“Thật là hay!” (Mc 9, 5)
TGPSG-- Trước cuộc khổ nạn, Đức Giê-su đem theo ba môn đệ thân tín là: Phê-rô, Gia-cô-bê, Gio-an đi riêng với Người lên ngọn núi rất cao. Ở đấy, Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Sự bàng hoàng đến kinh ngạc của Phê-rô khiến ông thốt lên: “Thưa Thầy, chúng con ở đây thật là hay” (Mc 9,5). Tin Mừng tường thuật lại: “Ông không biết mình đang nói gì” (Mc 9, 6).
Khoảng lặng dài trong cầu nguyện cùng với không gian thinh lặng, thanh bình mà tôi đang được tận hưởng tại Foyer Cao Thái, đã quyện lấy biết bao tâm tình trong tôi hòa cùng với những cung bậc cảm xúc của Phê-rô, để giờ đây tôi cũng chẳng biết nói gì trước biển ân tình của Chúa và cũng muốn thưa lên “Thưa Thầy, chúng con ở đây thật là hay”.
Thật là hay! Chính trong lặng thầm lâu giờ bên Thánh Thể đem tôi về những kí ức sau hai tháng phục vụ tại Bệnh Viện Dã Chiến.
Tôi còn nhớ!
Trong khoảng thời gian cao điểm mà Sài Gòn mỗi ngày các ca nhiễm tăng nhanh, báo đài không ngừng đưa tin sự tàn phá kinh khủng của Coronavirus. Một nỗi sợ hoang mang bao trùm toàn thể người dân Sài Gòn, tôi cũng không nằm ngoài điều ấy. Nhưng “thật là hay”, chính “Tình Yêu Đức Ki-tô đã thúc bách tôi” (2Cr5, 14) can đảm viết lên hàng tên của mình đăng ký đi thiện nguyện. Đâu ngờ rằng, giây phút này trong Thiên Ý của Chúa, tôi được cùng những “môn đệ thân tín” lẽo đẽo theo Thầy “đi riêng “trên những nẻo đường bệnh viện.
Bao năm các tông đồ theo Thầy, hầu như những bài giảng của Thầy chỉ toàn là dụ ngôn khai mở về một Thiên Chúa, một thực tại Nước Trời…. Nhưng hôm nay, Thầy cho các ông được nhìn thấy, diện đối diện dung nhan của Thầy. Thật là hay! Sau những năm tìm gặp Chúa qua cầu nguyện, học hành nơi môi trường đào tạo, hôm nay, Chúa cũng cho tôi một cơ hội để được đụng chạm dung nhan Ngài. Dung nhan ấy đang cụ thể hóa nơi những bác sĩ Sa-ma-ri-ta-nô nhân nhậu, những bệnh nhân đau khổ của “bà góa nghèo thành Na-in”, hay “đứa con hoang đàng” sau những ngày xa cách.
Nghĩ đến đây tôi nhớ về chị T, sau một ngày nhập viện, tôi đến bên thăm hỏi chị. Như những bệnh nhân khác, trước khi rời phòng tôi vẽ lên trán chị dấu thánh giá và nói: “Xin Chúa chúc lành cho chị”. Đột nhiên, tay chị nắm lấy tay tôi, chợt nhận ra khóe mắt chị hai dòng nước mắt tuôn tràn. Vừa khóc, vừa thều thào: “Chúa thương con quá”. Tôi hỏi chị: “Chị là người Công Giáo à? chị tên thánh gì? “Dạ, Maria”. Nghẹn ngào chị kể cho tôi nghe cuộc đời đầy yếu đuối của chị. Trong nước mắt chị vẫn tiếp tục nói: “Chúa thương con quá, phút cuối đời Chúa vẫn gởi các cha, các sơ đến giúp con”.
Ta vẫn thường nghe “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Thật vậy, mỗi người là một câu chuyện, mỗi cảnh đời là một dụ ngôn, mỗi người sinh ra là một huyền nhiệm và huyền nhiệm. Càng đụng chạm, càng trao đổi, càng mang lại cho ta nhiều bài học tâm linh.
Thật là hay! Những trải nghiệm đã qua chính Chúa làm mới trong tôi những cảm nghiệm về Lời Chúa, tôi hiểu hơn sự “liều lĩnh” của Áp-ra-ham ra đi mà không biết sẽ đi về đâu, tương lai thế nào. Tôi cảm được niềm vui của Mẹ Ma-ri-a, người thôn nữ vượt đường rừng 150km để đến thăm viếng và phục vụ người chị họ. Trên hết, tôi bắt đầu suy tư, đụng chạm và bức màn của “Lời hóa thành nhục thể” đang được khai sáng trong tôi. Chắc chắn những ngày thứ năm Tuần Thánh, tôi sẽ hiểu và cảm nghiệm sâu hơn những nỗi cô đơn, sợ hãi, giọt mồ hôi của “Vườn Dầu” người đang phải đối diện với sự chết. Hay mỗi độ Giáng Sinh về nhắc nhở tôi nhận ra cách thức Thiên Chúa chọn để đi vào trần gian tỏ cho loài người biết về Ngài qua hình hài một bé thơ.
Tôi cứ ngỡ như vừa bước qua một cánh rừng tối âm u, đầy nguy hiểm. Nhưng thật là hay! Niềm vui giữa cánh rừng khi các tu sĩ thuộc nhiều tôn giáo khác nhau gặp nhau trong yêu thương và phục vụ. Như thư Thánh Phao-lô đã viết: “Lòng bác ái là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,14). Chính sợi dây “tình mến” xua tan mọi khoảng cách của văn hóa, niềm tin, chính kiến… và siết chặt trái tim bao con người. Dạo quanh những con đường nơi khu tĩnh dưỡng, ánh sáng mặt trời chen chúc nhau xuyên qua từng kẽ lá, tôi chợt nhận ra đoàn tu sĩ chúng tôi đã vượt qua rừng sâu, tìm thấy ánh sáng và sự bình an nơi cuối rừng.
Ở nơi đây, mỗi ngày chúng tôi cùng nhau cử hành Thánh lễ, chầu Thánh Thể, chia sẻ những kinh nghiệm đã qua. Thật là hay! Như một cuộc hồi tâm nhìn lại biết bao tình thương “Chúa đã dằn, đã lắc mà đổ đầy vào vạt áo của mỗi người (Lc 6, 38)”.
Thật là hay! Nương theo cái nhìn của Phê-rô để tôi biết thay đổi hướng nhìn của mình. “Nhìn về quá khứ với lòng biết ơn”. Nhìn về hiện tại để biết rằng phận người mỏng manh, sống mỗi phút thật ý nghĩa đong đầy tình Chúa, tình người. Nhìn về tương lai trong hy vọng với niềm xác tín: “Mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Ngài” (Rm 8, 28).
Thật là hay! Khi được hòa trong nỗi đau của nhân loại, chung cảnh huống của biết bao cảnh đời “để hoàn tất những gì còn thiếu sót trong cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su” ngang qua khối óc, con tim, đôi tay, đôi chân của những tâm hồn thiện chí.
Một không gian thoáng mát tại Foyer với những hàng cây cổ thụ mấy mươi năm, những loài hoa thi nhau khoe sắc, và cả hàng ngàn chồi non vươn mình trong nắng. Tôi hiểu rằng chính trong sự bí ẩn của đất mà hạt nảy mầm, chính trong những lời cầu nguyện thầm kín mà hạt giống đức tin sẽ kết trái, đơm hoa yêu thương sẽ nở rộ; sức sống và dung nhan của Chúa được tỏ lộ cho các tâm hồn chúng tôi gặp gỡ. Vì “Phao-lô trồng, A-pô-lô tưới, còn Thiên Chúa sẽ cho mọc lên” (1Cr 3, 6).
Tôi nghĩ về thế giới, nghĩ về đất nước, cách riêng Sài Gòn đã và đang quằn quại trong nỗi đau của dịch bệnh. Nhưng tôi vẫn tin rằng: chính trong sự mục nát khổ đau của nhân loại tình yêu Chúa vẫn tuôn tràn chứa chan.
Tận hưởng biết bao điều tốt lành từ tinh thần đến vật chất nơi đây. Thật là hay! Tôi khám phá ra nền tảng xây dựng cho những gì đẹp đẽ, thành công, hạnh phúc trong cuộc đời chính là sự lặng lẽ âm thầm. Xin cám ơn những “lặng lẽ âm thầm” của Đức Tổng Giuse, quý cha, quý ba mẹ, quý bề trên các Hội Dòng, cùng quý vị ân nhân xa gần qua những lời kinh, nguyện tắt, hi sinh cùng bao lời động viên thăm hỏi đã giúp chúng con hoàn thành sứ vụ trong bình an, cũng như tô thắm cho tuổi xuân đời thánh hiến chúng con thật đẹp, thật ý nghĩa.
“Thưa Thầy, chúng con ở đây thật là hay!”
Foyer Cao Thái, ngày 03 tháng 10 năm 2021
Nt. Marie Đoàn Tuyết, SPC.
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm