Thứ Hai tuần 5 Thường niên (Mc 6,53-56)

Thứ Hai tuần 5 Thường niên (Mc 6,53-56)

Thứ Hai tuần 5 Thường niên (Mc 6,53-56)

“Họ rảo khắp vùng ấy và nghe tin Người ở đâu,
thì bắt đầu cáng bệnh nhân đến đó”. (Mc 6,55)

BÀI ĐỌC I: St 1, 1-19

"Thiên Chúa phán: và xảy ra như vậy".

Trích sách Sáng Thế.

Từ nguyên thuỷ Thiên Chúa đã tạo thành trời đất. Đất còn hoang vu trống rỗng, tối tăm bao trùm vực thẳm, và Thần trí Thiên Chúa bay sà trên mặt nước.

Thiên Chúa phán: "Hãy có ánh sáng". Và có ánh sáng. Thiên Chúa thấy ánh sáng tốt đẹp, Người phân rẽ ánh sáng khỏi tối tăm. Thiên Chúa gọi ánh sáng là ngày, tối tăm là đêm. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ nhất.

Thiên Chúa phán: "Hãy có một vòm trời ở giữa nước, phân rẽ nước với nước", và Thiên Chúa làm nên vòm trời, và phân rẽ nước phía trên vòm trời với nước dưới vòm trời. Và xảy ra như vậy. Thiên Chúa gọi vòm đó là trời. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ hai.

Thiên Chúa phán: "Nước dưới trời hãy tụ tại một nơi, để lộ ra chỗ khô cạn. Và đã xảy ra như vậy. Thiên Chúa gọi chỗ khô cạn là đất, và Người gọi khối nước là biển. Thiên Chúa thấy tốt đẹp. Và Thiên Chúa phán: "Đất hãy trổ sinh thảo mộc xanh tươi mang hạt giống, và cây ăn trái phát sinh trái theo giống nó, và trong trái có hạt giống, trên mặt đất. Và đã xảy ra như vậy. Tức thì đất sản xuất thảo mộc xanh tươi mang hạt theo giống nó, và cây phát sinh trái trong có hạt tuỳ theo loại nó. Và Thiên Chúa thấy nó tốt đẹp. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ ba.

Thiên Chúa còn phán: "Hãy có những vật sáng trên vòm trời và hãy phân chia ngày và đêm, và trở thành dấu chỉ thời gian, ngày và năm tháng, để soi sáng trên vòm trời và giãi sáng mặt đất". Và đã xảy ra như vậy. Thiên Chúa đã làm nên hai vầng sáng lớn: Vầng sáng lớn hơn làm chủ ban ngày, và vầng sáng nhỏ hơn làm chủ ban đêm; và Ngài cũng làm nên các tinh tú. Thiên Chúa đặt chúng trên vòm trời để soi sáng trên mặt đất, và làm chủ ngày đêm, và phân chia ánh sáng với tối tăm. Thiên Chúa thấy tốt đẹp. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ tư.

Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 103, 1-2a. 5-6. 10 và 12. 24 và 35c

Đáp: Nguyện cho Chúa hân hoan vì công cuộc của Chúa (c. 31b).

1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa. Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, Ngài rất ư vĩ đại! Ngài mặc lấy oai nghiêm huy hoàng, ánh sáng choàng thân như mang áo khoác. - Đáp.

2) Ngài dựng vững địa cầu trên nền tảng, cho tới muôn đời nó chẳng lung lay. Ngài dùng biển che phủ nó như áo che thân, trên ngọn núi non muôn ngàn nước đọng. - Đáp.

3) Ngài lệnh cho mạch nước tràn ra thành suối, chúng chảy rì rào giữa miền non núi. Bên cạnh chúng, chim trời cư ngụ, từ trong ngành cây vang ra tiếng hót. - Đáp.

4) Lạy Chúa, thực nhiều thay công cuộc của Ngài! Ngài đã tạo thành vạn vật cách khôn ngoan, địa cầu đầy dẫy loài thụ tạo của Ngài. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa. - Đáp.

 

Tin mừng: Mc 6,53-56

53 Khi qua biển rồi, Đức Giê-su và các môn đệ ghé vào đất liền tại Ghen-nê-xa-rét và lên bờ. 54 Thầy trò vừa ra khỏi thuyền, thì lập tức người ta nhận ra Đức Giê-su.

55 Họ rảo khắp vùng ấy và nghe tin Người ở đâu, thì bắt đầu cáng bệnh nhân đến đó. 56 Người đi tới đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn xóm nào, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ, và xin Người cho họ ít là được chạm đến tua áo choàng của Người; và bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi.

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu đã chữa lành tất cả các bệnh nhân đến gặp Chúa. Chúa đang đi qua cuộc đời ta, cần phải biết gặp Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, thật diễm phúc cho con. Con là người phàm hèn đầy những giới hạn và tật nguyền nơi thân xác và trong linh hồn, nhưng con có Chúa là thầy thuốc tuyệt vời. Không ai đến với Chúa mà không được chữa lành. Đặc biệt tội lỗi đã làm cho con ra yếu đuối, tê bại, chết đuối trong bể khổ. Con muốn học ở nơi những người Ghen-nê-xa-rét mà mau mắn và tin tưởng đến cùng Chúa.

Trong các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể và bí tích Giải Tội. Chúa hằng ban ơn sự sống đời đời cho con. Nhưng con lại dễ dàng chạy tìm an ủi và khoái lạc trần tục chóng qua. Trong khi ấy, chỉ mình Chúa mới ban cho con hồng ân được mạnh khỏe thiêng liêng và sống đời đời.

Con thành thật thưa cùng Chúa rằng: đức tin con còn quá yếu đuối. Con để cho tiếng nói của thế gian, xác thịt và ma quỷ lấn át mất tiếng Chúa. Vì quá yếu tin, nên con khó nghe được tiếng nói tình thương của Chúa. Con thấy chán ngán khi nghe Lời Chúa. Và con không thấy hấp dẫn đến cùng Chúa mỗi ngày.

Lạy Chúa, mọi người tật nguyền bệnh hoạn đã đến cùng Chúa và đã được chữa lành. Nay con đến với Chúa mang theo mọi tật nguyền của đời con. Xin Chúa cứu chữa con. Xin làm cho con nên mạnh mẽ nhất là về đàng thiêng liêng. Xin cho con cảm mến được sự thích thú khi dừng chân ngồi bên Chúa để nghe Chúa nói và để được chữa lành. Xin cho con hằng biết về bên Chúa để được Chúa gia tăng lòng mến Chúa mỗi ngày một nhiều hơn. Amen.

Ghi nhớ: “Tất cả những ai chạm tới Người, đều được khỏi bệnh”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống...)

Trong bốn câu rất ngắn gọn, thánh Mác-cô đã mô tả sức thu hút mãnh liệt của Chúa Giêsu đối với dân chúng:

- ”Họ rảo qua khắp vùng ấy, và nghe tin Ngài ở đâu thì bắt đầu cáng bệnh nhân tới đó”

-“Ngài đi tới đâu…người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ, và xin Ngài cho ít là được chạm đến tua áo cuả Ngài. Và bất cứ ai chạm đến là được khỏi.”

B. Suy niệm (...nẩy mầm)

1. Có thể tìm được hai lý do để giải thích sự thu hút này:

- Dân chúng có những nhu cầu Chúa Giêsu có khả năng đáp ứng những nhu cầu đó.

Diễn viên Lê Công Tuấn Anh có tất cả những thứ mà bất cứ người trẻ nào cũng mơ ước. Nhưng anh cũng có những nhu cầu và những đau khổ thâm sâu mà không ai giúp anh được. Anh chết vì không tìm được Đấng giúp anh.

2. “Bất cứ ai chạm đến đều được khỏi”. Nếu tôi thực sự chạm đến Chúa, chắc chắn tôi cũng được khỏi những bệnh tật linh hồn tôi.

3. Lúc bệnh tật và đau khổ là lúc người ta dễ hướng về Chúa nhất.

4. Người hấp hối than thở với Cha sở rằng chẳng cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa. Cha sở lấy một chiếc ghế đặt bên cạnh, rồi bảo ông hãy nghĩ rằng Chúa Giêsu đang ngồi đó, hãy đặt tay mình trên tay Ngài trên thành ghế. Người đó làm theo và cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa. Mấy hôm sau, được tin ông qua đời, Cha sở đến thăm và thấy tay ông vẫn còn đặt trên bàn tay vô hình ở thành ghế. (Góp nhặt)

5. Nghe tin Người ở đâu, họ bắt đầu cáng bệnh nhân đến đó…và bấy cứ ai chạm đến Người thì đều được khoải” (Mác-cô 6,55-56)

Một cảnh tượng tuyệt đẹp và đầy xúc động , đẹp ở sự chủ động của đám đông, xúc động vì lòng tin vững vàng của họ. Họ đã không đòi hỏi gì hơn là được chạm đến tua áo người, và mong được chữa khỏi.

Sự kiện đó khiến tôi liên tưởng ngay đến câu chuyên về họa sỹ Holman Hunt. Ông đã vẽ một bức tranh trong đó Chúa Giêsu đang đứng gõ của một ngôi nhà. Nhưng điểm khác thường ở đây là cánh cửa đó không có tay cầm và cũng không có ổ khóa, và vì thế cánh cửa đó chỉ có thể mở bên trong.

Đám đông dân chúng nay đã tự mở cánh cửa lòng mình cho Đấng chữa lành, và vì thế họ đã được khỏi bệnh.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, lòng con đầy dẫy những ích kỷ tự kiêu, đam mê….hay có khi mặc cảm, chống đối và than van. Xin cho con biết mở lòng để có thể chạm đến Chúa. (Epphata)

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Chúa chữa lành các bệnh nhân (Mc 6,53-56)

  1. Khi Chúa Giêsu vừa lên bờ đến miền dân ngoại là Ghenêxaret, người ta đã nô nức kéo nhau đến với Chúa. Khi người đi đến đâu thì người ta cũng khiêng những người bệnh tật đến đấy, xin cho chạm vào áo Người. Tất cả những ai được chạm vào áo Người đều được khỏi bệnh. Chúa Giêsu luôn tỏ ra yêu thương và quan tâm đến con người, nhất là những người đau khổ và yếu đuối. Không ai đến với Người mà phải thất vọng.
  2. Sự hiện diện của Chúa Giêsu

Chúng ta vẫn thường hát: “Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời, đâu có lòng từ bi, ở đấy có ân sủng Người...” Phải, nơi nào có Chúa, nơi đó có niềm vui, bình an, trông cậy và chữa lành. Cụ thể là như bài Tin mừng hôm nay nói tới, Chúa Giêsu có mặt ở đâu, thì người ta chen nhau tới với Người để được ân sủng Người chữa lành. Sự hiện diện của Chúa Giêsu là sự hiện diện của tình yêu và lòng bác ái. Ngài gần gũi và quan tâm đến con người, đặc biệt những người đau khổ và yếu đuối.

Thế nên, Chúa Giêsu mời gọi mọi người chúng ta sống chiều kích hiện diện đầy yêu thương, đem đến bình an và thực thi đức bác ái, hầu xoa dịu sự đau khổ của kiếp người. Chính sự hiện diện đó làm cho mọi người cảm kích mà chạy đến với Chúa, tựa như bông hoa tỏa hương thu hút muôn loài đến với nó.

  1. Lúc bệnh và đau khổ là lúc người ta dễ hướng về Chúa

Người hấp hối than thở với Cha sở rằng chẳng cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa. Cha sở lấy một chiếc ghế đặt bên cạnh, rồi bảo ông hãy nghĩ rằng: Chúa Giêsu đang ngồi đó, hãy đặt tay mình trên tay Ngài trên thành ghế. Người đó làm theo và cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa. Mấy hôm sau, được tin ông qua đời, Cha sở đến thăm và thấy tay ông vẫn còn đặt trên bàn tay vô hình ở thành ghế (Góp nhặt).

  1. “Người ta cũng đặt kẻ đau ốm ở ngoài chợ và xin Chúa Giêsu cho họ được chạm đến tua áo choàng của Người; và bất cứ ai chạm đến, thì được khỏi” (Mc 6,56).

Ngày quốc tế bệnh nhân được thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II thiết lập liên kết với ngày lễ kính Đức Mẹ tại Lộ Đức, nơi khách hành hương tuôn đến xin chữa bệnh và chứng kiến những phép lạ chữa lành. Chính Ngài cũng chứng nhận về những ơn lạ Thiên Chúa ban cho trong những đau đớn thương tích của Ngài. Kinh nghiệm được chữa lành như thế cũng là kinh nghiệm về tình yêu của Thiên Chúa, bởi mọi sự chữa lành đều phát xuất từ lòng thương xót của Thiên Chúa.

Nói cách khác, lòng thương xót là phương dược Thiên Chúa chữa lành mọi cơn đau đớn bệnh tật của con người. Bất cứ ai chạm đến Chúa đều được khỏi. Niềm tin vững mạnh đó càng thôi thúc bệnh nhân mọi thời nài xin Mẹ khẩn cầu Chúa thương chữa lành những ai đang đau đớn thể xác, tinh thần và linh hồn, những người đang đối mặt với bệnh tật. Tình yêu của Chúa chữa lành bệnh nhân, tình yêu của Mẹ khẩn nài cho bệnh nhân (5 phút Lời Chúa).

  1. Tất cả đều cảm thấy “cần đến Chúa” cho nên họ đã đích thân đến với Chúa và Chúa đã không phụ lòng mong ước của họ.

Một ngày kia, có một nhà lãnh đạo Trung hoa theo Kitô giáo đến thăm Hoa Kỳ. Sau khi nghe ông nói chuyện tại một buổi hội họp, một sinh viên hỏi: “Tại sao nước ông đã có Khổng Tử mà còn muốn có Kitô giáo nữa ?”

Ông đáp: Có ba lý do:

- Thứ nhất: Khổng Tử là một vị tôn sư, còn Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế. Chúng tôi cần Đấng Cứu Thế hơn là cần vị tôn sư.

- Thứ hai: Khổng Tử đã chết, Đức Kitô vẫn đang sống, chúng tôi cần một Đấng Cứu Thế đang sống, chứ không cần một người đã chết.

- Thứ ba: Khổng Tử cũng có ngày chịu phán xét, chúng tôi cần biết Đức Kitô là Đấng Cứu Thế trước khi là vị thẩm phán.

  1. Truyện: Hãy đến với Chúa ngay đi

June là một em bé 5 tuổi xinh đẹp và lanh lợi. Cha của em là một mục sư. Mẹ em mỗi khi đi đâu thường cho em theo. Ngày nọ, khi hai mẹ con vào bưu điện, một ông lão thấy em liền nói:

- Này bé, ai cho bé mái tóc đẹp thế ?

- Chúa cho cháu đó!

Nói xong bé nhìn thẳng vào ông hỏi:

- Thế ông có được Chúa cho gì không ? Có được Chúa cứu không ?

Ông già kinh ngạc và xúc động trước câu hỏi đơn sơ đó. Ông thẫn thờ đáp:

- Không, bé ạ!

- Thế thì ông phải đến với Chúa ngay đi. Rồi Chúa sẽ cho ông thành một người thật đẹp đẽ!

Nói xong, bé vội chạy theo mẹ. Ít tuần sau, người ta thấy ông tìm đến nhà thờ và xin theo đạo. Ông cho biết lời của em bé luôn ám ảnh trong đầu và ông quyết định theo Chúa.

Top