Thư mục vụ của Đức Tổng giám mục Tổng giáo phận Hà Nội về Năm Đức Tin
Kính gửi: Các linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và toàn thể anh chị em giáo dân trong Tổng Giáo Phận Hà Nội.
Kính thưa quý cha và anh chị em,
Chúng ta bước vào tháng Mười là tháng kính Đức Mẹ Mân Côi. Qua tự sắc Cánh Cửa Đức Tin (Porta Fidei), Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI quyết định mở một Năm Đức Tin, bắt đầu từ ngày 11 tháng 10 sắp tới và kéo dài đến lễ trọng Chúa Kitô Vua vũ trụ, ngày 24 tháng 11 năm 2013.
– Tại Rôma, ngày 11 tháng 10, đúng ngày kỷ niệm 50 năm Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII khai mạc Công Đồng Vatican II, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI sẽ chính thức khai mạc Năm Đức Tin của Hội Thánh.
– Tại Thanh Hóa, ngày 12 tháng 10, ngày kết thúc hội nghị lần 2 thường niên, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cũng khai mạc Năm Đức Tin của Hội Thánh tại Việt Nam.
– Tại các giáo phận, Năm Đức Tin sẽ được khai mạc vào lễ Thánh Luca 18 tháng 10. Tôi tha thiết kính mời tất cả các cha và anh chị em hãy về cử hành Thánh lễ khai mạc Năm Đức Tin của Tổng Giáo Phận vào lúc 10 giờ 00 sáng ngày 18 tháng 10 năm 2012 tại Vương Cung Thánh Đường – Trung Tâm Hành Hương Các Thánh Tử Đạo Sở Kiện. Đây là một cuộc hành hương đức tin của toàn thể Tổng Giáo Phận tại một nơi lịch sử thánh thiêng đã ghi dấu các bậc tiền nhân của chúng ta trong đức tin. Tôi ước mong anh chị em giáo dân đại diện từ khắp các giáo hạt, giáo xứ và giáo họ đến tham dự sốt sắng Thánh lễ khai mạc này.
– Tại các giáo xứ và cộng đoàn, Năm Đức Tin sẽ được khai mạc vào Chúa Nhật Truyền Giáo, ngày 21 tháng 10.
Sau đây tôi xin được trình bày và giải thích những điểm chính yếu của Năm Đức Tin trong Tổng Giáo Phận chúng ta:
1. Tại sao lại có Năm Đức Tin?
Năm 2012 là năm kỷ niệm 50 năm khai mạc Công Đồng Vatican II (11/10/1962–2012) và kỷ niệm 20 năm sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo được phát hành (11/10/1992–2012). Các văn kiện của Công Đồng minh định đức tin và Sách Giáo Lý là bản toát yếu đức tin chính thức của Hội Thánh, là chuẩn mực cho người Kitô hữu hôm nay sống đức tin và chia sẻ đức tin với người khác.
Hơn nữa, như Đức Thánh Cha đã nhận xét: “trong rất nhiều lãnh vực xã hội hôm nay, giáo lý đức tin Kitô giáo hầu như không được đón nhận nữa, vì có cuộc khủng hoảng đức tin nơi nhiều người” (Cánh Cửa Đức Tin, số 2). Vì thế, việc học hỏi, cử hành và truyền bá đức tin ngày càng trở nên cần thiết. Giáo Hội muốn mọi người và mọi cộng đoàn tận dụng thời gian quý báu này để “khám phá lại hành trình đức tin hầu làm sống lại niềm vui và lòng hăng say nhiệt thành được đổi mới nhờ gặp gỡ Đức Kitô” (Ibid.).
2. Phải làm gì với Năm Đức Tin?
Theo tự sắc Cánh Cửa Đức Tin (11/10/2011) và theo hướng dẫn của Bộ Giáo Lý Đức Tin (6/1/2012), Giáo Hội sẽ cử hành Năm Đức Tin theo cấp hoàn cầu, toàn quốc, giáo phận, giáo xứ và cộng đoàn hay cá nhân:
2.1 Trước hết sẽ học hỏi đức tin. Chúng ta cần học hỏi, đào sâu, cập nhật để sống và để chia sẻ đức tin với mọi người trong xã hội hôm nay vì có lúc đức tin của chúng ta có thể đã được trình bày hay tiếp thu chưa chính xác và đầy đủ. Tòa Thánh mời gọi chúng ta hãy đào sâu học hỏi Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo và các văn kiện của Công Đồng Vatican II. Tòa Thánh khuyến khích khai triển các tài liệu này dưới nhiều hình thức khác nhau, theo nhiều trình độ khác nhau, cho các đối tượng khác nhau như các khóa học, các buổi nói chuyện và trao đổi, các bài giảng, sách báo và phim ảnh ... cho linh mục, chủng sinh, tu sĩ, giáo dân, giới trẻ, những người thiện chí muốn đối thoại, v.v...
2.2 Sau đó là cử hành đức tin. Đức Thánh Cha kêu gọi chúng ta: “hãy tìm cách làm cho việc tuyên xưng Kinh Tin Kính một cách công khai trong Năm Đức Tin này” (Cánh Cửa Đức Tin, số 9). Chúng ta phải tăng cường việc cử hành đức tin trong phụng vụ đặc biệt là trong Thánh lễ, vốn là nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Giáo Hội và mỗi tín hữu (x. Vatican II, Hiến chế về Phụng Vụ, số 10). Ngoài ra, còn có những việc cử hành đức tin khác trong các nghi thức phụng vụ, những việc đạo đức như tôn kính Đức Maria - gương mẫu của đức tin, hành hương kính các thánh Tử đạo - chứng nhân của đức tin, những kinh nguyện đọc chung hay riêng... Tất cả đều là những hành vi tuyên xưng đức tin cách tập thể hay cá nhân, có nền tảng trong Thánh Kinh và lịch sử, rất có tác động trên đời sống chúng ta. Trong năm nay, chúng ta sẽ cử hành phụng vụ và những việc đạo đức này với đức tin và sốt sắng hơn, nhất là phải tránh những hình thức cử hành có thể dẫn đến hiểu sai về đức tin Kitô giáo.
2.3 Cuối cùng là sống và làm chứng đức tin. Khi nói: “đức tin không có việc làm là đức tin chết,” thánh Giacôbê muốn nhấn mạnh tới đời sống luân lý và chứng tá của người tín hữu (x. Gc 2,17). Thật vậy, bởi thực hành Lời Chúa, các tín hữu sẽ không còn là những kẻ phụng thờ Chúa bằng môi miệng (x. Mt 7,21-27), mà sẽ làm cho mình và người khác hiểu một cách đúng đắn và sống động giáo lý đức tin, vì trong xã hội bị tục hóa và Kitô giáo chỉ là thiểu số, nội dung đức tin thường không dễ dàng được hiểu và đón nhận bởi nhiều người. Do đó, thực hành bác ái được Giáo Hội coi là một lời làm chứng rất truyền thống, căn bản và hữu hiệu lớn lao (x. Đức Bênêđictô XVI, Thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu, 2005, phần II). Chúng ta hãy tiếp tục sống bác ái một cách cụ thể như thư Mùa Chay năm nay của Đức Thánh Cha đã dạy: “Chúng ta hãy quan tâm đến nhau để khích lệ nhau trong đức bác ái và trong việc lành” (Dt 10,24).
3. Phải cử hành Năm Đức Tin với tâm tình và thái độ nào?
3.1 Trước hết là với tâm tình vui tươi vì được gặp gỡ Đức Kitô, được hiểu biết Ngài, được kinh nghiệm sống với Ngài và được làm chứng về Ngài (x. Cánh Cửa Đức Tin, số 2), vì ngài là Đấng Cứu Độ duy nhất của trần gian, “là nguồn gốc và tận điểm của đức tin: nơi ngài mọi sóng gió và khát vọng của tâm hồn con người được hoàn tất” (Ibid., số 14).
3.2 Thứ hai là với tâm tình hiệp thông và xây dựng, vì bất cứ lúc nào và ở đâu, mỗi khi gặp gỡ Đức Kitô, hiểu biết Ngài, sống và làm chứng về Ngài, chúng ta đều sống trong niềm tin của Giáo Hội, dưới sự hướng dẫn và trợ giúp của Hội Thánh, là Thân Thể mầu nhiệm của Chúa Kitô. Mỗi người chúng ta hãy dấn thân xây dựng một giáo xứ và một giáo phận yêu thương và hiệp nhất. Hãy cố gắng mang lại sự hòa giải và đoàn kết nơi các giáo xứ và giáo họ đang có sự hiềm khích hay bất hòa với nhau vì Chúa Kitô đã dạy chúng ta “cứ dấu này người ta sẽ nhận ra các con là môn đệ của thầy, đó là các con hãy yêu thương nhau” (Ga 13, 35).
3.3 Thứ ba là với tâm tình truyền giáo và phục vụ vì cuộc gặp gỡ nào với Đức Kitô – cá nhân hay trong Giáo Hội – đều trở thành những khởi điểm cho chúng ta đến với người khác để yêu thương và phục vụ. Vì thế Hội Thánh khai mạc Năm Đức Tin bằng việc tổ chức một Thượng Hội Đồng Giám Mục bàn về việc Tân Phúc-âm-hóa để loan truyền đức tin Kitô giáo từ ngày 07 đến 28 tháng 10. Các cha và anh chị em hãy cố gắng tái truyền giáo cho những giáo xứ hay giáo họ đã bị mai một về đức tin và hãy thiết thực đối phó và giúp các bạn trẻ đang bị lung lạc đức tin trước những trào lưu xã hội và các giáo phái. Chúng ta hãy đẩy mạnh việc huấn luyện giáo lý viên tại mỗi giáo xứ, dạy giáo lý cho trẻ em và hãy giúp các dự tòng có được đức tin nhờ vào cử hành các nghi thức gia nhập Kitô giáo theo từng giai đoạn.
3.4 Sau cùng, nhưng cũng là trên hết, chúng ta được mời gọi cử hành Năm Đức Tin này vừa với tâm tình phó thác cho Đức Trinh Nữ Maria và các đấng tiền bối trong đức tin, với tâm tình học tập và noi gương các ngài (x. Cánh Cửa Đức Tin, số 13). Tháng Mười trong Năm Đức Tin chúng ta tôn vinh Đức Maria cách đặc biệt như gương mẫu đức tin của Hội Thánh. Hơn ai hết, Đức Maria đã tin vào lời sứ thần Gabrien nói với mình để chấp nhận làm Mẹ Chúa Cứu Thế dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Đức Maria còn mời gọi chúng ta tin vào kế hoạch cứu độ của Chúa, khi bảo các gia nhân ở tiệc cưới Cana làm theo lời Đức Giêsu. Mẹ còn làm gương cho chúng ta bằng cách đồng hành với Đức Giêsu trên mọi nẻo đường để thông hiệp vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Đặc biệt, Mẹ muốn chúng ta cùng sống đức tin một cách kiên trì trong những thử thách của đời mình khi theo Chúa Giêsu trên đường thánh giá để tiến về sự phục sinh.
Vậy, hớn hở bước vào Năm Đức Tin “chúng ta hãy cởi bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình và hãy kiên trì bước vào cuộc đua dành cho ta, mắt hướng về Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin” (Dt 12,1-2).
Kính chúc quý cha và anh chị em một Năm Đức Tin, cũng là một Năm Tái Truyền Giảng Tin Mừng, đầy ân sủng và hân hoan trong Đức Kitô Chúa chúng ta.
Thân ái trong Chúa Kitô,
(đã ký và đóng dấu)
+ Phêrô Nguyễn Văn Nhơn
Tổng Giám Mục Hà Nội
+ Lôrenxô Chu Văn Minh
Giám Mục Phụ Tá
bài liên quan mới nhất
- Tại sao người Công giáo cúi đầu mỗi khi nghe Danh thánh Chúa Giêsu
-
Những ngày cuối cùng của Năm Đức Tin -
Những cái lắc tay dễ thương – Cảm nhận sau khi tham dự buổi Cử hành Năm Đức Tin của anh chị em khiếm thị và khiếm thính -
Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 48. Trân trọng sự sống -
Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 47. Hôm nay và mãi mãi -
Tìm hiểu Sách GLHTCG – Phần II: Các bí tích - Bài 46. Bí tích Hôn phối -
Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 45. Thừa tác vụ linh mục -
Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 44. Thừa tác vụ giám mục -
Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 43. Bí tích Truyền chức thánh -
Tìm hiểu Sách GLHTCG – Phần II: Các bí tích - Bài 42. Bí tích Xức dầu bệnh nhân
bài liên quan đọc nhiều
- Tại sao người Công giáo cúi đầu mỗi khi nghe Danh thánh Chúa Giêsu
-
Giáo lý Thánh Kinh: Bài 7 - Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa -
Tìm hiểu Sách GLHTCG - Bài 25. Thiên Chúa thật và người thật -
Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 31. Thánh lễ là hy tế -
Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 24. Ân sủng của bí tích Rửa tội -
Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 27. Ân sủng của bí tích Thêm sức -
Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 33. Sự hiện diện của Đức Kitô trong bí tích Thánh Thể -
Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 45. Thừa tác vụ linh mục -
Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 43. Bí tích Truyền chức thánh -
Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 47. Hôm nay và mãi mãi