Thiên Thần áo trắng
Đối với phụ nữ, việc chăm sóc nuôi dạy con cái, cho con ăn, dỗ con ngủ… là một thiên chức của người mẹ, cũng chỉ là một việc bình thường. Nhưng với ai đã từng một lần đến thăm nhà Cô Nhi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thì mới thấy rõ công việc đó chẳng bình thường chút nào.
Tấm lòng một người mẹ
Chúng tôi ghé thăm nhà nuôi dưỡng các em cô nhi bị lây nhiễm HIV/AIDS qua người mẹ. Một số em bị cha mẹ bỏ rơi, đều được các soeur Dòng Nữ Tử Bác Ái đem về chăm sóc nuôi nấng. Đa số các em còn rất nhỏ, khoảng 10 em còn nằm ngửa trong nôi - số khác chừng 1 đến 2 tuổi, em lớn nhất độ 5 tuổi… Đang giờ ăn trưa của các em, mặc dù bận rộn, các soeur vẫn tươi cười tiếp đón chúng tôi trong căn phòng ăn chật hẹp. Vừa ôm một em vào lòng dỗ dành, vừa đút cơm cho một em khác đang nũng nịu không chịu ăn, chúng tôi cảm thấy ái ngại cho các soeur.
Sài gòn mấy tháng nay, trời nóng như thiêu như đốt, một số em ăn xong, nóng nực đang đòi tắm. Nhìn các soeur và các chị bảo mẫu cẩn thận giặt từng cái khăn trong các chậu nước, lau mặt và tay chân cho từng em. Cảnh tượng đó mới cảm động làm sao! Tôi hỏi soeur phụ trách: “Còn các em nhỏ nằm trong nôi thì sao?” Soeur trả lời: “Đó là các em có hoàn cảnh khác biệt, cả mẹ lẫn bé không được gia đình chấp nhận”. Các soeur đem về nuôi. Các bà mẹ trẻ này được các soeur hướng dẫn cách chăm sóc trẻ, đồng thời động viên tinh thần, tạo nghề nghiệp để những cô gái lầm lỡ đó có cơ hội tái nhập vào đời sống cộng đồng.
“Thiên Thần bất hạnh”
Trở lại với các em cô nhi, chúng tôi thấy các em quả là đáng thương. Cùng trong lứa tuổi hồn nhiên này, các em bé khác trên thế giới, trong đó có con cháu chúng ta, đang được chăm sóc trong điều kiện tốt nhất. Các em đó đang hạnh phúc trong vòng tay yêu thương đùm bọc của gia đình. Còn nơi đây, các em này thiếu tất cả… có nhiều em nắm lấy tay chúng tôi, nắm thật chặt, đôi mắt ngây thơ nhìn chăm chú vào mắt chúng tôi. Các em đang nhìn gì? Phải chăng ánh mắt đơn sơ tội nghiệp ấy đang tìm kiếm một nét mặt thân thương quen thuộc nào đó, gương mặt của cha mẹ các em chăng? Những người cha mẹ đó đang ở đâu?! Để trả giá cho những cảm giác mạnh điên cuồng thác loạn, những cuộc sống buông thả thiếu trách nhiệm, giờ đây các bé đơn sơ vô tội này phải một mình gánh chịu!
May thay, các em còn có những Bà Mẹ, còn có một mái nhà. Một Bà Mẹ đúng nghĩa của nó. Chén cơm ngon, có rau thịt cá còn nguyên đó. Nhưng khi được soeur ôm vào lòng, tay đút cơm tay vỗ về, miệng tươi cười, ánh mắt ấm áp… thế là các em lại tiếp tục ăn. Gương mặt các em phảng phất niềm hạnh phúc.
Các em không đói cơm.
Nhưng thiếu khát tình mẹ.
Ôi tình mẹ là gì?
Sao mà thiêng liêng thế?!
Giờ đây, các em đang sống trong vòng tay yêu thương của các Bà Mẹ. Các em trở thành trung tâm điểm, là đối tượng yêu thương của các Mẹ. Các em chơi đùa, học hát học múa, các em đang được sống dưới sự đùm bọc che chở của các Mẹ, trong khi những người tạo ra em thì quay lưng lại với em.
Những con người phi thường
May thay, các em còn có một người Mẹ! Một người Mẹ còn nhớ đến các em, yêu thương các em. Người ta thường nói: “Công việc bình thường được thực hiện bởi những con người phi thường”. Có cái gì đó đã trở nên động lực để những người Mẹ của các em có đủ nghị lực thực hiện những công việc được lặp đi lặp lại hàng ngày. Có cái gì đó đã giúp các Mẹ đứng ra gánh vác một công việc mà đối với nhiều người chẳng có danh cũng chẳng có lợi? Câu hỏi này xin dành cho mọi người.
Để kết thúc, chúng tôi xin lập lại lời chia sẻ của một vị linh mục: “Thập giá không có Chúa Kitô, thì đơn giản chỉ là cây Thập tự, một hình cụ xử các tử tội. Nhưng nếu Thập giá có treo Đấng chịu nạn, thì đó là tình yêu Thiên Chúa, là Thánh giá Vinh quang”.
Cầu chúc cho nụ cười luôn rạng rỡ trên khuôn mặt ngây thơ của các em. Cầu chúc cho có nhiều “tấm lòng vàng” cùng chung tay góp sức để nụ cười đó không bao giờ tắt. Cầu chúc cho các Mẹ áo trắng - các nữ tu Dòng Nữ Tử Bác Ái - luôn được tình yêu Chúa Kitô nâng đỡ, để chăm sóc nuôi dưỡng các “Thiên Thần bất hạnh” trở nên những “Thiên Thần hạnh phúc”.
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm