Thiên đường dưới con mắt của một thanh niên
Cậu học sinh Brian Moore 17 tuổi phải viết một bài văn trong một thời gian ngắn, cho một giờ học tại một trường trung học Thiên Chúa giáo. Đề tài của bài văn là “Hãy mô tả Thiên đường”. “Ái chà!” sau này anh thổ lộ với ba anh, “Nó như một truyện trinh thám, một trái bom. Chưa bao giờ con viết được như vậy.” Nhưng đó cũng là bài viết cuối cùng của anh.
Brian Moore chết vào ngày 27 tháng giêng năm 1997, một ngày sau lễ kỷ niệm Cựu Chiến binh. Anh đang lái xe từ nhà bạn trở về nhà thì chiếc xe bay ra khỏi đường Bulen-Pierce ở quận Pickaway, và đâm đầu vào cột điện. Anh an toàn bước ra khỏi xe chiếc xe bẹp dúm, nhưng lại đạp phải sợi dây điện rơi xuống đất, và bị điện giật chết.
Gia đình ông Moore lộng kính bài văn của anh và treo lên tường phòng khách, bên cạnh các bức ảnh chân dung của gia đình. “Tôi nghĩ Chúa đã dùng cháu để dạy chúng ta một điều gì đó, qua đó Ngài muốn chúng ta tìm hiểu và rút ra một điều thực hành,” Bà Moore nói về bài văn. Hai ông bà Moore cùng chia xẻ thị kiến của cậu con trai về sự sống và sự chết. “Tôi mừng cho Brian. Tôi nghĩ rằng hiện giờ cháu đang ở trên trời. Và chúng tôi sẽ được sum họp với cháu.”
Bài văn của Brian: Căn Phòng…
Tôi thấy mình xuất hiện trong một căn phòng, nửa tỉnh nửa mê như trong một giấc mơ. Căn phòng không có gì đặc sắc, ngoại trừ một bức tường phủ đầy những thẻ ghi tài liệu. Thẻ này giống như thẻ ghi mục lục theo tác giả hoặc bộ môn xếp theo thứ tự chữ cái, thường thấy trong thư viện. Nhưng những thẻ này để đầy từ sàn nhà lên đến trần nhà, và hai bên kéo dài tưởng chừng tới vô tận. Mỗi thẻ đều có những tiêu đề khác nhau. Khi tôi đến gần bức tường, tấm thẻ đầu tiên làm tôi chú ý là tấm có tiêu đề “Những cô gái tôi thích”. Tôi mở ra xem và lật những trang thẻ. Lập tức tôi gấp xấp thẻ lại, hốt hoảng khi nhận ra những cái tên viết trên đó. Và không cần ai nói, tôi biết ngay là tôi đang ở đâu.
Căn phòng tưởng chừng vô hồn đó lại chứa những tập hồ sơ sống về cuộc đời của tôi. Trong đó có ghi lại tất cả mọi hành động của tôi, rõ ràng từng giây từng phút, lớn có nhỏ có, với mức độ chi biết mà trí nhớ của tôi không thể sánh được. Một cảm giác kỳ diệu và tò mò, cộng thêm sự sợ hãi khuấy động trong tôi khi tôi đưa tay mở đại mấy tập hồ sơ để xem nội dung bên trong. Một số gợi lại trong tôi những niềm vui và kỷ niệm đẹp; số khác gợi lại sự xấu hổ và hối tiếc, nó mạnh mẽ tới mức tôi phải quay lại sau lưng xem có ai đang nhìn mình hay không.
Một tập hồ sơ có tiêu đề “Bạn bè” nằm kế bên tập “Bạn bè tôi đã phản bội”. Các tiêu đề có đủ loại, từ loại tầm thường cho đến loại rất lạ lùng, như “Sách tôi đã đọc”, “Những lần nói dối”, “Những lần an ủi người khác”, “Những câu nói đùa tôi cảm nhận được”. Có những tiêu đề rất vui và cụ thể chính xác: “Những câu tôi thường dùng khi la mắng các em tôi”. Có những tiêu đề khác khi đọc tôi không thể cười được như “Những thứ tôi làm lúc giận dữ”, “Những điều tôi lẩm bẩm về cha mẹ tôi”. Tôi rất đỗi ngạc nhiên về sự phong phú của các tiêu đề.
Thường là có nhiều tấm thẻ hơn là tôi nghĩ. Đôi khi có ít hơn là tôi hy vọng. Tôi không ngờ cuộc đời mình sống lại phong phú như vậy. Không thể nào với một số năm ít ỏi sống trên đời này, lại có thể có nhiều điều đến thế để ghi chép vào cả ngàn, thậm chí cả triệu tấm thẻ như vậy. Nhưng mỗi tấm thẻ đều khẳng định đây là sự thật. Mỗi tấm thẻ đều viết bằng nét chữ của tôi. Mỗi tấm thẻ đều có chữ ký của tôi.
Khi tôi kéo tập hồ sơ ghi tiêu đề “Những chương trình TV tôi đã xem”, tôi nhận ra tập hồ sơ cứ dầy, dầy mãi lên theo nội dung. Những tấm thẻ được xếp gọn ghẽ, thế mà sau độ dầy hai hoặc ba thước, tôi không thể nhìn thấy phần cuối cùng của nó. Tôi gấp lại, cảm thấy xấu hổ, không phải vì chất lượng của các chương trình, mà là vì cái khoảng thời gian tôi đã tiêu phí, thể hiện qua độ dày vô tận của tập hồ sơ.
Khi tôi lật tới tập hồ sơ ghi “Tư tưởng dâm ô” tôi cảm thấy ớn lạnh khắp cơ thể. Tôi chỉ kéo tập hồ sơ ra một phân – không phải để xem độ dầy – và rút ra một thẻ. Tôi rùng mình khi đọc được những chi tiết trong thẻ.
Tôi cảm thấy buồn nôn khi nghĩ rằng những thời khắc đó đã được ghi lại. Một cơn giận dữ, như của một loài thú, trỗi dậy trong tôi. Một suy nghĩ nổi bật lên trong đầu. “Không thể để cho ai thấy những tấm thẻ này! Không được để cho ai vào trong căn phòng này! Tôi phải tiêu hủy chúng đi!”
Điên cuồng tôi giật mạnh tập hồ sơ. Dầy hay mỏng, kích tấc của nó bây giờ không quan trọng nữa. Tôi phải trút hết những tấm thẻ và đốt sạch. Nhưng khi tôi cầm lấy và sắp trút xuống sàn nhà, thật ngạc nhiên, tôi không thể dỡ bỏ một tấm thẻ nào cả. Tuyệt vọng, tôi kéo ra một tấm, định xé bỏ, nhưng nó cứng như thép.
Buồn bã, thất vọng và hoàn toàn bất lực, tôi đặt tập hồ sơ vào chỗ cũ. Tựa trán vào tường, tôi buông một tiếng thở dài, tủi thân.
Bất chợt tôi thoáng thấy tiêu đề “Những người tôi cùng chia sẻ Tin Mừng”. Cái tay cầm sáng hơn những cái khác chung quanh, và có vẻ mới hơn, hầu như chưa ai đụng vào. Tôi nắm lấy và kéo ra. Một hộp nhỏ chưa đầy ba phân rớt xuống bàn tay tôi. Tôi có thể đếm được số thẻ trên đầu ngón tay – của một bàn tay.
Rồi nước mắt rơi xuống. Tôi bắt đầu khóc. Tiếng khóc nức nở thống thiết càng làm tôi đau đớn, bắt đầu từ bụng, rồi lan ra toàn than. Tôi ngã quỵ trên gối và khóc. Tôi khóc vì hổ thẹn – một điều xỉ nhục không cưỡng lại được. Những hàng kệ chứa tập hồ sơ quay cuồng trong đôi mắt đẫm nước mắt của tôi. Không, không một ai được biết đến căn phòng này. Tôi phải khóa chặt lại và giấu chìa khóa đi. Nhưng khi tôi vừa lau nước mắt thì chợt nhìn thấy Ngài.
Không, không phải là Ngài, không thể ở đây được. Ai cũng được nhưng không phải là Giê-su. Tôi đứng chết trân nhìn Ngài mở những tập hồ sơ và đọc những tấm thẻ. Tôi không thể chịu đựng được khi nhìn thấy phản ứng của Ngài. Bất giác, tôi không dám ngẩng đầu nhìn mặt Ngài, vì tôi thấy một nét buồn sâu sắc hiện trên mặt Ngài, hơn hẳn nỗi buồn của chính tôi.
Có vẻ như theo một trực giác nào đó, Ngài tiến tới những cái hộp xấu xa nhất. Tại sao Ngài lại phải đọc hết mọi thứ nhỉ? Cuối cùng, Ngài đưa mắt nhìn tôi từ phía trên kia căn phòng. Ngài nhìn tôi bằng đôi mắt thương hại. Nhưng sự thương cảm này không làm tôi giận dữ. Tôi cúi đầu, đưa hai tay che mặt, và lại bật khóc nức nở. Ngài tiến đến bên tôi, đưa tay choàng lên tôi. Lẽ ra Ngài phải nói rất nhiều. Nhưng Ngài không nói lởi nào, dù chỉ một lời. Ngài cũng khóc – cùng khóc với tôi.
Rồi Ngài đứng dậy, bước trở lại bức tường chứa những tập hồ sơ. Bắt đầu từ bên kia căn phòng, Ngài rút ra một tập, và Ngài ký tên vào những tấm thẻ, từng cái từng cái một. “Không được!” Tôi la lên và chạy nhào tới Ngài. Tôi chỉ kêu lên được hai tiếng “Không, không!” khi tôi rút lấy tấm thẻ từ tay Ngài. Không thể để tên Ngài trên những tấm thẻ này. Muốn hay không muốn thì Ngài đã ký rồi – với nét chữ thật đậm, thật sắc và sinh động. Tên của Ngài che lấp tên của tôi. Nó được viết bằng máu của Ngài. Ngài nhẹ nhàng đưa tay lấy lại tấm thẻ. Ngài mỉm cười – nụ cười buồn bã và tiếp tục ký tên. Tôi cũng không hiểu làm sao Ngài ký nhanh như vậy, nhưng trong thoáng chốc dường như tôi nghe Ngài đóng ngăn hồ sơ cuối cùng, và bước trở lại bên tôi.
Ngài đặt tay lên vai tôi và nói: “Mọi sự đã hoàn tất”. Tôi đứng dậy, và Ngài dẫn tôi ra khỏi phòng. Phòng không khóa. Vẫn còn những tấm thẻ khác chưa được viết.
“Tôi có thể làm mọi sự nhờ vào Đức Ki-tô Đấng ban sức mạnh cho tôi” (Pl 4,13) “Vì Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến độ Ngài đã ban Con Một Ngài, để những ai tin vào Người, sẽ không bị hủy diệt, nhưng được sống đời đời”.
(Khuyết danh)
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm