Thấy và tin
Thông thường, chúng ta quan sát một sự vật bằng thị giác và cảm nhận bằng lý trí. Nhờ con mắt, chúng ta nhìn thấy một sự việc; nhờ lý trí chúng ta quyết định sự việc đó có đáng tin hay không. Thấy và tin là hai tác động thường đi liền với nhau. Thấy thường đi trước tin. Tuy thế, trong lãnh vực đức tin, mối liên hệ giữa hai động từ này có những biến thái phức tạp. Người ta có thể tin khi trực tiếp nhìn thấy, nhưng tin cũng không chỉ hoàn toàn dựa vào những gì cảm nhận bằng giác quan, mà còn là một quyết định đỏi hỏi sự can thiệp của trái tim và tình mến. Vì vậy mà có thể tuy không nhìn thấy mà vẫn son sắt một niềm tin. Chúng ta cùng suy tư về mối liên hệ của hai động từ này.
- Thấy và tin. “Thấy” và “Tin” là hai trong những khái niệm mang ý nghĩa đặc biệt phong phú trong Tin Mừng theo Thánh Gioan. Mục đích của tác giả khi viết Tin Mừng cũng là để cho độc giả thấy chân dung Đức Giêsu và dẫn họ tới đức tin, để rồi nhờ tin mà họ được sống nhờ danh Người (x. Ga 20,31).
Trong trình thuật về việc đến thăm mộ Chúa vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần (x. Ga 20,1-10), tác giả đã chia sẻ với chúng ta về kinh nghiệm cá nhân mà ông đã cảm nghiệm. Khởi đi từ những gì ông nhìn thấy, tức là ngôi mộ trống, khăn liệm và những dải băng, ông đã tin vào mầu nhiệm Phục sinh. Điều ông nhìn thấy cũng giúp ông quy hướng về quá khứ, nhớ lại những lời Đức Giêsu đã báo trước về cuộc khổ nạn và phục sinh của Người. Đôi mắt thể lý giúp ông mở con mắt tâm hồn. Trái tim nhạy cảm của “người môn đệ được thương mến” đã thôi thúc ông chạy nhanh đến mộ khi vừa được báo tin. “Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20,8). Nơi ông, trái tim và lý trí đã gặp gỡ nhau.
“Thấy” và “Tin” cũng chính là đích điểm đạt tới của người tín hữu. Thiên Chúa hôm nay đang đến gặp gỡ chúng ta, nhưng chúng ta không nhận ra Ngài. Có thể chúng ta chỉ tìm Thiên Chúa với những cách thức và phương tiện của con người nên không gặp được Ngài. Thánh Mátthêu cho biết, trong ngày phán xét cuối cùng, có nhiều người hết sức ngỡ ngàng, vì họ vẫn gặp Chúa hằng ngày mà không nhận ra. Thiên Chúa hiện diện nơi những anh chị em bệnh tật, tù đày, nghèo khổ (x. Mt 25). “Thấy” và “Tin” giúp ta nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời. Như Đức Giêsu đã đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmau, hôm nay Đấng Phục sinh đang giúp chúng ta khám phá ra Người qua Kinh Thánh và qua những nghĩa cử sẻ chia, bác ái. Như thế, người tín hữu chân chính là người luôn thấy Chúa và luôn tin vào Ngài.
- Thấy mà không tin. Việc trực tiếp “mục sở thị” một sự vật giúp cho người ta dễ dàng đón nhận sự vật đó hơn. Nhờ con mắt là “cửa sổ của tâm hồn” mà người ta đón nhận những thông tin đến từ bên ngoài. Tuy vậy, cũng không hoàn toàn dễ dàng để thuyết phục một người khác tin điều mình nói. “Chủ nghĩa nghi ngờ” rất phổ biến nơi nhiều người nhất là trong một xã hội mà mọi giá trị đều được đặt ở mức tương đối. Có những người đã trực tiếp nhìn thấy một sự việc mà chưa chắc họ đã tin, vì những điều được thấy không đáp ứng được những mong đợi chủ quan của họ.
Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã làm rất nhiều phép lạ để minh chứng quyền năng và lời giảng dạy của Người. Nhiều người đã được chứng kiến các phép lạ ấy và họ tin vào Người. “Nếu các ông không thấy những phép lạ và những việc phi thường, hẳn các ông sẽ không tin” (Ga 4, 48). Đức Giêsu đã có lần ngạc nhiên khi thấy người ta không tin vào Người (x. Mc 6,6), kể cả khi có những chứng từ cụ thể như trường hợp ông Ladarô, người được Chúa cho từ cõi chết sống lại. Không những không tin, một số người Do Thái còn tính thủ tiêu luôn ông Ladarô nhằm “diệt khẩu” (x Ga 12,10-12). Thánh Máccô đã ghi lại, ngay cả đối với các môn đệ, biến cố Đức Giêsu phục sinh cũng không dễ dàng được chấp nhận. Mađalêna, hai môn đệ vừa từ Emmau trở về là những chứng nhân sống về sự phục sinh của Chúa cũng vẫn không làm các ông tin (x. Mc 16 9-13).
Trong cuộc sống đời thường, chúng ta có thể tìm thấy biết bao bằng chứng về quyền năng của Thiên Chúa. Ngài vẫn tỏ mình ra trong thiên nhiên vũ trụ huy hoàng. Hằng ngày xung quanh ta có biết bao “phép lạ” xảy đến. Tuy vậy, vẫn còn đó những người vô tín. Họ không tin Thượng đế, chẳng sợ lương tâm và chỉ tôn thờ vật chất. Có người nóng lòng sốt ruột muốn Chúa làm những phép lạ hay trừng phạt nhãn tiền để những tội nhân trở lại. Thiên Chúa không hành xử giống con người. Ngài không vội vàng và cũng không ép buộc ai. Bởi lẽ Ngài là Tình yêu, mà trong tình yêu thì không có chỗ cho sự áp đặt. Thiên Chúa muốn con người cảm nhận và tin vào Ngài bằng trái tim tự do chứ không phải do sợ hãi. Ngài cũng muốn con người yêu mến Ngài vì Ngài thánh thiện, chứ không phải chỉ đến với Ngài vì mong chờ lợi lộc vật chất. Và thế là, trong cuộc đời, vẫn đang cùng tồn tại những người tin và không tin, những người tốt và chưa tốt, giống như thửa ruộng còn những cây lúa đang đâm bông kết hạt và những cây cỏ lùng xem ra chỉ chật đất vô dụng. Người ta thấy mà vẫn không tin. Những gì cảm nhận bằng thị giác chưa đưa họ vào đúng tần số của đức tin để được gặp gỡ Chúa.
- Không thấy mà tin. Cũng trong mối tương quan con người với nhau, người ta dễ dàng tin nhau mà không cần kiểm chứng. Ở đây, tin đặt nền tảng trên sự thân thiện và lòng tốt của một người nào đó, điều mà chúng ta gọi là uy tín. Một người có tín nhiệm là người trung thực, chân thành. Người đó xứng đáng để cho người khác trao gửi niềm tin.
Đức Giêsu phục sinh đã đến gặp gỡ các môn đệ ngay buổi chiều ngày Người trỗi dậy từ cõi chết. Những ai còn do dự nghi nan thì bây giờ đã tin vào Người. Riêng có Tôma, một trong 12 tông đồ, lại vắng mặt vào lúc Chúa hiện ra. Ông đã tuyên bố không tin. Tôma đã đặt Chúa lên bàn cá cược: Hoặc là thấy Chúa hiện ra, hoặc là ông không tin Chúa sống lại. Ông chỉ chấp nhận tin khi kiểm chứng sự việc bằng chính con mắt của mình. Đức Giêsu đã hiện đến, chấp nhận thách thức của Tôma. Người chúc phúc cho những ai không thấy mà tin. Trải qua 20 thế kỷ, niềm tin vào Đức Giêsu phục sinh đã thông ban sức mạnh cho biết bao tín hữu. Dầu chưa một lần gặp Chúa, nhưng họ vẫn một niềm xác tín. Dầu chưa được diễm phúc thấy Người, họ vẫn luôn trung thành. Người Kitô hữu tin vào một Thiên Chúa vừa hiện diện vừa vắng mặt. “Hiện diện” vì Ngài quyền năng cao cả, vinh quang Ngài phủ khắp địa cầu. “Vắng mặt” vì người ta không thể chạm tới hay ngắm nhìn Ngài bằng giác quan, nhưng chỉ có thể cảm nhận Ngài bằng đức tin và tình mến. Tin vào những điều không thấy đòi hỏi vượt lên chính con người của mình để sống chết cho niềm tin. Các thánh tử đạo là những người không thấy mà tin. Các ngài đã sẵn sàng chịu chết để trung tín với Chúa. Nếu các ngài chưa từng được gặp Chúa, thì các ngài đã “thấy” Chúa bằng chính trái tim mình. Người tin vào Chúa đứng trước một thách đố lớn lao. Ngôi mộ trống hoác của ngày phục sinh như lời thách thức ngạo nghễ, muốn phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa. Những vấn nạn day dứt trước đau khổ và sự ác muốn nói rằng Thiên Chúa đã chết rồi. Những khó khăn thách thức đó buộc người tín hữu phải vượt lên những nghi nan của chính mình, vượt lên những chế nhạo của những kẻ vô tín để mãi mãi trung thành một niềm tin.
Thấy, Tin và Làm chứng: Đức Giêsu là vị Chứng nhân vĩ đại nhất trong lịch sử. Người đến trần gian để nói với con người những gì Người thấy nơi Chúa Cha. “Phần tôi, tôi nói những điều đã thấy nơi Cha tôi” (Ga 8,38). Tác giả Tin Mừng thứ bốn cũng chỉ nhận mình là một nhân chứng về những gì mắt thấy tai nghe: “Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin” (Ga 19,35-36).
Thấy và Tin thúc bách chúng ta hoàn thành một sứ mạng, đó là loan báo cho anh em điều mình đã thấy và tin. Phêrô và Gioan đã mạnh mẽ tuyên bố trước các thủ lãnh Do Thái: “Những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra” (Cv 4,20). Cảm nhận được sự ngọt ngào của đức tin, người tín hữu được mời gọi lên đường để loan báo những gì mình đã trải nghiệm. Người tín hữu không giữ đức tin cho riêng mình. Cũng như hạnh phúc sẽ lớn lao hơn khi người ta quảng đại chia sẻ cho tha nhân, niềm vui đức tin được loan báo sẽ làm cho đức tin nơi người loan báo được củng cố vững mạnh hơn. Chính khi đem hạnh phúc cho người khác mà ta cảm thấy hạnh phúc hơn. Đức tin kỳ diệu là thế. Hôm nay, Đức Giêsu cũng nói với chúng ta điều Người đã nói với những người được ông Gioan Tẩy giả sai đến: “Hãy về thuật lại cho Gioan những gì các ông nghe và thấy: người mù được thấy, người què đi được, người phong hủi được khỏi, người điếc được nghe, người chết sống lại, và tin mừng được loan báo cho kẻ nghèo khó, và phúc cho ai không vấp ngã vì Ta” (Mt 11,4).
Cuộc sống là sự giằng co liên lỉ giữa tin và không tin. Có những lúc thấy mà chẳng tin, nhưng cũng có khi tin mà không cần thấy. Chúa Phục sinh mời gọi tôi tiếp tục khám phá ra huyền nhiệm của đức tin, đồng thời quyết định lựa chọn Người một lần cho mãi mãi. Chấp nhận tin có lúc làm con tim tôi rỉ máu, nhưng đừng quên rằng, Đức Giêsu đã trải qua thập giá để đạt tới chiến thắng vinh quang. Chứng từ của tôi sẽ mang tính khả tín, nếu đời tôi luôn gắn bó mật thiết với Đấng mà chúng ta loan truyền.
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm