Thứ Ba tuần 22 Thường niên năm I (Lc 4,31-37)

Thứ Ba tuần 22 Thường niên năm I (Lc 4,31-37)

Thứ Ba tuần 22 Thường niên năm I (Lc 4,31-37)

“Chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi ?
Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” (Lc 4,34)

 

BÀI ĐỌC I (năm I): 1 Tx 5, 1-6. 9-11

“Người đã chết vì chúng ta, để chúng ta cùng được sống với Người”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.

Anh em thân mến, về thời nào và lúc nào, anh em không cần chúng tôi viết cho anh em. Vì chính anh em đã biết rõ ngày Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong đêm tối. Khi người ta nói rằng: “Yên ổn và an toàn”, thì chính lúc đó, tai hoạ thình lình giáng xuống trên họ, như cơn đau đớn xảy đến cho người mang thai và họ không sao thoát khỏi. Phần anh em, hỡi anh em thân mến, anh em không còn tối tăm, đến nỗi ngày đó bắt chợt anh em như kẻ trộm, vì tất cả anh em là con cái sự sáng, con cái ban ngày; chúng ta không thuộc về ban đêm và tối tăm. Vậy chúng ta đừng mê ngủ như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và điều độ.

Vì Thiên Chúa không đặt để chúng ta phải chịu cơn thịnh nộ, nhưng là để chúng ta chiếm lãnh ơn cứu độ nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Ðấng đã chết vì chúng ta, để dù thức hay ngủ, chúng ta được cùng sống với Người. Bởi đấy, anh em hãy an ủi nhau, hãy lo xây dựng cho nhau, như anh em vẫn thường làm.

Ðó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 26, 1. 4. 13-14

Ðáp: Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh

Xướng: Chúa là sự sáng, là Ðấng cứu độ, tôi sợ chi ai? Chúa là Ðấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì ai?

Xướng: Có một điều tôi xin Chúa, một điều tôi kiếm tìm, đó là tôi được cư ngụ trong nhà Chúa suốt đời tôi, hầu vui hưởng sự êm đềm của Chúa, và chiêm ngưỡng thánh điện của Người. .

Xướng: Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi Chúa!

 

Tin mừng: Lc 4, 31-37

31 Người xuống Ca-phác-na-um, một thành miền Ga-li-lê, và ngày sa-bát, Người giảng dạy dân chúng. 32 Họ sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì lời của Người có uy quyền.

33 Trong hội đường, có một người bị quỷ thần ô uế nhập, la to lên rằng: 34 “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!”

35 Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” Quỷ vật người ấy ngã xuống giữa hội đường, rồi xuất khỏi anh ta, nhưng không làm hại gì anh.

36 Mọi người rất đỗi kinh ngạc và nói với nhau: “Lời ấy là thế nào? Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất!” 37 Và tiếng đồn về Người lan ra khắp nơi trong vùng.


Bài giảng của linh mục Phêrô Kiều Công Tùng

Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu là Đấng quyền năng. Người đến giải thoát con người khỏi ách thống trị của quỷ dữ. Ta hãy để cho Chúa giải thoát ta.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, không ai trong chúng con muốn đau khổ, nhưng nhìn nhận thân phận khốn cùng của mình để được Chúa giải thoát, lại là một điều khó. Chúa nhìn thấy con đau khổ, tội lỗi, và Chúa muốn giải thoát con. Nhưng cũng như người bị quỷ ám xưa, con lại không muốn chấp nhận để cho Chúa giải thoát, con muốn cắt đứt mọi liên hệ với Chúa. Chính quỷ dữ lôi kéo con chạy trốn Chúa, thúc đẩy con xua đuổi Chúa để con ở lì trong tội lỗi và ngụp lặn trong bể khổ.

Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con mà chẳng cần có con, nhưng Chúa không thể cứu con nếu con không muốn. Hôm nay, con nhìn nhận thân phận khốn cùng của mình, xin Chúa đến giải thoát con. Được thoát ách thống trị của quỷ dữ để phụng sự Chúa, đó là hạnh phúc. Được thoát ách nô lệ tội lỗi để sống đời tự do thánh thiện, đó là niềm vui của con.

Xin Chúa gìn giữ con luôn sống thánh thiện trong ân sủng của Chúa. Khi nhìn thấy Chúa trừ quỷ, người ta đã kinh ngạc và dần dần nhận ra uy quyền của Chúa. Khi nhìn thấy các Kitô hữu chúng con thánh thiện, thế giới hôm nay sẽ nhận ra quyền năng cứu độ của Chúa. Khi con không nô lệ đam mê tội lỗi và quỷ dữ, đó là dấu hiệu ơn thánh Chúa đã chiến thắng nơi con. Xin Chúa giúp con sống thánh thiện, để sự thánh thiện trở thành dấu hiệu chứng tỏ cho thế giới hôm nay nhận ra sự hiện diện quyền năng của Chúa. Amen.

Ghi nhớ: “Tôi biết Ngài là ai rồi, là Ðấng Thánh của Thiên Chúa”.

 

Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống...)

Trong Tin Mừng Luca, đây là những hoạt động công khai của Chúa Giêsu, và những hoạt động này chứng tỏ Ngài là Đấng có uy quyền:

Uy quyền trong lời giảng dạy, vì Ngài giảng dạy chính giáo lý của mình một cách tự tin, chứ không cần dựa vào uy thế của những bậc tôn sư tiền bối nào cả.

Và uy quyền trong hành động: Ngài đã khống chế sức mạnh của ma quỷ một cách rất dễ dàng và nhanh gọn.

B. Suy niệm (...nẩy mầm)

1. Chúa Giêsu giảng dạy như một Đấng đầy uy quyền. Có lần thính giả phải thừa nhận “chưa từng có ai giảng dậy như ông ấy”. Giáo huấn của Chúa vượt xa tất cả các bật tôn sư thức giả và mở ra cho con người một con đường sống tốt đẹp.

Con muốn được làm học trò trong trường của Chúa. Xin Chúa ngày ngày dạy dỗ con.

2. Bấy giờ trong hội đường có một người bị quỷ ám”: Người bị quỷ ám là người bị một thế lực xấu khống chế, người đó không còn tự do, người đó không còn là con người trọn vẹn.

Tôi có đang bị khống chế một cách nào đó không: bởi một tính xấu ? những thói quen xấu ? những đam mê lệch lạc. Ngày xưa Chúa đã giải thoát cho người bị quỷ ám. Xin Chúa cũng giải thoát con.

3. Nhận thấy rằng rao giảng bằng lời nói suông chưa đủ, Weizemann, thần học gia, mục sư, nhạc sỹ, bác sỹ đã dấn thân phục vụ những người nghèo nhất ở châu Phi. Làm việc không mệt mỏi, trải qua bao nhiêu khó khăn, nhưng Weizemann vẫn không bao giờ mãn nguyện vì những hy sinh của mình. Năm 1952 khi được trao giải Nobel hòa bình, ông đã tuyên bố: “Không ai có quyền tự phụ mình đã phục vụ cho hòa bình quá nhiều, cũng không ai có quyền nói rằng mình đã mãn nguyện”. Gương phục vụ của Weizemann là một cố gắng họa lại cuộc đời của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu không bao giờ rao giảng chỉ bằng lời nói, nhưng luôn kèm theo hành động, gương sáng và cả cái chết nữa. (“Mỗi ngày một tin vui”).

4. Ngài xuống Cá-phác-na-um, một thành miền Galilê, và ngày sabát Ngài giảng dậy họ. Họ sửng sốt về cách Ngài giảng, vì lời Ngài có uy quyền.(Luca 4,31-32).

Thánh lễ là nơi tôi gặp gỡ Thiên Chúa, tôi thưa chuyện với Ngài và Ngài giáo huấn tôi. Trong thinh lặng và trong khoảng không gian thánh thiện của giáo đường, Ngài hiện diên cách sống động và không ngừng tác động trên tôi. Lời Ngài cũng vang lên một cách huyền nhiệm nơi giáo đường. Nhờ Lời Ngài, tôi cảm thấy mình được biến đổi. Sự thanh thản, nhẹ nhỏm, bình an đến với tôi mỗi khi tôi đến với Ngài. Lo âu, sầu khổ, chán chường, thất bại hay thành công của tôi đều được Ngài chia sẻ, ủi an. Đấy không phải là phép lạ là uy quyền sao ?

Ngày xưa Ngài đã làm cho dân miền Galilê sửng sốt thì lời Ngài hôm nay cũng làm cho tôi ngỡ ngàng.

 

Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Chúa chữa người bị quỷ ám (Lc 4,31-37)

  1. Sau khi rời bỏ quê nhà Nazareth, Chúa Giêsu tới Capharnaum, là thành phố nằm sát bờ biển hồ Tibêria, hôm nay thánh Luca giới thiệu cho chúng ta sức thu hút và lời uy quyền của Đức Giêsu. Trước lời giảng dạy của Đức Giêsu, dân chúng kinh ngạc, lạ lùng về giáo huấn của Người. Cũng chính Lời Người có sức mạnh mà thần ô uế phải khuất phục và ra khỏi bệnh nhân. Vì Đức Giêsu là Thiên Chúa nên Lời của Người có sức cảm hoá phi thường.
  2. Tin mừng hôm nay ghi lại phản ứng của dân thành Capharnaum khi họ nghe Ngài giảng dạy, chứng kiến việc Người xua trừ ma quỷ. Trong khi các luật sĩ chỉ nói suông trên toà và đặt gánh nặng lên vai người khác, thì Chúa Giêsu cư xử hoàn toàn khác: Ngài vừa giảng dạy, vừa làm phép lạ, vừa tỏ tình liên đới vừa chia sẻ với tất cả ưu ái, cảm thông. Sứ điệp của Ngài không chỉ là lời tuyên bố từ tòa cao, mà là tất cả con người Ngài. Uy quyền của Ngài phát xuất từ sự duy nhất giữa lời nói và hành động, và đó cũng chính là uy quyền của Thiên Chúa. Ngay từ trang đầu Kinh thánh, Thiên Chúa đã tự mạc khải như Đấng phán một lời liền có trời đất muôn vật. Lời Thiên Chúa là lời hữu hiệu, là lời đưa đến hành động (Mỗi ngày một tin vui).
  3. Trong cách đánh giá thông thường, một người được xem là có uy tín khi tài năng và đức độ của người đó được nhìn nhận. Lời nói của một người có uy tín có sức thuyết phục người khác; việc làm của một người có uy tín có thể tạo được niềm tin nơi người khác. Nói chung, nơi một người có uy tín, lời nói và việc làm thường đi đôi với nhau, hoặc việc làm và cuộc sống có giá trị thuyết phục và lôi kéo.

Chúa Giêsu giảng dạy như Đấng có uy quyền, là bởi vì Ngài chỉ giảng dạy những gì Ngài đã sống và sống những gì Ngài rao giảng. Lời nói của Ngài lại được củng cố bởi cuộc sống và những việc làm của Ngài. Đây chính là uy quyền mà Chúa Giêsu đã mặc cho Giáo hội. Giáo hội chỉ thực sự thể hiện được uy quyền của Chúa Giêsu, khi Giáo hội sống và rao giảng những gì Chúa Giêsu đã sống và rao giảng. Giáo hội chỉ thực sự thể hiện được bộ mặt đích thực của mình, khi sống phục vụ. Càng thể hiện được bộ mặt ấy, Giáo hội càng tỏ ra một sức mạnh có sức đạp đổ mọi thứ khí giới và xiềng xích của sự dữ, và trở thành chỗ dựa cho mọi người.

  1. Nhiều người thán phục về những lời giảng dạy đầy uy quyền của Chúa Giêsu, nhưng quyền uy đó không đến từ chiêu thức mị dân của các nhà chính trị: tung tiền bạc, cho cơm bánh để mua chuộc sự ủng hộ. Lời Chúa quả thật có sức mạnh xua đuổi được ma quỉ. Lời Ngài phán ra bệnh nhân được chữa lành. Ngay cả khi Chúa cho đám đông hàng nghìn người được ăn no nê từ năm chiếc bánh và hai con cá. Ngài cũng đã rao giảng Lời Chúa cho họ, và Ngài còn cảnh báo họ đừng tìm kiếm Ngài để chỉ có của ăn mau hư nát, mà hãy đến với Ngài để lãnh nhận được Lời ban sự sống đời đời. Quả thật, Ngài chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa. Lời đã sáng tạo vũ trụ càn khôn, là Sự thật và là Sự sống dẫn đưa nhân loại đến với Chúa Cha là nguồn mạch của sự sống đời đời (5 phút Lời Chúa).
  2. Một lần nọ, khi đi ăn với vài người bạn ở nhà hàng, tôi làm Dấu Thánh Giá theo thói quen. Hành động của tôi lọt vào mắt của họ. Ngay tức khắc, họ xôn xao bàn tán và hỏi: “Bạn làm gì đó, vẽ bùa hả?” Tôi cười và đáp: “Mình làm Dấu Thánh Giá”. Sau đó, tôi giải thích cặn kẽ ý nghĩa và giá trị cao quí của Dấu Thánh Giá. Thế là họ hiểu ra và không bàn tán nữa. Từ đó, mỗi lần đi ăn với họ, khi tôi làm Dấu Thánh Giá, họ im lặng tôn trọng.

Nhiều người tín hữu hôm nay xem nhẹ những kiểu tuyên xưng đức tin đơn giản như thế. Có lẽ vì họ ngại ngùng trước cái nhìn soi mói của người khác, hoặc sợ bị coi là lạc hậu, cổ hủ, hay mê tín, thậm chí, họ sợ bị “khen” là con chiên ngoan đạo nữa.

Tuy nhiên, với người yêu mến Thiên Chúa đích thực, việc tuyên xưng danh Chúa lại là một niềm tự hào: Tự hào vì có Chúa trong mình, tự hào vì là con cái Chúa (Học viện Đa Minh).

  1. Truyện: Tìm người để phụng sự

Truyền thuyết kể lại rằng: Christophorô là một người có vóc dáng cao lớn vạm vỡ. Vốn dĩ sinh ra trong một gia đình không Công giáo. Chàng chỉ ấp ủ một hoài bão lạ lùng là tìm cho được một vị quân vương cao cả nhất, để tuyệt đối tuân lệnh và phụng sự suốt đời.

Thế rồi chàng tìm gặp được một vị vua có tiếng là oai phong lẫm liệt nhất trong vùng. Chàng vui mừng vì ngỡ đã tìm được chủ theo ước nguyện.

Nhưng rồi không ngờ, một hôm, chàng đã vô tình bắt gặp nhà vua ấy đang run rẩy quỳ lạy tại một đền miếu thờ quỷ thần. Chàng liền bỏ đi ngay lập tức, với quyết tâm sẽ tìm được một ma vương quỷ thần nào đó có đủ quyền phép để theo làm nô lệ. Tức khắc, ma quỷ hiện ra và dẫn dụ chàng rảo bước khắp cánh đồng mênh mông rộng lớn.

Bất chợt, ma quỷ giáp mặt với một cây Thập giá dựng lên sừng sững ở một ngã tư đường ruộng theo phong tục của người dân Công giáo vùng ấy. Ma quỷ hoảng sợ, lấm lét nhìn Thập giá rồi bỏ chạy mất dạng!

Chàng trai thấy vậy, liền dứt khoát từ bỏ không thèm theo ma quỉ nữa, mà đứng lại trước thập giá, ngắm nhìn pho tượng Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên đó thật lâu, rồi chàng quyết tâm từ nay sẽ đi theo.

Tình cờ có một linh mục quản xứ nhà quê đi qua, ngài dừng lại, cảm động trước lời thề nguyền ngây thơ và hồn nhiên của một chàng trai vạm vỡ to cao như thế, cha bước lại gần và bắt chuyện hỏi han sự tình.

Sau một thời gian ngắn, chàng trai chất phác mộc mạc ấy đã xin cha cho học đạo và chịu bí tích Thánh tẩy. Sau này, Christophorô đã phụng sự Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết trí khôn, để rồi khi cuộc bách hại đạo tràn đến, chàng đã được phúc chết vì đạo, để chứng minh cho mối tình thắm thiết và thuỷ chung của mình với Thiên Chúa.

 

Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu có lập trường rõ ràng khi nghe giảng Lời Chúa: “Chúng ta chỉ có một việc là chăm chú nghe linh mục giảng”.

Đức Giáo hoàng, Đức Giám mục, Linh mục là những người thay mặt Chúa để giảng Lời Chúa. Vì thế, khi nghe giảng Lời Chúa, chúng ta đừng để ý đến ai giảng, nhưng hãy chú tâm vào việc nghe Lời Chúa được rao giảng mà thôi.

Suy niệm

      Lời giảng dạy của Ðức Giêsu luôn có sức mạnh và uy quyền. Dân chúng kinh ngạc, lạ lùng về giáo huấn của Ngài chính từ lời Ngài có sức mạnh khiến thần ô uế phải nhào xuống và ra khỏi bệnh nhân. Ngài dùng uy quyền và phán một lời ra lệnh cho quỷ phải xuất khỏi nạn nhân bị ám. Sự hiện diện của Đức Kitô uy quyền với lời giảng dạy đầy uy quyền, khuất phục ma quỷ, tà thần. Lời đó đã làm cho niềm tin của dân chúng đặt vào Ngài, Đấng giảng dạy đầy uy quyền.

Đấng uy quyền đó là người mà sách Đệ Nhị Luật 18,15-20 đã nói về lời hứa của Thiên Chúa dành cho dân, đó là tất cả niềm hy vọng của họ: Ðấng Thiên Sai cứu thế sẽ đến. Người sẽ là vị tiên tri trổi vượt trên hết mọi tiên tri. Thật thế, Người chính là Ðức Giêsu Kitô đã khiến cho người ta phải kinh ngạc.

Lời giảng dạy của Đức Kitô đầy uy quyền vượt trên cả lời giảng dạy của các vị ngôn sứ, thánh Cyrillô thành Giêrusalem cắt nghĩa: “Những vị ngôn sứ khi giảng dạy, nói rằng: “Thiên Chúa phán”, Đức Giêsu không nói như vậy; là chủ của Lề Luật, Ngài đề cập đến những sự việc cao cả của luật: giảng từ những chữ viết luật đến ý nghĩa thật sự của Lề Luật, từ hình thức luật đến thực tế. Lời của Ngài không bao giờ là lời nịnh hót, nhưng là một sự khuyến khích dẫn đến ơn cứu độ. Người ta tin rằng Đấng Mêssia là một vị ngôn sứ, và Ngài sẽ chỉ cho thấy những cao siêu nơi các vị ngôn sứ, cho nên dân chúng ngạc nhiên vì những chủ đề trong lời giảng dạy của Ngài”.

Như Tin Mừng ghi nhận lại, Lời Ngài uy quyền so với lời giảng dạy của các bậc thông thái trong dân, thánh Bède le Vénérable giải thích các bậc thông thái trong dân dựa trên luật và các ngôn sứ còn Ngài từ uy quyền của chính Ngài: “Những người biệt phái hay những vị tiến sĩ luật giảng dạy những gì đã được Môisê và các ngôn sứ ghi chép trong luật. Nhưng Chúa Giêsu giảng dạy như là một người thầy của Môisê và như là vị Thiên Chúa uy quyền, Đấng có thể thêm hay thay đổi luật nếu các điều đó tỏ hiện sự tốt lành”. Ngài uy quyền vì Ngài làm chủ Lề Luật, tạo Lề Luật để con người được hưởng về sự tốt lành, hướng về Cha trên trời.

Ngày hôm nay vẫn còn những thần ô uế và sự dữ. Chúng ta đến bên Ngài, không chỉ để chiêm ngưỡng, ngạc nhiên và ngưỡng mộ Đấng Quyền năng như dân Do Thái xưa nghe Ngài giảng và thấy uy quyền trên thần ô uế, nhưng mở lòng đón nhận Lời quyền uy. Để Lời tác động xua đuổi mọi thần ô uế ra khỏi tâm hồn của chúng ta...

Ý lực sống

Kẻ gắn bó cùng Ta sẽ được ơn giải thoát...
Khi kêu đến Ta, Ta liền đáp lại,
lúc ngặt nghèo có Ta ở kề bên...”

(Tv 91,14-15).

Top