Thứ Bảy tuần 4 Phục sinh (Ga 14,7-14) - Tôn vinh

Thứ Bảy tuần 4 Phục sinh (Ga 14,7-14) - Tôn vinh

Thứ Bảy tuần 4 Phục sinh (Ga 14,7-14) - Tôn vinh

“Những điều Thầy nói với các con, không phải tự mình mà nói,
nhưng chính Cha ở trong Thầy, Ngài làm mọi việc”. (Ga 14,10)

BÀI ĐỌC I: Cv 13, 44-52

“Đây chúng tôi quay về phía các dân ngoại”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Đến ngày Sabbat sau, hầu hết cả thành đều đến nghe lời Thiên Chúa. Các người Do-thái thấy đám đông dân chúng, thì đâm ghen tương, nói lộng ngôn, chống lại các điều Phaolô giảng dạy. Phaolô và Barnaba can đảm nói rằng: “Phải giảng lời Thiên Chúa cho các ngươi trước tiên, nhưng vì các ngươi từ chối lời Thiên Chúa và tự cho mình không xứng đáng sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía các dân ngoại; vả lại Chúa đã truyền lệnh cho chúng tôi rằng: 'Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi nên ơn cứu độ cho đến tận cùng trái đất'“. Nghe vậy, các dân ngoại hân hoan ca tụng lời Chúa; những ai được Chúa tiền định hưởng sự sống đời đời, thì tin theo, nên lời Chúa được rao giảng khắp cả vùng.

Những người Do-thái xúi giục các phụ nữ khá giả đã tòng giáo, các thân hào trong thành, bắt bớ Phaolô và Barnaba, rồi trục xuất hai ngài ra khỏi ranh giới xứ họ. Còn hai ngài, sau khi phủi bụi chân lại cho họ, hai ngài đi đến Icôniô. Còn các môn đồ thì đầy hân hoan và Thánh Thần.

Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4

Đáp: Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta (c. 3c).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. - Đáp.

2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel. - Đáp.

3) Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca. - Đáp.

 

Tin mừng: Ga 14,7-14

7 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu các con biết Thầy, thì cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, các con biết và đã xem thấy Người”.

8 Philipphê thưa: “Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha và như thế là đủ cho chúng con”.

9 Chúa Giêsu nói cùng ông rằng: “Philipphê, Thầy ở với các con bấy lâu rồi, thế mà con chưa biết Thầy ư ? Ai thấy Thầy là xem thấy Cha. Sao con lại nói: Xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha ?

10 Con không tin rằng Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy ư ? Những điều Thầy nói với các con, không phải tự mình mà nói, nhưng chính Cha ở trong Thầy, Ngài làm mọi việc.

11 Các con hãy tin rằng Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy. Ít ra các con hãy tin, vì các việc Thầy đã làm. 12 Thật, Thầy bảo thật các con: Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm được những việc Thầy đã làm; người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha.

13 Và điều gì các con nhân danh Thầy mà xin Cha, Thầy sẽ làm, để Cha được vinh hiển trong Con. 14 Nếu điều gì các con nhân danh Thầy mà xin cùng Thầy, Thầy sẽ làm cho”.

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu là hình ảnh của Chúa Cha vô hình. Ngài là mạc khải về Chúa Cha. Cũng thế, Kitô hữu là gương soi phản ảnh về Chúa Giêsu. Hãy sống sao để dung mạo Chúa Giêsu nổi hiện qua cuộc sống của người Kitô hữu.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đến trần gian để mở mắt cho con nhìn vào Chúa mà thấy rõ Chúa Cha trên trời. Thánh Ý Chúa Cha vốn nhiệm mầu, nhưng Chúa đã dạy cho con biết. Loài người nhờ Chúa mà an tâm biết cách thờ phượng cho đẹp lòng Cha trên trời. Cứ nhìn vào đời sống của Chúa trên trần gian mà con hiểu được tấm lòng khoan dung của Chúa Cha và sống sao cho đúng phận làm con.

Lạy Chúa, bao anh chị em quanh con trên thế giới này còn chưa biết Chúa. Chúa đến trần gian cho con nhìn vào Chúa mà biết Cha trên trời. Bao giờ Chúa cũng sai con đi đến với anh em để anh em nhìn vào con để biết Chúa. Chúa là mạc khải về Cha, còn Kitô hữu là tấm gương phản chiếu hình ảnh Chúa. Nhìn vào cuộc sống của Chúa hoàn toàn vâng theo Ý Cha, con nhận ra hình ảnh Cha trên trời. Xin cho con biết sống theo Thánh Ý Chúa để dung mạo Chúa được hiện rõ nơi bản thân con. Điều đẹp ý Chúa, xin dạy con thực hiện, để con trở thành tấm gương tốt, phản ánh trung thực về Chúa.

Xưa ông Mô-sê lên núi Si-nai gặp Thiên Chúa, nhờ đó ánh quang vinh từ Thiên Chúa tỏa ra làm cho mặt ông chói ngời. Ngày nay, xin cho con cũng biết tiếp xúc với Chúa để đời con biết trở nên tốt mà đủ sức giới thiệu Chúa cho anh em con. Xin cho con được gặp Chúa qua thánh lễ, qua kinh nguyện hằng ngày, để đời sống con chìm ngập trong ánh sáng của Chúa và chiếu tỏa ánh sáng ấy cho anh em con. Amen.

Ghi nhớ: “Ai thấy Thầy là xem thấy Cha”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A- Phân tích (Hạt giống...)

Chúa Giêsu là mặc khải của Chúa Cha. Tiếp tục những lời thân tình của Chúa Giêsu trong bầu khí bữa tiệc ly. Philipphê xin: “Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha và như thế là đủ cho chúng con”. Chúa Giêsu đáp: “Ai thấy Thầy là xem thấy Cha”.

B- Suy gẫm (...nẩy mầm)

1. Được biết Thiên Chúa và được thấy Ngài, đó là ước muốn rất chính đáng và rất sâu xa của mọi tín hữu. Chúa Giêsu đáp ứng ước vọng đó: “Ai thấy Thầy là xem thấy Cha”. Nhìn Chúa Giêsu ta có thể biết Chúa Cha như thế nào: Nhân từ, hiền hậu, gần gũi với những người đau khổ, khoan dung với những kẽ tội lỗi… Thiên Chúa mà chúng ta thờ là như thế đó.

2. “Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm được những việc Thầy đã làm; người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha”. Chúa Giêsu nói đến sức mạnh và năng lực kì diệu Ngài sẽ ban cho kẻ tin vào Ngài. Các vị Thánh đã tin và đã làm được những phép lạ như Chúa Giêsu. Tôi có tin không ?

3. “Những điều Thầy nói với các con, không phải tự mình mà nói, nhưng chính Cha ở trong Thầy, Ngài làm mọi việc” (Ga 14,10).

Có một vị ẩn sĩ sống khiêm tốn và nghèo khó. Ngày kia, một Thiên thần đến nói với ngài: “Chúa sai tôi đến gặp ngài, ngài có thể xin bất cứ điều gì ngài muốn. Vậy, ngài có muốn được ơn chữa bệnh không ?” Vị ẩn sỹ trả lời: “Không, thà để chính Chúa chữa trị thì tốt hơn”. Thiên thần lại đề nghị: “Hay ngài có muốn trở thành mẫu gương để người khác nhìn vào mà sống tốt đẹp hơn không ?” Vị ẩn sỹ khiêm tốn nói: “Không, bởi thế tôi sẽ trở thành trung tâm của sự chú ý”.

Cuối cùng Thiên Thần nói: “Ít nhất ngài nên xin một điều gí đó vì Chúa muốn thế”.

“Vâng, tôi xin điều này: xin cho mọi việc thiện được thực hiện qua tôi mà tôi không hề hay biết”. Thế là lời ước của vị ẩn sỹ thành hiện thực, Thiên Chúa ban cho cái bóng của Ngài có được mọi quyền năng. Nơi nào có bóng Ngài đi qua người bệnh được chữa khỏi, niềm vui thay cho sầu khổ và đất đai trở thành phì nhiêu. Nhưng ẩn sỹ không hề hay biết điều đó, vì dân chúng chỉ chú ý đến cái bóng, đến độ quên hẳn Ngài.

Xin cho con biết sống như Thánh Gioan Tẩy giả “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi”. (Epphata).

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Thánh Giuse Thợ (Mt 13-54-58)

  1. Không ai được tôn trọng ở quê hương của mình”. Đây chính là câu nói nổi tiếng của Chúa Giêsu và có tính cách tiên tri. Thật vậy, trải qua biết bao thế hệ, từ những bậc tiền nhân đến chúng ta, hẳn mọi người đều biết hay đã cảm nghiệm được tính tiên tri của Chúa Giêsu qua câu nói trên hoàn toàn ứng nghiệm.

Chúa Giêsu trở về quê hương của Ngài là Nazareth, nhưng dân chúng tại đây không tin nhận Chúa, bởi vì họ suy tưởng và hành động theo thói quen, theo thành kiến. Họ đã quen với Chúa Giêsu như là con bác thợ mộc Giuse sống giữa họ từ bao năm nay, do đó giờ đây phải nhìn Chúa và đón nhận giáo huấn của Ngài với một tâm thức mới thì họ bị vấp phạm. Quả thật, như lời cụ già Simêon đã nói trong biến cố dâng Chúa vào Đền thánh: Chúa Giêsu luôn luôn là dấu gợi lên chống đối; trực diện với Ngài, con người phải chọn lựa hoặc tin nhận hoặc từ chối.

  1. Tin mừng thuật lại việc Chúa Giêsu về giảng tại quê hương của mình cũng làm dấy lên những thông tin trái chiều về Ngài. Những người đồng hương Nazareth có lẽ đã nghe đồn thổi về Ngài và càng ngạc nhiên hơn khi nghe chính Ngài phát biểu trong Hội đường của họ. Những thành tích về sự khôn ngoan và phép lạ Ngài làm đã dấy lên trong họ câu hỏi: “Phải chăng Ngài không phải là Đấng Cứu Tinh mà Thiên Chúa đã hứa cho dân tộc?” Và họ bắt đầu tra cứu với một phương pháp rất khoa học: họ mở Kinh thánh ra và thấy rằng Đấng Cứu Tinh xuất thân từ một nơi khác, chứ không phải từ ngôi làng nghèo nàn tăm tối như Nazareth. Họ điều tra về nguồn gốc Chúa Giêsu và thấy rằng: cha mẹ và anh em Ngài đều là những người nghèo hèn mà họ biết rõ ngọn nguồn. Với lối suy luận và lý luận rất khoa học ấy, những người đồng hương với Chúa Giêsu đã khước từ Ngài. Nguồn gốc tăm tối của Chúa Giêsu đã là mạng chắn khiến họ không tin nhận nơi Ngài (Mỗi ngày một tin vui).
  2. Thành kiến được định nghĩa là một suy nghĩ, một cái nhìn khó thay đổi về việc gì đó. Khăng khăng bảo vệ quan điểm của mình “như đúng rồi” lại còn úp lên đó cái khung cứng nhắc của cảm tính, người thành kiến sẽ không thể nhìn người khác như họ là, mà trái lại sẽ đánh giá theo kiểu: “Thương nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau quả bồ hòn cũng méo”. Chẳng những thế, người thành kiến lại thích đeo cặp kính đen để chỉ nhìn thấy phương diện xấu xa, bi quan, tiêu cực của sự việc. Những người đồng hương đương thời với Đức Giêsu đã nhìn Người với đôi mắt thành kiến như thế. Đối với họ thì gà thì đẻ ra gà, chứ không thể đẻ ra công được. Với cái nhìn thành kiến, họ không thể nào nhận ra Đức Giêsu mà họ vẫn tưởng là con bác thợ mộc Giuse lại là Con Thiên Chúa được (5 phút Lời Chúa).

Top