Thất bại trong đời thường
Chuyện đời thường
WGPSG -- Người chị bà con của tôi vừa mới mở quán phở, bún bò, cơm tấm ở Sài Gòn. Chị và những người thân phải tất bật lo liệu nhiều thứ. Lo kiếm mặt bằng sao cho hợp với nhu cầu kinh doanh và túi tiền hiện có. Lo tu sửa mặt bằng và mua sắm những thứ cần thiết như tủ lạnh, máy giặt, quạt máy, bàn ghế, chén tô v.v… Cuối cùng, mọi sự hoàn tất. Quán ăn của chị bắt đầu khai trương vào cuối tháng 07 năm 2012. Ngày đầu khai trương, khách tới tấp nập. Bán được. Vui mừng và hy vọng. Thế nhưng, những ngày sau đó, khách thưa dần. Bây giờ chị phải tính đến chuyện sang tiệm vì không thể gồng gánh số tiền thuê mặt bằng quá cao. Chị và gia đình suy sụp cả tinh thần lẫn vật chất vì nghĩ mình đã thất bại trong chuyện kinh doanh. Chị chán nản và mệt mỏi!
Những suy nghĩ từ câu chuyện
Bạn thân mến, câu chuyện đời thường trên đây gợi lên trong chúng ta những suy nghĩ gì? Phải chăng đó là những suy gẫm về sự thất bại của con người trong cuộc sống thường ngày? Đó là những thất bại của những sinh viên, học sinh trong những lần thi cử. Đó là những thất bại của những người kinh doanh mua bán. Đó là những thất bại trong chuyện tình cảm và hôn nhân gia đình v.v… Tựu trung lại, thất bại để lại hậu quả gì cho chúng ta? Khi đối diện với thất bại, chúng ta cần phải làm gì? Những thất bại trong đời sống đạo của người Kitô hữu là gì?
Quả thật, ai trong chúng ta cũng đã từng nếm trải tâm trạng của những người thất bại. Người chị của tôi vừa thất bại trong chuyện làm ăn. Thất bại ấy làm chị ta suy sụp tinh thần và tổn thất vật chất. Chị gầy đi rất nhiều. Chị lo lắng đủ điều. Vì thế, thất bại ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần chúng ta. Nó làm chúng ta lo lắng bất an. Nó làm chúng ta khủng hoảng bế tắc. Có những thất bại dẫn người ta đến cái chết. Ví dụ như những vụ tự tử của nhiều giám đốc công ty tuyên bố phá sản, hay nhiều cái chết bất ngờ của những tài tử vang bóng trên sân khấu và phim trường v.v… Đó là những thực tế nghiệt ngã xảy ra giữa cuộc sống đời thường hôm nay. Nói tóm lại, đó là những thất bại trong đời. Vậy, khi gặp những thất bại, rủi ro trong đời chúng ta cần phải làm gì?
Làm thế nào để vượt qua thất bại?
Trước hết, chúng ta thường nghe nói: “Thất bại là mẹ thành công.” Quả thật đúng như thế. Bởi vì, trong cuộc sống có ai mà không thất bại bao giờ? Vì vậy, William Faulkner đã nói: “Tất cả chúng ta đều thất bại trong việc theo đuổi giấc mơ về sự hoàn hảo.” Vấn đề là chúng ta cần phải làm gì sau những lần thất bại? Chúng ta tìm câu trả lời cho câu hỏi này nơi những kinh nghiệm của nhiều nhà tư tưởng trứ danh và những trải nghiệm của bản thân.
Nhà hiền triết Ralph Waldo Emerson đã từng viết: “Sự vinh quang lớn nhất của chúng ta không nằm ở việc không bao giờ thất bại, mà nằm ở việc vươn dậy sau mọi lần thất bại.” Được biết có một chàng trai trẻ vừa thất bại hai tỉ đồng trong chuyện mua bán sắt. Sau đó, anh không nản lòng chuyển sang kế hoạch mở quán ăn hải sản. Anh ta cố gắng vươn dậy sau thất bại kinh khủng ấy. Ngoài ra, Winston Churchill đã trải nghiệm: “Thành công không phải là cuối cùng, thất bại không phải là chết người: lòng can đảm đi tiếp mới quan trọng.” Điều này đòi hỏi nơi mỗi chúng ta một nghị lực và niềm tin phi thường như Dale Carnegie đã để lại cho chúng ta câu nói trứ danh: “Xây dựng thành công từ thất bại. Sự chán nản và thất bại là hai bước đệm chắc chắn nhất dẫn tới thành công.” Bạn và tôi đã từng làm như thế bao giờ chưa?
Những thất bại trong đời sống đạo và làm thế nào để vượt qua?
Cuối cùng, những thất bại trong đời thường dẫn chúng ta đến những suy tư liên hệ đến những thất bại trong đời sống đạo. Đó là những lần chúng ta vấp ngã sa chước cám dỗ của ma quỷ. Chúng ta phạm tội trọng. Chúng ta bỏ tham dự Thánh lễ Chúa nhật, bỏ mùa Giáng sinh và Phục sinh nhiều năm. Chúng ta đánh mất những cảm thức đức tin: đi lễ mà không thấy sốt sắng; không muốn xưng tội vì thấy mình chẳng có tội lỗi gì v.v… Đó là những yếu đuối của bất kỳ một Kitô hữu nào. Vậy, chúng ta cần phải làm gì để đứng lên và bắt đầu lại sau những lần vấp ngã như thế?
Bạn thân mến, người Kitô hữu chúng ta cần bám chặt và làm mới lại mối tương quan với Chúa Giêsu vì Người đã nói: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm được gì” (Ga 15,5). Ước gì, ơn Chúa và một cuộc đời có Chúa Giêsu sẽ giúp mỗi Kitô hữu chúng ta đủ niềm tin yêu và hy vọng vượt qua những thất bại trong đời!
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm