Thứ Ba tuần 7 Mùa Thường Niên - Năm chẵn

Thứ Ba tuần 7 Mùa Thường Niên - Năm chẵn

Thứ Ba tuần 7 Mùa Thường Niên - Năm chẵn

BÀI ĐỌC I: Gc 4, 1-10

“Anh em xin mà không nhận được là vì anh em xin không đúng”.

Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.

Anh em thân mến, bởi đâu anh em cạnh tranh và cãi cọ nhau ? Nào không phải tại điều này: tức tại các đam mê đang giao chiến trong chi thể anh em đó sao ? Anh em ham muốn mà không được hưởng, nên anh em giết nhau. Anh em ganh tị mà không được mãn nguyện, nên anh em cạnh tranh và cãi cọ. Anh em không có, là tại anh em không xin. Anh em xin mà không nhận được, là vì anh em xin không đúng, cứ mơ tưởng thoả mãn các đam mê của anh em.

Hỡi những kẻ ngoại tình, anh em không biết rằng thân thiết với thế gian là thù địch với Thiên Chúa đó sao ? Vậy kẻ nào muốn thân thiết với thế gian này, thì đặt mình làm thù địch với Thiên Chúa. Hay anh em tưởng Kinh Thánh nói cách vô lý rằng: “Chúa quyến luyến thần trí mà Người đặt trong anh em, đến nỗi ghen lên”. Vả Người ban ơn bội hậu. Bởi đó có lời rằng: “Thiên Chúa chống lại những kẻ kiêu căng, nhưng ban ơn phúc cho người khiêm nhường!” Vậy anh em hãy phục tùng Thiên Chúa, hãy chống trả ma quỷ, và nó sẽ trốn xa anh em. Hãy đến gần Thiên Chúa, và Người sẽ đến gần anh em.

Hỡi những kẻ tội lỗi, anh em hãy rửa tay cho sạch. Hỡi những kẻ hai lòng, hãy thanh luyện tâm hồn đi. Anh em hãy buồn sầu, than van và kêu khóc. Hãy đổi tiếng cười ra tiếng khóc, và đổi niềm vui ra nỗi buồn. Anh em hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa và Người sẽ nâng anh em lên.

Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 54, 7-8. 9-10a. 10b-11a. 23

Đáp: Hãy trút nhẹ gánh lo âu cho Chúa để chính Người nâng đỡ thân ngươi (c. 23a).

Xướng:

1) Tôi tự nhủ: ước chi tôi có cánh như bồ cầu, tôi sẽ bay đi và tìm nơi an nghỉ. Này đây tôi sẽ rời tới cõi xa xăm, tôi sẽ ở lại chỗ sơn lâm hoang vắng. - Đáp.

2) Tôi tìm chỗ dung thân cấp tốc vội vàng, đi ngược dòng phong ba và gió lốc. Lạy Chúa, xin đập tan, xin chia rẽ ngôn từ của chúng. - Đáp.

3) Vì tôi thấy có bạo lực và tranh chấp trong thành trì. Ngày đêm, trên mặt tường chúng đi dạo. - Đáp.

4) Hãy trút nhẹ gánh nặng cho Chúa, để chính Người nâng đỡ thân ngươi: Người không để người hiền lương muôn đời xiêu té. - Đáp.

 

“Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy,
tức là đón tiếp chính mình Thầy”. (Mc 9,37)

Tin Mừng: Mc 9,30-37

30 Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ từ trên núi xuống, rồi đi ngang qua xứ Galilêa và Người không muốn cho ai biết. 31 Vì Người dạy dỗ và bảo các ông rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”. 32 Nhưng các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người.

33 Các ngài tới Capharnaum. Khi đã vào nhà, Người hỏi các ông: “Dọc đàng các con tranh luận gì thế ?” 34 Các ông làm thinh, vì dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất.

35 Bấy giờ Người ngồi xuống, gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. 36 Và Người đem một em bé lại đặt giữa các ông, rồi ôm nó mà nói với các ông rằng: 37 ”Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Đấng đã sai Thầy”.

 

Suy niệm 1 (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A- Phân tích (Hạt giống...)

1. Chúa Giêsu mặc khải cho các môn đệ biết Ngài là ai: Ngài là Đấng Messia đến cứu thoát loài người, nhưng cứu thoát qua con đường chịu nạn, chịu chết và sống lại.

2. Do đã quen với quan niệm về một Đấng Messia vinh quang hiển hách, các môn đệ không hiểu gì cả. Nhưng không dám hỏi lại Chúa Giêsu. Và cũng vì quen với quan niệm thế tục ấy nên dọc đường các Ngài tranh luận với nhau ai sẽ là người lớn nhất trong Nước trời mà Chúa Giêsu sẽ lập.

3. Chúa Giêsu sửa dạy các ông: trong Nước trời, đừng ai để ý tới địa vị lớn hay nhỏ. Điều thứ nhất phải để ý là phục vụ: càng có chức cao thì phải càng phục vụ nhiều (để nhấn mạnh ý tưởng phục vụ, Chúa Giêsu dùng hình ảnh người đầy tớ). Điều thứ hai phải để ý là thái độ đón tiếp mọi người không phân biệt gì cả, dù là một người hèn hạ vô ích thì người môn đệ Chúa cũng phải đón tiếp (để nhấn mạnh ý tưởng tiếp đón, Chúa Giêsu dùng hình ảnh một trẻ nhỏ, tức là một người không mang lại lợi ích gì khi đón tiếp nó, mà còn mang tới phiền muộn…)

B- Suy gẫm (...nẩy mầm)

1. Trong “nước trần gian”, muốn thành đạt thì phải chứng tỏ cho người ta thấy mình là “người lớn”, lớn về khả năng, lớn về trí óc, lớn về sức mạnh…Còn trong Nước trời, Chúa Giêsu lại bảo các môn đệ mình tỏ ra là trẻ nhỏ, là đầy tớ. Để mở mang Nước trời ở trần gian này, tôi phải có lối sống hơi ngược đời như thế, vì “Chúng con ở giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian”.

2. Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy”. Những “trẻ nhỏ như thế này” là những người nghèo hơn tôi, yếu hơn tôi, cư xử nói năng vụng về hơn tôi… Chính vì tệ hơn tôi nên tôi thường xua đuổi họ hay không thích ở gần họ. Nhưng như thế là tôi đã xua đuổi và thờ ơ với chính Chúa rồi.

3. Ngày xưa các môn đệ đã làm một chuyện lố bịch là mặc kệ Chúa mời gọi đi theo Ngài trên con đường Thập giá, họ cứ tranh dành nhau địa vị và quyền lợi. Nhưng về sau khi hiểu lại, họ đã thay đổi hẳn: “vinh dự của chúng ta là Thập giá Đức Kitô”. Phần tôi, tôi cứ tiếp tục việc làm lố bịch đó. Khi nào tôi mới hiểu lại và thay đổi đây ?

4. Lạy Chúa Giêsu, Chúa là con đường của chúng con. Xin cho chúng con luôn đi theo con đường Thập giá Chúa để mỗi ngày được nên giống Chúa hơn.

 

Suy niệm 2 (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Khổng Tử đi ngang qua núi Thái thì gặp một phụ nữ đang khóc lóc thảm thiết bên mộ con. Thầy đến hỏi lý do tại sao bà ta khóc, thì được cho biết là bà khóc cho con, cho chồng và cho cả cha chồng đã bị cọp ở núi Thái bắt ăn thịt.

Khổng Tử bèn hỏi tại sao gia đình không dọn đi nơi khác, thì được bà thổ lộ là: “Ở đây không có hà chính” (hà chính ám chỉ sách lược quốc trị hà khắc, quan lại lộng quyền làm khổ dân chúng). Khổng Tử quay sang học trò và nói: “Hà chính mãnh ư hổ giã” (có nghĩa là sách lược quốc trị hà khắc còn ghê gớm hơn cọp). Bởi vì gia đình của người phụ nữ tránh chính sách làm khổ dân của vua quan đến lánh trong rừng thiêng nước độc chấp nhận ngay cả nguy hiểm với cọp dữ và cái chết.

Xã hội xưa là thế, chính sách hà khắc không làm cho an dân, dân không thể ấm no, nước không thể giàu. Người lãnh đạo có quyền bính trong tay phải lo chính sách an dân. Nếu người làm lớn chỉ lo công danh bổng lộc, thì xã hội vẫn còn những con người cùng đinh khốn khổ. Đất nước, xã hội còn đầy rẫy những bất công vì thiếu những người quản lý mang cái tâm vì nước vì dân. Trần gian là thế và sẽ mãi là thế, lịch sử đã chứng minh cho sự lặp đi lặp lại những bất công.

Chúa Giêsu đến trần gian loan báo nước Trời. Nước Trời bắt đầu được xây dựng bằng sự cải tạo con người và xã hội ngay ở trần gian.

Suy niệm

Các môn đệ tranh luận ai sẽ là người lớn nhất. Đức Giêsu hướng các môn đệ và qua các ông đến tất cả những ai có ý tưởng muốn có sự tham vọng làm lớn thì phải mang lòng khát khao phục vụ: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người” (Mc 9,35), Ngài hướng các ông trên con đường đi trên quyền lực không để tham vọng quyền thế thu vén cho bản thân, nhưng phải dấn thân vì mưu ích cho đồng bào dân tộc…

Thế giới hôm nay rất cần những người muốn đứng đầu theo tiêu chuẩn của Đức Giêsu đề ra, nghĩa là trong phục vụ khiêm hạ, hết lòng lo cho nước cho dân như hình ảnh của chính Đức Kitô phác họa và sống nêu gương khi rửa chân cho các môn sinh, Ngài kêu mời: “Các con gọi Thầy là Thầy và là Chúa thì đúng lắm. Vậy mà Thầy đã rửa chân cho các con. Các con cũng hãy rửa chân cho nhau” (Ga 13,13).

Trong nước của Thiên Chúa, người lớn thì phải phục vụ, còn người bé nhỏ thì được đón tiếp nhân danh Thiên Chúa. Chúa Giêsu đặt một em nhỏ vào giữa nhóm môn đệ và ôm hôn nó (x. Mc 9,36), cử chỉ này đều đi ngược phong tục Do Thái thời đó vì xã hội cổ đại không quan tâm tới trẻ em. Hơn nữa, chúng không hiểu biết Lề Luật nên người ta loại bỏ, khai trừ chúng ra khỏi cộng đoàn tôn giáo. Đứa trẻ còn tiêu biểu cho những người đau khổ, cô thế cô thân, gặp thiếu thốn, có nhu cầu ủi an nơi chúng ta nhưng lại bị chính cộng đồng đã loại trừ. Tất cả những con người bé mọn luôn có trong trái tim của Thiên Chúa, dù bị anh em đồng loại bỏ rơi, Thiên Chúa vẫn ở bên và đỡ nâng.

Thật thế, Chúa làm cho thân phận bé mọn được tràn đầy ân sủng như chính Ngài dùng lời Kinh Thánh khẳng định: “Ta sẽ cho miệng con thơ trẻ nhỏ cất tiếng ngợi khen ?” (Mt 21,16). Hơn thế nữa, người khiêm nhu bé mọn còn được Thiên Chúa đồng hóa trong thân phận của chính họ: “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Mc 9,37).

 Chúa Giêsu đã nói rõ: Sự tiếp rước anh em nghèo khó, những con người bé nhỏ, tầm thường không có danh tiếng, không của cải quyền thế, những kẻ cô thân cần sự giúp đỡ là làm cho chính Ngài (x. Mt 25,31-46), như Chúa Giêsu đã nhấn mạnh: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).

Đi trên đường trần gian xây dựng nước Chúa, người làm lớn sống tinh thần phục vụ theo gương Thầy Giêsu như thánh Phaolô mời gọi: “Hãy sống trong tình yêu như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta và cống hiến chính thân mình Người” (Ep 5,2).

Ý lực sống

“Chăn lạnh choàng vai, đêm chẳng ngủ.
 Suốt đời ôm mãi nỗi lo dân”
(Nguyễn Trãi).

Top