bí tích chuyên biệt), lưu hành nội bộ, tr. 34.
(15) Gunter Koch, Bí Tích Học Qua Các Tác Giả, tr 264.
(16) Gunter Koch, Bí Tích Học Qua Các Tác Giả, tr. 307-308.
(17) Xc. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1113-1130.
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm