Thứ Hai tuần 15 Thường niên năm I - Chúa sẽ đền bù (Mt 10,34-11,1)

Thứ Hai tuần 15 Thường niên năm I - Chúa sẽ đền bù (Mt 10,34-11,1)

Thứ Hai tuần 15 Thường niên năm I - Chúa sẽ đền bù (Mt 10,34-11,1)

“Kẻ nào không vác thập giá mình mà theo Thầy,
thì không xứng đáng với Thầy”. (Mt 10,38)

BÀI ĐỌC I (năm I): Xh 1, 8-14. 22

“Chúng ta hãy đàn áp Israel, kẻo nó sinh sản ra nhiều”.

Trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, nhà vua mới lên ngôi cai trị nước Ai-cập, ông không biết Giuse, nên nói với dân chúng rằng: “Kìa, dân tộc con cái Israel nhiều và hùng mạnh hơn chúng ta. Nào, chúng ta hãy khôn khéo đàn áp chúng, kẻo chúng gia tăng lên nhiều. Và nếu xảy ra chiến tranh, chúng sẽ tiếp tay quân thù đánh lại chúng ta, rồi rút lui khỏi xứ chúng ta”.

Vậy vua truyền lệnh cho các trưởng dịch bắt họ làm việc cực nhọc hơn, bắt họ xây những thành Phithom và Ramsê làm kho tàng cho Pharaon. Nhưng người ta càng đàn áp họ, thì họ lại càng sinh sản và bành trướng nhiều hơn. Các người Ai-cập càng ghen ghét con cái Israel và càng bắt họ làm việc khổ cực hơn. Người ta làm cho đời sống họ thêm cay cực, bắt họ làm những việc nặng nhọc, nhồi đất, đúc gạch và làm mọi công việc đồng áng. Bấy giờ vua Pharaon truyền lệnh cho toàn dân của vua rằng: “Bất cứ con trai (Do-thái) nào mới sinh, thì hãy ném nó xuống sông, chỉ để lại những trẻ gái mà thôi”.

Ðó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 123, 1-3. 4-6. 7-8

Ðáp: Ơn phù trợ chúng tôi ở nơi danh Chúa 

Xướng: Nếu như Chúa không che chở chúng tôi – Israel hãy xướng lên – nếu như Chúa không che chở chúng tôi, khi thiên hạ cùng chúng tôi gây hấn, bấy giờ người ta đã nuốt sống chúng tôi rồi, khi họ bầng bầng giận dữ chúng tôi. 

Xướng: Bấy giờ nước cả đã lôi cuốn mất, trào lưu đã ngập lút con người chúng tôi; bấy giờ sóng cả kiêu hùng đã ngập lút chúng tôi! Chúc tụng Chúa vì Người đã không để chúng tôi nên mồi trao đưa vào răng chúng. 

Xướng: Hồn chúng tôi như cánh chim non thoát khỏi lưới dò của người gài bẫy bắt chim. Lưới dò đã đứt gãy, và chúng tôi đã thoát thân. Ơn phù trợ chúng tôi ở nơi danh Chúa, là Ðấng tạo thành trời đất!

 

Tin mừng: Mt 10, 34-11, 1

10:34 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con chớ tưởng rằng Thầy đến để mang hoà bình cho thế gian: Thầy không đến để đem hoà bình, nhưng đem gươm giáo.

35 Vì chưng, Thầy đến để gây chia rẽ con trai với cha mình, con gái với mẹ mình, nàng dâu với mẹ chồng mình: 36 và thù địch của người ta lại là chính người nhà mình.

37 Kẻ nào yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy. Kẻ nào yêu con trai con gái hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy.

38 Kẻ nào không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. 39 Kẻ nào cố tìm mạng sống mình thì sẽ mất, và kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được nó.

40 Kẻ nào đón tiếp các con là đón tiếp Thầy, và kẻ nào đón tiếp Thầy, là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.

41 Kẻ nào đón tiếp một tiên tri với danh nghĩa là tiên tri, thì sẽ lãnh phần thưởng của tiên tri; 42 và kẻ nào đón tiếp người công chính với danh nghĩa người công chính, thì sẽ lãnh phần thưởng của người công chính.

Kẻ nào cho một trong những người bé mọn này uống chỉ một bát nước lã mà thôi với danh nghĩa là môn đệ, thì quả thật, Thầy nói với các con: người ấy không mất phần thưởng đâu”.

11:1 Sau khi Chúa Giêsu truyền dạy xong các điều ấy cho mười hai tông đồ, Người rời khỏi đó để đi dạy dỗ và rao giảng trong các thành phố của các ông.

 

Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Người môn đệ của Chúa Giêsu phải dứt khoát chọn lựa Tin Mừng hơn mọi sự, phải đặt tình yêu đối với Chúa hơn mọi tình cảm gia đình, hơn cả bản thân mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con cảm tạ Chúa đã mời gọi con làm môn đệ của Chúa, và đã ban cho con biết bao hồng ân để con được theo Chúa cho đến hôm nay. Đứng trước tình yêu cao vời đó, con chưa biết đáp lại như ý Chúa muốn, con chưa đặt Chúa lên địa vị ưu tiên và chưa yêu mến Chúa trên hết mọi sự.

Lạy Chúa, nhiều khi với cái nhìn nông cạn, con đã sống cho tình người nhiều hơn là sống cho tình Chúa. Con để mặc cho tình cảm tự nhiên làm chủ cuộc sống. Con chỉ làm những điều mình ưa thích, hoặc chỉ làm để đẹp lòng người ta hơn là quan tâm đến việc làm đẹp lòng Chúa. Con vẫn ngại hy sinh, sợ thua thiệt. Con chỉ muốn yên thân. Chính vì sợ phiền toái hay chống đối, mà con đã không dám sống Tin Mừng. Rút cuộc, con đã gặt hái sự chán nản thất vọng, hơn là niềm vui và tình yêu Chúa.

Lạy Chúa, chính Chúa quả quyết: “Ai tìm sự sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ tìm thấy được”. Xin Chúa giúp con biết yêu mến Chúa trên hết mọi sự, trên tình cảm gia đình, trên những người mà con hằng yêu mến, trên những vật mà con hằng gắn bó, trên cả bản thân con. Xin cho con biết nhìn lên Chúa trên thập giá ngõ hầu con cảm nhận được thế nào là tình yêu Chúa dành cho con, để con sống xứng đáng với tình yêu Chúa. Đòi hỏi của Chúa thật là quyết liệt và tuyệt đối. Các tông đồ đã nghe được lời mời gọi của tình yêu Chúa và đã sống trọn vẹn cho Chúa và cho Tin Mừng. Xin cho con bắt chước đời sống các ngài, để con dứt khoát đi theo Chúa, can đảm dâng cuộc sống cho Chúa và chấp nhận những đòi hỏi của Tin Mừng. Amen.

Ghi nhớ : “Thầy không đến để đem hòa bình, nhưng đem gươm giáo”.

 

Suy niệm 1: (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A- Phân tích (Hạt giống...)

Phần cuối của bài Phúc Âm hôm nay nói về sứ mạng tông đồ. Chúa Giêsu thẳng thắn cho biết những đòi hỏi khó khăn của Phúc Âm:

- Vì Phúc Âm đòi hỏi người ta phải chọn lựa theo hay không theo, nên nó có thể gây nên chia rẽ ngay giữa những người thân, kẻ không theo chống lại những người theo.

- Vì Phúc Âm là giá trị cao quý nhất cho nên nếu cần thì người ta phải dám từ bỏ tất cả những thứ khác để đổi lấy nó.

Sau cùng Chúa Giêsu khuyến khích người ta quảng đại tiếp đón những sứ giả của Phúc Âm, vì tiếp đón họ là tiếp đón Chúa và sẽ được Chúa trọng thưởng.

B- Suy gẫm (...nẩy mầm)

1. Thú thật Lời Chúa mấy ngày nay khiến con rất sợ: để đón nhận Phúc Âm của Chúa, con phải hy sinh và từ bỏ rất nhiều, khi làm tông đồ của Chúa, con cũng sẽ đương đầu với biết bao khó khăn và gian khổ. Con hiểu được tại sao nhiều người không kiên trì sống đức tin, và nhiều người ngại làm tông đồ cho Chúa. Con cũng sẽ đào ngũ chăng? Con cũng sẽ nản lòng chăng? Thật tình con không muốn thế bao giờ. Xin cho con được kiên trì và can đảm.

2. ”Kẻ nào yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy”: Hiện giờ con đang yêu những gì hơn Chúa? Xin cho con sức mạnh dám từ bỏ những thứ đó để con xứng đáng với Chúa.

3. ”Kẻ nào không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy”: Xin cho con biết Thập giá của con hiện nay là gì và xin cho con thêm sức mạnh để vác nổi Thập giá ấy.

4. Một thiếu nữ đẹp, con nhà quyền quý muốn nhập vào một dòng tu rất khắc khổ. Để thử thách ơn gọi của cô, Mẹ bề trên vẽ lên một bức tranh rất đáng sợ về những đòi hỏi khắc khe của tu viện. Nghe xong, cô bé có vẻ lung lay im lặng. Một lúc sau Mẹ bề trên hỏi:

- Con không nói gì ư?

- Thưa Mẹ, con chỉ có một câu hỏi: trong nhà Dòng này có nhiều Thánh Giá không?

- Ồ, khắp nơi trong nhà dòng, chỗ nào cung có Thánh Giá.

- Vậy thì thưa Mẹ, con hy vọng sẽ không gặp khó khăn gì cả, bởi vì mọi nơi và trong mọi giây phút, con đều có Thánh Giá bên cạnh con. Con có thể chịu đựng được tất cả. (Góp nhặt)

5. ”Kẻ nào cố tìm mạng sống mình thì sẽ mất, và kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được nó”. (Mt 10,39)

Kìa một em bé! Đúng rồi một em bé! Làm thế nào để cứu được em bây giờ? Hàng chục cặp mắt đang dõi theo em với vẻ đầy lo lắng và thương xót. Bỗng từ trên thành cầu, một người vội lao xuống cố nắm lấy bàn tay nhỏ xíu của em đang quờ quạng giữa khoảng không tưởng chừng vô vọng… Em bé đã được cứu sống! Khoảng khắc quá mỏng manh giữa cái chết và sự sống.

Câu chuyện đã xảy ra vào một buổi chiều tháng năm cách đây gần một năm… Như một luồng sáng chiếu vào cõi lòng vốn vị kỉ của tôi, và tôi đã hiểu một tình yêu cao cả đòi hỏi sự dấn thân quên đi chính mạng sống mình để cứu lấy mạng sống của người khác. Tình yêu đó chính là tình yêu mang tên Giêsu.

Lạy Chúa, xin cho con hiểu thế nào là mầu nhiệm “tự hủy” của Ngài, để luôn biết quảng đại dấn thân cứu sống người anh em mà không sợ đau thương hay nguy hiểm. (Hosanna)

 

Suy niệm 2: (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Phải chọn lựa dứt khoát (Mt 10,34-11,1)

  1. Bài Tin mừng hôm nay làm cho chúng ta có cảm tưởng Chúa Giêsu đưa ra toàn là những điều nghịch lý. Tại sao Chúa Giêsu không đem đến hoà bình mà lại đem chiến tranh? Thực sự phải đi sâu vào vấn đề mới có thể hiểu được. Chúng ta đừng tưởng hòa bình là không có chiến tranh. Nhưng đúng hơn hoà bình đích thực chỉ có sau những trận chiến ác liệt. Trận chiến là cuộc phân chia phải-trái, thiện-ác, và quyết liệt là chọn lựa điều thiện. Vì thế, nếu chưa chiến đấu là còn lưỡng lự chưa dứt khoát. Thiên Chúa không chấp nhận tình trạng dở dở ương ương. Nóng thì nóng hẳn, nguội thì nguội hẳn, hâm hâm dở dở, Thiên Chúa sẽ loại trừ.
  2. Sự chọn lựa của người môn đệ theo Chúa

“Anh em đừng tưởng Thầy đem đến bình an cho trái đất: Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà” (Mt 10,34-36).

Nghe có vẻ ngược đời, nhưng sự chia rẽ ở đây nói lên một sự lựa chọn cho người môn đệ. Những ai dám sống và hành động theo con đường Chúa Giêsu, thì thường bị người đời coi là dại dột, là ngu xuẩn, là điên rồ, thậm chí còn bị ghen ghét hoặc bị bách hại đủ điều. Vì thế, Người đòi môn đệ phải sẵn sàng chia sẻ sự đau khổ mà Chúa Giêsu phải chịu. Vì thực tế sẽ có sự chia rẽ từ trong gia đình: trong cùng một nhà mà có những người tin Chúa và có kẻ lại không tin. Nhưng ai bền đỗ đến cùng thì sẽ được ơn cứu độ.

  1. Có thể nói, bài Tin mừng hôm nay cho biết hệ quả của bước đường theo Chúa. Theo Chúa, người môn đệ phải chấp nhận nhiều thua thiệt: họ có thể bị chống đối từ ngoài xã hội đến trong gia đình, và một cách nào đó, Chúa Giêsu cũng bị xem là nguyên cớ của các tranh chấp, chống đối. Thật thế, làm sao không có đối nghịch giữa ánh sáng và bóng tối, giữa Chúa Giêsu và thế gian, giữa quyền lực Thiên Chúa và quyền lực thế gian. Bước theo Chúa, người môn đệ phải chọn lựa, và chỉ chọn lựa tình yêu Chúa mới cho họ xứng đáng được gọi là môn đệ Ngài.
  2. Thứ tự ưu tiên trong việc lựa chọn

“Ai yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10,37).

Phải chăng Chúa Giêsu đặt ra một điều kiện của Chúa quá khó? Sở dĩ Ngài đưa ra điều kiện như vậy, để nói lên một sự dứt khoát chứ không phải nửa vời. Ngài không khuyến khích việc vô ơn bất hiếu với cha mẹ, hoặc phải sống vô tâm vô tình với người thân, nhưng là Ngài muốn nhấn mạnh đến sự ưu tiên chọn Chúa là trên hết và Ngài đòi hỏi sự so sánh hơn kém khi phải chọn lựa. Nếu phải chọn lựa giữa Chúa Giêsu với cha mẹ và người thân, thì những người quyết tâm theo Chúa phải dám chọn Chúa Giêsu là gia nghiệp.

Bỏ cha, bỏ mẹ, vợ con, anh em là bỏ những cái gì ngoài mình, nhưng Chúa còn đòi hỏi hơn nữa là dám bỏ cả mạng sống nếu phải làm chứng cho Chúa (Mỗi ngày một tin vui).

  1. Hoa quả của lòng bác ái

“Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy... Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mt 10,40.42).

Chúa Giêsu khẳng định về chiều kích tương quan hàng dọc với Thiên Chúa dựa trên tương quan đức ái với đồng loại. Khi chúng ta làm điều gì cho anh em là chúng ta đang làm cho chính Chúa Giêsu và cũng đồng thời đang làm cho Chúa Cha.

Việc bác ái dù nhỏ nhất nhưng luôn có giá trị cứu độ. Thiên Chúa sẽ trả lẽ cho chúng ta trong nước của Ngài bằng với những gì chúng ta đã trao tặng cho tha nhân, dù chỉ là một bát nước lã thì Thiên Chúa cũng ghi nhận.

Vấn đề được Thiên Chúa ân thưởng không hệ tại ở giàu hay nghèo, cũng không hệ tại cho hàng tỷ đồng hay chỉ là một bát nước lã, nhưng là biết sống tương quan đức ái với tha nhân, giúp đỡ nhau vì lòng mến Chúa và yêu đồng loại. Người cho nhau một ly nước vì Chúa thì có giá trị hơn gấp bội so với người cho cả gia tài chỉ vì được ca tụng đời này (Hiền Lâm).

  1. Truyện: Cách vác thập giá

Một hôm, Chúa Giêsu hiện ra với hai môn đệ, Ngài đưa họ đến đầu con đường rồi trao cho mỗi người một cây thập giá và nói: “Các con hãy vác thập giá này và đi đến cuối con đường, Thầy sẽ đợi các con ở đó”. Nói xong, Chúa biến đi. Và hai môn đệ bắt đầu vác lấy thập giá của mình.

Người thứ nhất xem ra vác nhẹ nhàng, chân rảo bước mỗi lúc một nhanh. Nội trong ngày hôm đó, anh đã đến cuối đường và vui mừng gặp Chúa Giêsu đang đứng chờ sẵn ở đó.

Còn người thứ hai mãi đến chiều hôm sau mới đi hết con đường, xem ra anh ta mệt mỏi, không còn vác, nhưng kéo lê thập giá mỗi lúc một nặng thêm và làm anh ta gần kiệt sức. Vừa gặp Ngài, anh ta phàn nàn ngay: “Chúa đối xử bất công quá. Chúa cho con cây thập giá nặng, còn anh kia Chúa cho thập giá nhẹ, nên anh ấy đã đến trước con lâu như vậy”.

Gương mặt vui tươi của Chúa bỗng trở nên nghiêm nghị. Ngài nói: “Này con, Ta không đối xử bất công, hai cây thập giá giống và nặng như nhau. Con đừng trách thập giá nặng nhẹ, nó trở nên nặng là vì tâm hồn con ngay từ đầu và trong suốt quãng đường Ta đã chỉ, con luôn than phiền và càng than phiền thì nó càng trở nên nặng nề. Người bạn đồng hành của con đến trước, vì tâm hồn lúc nào cũng tràn đầy yêu thương”.

 

Suy niệm 3: (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Ngày hôm sau, khi một chút ánh sáng mặt trời lọt vào hầm tàu, tôi nhận ra chung quanh tôi những gương mặt buồn sầu và tuyệt vọng của các tù nhân khác. Bầu khí sầu thảm như đám tang. Một trong các tù nhân đã tìm cách treo cổ tự tử với một sợi dây thép. Những người khác gọi tôi. Tôi đến nói chuyện với anh. Sau cùng anh lắng nghe lời tôi. Cách đây hai năm trong một cuộc họp liên tôn tại California, tôi đã gặp lại anh. Mặt mừng rỡ, anh tiến tới gặp tôi và cám ơn tôi. Anh đã cho mọi người xem các vết sẹo còn hằn trên cổ.

Trong cuộc hành trình, khi các tù nhân biết có giám mục Nguyễn Văn Thuận, họ đến với tôi để kể lể các nỗi âu lo của họ. Tôi đã chia sẻ các khổ đau của họ và an ủi họ hàng giờ và suốt cả ngày. Trong ba ngày trên tàu, tôi an ủi các tù nhân khác và tôi suy niệm về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Đêm thứ hai, giữa cái lạnh của Thái Bình Dương trong tháng mười hai, tôi bắt đầu hiểu rằng ơn gọi của tôi bắt đầu một giai đoạn mới. Trong giáo phận, tôi đã đưa ra các sáng kiến khác nhau cho công tác rao truyền Tin Mừng cho người bên lương. Giờ đây, tôi phải cùng Chúa Giêsu đi về nguồn gốc của việc loan báo Tin Mừng, phải cùng Ngài ra đi chết “bên ngoài tường thành” bên ngoài tường thánh (ĐHY Phan xicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Chứng nhân Hy Vọng).

Suy niệm

Trong ngữ cảnh của đoạn Tin Mừng hôm nay là tất cả những xung đột, chia rẽ mà Chúa Giêsu nói đến, đó là hình ảnh biểu tượng những sự việc xảy ra trong sứ mạng loan báo Tin Mừng Phục sinh. Các ngôn sứ cũng nói tiên tri về hình ảnh biểu tượng chia rẽ của ngày sau hết, thời kỳ Mêssia: “Quả thật, con trai khinh thường cha, con gái đứng lên chống lại mẹ, nàng dâu chống mẹ chồng, người trong nhà hóa ra thù địch” (Mk 7,6; x. Ml 3,24).

Chia rẽ xung đột còn xảy ra giữa Đức Kitô và những người liên hệ: Thầy trò chia ly, môn đệ phản Thầy, bán Thầy, chối Thầy... Giáo hội cũng đã trải qua những cuộc bách hại, xung đột và chia rẽ với những thế lực chống Tin Mừng trong suốt chiều dài lịch sử, từ những cuộc bách hại đầu tiên ở đế quốc Rôma vào thế kỷ I. Ngày hôm nay Giáo hội vẫn còn bị bách hại tại nhiều nơi trên thế giới đặc biệt nơi các nước Hồi giáo. Gần nhất, chúng ta thấy rõ trong lịch sử Giáo hội Việt Nam, những cuộc bắt hạch đạo đẫm máu giữa những người cùng một dân tộc. Sự chia rẽ nơi Giáo hội Chúa Kitô trong lịch sử: Chính Thống Giáo ở thế kỷ X, Tin Lành ở thế kỷ XVI... Denys le Chartreux đã suy tư về sự chia rẽ, xung đột trong Giáo hội như sau:

“Những người tin, yêu mến Thiên Chúa tìm kiếm sự bình an tâm hồn, họ sẽ cảm nghiệm bổn phận bất tuân với những điều xấu. Họ sẽ chia rẽ với những gì làm cản trở đời sống thiêng liêng và sự trong sáng của tình yêu Thiên Chúa”....

Đứng trước xung đột nội tâm, chia rẽ, những cảnh tang thương mà ta phải đối diện. Chúng ta hãy chiêm ngắm sự tranh đấu hiệp nhất trong thánh ý Cha của Đức Kitô nơi vườn Cây Dầu để tiếp tục chiến đấu, vượt qua xung đột để lửa tình yêu, bình an và hy vọng được đốt lên trong tâm hồn. Chúng ta ngắm nhìn khuôn mặt của Chúa Kitô vác thập giá, Ngài đang cùng ta tranh đấu, gánh trên vai xung đột chia rẽ, để chúng ta cùng với Ngài lãnh nhận chiến thắng Phục sinh.

Ý lực sống

“Chúng ta hãy cương quyết xông pha chiến trận đang chờ đợi ta. Chúng ta hãy nhìn thẳng vào Đức Giêsu Đấng khơi nguồn đức tin và làm cho nó nên hoàn tất; vì trông mong niềm vui đang chờ đón mình, Người đã chịu khổ giá, bất chấp sự hổ thẹn” (Dt 12,2).

Top